Mười thang thuốc

     ị rồi mình ạ.
Chị Bình quay lại nói với chồng, tay vẫn còn cầm bút chì, chấm đếm từng ngày một trong quyển lịch bỏ túi.
Bình cười gượng gạo như một anh phạm lỗi:
- Chắc không?
- Có vẻ chắc. Em vẫn đều lắm mà lần này quá mười ngày rồi.
- Em đã thấy dấu hiệu gì khác chưa?
- Dấu hiệu gì thì cũng phải một tháng trở ra.
Bình đưa tay lên gãi đầu:
- Chà, đừng có lo hão. Tại dạo này em không được khỏe nên nó cũng chậm đi ít bữa. Chẳng sao đâu!
Nói vậy nhưng Bình cũng hơi thấy bồn chồn. Mỗi buổi đi làm về, anh lại khẽ hỏi vợ:
- Có gì chưa?
Vợ lắc đầu và Bình trông tiu nghỉu.
Mấy hôm liến, vẫn một câu hỏi và vẫn một cách trả lời. Đến một hôm kia Bình không còn giữ được bình tĩnh nữa. Thấy vợ vẫn còn lắc đầu, anh gát lên:
- Người gì lạ thật. Cứ ì ra thôi.
Vừa gắt xong, Bình nhận ra ngay là mình vô lý. Anh đến bên vợ, để tay lên vai vợ:
- Có là thánh cũng phải sốt ruột.
Chị Bình cười một cách mệt nhọc:
- Em còn sốt ruột bằng mười anh.
Sau đó, chị Bình lúc nào cũng buồn ngủ rồi lại sợ cơm - Bà mẹ chồng ngắm nghía nàng dâu từ đầu đến chân, tủm tỉm cười:
- Chị lại có tin mừng.
- Không phải đâu, mẹ ơi.
- Tôi nhìn lầm làm sao được, người chị cứng queo, lông mày dựng ngược thế kia, đúng chị có mang rồi.
Đã từ mấy năm nay việc có mang không còn là một tin mừng với anh chị Bình nữa. Lấy nhau mười sáu năm, chị ta bảy lần đẻ và nuôi được cả bảy. Lũ con đứng bên nhau, đứa nọ lớn hơn đứa kia một đầu, đều đặn như những bực cầu thang. Trông thấy một đứa mặc cái áo quá rộng hay đi đôi dép há miệng, ngay đến chị Bình cũng không nhớ nổi áo kia hay dép nọ lúc đầu đã mua cho đứa nào trong bọn, vì chúng cứ mang mặc thừa của nhau, đứa nhỏ ngong ngóng chờ đứa lớn thải ra cho chóng đến lượt mình. Chúng gọi thế là “ăn thừa tự”.
Cơm hàng ngày chỉ có rau đậu, họa hoằn lắm mới có thịt, ít khi chúng được ăn quà, và đồ chơi lại còn hiếm hơn nữa. Nhìn lủ con giương đôi mắt thèm thuồng ngắm bạn chúng chùn chụt mút kem cây hay xuýt xoa nhai thịt bò khô, anh chị Bình nhiều khi nhói cả ruột, phải quay mặt đi chỗ khác.
Năm đứa đã đi học, hai đứa lớn đáp xe buýt, ba đứa nhỏ được bố đèo xe đạp, một ngồi khung trước, hai quặp đằng sau, lại thêm ba cái cặp sách lủng lẳng ở tay lái. Có người thấy bốn bố con chi chít như một chùm sung trên cái xe liêng chiêng đã phải kêu là nguy hiểm, nhỡ đứa nào té thì khốn. Nhưng không đèo con như vậy để chúng nó đi xe chở học sinh, sáu trăm ba đứa lại còn nguy hiểm hơn - Vì lương anh chỉ có trên bốn ngàn mà nhà một mẹ già nay đau mai yếu và mười miệng ăn - Trong họ, anh Bình lại vẫn còn là người khá nhất, nên những chuyện nhờ vả, hiếu hỉ không tháng nào không có.
Anh chị Bình cũng đã nhiều lần bảo nhau phải đẻ từ từ thôi, chứ cứ hai năm một thế này chật vật quá. Nhưng từ từ đâu có phải dễ. Bình đã từng nửa đêm dậy đi bộ hàng giờ ở ngoài đường, hay giội nước tắm thùm thùm để cho những kích thích được ru êm đi nhưng có những thói quen mạnh hơn cả ý muốn của mình - Vả lại trừ phi muốn đảo lộn cả đời sống thân mật của vợ chồng, còn không làm sao mà tránh được. Một anh bạn đã biếu thuốc nọ thuốc kia mà cũng chẳng ăn thua gì cả. Có lần vừa dùng thuốc đã có mang ngay, đến trách ông bạn thì ông ta lại giảng cho nghe một cách rất xuôi tai:
- Chính nhà chế thuốc cũng sợ thất đức nên trong lọ bên cạnh những viên thuốc thật họ đã để một vài viên giả. Người ta thì không sao, đúng lúc ông bà dùng lại vớ phải ngay viên giả.
Sau mỗi lần sinh, hai vợ chồng lại nói chuyện cương quyết hạn chế, nhưng kết quả vẫn là đến nay chị Bình đã bảy con và đang có mang đứa thứ tám. Nghĩa là dòng người chờ “ăn thừa tự” quần áo cũ, dép giầy há mõm sắp thêm một tên nữa, cái xe lạch cạch của anh Bình sắp nặng trĩu thêm, và khẩu phần của mỗi người trong gia đình sẽ bị cắt xén bớt đi cho đủ gộp vào thành một khẩu phần mới. Còn đầu cái sung sướng điên cuồng khi mới có đứa con trai đầu lòng? Đến đứa thứ năm thứ sáu, nghe chừng đã có cái gì tẻ nhạt. Lần này chỉ còn là sự nhẫn nại cam chịu số kiếp đông con và nỗi lo ngại trước một con đường dài trách nhiệm và chắc chắn nhiều thiếu sót. Trời mà cho cả tám đứa nên người thì việc nuôi nấng chúng cũng đủ nheo nhóc chật vật. Lỡ có một đứa nào ngu đần, tàn tật không biết rồi khổ cho nó đến đâu, và đau lòng bố mẹ biết mấy.
Cả hai anh chị Bình đều không nói ra, nhưng người nọ đọc hết những ý nghĩ của người kia - Trong nhà có lẽ chỉ có một bà cụ thân sinh ra anh là còn cho đó là một tin mừng:
- Chị cố đẻ một đứa con gái nữa đi, cho vuông hai cỗ. Về sau bốn dâu bốn rể vừa đẹp. Đám ma tao chắc nhiều người chỉ trông thấy cháu chắt tao mà thèm.
- Bà lại còn mong cho đẻ con gái nữa! Nuôi dậy tốn kém hơn cả con trai mà nhà nghèo thế này rồi ai lấy.
- Chà, cháu gái bà không có của ế.
Sự lạc quan của mẹ chồng không làm cho anh chị Bình bớt bận lòng.
Nhà trăm công ngàn việc mà chị Bình mỗi ngày một nặng nhọc, chân tay rời rã. Chị nói với chồng:
- Em thấy ngại quá anh ạ. Em đẻ sáu đứa đầu còn nhẹ nhàng, đến thằng thứ bầy đã bị một phen hú vía. Ra xuôi chẳng ra, lại quay ngang đâm cánh tay ra trước. Ngày đó không được bà đỡ giỏi thì chết rồi còn đâu. Lần này mà khó khăn nữa chắc không thoát.
- Em cứ nghĩ vẩn vơ thế không tốt đâu.
- Anh coi bà gì báo đăng hôm nọ có sợ không? Tiếp bao nhiêu máu mà cũng không cứu được - Hỏng cả mẹ lẫn con. Thế có ai oán cho người chồng không?
Bình nín lặng, đi đi lại lại trong phòng, đầu cúi gập xuống, tay thõng thượt. Bỗng anh tiến đến bên vợ ngập ngừng một lát, rồi hỏi trong hơi thở:
- Em có dám không?
Chị Bình giương to mắt nhìn chồng xem chồng định nói gì nhưng anh Bình đã bước nhanh ra phòng ngoài với dáng điệu của một người tránh không muốn cho ai thấy rõ nét mặt mình.
Suốt ngày hôm ấy, anh ta giữ bộ mặt khó hiểu như vậy mà chị Bình cũng không tìm được lúc thuận tiện để hỏi thêm. Tuy vậy chị cũng hơi đoán được một phần nào rồi. Tối đến khi cả nhà đã đi ngủ, chị vào giường đưa tay ôm lấy đứa con nhỏ nằm giữa hai vợ chồng, và bắt gặp tay anh đang nhẹ xoa đầu con. Chị khẽ nắm lấy tay chồng:
- Anh bảo em có dám không, tức là dám cái gì?
Bình vẫn nằm im - Một lúc sau, anh gỡ tay mình ra khỏi tay vợ chép miệng rồi trả lời:
- Các nước người ta làm cả. Bên Nhật với bên Ấn Độ mà không làm thế thì để đâu cho hết người.
Đêm tối mò mà Bình tưởng như trông thấy rõ vợ đang chăm chú nghe. Anh thủng thẳng tiếp:
- Bên mình cũng có mấy thầy thuốc chuyên môn việc đó. Nhưng phải kín đáo lắm người ta mới chịu làm.
Chị Bình thấy không còn mập mờ chi nữa và chị khẽ kêu lên:
- Úi trời! Việc gì chứ việc đó tôi chịu thôi - thất đức lắm.
- Tôi cũng nói chuyện chơi thế thôi chứ có ai bảo mình làm.
Sáng hôm sau, chị Bình soi gương thấy đôi mắt mình thâm quầng. Câu chuyện anh nói chơi đã làm chị nghĩ ngợi cả đêm.
Trong mấy tối liến, câu chuyện vẫn trở lại như một ám ảnh.
- Mình phá nó ra như vậy có khác nào mình giết đứa trẻ. Nó oán cho thì sao?
Bình lại phải cắt nghĩa cho vợ:
- Nói bậy! Đâu nó đã thành hình đứa trẻ mà bảo là giết mới không giết. Nó mới như là một hột máu thôi chứ. Chẳng có gì phải tội cả.
Hình như câu chuyện đã làm cho chị Bình bớt ghê sợ - Anh ta lúc đầu còn phải chọn lời, bây giờ đã lý luận một cách mạnh bạo hơn:
- Anh nói câu này em đừng cho anh là tàn nhẫn. Ừ thì cứ để cho nó đủ ngày đủ tháng nó ra đời, anh hỏi thật em, cảnh nhà túng thiếu như thế này liệu nó có sung sướng gì không? Hay là không biết đến cảnh bệu rệch ngay từ lúc nó còn là hột máu lại may mắn cho nó hơn.
- Anh nói cũng có phần đúng nhưng em vẫn thấy làm sao ấy!
- Chẳng qua cũng như em sẩy chứ có gì khác.
Chưa biết vợ đã thuận hay chưa, nhưng anh Bình cũng đã bắt đầu dò hỏi xem công việc áy người ta làm ở đầu và giá cả bao nhiêu. Đàn ông nói câu chuyện đó thật khó. Những người đã dùng tới giải pháp mạnh bạo ấy hình như đã ký một thỏa hiệp im lặng. Dầu sao Bình cũng tìm biết được một địa chỉ về khoe vợ. Và anh hạ giọng nói thêm:
- Họ đòi những ba ngàn.
- Làm gì mà cắt cổ thế. Vào đẻ ở nhà bảo sanh cũng chỉ hết bảy tám trăm. Đỡ cho người ta mẹ tròn con vuông mới khó chứ giết cái thai thì khó gì mà đòi tới ba ngàn. Tiền đó tôi để mua sữa cho con tôi.
Thế là chuyện lại xếp lại cho đến một hôm chị Bình thì thầm với chồng:
- Này chị Hạnh chị ấy cũng vừa làm đấy.
- Mới hai con mà đã làm à?
- Chị ấy bảo chả tội gì lúc nào cũng nheo nhệch con cái, chồng mê người khác lại thiệt.
- Em xem đấy. Lý do của mình còn chính đáng hơn nhiều chứ, thế mà mình cứ phân vân mãi.
- Chị ấy uống thuốc ta - Có mười thang thôi, mỗi thang bốn chục.
Khi hai vợ chồng tìm đến ông lang đã cắt thuốc cho Hạnh, chị Bình có những ý nghĩ rất lạ lùng. Chị thấy Bình đi bên cạnh như không phải là chồng mình nữa mà là một chàng trai nào đã lừa dối chị và lợi dụng được chị. Nay chị có mang, anh ta phải nghĩ cách lấp liếm sự vụng trộm của mình. Bàn tay khô đét có móng dài của ông lang vừa đặt lên cổ tay chị để bắt mạch, một cảm giác ma quái đã truyền chạy vào người chị. Con dao cầu thái thuốc phầm phập băm xuống hăm hở, ác liệt làm chị thấy như mấy vị thuốc đang ứa máu dưới lưỡi dao. Lúc tiễn khách, ông lang còn nhắn theo:
- Thuốc này của tôi gia truyền - Phải thì nó ra, không phải thì bổ máu tốt lắm.
Chết chưa, nghề này mà cũng truyền mấy đời rồi sao. Chị Bình đang xách lủng lẳng mấy thang thuốc trước bụng bỗng đưa vội cho chồng cầm, như sợ đứa con trong bụng trông thấy. Gần về tới nhà, Bình còn dặn vợ:
- Mẹ hỏi thì bảo thuốc dưỡng thai nhé!
Sắc xong thang thuốc đầu, chị Bình vã hết cả mồ hôi ra - Chị ngồi ngắm bát thuốc đen quánh mỏng chừng đó là thuốc độc. Chị thở thật mạnh, lắc đầu bảo chồng:
- Thôi em không uống nữa đâu.
- Lạ chửa - Thuốc mua về mà lại không uống! Thuốc bắc nó nhẹ nhàng không công phạt gì đâu.
Có tiếng xe xích-lô đậu ngoài cửa và tiếng bà cụ gọi các cháu - Chị Bình cầm lấy bát thuốc, nhắm chặt mắt lại, đưa hai ngón tay bịt mũi, rồi nuốt ừng ực, mặt nhăn nhó một cách ghê tởm. Thuốc đắng hay sao mà chị trào cả nước mắt ra.
Thấy mẹ bước vào, hai vợ chồng lúng túng như hai kẻ gian. Bà cụ giơ cao lên một con cá chép chĩa về phía chị Bình:
- Sang mãi bên kia cầu mới mua được đầy - Đàn bà có mang ăn cá này đẻ con thông minh lắm nhé. Mà chị phải nấu riêng, một mình ăn hết một con mới tốt. Bà ra mâm cả nhà, lũ trẻ nó khoắng cho một lúc thì chẳng còn được miếng nào.
Chị Bình không muốn cho mẹ nhìn thấy mắt mình đỏ hoe nằm úp mặt xuống gối - Bà cụ lại gần:
- Chị làm sao thế?
- Con chóng mặt quá.
Bình lấy chân khẽ gạt bát thuốc vừa uống cạn vào gấm giường.
Tới bữa chị Bình nằm nguyên, không ra ăn cơm. Anh ngơ ngơ ngác ngác, chẳng nói chẳng rằng.
Hết mười thang thuốc rồi, Bình nghe ngóng mãi không thấy vợ động tĩnh gì cả. Thỉnh thoảng anh lại nhìn vợ khẽ hất hàm như muốn hỏi tin tức. Vợ chỉ cúi đầu xuống không nói gì.
Chị Bình mỗi ngày một ồ ề, bụng đã rõ hẳn. Những lúc có riêng hai vợ chồng, anh lẩm bẩm:
- Lão lang già chỉ khoác lác. Phải đòi tiền lại mới được.
Sáng chủ nhật nọ, Bình ở đâu về chạy vào bếp tìm vợ:
- Hắn vẫn cả quyết thuốc hắn tốt. Hắn bảo cô đến cho hắn xem mạch lại.
Chị Bình cứ trùng trình, anh ta phải giục:
- Đi, mặc áo đi luôn.
Khi đó chị Bình mới dìu chồng ngồi xuống:
- Mình ngồi yên, em kể cho mình nghe câu chuyện này.
Bình ngước mắt nhìn vợ, nửa tin nửa ngờ:
- Nó chuyển rồi mà em giấu anh phải không?
- Nó chẳng chuyển gì cả - Tại em, không phải tại thuốc ông lang - Em có uống một thang đầu, chín thang sau em đổ đi hết.
Rồi không để chồng hỏi thêm, chị nói thật nhanh:
- Nó cứ may máy trong bụng như là nó biết mình sắp sửa làm gì nó. Em thấy thương nó quá em không nỡ.
Chị ngồi chờ phản ứng của chồng. Bỗng chị cầm tay chồng đặt nhanh lên bụng mình:
- Đấy nó lại máy đấy.
Bình rụt rè để tay theo vợ chỉ. Cái bụng phình phình cưng cứng như có một trái bưởi bên trong. Anh lắng tay nghe và thoáng một giây thấy tim mình, ngực vợ, bụng kia cùng đập một nhịp.
Lúc Bình đứng dậy, anh có cảm tưởng vừa ở một cơn mơ ra. Chỉ một chút nữa cái mầm sống kia đã tắt lụi. Anh nói hổn hển như một người mới thoát một tai nạn.
- Ừ nó máy thật - Rồi nó được yêu nhất nhà cho mà coi.