hững người có chức danh có máu mặt ở thị trấn Lưu chúng tôi đều mặc complê cũ của Lý Trọc nhập về. Những người không có chức danh, không có máu mặt cũng mặc complê cũ. Sau khi mặc lên người bộ complê rác ly thẳng tắp, đám đàn ông thị trấn Lưu chúng tôi lời nói cử chỉ tỏ ra hết sức đắc ý. Anh nào cũng bảo mình trông giống nguyên thủ nước ngoài. Nghe nói thế, Lý Trọc cười hì hì, bảo mình thật có công, khiến cho thị trấn Lưu ngay một lúc xuất hiện mấy ngàn vị nguyên thủ nước ngoài. Trong khi đó cánh đàn bà của thị trấn Lưu chúng tôi vẫn mặc bộ quần áo quê mùa. Cánh nam giới trêu họ là đặc sản nhà quê. Sau khi trêu, các vị đứng trước tấm kính cửa hàng ngắm nghía cái dáng lờ mờ người mặc complê, chân đi dầy cộp của mình, nhao nhao nói sớm biết có cái oách của một nguyên thủ nước ngoài như hôm nay, hồi ấy việc quái gì phải lấy thứ đặc sản nhà quê. Trong số đàn ông của thị trấn Lưu, chỉ có một mình Lý Trọc không mặc complê. Lý Trọc nghĩ bụng, complê có tốt đến mấy đi chăng nữa, cũng là complê cũ. Bộ quần áo rách mình mặc trên người dù có rách thế nào đi chăng nữa, cũng là quần áo của mình. Trong lòng nghĩ như vậy, nhưng Lý Trọc không nói ra mồm. Dân chúng hỏi tại sao anh còn ăn mặc rách rưới như vậy, Lý Trọc khiêm tốn trả lời:- Tôi buôn bán rác thải, đương nhiên sẽ mặc quần áo rách.Trên những bộ quần áo cũ của Nhật Bản, đều có đánh dấu họ tộc, đánh dấu ở túi mé trong trước ngực. Khi dân chúng thị trấn Lưu vừa mặc quần áo cũ, tỏ ra rất hiếu kỳ đối với họ tộc trên quần áo, suốt ngày đứng trên phố, lật ra xem của nhau, mặc quần áo nhà ai, dòng họ nào, sau đó cứ hỉ hả cười hoài.Lúc bấy giờ nhà văn Lưu và nhà thơ Triệu vẫn đang trong giấc mộng ban ngày về văn học. Biết Lý Trọc chở về một lô complê Nhật Bản, hai anh lập tức chạy đến nhà kho của Lý Trọc, chúi đầu vào núi quần áo complê cũ, nhà văn Lưu bỏ ta ba tiếng đồng hồ, tìm một bộ complê "Sanshima". Nhà thơ Triệu cũng không chịu lép, bỏ ra bốn tiếng đồng hồ, tìm được một bộ complê "Iaurari". Hai đại văn hào của thị trấn Lưu chúng tôi giương giương tự đắc hễ thấy ai là vạch complê của mình để người ta xem hai họ tên ghi bên trong. Hai anh nói với dân chúng vô tri của thị trấn Lưu "Sanshima" và "Iaurari" là hai dòng họ rất giỏi giang, là họ của hai nhà văn vĩ đại nhất của Nhật Bản, một người là Sanshimayukiphư và một người là Iauraricaoa Abát. Khi nói những câu này, mặt hai anh đỏ tưng bừng, cứ làm như sau khi mặc complê của hai dòng họ này, hai anh là Sanshimayukiphư và Iauraricaoa Abát của thị trấn Lưu chúng tôi. Khi hai đại văn hào gặp nhau trên phố, đầu tiên cúi gập lưng chào nhau, sau đó hỏi chuyện gia đình. Nhà văn Lưu gật đầu mỉm cười hỏi nhà thơ Triệu:- Gần đây có khỏe không?Nhà thơ Triệu cũng gật đầu mỉm cười đáp:- Gần đây cũng khỏe.Nhà văn Lưu hỏi:- Gần đây có bài thơ nào không?- Gần đây không làm thơ - Nhà thơ Triệu nói - Tôi viết tản văn, tiêu đề là "Tôi ở thị trấn Lưu xinh đẹp".- Tên hay lắm - Nhà văn Lưu to tiếng tán thưởng - So với bài viết nổi tiếng của Iauraricaoa Abát "Tôi ở Nhật Bản xinh đẹp" chỉ khác nhau có hai chữ.Nhà thơ Triệu gật gật đầu một cách mất tự nhiên, hỏi nhà văn Lưu:- Gần đây có truyện ngắn nào không?- Gần đây không viết truyện ngắn - Nhà văn Lưu đáp - Gần đây tôi viết truyện dài, tên cũng là "Chùa Thiên Ninh".- Tên hay đấy - Nhà thơ Triệu cũng to tiếng tán thưởng - So với tác phẩm nổi tiếng của Sanshimayukiphư "Chùa Kim Các" cũng chỉ khác có hai chữ.Hai đại văn hào của thị trấn Lưu lại cúi gập người chào nhau một lần nữa, sau đó chầm chậm bước, một người đi về hướng đông, một người đi về hướng tây. Dân chúng thị trấn Lưu hỉ hả nhìn hai người, họ bảo trước đây một tiếng đồng hồ, còn nhìn thấy hai thằng khốn nạn đứng nói chuyện với nhau, sau một tiếng đồng hồ, tại sao lại biến thành "gần đây" nhỉ? Họ bảo hai thằng cha khốn nạn lành lặn hẳn hoi, khom lưng với nhau làm gì? Một cụ già của thị trấn Lưu lúc còn bé đã từng trông thấy người Nhật Bản, đứng ra giải thích cho mọi người, cụ nói, khi gặp nhau người Nhật Bản khom lưng chào. Có người chỉ cái bóng sau lưng của nhà văn Lưu và nhà thơ Triệu, nói một cách rất không phục:- Hai tay này rõ ràng là đồ khốn nạn của thị trấn Lưu, chứ đâu phải đồ khốn nạn Nhật Bản. Ông Dư nhổ răng và ông Vương bán kem hăm hở đi trên phố lớn thị trấn Lưu chúng tôi. Lý Trọc trúng quả đậm complê cũ Nhật Bản, hai ông góp cổ phần, nước lên thuyền lên, trong túi cũng rủng rỉnh có tiền. Ông Dư nhổ răng quẳng luôn quyển sách dày "giải phẫu học", thu dọn bộ hành trang nhổ răng. Ông bảo dẹp, đếch làm nữa, từ nay trở đi trong vòng trăm dặm vuông chẳng làm gì còn thợ nhổ răng số một. Bà con thị trấn Lưu có ai đau nhức răng sắp chết, Dư này cũng bơ đi. Ông Vương bán kem cũng bước theo ông Dư, bỏ luôn thùng bán kem, tuyên bố mùa hè sang năm chẳng bao giờ trông thấy Vương bán kem này nữa. Bà con thị trấn Lưu dù có khát chết, Vương bán kem này học ông Dư nhổ răng, cũng mặc xác.Ông Dư nhổ răng mặc complê dòng National. Ông Vương bán kem mặc complê mang dòng Sanyo, nhởn nhơ đi đi lại lại trên phố lớn thị trấn Lưu. Khi hai ông gặp nhau không nín nổi cứ ha ha cười, còn hí hửng hơn cóc tía ăn thịt thiên nga. Cười xong, ông Dư vỗ vỗ túi áo mình hỏi ông Vương:- Có tiền rồi chứ?- Có rồi - Ông Vương cũng vỗ vỗ vào túi áo mình đáp.Tổng kết một cách tiểu nhân đắc chí, ông Dư nói:- Đây gọi là một bước đến trời.Sau đó ông Dư hỏi ông Vương một cách hiếu kỳ, ông mặc complê của dòng nào?Ông Vương ra oai vạch complê cho ông Dư nhìn mấy chữ "Sanyo" thêu trên túi mé trong. Ông Dư sửng sốt kêu một tiếng:- Ô, của hãng Sanyo, vua máy điện. Ông Vương cười há hốc mồm. Không chịu lép, ông Dư cũng vạch complê của mình. Ông Vương liếc nhìn, trông thấy mấy chữ "National", cũng sửng sốt kêu lên một tiếng:- Ô, của hãng National, ông mặc cũng là vua máy điện.- Đều là vua máy điện, tôi ông cùng ngành - Ông Dư vung tay, sau đó lại nói thêm - Ông tôi vừa cùng ngành, vừa là đối thủ cạnh tranh.- Phải, phải - Ông Vương gật đầu lia lịa.Lúc này Tống Cương mặc complê cũ cũng đi đến. Sau khi cánh đàn ông thị trấn Lưu chúng tôi đều diện complê, Lâm Hồng cũng chạy đến nhà kho, bỏ ra hai tiếng đồng hồ tìm chọn cho Tống Cương một bộ complê vừa người. Thân hình thẳng tắp của Tống Cương mặc bộ complê màu đen ly thẳng tắp, đi ra ngoài đường trông rất lịch sự chững chạc. Dân chúng nhìn vào ai cũng khen. Họ bảo Tống Cương mặc complê trông còn phong lưu hơn cả Tống Ngọc, hào phóng hơn cả Phan An. Họ bảo Tống Cương trời sinh ra đã có số mặc complê. Nghe dân chúng khen, ông Dư và ông Vương bề ngoài gật đầu, trong bụng không phục. Ông Dư vẫy tay gọi Tống Cương. Tống Cương đến trước mặt hai ông. Ông Dư hỏi Tống Cương:- Anh mặc complê của dòng họ nào?Tống Cương vạch complê đáp:- Của dòng họ "Fukuđa".Ông Dư nhìn ông Vương, ông Vương nói:- Tôi chưa từng nghe nói.- Tôi cũng chưa từng nghe nói - Ông Dư đắc ý nói - So với hai hãng "National" và "San vo", quả tình "Fukuđa" là vô danh tiểu tốt.- Nhưng - Ông Dư đề nghị, nếu anh thay một chữ đầu sẽ là hãng "Toyota", vua xe con.Tống Cương cười đáp:- Bộ complê "Fukuđa" này tôi mặc vừa.Ông Dư lắc đầu với ông Vương một cách đáng tiếc. Ông Vương cũng lắc đầu. Tuy thân thể và dáng dấp không bằng Tống Cương, nhưng dòng của bộ complê mặc trên người, hai ông hơn hẳn Tống Cương. Ông Dư và ông Vương tiếp tục hăng hái bước trên phố lớn, rẻ vào ngõ nhỏ mình ở, đi đến trước cửa hiệu thợ may của ông Trương rồi dừng lại. Lúc này ông Trương cũng mặc bộ complê cũ, ngồi thẫn thờ trên chiếc ghế băng giành cho khách thường ngày như mất mát gì đó. Ông Dư và Ông Vương đang đứng ở cửa cười đùa. Như kẻ mất hồn, ông Trương thẫn thờ nhìn hai ông. Ông Dư cười hỏi ông Trương:- Ông mặc complê dòng họ nào?Ông Trương đã hoàn hồn, nhìn rõ ông Dư và ông Vương gượng cười đáp:- Thằng Lý Trọc mất dạy quá, đem về bao nhiêu là quần áo nhập khẩu, không ai đến đây may đo nữa.Ông Dư không quan tâm đến nỗi khổ của ông Trương, tiếp tục hỏi dồn:- Ông mặc complê của dòng họ nào?Ông Trương thở dài một tiếng, xua tay bảo:- Từ nay trở đi những mấy năm, không ai đến tôi may quần áo.Ông Dư cau có, hỏi rõ to:- Tôi đang hỏi ông, ông mặc complê thuộc dòng họ nào?Lúc này ông Trương mới chợt tỉnh, vạch áo cúi nhìn rồi nói:- Của dòng họ "Hatoyama".Ông Dư và ông Vương nhìn nhau. Ông Vương hỏi ông Trương:- Có phải là Hatoyama trong kịch mẫu cách mạng "Chuyện Đèn đỏ"?Ông Trương gật gật đầu đáp:- Chính là Hatoyama đó. Ông Trương không mặc complê loại vô danh tiểu tốt, khiến ông Dư và ông Vương có phần hẫng hụt. Ông Vương hỏi ông Dư.- Hatoyama cũng coi như một danh nhân ông nhỉ?- Là danh nhân - Ông Dư nói - Nhưng là một nhân vật phản diện.Ông Dư và ông Vương cảm thấy đã lấy lại sĩ diện ở chỗ ông Trương. Hai người nghênh ngang đi về phía trước, đến cửa hiệu mài kéo của Tiểu Quan. Tiểu Quan mua cho mình hai bộ complê cũ. Một bộ màu đen. Một bộ màu tro. Sau khi mặc vào người, anh ta không chịu mài kéo nữa. Đứng ở cửa hiệu, anh ta cứ ngắm ngắm vuốt vuốt, buổi sáng diện bộ màu đen, buổi chiều thắng bộ màu tro, hễ gặp ai là thao thao bất tuyệt, vừa nói chuyện, vừa khẽ phủi gầu trên vai. Tay phải phủi vai trái. Tay trái phủi vai phải. Cánh đàn ông thị trấn Lưu mặc complê cũ vào người, anh nào cũng lật áo nhau xem dòng họ. Cử chỉ này lập tức phát triển mạnh mẽ thành phong trào. Lúc này Tiểu Quan mới để ý đến hai bộ complê của mình đều không phải của gia đình danh nhân. Vì chuyện này, Tiểu Quan đã buồn bực mất mấy ngày. Sau đó tự tay tháo bỏ hai gia tộc vô danh ở ngực, thêu vào mấy chữ " Sony " và "Citizen". Anh ta không biết Sony và Citizen không phải dòng họ, chỉ biết Sony và Citizen là hãng điện gia đình tiếng tăm lừng lẫy. Khi ông Dư và ông Vương hí hửng đi đến, Tiểu Quan mặc complê "Sony" màu đen, bước ra đón một cách kiêu ngạo, tranh hỏi trước:- Complê của hai ông dòng họ nào?- Dòng họ "National" - Ông Dư vạch áo mình choTiểu Quan xem, lại chỉ vào complê của ông Vương nói - Của ông ấy là dòng họ "Sanyo".- Hay lắm - Tiểu Quan gật đầu tán thưởng - Gia cảnh đều rất tốt. Ông Dư cười hì hì hỏi:- Gia cảnh của cậu thế nào?- Cũng tốt - Tiểu Quan vạch complê của mình ra - Dòng họ "Sony".- Của cậu cũng là vua máy điện - ông Dư nói.Tiểu Quan giơ ngón tay cái chỉ về phía sau mình, đắc ý nói:- Trong tủ của tôi còn một bộ dòng họ "Citizen". Ông Vương ngạc nhiên nói:- Cậu làm cùng ngành với chính cậu à?Ông Dư nói thêm:- Cậu cũng là đối thủ cạnh tranh của chính cậu.- Đúng vậy Tiểu Quan rất hài lòng với lời nói của ông Dư. Anh ta vỗ vai ông Dư nói - Đây gọi là khiêu chiến với chính mình.Ông Dư và ông Vương cười khà khà rời khỏi cửa hiệu mài kéo của Tiểu Quan, đi sang cửa hiệu lò rèn của anh Đồng. Anh Đồng mặc bộ complê màu lam thẫm, bên ngoài mặc chiếc tạp dề. Trên tạp dề chi chít những lỗ nhỏ li ti do tia lửa sắt bắn vào. Anh Đồng mặc complê rèn sắt, khiến hai ông Vương và Dư lác mắt. Ông Vương khẽ hỏi ông Dư.- Complê cũng mặc làm việc được sao?- Complê là quần áo làm việc mà lị - Anh Đồng nghe thấy, nói to, bỏ búa xuống - Xem vô tuyến truyền hình, người nước ngoài ai ai cũng mặc complê đi làm việc đó thôi.- Phải - ông Dư lập tức dạy bảo ông Vương - Complê là quần áo làm việc của của nước ngoài.Ông Vương nhìn bộ complê của mình, có vẻ mất mát, hụt hẫng. Ông nói:- Thì ra complê chúng ta mặc đều là quần áo công tác.Ông Dư không tỏ ra mất mát, hụt hẫng. Ông hỏi anh Đồng:- Complê của anh dòng họ nào?Anh Đồng ung dung cởi tạp dề, vạch complê của mình bảo:- Họ Đồng.Ông Dư ngạc nhiên hỏi:- Nhật Bản cũng có họ Đồng?- Nhật Bản cũng có họ Đồng cái gì! - Anh Đồng nói - Đây là họ của tôi.Ông Dư tỏ ra lẩn thẩn. Ông bảo:- Tôi nom rõ thêu chữ "Đồng" trên đó mà.- Mình tự thêu đấy - Anh Đồng nói một cách kiêu hãnh - Tôi sai bà xã tháo bỏ dòng họ thêu sẵn đi, thêu họ Trung Quốc của mình vào.Ông Dư và ông Vương hiểu ra. Ông Dư gật đầu bảo:- Họ của mình tốt thì có tốt, nhưng không nổi tiếng.Anh Đồng hừ một tiếng trong mũi, mặc tạp dề vào người, bĩu môi bảo:- Bọn các người, hễ mặc quần áo nước ngoài vào là quên béng tổ tông của mình, chẳng hề có chút chí khí nào. Tại sao thời kỳ kháng chiến có nhiều Hán gian thế? Cứ nhìn bộ mặt của các người là biết liền.Vừa nói, anh Đồng vừa vung búa đập chan chát lên đe. Ông Dư và ông Vương cụt hứng, te tái đi ra khỏi cửa hiệu thợ rèn. Ông Dư bực bội bảo ông Vương:- Mẹ kiếp, hắn có chí khí, hắn đừng có mặc complê Nhật Bản...- Phải đấy - Ông Vương nói - Đây chẳng phải vừa muốn làm con đĩ, vừa muốn dựng bia trinh tiết đó sao?Ông chủ tịch huyện của chúng tôi cũng mặc complê rác. Trong complê của ông chủ tịch huyện có thêu chữ "Nakasone". Thủ tướng Nhật Bản thời đó tên là "Nakasone Yasuhiro". Nghe nói complê Nhật Bản Lý Trọc nhập về, người trong cơ quan uỷ ban huyện mặc vào trong anh nào anh nấy cũng hay hay là lạ, ông chủ tịch huyện cũng kiếm một bộ. Ông bảo ông Đào Thanh dẫn đến kho Lý Trọc xem thử. Ông chủ tịch huyện chọn được bộ complê "Nakasone". Ông Đào Thanh chọn được bộ complê "Takeshita". Ông chủ tịch huyện mặc vào cảm thấy rất vừa, cứ y như may đo riêng cho ông không bằng. Ông soi gương ngắm đi ngắm lại, thầm nghĩ đúng là không nhìn không biết, càng nhìn càng cảm thấy mình có phần giông giống thủ tướng Nhật "Nakasone Yasuhiro". Đương nhiên ông chủ tịch huyện không khoe khoang như ông Dư nhổ răng và ông Vương bán kem, không chủ động vạch áo cho người ta nhìn chữ "Nakasone" trên túi áo mé trong của mình. Khi ông chủ tịch huyện cởi áo ra treo lên giá, người ngoài đã vô tình nhìn thấy chữ "Nakasone" mới bỗng dưng cất tiếng:- Thưa chủ tịch huyện, complê thủ trưởng mặc là complê của gia đình thủ tướng Nhật Bản!Trong lòng ông chủ tịch huyện mừng lắm, nhưng nét mặt vẫn thản nhiên. Ông xua xua tay bảo:- Rõ khéo, hoàn toàn là do trùng hợp.Lúc đó ông Đào Thanh cũng có mặt. Ông Đào Thanh cứ tiếc hoài. Chính ông phát hiện ra bộ complê "Nakasone" đầu tiên. Khi ông đang định cầm lên mặc thử, đã thấy chủ tịch huyện trợn mắt với mình, ông Đào Thanh không dám cầm bộ complê ấy. Ông chủ tịch huyện đã lấy luôn. Ông Đào Thanh tròn xoe mắt nhìn bộ complê "Nakasone" khoác lên người ông chủ tịch huyện. Trong lòng ông cay cú lắm, nhưng nét mặt vẫn tươi cười, mồm vẫn phải rối rít khen chủ tịch huyện mặc bộ complê này vào, sao mà vừa vặn thế không biết. Để không lộ dã tâm chính trị của mình, ông Đào Thanh đã tiện tay cầm bộ complê "Takeshita" mặc lên người. Từ đó về sau, mỗi buổi sáng thức dậy, khi mặc bộ "Takeshita" ông Đào Thanh không bao giờ quên bộ complê "Nakasone". Không ngờ nửa năm sau, ông Nakasone Yasuhiro không còn là thủ tướng Nhật Bản. Tên thủ tướng mới của Nhật Bản là Takeshita Noburu. Lúc này ông chủ tịch huyện cũng bị điều đi nơi khác. Ông Đào Thanh lên làm chủ tịch huyện. Ông Đào Thanh chủ tịch huyện đứng trước gương ngắm nhìn bộ complê "Takeshita" trên người mình, suy nghĩ miên man, xúc động khảng khái muôn phần, ông cứ lẩm bà lẩm bẩm nói một mình:- Thật là ý Trời.