hị Thủy vẫn nằm trong cachot. Ngày tháng cải tạo trôi đều, tẻ nhạt, buồn tênh. Chị Nga chưa bị đẩy xuống hầm phân nhưng chị bị các viên chức thư lại của chế độ cũ ghét bỏ vì sự bày tỏ thái độ trí thức của chị trong lao động và lòng khoan dung của chị đối với những kẻ đang đầy ải chị. Người ta bảo chị khiếp nhược, đầu hàng. Người ta bảo chị điên. Chị vẫn quan niệm bọn cán bộ coi tù là bọn vô học, con nít. Phản kháng bọn vô học là tự hạ mình xuống. Để bọn vô học giết chết là ngu xuẩn. Những anh cộng sản gộc không bao giờ chịu làm anh hùng, liệt sĩ. Họ đã sống vì bầy liệt sĩ khờ khạo. Nếu họ thích chơi trò liệt sĩ, họ đã chết hết trong tù và lịch sử đã không giống hôm nay. Chị Nga là đại bàng. Lũ người đàm tiếu, họ chỉ là chim sẻ. Chim sẻ léo nhéo, khả năng bay của nó từ cây nọ sang cây kia, từ mái nhà này sang mái nhà khác. Làm sao chim sẻ hiểu nổi chí của đại bàng? Bệnh huyết trắng và tê bại trở nên trầm trọng. Thực phẩm không thay đổi. Vẫn sắn lát, cơm gạo mục ăn với củ cải nấu muối, kho muối. Chúng tôi chưa được viết thư về gia đình. Phải được phép viết thư mới có phiếu thăm nuôi. Nếu không, đành sống kiếp tù đày «con bà phước», thiếu thốn hoàn toàn. Hơn bốn năm, chị Nga và tôi đã sống như thế. Lao động rút dần rút mòn sức lực của chúng tôi. Bài học mà tôi có từ lao động quá đắt. Đội của tôi hơn năm mươi người mà đã quá hai mươi người tê bại, huyết trắng. Các tù nhân thuộc thành phần thư lại của chế độ cũ thì vẫn nhởn nhơ. Họ được thăm nuôi đều đặn, đầy đủ thuốc men, thức ăn béo bổ. Đi tù mà vẫn bơ, sửa, phó mát, đồ hộp! Họ có tiền, có tặng phẩm mua chuộc cai ngục nên họ nhàn hạ. Nhưng họ cứ than vãn, rên xiết. Nỗi khổ, sự thiếu ăn, mệt mỏi, bệnh hoạn giết chết cả dục tính của tù nhân. Tôi có cảm tưởng trại tù đàn bà, con gái Long Thành hay bất cứ trại tù đàn bà, con gái nào trên quê hương tôi, dưới sự thống trị của đế quốc cộng sản, là trại nuôi heo cái thiến. Heo cái thiến thêm những máng cám của heo thịt nuôi trong trại. Nếu mỗi tù nữ, mỗi bữa ăn được thêm một chén cám heo, bệnh tê bại sẽ giảm dần. Chị Jane Fonda và chị Elizabeth Hopkins thấy chưa? Chúng tôi sống cạnh chuồng heo và thèm cám heo để chữa bệnh. Con người thua con heo. Cái chế độ mà các chị ca ngợi là «lương tri của loài người» thế đấy. Bao giờ chị Fonda thăm Phước Long, Bầu Lâm, Ba Tơ, Sa Ác, Long Thành, những trại tù đàn bà ở miền Nam Việt Nam như chị đã thăm Hà Nội dưới mưa bom của Mỹ để phát biểu cảm tưởng? Hồng Thập Tự quốc tế đâu? Những nhà báo nổi tiếng vụ chuồng cọp Côn Sơn đâu? Tòa án Bertrand Russell đang làm gi? Các hội Thân Hữu với Cộng Sản đang làm gì? Lớn khôn rồi đấy, cô Elizabeth Hopkins còn xác định «Hà Nội cho Sài Gòn phẩm cách làm người» nữa không? Tôi nghĩ, trên thế giới, còn mỗi Hội Bảo Vệ Súc Vật chưa đến nỗi phải cúi mặt xấu hổ. Bạn muốn hiểu thế nào về Hội này, tùy ý bạn. Sự thèm khát cám heo làm xúc động các chị ở đội chăn nuôi. Các chị đã lén lút, hóa trang mọi cách, tối tối, mang đến mỗi nhà một xô cám heo nấu chung với rau muống già, thân chuối. Chẳng bao lâu, có kẻ báo cáo với cai ngục. Thảm họa xảy ra. Buổi chiều, sau khi điểm số, vào nhà xong xuôi, chị Thanh chia cám heo cho những người tê bại. Bất ngờ, vệ binh ào tới, chĩa súng qua các song cửa sổ. Của tù mở tung. Giám thị Ba Tơ và bốn trực trại hùng hổ bước vào. - Đứa nào ăn cắp cám nuôi lợn. Tự giác khai đi! Ba Tơ rít từng tiếng qua kẽ răng. Im lặng. Ba Tơ quát hỏi: - Đội trưởng đâu? Chị Jacqueline đáp: - Có tôi đây. - Đứa nào dám ăn cắp cám lợn của trại? - Tôi không biết. - Đội trưởng mà không nắm vững được tình hình đội của mình à? Xuống, đừng làm đội trưởng nữa. - Tôi đâu có xin xỏ làm đội trưởng. - Bướng hả? - Bướng gì! Ba Tơ không nạt nộ nổi chị Jacqueline phốp pháp, y xỉa xối chị Thanh: - Mày ăn cắp cám lợn hả? Chị Thanh vẫn đứng cạnh xô cám heo. Chị bình tĩnh nói: - Ông Giám thị, Nội quy cấm ông gọi tù bằng mày xưng tao. Tôi nghiêm khắc phê bình thái độ của ông. Tôi sẽ báo cáo với Thanh tra khi Thanh tra tới. Ba Tơ xùi bọt mép, múa tay: - Tao có quyền. Chị Thanh nhìn thẳng mặt Ba Tơ: - Mày có quyền, bà nội mày đây cũng có quyền. Mày muốn gì bây giờ? Căn nhà của tôi quy tụ những nữ chúa và gái bụi. Khi dĩ vãng của Hai Ba Dạng, Jacqueline, Con Lan xì ke... được đánh thức, họ bất chấp tất cả. Trải qua bốn năm tù đầy, họ hết biết sợ hãi. Với họ, tù đầy là giấc ngủ, chế độ nào cũng thế, chế độ nào họ cũng nếm mùi tù. Ba Tơ giận run mà không dám làm gì. Y xuống nước: - Ăn cắp cám lợn làm gì? Đối hả? Chế độ đâu có để ai chết đói đâu. Đồ súc vật. - Đứa nào súc vật? Chị Thanh «đấu tranh tư tưởng» ngay. Súc vật là bọn đầy đọa con người. Bị bệnh tê bại, xin thuốc không phát thì lấy cám chữa bệnh. Cả nhà vỗ tay hậu thuẫn chị Thanh. Giám thị Ba Tơ sợ đàn bà nổi loạn sẽ mất điểm, sẽ bị kiểm điểm, sẽ bị hạ tầng công tác. Chị Thanh thừa khôn ngoan để hiểu tâm lý cai ngục Ba Tơ. Y rất sợ mất chức giám thị. Y đã có xe Honda, máy vô tuyến truyền hình, radio, đồng hồ nhờ quyền uy của y và ân huệ thăm nuôi y ban phát cho bọn thư lại chế độ cũ. Y không dại để vuột chỗ ngồi, chỗ y được giải trí bằng trò khám nghiệm tù nữ tình nghi mãi dâm. Ba Tơ cáu quá rồi, y vung chân đá tung xô cám và bước ra khỏi nhà. Tù nhân la ó y. Cửa đóng lại, khóa kỹ. Ba Tơ sang các nhà khác. Chị Thanh đứng giữa nhà, ong óng: - Tôi biết đứa nào tố cáo rồi. Tôi sẽ trừng phạt nó. Tôi nói là tôi làm. Mà tôi làm là phải xong. Sáng hôm sau, tin tức loan truyền khắp trại. Ba Tơ đã đến các nhà, chửi bới, dọa nạt và đổ cám vào cầu tiêu. Sáu giờ, tập trung đi lao động, Ba Tơ «lên lớp» rồi đọc quyết định thi hành kỷ luật một số chị em thuộc đội chăn nuôi. Y không nói năng gì tới chị Thanh và chị Jacqueline. Không khí trại ngột ngạt. Ngoài hiện trường lao động, công việc uể oải. Tù nhân bàn tán kế hoạch cứu các chị ở đội chân nuôi ra khỏi cachot. Quản giáo xoa dịu tù, không kiểm tra lao động. Tù nhân tha hồ ngồi tụm năm, tụm ba nguyền rủa cộng sản. Buổi trưa, không có gì xảy ra. Nhưng, vào giờ tập trung đi lao động, trước khi cán bộ trực trại kêu lên từng đội, bất ngờ, chị Thanh đúng dậy, rời hàng lối. Chị lững thững bước lên phía trước, rút con dao nhọn, đâm mạnh xuống lưng tù nữ Ba gà, chủ chứa điếm. Ba gà thét lớn, lăn ra dẫy dụa. Chị Thanh bồi thêm cái đá thật mạnh vào mông nạn nhân: - Tao đã nói là tao làm. Mày hại mọi người, tao giết mày! Chị thản nhiên đứng chờ hình phạt. Sân trại náo động tưởng chừng tù nhân nổi loạn. Trực trại hò hét: «Trật tự! Trật tự»? Vô ích. Vệ binh được lệnh nổ súng. Những băng đạn AK quạt lên trời trấn át tù nhân. Y tế trại đã khiên con mụ Ba gà lên bệnh xá. Con dao của chị Thanh vẫn găm sau trên lưng nó. Vệ binh nhào lại toan giáng báng súng xuống người chị. Tù nhân đúng dậy tất cả, la lối đồng loạt. Vệ binh chùn tay. Tù nhân đánh đai từng lớp quanh chị Thanh, bảo vệ chị. Vệ binh lách vội vã đứng cách xa chúng tôi hàng chục thước, súng lăm le ở tư thế khạc đạn. Cổng trại đã đóng chặt. Hai khẩu trung liên bên ngoài chĩa vào. Đạo quân áo thung rách và quần xà lỏn vá víu đủ màu vải thách thức súng đạn. Những chiếc nón đủ kiểu tả tơi đã tung lên và ngổn ngang sân trại. Chân đất, đầu trần, tay không, dù đàn bà chống đối sự ngược đãi của chế độ. Ba Tơ xuất hiện. Y giả vờ hỏi:- Chuyện gì đã xảy ra thế?Chị Jacqueline đáp: - Vệ binh đánh đập chị Thanh Thủy, chúng tôi phản đối. Nội quy cấm đánh tù. Chế độ không cho phép đánh tù. Ba Tơ mềm dịu:- Tôi bảo đảm với các chị không ai được phép đánh đập chị Thanh Thủy, nhưng tôi yêu cầu đội nào về đội nấy, hàng ngũ nghiêm chỉnh, trật tự, tôi sẽ giải quyết mọi vấn đề một cách ổn thỏa. Ba Tơ xứng đáng là một cai ngục chuyên nghiệp. Y hiểu lúc nào nên mềm mỏng và lúc nào nên cứng rắn. Tù nhân tuân lệnh y, người nào về đội người ấy, ngồi xếp hàng nghiêm chỉnh. Trực trại trình bày sự việc vừa xảy ra. Chị Thanh được gọi đứng lên. Chị bước khỏi hàng ngũ. - Chị đã học Nội quy chưa? Ba Tơ hỏi. - Học từ bốn năm nay chúng tôi không thuộc. Chị trả lời. Tù nhân cười rộ. Ba Tơ cố gắng giữ thái độ điềm nhiên. - Học bốn năm mà chưa thuộc. Chưa thuộc làm sao trở về xum họp gia đình? Chị Thanh nhún vai: - Tôi không có gia đình, không thích về! - Tại sao chị dám đâm chị Ba? - Tôi ghét nó. - Tại sao chị ghét nó? - Vì nó đáng ghét. - Chị biết giết người can thêm tội gì nữa không? - Tử hình. - Đúng. Nếu chị Ba chết, chị sẽ bị đưa ra tòa án. Bây giờ, chúng tôi tạm thời đưa chị vào biệt giam. Giám thị Ba Tơ nhìn mọi người: - Có ai phản đối không? Tất cả im lặng. Ba Tơ hỏi tiếp: - Có ai đề nghị gì không? Ba Tơ chờ đợi. Chị Jacqueline dơ tay: - Tôi. - Chị đề nghị gì? - Tôi đề nghị thả các chị ở đội chăn nuôi ra khỏi biệt giam. - Trại sẽ nghiên cứu. Bây giờ, tôi yêu cầu các chị về nhà. Chiều nay, các chị được nghỉ. Vệ binh dẫn chị Thanh đi và tống chị vào connex. Chị ngoái lại nhìn mọi người với đôi mắt thất vọng. Biết làm sao, chị Thanh. Hành động của chị thật đẹp nhưng không phải là nguyên do đáng để chúng tôi nhập cuộc. Và nữa, với cộng sản, nổi loạn trong nhà tù chẳng ích lợi gì. Chúng ta đâu phải tù binh. Chúng tôi là thứ tù gì đó thật lạnh lùng, thứ tù không được phép nhận mình là tù nên chẳng có quy ước quốc tế nào đề cập tới. Chị Thanh nằm trong connex xong xuôi, tù nhân giải tán. Nón mũ lượm lên, mọi người về nhà bàn tán xôn xao, coi như mình đã thành công. Và Ba Tơ cũng tưởng y đã dẹp xong cuộc nổi dậy. Chúng tôi đợi bóng tối. Để biết chị Thanh có bị đánh đập không. Nhiều chị em đến với tôi, nhờ tôi đóng góp ý kiến cho ngày mai. Tôi bỗng sáng mắt: Không phải chỉ riêng tôi khôn lớn trong tù ngục, còn nhiều chị em khác nữa. - Chị Lan, chị thử nhận xét về vụ chiều nay xem sao? Chị Jacqueline niềm nỡ nói. Chúng tôi dám làm nhưng thiếu đầu óc. Tôi thận trọng ngó lên trần nhà. Chị Jacqueline hiểu ý. Chị cầm tay tôi: - Đứa nào đụng tới chị, tôi sẽ bước qua xác nó. Jacqueline và Hai Ba Dạng là hai nữ chúa lừng danh của Sài Gòn từ đầu thập niên 1970. Jacqueline tung hoành vùng Sài Gòn, Hai Ba Dạng vùng Chợ Lớn. Biên giới của họ tính ở ngã tư Nancy-Trần Hưng Đạo. Mỗi nữ chúa có hàng trăm đàn em. Hai người chưa từng ân oán giang hồ lần nào. 30-4-1975 họ còn nằm ở nhà lao Thủ Đức. 1-5 họ đã có mặt ở Sài Gòn. Giữa tháng 5-1975, chế độ mới truy lùng nam nữ tù nhân hình sự mà họ đã thả ra chiều 30-4. Hai nữ chúa lẫn trốn. Đàn em của họ dấu diếm họ, nuôi dưỡng họ. Ít lâu sau, nữ chúa tái xuất giang hồ, chuyển hướng làm ăn. Họ tuyển chọn đàn em nhan sắc, khéo ăn nói, dụ dỗ bộ đội, cán bộ và lột hết tiền, đồng hồ, radio, Honda, Vespa. Tiến xa hơn, họ đột nhập các kho chứa hàng hóa của phường, quận đánh cướp và buôn xăng dầu của bộ đội. Họ mua chuộc cộng sản, sản xuất giấy tờ giả mạo, tổ chức vượt biên. Jacqueline sắp viếng ngân hàng nhà nước thì bị bắt. Còn Hai Ba Dạng bị đàn em phản bội. Cả hai đều đã nằm ở Chí Hòa, lên Bù Gia Mập rồi về Long Thành. - Tôi thấy các chị sáng suốt. Tôi nói. - Chị nói trắng ra di. Jacqueline dục. - Tranh đấu phải nhằm mục đích tốt. Tôi rất yêu chị Lệ Thủy, chị Đặng Vũ Thị Thanh Thủy. Nếu các chị cho nổ tối qua thì tốt mà chiều nay thì dở. - Còn ngày mai? - Ngày mai… Tôi nheo mắt, mỉm cười. Chúng tôi nói chuyện khác chẳng nhằm nhò gì tới chuyện tranh đấu. Sau kẻng báo ngủ, chị Thanh gửi thông điệp bình yên cho chúng tôi bằng bài hát O’ Cangaceiro. Chị ấy chưa bị đánh. Nếu đã bị đánh, chị ấy đang nằm ôm vết thương mà rên rỉ. Tôi cố hình tượng chị Thanh, dĩ vãng gấm hoa của chị và hiện tại tan nát. Có những con người ta không thể hiểu nổi. Có những con người mà gặp họ, hiểu họ, ta phải xét lại mình. Nửa đêm, chị Jacqueline mò lại chỗ tôi nằm, bàn tiếp chuyện cứu các chị ở đội chăn nuôi ra khỏi cachot. Tôi nói thật với chị ấy rằng, tôi đã đọc nhiều sách và tôi chưa hề thấy bất cứ một cuộc nổi dậy nào của tù nhân thành công cả. Sau mỗi vụ nổi dậy là mỗi kỷ luật xiết chặt hơn. Cộng sản sợ tĩnh, không sợ động. Nó sẽ kiểm soát hết tư tưởng của mình bằng hành động chống đối để hành hạ mình cho đến khi mình chết. Người tù cộng sản cần dấu kỹ nanh vuốt. Chị Jacqueline không đồng ý thế. Tôi nói đó là ý nghĩ của riêng tôi nhưng tôi không thể tách riêng tôi khỏi mọi người. Cuối cùng, chúng tôi thỏa thuận một phương thức đấu tranh cho những ngày sắp tới. Hôm sau, coi như mọi chuyện đã được Ba Tơ giải quyết hợp tình hợp lý, cả trại hân hoan đi lao động. Trong sân tập họp, chúng tôi giữ trật tự tối đa. Ngoài hiện trường lao động, chúng tôi làm việc tích cực. Về nhà, chúng tôi ăn ngủ đúng giờ giấc; họp đội, họp nhà, phê bình, kiểm điểm, rút tỉa kinh nghiệm, học tập nội quy, thảo luận Nếp sống văn hóa mới... Tuyệt nhiên, không còn ai nhắc tới chuyện cũ và cũng chẳng tụ tập từng nhóm tán gẫu. Một tuần lễ trôi qua, vệ binh và cán bộ trực trại hết theo rỗi. Sang tuần thứ hai, buổi sáng, tù nhân không lĩnh cơm sáng nhưng vẫn tập họp đông đủ và vui vẻ đi lao động. Buổi trưa, tù nhân lại lĩnh cơm. Giám thị Ba Tơ đã được nhà bếp báo cáo. Y chưa tỏ thái độ. Buổi chiều, chúng tôi vẫn lao động bình thường. Đội của tôi nhập trại sớm nhất. Thay vì về nhà, chị Jacqueline cho đội ngồi giữa sân trại, hàng đôi ngay ngắn. Trực trại ngồi trong chòi không hiểu chuyện gì sắp xảy ra. Y phải kiểm soát quân số của đội kế tiếp. Đội kế tiếp rồi đội kế tiếp. Tất cả theo lệnh của đội trưởng mình, trong hàng ngũ, ngồi gần nhau. Ba hồi kẻng tù tan lao, chấm dứt buổi chiều làm việc mệt mỏi. Mặt trời thấp dần, thấp dần. Cả trại tù ngột ngạt. Vệ binh tíu tít xách súng chạy ra ngoài vòng giây kẽm gai, bỏ dở bữa cơm chiều. Quản giáo lăng xăng điều nghiên tình hình. Cổng trại khép kín. Tù nhân ngồi im lặng, tuyệt đối im lặng. Giám thị Ba Tơ xuất hiện cách chúng tôi hơn mười thước. Đằng sau y, một tiểu đội vệ binh, AK dựng lưỡi lê, đạn nạp sẵn sàng. - Các chị nổi loạn hả? Ba Tơ hất hàm hỏi. Jacqueline đứng dậy trong tư thế nghiêm. - Báo cáo ông Giám thị, chúng tôi không nổi loạn. - Vậy, muốn gì? - Chúng tôi chưa thấy ông tha các bạn tôi ra khỏi cachot. - Ban giám thị còn nghiên cứu. - Chúng tôi ngồi đây đợi ông nghiên cứu. - Thế là nổi loạn, là chống nội quy, chống pháp chế của nhà Nước. - Chúng tôi không chống gì cả. Nếu ông không hứa thả các bạn tôi, chúng tôi đã không ngồi đây. - Các chị hoàn toàn chịu trách nhiệm. - Chúng tôi chấp nhận. Ông hãy nhốt cả ngàn người vào cachot ngay đi, nếu ông muốn. Một đàn em của chị Jacqueline đứng lên, phanh ngực ra: - Đừng có dọa, Ba Tơ! Có ngon thì bắn giữa tim tôi đây nè! Tụi này sợ sống hơn sợ chết, nghe chưa! Tù nhân vỗ tay. Náo động khởi sự. Ba Tơ nghiến răng, vung tay: - Được, rồi sẽ biết. Y bỏ về doanh trại. Tù nhân cười rộ để nhạo y. Hôm nay, Ba Tơ không mềm mỏng vì y «ngửi» được vấn đề. Các chị bụi đời thay phiên nhau đứng tố cáo Ba Tơ gian ác. Bóng tối đã phủ mờ Trại Cải Tạo Long Thành. Cô bé Hoa của tôi nhập cuộc như một chiến sĩ! Cô muốn tẩy sạch một vết sẹo cộng sản ô uế trong đời cô. Cô trấn an những người tham gia một cách bất đắc dĩ. Và cô dõng dạc tuyên bố: - Tôi chưa hề là phản động, bây giờ tôi là phản động. Bất cứ ở không gian và thời gian nào, mỗi cuộc cách mạng bạo động hay nổi dậy vô duyên cớ, những tay giang hồ hảo hán, những kẻ bị liệt vào hàng du thủ du thực, đều đóng vai trò xung kích. Thiếu đàn anh chị, cách mạng thiếu lửa và khó nổi đình đám. Những kẻ không biết sợ hãi, dễ dàng tham dự bạo động và tham dự nhiệt tình, sôi nổi. Nhiệt tình của họ đã cuốn hút những người cầu an. Chị Hai Ba Dạng sát cánh chị Jacqueline. Đó là hai linh hồn của đêm nay. - Tối nay chúng ta bỏ ăn và thức suốt đêm! Jacqueline nói. Tù nhân hoan hô. Tiếng nói của hai nghìn đàn bà, con gái văng vẳng một khoảng trời. Tôi nhìn lên. Những vì sao đã mọc. Những vì sao rung rinh vì lâu đài âm thanh phẫn nộ ở dưới. Ba Tơ chắc đang ve ke hoạch đàn áp. Y sẽ phải điện thoại báo cáo tình hình về Sài Gòn. Tù nhân bắt đầu hát. Bài «Việt Nam, Việt Nam» phóng ra. Tín hiệu của trái tim vừa gửi đi. Hai xe cam nhông đầy nhóc bộ đội từ quận Long Thành cũng vừa đổ xuống trước cổng trại. Súng đạn đã dàn ra. Tiếng hát đang bốc lửa. Những người tê bại đã chống gậy khập khiễng rời nhà đến với cuộc chơi lớn. Đêm lịch sử đàn bà khỏi sự. Bao giờ trời sáng? Chẳng cần biết. Trời sáng sẽ thế nào? Chẳng thèm hiểu. Hãy nhớ đã có một đêm đàn bà lên tiếng trước bạo lực. Tôi theo một nhóm chị em tiến về phía khu cachot. Phá những ổ khóa này cũng dễ thôi. Sẵn dao nhà bếp và búa bổ củi đó. Cánh tay chị Jacqueline vung lên, xích xiềng nào chịu nổi. Nhưng đã thỏa thuận với nhau không bạo động, chúng tôi chỉ đứng bên ngoài chuyện trò. Tôi đến sát cửa connex, cái hộp sắt nhốt chị Thanh. - Chào chị Thanh, tôi lại thăm chị. Chị Thanh thò cánh tay ra ngoài: - Tự do hả? Tôi biết có một khoảng tự do. Con dế bị nhốt vào cái hộp diêm như chị Thanh bị nhốt vào cái connex. Người Mỹ, ngoài còng, khóa, còn để lại Việt Nam Connex. Thùng chứa đồ của họ hôm qua, hộp đầy đọa tù nhân của cộng sản hôm nay. Cộng sản chế biến thêm một chút để cánh cửa luôn luôn hé mở vừa đủ thò cánh tay ra. Tù nhân thở hít nhờ kẻ gió bủn xỉn đó. Nắng nhiệt đới nung connex. Connex hấp tù nhân. Con người đã nằm trong hộp sắt phơi nắng lửa ấy, tháng này qua tháng khác, ở các trại tập trung cải tạo có connex. Ban đêm, sương xuống nhiều, lạnh thấu xương. Vào mùa mưa, nằm connex, con người là cục đá ngâm dưới lòng suối. - Chị lạnh không, chị Thanh? - Tôi ấm lắm. Các chị đã sưởi ấm lòng tôi. - Mụ Ba Gà chỉ bị thương nặng. Chị đừng ngại. - Tôi không chí tình giết nó. - Quên mất, tôi có vấn cho chị it điếu thuốc rê. Tôi đưa thuốc và hộp quẹt cho chị Thanh. Chị bật que diêm, mồi thuốc hút. - Ban ngày, tôi phải nhẩy choi choi. Như thế, mới đỡ nóng. Mồ hôi ra nhiều, tôi khát nước vô tả. Chúng nó bố thí có chút xíu nước lã. Ban đêm, tôi ngồi co ro, lạnh muốn phát điên. Giá đông người vô đây, ban đêm ôm nhau sẽ đỡ lạnh. Nhưng ban ngày thì khốn nạn! May mà chúng nó cho ăn ít uống ít nên cái xô phân bớt hôi hám. Chị Jacqueline đã mang ca nước chanh đường lại. Kẽ hở quá hẹp không thể đưa vào. Mỗi lần đưa cơm nước, cai tù phải mở khóa. Chị Thanh đã đứng bên trong connex, ngậm cái miệng ca mà uống. - Ở tù cộng sản tôi mới tìm thấy hạnh phúc ở ca nước lã. Tôi tập truy nã thân phận tôi. Tôi đã hư hỏng, phí phạm đời mình. Chị Jacqueline nói đùa: - Mày sẽ vá lại đời mày, Con Lan xì ke ạ! Rồi chị bỏ đi. - Chị Lan, tôi cam đoan với chị, tôi không chết trong connex đâu. Tôi nắm tay chị: - Không, chị cần cưỡi ngựa đóng phim O’ Cangaceiro. Đất nước cần nhiều người như chị. Ai cũng có quyền làm lại vì cả nước phải làm lại. Tôi về với mọi người nhé! Chúng tôi chia tay nhau. Về khuya, những bài ca chính huấn vang vọng như thác gầm. Những người vừa mới được thăm nuôi, về nhà lấy đường và chanh pha nước mời tất cả. Biết chiến đấu là biết chia sẻ. Tôi qua chỗ chị Nga. Chị đang ngồi trầm tư giữa đám đông náo loạn. Một trời sao trên đầu tôi. - Chị nghĩ thế nào, chị Nga? - Đây là trò chơi năm 1963 và những năm kế tiếp của chúng ta. Trò chơi đẹp và cần thiết. - Em lại thấy chị ưu tư? - Chị đang nghĩ một trò chơi ngoạn mục hơn. Không phải ở trong tù, ở ngoài cuộc đời. Sài Gòn chẳng hạn. Chị vừa hiểu cái giá trị động của các chị em giang hồ, bụi đời. Họ hơn hẳn trí thức chúng ta trong hành động. - Em đã nghĩ vậy. - Nếu từ 30-4-1975, chúng ta biết kết hợp họ, họ sẽ lý tưởng hơn bất cứ giai cấp nào. - Ngày mai, chị Nga? - Ngày mai, họ sẽ mở đường và chúng ta sẽ vào con ngõ cụt buồn nản. Em hãy nhớ, hoặc em, hoặc chị, chúng ta cần sống sót. Tôi bỏ chị Nga về với đội. Vì chúng tôi không bạo động, nên cái vòng đai công an, bộ đội bên ngoài vòng đai kẽm gai không có cố đàn áp. Họ bỏ mặc chúng tôi hát hò. Họ gài bẫy cho chúng tôi sa xuống. Nhưng chúng tôi đã khôn lớn. Quá khuya, chúng tôi ngồi im lặng, nón mũ trên đầu, hàng lối nghiêm chỉnh. Sự im lặng của tù nhân khiến cai ngục sợ hãi. Họ không hiểu chúng tôi sắp làm gì. Đêm không ngủ của chúng tôi cũng là đêm không dám ngủ của cộng sản.