Dịch giả: Vũ Đình Phòng
Chương mười một

     hám tử Hercule Poirot lấy đầu ngón tay trỏ phủi hạt bụi nhỏ trên khe áo vét của ông. Hôm nay ông ăn mặc nghiêm chỉnh để dự bữa ăn khách, và bây giờ kiểm tra lại, ông thấy tự hài lòng.
Hercule Poirot biết rất rõ ở Anh quốc, đi chơi ngày Chủ nhật ở nông thôn cần ăn mặc như thế nào là thích hợp, nhưng ông không muốn rập theo đúng mọi quy tắc của người Anh. Ông có những quan niệm riêng của ông. Ông không phải một nhà quý tộc Anh quốc, ông là Hercule Poirot!
Và phải thú thật, ông không thích miền nông thôn. Bạn bè ông ca ngợi hết lời ngôi biệt thự nhỏ ông thường đến nghỉ cuối tuần đã khiến ông bị thuyết phục và cuối cùng ông đã tậu biệt thự Resthaven này, mặc dù ông không thích hình dạng của nó, giống như một cái hộp vuông. Phong cảnh xung quan cũng không làm ông thích thú, mặc dù mọi người đều ca ngợi. Thiên nhiên ở đây không có tính cân đối để ông có thể thích. Rồi cây cối trong vùng cũng không làm ông hài lòng, nhất là vào mùa thu, cây cối đều trụi hết lá. Loại cây liễu còn làm ông chịu được nhưng sồi và dẻ thì ông không sao thích nổi. Hercule Poirot lấy làm lạ, thấy khi ngồi trên ô-tô mọi người reo lên “phong cảnh tuyệt đẹp” nhưng đến nơi họ lại chui vào khách sạn.
Đối với Hercule Poirot, thứ duy nhất ông thích thú đôi chút ở biệt thự Resthaven này là những luống rau, được bác thợ coi vườn chăm sóc rất chu đáo. Vợ bác ta làm chân nấu bếp, lại biết cách nấu ăn hợp với khẩu vị của nhà thám tử.
Hercule Poirot ra khỏi nhà, ngắm lại đôi giầy đen xem đã thật bóng lộn chưa, sửa lại cho ngay ngắn chiếc mũ dạ rồi đưa mắt nhìn con đường. Lại một lần nữa, hình dạng ngôi biệt thự bên cạnh làm ông cau mặt. Hai biệt thự cạnh nhau Les Pigeonniers và Resthaven như thể do hai kiến trúc sư đối nghịch nhau vẽ thiết kế. Mỗi biệt thự tiêu biểu cho một trường phái trong nghệ thuật kiến trúc hiện đại, nhưng cả hai đều buồn tẻ. Biệt thự Resthaven giống như cái hộp vuông, trên ghép một cái mái. Còn biệt thự Les Pigeonniers bên cạnh thì lại kết hợp mọi kiểu kiến trúc cổ điên một cách kệch cỡm.
Hercule Poirot đang tính đến thái ấp Thung Lũng bằng con đường nào? Có hai cách đi, một là xuyên qua rừng, gần hơn nhưng lại không đến cổng chính và vào cửa ngách. Lo lắng đến uy tín của mình, nhà thám tử quyết định đi lối thứ hai, theo đường chính, đến đúng ngay cổng chính nhưng xa hơn khá nhiều. Đành vậy thôi, huân tước Angkatell là nhân vật có uy tín lớn, Hercule Poirot lại là khách của họ, không thể đi lối rừng tắt được.
Ông tự nhủ: “Kể ra mình cũng hơi sĩ diện!”
Hercule Poirot còn giữ ấn tượng rất tốt về hai ông bà Huân tước Angkatell trong lần gặp họ ở Trung Đông. Nhất là Huân tước phu nhân Lucy Angkatell làm ông hết sức thán phục về trí thông minh, cách thức tiếp chuyện độc đáo nhưng rất cuốn hút của bà.
Hercule Poirot tính toán giờ giấc kỹ lưỡng để đến cổng thái ấp Thung Lũng đúng một giờ kém một phút. Ông rất mỏi chân vì chặng đường quá xa và ông lại không quen đi bộ nhiều. Viên quản gia trịnh trọng bước ra đón khách. Tuy nhiên, ông thấy cách đón tiếp của chủ nhân thái ấp này xem ra quá bất ngờ, hoàn toàn không như ông dự đoán.
Viên quản gia nói:
- Thưa Ngài, ông chủ tôi đang đợi Ngài tại lầu bát giác, gần bể bơi. Xin Ngài vui lòng đi theo tôi ra đó.
Hercule Poirot không bao giờ hiểu nổi lối của người Anh chuyên nghiệp tiếp khách ngoài trời. Giá như mùa hè nóng bức thì còn hợp lý, nhưng lúc này là cuối tháng chín, tuy chưa lạnh nhưng ẩm thấp. Vào thời tiết như thế này, tốt nhất là ngồi trong gian phòng ấm cúng, bên lò sưởi đang cháy. Vậy mà...
Hai ông bà Huân tước Angkatell có thói quen mời khách ăn trưa vào một giờ. Nếu trời đẹp, họ mời khách uống một ly khai vị ngoài lầu bát giác, sau đó mới vào nhà để ăn.
Hercule Poirot bước theo sau viên quản gia cao lớn. Họ qua một bãi cỏ rộng, rồi một khu vườn cây cảnh, theo một lối đi nhỏ xuyên qua cánh rừng dẻ. Đúng lúc đó nhà thám tử nghe thấy một tiếng kêu làm ông lấy làm lạ nên không ghi ngay vào bộ nhớ trong óc. Tiếng kêu ngạc nhiên hay hoảng hốt? Hercule Poirot không thể xác định. Dù sao thì tiếng kêu đó nghe rất lạ và bất ngờ.
Ra đến bìa rừng, viên quản gia tránh sang một bên nhường lối đi cho khách. Đồng thời bác ta hắng giọng để nói với vị khách cho lịch sự. Tuy vậy những lời của bác ta líu ríu, giống như những tiếng ấm ừ khiến Hercule Poirot không nghe được bác ta nói gì. Đúng lúc đó, ông cũng lập tức nhìn thấy bể bơi, và mặt ông nhăn lại biểu lộ một thái độ.
Ôi, thế này thì quá đáng. Hercule Poirot không thể đoán trước được là hai ông bà Huân tước lại đón tiếp ông theo kiểu quái đản này. Quả là nhà quý tộc Anh này có óc hài hước khó ai bì. Bắt khách đi bộ mỏi nhừ chân, đến nơi lại không tiếp ngay trong nhà mà bắt ra lầu bát giác ở ngoài trời. Kiểu đón tiếp này làm Hercule Poirot rất khó chịu, chẳng lẽ lại quay ra, trở về. Đã thế họ còn bố trí cả một vụ án mạng để đùa khách. Chưa bao giờ Hercule Poirot thấy thích nhìn thấy xác chết và ông không thích thú tí gì cái màn kịch chủ nhân thái ấp này bố trí để đón tiếp ông.
Bởi xác chết kia rõ ràng là bố trí, được đặt nằm ngay trên thành bể bơi. Người ta còn lấy sơn đỏ quết lên nền xi-măng và cho vết sơn đó chạy ra phía mặt nước để giả vờ là máu. Bên cạnh “thi thể” - một nam giới tóc vàng - là một phụ nữ đứng, tay cầm khẩu súng ngắn. Chị ta có vẻ mặt ngơ ngác như thể không hiểu gì hết.
Các diễn viên khác từ mọi phía tiến ra. Trong số này có một phụ nữ trẻ xách cái giỏ đầy những cành hoa thược dược, một thanh niên mặc bộ đồ đi săn, khoác khẩu súng trên vai, cuối cùng là Huân tước phu nhân Lucy Angkatell, xách một giỏ đầy trứng. Mọi thứ rõ ràng là được tính toán và bố trí từ trước.
Poirot khẽ thở dài. Các chủ nhân của thái ấp này định chơi trò gì đây? Họ hy vọng Poirot tin rằng tất cả những cảnh tượng này là một vụ “án mạng” thật hay sao? Ông phải làm gì bây giờ? Chạy vội đến để xem xét “tử thi” chăng? Hay nở nụ cười rất tươi tỏ lời thán phục phu nhân Angkatell đã dàn một màn kịch tuyệt vời. Tuy nhiên ông cảm thấy màn kịch này có phần cường điệu quá đáng.
Phu nhân Lucy Angkatell chạy đến bên “tử thi”. Poirot vẫn tiếp tục đi theo bác quản gia, còn bác này thì thở hồng hộc. Poirot thầm nghĩ: “Chắc bác ta chưa biết đây là một màn kịch bố trí để đùa mình - thám tử Poirot”.
Poirot bước đến gần “xác chết” cùng một lúc với những “diễn viên” khác, và khi đến sát cạnh, ông mới nhận ra rằng đây không phải là màn kịch được bố trí mà là sự thật. Cái vệt đỏ kia không phải sơn mà là máu. Còn người đàn ông nằm bất động trong vũng máu chưa chết, nhưng cũng chắc chắn sẽ chết, không thể cứu vãn được nữa. Ông ta bị trúng một phát súng mới cách đây không lâu.
Poirot nhìn người phụ nữ đang cầm khẩu súng ngắn. Nét mặt chị ta không biểu lộ điều gì. Chị ta đứng nghệt ra. “Như một mụ đàn bà đần độn”. - Poirot thầm nghĩ. Chuyện này không làm ông ngạc nhiên quá mức: sau khi gây án xong, nỗi căm giận dịu xuống, hung thủ thường nghệt ra, không có một phản ứng nào; giống như thế này.
Sự chú ý của nhà thám tử hướng về người đàn ông đang hấp hối. Ông ta mở mắt và Poirot đoán lúc này ông ta hoàn toàn tỉnh táo, nhận thức rõ sự việc diễn ra xung quanh. Poirot còn có nhận xét thêm, là nạn nhân chính là người duy nhất hiểu rõ cảnh tượng kỳ quái này. Những người khác chỉ là những cái bóng không tồn tại. Chỉ duy nhất ông ta - nạn nhân - mới là người sống thật.
John Christow mở miệng nói:
- Henrietta...
Mắt chàng nhắm lại, đầu ngoẹo sang một bên.
Chàng đã chết.

*

Poirot quan sát phản ứng của từng người một. Ông ghi vào bộ nhớ trong óc.
Phu nhân Lucy Angkatell để viên quản gia trung thành đỡ lấy cái giỏ, nói câu cảm ơn một cách rất tự nhiên, rồi sau một chút ngập ngừng, nói:
- Gerda...
Người phụ nữ đang cầm khẩu súng ngắn dường như bây giờ mới sực tỉnh. Chị ta nhìn khắp mọi người, rồi lẩm bẩm, giọng sửng sốt:
- John chết rồi.
Người phụ nữ trẻ xách giỏ hoa thược dược giọng như ra lệnh, bảo người phụ nữ kia đưa cô ta khẩu súng. Poirot định ngăn nhưng không kịp. Cô ta đỡ lấy khẩu súng rồi mới nghe thấy câu Poirot kêu lên:
- Đừng làm thế.
Giọng Poirot nói làm cô ta giật mình. Cô ta hoảng hốt buông khẩu súng, khiến nó rơi xuống nước trong bể bơi. Cô ta kêu lên:.
- Ôi, tôi dốt quá. Xin lỗi.
Poirot im lặng nhìn cô ta một lát. Cô ta chịu đựng cái nhìn đó một cách điềm tĩnh và Poirot có cảm giác nỗi nghi ngờ của ông hướng về cô ta không có cơ sở.
Ông nói:
- Để nguyên hiện trạng. Đừng ai đụng vào bất cứ thứ gì để chờ cảnh sát tới.
Mọi người lộ vẻ bối rối một lát. Phu nhân Lucy nói rất khẽ, giọng có vẻ khó chịu:
- Đúng đấy. Ta phải báo cho cảnh sát.
Rất thản nhiên, người thanh niên đeo khẩụ súng dài trên vai nói rằng, đúng là phải báo cảnh sát ngay. Đúng lúc đó có tiếng cười nói từ phía cánh rừng dẻ. Huân tước Henry Angkatell và Midge Hardcastle đi từ trong rừng ra. Nhìn thấy đám người tụ tập trên bờ bể bơi, Huân tước ngạc nhiên hỏi:
- Chuyện gì thế?
Bà Lucy đáp:
- Chị Gerda đã... Ôi, tôi xin lỗi... Đây là cậu John đã...
Gerda đỡ lời bà quý tộc, nói hộ khúc cuối của câu bà chưa kịp nói hết:
- John bị giết. Anh ấy đã chết.
Giọng nói của Gerda nghe rất lạ, như thể chị ta vẫn chưa hiểu gì hết. Mọi người quay mặt lại nhìn Gerda. Bà Lucy nói:
- Gerda, tôi nghĩ chị nên về nhà nằm nghỉ một lát. Mà tất cả chúng ta cũng không có việc gì ở đây. Chỉ cần ông Henry nhà tôi và ông Poirot ở lại để chờ cảnh sát tới.
Ông Henry nói:
- Phải đấy, tôi cho rằng làm cách đó là đúng nhất.
Quay sang viên quản gia, ông nói thêm:
- Bác gọi điện báo cho cảnh sát biết tin này để họ tới. Và khi họ tới, bác đưa họ ra thẳng đây.
- Vâng, thưa ông chủ.
Mặt hãy còn tái nhợt, viên quản gia xách cái giỏ đựng trứng lúc nãy bác đỡ lấy trong tay bà chủ. Henrietta xốc nách, dìu Gerda đi chậm chạp về phía nhà.
Ông Henry nói với vợ:
- Lucy, anh muốn biết chính xác sự việc diễn ra thế nào?
Bà Lucy dang rộng hai cánh tay, tỏ vẻ chính bà cũng không rõ. Và thám tử Poirot nhận thấy cử chỉ của bà già quý tộc hết sức duyên dáng, đến mức ông thấy có lẽ không người phụ nữ nào trên thế gian có cử chỉ dáng điệu duyên dáng đến như thế.
Bà Lucy nói:
- Em cũng chỉ biết sơ sơ thôi. Em đang nhặt trứng ở chuồng gà thì nghe tiếng súng nổ rất gần. Lúc đầu em không chú ý vì nghĩ rằng anh và cậu Edward đang săn bắn. Lát sau em theo, lối tắt ra đây thì đã thấy cậu John nằm ngất đi đúng chỗ hiện giờ, còn Gerda thì đứng bên cạnh, tay vẫn còn cầm khẩu súng ngắn. Đúng lúc ấy, cô Henrietta và cậu Edward cũng vừa đến, theo hai con đường khác nhau...
Thám tử Poirot khẽ hắng giọng rồi hỏi:
- Ông John và bà Gerda là ai, thưa phu nhân?
Bà Lucy quay phắt sang phía Hercule Poirot, đáp:
- Xin lỗi, tôi quên bẵng mất không giới thiệu. John Christow là bác sĩ, còn Gerda là vợ cậu ta.
- Còn bà vừa rồi dìu bà Gerda Christow ra khỏi đây là ai?
- Đó là cô Henrietta, em họ tôi. Henrietta Savernake.
Người đứng bên cạnh Poirot làm một cử chỉ nhỏ, nhưng không lọt qua mắt nhà thám tử. Còn Henrietta chính là người mà nạn nhân nói đến tên trước khi tắt thở. Cách ông ta nói có gì đó rất lạ, và mang tính chất gì thì Poirot chưa nghĩ ra. Ông nghĩ cứ tạm ghi vào bộ nhớ để sau sẽ xem xét.
Để làm nốt nhiệm vụ, bà Lucy giới thiệu:
- Xin giới thiệu với ông Poirot cậu Edward Angkatell, em họ tôi, và cô Midge Hardcastle.
Hercule Poirot khẽ cúi chào. Midge nhận thấy kiểu cách chào của nhà thám tử có nét gì đó rất hài hước, khiến cô phải cố nhịn để khỏi bật lên tiếng cười.
Ông Henry nói:
- Thôi, bây giờ mọi người về nhà, tôi và ông Poirot ở lại đây là đủ.
Bà Lucy có vẻ suy nghĩ:
- Em hy vọng Gerda đã đi nằm. Em không biết khuyên chị ta như thế có đúng không? Vì em không nghĩ ra được lời khuyên nào khác. Em chưa gặp một chuyện tương tự như thế này bao giờ nên không biết cần nói gì với một phụ nữ vừa mới giết chồng xong.
Không thấy ai gợi được ý gì thêm cho mình, bà Lucy kéo Edward và Henrietta về nhà... Còn lại thám tử Poirot với Huân tước Henry. Ông Henry không biết bắt đầu cuộc trò chuyện bằng cách nào, đành chỉ nói một câu chung chung:
- John là một con người rất tốt.
Poirot quan sát thi thể nạn nhân. Đến bây giờ ông thấy nạn nhân vẫn có gì rất “sống”, sống hơn cả những nhân vật ông vừa gặp. Cảm giác này Poirot không thể cắt nghĩa được.
Ông lịch sự nói:
- Tấn bi kịch kiểu như thế này quả là rất đáng buồn.
Ông Henry đáp:
- Đúng thế. Tôi đã mất thói quen nhìn thấy người chết cho nên tôi có cảm giác dường như đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến một vụ án mạng ở gần đến thế. Nhưng chúng tôi không phạm một sai sót nào đấy chứ?
Poirot nói:
- Ngài đã làm tất cả những gì cần làm. Đã báo cảnh sát, và trong khi chờ họ đến. Ngài với tôi chỉ có một việc là giám sát các con đường dẫn đến hiện trường để không ai đến đụng vào tử thi hoặc di chuyển cũng như thủ tiêu các vật chứng.
Trong lúc nói câu ấy, Poirot nhìn khẩu súng lục này đã nằm dưới đáy bể bơi. Cái vật chứng này không bị lấy đi mà bị người ta thu xếp để nó không còn nguyên vẹn. Sự việc ấy diễn ra ngay trước mắt Poirot mà ông không chặn kịp. Nhưng không. Chưa chắc đã là một hành động cố tình để vô hiệu hóa vật chứng... mà chỉ là một cử chỉ ngẫu nhiên mà thôi...
Huân tước Henry hỏi:
- Chúng ta có nhất thiết phải đứng ngoài này không? Tôi thấy hình như trời hơi lạnh. Hay ta vào ngồi trong lầu bát giác đi?
Poirot cũng vừa rùng mình xong, bèn vội tán thành. Thế là hai người đi vòng bể bơi để sang lầu bát giác bên kia bê. Đây là một công trình kiến trúc nhẹ, được trang bị nội thất rất đẹp, với những đi-văng rộng, những tấm thảm trải sặc sỡ. Một chiếc bàn khung sắt, trên có chiếc khay đựng một chai rượu xeres và mấy chiếc ly.
Huân tước Henry nói:
- Tôi định mời ông một ly nhưng lại nghĩ ta nên đợi cảnh sát đến đã. Thật tình tôi cho rằng cảnh sát đến đây cũng chẳng có gì để họ điều tra thêm. Sự việc đã rõ ràng. Tuy nhiên ta cũng không nên chủ quan, biết đâu cảnh sát tìm ra được điều gì mới. Chắc bác ta để ở phòng khách trong nhà, tưởng chúng ta sẽ vào đấy.
Họ ngồi trên hai chiếc ghế mây cạnh cửa, để nhìn thấy được người từ trong nhà ra bể bơi. Họ im lặng, không ai nói với ai một lời nào, vì cả hai đều cảm thấy chưa nên có nhận định gì cụ thể.
Hercule Poirot quan sát xung quanh. Không có gì đặc biệt khiến ông chú ý nhiều. Một tấm khăn choàng bằng lông hải ly rất sang và đắt tiền vắt hờ hững trên lưng một chiếc đi-văng. Của ai được nhỉ? Có vẻ không phải của một trong số người đến thái ấp Thung Lũng này may ra có thể của bà chủ, Huân tước phu nhân Lucy Angkatell, nhưng cũng ít có khả năng, vì tấm khăn choàng loại này chỉ có thể của người nào đó thích ăn diện, muốn mọi người chú ý đến mình.
Huân tước Henry lấy hộp thuốc lá trong túi ra mời khách:
- Tôi nghĩ ta có thể hút thuốc.
Poirot lấy một điếu. Trước khi đốt điếu thuốc, ông hít không khí. Một mùi hương thoang thoảng bay lượn trong lầu bát giác. Poirot nhận ra ngay đó là một thứ nước hoa Pháp rất quý và đắt tiền. Và ông cũng nghĩ, chắc không phải của người nào trong thái ấp Thung lũng này.
Lúc cúi đầu châm điếu thuốc vào bật lửa của Huân tước Henry, Poirot nhìn thấy trên chiếc bàn cạnh một đi-văng có mấy bao diêm. Ông đếm: sáu bao tất cả.
Chi tiết này ông thấy khá lạ.