Chương VII

     ô thấy thế nào? Người công an chấp pháp hỏi tôi. 
- Tôi thấy bình thường. Tôi đáp. 
- Cô không hiểu ý tôi. Ý của tôi muốn biết cô đã nghĩ gì khi bị nhốt biệt giam. 
- Biệt giam nào? Các ông có đủ các thứ biệt giam mà. 
- Biệt giam khu FG Chí Hòa. 
- Tôi đã ghi rõ trong Tự Khai.
- Tôi đã đọc. Cô hãy hiểu rằng, tôi từ Hà Nội vào đây để làm việc với cô bằng tinh thần mới, hoàn toàn mới. Tôi đề nghị thế này: Cô tạm quên tôi là công an, tôi tạm quên cô là tù nhân chính trị, chúng ta nói chuyện như bè bạn. 
- Tuỳ ý ông. 
- Trước hết, tôi xin cảm phục các cô, dù các cô chống đối chúng tôi, các cô xứng đáng là kẻ thù của chúng tôi. Chúng tôi hết sức lo ngại tinh thần chiến đấu ngoan cường của các cô, các cậu, chúng tôi sẽ thua. Tôi đã gặp bọn lãnh đạo cũ ở các trại cải tạo. Chúng tôi đánh giá bọn nó rất thấp. Trung ương Đảng ngạc nhiên vô cùng khi thấy các cô, các cậu chống cộng sản chân tay không. Các cô, các cậu, trong tự khai, không hề xin khoan hồng, không hề nhận tội lỗi, không mong đợi ngày về. Còn thì cúi đầu chịu tội hết. Các cô, các cậu, có mất quyết lợi cũ đâu mà chống chúng tôi? 
- Ông từ Bắc vô Nam có mang theo tàu bay không?
- Tôi đi tàu bay.
- Mang theo tàu bay cơ.
- Chúng tôi có Mig 19, Mig 23.
- Có cả tàu bay giấy nữa!
- Cô đừng nghĩ chúng tôi thỏa mãn tự ái của cô để khai thác. Tôi đi thu thập tài liệu viết lịch sử Đảng. 
- Vậy tốt. Tôi sẵn sàng giúp ông. 
- Cảm ơn cô.
- Muốn biết tôi đã nghĩ gì ròng rã 240 ngày đêm ở cachot FG Chí Hòa, ông nên vào đây ở một ngày thôi, ở như một tội nhân nguy hiểm, ông sẽ có cảm giác và cảm tưởng rất hiện thực xã hội chủ nghĩa. 
- Tôi chỉ muốn cảm tưởng của riêng cô. 
- Cảm tưởng của tôi là ghê tởm.
- Cô không sợ hãi.
- Sợ hãi gì.
- Sự ghê tởm.
- Tôi ghê tởm và tôi thương hại. Các ông chưa được làm người. Chỉ những kẻ chưa được làm người mới dám đối xử với con người như vậy.
- Cô được làm người rồi?
- Phải, làm người từ sự biết chịu đựng hình phạt của kẻ chưa được làm người.
- Ai dạy cô tư tưởng ấy?
- Nỗi khổ.
- Chúng tôi chỉ cần cô biết sợ hãi. Và cô sẽ phải biết sợ hãi, chừng đó, chúng tôi thả cô về. 
- Các ông muốn dùng tôi làm vật thí nghiệm?
- Gần như thế. 
- Tôi hiểu.
- Bọn ngụy nhân, ngụy quyền và phản động vớ vẩn, chúng tôi không thèm quan tâm. Chúng tôi sợ các cô, các cậu. Chúng tôi sợ tuổi trẻ Sài Gòn. Một thắc mắc thuộc phạm vi tâm lý đấy. Người ta chống cộng sản hoặc để nắm quyền bính hoặc để phục hồi quyền bính cũ, tài sản cũ, sự nghiệp cũ. Tuổi trẻ Sài Gòn chống cộng sản để được cái gì nhỉ? Ngày xưa, tuổi trẻ Sài Gòn chống ngụy quyền, chống Mỹ; bây giờ, họ chống cộng sản, tại sao?
- Bất kể một chế độ nào bất nhân, tàn ác, bóc lột và không làm cho dân tộc tôi hạnh phúc thật sự, tuổi trẻ đều chống. Chế độ của các ông cũng bất nhân, tàn ác, bóc lột và không thể làm cho dân tộc tôi hạnh phúc, tuổi trẻ tiếp tục chống đối. Tuổi trẻ hoàn toàn vô tư trong sự chống đối. Chúng tôi không chống cộng sản. Bất hạnh thay cái chế độ bất nhân, tàn ác, bóc lột của các ông lại là chế độ cộng sản nên các ông và thiên hạ cứ ngộ nhận chúng tôi chống cộng sản. Nếu chế độ của các ông có tự do, dân chủ thực sự và dân chúng hạnh phúc, ấm no, sẽ chẳng còn ai chống đối, dù chế đó ấy là cộng sản.
- Chúng tôi không có tự do, dân chủ à?
- Hãy nhìn tôi, hãy hình tưởng 1390 ngày đêm cùm xích trong các cachots, ông sẽ có câu trả lời.
- Cô cần phải biết sợ hãi. Tuổi trẻ cần phải biết sợ hãi. 
- Tuỳ ý các ông.
- Đói khát và sợ hãi sẽ làm cô đầu hàng. Rồi cô sẽ trở thành một công dân ngoan ngoãn.
- Tôi biếu ông chi tiết này để ghi Đảng sử: Trong cực kỳ đau khổ và gần kề cái chết, có những người tuổi trẻ sợ sống hơn sợ chết. Lại có những người thèm ước mơ vì ước mơ là sự sống bền bỉ, vĩnh cửu. Và họ bảo vệ sự sống bằng ước mơ. 
- Ước mơ sẽ chết luôn. 
- Ông đừng kiêu ngạo, con người chết, ước mơ vẫn còn. Bởi vì ước mơ là ý nghĩa cao cả, vô tận của đời sống. Lưỡi lê có thể đâm thủng trái tim con người, lưỡi lê bất lực với ước mơ. Và hình phạt của chủ nghĩa của ông cũng bất lực luôn.
- Để xem. 
Sau lần «mạn đàm» với sử gia của Đảng, người ta chở tôi tới bệnh viện Chợ Rẫy. Bác sĩ trưởng khoa thần kinh là ông bác sĩ của chế độ cũ. Sau một năm học tập cải tạo, người ta xử dụng khá đông bác sĩ Sài Gòn. Những vị trí thức này bỗng trở nên hèn mọn, khúm núm, sợ hãi và khó khăn hơn cả bác sĩ cộng sản. Tôi ngồi chờ khám bệnh, chứng kiến nhiều vụ khiến buồn nôn. Quả thật, bọn ngụy nó ngụy từ cái móng chân lên tới cái tóc. Những người gầy ốm, hốc hác, mất ngủ, xin chứng nhận mắc bệnh thần kinh để sang Pháp, sang Đức, sang Thụy Sĩ chữa bệnh, mục đích là thoát khỏi Việt Nam, bọn bác sĩ ngụy mắng mỏ bằng ngôn từ cộng sản làm như chúng yêu nước lắm, cách mạng lắm. Vị bác sĩ trưởng khoa khước từ chứng nhận, xua đuổi, hất hủi đồng bào cũ của ông ta. Đồng bào khiếu nại lên bác sĩ Giám Đốc. Bác sĩ cộng sản xuống tận nơi giải quyết. Bọn bác sĩ ngụy líu ríu tuân lệnh, dạ vâng khô cổ họng. Cộng sản chấp thuận đồng bào điên khùng để đồng bào đủ giấy tờ nộp hồ sơ xuất ngoại. Quốc gia kìm hãm đồng bào, muốn đồng bào tỉnh táo để sống ở nhà thương điên bao la. Tôi nhìn lũ trí thức cầy cáo của 2, 3 chế độ, bỗng lợm giọng. Và tôi chợt hiểu tại sao cộng sản nó khinh bỉ trí thức miền Nam, dù nó cho một cái nhà, dựng một cái biển, đẩy cả lũ vô Hội Trí Thức Yêu Nước. 
Đến lượt tôi khám bệnh theo chỉ thị. Đích thân bác sĩ trưởng khoa khám bệnh cho tôi. Tôi biết trước còn một nhà tù ghê gớm hơn cachot FG Chí Hòa mà tôi sắp được ở. Hai người công an dẫn giải mặc quần áo dân ngồi ngoài. Phòng của trưởng khoa có mình tôi và bác sĩ. Ông ta hỏi tôi:
- Cô bị thần kinh lâu chưa?
- Thần kinh là bị gì? Tôi giả vờ. 
- Là điên điên khùng khùng do mất ngủ lâu ngày, do suy nghĩ mỏi mệt, do lo lắng đủ thứ, do sự khủng hoảng nào đó. Ông giải thích. 
- Thế tôi bị từ 30-4-1975. Tôi bị sau 1390 ngày đêm trong các cachots nhà tù. Như thế có phải là điên khùng không? 
- Thời kỳ bắt đầu đấy. 
- Xin lỗi ông, tôi chỉ bắt đầu điên khi gặp ông. Tên ông là gì nhỉ?
- Bác sĩ Vũ Duy Tiếp.
- Ngụy hả?
- Cải tạo rồi.
- Vẫn ngụy giờ thêm phỉ. Tên ông tôi sẽ nhớ để sau này đặt tên cho cái cầu tiêu công cộng. Mỗi thằng bác sĩ ngụy ở cái khóa thần kinh này là một thùng rác. Bây giờ, khỏi khám, khỏi hỏi, chứng nhận đi, tôi Ngô Kim Lan, phản động, điên nặng. 
  - Cô mạ lỵ cán bộ nhà nước.
- Ghi thêm, tôi chửi rủa ông. Người điên có chứng chỉ chửi cả Hồ Chủ Tịch!
- Cô điên thật rồi.
- Tôi không chối cải. Nhưng nếu ông quả quyết những người xin xuất ngoại bị điên thì ông bớt khốn nạn một tí.
- Tôi phải chứng nhận cô điên, thần kinh tâm liệt...
- Ông không muốn cũng không dám. Đồ hèn, chứng nhận lẹ đi. Nếu ông đủ can đảm vào tù mới bảo tôi hoàn toàn bình thường. Bác sĩ ngụy khốn kiếp, tôi điên nặng, có ngày tôi sẽ gặp ông. 
- Cô thông cảm. Chỉ thị của công an thành phố.
- Đàn em tôi sẽ viếng nhà ông. Một trái lựu đạn chắc vừa đủ. 
Tôi dọa ông bác sĩ. Ông ta tái mặt, phân trần. Tôi cười: 
- Tôi không biết giết người đâu, bác sĩ ạ! Để lương tâm ông giết ông và những lời thề của ông trước linh hồn Hippocrate dày vò ông. Tôi xin ông một điều: Sau khi chứng nhận tôi điên, ông nên giải nghệ thầy thuốc. 
Ông bác sĩ buồn bã:
- Tôi đông con cái quá.
Cuối cùng, tôi được mời ra khỏi phòng bác sĩ trưởng khoa. Tôi thừa đoán những việc sắp xảy tới. Công an dẫn tôi về đề lao Gia Định và tôi lại nằm trong cachot. Chẳng ai gọi tôi đi làm việc. Chẳng ai cho tôi biết kết quả sau lần khám bệnh thần kinh và giải thích tại sao tôi phải đến Chợ Rẫy. Người ta bắt tôi sợ hãi dần dần. Người ta muốn tôi suy luận và thầm sợ hãi từ từ. Cộng sản thật khó hiểu. Chỉ cần thủ tiêu tôi là xong, họ không thủ tiêu. Họ mất công đầy đọa và bắt tôi sợ hãi. Họ thích thí nghiệm sự chịu đựng của tuổi trẻ. Trò chơi thí nghiệm của họ rất hãi hùng. Cứ đem con người ra thí nghiệm. Con người vô tích sự. Con vật sản xuất tốt hơn. Hai mươi ngày sau, tôi gặp lại sử gia của Đảng, người bôn xê vích đeo kính trắng, tóc hoa râm, đôi môi tím tái.
- Chúng tôi luôn luôn nghĩ đến cô. Sợ cô ở biệt giam lâu đâm ra mất bình thường, chúng tôi đưa cô đi khám bệnh thần kinh. 
- Cảm ơn các ông. 
- Kết quả đáng ngại.
- Tôi biết rồi. Các ông chỉ thị cho ông bác sĩ ngụy chứng nhận tôi điên nặng. Các ông mất công quá. Muốn đẩy tôi vào nhà thương điên, các ông cứ việc đẩy. Bày đặt thủ tục rườm rà. 
- Chúng tôi làm sáng tỏ chính nghĩa cộng sản. 
- Các ông mượn tay ngụy hại tôi. 
- Giúp cô đấy. Tôi đã nói gì về nhà thương điên đâu. Làm gì có chuyện nhà thương điên. Nếu có, chỉ có vấn đề chữa bệnh thần kinh căng thẳng của cô. Tôi đã nghiên cứu lý lịch gia đình cô. Một lý lịch hoàn toàn trong sạch. Thế mà riêng cô, cô thù nghịch chúng tôi. 
- Tôi không thù các ông. 
- Cô chống chúng tôi. Tại sao?
- Vì các ông tàn ác, các ông không đem lại hạnh phúc cho dân tộc. 
- Ai sẽ đem lại hạnh phúc cho dân tộc? Bọn ngụy lưu vong hay các cô?
- Chúng tôi. 
- Dễ quá, tại sao cô không cộng tác với chúng tôi?
- Thế hệ cha, anh tôi đã cộng tác với các ông rồi, đã bị thủ tiêu hết rồi. Mèo không thể sống chung với chuột.
- Lịch sử đã khác xưa. 
- Nhưng lịch sử cộng sản không thay đổi.
- Cô định chống chúng tôi tới ngày nào?
- Ngày các ông tạo được hạnh phúc cho đồng bào chúng ta. Chừng nào dân Việt Nam không bị ăn rặt đầu tôm, vỏ tôm, tôi hết chống đối. Mình mẩy con tôm các ông đem đi đâu? Tại sao lãnh đạo ở nhà lớn, đi xe hơi, ăn uống đầy đủ chất bổ béo mà người bộ đội chỉ đi bộ, đeo rau muống quanh lưng, lương tháng vừa trả một đĩa cơm vỉa hè. Cá nhân ông có nhà riêng chưa? Có Honda chưa? Có radio chưa? Có vân vân chưa? Tại sao quý vị Uỷ viên Bộ chính trị chiếm ngự các biệt thự sang trọng, còn đào cả hầm, xây bê tông cốt sắt tránh bom và ông, ông phải nhảy xuống tăng sê tập thể? Tôi chống đối vì cả ông nữa, ông ráng hiểu. Còn hành hạ tôi, ông cứ hành hạ. Nhưng hãy nhớ rằng tôi không bao giờ muốn giết ông.
- Cô nói chuyện lảm nhảm rồi. 
Sử gia bảo cai ngục dẫn tôi về cachot. Sáng hôm sau, trên xe du lịch 404, tôi ngồi giữa ghế sau, hai bên là hai công an nữ; ghế trước, tài xế và sử gia. Người ta đưa tôi đến nhà thương điên Chợ Quán. Tôi tưởng người ta sẽ gửi tôi ở đây như một bệnh nhân mất trí nhưng người ta đã chưa làm thế vội mà chỉ dắt tôi đi thăm quan cái thế giới người điên. Hoặc là tôi may mắn, hoặc là tôi không may mắn, những người điên ở khu vực dành riêng cho họ, thản nhiên nhìn chúng tôi. Họ chả điên tí nào. Ngay cả những người bị nhốt trong phòng cũng hiền hòa, dễ thương. Đến phòng cuối dãy, sử gia bảo tôi nhìn kỹ xem có gặp ai quen không. Tôi đứng sát cánh cửa chấn song sắt to, tròn nhìn vào. Bỗng tôi hoa mắt muốn khụyu ngã trên hành lang. Tôi phải bám hai tay vào song sắt. Chị Nga, cô giáo văn chương Hoàng Thị Nga, tác giả «Bài diễn văn đọc trước Quốc Hội Mỹ» dang dở đang ở trong phòng này. Chị giống hết một «con điên» chính cống. Bộ quần áo nhà thương màu cháo lòng làm tăng thêm vẻ khờ dại trên khuôn mặt chị. Tóc chị rối bù và đã lốm đốm bạc. Đôi mắt chị trũng sâu, tay chị gầy gò, nhăn nheo.
- Chị Nga! Tôi gọi. 
Chị nhìn tôi. Chị cười. Rồi chị chỉ tay: 
- Cút đi!
Tôi ngỡ ngàng. Nước mắt tôi ứa ra. 
- Chị không nhận ra em à?
- Mày là ai? Jane Fonda hay Bertrand Russell, Elizabeth Hopkins hay Henry Ford?
- Lan nè, chị Nga!
- Lan huệ sầu ai lan huệ khóc. 
Những người trong phòng vỗ tay. Chị Nga gật gù, khoái chí.
- Em hãy can đảm sống, cố sống, bằng cách nào cũng phải sống, bằng giá nào cũng phải sống em nhé!
Chị ngừng lại, chạy vụt ra cửa, nắm lấy tay tôi, cắn một miếng. Tôi giật tay và lùi lại vài bước. Chị xỉa nói:
- Cút đi, cút đi...
Rồi chị vung tay, đọc diễn văn:
- Thưa quý vị...
Người ta bảo tôi rời phòng của chị Nga. Rồi tôi được trở về đề lao Gia Định, cachot C1. Lạ chưa, tù nhân đi tham quan người điên. Tôi không còn bị còng chân nữa. Người ta bỏ mặc tôi lây lất trong cachot. Tôi bằng lòng thế. Để suy nghĩ về chị Nga. Tôi nhớ 52 ngày còng chung với chị, chị đã kể cho tôi nghe những mẩu chuyện liên quan tới Jane Fonda, Elizabeth Hopkins. Tôi còn nhớ, như mới nghe hôm qua, giọng chị vừa phẩn nộ, vừa bùi ngùi: «Sau ngày 30-4-1975, đài BBC mở mục Diễn đàn cho những người đã từng ở Việt Nam, biết về Việt Nam phát biểu quan điểm của họ. Tôi có nghe, mỗi tuần một lần. Trừ giáo sư Honey và một ký giả nào đó, rất tiếc, tôi quên tên, viết về thiếu tá Minh biểu diễn đáp máy bay chở vợ con xuống sân hàng không mẫu hạm đã làm tôi xúc động. Con thì rặt một lũ tiểu nhân chơi trò đánh người ngã ngựa. Mình thua trận, đau đớn chết đi được, chúng nó còn chửi rủa thêm, ca ngợi kẻ thù của mình. Con nhãi Elizabeth Hopkins, hai mươi bốn tuổi, hiểu cái gì! Vậy mà nó dám dở giọng hỗn láo, nó bảo Sài Gòn cho Hà Nội chút ít vật chất nhưng Hà Nội cho Sài Gòn phẩm cách con người. Đấy, Hà Nội cho Sài Gòn phẩm cách làm người bằng cách còng dính chùm Sài Gòn đi ỉa, đi đái, ăn uống dính chùm luôn. Cần bắt con nhãi Hopkins xấc xược, ngu dốt đó, còng nó lại, nhốt nó cạnh xô cứt để nó nhìn rõ phẩm cách Hà Nội cho Sài Gòn. Ngày nào, trong ước mơ của tôi, tôi sẽ gặp con nhãi Elizabeth Hopkins nói chuyện về phẩm cách của cộng sản. Chị Nga nhắc lại những lời đã dặn tôi trước giờ chúng tôi chia tay. Bài diễn văn. Cái còng. Sự can đảm. Cuộc sống. Tôi không tin chị Nga đã điên. Không, chị Nga chưa điên. Chị Nga còn tỉnh táo. Chị Nga giả vờ điên.
Người ta đẩy chị Nga vào Chợ Quán hồi nào? Chắc chắn, thời gian chị bị nhốt ở trại điên cũng lâu bằng thời gian tôi ở cachot FG Chí Hòa. Người ta muốn tôi nhìn chị Nga để tôi sợ hãi. Phản ứng đã ngược lại. Tôi muốn gần gũi chị Nga để san sẽ nỗi đau khổ chị đang phải chịu đựng một mình. Trại điên, tầng thứ mấy của địa ngục nhỉ? Địa ngục hết tầng rồi. Vậy thì trại điên là cái đáy thứ hai dưới tầng thứ chín. Trại tập trung có gì ghê gớm đâu, so với nhà thương điên nó chỉ là mụn ghẻ. Phải, trại tập trung chỉ là mụn ghẻ dù ở Sibérie, ở Sơn La, Lào Kay, Cao Bằng hay Hàm Tân, Xuyên Mộc... Một năm ở trại tập trung bằng một tuần ở khu FG, bằng một giờ ở cachot FG Chí Hòa, bằng một phút ở nhà thương điên. Xem chừng người ta hơi ồn ào về những trại tập trung. Mỗi người từ đó về đều tự phong mình là ngục sĩ, thứ tù nhân phi thường nhất thời đại, chứng nhân số một của tội ác. Với tôi, những ngày đêm cachot mịt mù, dằng dặc chỉ là cuốn văn phạm quá dầy để viết những trang đời sống quá khổ, nhưng nếu viết được thì rất hay, rất lạ. Thế thôi. Cái mốt của thời đại khốn khó của chúng ta là thích đánh bóng nỗi khổ như đánh bóng một món hàng. Nhiều người hưởng thụ kỹ nhờ biết cách quảng cáo nỗi khổ của người khác. Đến cả nỗi khổ cũng kiếm ra cơm áo, xe hơi, nhà cửa, sự nghiệp thì lạ thật. Bây giờ là kỷ nguyên nhân danh nỗi khổ, sau khi đã nhân danh lòng yêu nước, nhân danh tự do, nhân danh dân chủ, nhân danh nhân quyền... 
Chúng ta nhân danh gì trong bóng tối cachot, bên cạnh xô cứt, chị Nga, chị Nhi? Có lẽ chúng ta không biết nhân danh cái gì, chúng ta chỉ biết chịu đựng, chịu đựng và chịu đựng. Và nếu có ai hỏi chúng ta chịu đựng để làm gì, em sẽ trả lời rằng: Chúng tôi chịu đựng để biết ngậm trái đắng nói chuyện ngọt bùi, để trồng hoa nhân ái trên mọi dấu tích thù hận, để biến những cái còng thành đồ trang sức và ngục tù thành phòng triển lãm hạnh phúc, ước mơ.