Phần thứ nhất - Chương I

     ứ kể xã Bổng cũng vào bậc khá trong xóm.
Hắn có một cái nhà “trên” hướng Nam, một cái nhà “ngang” hướng Đông, sát đầu nhà ngang một chuồng lợn; bên kia, đối diện với nhà ngang, một cái bếp và một cái chuồng trâu nối liền nhau. Tất cả những nhà ấy vây bọc lấy ba phía cái sân đất nện vuông vắn, nhẵn nhụi như chiếc chiếu rộng. Còn một phía trước mặt là bức tường đất gồ ghề, trên cắm xương rồng mặt nguyệt. Cổng ra vào mở ngay ở đầu chuồng lợn. Ở khoảng đầu nhà trên và nhà bếp là một màu đất vuông để đống rạ.
Vì hết chỗ, và vì tiện lợi nữa, bốn năm cái nồi “chân” và một cái vại mẻ đựng nước tiểu đặt thành rẫy (dãy) dài từ cổng đến tận cái tường hoa thấp xây chung quanh dải đất ăn lấn vào sân. Phần nhiều nhà chật hẹp đều thế cả, nên kể ra, người vào đã quen với mùi nước tiểu và mùi phân lợn. Vả lại những thứ ấy rất cần cho lúa má nên ai cũng quý và không ai kêu ca. Chả thế mà có người quá hà tiện, lúc đi đường cố nhịn để về giải vào vại nhà.
Chính giữa quay mặt vào nhà trên, một “cầy hương” xây gạch, cao như cái cột vuông, chia làm hai tăng. Tầng trên, hình cái đấu có hậu bành, hàng chục bát hương nhỏ bày la liệt chung quanh một bát hương lớn: chân hương đỏ cắm tua tủa, đã gần bạc hết màu vì dầm mưa dãi nắng. Những bát hương nhỏ là những vị hợp với số thờ của mẹ và vợ chồng Bổng. Tầng dưới có cái miếu con, trong xây bệ thờ trên đặt chiếc bát hương sứ, trước bức tranh hổ vẽ màu sặc sỡ. Một cái mành mành hoa che cửa, giữa đôi câu đối viết ngay vào tường vôi.
Trước mặt cây hương, một cái bể con chỉ đựng nổi chừng mươi thùng nước, chia rẻo đất và tường hoa ra hai phần đều nhau.
Trong rẻo đất, một hàng sáu cây cau cao vút và hai cây chanh cỗi ở hai đầu bể.
Cây cối và cây hương, Bổng không biết có tự đời nào, nhưng thời còn ẵm nách, hắn đã trông thấy rồi. Cây hương khi ấy, đối với hắn, cao quá đến nỗi hắn phải trèo lên thành bể, nghển mãi cổ mới nhìn thấy bát hương.
Biết bao kỷ niệm: Từ đời nào không biết cho đến đời hắn, rồi đến đời con, đời cháu, đời chắt hắn, tháng Giêng mỗi năm lại có một ngày lễ dâng sao thường gọi là lễ năm mới.
Ngày ấy cây hương biến thành một cái đàn, một nơi tụ họp của bà con hàng xóm. Mặt bể ghép cánh cửa thành một cái bệ trên để rượu, gà, xôi, oản, chuối và những cổ mũ lóng lánh những mặt gương, những trang kim, lòe loẹt những đầu rồng, đầu phượng xanh, tím, đỏ, vàng. Một vị hòa thượng, vẻ mặt từ bi, trong chiếc áo cà sa, màu nâu thẫm, cùng các vãi đến niệm Phật cầu nguyện cho nhà hắn làm ăn thịnh vượng quanh năm. Rồi những ngày rằm, mồng một, những ngày ốm đau hay hoạn nạn, những ngày làm ăn thua lỗ đều nhắc hắn cầu khấn đến cây hương.
Nhà trên của Bổng là một nếp nhà ba gian hai chái, bằng gỗ lợp ngói. Cái nhà ấy đến hắn là năm đời, nhưng so với những nhà mới dựng cũng không khác mấy. Có phần thấp hơn, nhiều cột và chạm trổ sơ sài hơn. Nếu không có màu mốc bạc và những vết tròn trắng như phân chim thì ít ai biết được nhà hắn đã có lâu đời.
Lịch sử nhà hắn, hắn thuộc rành rọt. Ai hỏi, hắn sẽ trả lời trôi chảy: “Thưa, cái nhà này làm từ đời cụ tuần (tuần tổng), cụ ngũ đại nhà tôi. Cụ giàu lắm; sân trước, sân sau, vườn, ao rộng rãi gấp ba gấp bốn bây giờ. Nhà này xưa kia lợp ngói cho mãi đến đời cụ tổng Cống là tam đại nhà tôi. Cụ này chơi bời hào phóng lừng lẫy một thời. Cụ chẳng để tâm gì đến việc cửa việc nhà. Vì thế, nhà dột nát, cụ cũng chẳng buồn chữa. Đến đời cụ Lý đẻ ra thầy tôi thì vườn, ao, và sân sau đã vào tay hàng xóm. Thầy tôi kể lại rằng cụ Lý tôi hà tiện lắm, không dám bỏ tiền ra lợp lại. Bao nhiêu ngói lành, cụ tôi cho lợp ra đằng mái trước, còn mái sau, cụ tôi lợp rạ. Thế mà lúc cụ Lý tôi mất, cụ cũng chẳng để lại cho thầy tôi được mấy tí, ngoài con trâu với vài mẫu ruộng”.
Đồ đạc, từ bàn thờ cho chí giường phản, đều cổ như cái nhà của hắn. Trong ấy có một cái hòm gian kê ngay trước mặt bàn thờ là đặc sắc hơn cả. Hắn coi như một gia bảo, ít người có: Hòm có tám chân và chắc chắn như tám cái cột, những khung, những ván dày dặn, ngoài mặt có những đồng trinh cổ to gần bằng đồng bạc đóng liền sít nhau như những tờ giấy tiền (giấy mã có in những đồng tiền) bận ở các hàng mã nhà quê. Cứ trông hình thù nó thì hai chục người vị tất đã khiêng nổi. Trong hòm đựng những gì, vợ chồng hắn giấu kín. Nhưng cả xóm, cả làng, ai cũng biết hắn có độ chục bát mẫu cổ của cụ Cống để lại, ba cái nam bạch định, một cái khay tre chạm khắc và một bộ đồ chè. Những thứ ấy đều cổ cả. Hắn chỉ đem ra bày trong những ngày Tết hay ngày kỵ. Cả đời, hắn chẳng dám sắm thêm thứ gì khác, nhưng hắn cũng chưa hề cầm cố, bán chác để đến nỗi mang tiếng mang tai.
Kê ở hai gian bên đối nhau một cái giường và một chiếc khung cửi (đồ hồi môn của vợ). Giường quang dầu, có lan can, đã trải qua một thời gian dài, đã từng biết bao nhiêu sự buồn, vui, tủi, nhục của bao cuộc đời bằng phẳng, tối tăm, không thay đổi. Cái giường quý ấy truyền từ đời ông cẫm bà cẫm, ông kỹ bà kỹ cho đến đời vợ chồng hắn mới gẫy có một chân. Hắn đã thay vào một thanh gỗ mộc. Nhiều người chê và bảo sao không quang dầu cho đẹp. Hắn cười, hứa sẽ làm theo chiều ý khách, nhưng hắn vẫn để nguyên như cũ. Hắn nghĩ bụng: “Cái giường chứ cái gì mà phải vẽ ra quang dầu quang diếc cho thêm phiền”.
Hắn chỉ chăm nom, săn sóc riêng một cái bàn thờ. Ở đó mà khiếm khuyết thứ gì thì hắn băn khoăn, nghĩ ngợi cho tới khi bồi bổ xong mới yên tâm. Chả thế mà bộ thất sự lâu ngày tróc sơn, hắn thân hành cùng phó Vân lên tận tỉnh mua vàng son về tô lại. Việc trang hoàng bàn thờ là cái thú vào bậc nhất của hắn. Hắn sung sướng hay khổ sở cũng vì ở đó một vài phần.
Còn một vật nữa, hắn ham mê săn sóc đến luôn là cái diều, mười lăm thước - thước ta - phất cậy, gác trên xà nhà ngang suốt dọc gian giữa, một bộ sáo năm; một chiếc sáo cồng và một cuộn dây tre quấn vào cái vòng mây như chiếc vành bánh ô-tô.
Bắt đầu từ tháng Tư cho đến tháng Bảy, không mấy chiều có gió mà người ta không thấy hắn với một vài người anh em họ đem diều ra thả trên dọc đường cái quan. Thả xong mấy anh em dong về buộc gốc cây ngay đầu ngõ. Hắn ngồi ngây ra hằng giờ ở thềm nhà trên ngắm diều và nghe sáo, trong khi mẹ hắn cúi gập người làm đôi quét sân và vợ hắn hì hục thổi cơm, nấu nước, băm bèo, quấy cám cho lợn. Không ai trách được hắn. Hắn đã làm việc vất vả, nặng nhọc ở ngoài đồng từ tang tảng sáng cho đến xế chiều. Con trâu của hắn, đi làm về lúc nào cũng sạch sẽ bóng mượt. Lưỡi cày, răng bừa lau chùi không bao giờ để rỉ.
Vả lại, hắn lấy vợ đã bảy tám năm trời mà chưa có con. Vậy mà hắn không rượu chè, không cờ bạc, không mượn cớ lấy vợ lẽ thì hắn ham mê chơi diều là phải lắm. Vợ hắn cũng hiểu thế nên rất mực chiều chồng tuy không bao giờ để lộ ra nét mặt, sợ chồng biết mà kiêu hãnh chăng.
Mẹ hắn có ý bực bội về nỗi ngoài năm mươi tuổi đầu vẫn chưa có cháu nội. Hai cô con gái mới về nhà chồng được ba bốn năm mà cô nào cô ấy đã con bồng, con bế. Cháu ngoại tuy cũng là cháu, nhưng không thể so sánh với cháu nội được. Lắm lúc nỗi bực tức của bà trội lên mạnh quá bật ra những tiếng thở dài và một câu phẫn uất: “Ối chao ôi! Người ta đẻ đông đẻ tây mà mày thì cứ ỳ ra thôi!” Thấy nàng dâu buồn tủi, rơm rớm nước mắt, bà hối hận nói chữa: “Tao thì tao trông mày chẳng bệnh tật gì cả. Hay là tại thằng chồng mày? Hay là tại số chúng mày muộn màng? Ừ chắc có lẽ số chúng mày muộn màng. Cụ tổng Cống ngày xưa cũng mãi đến năm bốn mươi tuổi mới sinh cụ Lý”. Bà tìm hết lời an ủi. Không những bà không ghét nàng dâu mà lại còn nể nữa. Ông khán Tịn, chồng bà, mất đi đẻ lại ba đứa con dại, bà phải xốc vác, lo lắng đủ mọi việc. Nhưng từ ngày bà có nàng dâu, bà không phải nghĩ ngợi, không phải mó tay vào việc gì ngoài những việc nhẹ nhàng như đánh ống, đánh suốt, quét nhà hay cho gà ăn. Nàng dâu bà đảm đang quá. Thôi thì dệt vải, may vá, đi chợ đi búa, làm cơm, làm nước, buôn ngược bán xuôi, tần tảo, làm lợi cho nhà bà khá nhiều mà không bao giờ phàn nàn về nỗi vất vả. Mười chín tuổi đầu mà biết đủ mọi việc như thế thì thật là hiếm có, một nàng dâu hiếm có.
Những lời an ủi của bà không làm cho nàng dâu hết buồn, hết tủi. Nàng quên sao được những câu thốt tự tâm bà và những lời cợt giễu ông chú bà bác, của những hàng xóm láng giềng. Chỉ một câu: “Người hơ hớ thế kia mà chẳng đẻ đái gì cả” cũng đủ khiến nàng nghĩ ngợi, cho như một câu nguyền rủa.
Mỗi lần về thăm bố mẹ đẻ, mẹ nàng lại xoa bụng nàng và nói: “Cố bằng chị bằng em chứ. Sao mà con gái tôi lười biếng thế?” Nàng đỏ mặt, trả lời bằng một giọng chua chát: “Lúc đẻ thì tự khắc đẻ chứ cố cũng chẳng được”.
Thật thế, nàng đã tìm hết cách. Nàng đã sang tận bên Họ, tìm đến ông lang chuyên chữa về đường tử tức. Nàng đã nhờ ông khóa vịnh vừa là họ ngoại, vừa là thầy cúng, lần mò vào tận Hương Tích kêu cầu, xin dấu. Chẳng hội đền nào là nàng không ngầm gửi tiền ông ta đi lễ hộ. Nàng mua cả thuốc mường, thuốc mán. Nàng đã xin sư cụ chùa Tiên nổi tiếng về môn phù thủy một đạo bùa cầu tự buộc vào cổ yếm mà nàng có ý luồn trong áo để mọi người khỏi biết, sợ họ cười. Nàng đã xem bói và thầy bói đã bảo cho nàng biết rằng số nàng muộn màng, đến năm hăm tám thì có con giai và sẽ con đàn cháu đống. Nàng vẫn bán tín bán nghi. Nàng nghĩ thầm: Lắm người khô như hạc còn đẻ huống chi nàng, thân hình tròn trĩnh. Nàng lại nghe thấy người ta nói: người đàn bà nào vú nở và lưng hơi gù thì lắm con. Lời ấy đúng như tướng mạo nàng.
Bởi vì nàng không ưa trẻ nên hiếm hoi thì thật vô lý. Từ ngày nàng còn bé, còn là cái đĩ, nàng đã thích có em. Nàng thường lấy cái gối mây của bố làm con, lấy áo cộc làm tã. Nàng bồng bế, hôn hít, ôm ấp vào lòng. Nàng ru con ngủ trên võng hay đặt con nằm trên phản. Nàng cũng bắt chước mẹ, giả đi chợ đông bán và trong trí lúc nào cũng nghĩ đến đứa con nằm nhà. Khôn lớn lên, nàng thích bế những đứa trẻ thực, những đứa trẻ bụ sữa, mũm mĩm như bột nặn. Nàng ôm chặt lấy hôn hít, thích ngửi mùi sữa thơm ở đứa trẻ. Lắm lúc nàng nghịch để đầu ngón tay út hay để môi vào mồm xinh xinh của đứa trẻ. Đứa trẻ ôm chầm lấy bú lấy bú để.
Bảo nàng vô tình thì lại càng vô lý. Trái lại nàng lúc nào cũng xuân tình nồng nàn. Nàng sớm dậy thì. Từ năm nàng mười lăm mười sáu, đứng trước trai tơ nàng đã thấy nóng bừng cả mặt, vì thế mà nàng có vẻ thẹn thùng e lệ. Cử chỉ vụng về, lời ăn tiếng nói không được tự nhiên cũng vì thế. Vài năm nay tình nhục dục của nàng càng thêm bồng bột.
Nàng đĩ người nhưng không đĩ nết. Nhờ có nết mà nàng không đến nỗi ngoại tình và còn giữ được trinh khi về nhà chồng.
Còn chồng nàng?... Nàng thấy chồng nàng có tính lãnh đạm, thờ ơ, ít khi nồng nàn như nàng. Hay là tại thế mà nàng hiếm hoi? Không, không phải thế. Chồng nàng vốn khỏe mạnh, và phần nhiều đàn ông có tính lãnh đạm, cứ gì một chồng nàng. Nàng cố tìm lẽ chống chế để khỏi sinh ra thù ghét chồng.
Nàng thường nghĩ liên miên như thế, song lần nào nàng cũng kết thúc bằng một giọng quả quyết: Thế nào mình cũng phải đẻ.