Làm văn nghệ

     húng mày ra hết cả ngoài kia đi.
Văn xua hai tay đuổi lũ con ra phòng ngoài dáng điệu nóng nảy. Thằng Long, con Bích, nhặt vội nhặt vàng những đồ chơi chúng đang bày la liệt trên mặt đất, vài cái lọ thủy tinh, mấy cái hình bìa cứng, rồi kéo nhau đi chỗ khác, vừa đi vừa quay lại nhìn bố, nửa ngơ ngác, nửa thất vọng.
Phải có cái gì quan trọng lắm Văn mới nghiêm nhặt với con như vậy. Ngày thường chúng nó muốn quấy phá thế nào anh cũng mặc. Nhưng hôm nay mà chúng đùa nghịch bên cạnh anh thì không xong. Lý do là anh đang sáng tác văn nghệ.
Không hiểu tại sao Văn lại nảy ra ý định viết truyện ngắn. Ý đó lúc đầu lướt qua óc anh như một cơn gió thoảng. Nhưng dù chỉ là đi qua, gió đã để một cái gì ở lại như một thứ phấn hoa được đặt vào nhụy cái. Từ đó cái mầm văn nghệ thỉnh thoảng lại cựa mình. Câu truyện ngắn mà Văn ủ ấp mỗi ngày một lớn lên, một rõ ra. Văn như một nhà kiến trúc đứng trước mảnh đất hoang mà đã nhìn thấy các đường nét ngôi nhà định xây, cách xếp đặt các căn phòng, lối sinh hoạt của những người sẽ tới ở. Văn tưởng chừng như sờ mó được những nhân vật trong câu truyện anh đang xây dựng, nghe thấy tiếng họ nói, sống hẳn những cảm giác của họ. Càng ngày những nhân vật đó càng cồng kềnh, dẫy dọng y như một cái thai đến ngày đến tháng sắp lọt ra khỏi cái bụng ồ ề.
Ý định sáng tác ám ảnh anh, dằn vặt anh đến một độ không chịu nổi. Anh không ngờ cái nhu cầu tinh thần đó mà có thể làm anh quằn quại đau đớn đến cả thể chất. Anh phải viết thì nó mới nhẹ đi, anh nhất định viết rồi đấy.
Nhưng mà lạ thế! Cảm hứng tưởng đã là dồi dào súc tích, thế mà sắp cầm đến bút lại thấy nó mong manh, chới với như sắp bay đi đâu mất hết. Bây giờ chỉ là một cái cửa đóng mạnh, một tiếng còi xe hơi cũng đủ làm vụt biến đi cả cái công trình kiến trúc trong óc anh chẳng khác gì mấy vòng khói thuốc lá bị loãng tan trong cơn gió.
Anh đã đuổi hết con cái đi rồi, mà ngồi vào bàn viết, anh còn phải đưa hai tay lên ôm lấy đầu ghì giữ lại trong óc mấy cái hình ảnh mông lung. Rồi thế vẫn còn chưa đủ, anh lùa mười mấy ngón tay dưới mái tóc, xoắn chặt lấy tóc vào ngón tay như muốn níu lại áo một kẻ sắp bỏ ra đi.
Chật vật như vậy anh mới viết được vài dòng. Chị Văn ở dưới bếp đi lên, rón rén qua chỗ anh, khẽ liếc nhìn chồng, con mắt vừa âu yếm vừa khâm phục.
Hơn một tuần nay, đã nhiều lần anh cho chị biết ý định sáng tác của anh nên vẻ mặt đăm chiêu xa vắng của anh không làm chị ngạc nhiên.
Chị ra phòng ngoài lăng xăng tìm kiếm cái gì không biết rồi lại lẳng lặng xuống bếp. Một lát sau chị mang vào bên anh một địa khô mực và một ly rượu bia, bọt sủi chung quanh miếng đá mát lạnh. Anh Văn mắt vẫn không rời tờ giấy trước mặt, đưa tay ra lấy một miếng khô mực bỏ vào miệng chẳng nói chẳng rằng, hình như việc vợ phải chiều mình như thế là một chuyện dĩ nhiên. Anh cầm ly bia lên ngả người về đằng sau, uống một hơi dài, rồi vừa rung đùi vừa đọc lại mấy câu anh vừa viết. Tự nhiên anh thấy giọng văn của anh có một ầm điệu gì rất êm tai. Anh gọi vợ lại gần:
- Cô thử nghe đoạn này có được không?
Anh đọc xong, chị tấm tắc:
- Hay!
Anh nói thêm:
- Được đấy chứ. Còn khô mực cho tôi một đĩa nữa.
Và anh lại cắm cúi viết. Tối đến mới xong có hai trang. Anh đưa vợ coi rồi giảng với một giọng say sưa:
- Nếu viết truyện ngắn mà chỉ là kể một câu chuyện thì dễ quá. Ít nhất mình phải nói lên được một cái gì. Ít nhất mình phải là nhân chứng thời đại mình đang sống. Đối với những thế hệ sắp tới, sáng tác của mình phải chứa đựng một thông điệp.
Anh còn nói nhiều nữa. Chị Văn chỉ hiểu lơ mơ văn nghệ còn là một cái gì khác hơn là viết văn.
Có đêm anh đang ngủ, bỗng nhỏm dậy, bật đèn lên, nắm vội lấy cái bút chì, nguệch ngoạc vài chữ trên xếp giấy đặt sẵn đầu giường, rồi lại tắt đèn đi, nằm xuống.
Ậm ạch như thế trong một tuần lễ, anh viết xong truyện ngắn của mình, và lúc bấy giờ mới chợt nhận thấy anh chưa đặt tên cho nó. Chị Văn lại được anh hỏi ý kiến nhiều lần:
- Thế nào là “Hiu quạnh” hơn hay là “một tâm hồn” hơn?
Anh thấy tên nào cũng hay, bỏ tên nào cũng tiếc, sau cùng anh chọn ghép cả hai tên lại và đặt truyện ngắn mình là: “Một tâm hồn hiu quạnh”.
Anh nắn nót tên đó lên khoảng trống anh vẫn chừa ra ở trang nhất rồi chua thêm ở dưới một giòng chữ nắn nót hơn: “Truyện ngắn của Hoàng Mai”.
Bút hiệu này anh chọn đã lầu rồi. Ngay từ lúc anh chưa viết lách gì anh đã nghĩ sau này nếu có dịp nào sáng tác nhất định sẽ lấy tên Hoàng Mai làm bút hiệu. Hoàng Mai là tên làng anh. Chỉ có cách đó là trả được món nợ tinh thần của anh đối với làng cũ.
Văn nâng tập truyện ngắn lên trong hai tay, khẽ lật từng tờ rồi lẩm bẩm:
- Mười lăm trang chứ có ít đâu.
Khó lòng mà tả được sự kiêu hãnh của anh khi đó. Chính Văn cũng không rõ nó như thế nào chỉ biết là nó mênh mang tràn ngập. Anh thấy anh đã thoát khỏi con người nhỏ mọn hàng ngày và đã vượt tới một bực mà người thường không dễ đến nơi. Anh cất tiếng gọi, giọng vang lên như một lời ca:
- Mẹ con mày lại cả đây.
Chị Văn, thằng Tùng, thằng Long, con Bích đã từ một tuần nay chịu đựng sự lầm lì của anh, nay thấy anh cởi mở như vậy, chạy ùa lại bâu quanh anh.
- Đọc cho mẹ con mày nghe nhé.
Mấy đứa con chờ đợi cái gì khác hơn là một sự bình văn nên không tỏ vẻ hào hứng. Chị Văn một tay ôm lấy con gái, một tay khẽ để lên vai chồng, đứng nghe chăm chú.
Có những đoạn anh dằn từng tiếng rồi hất hàm hỏi vợ:
- Có nhận thấy dụng ý của mình không?
Vợ khẽ gật đầu. Văn sung sướng đã gặp được kẻ hiểu mình, lại cúi xuống đọc tiếp. Chưa hết nửa bài, thằng Long, con Bích đã có dấu hiệu sốt ruột. Thằng Long, không biết nghĩ ngợi thế nào nắm lấy tóc em giựt mạnh và con Bích quay lại đấm ngay vào ngực anh trả thù. Văn lừ mắt nhìn sang hai đứa, chúng đứng im một lát rồi giữa lúc ông bố đang say sưa với chính giọng mình sang sảng, chúng lại chím chóe, đâu trở về đấy. Chị Văn không nhịn được hơn nữa, phát mạnh vào mông hai con. Chúng òa lên khóc và cuộc bình văn gián đoạn.
Từ khi viết xong truyện ngắn, Văn thấy mình giàu hẳn lên và trong tay như có thêm một thứ quyền hành mới. Anh làm gì mà chẳng được khi anh đã chia sẻ quyền sáng tác với tạo vật.
Mấy bữa ăn gần đây, Văn có vẻ nóng nảy hơn. Anh đi đi lại lại như tính toán một việc gì. Chị Văn đang ngồi khâu ở phòng ngoài bỗng nghe tiếng chồng hỏi vọng ra:
- Này 160 hay 170 nhỉ?
Chị dừng kim lại:
- Cái gì mà 160, 170.
- Địa chỉ tạp chí Thời Mới ấy mà. Có phải 160 Phan Đình Phùng không?
- Em đâu có biết!
Giọng Văn gay gắt hơn:
- Ngồi đây thì làm sao mà biết được. Đứng lên xem hộ người ta một chút. Lật đằng sau lưng một số báo cũ là thấy ngay.
Chị Văn mang một số báo vào cho chồng, dáng điệu nhẫn nại. Văn nhìn nét mặt vợ, biết là mình vô lý, vừa cầm tờ báo vừa nắm lấy tay vợ:
- Cứ chịu khó thế này rồi bao nhiêu tiền nhuận bút anh biếu mẹ con mày hết.
Vợ vẫn lẳng lặng, Văn nói tiếp:
- Này, rồi nữ độc giả họ viết thư khen thì đừng có ghen đấy nhé.
Gửi bài cho tòa báo rồi, Văn càng nóng ruột, ngồi đứng không yên.
Chưa bao giờ Văn thấy báo Thời Mới ra chậm như lần này. Hôm này anh cũng rảo qua mấy sạp báo, mà hôm nào cũng chỉ thấy mấy số báo cũ bụi bậm, nhạt màu. Anh chịu không nổi nữa. Anh phóng xe lại tòa soạn, vừa gặp lúc báo mang từ nhà in về. Anh hỏi mua một số và lúc đưa tiền cho cô thư ký anh nóng ran cả hai tai, tưởng chừng như cô ta nhìn thấu gan ruột của mình.
- Đúng rồi, đúng là cô ta biết là mình có bài gửi đăng rồi.
Văn nghĩ thầm như vậy và lúc quay trở ra, anh còn thấy cái nhìn tò mò đó đè nặng sau gáy mình. Tự nhiên anh đưa tay về phía sau vuốt mạnh gáy như muốn lau sạch ảnh hưởng ma quái của cái nhìn kia.
Ra tới ngoài đường anh lật vội những trang báo, càng vội những trang giấy lại càng dính vào nhau. Bỗng anh dừng lại ở gần cuối tập, ghé sát mắt vào một khung báo, đọc chăm chú một hồi, rồi hai tay khép lại trên tờ báo, anh ngửng đầu lên, mặt đờ ra, vừa sung sướng, vừa tần ngần, như một sáng anh dậy hút được một điếu thuốc lào ngon.
Anh nhảy lên xe ra về, dọc đường thỉnh thoảng lại bỏ một tay ra, kẹp tờ báo vào ngực, lần trở tới trang cũ, lách nhìn vào trong, rồi mỉm cười một mình. Không hiểu làm sao đi xe như vậy mà anh không đâm vào ai.
Vừa xuống xe, Văn chạy vào khoe vợ, và chị Văn theo tay chông trỏ đọc ở mục “Hộp thư Thời Mới” trong những bài đã nhận được có cả “Một tâm hồn hiu quạnh” của Hoàng Mai. Chị Văn ngước mắt nhìn chồng và Văn sung sướng như thuở còn đi học thấy tên mình trong danh sách những người trúng tuyển một kỳ thi.
Dưới mục “Hộp thư” tòa soạn có đề câu: “Xin trân trọng cảm ơn các bạn” Văn đọc to câu đó lên rồi nói tiếp:
- Muốn cảm ơn hả? Đã thế sẽ gửi cho bài nữa!
Chị Văn hỏi lại chồng:
- Nhưng đây mới là họ nhận được bài chứ đã đăng đâu?
Văn trả lời với nhiều tự tín:
- Của ai kia chứ còn bài mình thì nhất định là họ phải đăng rồi.
Các bạn Văn cũng đã bắt đầu nhận thấy ở nơi anh một cái gì hơi khác thường. Một sự lúng túng có đôi chút tính toán ở trong, một vẻ ngập ngừng như muốn gợi sự tò mò của kẻ đối thoại. Văn đến bực mình về sự chậm hiểu của các bạn. Còn có gì là khó hiểu cho cam. Một người đã sáng tác như anh thì tất nhiên mặt phải hiện ra cái phong thái văn nghệ giấu làm sao nổi. Thế mà chưa bạn nào đủ tinh tế để gọi ra là anh đang viết văn. Đã có lần Văn hỏi một anh bạn:
- Thế nào, dạo này cậu giải trí cách nào?
- À, đại loại xem sách báo, chơi thể thao, coi xi-nê. Thế còn anh?
Văn mỉm cười một cách thật bí mật:
- Anh muốn biết tôi giải trí cách nào hả? Chờ vài ngày nữa rồi anh sẽ biết.
Thật là nói đến nơi rồi mà anh kia vẫn ngơ ngẩn như mới từ cung trăng rơi xuống. Trên đời này không có gì buồn nản bằng gặp những người sừng sững như những bức tường chặn đứng mọi dòng thông cảm.
Văn lại sống những giờ phập phồng mong đợi chờ ngày báo ra. Anh đã nhìn thấy trước truyện ngắn của anh trong tập báo, ý nhị và duyên dáng bên những bài khảo luận đạo mạo hay những bài thơ uốn éo. Anh đã thở đầy ngực hơi mực in như người mẹ day dụi mũi mình trên da thịt đứa con mới sinh. Anh băn khoăn không biết đăng một kỳ có dài quá không:
- Các ông ấy mà cắt làm hai kỳ là chết mình. Mười lăm ngày sau độc giả mới được đọc tiếp mất hết cả hứng thú còn gì nữa.
Văn không ngờ là tim mình có thể đập mạnh đến thế khi nhận được số báo mới. Chưa biết báo có đăng bài mình không mà cả một giòng chữ “Một tâm hồn hiu quạnh của Hoàng Mai” đã hiện lên bật ra trong óc anh, rõ rệt ngay từ lúc anh chưa nhìn vào tờ báo. Anh đưa mắt thật nhanh vào bản mục lục, liếc dọc từ trên xuống dưới, chờ đọc ở mỗi dòng những chữ “Một tâm hồn hiu quạnh của Hoàng Mai” y như anh đánh số đặt hết tương lai vào chuyện rủi may đang dò tìm số vé của mình trên bản in lô trúng.
Nhưng đọc đi, đọc lại cũng không thấy. Giở mục “Thời mới trong những số tới” cũng không thấy nói đến bài mình, Văn cầm tờ báo vứt ra một bên. Tự nhiên anh thấy báo chí dạo này kém quá xem không nổi nữa.
Chị Văn nhìn gương mặt chồng mà đọc được hết cả những ý nghĩ của anh. Chị lại bên chồng đon đả:
- Báo mới đây hả anh?
Và chị cúi người xuống vươn tay định cầm lấy tờ báo. Bỗng chị dừng hẳn lại, anh vừa cất tiếng gắt:
- Để đấy cho tôi. Báo mua về chưa kịp xem. Vợ con đã định tha đi.
Lúc khác có lẽ chị đã giận chồng. Nhưng sống với chồng lâu năm rồi, không phản ứng nào của chồng là chị không đoán trước được, nên không những không giận chồng mà chị lại còn buồn cười thấy chồng cáu kỉnh đúng như chị đã chờ đợi.
Chiều hôm đó anh vui vẻ hơn - Anh trỏ cho vợ xem ở mục hộp thư có ghi: “Nếu bài nào qua bốn kỳ Thời Mới mà vẫn chưa đăng thì xin các bạn coi như là không đăng” và nói thêm:
- Bài mình có đăng thì cũng phải mấy số sau.
Cả nhà đi ngủ rồi Văn hãy còn thao thức. Bỗng anh khẽ đập lên vai vợ:
- Này, ngủ chưa? Anh lại vừa nảy ra ý cho một truyện ngắn mới rồi.
Chị Văn lụng bụng nói gì nghe không rõ, còn Văn tiếp theo ý kiến của mình:
- Cứ lững thững viết chỉ một năm là có thể góp vào xuất bản một cuốn truyện ngắn chọn lọc đấy chứ đừng tưởng đâu.
Và anh ngủ thiếp đi với hình ảnh những cuốn sách của mình bầy la liệt các tiệm sách đô thành.
Mỗi một lần có số báo mới, Văn lại rơi từ hy vọng xuống thất vọng rồi lại tìm được cách an ủi mình, lóp ngóp bò lên từ chỗ buồn nản đến chỗ mong chờ. Củ như vậy được bốn lần báo ra mà vẫn không có bài mình, Văn thấy nhọc thõng thượt cả từ tầm trí đến thể xác y như một cái lò xo kéo ra, co lại nhiều lần đến nỗi mất cả sức đàn hồi.
Chị Văn cũng không ngờ chồng lại có thể xúc động đến như vậy. Lần thứ tư, cầm tờ báo dò tìm xong, không thấy gì mới, tay anh run rẩy và mặt anh nhợt đi đến độ tím ngắt. Không phải chỉ là nỗi bực dọc vì người ngoài đã phủ nhận chân tài của anh mà thôi đâu, anh còn thấy đau đớn nhưng một người sùng đạo đã bị ai xúc phạm đến tín ngưỡng của mình. Vì anh tin một cách không lay đổi được là sáng tác của anh có một giá trị trác tuyệt và kẻ nào không biết thưởng thức đáng cho anh thương hại. Anh luôn mồm giảng giải cho vợ:
- Bọn họ có hiểu gì đâu. Họ quen với một thứ văn nghệ công thức. Có phải mình không làm được như họ đâu. Mình không muốn đi vào con đường mòn. Mình cố tìm tòi đưa văn nghệ thoát ra khỏi một ngõ bí. Thế là họ sợ, họ không dám đăng.
Chồng càng giảng, chị Văn lại càng thấy văn nghệ là bí hiểm. Dầu sao chị cũng rõ là chồng đặt nhiều kỳ vọng vào bài mới gửi đi. Nay nếu có cách gì mà làm cho bài ấy được đăng, chắc chắn anh sẻ vui lòng. Trước mặt vợ con, anh sẽ không còn nỗi hờn tủi của một người xuống giá, anh sẽ lấy lại được sự tự tín đã từng bị lung lay, anh sẽ viết thêm, và biết đâu đấy anh sẽ chẳng thành một nhà văn nổi tiếng.
Những ý nghĩ đó lúc đầu chỉ lởn vởn trong óc chị nhưng ngày càng rõ rệt, càng thôi thúc chị phải làm một cái gì. Lòng thương chồng bấy lâu nay băn khoăn sáng tác rồi phải chịu nhiều dày vò về tự ái đã khiến cho chị muốn chia sẻ những khắc khoải văn nghệ với chồng. Chị vốn hiền lành ít nói nhưng khi đã quyết định việc gì, chị theo đuổi đến cùng. Đôi khi chính anh cũng phải chịu tính ương bướng của chị. Bây giờ anh đã gần quên hẳn những tấm tức về bài báo không được đăng nhưng lại đến lượt chị nóng nảy muốn công trình khó nhọc của chồng được đền bù xứng đáng.

*

Chị gửi bức thư cho tòa soạn Thời Mới rồi mới thấy rằng việc mình làm là vô lý. Chuyện không phải chuyện mình tự nhiên lại xen vào, anh mà biết chắc sẽ không để chị yên. Dầu sao chị cũng nhẹ cả lòng. Chị đã gửi lên trên mặt giấy tất cả những ý nghĩ thành thực nhất của chị. Chị cũng không hiểu làm sao mà chị có thể viết dài được đến thế. Tất cả những vật vã của anh khi sáng tác, lòng người vợ chăm nom chồng lúc viết văn, sự hãnh diện khi sáng tác hoàn thành, nỗi thấp thỏm trông chờ bài mình trên mặt báo, sự sụp đổ của hy vọng khi bài báo không được đăng, tất cả những cảm nghĩ đó được chị ghi lại một cách tế nhị đến nỗi người đọc thấy hết được những rung động của người viết. Chị cũng chẳng trông mong gì tòa soạn trả lời. Chị viết vì thấy cần viết còn lá thư của chị ai muốn nghĩ ra sao thì nghĩ. Hai hôm sau chị nhận được thư của tòa báo. Chị thầm trách mình không dưng gây chuyện, nhìn quanh quẩn không thấy có ai bên mình, lúc bấy giờ mới dám mở ra đọc:
“Thưa bà,
Chúng tôi rất cảm kích nhận được thư bà. Anh em trong tòa soạn đều đã biết ít hay nhiều những giầy vò của người sáng tác nên đọc thư bà nhắc lại những nỗi khổ tâm của ông, chúng tôi tưởng như thấy ai nói hộ những điếu bứt rứt của chính riêng mình. Tác giả có bài không được đăng thường cho là tòa soạn lạnh nhạt, không mấy ai chịu tin rằng tòa soạn cũng buồn, buồn vì đã phụ lòng người gửi bài, buồn vì mở rộng dang tay đón bạn mà không ân cần giữ bạn được như lòng kỳ vọng. Giờ phút nào chúng tôi cũng lo sợ không biết rằng cảm tình bốn phương gửi tới, đón giữ lại được bao nhiêu và gió thổi đi tan tác mất bao nhiêu. Chúng tôi thật rất biết ơn bà đã cho chúng tôi có dịp nói hết những mối ưu tư hàng ngày.
Bà có đề nghị với tòa soạn trong kỳ tới, in thêm cho bà 100 số với bài ‘Một tâm hồn hiu quạnh’ của ông nhà, còn tất cả các tờ khác đều không có mang bài đó và sẽ do Thời Mới phát hành, như thường lệ. Như vậy độc giả vẫn nhận được tờ báo như tòa soạn muốn trình bày, còn riêng với ông nhà và các bạn bè thân thuộc sẽ nhận được 100 số báo có thêm mấy trang kia. Bà lại cho chúng tôi hay là bà mới lấy được một bát họ và sẵn sàng chịu hết mọi phụ phí. Bà tin rằng lâu ngày rồi ông cũng sẽ biết sự xếp đặt đó, nhưng nếu tòa báo chịu giúp lúc này ông sẽ qua cơn chán nản và sẽ tìm lại được cái thú sáng tác.
Tất cả các anh em trong tòa soạn đều kính phục lòng bà chăm lo cho ông nhưng rất tiếc không thể nhận được đề nghị trên. Theo ý chúng tôi không có giải pháp nào khác hơn là trình bày thẳng thắn cùng ông những lý do nào đã khiến cho chúng tôi không đăng được bài vừa gửi.
Thực ra mới một tác phẩm đầu tay, ông nhà đã tỏ ra có một bút pháp vững chãi. Tiếc rằng trong suốt truyện ngắn ông nhằm tuyên bố một thái độ hơn là gói ghém một tâm tình. Sáng tác hình như chỉ là mượn cớ và vì thế đôi khi thiếu cả chất thực.
Trái lại khi bà viết thư cho chúng tôi bà đã nói lên những cảm nghĩ thành thực nhất, bà không có phải băn khoăn về một thái độ văn nghệ nào, nên chính lá thư của bà đã là một sáng tác rất đặc sắc. Nếu được bà cho phép, chúng tôi sẽ rất lấy làm sung sướng được đăng lá thư đó trong một số Thời Mới gần đây.
Chúng tôi kính xin bà trình ông bức thư này. Có thể có một vài chỗ sẽ không làm ông hài lòng, nhưng ngay trong anh em tòa soạn chúng tôi có những anh mà lần đầu gặp nhau đã cãi nhau kịch liệt chỉ vì lòng tự ái không chấp nhận được lời phê bình của kẻ khác thế mà sau đó biết nhau hơn lại dung nạp được nhau và mỗi ngày một thân thiết với nhau hơn.
Chúng tôi tin rằng ông bà cũng sẽ khoan lượng cho chúng tôi. Hơn nữa chúng tôi còn tin rằng khi trong gia đình ông có một người bạn ân cần như bà, rồi đây trong những bạn cộng tác với Thời Mới không những sẽ chỉ có ông Hoàng Mai mà lại còn thêm cả bà Văn nữa.
Kính gửi ông bà lời chào của toàn thể anh em tòa soạn”.
Chị Văn đọc xong bức thư ngơ ngác một hồi lâu. Đến bây giờ chị cũng hãy còn phân vân không biết có nên đưa cho anh Văn biệt hiệu Hoàng Mai xem không, và đến bây giờ chị vẫn không hiểu nổi là làm sao mới viết có một bức thư mà chị đã trở thành một nhà sáng tác văn nghệ.