Dịch giả: Vũ Đình Phòng
Chương năm

     rên phòng ăn, cậu con trai mười hai tuổi đang nêu lên một chân lý khoa học khác:
- Các muối chì dễ tan trong nước lạnh hơn là trong nước nóng.
Cậu chờ phản ứng của mẹ cậu, đúng ra cậu cũng không tin mẹ cậu sẽ phản ứng thế nào. Từ lâu cậu đã có định kiến các bậc cha mẹ thường là những người đáng ngán. Cậu nói tiếp:
- Mẹ có biết như thế không?
- Không, con ạ. Mẹ có hiểu gì về hóa học đâu.
- Mẹ đọc sách thì khắc hiểu.
Đó là một lời khuyên khôn ngoan nhưng Gerda không quan tâm. Chị đang khổ tâm về một định mệnh sắp rơi xuống đầu và đè bẹp chị. Sáng nay mới thức dậy Gerda đã cảm thấy nỗi bất hạnh chị thầm nghĩ cái ngày mình sợ nhất vậy là đã đến. Chỉ vài tiếng đồng hồ nữa thôi, chị sẽ phải rời khỏi London để nghỉ cuối tuần tại thái ấp của hai ông bà Huân tước Angkatell.
Đối với Gerda, những ngày sống ở thái ấp Thung Lũng là cả một cơn ác mộng kéo dài. Đến đây chị sẽ như người thừa. Người đáng sợ nhất trong những người Gerda sẽ gặp ở đấy là Huân tước phu nhân Lucy Angkatell. Bà phu nhân già này hết sức lịch sự, niềm nở với chị, nhưng bà ấy có lối nói chuyện như súng bắn, liên tục không ngừng, hết chuyện này dọ sang chuyện khác. Ngoài bà Lucy ra, những người khác không đến nỗi nào. Dù sao, những ngày nghỉ ở thái ấp Thung Lũng, đối với Gerda cũng là cả một cuộc tra tấn. Chị chịu đến đấy chỉ vì tình yêu đối với John.
Bởi sáng nay, thức dậy, John đã nói toạc ra nỗi sung sướng của chàng:
- Thật sung sướng khi nghĩ rằng chỉ lát nữa thôi sẽ được rời khỏi London! Ra ngoài trời sẽ tốt cho sức khỏe của em lắm đấy, Gerda! Em rất cần không khí trong lành miền quê.
Gerda đã cố gượng cười, trả lời bằng giọng làm như chân thành, rằng chị rất sung sướng được đến thái ấp Thung Lũng. Nói xong, Gerda đưa cặp mắt buồn rầu nhìn khắp gian phòng ngủ này. Mắt chị dừng lại chỗ chiếc bàn trang điểm bằng gỗ gụ, trên có tấm gương soi không lúc nào chịu đứng đúng vị trí đáng ra của nó, rồi chuyển xuống tấm thảm màu xanh da trời vui tươi, lên những bức tranh khắc gỗ miêu tả phong cảnh vùng Hồ, đến tất cả những đồ đạc thân yêu mà chị phải rời xa cho đến Thứ hai mới được gặp lại.
Sáng mai, một cô hầu phòng lạ lẫm sẽ bước vào gian phòng nơi Gerda ngủ, đặt lên bàn đầu giường chiếc khay đựng thức ăn điếm tâm, sẽ kéo rèm cửa sổ ra, rồi làm cái công việc Gerda khó chịu nhất, gấp những áo quần hai vợ chồng chị vắt trên lưng ghế. Gerda sẽ phải cắn răng chịu đựng tất cả những cái đó, và để tự an ủi, chị phải nhẩm liên tục câu: “Chỉ phải chịu đựng một ngày nữa thôi!”. Giống như thuở nhỏ, mỗi khi chị nhẩm tính từng ngày.
Hồi nhỏ, Gerda không thấy sung sướng khi ở nhà, nhưng chị còn khổ sở hơn khi ngồi trong lớp học. Các bạn của Gerda, đều nhanh nhẹn, hoạt bát, tháo vát hơn chị. Họ không ghét Gerda, nhưng họ không giữ kín những ý nghĩ coi thường chị. Gerda như còn nghe thấy những câu hồi ấy họ nói với chị:
- Nhanh nhanh lên chứ, Gerda!
- Thôi đưa đây, để mình làm cho!
- Đừng giao cho con Gerda làm việc ấy, nó chậm chạp và vụng về lắm!
Sự việc cứ tiếp diễn cho đến lúc Gerda tìm ra lối thoát. Từ đó, mỗi khi có ai nói:
- Ôi, Gerda, sao mày ngu thế, có vậy mà mày không hiểu! Gerda mở to mắt làm ra vẻ sợ hãi nhưng trong thâm tâm, chị thấy mình hơn hẳn họ. Chị đâu có ngu như họ tưởng. Cũng từ đấy, mỗi khi Gerda làm ra vẻ như không hiểu, thật ra chị hiểu rất rõ. Thoạt đầu thủ pháp ấy làm Gerda thích thú, coi như một trò chơi. Chị thấy mình biết hơn bạn bè tưởng rất nhiều và chị thừa sức hoàn thành tốt những việc mà bạn bè đinh ninh chị không làm nổi.
Về sau Gerda phát hiện ra thêm, là dùng thủ pháp giả vờ ngu dốt như vậy có rất nhiều cái lợi. Người khác làm hộ chị những việc đáng ra chị phải làm, khiến chị càng nhàn. Cuối cùng, nhờ thủ pháp đó, Gerda không phải làm gì hết. Mọi việc đều được người khác làm hộ, vì họ đinh ninh rằng nếu để Gerda làm chỉ hỏng việc. Trong khi đó Gerda không hề cảm thấy mình thua kém ai...
Tất nhiên Gerda không thể áp dụng thủ pháp này với các thành viên trong dòng họ Angkatell, vì họ là những người thật sự cao hơn chị, gần như thuộc một “loại người khác”. Cho nên Gerda căm ghét họ. Khốn nỗi John lại thích đến với họ. Mỗi lần đến với họ về, chàng tươi tỉnh, thoải mái, bớt cáu gắt hơn trước trong một thời gian...
John yêu quý! Chàng quả là một con người hoàn hảo. Ai cũng công nhận như vậy. Chàng là một thầy thuốc rất tốt với bệnh nhân, tận tụy, quên mình vì công việc, quan tâm không chỉ đến các bệnh nhân khách hàng của chàng mà mọi bệnh nhân nghèo khổ trong bệnh viện. John không vụ lợi, chàng là một bác sĩ giỏi và cao thượng.
Ngay từ lúc mới quen biết, Gerda đã nhận thấy John là người đàn ông đáng quý và chàng sẽ thành một “ông chủ”. John đã chọn Gerda trong khi chàng có thể chọn một đám hơn chị nhiều. Gerda không đep lắm, không thông minh lắm, nhưng; John không cần quan tâm đến những điều đó. Chàng nói với Gerda: “Em đừng lo, lúc nào anh cũng ở bên em và lo lắng cho em!”. Tất nhiên đó là bổn phận của bất cứ người chồng nào đối với vợ. Và điều tuyệt diệu là chàng đã chọn Gerda, chọn chị.
Quả là John có nói với Gerda rằng chàng có tính chỉ làm theo ý mình, nhưng điều đó không làm Gerda quan ngại. Không bao giờ Gerda cưỡng lại ý chồng mà một mực phục tùng chàng trong mọi thứ. Ngay cả thời gian gần đây khi John thay đổi tính tình, hay cáu kỉnh, nhìn thấy cái gì cũng tỏ vẻ khó chịu, Gerda vẫn không oán trách chồng. Chị cho rằng tại John làm việc nhiều quá, các bệnh nhân bắt chàng phải suy nghĩ quá nhiều để tìm cách chữa trị cho họ.
Còn đĩa đùi cừu kia? Lạy Chúa, mình phải làm thế nào bây giờ? Hay bảo nhà bếp mang xuống đặt vào lò vậy? Vì mãi vẫn chưa thấy John lên Gerda cảm thấy rất khổ sở, không biết nên chon giải pháp nào? Bảo nhà bếp mang đi hay cứ để đĩa đùi cừu lại đây? Rồi còn kỳ nghỉ cuối tuần chết tiệt kia nữa! Gerda thấy đầu mình váng lên. Chị thấy hoa mắt và nhức hai bên thái dương. Hay mình ốm? Lại còn thêm chuyện ấy nữa! John không bao giờ cho vợ dùng thứ thuốc nào bao giờ. Mà chàng là bác sĩ, khó gì việc kê đơn đâu? Nhưng John không muốn. Chàng luôn bảo Gerda: “Em cứ mặc, đừng quan tâm đến những trục trặc, nhỏ ấy! Anh không muốn đầu độc em bằng những thứ hóa chất này nọ. Tốt nhất là em xuống phố dạo chơi một lát!”.
Cái đùi cừu! Gerda chăm chăm nhìn đĩa đùi cừu rán. Đầu óc chị chỉ còn nghĩ được về nó. Đùi cừu... đùi cừu... đùi cừu...
Nước mắt chực trào ra. Tại sao lúc nào mình cũng sai sót nhỉ? Tại sao không bao giờ mình làm được thứ gì trọn vẹn, chính xác?
Cậu con trai mười hai tuổi cũng nhìn đĩa đùi cừu đang lạnh dần. Cậu thầm nghĩ: “Tại sao mẹ vẫn chưa cho ăn nhỉ? Người lớn đúng là ngu ngốc. Không biết quyết định cho chính xác”. Cậu nói to lên:
- Con với thằng Nicholson sẽ làm thí nghiệm điều chế nitroglycerine trong nhà trồng rau lợp kính của ba nó ở Streatham.
- Thật à, con yêu quý! Thế là rất tốt đấy!
Gerda vẫn nghĩ về đĩa đùi cừu. Chắc John chưa lên ngay đâu. Mình phải gọi nhà bếp mang xuống đặt vào lò mới được...
Cậu con trai ngạc nhiên nhìn mẹ. Cậu cho rằng việc điều chế nitroglycerine đâu phải loại công việc các bậc bố mẹ khuyến khích con cái làm? Nhưng mẹ mình có biết nitroglycerine là cái gì đâu? Cậu thở dài: trong cái nhà này cậu chẳng biết tâm sự với ai, Ba lúc nào cũng bận việc. Mẹ thì không lúc nào chịu nghe cậu nói. Còn em gái cậu thì quá nhỏ, chưa biết gì. Mà cậu thì rất thích làm thí nghiệm.
Cạch! Gerda giật thót người. Cửa phòng làm việc dưới nhà đóng sập lại và tiếng chân John bước lên thang gác.
John bước nhanh vào phòng như một luồng gió. Không khí trong phòng ăn thay đổi hẳn. John đem vào sự sống động. Có vẻ chàng đang phấn khởi. John vừa ngồi xuống vừa kêu lên:
- Sao anh thấy ghê tởm đám bệnh nhân đến thế?
- Anh đừng nói thế, rồi các con lại tưởng là ba chúng nói thật!
Giọng Gerda có vẻ đôi chút trách móc. John đáp:
- Anh nói thật đấy chứ! Giá như trên đời không có bệnh nhân thì tốt biết bao nhiêu!
Lo ảnh hưởng đến con trai, Gerda vội nói ngay:
- Ba nói đùa đấy!
Cậu con trai nói giọng nghiêm nghị:
- Con cũng có tin là ba nói thật đâu?
Gerda cười, nói thêm:
- Nếu anh ghê tởm bệnh nhân, anh đặ chẳng chọn nghề bác sĩ.
John đặt xuống bàn miếng đá mài nhỏ chàng vừa liếc lưỡi dao ăn lên đó. Chàng nói:
- Bọn bác sĩ chúng ta chọn nghề y chính vì ghê tởm bệnh nhân.
Rồi chuyển thái độ, chàng nói tiếp:
- Ôi, sao món đùi cừu lạnh tanh thế này? Sao em không bảo nhà bếp cứ để trong lò, lúc nào ăn mới lấy ra?
- Em tưởng anh sắp lên cho nên...
John giận dữ nhất nút chuông gọi nhà bếp. Chị nấu bếp chạy lên. John nói:
- Chị đem xuống rán lại!
- Vâng!
Trong giọng trả lời của chị nấu bếp có chút hỗn hào. Tuy chỉ là “vâng” nhưng như thế chị ta trách bà chủ ngồi đấy mà sao không bảo rán lại từ nãy. Gerda nói:
- Lỗi tại em! Lúc đầu em tưởng anh đã khám xong, sắp lên, rồi mãi không thấy anh lên, em mới nghĩ...
John ngắt lời vợ:
- Không nói thêm nữa! Chuyện có gì quan trọng đâu? Xe ô-tô đến chưa?
- Chắc đến rồi.
- Nếu vậy ăn xong ta đi ngay.
John hình dung ra lộ trình sắp đi: chàng dự định đến Đại Lộ Purley sẽ phải, theo con đường ngoại thành, rồi khi qua Commerton, sẽ phóng thẳng ra miền quê. John như đã nhìn thấy hai hàng cây bên đường, ngửi thấy mùi hương mùa thu...
Hai ông bà Henry và Lucy... Henrietta...
Đã bốn ngày nay John không gặp Henrietta. Trong lần gặp nhau cuối cùng, chàng đã gắt lên với nàng. Lại một lần nữa Henrietta nhìn chàng bằng cặp mắt rất lạ mà chàng không sao miêu tả nổi, cặp mắt như xa vắng, như nhìn đi tận đâu đâu, tuy không biết nàng nhìn cái gì, nhưng chắc chắn không phải nhìn chàng.
John thầm nghĩ: “Henrietta là nghệ sĩ và có tài. Nhưng giá thỉnh thoảng nàng chịu quên đi nghệ thuật mà chú ý đến mình, chỉ nghĩ đến một mình mình thôi thì hay biết mấy!”.
John biết mình vô lý. Vì thật ra Henrietta nói rất ít về công việc của bản thân nàng. John phải thừa nhận rằng Henrietta nói về công việc sáng tạo nghệ thuật ít hơn nhiều so với những nghệ sĩ chàng quen biết. Nàng chỉ nói về ý đồ sáng tác của nàng khi ý đồ đó quá mạnh, xâm chiếm toàn bộ tâm trí nàng, và khi đó nàng như quên hẳn là có John trước mặt. Chàng chấp nhận điều đó nhưng vẫn thấy khó chịu.
Một lần, John nghiêm giọng hỏi liệu nàng có dám vứt bỏ mọi thứ, nếu như chàng yêu cầu không?
Henrietta ngạc nhiên hỏi lại:
- Anh bảo “mọi thứ” nghĩa là sao?
- Tất cả những thứ này!
John ân hận đã đưa ra câu hỏi ngu ngốc ấy, nhưng chàng vẫn khoát tay ý nói mọi thứ xung quanh đây, trong cái xưởng họa này. Trong lúc làm cử chỉ đó, John thầm nghĩ: “Đúng ra nàng phải trả lồi là ‘dám’, cho dù mình biết có thể đó là nàng nói dối, nhưng mình vẫn mong được nghe nàng nói dối như thế”.
Henrietta im lặng một lúc lâu. nhìn đi tận đâu xa lắc, rồi nói:
- Em có thể dám làm thế, nếu đó là cần thiết!
- Cần thiết? Nghĩa là sao?
- Nói thế nào để anh hiểu nhỉ? Cần thiết nghĩa là... giống như... thí dụ khi cần phải cắt bỏ một bộ phận nào đó trong cơ thể...
- Vậy là em quan niệm việc đó giống như một ca phẫu thuật?
- Anh giận em đấy à? Vậy anh muốn em trả lời anh thế nào?
- Em thừa biết anh muốn em trả lời thế nào rồi. Chỉ một chữ là đủ: “Dám!”... Tại sao em không nói ra cái chữ ấy? Hàng ngày em nói ra hàng đống câu để vừa lòng người khác, vậy mà để vừa lòng anh, chỉ cần một chữ em cũng không chịu nói ra! Tại sao?
- Em không biết, John!... Em không thể, chỉ có vậy thôi! Em không thể...
John đi đi lại lại một lúc trong xưởng hoạ, rồi chàng nói:
- Em làm anh đến phát điên mất thôi, Henrietta! Anh có cảm giác anh không thể tác động vào em được một chút nào!
- Tại sao anh lại muốn tác động vào em?
- Anh không biết, nhưng anh muốn thế! Anh muốn là người thứ nhất!
- Thì anh chính là người thứ nhất đấy thôi, John!
- Không phải. Nếu anh chết, trong lúc hai má em còn đẫm nước mắt, việc đầu tiên em sẽ làm là tạc pho tượng một phụ nữ mặc đồ tang hoặc một biểu tượng của Nỗi Đau Thương!
Henrietta nói, rất chậm rãi:
- Có lẽ anh nói đúng!... Mà anh nói đúng đấy!... Nhưng nếu vậy, quả là khủng khiếp!
Rồi mắt nàng ánh lên vẻ sợ hãi.
Món bánh táo bị cháy. Gerda vội vã xin lỗi.
- Ôi, cháy mất rồi! Em rất tiếc... Nhưng sao em lại để trong lò lâu như thế được nhỉ? Lỗi ở em! Anh để em ăn chỗ cháy ở trên cho...
John không đáp. Bánh bị cháy chỉ vì chàng đã nán lại dưới phòng khám quá lâu so với cần thiết, đã mơ màng, nhớ lại hình ảnh của Henrietta, của bà Crabtree, nhớ lại những kỷ niệm về thời gian nghỉ hè ở thị trấn San Miguel bên bờ Địa Trung Hải. Lỗi là ở John, chỉ ở một mình chàng thôi, vậy mà chàng vẫn làm cái hành động ngu xuẩn là bướng bỉnh ăn một góc phần cháy ở bên trên của chiếc bánh. Chàng cô đóng vai tử đạo như thế để làm gì kia chứ? Mà tại sao thằng con trai chàng lại tròn xoe mắt nhìn ba nó thế kia? Còn đứa con gái nhỏ thì sụt sịt mãi không thôi. Tại sao cả mấy người đó đều lộ vẻ sợ hãi như vậy?
Cơn giận dữ của John cuối cùng đổ lên đầu đứa con gái nhỏ:
- Con không thể lấy khăn sỉ mũi được à?
Gerda chen vào:
- Anh ạ, hình như con nó bị sổ mũi...
- Không phải! Tại sao lúc nào em cũng nghĩ con nó bị cái này cái nọ nhỉ? Nó không sổ mũi gì hết!
Gerda thở dài. Chị không sao hiểu nổi, tại sao John là bác sĩ, suốt năm này sang năm khác chữa bệnh cho mọi người, vậy mà không bao giờ chịu quan tâm đến bệnh tật của vợ con. Chồng chị không bao giờ chịu nhận là trong gia đình có ai bị bệnh.
Đứa con gái nhỏ lấy giọng nghiêm trang tuyên bố, sáng nay nó hắt hơi liền tám cái.
John đứng bật dậy:
- Mọi người ăn xong rồi chứ?... Vậy thì ba mẹ đi đây!... Em chuẩn bị xong cả rồi chứ?
- Anh đợi em một phút thôi, John! Em lấy thêm một vài thứ...
John trách vợ là chị làm gì suốt cả buổi sáng nay mà không chuẩn bị cho chu đáo? Nói xong chàng cáu kỉnh bước nhanh ra khỏi phòng ăn Gerda vội vã chạy sang phòng ngủ. Nhưng càng luống cuống, chị càng làm chậm.
Tại sao cô ta không chuẩn bị đầy đủ từ trước? Lần nào cũng vậy, vụng về, luộm thuộm. Những thứ John cần mang theo thì chàng đã chuẩn bị sẵn sàng và để ngoài sảnh, chỉ cần nhấc lên là đi được.
Lát sau Gerda hấp tấp chạy ra sảnh, nói với chồng rằng chị đã sẵn sàng.
- Vậy ta đi thôi, Gerda. Hai con ở nhà ngoan nhé!