Đi mổ

     úc thường những người ra vào đều dùng cửa nhỏ bên cạnh, nhưng khi xe chị Văn vừa tới thì hai cánh cửa lớn mở rộng, hình như với con bệnh này bệnh viện thấy cần phải săn sóc hơn. Văn bước xuống xe, bơ phờ, một tay đỡ vợ, một tay cầm lấy cái lẵng mây trong có ít quần áo, mấy trái cam, một bình thủy. Chị Văn gập người trên cánh tay chồng, tóc rũ rượi, mặt nhợt nhạt, mắt sâu hoắm, thỉnh thoảng lại khẽ rít lên một hơi qua hai hàm răng cho dịu cơn đau nhức nhối.
Một thứ mùi ngai ngái, dai dẳng quyện lấy không khí làm người ta nghĩ đến những cuộn bông, băng dầy cộm, những thuốc sát trùng nồng nặc. Qua những khung cửa sổ xám ngắt thỉnh thoảng lại hiện ra một vài bóng trắng, chập chờn giữa những giường sắt gầy gò, sơn một thứ màu trắng nay đã đổi thành một màu vàng bệnh hoạn.
Nếu không có những cơn đau dằn vặt, có lẻ chị Văn đã về ngay. Chị tiến tới chỗ của mình, leo lên giường một cách miễn cưỡng, nằm thở một lúc rồi đưa mắt nhìn quanh. Từ các giường bên, những cặp mắt lờ đờ, vắng sinh khí, đang mệt nhọc day về phía chị như muốn hỏi: “Làm sao mà tới đây?”
Chị chợt nghĩ đến các con ở nhà, giờ này không biết đã ai cho ăn uống gì chưa hay vẫn còn chạy rông ngoài đường, đánh lộn với trẻ con hàng xóm. Vắng mẹ, chúng nó có thấy thiếu thốn không? Con Bích bao giờ cũng ngủ với mẹ, đêm nay có khỏi quấy khóc không?
Những ý nghĩ đó làm chị ứa nước mắt.
Văn đi vào đi ra chẳng biết làm việc gì rõ rệt, nửa sốt ruột muốn về, nửa thương vợ muốn ở lại.
Bác sĩ tới. Chị Văn chờ đợi sẽ được uống ngay một thứ thuốc gì thật mạnh dứt hết cơn đau rồi được về với con, nhưng bác sĩ chỉ dặn người y tác ba hôm nữa cho chị đi chiếu điện. Ba hôm nữa! Từ nay tới đó, không biết có còn sống không, nói gì đến đi chiếu điện.
Sau đó, trong mười ngày liền chỉ thấy nghe với thử, nghe tim, nghe phổi, thử máu, thử nước tiểu và giữa lúc chị Văn bắt đầu quên là mình có bệnh thì bác sĩ cho biết bệnh chị phải mổ.
Phải mổ! Chỉ có nghe hai tiếng đó chị đã hoa mắt dưới ánh sáng xanh lạnh của con dao giải phẫu mà chị tưởng tượng phải lớn hơn, nhọn hơn, ngọt hơn con dao bầu mổ lợn. Chị đã thấy máu đỏ vọt ra, gan ruột lẩy nhầy như ở trong những hình ảnh Thập điện Diêm Vương vẽ trên tường các ngôi chùa. Chị đã nghe dội trong tai tiếng dao kéo lẻng xẻng, tiếng thịt da đứt xoèn xoẹt và không làm sao hiểu nổi mình lại vô phước đến như vậy.
Khi Văn vào thăm, chị vẫn còn nằm úp mặt trên gối, chồng hỏi gì cũng không nói. Một lúc lâu chị mới nhắc lại lời bác sĩ và bảo chồng: “Đằng nào cũng chết, thà em cứ để nguyên bệnh thế này, sống thêm được ngày nào với các con thì sống, chứ mổ là chết chắc chắn rồi - Không, anh cho em về đi, em nhất định không mổ đâu, cho em về đi”. Văn khẽ vỗ lên vai vợ: “Can đảm lên em”. Nhưng chính anh là người đang cần có một ai nói với mình một cầu tương tự.
Chị vốn là người dễ xúc cảm. Đi xem chiếu bóng gặp những đoạn đâm chém dữ dội, chị thường nhắm mắt lại, quay mặt đi. Và có lần đưa con đi nhổ răng, thấy bác sĩ cho kìm vào trong miệng con, lôi ra cái răng hư với chút máu ở chân răng, chị đã ngất xỉu đến nỗi bác sĩ phải để đứa con đấy mà ra săn sóc người mẹ.
Bây giờ cũng con người đó nói chuyện phải đi mổ. Văn không tin rằng vợ mình sẽ đủ sức qua được cơn thử thách này. Mà nếu không qua... anh sợ quá, không dám nghĩ tiếp nữa.
Họ hàng bè bạn cũng chia ra làm hai phe, chẳng biết nghe ai cả, vừa mới cho người này nói là phải đã thấy người kia khuyên cũng có lý.
Điểm làm cho vợ chồng Văn phân vân nhất là phe nào cũng dẫn ra những bằng chứng cụ thể. Bà cụ đẻ ra Văn nhất định cho rằng phương pháp trị bệnh Âu Tây thường mạnh bạo quá không thích hợp với thể chất người Á Đông và theo cụ, chỉ ba thang thuốc tiêu của ông lang Chợ Đuổi là dứt bệnh: “Mợ xem bà cả Thìn đấy, trước đây bác sĩ cũng bảo mổ, bà ta không chịu, bỏ ra về xin đơn thuốc ông lang đó uống, nay còn bệnh tật gì nữa đâu?”
Cô em chị Văn lại kể chuyện người bạn mình ốm yếu gầy nhom, mổ xong lên cân đến mười ký, rồi lại vừa sinh đứa con trai thật kháu khỉnh.
Chị Văn như trôi nổi lềnh đềnh, giạt đi giạt lại giữa những luồng ý kiến trái ngược đó. Chưa biết quyết định ra sao thì một việc xây ra đã làm chị hoang mang thêm - Bà bạn nằm cùng phòng, đến ngày đi mổ, đã lẻn trốn biệt dạng từ sáng sớm, chồng con tìm đâu cũng không thấy nữa.
Nhưng dần dần chị làm quen với cái không khí đau thương của bệnh viện. Một thứ tình bạn mới cũng đã chớm nở giữa những người cùng cảnh ngộ. Họ chưa biết nhau bao giờ nhưng gặp nhau trong một khung cảnh bệnh não xót xa, mỗi người đã quên phần nào nỗi đau khổ riêng của mình, để làm nhẹ nỗi đau chung, cho tất cả cùng đủ sức bấu víu vào sự sống. Họ biếu nhau tấm quà miếng bánh, chia sẻ nhau từng nụ cười, từng hy vọng. Họ kể cho nhau nghe về con cái, gia đình, họ còn có gì phải giấu nhau khi họ đã phô trần trước mắt nhau những sự thực thầm kín hơn nữa. Đêm đêm nếu có người nào không nén được tiếng rên, tiếng khóc, người bèn cạnh sẽ tới bóp chân, xoa đầu tìm lời nựng nịu. Họ đến để săn sóc bệnh mình mà ai cũng thấy mình phải săn sóc bệnh người khác và khi có một người trong bọn đã lấy lại sức khỏe họ thấy như chính họ đỡ đau rồi.
Cái không khí đùm bọc đó như là một thứ nệm êm ái làm người ta quên những giường sắt khẳng khiu và có lúc chị Văn không nhớ ra mình đang nằm nhà thương mà tưởng như hãy còn là nữ sinh nội trú trong một trường trung học. Chị đã bớt thấy ghê rợn với cái ý nghĩ phải đi mổ.
Bên tay mặt chị là một bà cụ, đã ngoài sáu mươi, phải mổ để gắp một viên đạn bắn vào bụng mà vẫn khuyên chị bằng một giọng vui vẻ:
“Sống chết mạng trời chẳng việc gì mà lo. Chữa cho khỏe hẳn có sướng không - kéo dài bệnh hoạn chỉ làm khổ chồng con”.
Cô nằm giường bên tay trái, vén ngay áo lên, chỉ vào mấy cái sẹo trên bụng rồi nói:
“Chị xem em đây này, mổ hai lần rồi, bận này nữa là ba. Các cô y tá trên khu giải phẫu quen nhẵn mặt em rồi. Chiều nay em đưa chị lên giới thiệu, đến phiên chị, các cô ấy trông nom cẩn thận cho. Chẳng sao đâu. Bác sĩ này mát tay lắm, rồi chị coi”.
À, phải mấy người bạn tri tình này nói mới tin được. Sau khi được giới thiệu với nhân viên phụ trách, sau khi được coi tận mắt mấy người vừa mới mổ xong, chị thấy vững dạ quá. Hình ảnh mũi dao nhọn thích vào bụng mình không gợi cho chị cái cảm giác như lừa cháy trên da thịt nữa. Và chị bình tĩnh chờ.
Nhưng trước hôm đi mổ, chị lại thấy nôn nao một cách khó tả - Mắt những người bạn cùng buồng nhìn chị hôm nay có chút xót xa thương hại. Chị được phép về nhà, và khi đi qua một tiệm bán quần áo trẻ con may sẵn, chị vào chọn mua cho ba con một số đủ mặc trong một năm.
Chị thu xếp lại các giấy má, dọn dẹp thật gọn các ngăn tủ để ai nấy có thể không cần chị cũng tìm thấy các thứ một cách dễ dàng.
Chị gọi u già lên, tính hết công xá, và trả lại cái vòng vàng u vẫn gửi chị.
Chị tháo đôi hoa tai đưa bà cụ mẹ chồng:
“Con biếu mẹ. - À, còn bát họ mua rồi của bà giáo Kính, phải đóng ba tháng nữa, mỗi tháng hai ngàn, mẹ nhớ nhắc nhà con đóng nốt”.
Chị đem lau bức ảnh của mình và nghĩ thầm:
“Cũng may mà chụp lúc còn béo tốt - Bây giờ mới chụp chắc xấu như ma”.
Có một ngày thôi mà chị thấy còn nhiều việc phải làm quá!
Mọi người trong nhà gượng nhẹ, nghĩ hết cách để chiều chị. Ai nấy cố gây một không khí vui vẻ nhưng vẫn có cái gì nặng nề đè trĩu lên từng lời nói, từng cử chỉ.
U già dọn một bữa cơm chiều thật ngon lành nhưng cả nhà ăn uống chổn chảng. Văn nhìn các con rồi nói: “Hôm nào mẹ mổ xong, khỏe hẳn rồi, bố khao chúng mày môt bữa chim quay đã đời”.
Không thấy đứa nào vỗ tay reo hò như mọi khi.
Cơm xong, bà cụ ra bàn thờ Phật, thắp hương, tụng kinh cứu khổ. Văn hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác. Chị Văn lúi húi ngồi viết ở một góc bàn, không ai hiểu chị viết gì, nhưng dáng điệu hình như không muốn cho ai lại gần. Mấy đứa trẻ hết nhìn bố lại nhìn mẹ, còn u già ngồi rửa bát ngoài sân nhưng thỉnh thoảng vẫn liếc trộm lên phía chị Văn.
Bỗng chị gọi các con:
“Hôm nay cho cả ba đứa ngủ với mẹ”.
Ba đứa rúc vào nách mẹ như mấy con gà con. Chị nhẹ đưa tay lên mặt từng đứa, vuốt sống mũi đứa này, sờ vành tai đứa kia, như muốn thâu tóm hết những nét thân yêu đó vào trong hai bàn tay. Chị khẽ nói với chúng:
“Vắng mẹ, các con phải ngoan nhé”. Rồi cứ thấy như nghẹn tắc ở cổ. Đứa con gái đang hôn lên má mẹ, bỗng thấy mặn ở đầu môi, bèn kêu lên: “Mẹ khóc đấy à mẹ?”
Văn đến bên đầu giường, chị giơ tay nắm lấy tay chồng. “Anh có thương em không?”
Văn không đáp chỉ ghì chặt tay vợ trên ngực mình.

*

Những việc xảy ra hôm mổ chỉ còn để lại trong óc chị Văn một vài hình ảnh lờ mờ.
Một phát tiêm ở cánh tay. Có ai bảo chị đếm 1, 2, 3,... Cái ấm ức của một người muốn tỉnh mà bị thuốc mê ngấm... Chồng có đây không nhỉ... các con đâu... một ánh đèn chói lòa... Sau đó là hư không.
Văn đi đi lại lại ngoài hành lang, vừa lo vừa buồn, bỏ cả cơm trưa, chờ đến chiều mới được vào thăm vợ. Chị vẫn chưa tỉnh, chân tay còn buộc vào thành giường, mắt nhắm nghiền, người gầy tọp, nước da xám ngoét.
Hết giờ thăm người bệnh, anh chán nản bước ra, chưa nói được với vợ câu nào để vợ nằm lại chênh vênh giữa cái sống và cái chết. Ngoài sân bệnh viện, bóng chiều chập choạng sắp tắt hẳn trên những hàng cây thê lương.
“Trời ơi! Đau quá!” Chị Văn đã bắt đầu tỉnh lại. Chị chẳng còn đủ sức nghĩ tới việc chi cả, chỉ thấy toàn thân nặng trịch và bụng đau ê ẩm.
Trong năm, sáu hôm liền, chị vẫn sốt và máu ra nhiều, hy vọng sống càng ngày càng mỏng mảnh. Mỗi lần mở cửa vào buồng chị, anh rón rén chỉ lo một luồng gió lọt vào cũng đủ sức tắt phụt cái hơi sống còn leo lắt kia. Anh tiến đến bên giường vợ mà run sợ không biết rằng dưới cái mền trắng nọ còn có cái gì thoi thóp không, hay tất cả đã im lìm lạnh ngắt rồi.
Nhưng không, đôi mắt chị vẫn mờ, có lờ đờ mệt nhọc nhưng vẫn bám chặt lấy ánh sáng bên ngoài. Chị thấy rõ ràng nếu không cố gắng thì chỉ một phút buông trôi, đôi mắt mình sẽ nhắm hẳn, và tất cả chỉ còn là đêm tối.
Nhìn nét mặt xót xa của chồng, nhìn những người bạn tới thăm khẽ quay đi lau vội nước mắt, chị đo được hết sự gay go của một cuộc vật lộn chênh lệch.
Nhưng chị không tuyệt vọng - Bác sĩ đến tiếp máu cho chị và ngắm dòng máu đỏ tươi đang rỏ giọt vào cơ thể mình, chị thấy như cả Sức Sống mầu nhiệm đang cuồn cuộn chảy trong huyết quản, đang rân ran chạy khắp nơi đánh thức từng đầu gân, thớ thịt. Không, nhất định chị sẽ thắng! Nhất định chị sẽ sống.
Văn mở cửa sổ trông ra đường và ra một dấu hiệu nhỏ - Ba đứa con đứng ngoài hàng rào, do thằng lớn cầm trịch, hô từng tiếng một thật đều: “Chúc mẹ chóng khỏe, về với chúng con. Chúng con nhớ mẹ lắm”.
Đôi môi của chị héo hắt từ lâu bỗng nở một nụ cười. Tiếng hò của mấy đứa con thân yêu vang dội như tiếng kèn trận và thổi lùa vào phòng chị nằm một nguồn sinh khí mới.

*

Thằng Tùng, thằng Long, con Bích hôm nay đều mặc quần áo đẹp. Chúng khoe với trẻ con hàng xóm:
“Tao đi đón mẹ tao đây”.
Hình như mấy tháng trời vắng mẹ, chúng đã thấy thua kém bọn kia, nay mới có dịp được đền bù.
Văn dẫn vợ vào phòng bác sĩ và nói với ba đứa nhỏ:
“Các con có biết nhà ta mang ơn bác sĩ như thế nào không? Các con nói cám ơn bác sĩ đi”.
Sau đó chị Văn đi chào hết một lượt các cô y tá, các bạn cùng phòng, nỗi mừng được khỏi bệnh về với gia đình lại càng làm chị nhớ thấm thía những người bạn đã chia sầu sẻ não với chị.
Tối hôm đó, Văn đang thu dọn những đồ mang ở bệnh viện ra, bỗng để ý tới một phong bì mang tên anh. Bên trong là bức thư chị đã lúi húi ngồi viết, bữa trở về ngủ một đêm với các con trước hôm đi mổ:
“Anh,
Khi hai vợ chồng ta lấy nhau, có ai ngờ được rằng em 30 tuổi đã phải viết chúc thư để lại cho chồng và anh 36 tuổi đã gặp nghịch cảnh trung niên chôn vợ.
Em đi mổ lần này, mười phần chết không có một phần sống, nên em để ỉại thư này xin anh tha hết lỗi cho em nêu trong thời gian ngắn ngủi hai vợ chồng sống bên nhau, em đã làm anh buồn phiền hay em đã không chiều anh hết mực.
Em không dám nghĩ như một chị bạn em trước khi chết đã nắm lấy tay chồng mà năn nì: “Dầu anh nói dối em cũng được, anh hứa với em đi rằng em chết anh sẽ không lấy ai”.
Không, em không có sợ gì anh lấy vợ khác. Em chỉ lo anh không trông nom đến các con, bỏ mặc chúng lêu lổng đến nỗi chúng đã thiếu tình mẹ lại còn thiếu cả những cơ hội thành người.
Thiếu tình mẹ là do em bạc phước nhưng còn nên người được hay không là trông cậy nơi anh. Em chỉ xin anh có một điều: Trông nom lấy các con anh nhé, nuôi nấng dạy dỗ chúng cho chúng được tự hào là con anh con em. Em không viết được dài hơn nữa.
Người vợ chết rồi cũng hãy còn yêu anh”.
Văn đọc xong, cầm bức thư đưa trả vợ rồi mỉm cười: “Thế bây giờ sống thì sao?”