Dịch giả: Vũ Đình Phòng
Chương bốn

     rên tầng hai, trong phòng ăn, Gerda Christow đăm đăm nhìn đĩa đùi cừu rán, không biết mình phải làm gì? Có nên bảo nhà bếp đem xuống đưa vào lò hâm lại không?
Nếu John lên chậm thêm một lúc nữa, món đùi cừu sẽ nguội tanh, nhưng nếu chồng chị lên ngay bây giờ - mà Gerda đã nghe thấy tiếng bệnh nhân cuối cùng ra về, tiếng cửa khép lại - và như thế chị lại đã đưa xuống nhà bếp thì thế nào anh ấy cũng gắt um lên: “Em thừa biết anh đã xong việc và sắp lên kia mà!”. John sẽ nói bằng cái giọng Gerda rất sợ... Chưa kể, lúc đem món đùi cừu lên, thấy thịt khô quá, John cũng sẽ lại nhăn nhó. Mà nếu cứ để như thế này thì cũng không được, vì John rất ghét ăn đồ nguội lạnh...
Gerda chưa biết nên chọn giải pháp nào và chị rất đau khổ. Đối với Gerda, toàn vũ trụ chỉ thu gọn lại trong đĩa đùi cừu rán kia thôi, và nó đang lạnh dần...
Ngồi đầu bàn bên kia, cậu con trai mười hai tuổi tuyên bố chất borate cháy cho ngọn lửa xanh lục còn chất chlorure sodium cháy cho ngọn lửa màu vàng. Gerda quay nhìn khuôn mặt đầy tàn nhang của cậu con trai. Chị không hề có nhận thức nào về câu tuyên bố của nó.
- Mẹ biết điều đó chứ ạ?
- Điều gì, con?
- Điều con vừa nói ấy, về các muối ấy!
Gerda đưa mắt nhìn lọ muôi. Nó vẫn nằm đấy. Cả lọ hạt tiêu. Tuần trưốc, một hôm chị nấu bếp quên đặt hai lọ đó lên bàn ăn đã khiến John nhăn nhó, kêu nhà bếp cẩu thả. Lúc nào chồng chị cũng thấy có điều gì đó làm chàng cáu kỉnh...
Cậu con trai vẫn nói tiếp:
- Đấy là kết quả thí nghiệm hóa học. Con thấy điều đó hết sức lý thú!
Con bé em, lên chín, thở dài rất to.
- Con đói lắm, mẹ! Hay cứ ăn đi ạ!
- Con chịu khó chờ một chút nữa thôi. Phải đợi ba lên cùng ăn chứ!
Cậu con trai nói:
- Nhưng ta ăn trước cũng không sao, ba không giận đâu. Ba ăn rất nhanh ấy mà!
Gerda không trả lời.
Phải chặt nhỏ cái đùi cừu ra chứ nhỉ? Tất nhiên rồi, nhưng chặt theo kiểu nào? Gerda vẫn chưa nhớ ra John thích chặt dọc thớ hay ngang. Và nếu Gerda chặt theo cách trái ý với John, anh ấy sẽ lại cáu kỉnh. Gerda thấy mình hết sức đau khổ, lúc nào chị cũng phạm một sai sót nào đó, cho dù chị đã cố gắng hết sức. Rồi đĩa nước sốt cũng lại đang đông dần. Đến phải bảo nhà bếp đem món đùi cừu và đĩa nước sốt xuống hâm lại thôi. Nhưng nếu họ vừa đem đi thì John lên? Chồng chị rất ghét phải chờ...
Đầu óc Gerda quay cuồng...
Dưới nhà, John vẫn ngả lưng trên thành ghế, không nhúc nhích. Chàng lơ đãng gõ các ngón tay lên mặt bàn. John biết bàn ăn đã bày xong từ lâu, đang chờ chàng lên để bắt đầu ăn, nhưng chàng khồng sao đứng lên được.
Thị trấn San Miguel... mặt biển xanh ngắt... mùi hoa mi-mô-da... nắng chói chang... những hạt bụi mùa hè bay lơ lửng trong không trung... tình yêu... nỗi đau khổ...
John lẩm bẩm:
- Không! Không! Không đời nào mình quay lại cái quá khứ ấy! Mọi thứ đã xong, đã kết thúc từ lâu rồi.
John ngạc nhiên thấy bỗng nhiên chàng lại ao ước giá như mình không quen Veronica, không lấy Gerda và không gặp Henrietta...
Bà Crabtree, chỉ một mình bà ấy có giá trị bằng tất cả các phụ nữ kia cộng lại. Tuần trước, bà ấy bị đau đớn cả một buổi chiều. John rất hài lòng về bà ấy. Bà Crabtree đã dũng cảm để chàng thí nghiệm phương pháp điều trị chàng nghĩ ra, vậy mà đột nhiên bệnh tình bà xấu hắn đi. Phản ứng D. L. cho đến nay vẫn dương tính, đột nhiên hôm ấy lại âm tính. Bà Crabtree nằm trên giường bệnh, mặt tái nhợt như không còn một giọt máu, hơi thở hổn hển, vậy mà vẫn nheo mắt nhìn John, nói vui:
- Tôi thay con chuột bạch làm vật thí nghiệm cho ông, phải không bác sĩ Christow? Ông lại mới thực hiện một thí nghiệm mới chứ gì?
John cười với bà ấy:
- Chúng tôi muốn chữa cho bà khỏi bệnh.
Bà Crabtree nhăn mặt nói:
- Và ông muốn xem hiệu quả phương pháp mới ay chứ gì?... Ôi, không sao đâu, bác sĩ cứ việc thí nghiệm. Vì nếu không phải tôi thì cũng phải có một người nào đó để bác sĩ thử chứ, đúng không nào?... Hồi tôi còn nhỏ, người ta đã dùng tôi làm một vật thí nghiệm thường xuyên ở bệnh viện. Hồi đó ngừời ta mới bắt đầu dùng người để thí nghiệm và công việc không dễ dàng chút nào! Có lần tôi đã rụng hết cả tóc!... Nhưng tôi lại thấy thú vị!... Và nếu bác sĩ thấy cần thí nghiệm một phương pháp điều trị nào, ông cứ thí nghiệm trên cơ thể tôi! Tôi chịu được mà!
John lấy mạch bà Crabtree, chàng muốn truyền sang bà ấy một phần sinh khí của chàng. Chàng nói:
- Bà thấy trong người có khó chịu lắm không?
Bà Crabtree đã trả lời:
- Bác sĩ hỏi thế để biết phản ứng ra sao chứ gì? Có nghĩ kết quả đã không như ông dự tính! Nhưng ông đừng thất vọng. Cứ tiếp tục nghiên cứu theo hướng hiện nay đi, đừng ngại gì hết, một khi ông tin rằng đó là phương pháp tốt...
John đã cười:
- Bà đúng là con người đáng kính phục, thưa bà Crabtree! Nếu như mọi bệnh nhân của tôi đều được như bà thì tôi sung sướng biết mấy!
Hôm ấy bà Crabtree đã nói tiếp:
- Cái chính là tôi muốn khỏi bệnh và nhất định tôi sẽ khỏi! Mẹ tôi xưa thọ lắm, tám mươi tám tuổi mới mất còn ông ngoại tôi thì thọ đến chín mươi tuổi. Gia đình tôi ai cũng rất thọ!
Lúc ra khỏi phòng bệnh, John đâm nghi ngờ phương pháp điều trị chàng đề ra. Không biết chàng sai sót khâu nào? Vốn tự tin, John đinh ninh phản ứng sẽ tốt, nhưng kết quả lại cho thấy chàng đã lầm...
Chính lúc đó, lúc John đị xuống thang gác bệnh viên chàng bắt đầu thấy nỗi mệt mỏi khủng khiếp, xâm chiếm cơ thể chàng. John bỗng thấy ghét nghề y các công việc nghiên cứu thí nghiệm, và đầu óc chàng hướng sang Henrietta, không phải vì nàng là Henrietta, mà vì nàng xinh đẹp, trẻ trung, tươi mát, bởi cơ thể nàng tràn đầy sinh lực và niềm yêu đời, vì mái tóc nàng tỏa ra mùi hương đồng nội.
John gọi điện về nhà báo tin chàng phải đi khám cho một bệnh nhân ở ngoại ô thành phố London, rồi chàng đi thẳng đến nhà Henrietta. Vừa bước vào xưởng họa của nàng, chàng đã ôm ghì lấy nàng và cảm thấy tình yêu giữa hai người như có thêm một mãnh lực mới. Henrietta mở to đôi mắt ngạc nhiên nhìn John và nhanh nhẹn gỡ ra.
Trong lúc pha cà phê cho John, Henrietta đưa ra đủ thứ câu hỏi. Lúc đầu John không trả lời. Nàng hỏi có phải chàng đi thẳng từ bệnh viện đến đây không? Và chàng đã đến đây để làm gì? Nhưng John đã đến đây có nghĩa chàng muốn quên công việc, muốn quên bệnh viện, bà bệnh nhân Crabtree, căn bệnh Ridgeway, nghề thầy thuốc và mọi thứ khác. Chàng chỉ muốn được hưởng tình yêu với nàng.
Nhưng rồi dường như thấy ân hận mình đã có ý nghĩ chán chường đến như thế, John bắt đầu nói. Vừa đi đi lại lại trong xưởng hoạ, chàng vừa như thể giảng một bài về y học, nhấn mạnh những điểm quan trọng, đưa ra những giả định, thỉnh thoảng dừng lại để tìm một từ dễ hiểu hơn, thay thế cho từ chuyên môn.
John nói:
- Henrietta ạ, lẽ ra phản ứng phải khác...
- Phải dương tính chứ gì? Em hiểu! Đó là phản ứng D.L. Anh nói tiếp đi!
- Nhưng làm sao em biết được phản ứng D.L. là gì?
- Em đọc thấy trong một cuốn sách.
- Cuốn nào.
Henrietta lấy cuốn sách trên tủ ra đưa John. Chàng đỡ lấy, nói:
- Của Scobell à?... Tay này chẳng hiểu gì hết... Sai từ đầu đến cuối. Nếu em muốn tìm hiểu thì không nên...
Henrietta ngắt lời chàng:
- Không phải em muốn tìm hiểu về căn bệnh mà em chỉ muốn hiểu nghĩa của những từ ngữ chuyên môn để anh khỏi mất công giải thích chúng. Anh nói tiếp đi! Em đang rất chăm chú nghe anh nói...
Tuy còn hồ nghi, John đã thao thao suốt hai tiếng rưỡi đồng hồ. Chàng thuyết trình về các phân tích đưa ra các giả thuyết về điều trị, kiểm tra lại các suy nghĩ của bản thân. Trong khi sôi nổi nói, John hầu như không chú ý đến Henrietta, tuy vậy mỗi khi chàng ngừng lại, tìm một từ dễ hiểu thay cho một từ quá chuyên môn, nàng lại nhắc ra cái từ chuyên môn đó để chàng yên tâm thuyết trình tiếp. Vậy là John đã không lầm, hướng đi của chàng là đúng và chàng cần phải tìm tòi tiếp, theo hướng đó để tìm ra phương pháp điều trị căn bệnh kia, căn bệnh Ridgeway...
Nói xong một hồi, John mệt rã rời. Bây giờ mọi thứ đã rõ ràng trong trí óc và chàng thấy không còn phải hồ nghi gì nữa. Mai chàng sẽ gọi điện cho anh bạn, bảo anh ta cứ tiếp tục chuẩn bị hai dung dịch đã bàn và khi nào xong, tiếp tục cuộc thí nghiệm. Tất nhiên rồi! Đời nào chàng chịu đầu hàng một cách dễ dàng như vậy?
Lúc đó John đang ngồi trên đi-văng. Hai phút sau chàng đã thiếp ngủ mê mệt. Mãi sáng hôm sau John mới thức dậy. Henrietta đang pha trà. Hai người nhìn nhau cười:
John nói:
- Tiết mục ngủ vừa rồi nằm ngoài dự kiến!
Henrietta đáp:
- Có gì lạ đâu?
John đưa mắt nhìn tủ sách, mắt chàng dừng lại ở một điểm. Chàng nói:
- Nếu em quan tâm đến những vấn đề ấy, anh sẽ đưa cuốn khác cho em đọc.
- Em không quan tâm đến vấn đề nào hết, thứ em quan tâm chỉ là anh, John!
- Dù sao cũng đừng đọc sách của thằng cha Scobell. Hắn chỉ là một thứ lang băm.
John bật cười, nhưng không biết mình cười chuyện gì, bởi câu nhận xét về người bạn đồng nghiệp kia đâu có gì đáng cười.
John nhận thấy khi ngồi ở nhà Henrietta chàng luôn có những cử chỉ rất lạ. Và Henrietta rất hay chế giễu chàng về những câu chàng nói. Mà John không quen thấy người khác cười mình. Về Veronica thì không nói làm gì, cô ta chỉ nghĩ đến mỗi bản thân cô ta. Nhưng còn Gerda... Gerda lúc nào cũng kính cẩn nghiêm trang đối với chàng, không bao giờ cười giễu chàng. Vậy mà Henrietta... Lúc này nàng ngửa đầu tủm tỉm nhìn John như thể muốn nói: “Hãy nhìn anh chàng John kìa! Anh ấy mới ngộ nghĩnh làm sao!”.
John thầm nghĩ, thái độ kia rất giống thái độ khi Henrietta nhìn các tác phẩm điêu khắc của nàng. Trong nàng có một thứ giống như tự tách mình ra, ngắm nghía sự đời một cách hoàn toàn khách quan, cho phép nàng được tự do đánh giá mọi thứ. John rất không thích kiểu đánh giá đó. Chàng muốn Henrietta chỉ nghĩ đến chàng, chỉ làm mọi thứ vì chàng, chiều theo chàng.
Một giọng nói ma quái lại văng vẳng bên tai John: “Vậy là mi đòi ở Henrietta đúng cái điều mi trách cứ ở vợ mi!”.
John thừa nhận mình vô lý và không biết thật ra mình muốn cái gì. “Mình muốn về nhà mình!”. Câu kỳ quái ấy lại một lần nữa văng vẳng bên tai chàng. Một câu chẳng có ý nghĩa gì hết!
May thay chỉ một hoặc hai tiếng đồng hồ nữa John sẽ được lái ô-tô ra khỏi London, được quên đi tất cả các bệnh nhân, và hơi thở khăm khẳm của họ không còn làm khổ mũi chàng nữa. John sẽ được hít thở làn không khí đượm hương rừng mùa thơm ngát, sẽ được lao ô tô với tốc độ cao trên xa lộ và cảm thấy thần kinh dịu lại.
John chợt nhớ ra là kỳ này chàng sẽ không làm được như thế. Hôm trước cổ tay chàng bị bong gân và lần này Gerda lái xe chứ không phải chàng. Gerda chưa bao giờ học được cách lái ô-tô một cách đúng đắn! Mỗi lần cô ta thay đổi tốc độ, John đều phải nghiên chặt răng, cố ghìm lại để khỏi buột ra một câu gắt, bởi kinh nghiệm những lần trước cho thấy chàng có nói gì cũng vô ích, thậm chí ngược lại, còn làm Gerda thêm lúng túng và cầm tay lái tồi hơn. Lạ thật, không ai dạy được cho vợ chàng biết cách chuyển tốc độ cho đúng cách! Kể cả Henrietta cũng chịu.
Tuy nhiên Henrietta có tính nhẫn nại mà John không có được, và nàng rất mê lái ô-tô. Mỗi khi nói về ô-tô, Henrietta có cái giọng say sưa giống như một nhà thơ nói về mùa xuân hoặc về những bông tuyết đầu mùa vậy.
- John, anh thấy chiếc ô-tô mới đẹp làm sao chứ. Lao vun vút trên đường! Leo lên dốc ven biển Bale mà vẫn ở số ba. Anh thử nghe tiếng máy rì rầm xem có khác gì tiếng nhạc không?
Một hôm, những lời nói say sưa của Henrietta về ô-tô làm John cáu kỉnh, chàng gắt:
- Em không thể bớt nghĩ đến ô-tô mà nghĩ thêm đến anh trong một lúc hay sao?
Bao giờ khi nổi cáu xong John cũng hối hận và xấu hổ, nhưng rất ít khi chàng ghìm được, bởi tâm trạng cáu kỉnh ấy thường bùng lên vào những lúc chàng ít ngờ đến nhất. Giống như một anh chớp lóe lên giữa lúc trời quang mây tạnh, bầu trời trong vàt...
Lần cãi nhau gay gắt nhất giữa John và Henrietta cũng nổ ra một cách bất ngờ như vậy. Xung quanh công việc điêu khắc của nàng. John công nhận Henrietta rất có tài, nhưng những gì nàng làm, chàng vừa thán phục vừa khó chịu...
Một hôm Gerda bảo chồng:
- Cô Henrietta nhờ em làm mẫu cho cô ấy.
- Em?
John biết rằng giọng nói của chàng lúc đó không có chút vui vẻ nào. Gerda đáp:
- Vâng. Sáng mai em sẽ đến xưởng họa của cô ấy.
- Henrietta nhờ em làm mẫu để tạc cái gì không biết?
Câu John nói có không được lịch sự thật, nhưng Gerda không nhận thấy. Chị chỉ thấy trong sự việc này có thiện ý của Henrietta, vì Henrietta thích làm vui lòng người khác. Gerda đoán có lẽ Henrietta muốn tạc một bức tượng bán thân tặng chị...
Khoảng hai tuần sau Gerda mang về nhà một bức tượng bán thân thật, tượng bằng thạch cao. Vẻ mặt chị rạng rỡ. Đó là một bức tượng nhỏ bằng thạch cao, khá đẹp, kỹ thuật điêu khắc tinh xảo, giống như mọi tác phẩm khác của Henrietta. Một Gerda lý tưởng hóa khiến chị rất hài lòng.
Gerda nói:
- Bức tượng đẹp quá!
- Cô Henrietta làm đấy à?... Anh khó tin quá!
- Tất nhiên là cô ấy làm. Khác hẳn những pho tượng khác cô ấy làm, đúng thế! Nhưng cái này rất đẹp.
John không nói gì thêm, chàng không muốn làm vợ mất vui, nhưng trong lần gặp Henrietta sau đó John nói ngay ý nghĩ thật của chàng:
- Sao em lại làm cho Gerda một bức tượng bán thân kỳ cục như vậy, Henrietta? Hoàn toàn không xứng đáng với tài năng của em. Sao lần này em chịu làm thứ tượng đẹp đẽ kiểu tầm thường như thế?
Henrietta đáp:
- Nhưng nó đâu đến nỗi tồi lắm? Gerda có chê trách gì đâu?
- Xưa nay em có bao giờ phí thời giờ vào những thứ tầm thường nhạt nhẽo như thế...
Chưa kịp nói hết câu thì John đã đứng dừng lại trước một pho tượng bằng gỗ, cao khoảng mét rưỡi.
- Lại còn cái gì đây nữa?
- Em làm dành cho Triển lãm Mỹ thuật Quốc tế đấy. Bằng gỗ táo. Em đặt tên là Tôn Sùng.
Hai luồng mắt chạm vào nhau. Thế là cơn thinh nộ của John bùng lên. Chàng hét to:
- Thì ra để tạc pho tượng này mà cô bảo Gerda đến đây làm mẫu? Sao cô dám làm thế, Henrietta?
- Em tưởng anh sẽ không nhận ra...
- Tôi nhận ra chứ! Làm sao không nhận ra đươc? Bao nhiêu nét của Gerda được thể hiện lên ở đây, như chỗ này này...
Ngón tay John đặt lên cái gáy chắc nịch của pho tượng. Henrietta nói:
- Đúng thế. Đấy là cái cổ và cái gáy em cần... Rồi kiểu đứng khom người về phía trước... Thái độ nhẫn nhục, cam chịu... phục tùng... Rồi cặp mắt này nữa... Tuyệt vời!
- Tuyệt vời ư?... Henrietta! Tôi không muốn nhìn thấy bức tượng này! Tôi không muốn nó tồn tại trên đời. Xin cô hãy để Gerda yên!
- Gerda? Nhưng chị ấy có biết gì đâu? Chị ấy không hề nghi ngờ chút nào. Gerda không hề biết là trên pho tượng Tôn Sùng này có một số nét của chị ấy, và sẽ không bao giờ biết. Không phải em tạc tượng Gerda, đây không phải chị ấy! Đây là một hình tượng khái quát, không phải là một người cụ thể nào.
- Vậy mà tôi nhận ra ngay, đó chính là Gerda!
- Anh thì khác! Anh nhìn thấy những thứ người khác không nhìn thấy!
- Vấn đề không phải ở chỗ đó! Chỉ là tôi không thể chịu được bức tượng này!... Henrietta, cô vẫn chưa hiểu là cô không được quyền làm như thế này hay sao?
- Thật ư?
- Tôi tưởng cô tinh tế lắm kia mà?
- Anh chưa hiểu đấy thôi, John: Và em cũng không thể làm anh hiểu!... Anh không thể hiểu được khi một nghệ sĩ bị một thứ gì đó ám ảnh, mất ăn mất ngủ bao nhiêu ngày đêm, mong sao thế hiện được thứ đó ra thành tác phẩm cụ thể... Đường viền của cái cổ, nhóm cơ bắp này, rồi cái hàm nặng nề... những thứ đó em chỉ thấy ở Gerda... Mỗi lần gặp chị ấy ngoài phố, em lại cảm thấy đau khổ vô cùng... Cuối cùng, không chịu nổi, em đánh liều nhờ chị ấy làm mẫu cho vậy!
- Không một chút nương nhẹ!
- Em nghĩ rằng đó là chuyện bình thường. Khi con người ta tha thiết thứ gì quá, đến một lúc nào đó người ta đành liều!
- Đốì với ai khác thì tôi mặc kệ, nhưng đây là Gerda, là vợ tôi! Thế mà cô không hề nể chút nào hết!
- Anh đừng nói thế. John! Em đã tạc cho chị ấy một bức tượng chân dung bán thân và chị ấy rất hài lòng. Làm sao Gerda biết được là em sử dụng chi ấy để làm việc khác? Anh có tin là chị ấy biết không? Anh nói thật xem nào?
John ngắm nghía một lúc lâu pho tượng và cơn giận dữ của chàng dịu xuống. Rồi chàng bắt đầu thấy được những ý tưởng thâm thúy của Henrietta. Pho tượng thể hiện một con người tôn sùng. Cặp mắt ngước lên nhìn, hẳn phải là một thần tượng vô hình, có thế một thánh thần, một siêu nhân. Cặp mắt dại đi, đầy tôn kính đến mức sùng bái, thậm chí cuồng tín, cặp mắt không nhìn thấy gì khác ngoài thần tượng của nó. Cặp mắt thể hiện tâm trạng một kẻ hiến dâng toàn bộ thân xác và tâm hồn cho thần tượng...
Cuối cùng John nói:
- Em thấy không, trong bức tượng này chứa đựng một tiềm lực nào đó rất đáng ngại, thậm chí tiềm tàng một sức mạnh huỷ diệt... Em thấy chứ?
- Thấy.
- Người phụ nữ này đang nhìn ai, kẻ nào đang ở trước mặt cô ta?
Henrietta do dự một lát rồi nói, giọng như lạc đi:
- Em không biết. Nhưng em nghĩ thần tượng đó có thể là... anh!