ửa sắt khép lại. Sử gia của Đảng Cộng sản bảo tôi: - Chừng nào cô cảm thấy sợ hãi, hãy báo cáo ngay với người của chúng tôi. Tôi hỏi, giọng bình thản: - Người của các ông? - Phải, người của chúng tôi. - Công an có mặt cả ở nhà thương điên? - Ở khắp nơi. - Tôi hiểu rồi. - Cô cần hiểu thêm điều này: Tự ái của cô sẽ biến cô thành người điên thật sự như cô Hoàng Thị Nga. Một ngày trong phòng điên bằng một năm trong cachot. Cô nên nhớ kỹ. - Bằng mấy phút sống với các ông? - Hãy sống đi, cô sẽ biết so sánh. Sử gia lùi lại vài bước và khoanh tay đứng nhìn tôi. Tôi vừa xoay lưng về phía ông ta là bị ngay hai người điên nhào tới, túm tóc, kéo tôi vào góc phòng. Họ quật ngã tôi trước sự rửng rưng của những người điên khác. Tôi, hầu như kiệt lực, không đủ sức kháng cự, đành nhắm mắt chờ đợi một trò chơi mới, khiếp đảm và nhục nhã. Nằm yên, tôi chịu đựng những trái đấm, những cái tát không thương sót. Tôi không thể nhớ rõ thời gian rớt khỏi cầu vồng dưới âm phủ và chó ngao đã cắn xé tôi bao nhiêu miếng, nhưng tôi biết đòn điên đã làm tê liệt thể xác tôi. Đúng lúc đó, lúc mà tóc tôi bị xoắn chặt, giật mạnh không còn cảm giác đau đớn, những người điên trong phòng dẫm chân, vỗ tay, bu kín quanh cuộc chơi. Họ la hét và xông vào đấm đá hai người điên bắt nạt tôi. Tôi được giải cứu. Vẫn nằm co coắp ở góc phòng, tôi cố gắng mở mắt. Cửa sắt bị rung ầm ầm. Giám thị mở khóa, tay cầm chiếc roi mây. Sử gia của Đảng còn đứng ngoài hành lang. Giám thị mở tung cửa, chạy vô, vụt roi tới tấp vào đám người điên. Vòng đai dãn rộng lập tức. Hai người điên hành hung tôi được lôi ra khỏi phòng. Cửa sắt đống rầm, khóa chặt. Sử gia theo sau Giám thị, mất hút. Bây giờ tôi mới thấm đòn. Tôi dẫy dụa, quằn quại va thiếp đi trong cơn say của hình phạt. Khi tôi vụt tỉnh, tôi thấy cả khuôn mặt tôi lạnh toát. Mở mắt, tôi thấy tăm tối. Và tôi hoảng sợ, hét lớn. Một bàn tay vỗ nhẹ lên vai tôi và một giọng nói tôi đã từng nghe ở đâu đó: - Bình tĩnh, em nhỏ! Vẫn bàn tay ấy, lột cái khăn thấm nước khỏi mặt tôi. Vẫn giọng nói ấy rót vào tai tôi: - Em nhỏ, sợ hãi là đầu hàng đấy. Tự nhiên, tôi quên hết đau đớn, đôi môi rướm máu của tôi mấp máy, tôi khẽ gọi: - Chị Nga! Chị Nga mỉm cười. Tôi vươn tay nếu lấy cổ chị. Một người điên khác giúp tôi ngồi dậy, dựa lưng vào tường. Chúng tôi nhìn nhau. Tôi không hiểu chị Nga đã nghĩ gì khi ngắm nghía khuôn mặt đầy móng vuốt cào cấu còn rướm máu, khuôn mặt của người con gái hơn 1390 ngày thiếu ánh sáng mặt trời. Mặt trời chiếu cho mọi người, mặt trời đã bị cấm chiếu cho chúng tôi. Mặt trời bất lực dưới quyền uy của chủ nghĩa. Mặt trời mù lòa, hèn mọn, khiếp nhược. Mặt trời phản bội thiên chức soi sáng những vùng tội ác và hâm nóng lương tri đã đống băng của loài người. Nhưng, mặt trời vẫn mọc, vẫn lặn và con người vẫn sống quằn quại, sống hãi hùng. Mặt trời cũng vẫn chiếu xuống trái đất và chẳng phản ảnh nổi một chút xao xuyến nào từ trái tim bọc gọn lớp mỡ dầy của những kẻ gọi là lãnh tụ, những kẻ luôn luôn khoe mình ban phát hạnh phúc cho con người. Cuối cùng, mặt trời đồng lõa với bọn lái buôn nỗi khổ, bọn thu thuế bác ái, bọn đấu thầu nhân quyền và bọn đầu cơ tình nghĩa. Hẳn chị Nga đã nghĩ nhiều lắm. Đôi mắt thâm quầng và trũng sâu của chị mới là mặt trời của tôi, một mặt trời tâm cảm làm rực rỡ những ước mơ trong quan tài cachot. - Em xanh xao và già đi nhiều quá, Lan ạ! Chị Nga nói. - Ở tù mấy ai trẻ mãi, chị Nga nhỉ? Tôi nói. Em hy vong ước mơ của chúng ta không già. Khi nào hết ước mơ, đó là lúc chúng ta nên chết. - Học điều đó ở đâu vậy, em nhỏ? - Ở một người tử tù. Tôi kể cho chị nghe 240 ngày đêm nằm cachot FG khám Chí Hòa. Chị Nga ôm chặt lấy tôi, vỗ về: - Em mong muốn một phần thưởng gì không? - Không. - Nhưng sẽ có một phần thưởng cho em, phần thưởng dành tặng con người chế ngự hình phạt của thù hận. Rốt cuộc, chủ nghĩa nào cũng thay phiên nhau vào quan tài và chết ngạt. Con người thì cứ hiên ngang sống, thách thức tất cả. Em là biểu tượng của sự sống tuyệt vời ấy. - Còn chị? - Chị à... Chị chẳng có gì đáng nói. Chị Nga lảng qua chuyện khác. - Chẳng có gì phải sợ hãi người điên cả, nếu ta ở lâu với họ. Người điên biết sợ Giám thị và cũng biết thương yêu. Họ hiền hòa vô cùng khi họ hết cơn điên. Tôi đưa tay rờ những vết cào cấu trên mặt. - Họ đã... Chị Nga cười: - Họ đã cứu em đấy. Hai đứa hành hung dằn mặt em là công an được đẩy vô phòng trước lúc em tới nữa giờ. - Em hiểu rồi, hiểu rồi... - Em phải biết giả vờ điên, giả vờ đấm đá, cấu xé và thoát y để bị còng. Chúng ta khó trở thành người điên lắm. Ước mơ còn giúp ta luôn luôn tỉnh, dù ta bị kéo dài thời gian nhốt chung với người điên. Hãy nhớ điên không phải là bệnh truyền nhiễm, em nhỏ thân mến. - Chị đã bị tra tấn nhiều lần? - Những ngày đầu. Bây giờ, họ tưởng chị điên thật. Sống với người điên suốt đời vẫn dễ chịu hơn sống với cộng sản. Họ có thể làm đau đớn thể xác ta khoảnh khắc, làm phiền ta nhưng họ không bắt ta làm tự khai. - Chị đã bị còng? - Bằng còng Mỹ. Có dịp nhìn còng Mỹ dính trên tay mình, chị lại nghĩ đến Nhi và bài diễn văn dang dở. - Mãi mãi chị xoáy tâm hồn vào cái còng Mỹ. - Còng Mỹ và cai ngục Nga. Hai thứ là một. Hai thứ cùng chung mục đích tạo tác bất hạnh và chết chóc. Yên tâm không có gì để sợ hãi, không còn gì để sợ hãi. Có chị Nga bên cạnh, tôi khởi sự những ngày sống ở nhà thương điên, thứ nhà tù khốn kiếp nhất. Người ta muốn biến đổi tâm hồn con người mà không cần dùng hệ thống tẩy não của Palov. Với ai đó, người ta sẽ thành công. Với chúng tôi, họ chỉ thất bại. Bởi vì, nếu bị điện, chúng tôi đã điên ở những cachots câm lặng đằng đẵng tháng năm. Phấn đấu trong bóng tối với sự quạnh hiu soi mòn xương thịt khổ hơn phấn đấu để khỏi bị điên trong thế giới người điên. Chị Nga biết cách sống với người điên, biết cách giả vờ điên. Kinh nghiệm nào đã dậy chị? Ôi, thứ kinh nghiệm gớm ghiếc chị rút tỉa được dưới đáy địa ngục. Bằng kinh nghiệm ấy, chị Nga qua mặt các sử gia của Đảng Cộng sản, cái đám lãnh «sứ mạng» điều nghiên tâm lý của tuổi trẻ chống đối họ không thấm mệt. Họ tưởng chị Nga điên rồi. Nhưng chị Nga chưa điên, không bao giờ điên. Chị Nga chỉ già nua, tàn tạ nhan sắc và, chắc chắn, xuân đời của riêng chị đã phôi pha. Jane Fonda hay Elizabeth Hopkins đã là những kẻ thông manh tội nghiệp. Họ thiếu may mắn để chữa bệnh tật của họ. Làm sao họ biết những người con gái bị còng dính chùm trong cachot tối tăm, hôi hám. Nếu họ mở nổi mắt nhìn rõ hình hài chị Nga lúc này và cái chết thê thảm của chị Nhi năm ngoái thì ngay cả Bertrand Russell cũng sẽ đòi hỏi chính tòa án của ông ta kết tội ông ta như ông ta đã kết tội chiến tranh Việt Nam. Chiến tranh Việt Nam bỉ ổi hay hình phạt của hòa bình Việt Nam bỉ ổi? Và, những kẻ phản chiến hôm qua, những kẻ thân hửu với cộng sản hôm nay phải cúi mặt xấu hổ. Nói chi bọn vong bản che dù. Tất cả hãy chịu khó hình tưởng những người con gái Việt Nam yêu tổ quốc, yêu tự do, yêu dân chủ – chỉ có mỗi tội ấy thôi – mà phải úa héo, tàn tạ một kiếp người trong những chiếc quan tài xi măng cốt sắt, câm lặng và đói khát, xiềng xích triền miên. Bóng tối và tủi khổ chỉ làm mờ mắt và gầy mòn nhưng vẫn làm ước mơ rực sáng. Dẫu họ gục xuống trong cô đơn, trong sự ngoảnh mặt không mảy may trắc ẩn của những kẻ thích ồn ào phán xét, thích lên tiếng vô trách nhiệm, thích làm dáng nhân quyền thì ước mơ của họ vẫn tồn tại. Đó là chất ngọt của trái đắng, là ý nghĩa của đời sống của những ai dám đánh đu với hình phạt của thù hận để định nghĩa làm người, để dâng hiến cuộc đời. - Chị Nga, chị còn giữ vững cái cung cách đối xử với cộng sản khi sông núi chuyển vẫn không? - Còn chứ. Ta phải dạy họ làm người, cần dạy họ làm người. - Dù họ dạy ta điên? Dù họ nhỏ át xít từng giọt lên đời ta? - Dù gì chăng nữa, vẫn nên dạy họ làm người. Hễ được làm người, họ sẽ hết là cộng sản, sẽ hết đày đọa con người. Đó là Di chúc của cô giáo Trần Thu Nhi và chúng ta có bổn phận phải thực hiện. Chị Nga luôn luôn tuyệt diệu. Tâm hồn chị đã đáp trên chuyến xe hồi tưởng trở về vùng đất trăm năm xưa cũ của người Việt Nam cao thượng, người Việt Nam chưa hề bị biến chất bởi những chủ nghĩa phi nhân Tây phương, bởi những tinh thần hẹp hòi của các thứ giáo hội. Sống bên chị, nhà thương điên bỗng trở thành miếng sân đời, và, chị Nga, tôi có cảm tưởng chị là cây thông sừng sững, cao vút, cô liêu. Phải mất một tuần lễ, những vết cào cấu trên gương mặt tôi mới tróc vẩy. Những vết cào cấu không thể thành sẹo. Tôi thèm có một vết sẹo. Để, thỉnh thoảng, rờ rẫm mà nhớ một hình phạt hèn mọn của thù hận. Sinh hoạt nhà thương điên, dần dần, thích hợp với tôi. Chị Nga đã trang bị đầy đủ «vũ khí chống điên» cho tôi. Những người điên không còn là nỗi ám ảnh của tôi nữa. Ta sẽ mường tượng hàng ngàn điều quái đản ở một nơi chốn ghê gớm khi ta chưa bước tới. Đã bước tới, huyền thoại của nó sẽ tan biến. Nếu ta một lần đau khổ dám can đảm chấp nhận, ta sẽ nghìn lần đau khổ khinh thường và không thể dễ dàng bị khuất phục, bị gục ngã. Người ta nói thẳng với chúng tôi rằng người ta chỉ muốn chúng tôi sợ hãi. Nhiệt tình và lòng tự phụ của chúng tôi không cho phép chúng tôi sợ hãi. Sợ hãi là đầu hàng. Cuộc chiến đấu vừa lãng mạn vừa cô đơn của chúng tôi đã làm cho kẻ thù choáng váng. Và chúng tôi rất tự hào. Để có niềm tự hào, chúng tôi phải đánh đổi bằng nghẹn ngào, cay đắng, chết chóc và ngay cả xuân mộng đời mình. Tự nhiên, tôi mơ ước làm nhà văn để viết về chị Nhi, chị Nga, về những người bằng tuổi tôi đang âm thầm chiến đấu, đang bắt đầu cuộc chiến đấu với các thứ chủ nghĩa đã làm mòn mỏi, lây lất dân tộc tôi. Tôi mơ ước được vinh tôn họ, những người không biết ồn ào, không một tham vọng quyền bính, không ngớ ngẩn và lố bịch quần áo đen, khăn rằn học đòi đóng vai lãnh tụ và sẵn sàng tình nguyện vắng mặt ở cuộc vui lớn thành công. Nghĩ thật tội nghiệp lịch sử nước tôi, trải qua một kinh quá đau đớn nhục nhằn, vẫn còn sót lại nhiều bọt bèo, rác rến. Sang tuần lễ thứ hai, tôi quen thân gần hết bạn điên trong phòng. Chị Nga bảo những người bị nhốt trong phòng là những người điên nặng, những người điên thích phá phách, cắn xé và la hét. Một điều khiến tôi lạ lùng là người điên nặng vẫn còn biết sợ hãi. Họ nem nép khi Giám thị xuất hiện và biết tìm chỗ lẫn trốn khi Giám thị cầm roi mây vào phòng. Mỗi ngày, nhiều trò điên diễn ra theo đúng thời khoá biểu của người điên. Nếu không được tôi luyện ở các cachots, tôi cũng sẽ điên vì những trò chơi này. Nhờ thèm khác tiếng nói, giọng cười của mọi người từ lâu, tôi cảm giác thú vị và ấm áp sống với cộng đồng nhỏ, dẫu chỉ là cộng đồng điên khùng, rồ dại. Sau mỗi lưu lạc thần trí đáng sợ, những đôi mắt ngầu đỏ trở lại hiền dịu và giọng nói đằm thắm vô cùng, người điên trầm tư và ngôn ngữ của họ chả điên tí nào. Họ khôn hơn các người tỉnh khi họ tâm sự với tôi. Nhưng khi họ nổi cơn, cấu xé lẫn nhau, đập đầu vào tường, bám chấn song cửa gào thét, cởi quần áo tênh hênh, cười, khóc, chưởi bới đủ điều, đủ hạng người thì họ giống hệt quỷ sứ dưới địa ngục. Lúc ấy, để bảo vệ mình, chị Nga dạy tôi, phải sững sờ, dữ dằn để chứng tỏ mình ghê gớm hơn họ. Vì người điên biết sợ hãi. Chinh phục người điên, mình sẽ không sợ người điên và sợ bị điên. Chị Nga bắt tôi làm một giác đấu sĩ trong đấu trường điên. Tôi đã lăn xả vào người điên thật, túm tóc họ, lột xé quần áo họ, ngoạm cắn họ. Và, quả nhiên, tôi biến thành người điên bất khả xâm phạm, đầy quyền uy. Tôi có thể ra lệnh cho họ cả lúc họ điên lẫn lúc họ tỉnh. Rồi tôi nghẹn ngào, cay đắng. Cuộc đời đẩy tôi vào nhà thương điên. Hình phạt hay ân huệ? Nhà thương điên, động từ bất qui tắc của văn phạm đời sống của tôi. Tôi thao thức với những động từ bất qui tắc này. Đêm đêm, chợt thức giấc, tôi thấy những người điên hoặc dựa lưng vô tường đan lát tưởng tượng, đọc sách tưởng tượng, ôm con nũng nịu tưởng tượng... hoặc tay chắp sau đít đi đi lại lại trong phòng hẹp, nói năng lảm nhảm, nguyền rủa vu vơ. Họ ngủ rất ít, ăn rất ít. Ngày nào đó, họ sẽ chết. Người ta đâu thích cứu họ. Nhà thương, nơi họ đến, họ không được thương xót, chữa bệnh mà chỉ có hất hủi, đọa đầy và đánh đập. Nhà thương điên, đúng theo nghĩa thời đại, là trại tập trung cải tạo người điên. Điên, có lẽ, là bệnh của tư sản, thứ bệnh đáng căm thù như giai cấp tư sản. Từ mấy năm nay, tỷ lệ người điên ở Sài Gòn gia tăng một cách ngoạn mục. Người ta điên vì mất tất cả. Người ta cũng điên vì muốn đi tìm lại tất cả. Điên giả vờ nhiều hơn điên thật. Điên giả vờ để được cấp chứng chỉ điên để nộp hồ sơ xuất ngoại chữa bệnh – cách vượt biên ít mạo hiểm – và để tha hồ công kích chế độ mà không bị nằm tù. Người ta bảo, sống với cộng sản, thần kinh luôn luôn căng thẳng, riết rồi mất trí hết. Cõi đời thênh thang đã là trại điên vĩ đại thì Chợ Quán chỉ còn là túp lều trong cái trại ấy. Tôi thường bám chấn song cửa sắt nhìn ra sân nhà thương, khu vực người điên không bị quản chế, những người điên tỉnh. Họ không thích ồn ào nên không gây ồn ào. Chị Nga nói với tôi rằng, có người nổi điên từ một buổi tối công an ập đến nhà, siết còng chặt tay chồng mình, đọc Quyết định bắt và dẫn đi. Có người nổi điên từ chiến dịch đánh tư sản đợt hai năm 1978. Của cải bị tịch thu, bị đuổi đi vùng kinh tế mới đèo heo hút gió với hai bàn tay trắng. Thế là điên. Nhưng thê thảm nhất là trường hợp điên của một người đàn ông. Anh ta cùng với vợ và đứa con nhỏ trốn khỏi Việt Nam bằng thuyền. Thuyền của anh ta gặp cướp biển Thái Lan. Bọn cướp sau khi vơ vét vàng bạc thì hãm hiếp đàn bà con gái. Vợ anh ta bị cướp hiếp bảy lần. Anh ta điên từ lúc nghe thấy tiếng vợ mình kêu cứu, rên xiết. Người chồng bất lực. Thế giới bất lực. Quyền uy của loài người bất lực. Đạo lý và tinh thần sùng bái Phật giáo của cả hai nước Thái Lan nằm trong sự man rợ của bầy thú cướp biển. Người chồng ôm đứa con nhỏ nhảy xuống biển. Khốn nạn cho anh ta là anh ta được cứu vớt lên cái thuyền bị bầy thú gỡ nốt cả máy. Đứa con đã chết sặc và chìm nghỉm. Thuyền lênh đênh, trôi giạt về bờ bải quê hương. Anh ta bị bắt bỏ tù. Nhờ điên, anh được đưa vào Chợ Quán. Bây giờ, suốt ngày, anh ôm cái gối, dựa gốc cây, ngồi trên ghế chuyện trò với cái gối, ru cái gối ngủ, vỗ về cái gối, tưởng chừng cái gối là con mình. Thuyền nhân bất hạnh này vẫn còn hạnh phúc là được điên ở quê nhà. Nếu anh tới bến tự do, anh sẽ điên trên đảo vì số phận của anh, chắc chắn, không khơi dậy mảy may trắc ẩn của những kẻ nắm cái quyền ban phát ân huệ định cư cho anh. Họ sẽ lạnh lùng hỏi anh: «Có thân nhân ở nước thứ ba nào không? Trước đây có làm cu ly cho Mỹ không, có ôm súng Mỹ bắn cộng sản hay không?» Vân vân... Nếu không, anh phải nằm đảo, đợi người ta coi anh như rác và hốt anh đi định cư. Thời gian anh hóa thành rác, ít nhất, là 1095 ngày! Những người điên vì yêu chuộng tự do, chưa kịp xuống thuyền đã bị đồng bào của mình lừa gạt hết vàng bạc, đầy rẫy ở nhà thương điên. Khi họ nổi cơn, cả loài người bị nguyền rủa thậm tệ. Chỉ cần nghĩ tới thân phận của họ, đã đủ điên rồi. Nhưng bọn phản bội, bọn réo rắc bệnh điên thì vẫn tỉnh táo. Chị Nga khuyên tôi đừng nên suy tư về người điên. Tôi chợt hiểu tại sao tóc chị Nga mau bạc! Một đêm, cùng thức giấc, chị Nga buồn bã tâm sự với tôi: - Có lẽ chị em mình sắp xa nhau. - Chị linh cảm à? - Ừ, chị linh cảm. Chị đã thấm mệt, thấm mệt thật sự. Chị lo ngại sức khỏe của chị không chịu đựng nổi hình phạt. Ý chị không cần ăn, ước mơ không cần ăn những thể xác rất cần. Nó cho mình ăn uống tồi tệ quá. - Em phải nói với chị điều gì? - Khỏi. Trong hai đứa mình, một đứa phải sống. Ta nợ nần nhiều, phải có đứa sống để trả nợ. - Và để dạy cộng sản làm người. - Dĩ nhiên. - Để viết tiếp vài diễn văn dang dở. - Chứ sao. - Chị Nga ạ, thế thì đứa phải sống là chị. Vị chỉ có chị mới đủ tư cách viết và độc diễn văn. - Tại sao không là em? - Em chưa thể trang trải và độ lượng như chị. Nhưng, chị ạ, đừng nói chuyện bỏ cuộc, đừng nói chuyện chết chóc. Có lần, chị nhớ chứ, chính chị đã nói: «Ở đây không cho phép ai nói đến cái chết» khi ba chúng ta bị còng dính chùm trong cachot đề lao Gia Định. - Mấy năm rồi, Lan? Mấy năm rồi? Tôi muốn làm một tù nhân lạc tháng, rồi ngày để khỏi phải nhớ từng phút phấn đấu với sự sợ hãi và cái chết. Hãy tính hai đời tổng thống Mỹ. Tôi vào tù từ Gerald Ford, nằm cachot sang Jimmy Carter. Ngọn cờ Human rights của Jimmy Carter phất vào tháng trước thì tháng sau chúng tôi ăn cơm độn khoai, ngô, sắn và ăn bột mì đầy mọt nhân đạo của Tây phương luộc chưa chín. Sau đó, chúng tôi ăn bobo, thứ thực phẩm của ngựa. Tám mươi phần trăm tù nhân Việt Nam bị hư răng và đau dạ dầy vì sắn và bobo. Ngọn cờ Human rights thiếu gió, nó rũ rượi, ủ ê. Và quyền làm người vẫn chỉ là thứ đồ trang sức của những kẻ thích đi trên con đường của vĩ nhân. Giờ này, Jimmy Carter đang lo vận động tái ứng cử. Giờ này, chị Nga vừa hỏi tôi ở tù được mấy năm rồi. - Sắp hai nhiệm kỳ tổng thống Mỹ rồi, chị Nga ạ! Chị Nga mỉm cười. Nụ cười trong phòng điên, dưới ánh đèn néon, thấy nó mỉa mai làm sao! - Cả Hiến chương Nhân quyền lẫn khẩu hiệu Nhân quyền của ông Carter đều không đề cập tới những chiếc còng. - Chị sẽ giúp ông Carter tranh cử bằng còng Mỹ ở Việt Nam. - Nếu ra ngoài kịp. - Nhân quyền càng hung hăng ở bên kia trái đất bao nhiêu thì còng Mỹ càng siết chặt tay chân những người chống cộng sản ở bên đây trái đất bấy nhiêu. Nếu họ im miệng họ lại, mình sẽ được đối xử khá hơn, hoặc mình yên thân hơn. - Đôi khi, sự độc ác thường được diễn tả bằng lòng từ bi. Thời đại của chúng ta thì thường xuyên vĩ nhân thuyết pháp Độc Ác và bảo đó là Từ Bi. Những kẻ gian manh nhất loài người lại thích mình Phật hơn Phật, Chúa hơn Chúa. Thôi, ngủ thêm một tí, em nhỏ. Chị Nga nhắm mắt. Tôi không quen ngủ dưới ánh sáng đèn néon. Ở cachot thêm chút ánh sáng, ở phòng điên tôi lại thấy nó thừa. Người điên đâu biết khoét tường trốn trại mà phải thắp đèn thâu đêm. Có lẽ, người ta muốn những người chưa điên, luôn luôn nhìn rõ người đã điên để chống điên. Và người ta bảo chủ nghĩa của người ta ưu việt, chế độ của người ta quý trọng con người! Tôi ngắm khuôn mặt chị Nga và tôi cảm giác một sợi khói nào cay nhất vướng trong mắt tôi. Đã một lần, chị Nhi nói đến cái chết. Rồi chị chết. Chết tay vẫn đeo còng Mỹ. Bây giờ, chị Nga cũng nói đến cái chết. Nước mắt tôi ứa ra. Tôi đã nhủ, sẽ có một hôm, đi tìm nấm mồ của chị Nhi, dựng bia mộ cho chị và máng lên đó cái còng Mỹ. Nếu chị Nga chết, tôi sẽ làm gì trước nấm mồ của chị? Bài diễn văn đọc trước Quốc Hội Mỹ hay sẽ chỉ một chiếc còng Mỹ, chiếc còng rực sáng nhờ đã còng tay nhiều người Việt Nam yêu tự do, dân chủ, người Việt Nam làm sáng danh các vĩ nhân Lincoln, Kennedy... Tôi không dám nghĩ gì thêm. Ngủ ngoan, chị Nga, em không cho phép chị nói đến cái chết.