ột giai đoạn khẩn trương bắt đầu đối với hai nhân vật của chúng ta. Ostap khẳng định rằng phải tìm ngay những chiếc ghế khi dấu vết chúng còn nóng hổi. Ippolit Matveevich đã được vua mánh ân xá, tuy rằng thỉnh thoảng hắn vẫn bảo ông ta:– Chẳng hiểu sao tôi lại đi dính với ông? Tôi cần quái gì đến ông kia chứ? Ông nên cuốn gói đi về cái phòng đăng ký hộ tịch của ông đi còn hơn. Ở đấy bọn trẻ sơ sinh và những người chết đang đợi ông. Đừng để lũ trẻ sốt ruột đợi chờ! Ông hãy về với chúng đi!Nhưng trong thâm tâm vua mánh cảm thấy khá gắn bó với ngài đô thống ngớ ngẩn. “Không có lão ta thì cuộc sống cũng kém vui” – Ostap nghĩ bụng. Và hắn vui vẻ nhìn Ippolit: trên đầu ông ta dạo này đã lún phún mọc dài một nhúm tóc bạc.Theo kế hoạch hành động, thì sáng kiến của Ippolit Matveevich được dành cho một vị trí tử tế. Anh chàng Ivanopulo vừa đi khỏi, Ostap đã nhồi vào sọ ông bạn đường những thủ pháp hữu hiệu nhất để tìm ra kho báu.– Hành động phải táo bạo. Đừng hỏi han bất cứ ai. Phải trơ tráo hơn nữa. Người ta thích như thế. Chớ hy vọng vào nhân vật thứ ba. Bây giờ không còn bọn ngu ngốc đâu. Chẳng ai dại gì móc túi kim cương của người khác đem về cho ông. Nhưng cũng chớ dính vào luật hình sự. Phải tôn trọng pháp luật chứ.Tuy thế việc tìm kiếm cũng không lấy gì làm sôi nổi cho lắm. Một trở ngại lớn là Bộ luật hình sự và vô số thành kiến tư sản còn rơi rớt trong đầu óc dân chúng thủ đô. Chẳng hạn, họ không thể chịu nổi những chuyến thăm viếng ban đêm theo kiểu chui qua cửa sổ thông gió. Đành phải hoạt động công khai vậy.Trong phòng của anh sinh viên Ivanopulo vào hôm Ostap tới thăm nàng Elloska Sukin, đã xuất hiện một thứ đồ gỗ. Đó là chiếc ghế được đổi bằng cái lọc bã trà – chiến lợi phẩm thứ ba tính từ khi bắt đầu cuộc thám hiểm. Đã qua lâu rồi cái thời mà sự săn tìm kim cương gây nên cảm xúc cao độ cho hai thành viên hợp đồng, khi họ xâu xé trong chớp mắt toàn bộ chiếc ghế tìm thấy.– Ngay cả khi trong ghế không có gì chăng nữa – Ostap lập luận – thì cũng nên coi rằng ta đã kiếm được ít nhất là mười ngàn rúp. Mỗi chiếc ghế được mở ra lại tăng thêm khả năng thành công của chúng ta. Nếu chiếc ghế của cô ả này không có kim cương thì sao? Thì ta không nên phá tung nó ra. Hãy để cho Ivanopulo có thêm một thứ đồ dùng. Mà tôi với ông cũng thoải mái hơn.Ngay hôm ấy hai thành viên hợp đồng từ ngôi nhà màu hồng tỏa đi hai phía khác nhau. Ippolit được giao nhiệm vụ tìm đến tay đàn ông ở phố Sađôvaia Spatskaia, được nhận hai mươi lăm rúp tiền chi dùng khi cần thiết, được lệnh không rẽ vào quán bia và cấm trở về tay không. Vua mánh lãnh trách nhiệm đến nhà anh chồng của Elloska.Ippolit Matveevich đi xuyên thành phố trên chuyến xe buýt No6. Trong khi nảy bần bật trên chiếc ghế da và có lúc bay lên sát trần xe, ông suy nghĩ cách làm thế nào biết được tên họ của đối tượng, lý do gì bước vào nhà ông ta, phải ăn nói ra sao để đi vào thực chất vấn đề.Xuống xe ở khu cổng Krassnưie, theo địa chỉ Ostap ghi trên giấy, Ippolit tìm được số nhà cần thiết và bắt đầu đi đi lại lại quanh quẩn phía trước. Ông chưa dám bước vào nhà. Đây là một khách sạn cũ, bẩn thỉu, đã biến thành nhà tập thể, mà cứ nhìn mặt trước nhem nhuốc của ngôi nhà cũng biết là ở đây toàn những hộ không chịu trả tiền thuê phòng.Ippolit đứng ngần ngừ rất lâu ở trước cổng, đọc thuộc lòng bản thông báo viết tay đe dọa những hộ ăn ở mất vệ sinh, rồi mặc dầu chưa nghĩ ra được điều gì, cũng cứ đi lên tầng hai. Từng căn phòng có cửa mở ra hành lang. Chậm chạp như một cậu học trò đi lên bảng chứng minh một định lý chưa thuộc, Ippolit tiến lại gần phòng No41. Một tấm các-vi-dít treo lộn ngược vào một cái nút chuông trên cánh cửa.Quên cả gõ cửa vì hoàn toàn lúng túng, Ippolit mở cửa ra, bước ba bước như người mộng du và thấy mình đã đứng ở giữa phòng.– Xin lỗi, tôi có thể gặp đồng chí Iznurenkov được chứ ạ? – Ippolit hỏi khe khẽ.Iznurenkov không trả lời, Ippolit bèn ngẩng mặt lên và lúc này mới thấy là trong phòng chẳng có ai.Nhìn nội thất thì rất khó đoán sở thích của chủ nhân căn phòng này. Chỉ biết rõ một điều là Iznurenkov sống độc thân và không có người giúp việc. Trên bậu cửa sổ là một tờ giầy nhàu đựng mấy mẩu xương cá. Chiếc giường kê cạnh tường ngổn ngang những báo là báo. Trên chiếc giá nhỏ có mấy quyển sách bụi bặm. Tường nhà dán la liệt ảnh màu của đủ loại mèo đực, mèo cái, mèo lớn, mèo con. Ở giữa phòng, bên cạnh đôi giày dính bùn vứt chỏng chơ, là chiếc ghế gỗ hồ đào. Trên mặt các thứ đồ gỗ, kể cả trên chiếc ghế của biệt thự Stargorot, lác đác có những cái dấu đóng xi màu hồng. Nhưng Ippolit chẳng để ý đến chúng. Ông quên biến Bộ luật hình sự, quên biến lời dạy của Ostap, nhảy ngay tới bên chiếc ghế.Đúng lúc ấy đống báo trên tường động đậy. Ippolit Matveevich giật mình. Mấy tờ báo trôi dần ra rồi tuột xuống đất. Một chú mèo nhỏ thản nhiên vươn vai, lãnh đạm nhìn Ippolit và bắt đầu rửa mặt bằng cách dùng một chân trước gãi gãi tai, xoa xoa má và bộ râu.– Hừm! – Ippolit Matveevich hừm một tiếng.Đoạn ông xách ghế đi ra cửa. Cánh cửa tự nó mở ra. Trên ngưỡng cửa xuất hiện chủ nhân căn phòng – chính là người đàn ông nhún nhẩy hôm qua. Ông ta mặc chiếc áo bành tô không cài khuy, để lộ chiếc quần đùi màu tím. Chiếc quần dài thì ông ta cầm trên tay.Về Avessalom Vlađimirovich Iznurenkov thì có thể nói rằng ở nước cộng hòa Xô viết không còn người nào thứ hai như ông ta nữa. Nước cộng hòa đánh giá cao công lao của ông, vì ông là một người rất hữu ích cho đất nước. Song ông vẫn không nổi tiếng mặc dù trong lĩnh vực nghệ thuật của mình, ông vào loại bậc thầy, hệt như Saliapin trong lĩnh vực thanh nhạc, Gorki trong văn học, Kapablanka trong môn cờ quốc tế, Melinkov trong môn trượt băng và chú bé người Assiri da đen, mũi to, ngồi ở vị trí tốt nhất chỗ ngã tư Tveskaia – Kamergerski trong môn đánh giày bằng xi màu vàng.Sapialin hát. Gorky viết tiểu thuyết. Kapablanka chuẩn bị đấu cờ với đại kiện tướng Alekhin. Melincov phá kỷ lục. Chú bé da đen làm cho những đôi giày của khách bóng đến mức có thể soi gương. Còn Iznurenkov thì pha trò hóm hỉnh.Không bao giờ ông ta pha trò mà không có chủ đích, pha trò chỉ để pha trò. Ông làm việc ấy theo đơn đặt hàng của các tạp chí trào phúng. Ông gánh trên vai những nhiệm vụ quan trọng nhất, ông cung cấp đề tài cho các tiểu phẩm và tranh châm biếm của phần lớn các tạp chí hài hước ở Mátxcơva.Những nhân vật vĩ đại chỉ pha trò hai lần trong đời. Câu pha trò hóm hỉnh của họ làm tăng vinh quang cho họ và đi vào sử sách. Còn Iznurenkov tung ra không dưới sáu mươi câu pha trò thượng hảo hạng trong một tháng. Chúng được tất cả mọi người truyền miệng nhau, vậy mà ông vẫn không hề nổi tiếng. Nếu câu pha trò của Iznurenkov được minh họa bằng hình vẽ thì vinh quang thuộc về họa sĩ. Tên họa sĩ được đề phía trên bức tranh. Không thấy tên Iznurenkov.– Không thể ký tên được! – Ông nói lớn – Gớm ghiếc lắm! Ký tên vào cái gì kia chứ? Có vài ba dòng mà cũng ký với chả kiếc!Và ông tiếp tục đấu tranh hăng hái với mọi kẻ thù của xã hội, với những xã viên tồi, những kẻ hoang phí của công, với Sămbéclanh, với bọn quan liêu. Những câu châm biếm của ông chĩa mũi nhọn vào bọn xu nịnh, các ban quản trị nhà ở, giới tư thương, các vị chủ nhiệm, bọn lưu manh, những công dân không chịu hạ giá hàng và những người làm kinh tế không chịu tuân theo chế độ tiết kiệm.Sau khi tạp chí ra mắt, những câu châm biếm của ông được nhắc lại trên sân khấu rạp xiếc, được các báo buổi chiều in lại không nói rõ xuất xứ và được những người giới thiệu tiết mục ca nhạc ở các tiệm ăn thường xuyên sử dụng.Iznurenkov biết cách pha trò trong những lĩnh vực tưởng chừng không thể nói một câu buồn cười. Từ cái hoang mạc khô cằn như chuyện tố gian giá thành sản phẩm, mà Iznurenkov cũng khôn khéo vắt ra được gần một trăm kiệt tác trào phúng. Haine hẳn sẽ bó tay đầu hàng, nếu người ta mời ông phát biểu một câu vừa buồn cười, vừa có lợi cho xã hội, về việc định giá cước của sự chuyên chở với tốc độ chậm như rùa, ngay Mác Tuen cũng phải xa lánh đề tài ấy. Riêng Iznurenkov vẫn vững vàng trên cương vị của mình.Ông chạy khắp các phòng của tòa soạn, chốc chốc lại vấp vào các chậu để ném mẩu thuốc, miệng cứ kêu be be như dê. Mươi phút sau đề tài đã được nghĩ xong, tranh minh họa cũng đã nằm trong dự kiến, đầu đề cũng đã hình thành.Nhìn thấy trong phòng mình có người bưng chiếc ghế ấn loát, Iznurenkov bèn vung cái quần vừa thuê là ở hiệu may, nhún nhẩy nói một tràng dài:– Anh điên rồi! Tôi phản đối! Anh không có quyền! Còn có pháp luật chứ! Dĩ nhiên! Tuy pháp luật không phát huy hiệu lực với những thằng ngốc, nhưng có lẽ anh cũng biết sơ sơ rằng tôi có thể sử dụng cái ghế này hai tuần nữa!... Tôi sẽ khiếu nại với ủy viên công tố!... Cuối cùng, tôi sẽ trả tiền thôi!Ippolit đứng nguyên tại chỗ, còn Iznurenkov cởi áo bành tô quẳng đi, vẫn không rời khung cửa, xỏ hai ống chân như chân Thichikov (1) vào chiếc quần dài. Iznurenkov người mập mạp, nhưng mặt rất gầy.Ippolit tin chắc rằng ông sắp bị người ta bắt và lôi cổ lên công an. Bởi vậy, ông hết sức ngạc nhiên khi thấy chủ nhân sau lúc mặc quần áo xong xuôi, lại đột ngột trở nên dịu dàng:– Anh thông cảm cho – Iznurenkov hạ giọng – tôi không thể nào tán thành việc đó.Ở địa vị chủ nhân, Ippolit, suy cho cùng, cũng không thể nào tán thành cái chuyện người ta ăn cắp ghế của mình giữa ban ngày ban mặt. Nhưng Ippolit chả biết ăn nói ra sao, đành cứ lặng thinh.– Lỗi không phải tại tôi. Tại đại diện Viện âm nhạc đấy. Vâng, tôi cũng xin nhận là tôi chưa trả tiền lấy chiếc pianô, nhưng tôi có đem bán nó đi đâu, mặc dù tôi hoàn toàn đủ khả năng làm việc ấy. Tôi xử xự chính trực, còn họ thì chẳng khác gì bọn bịp bợm. Họ đã chở cây đàn đi rồi, lại còn đệ đơn ra tòa đòi tịch thu cả đồ gỗ của tôi nữa. Không được tịch thu cái gì của tôi cả. Chiếc ghế này là công cụ sản xuất kia mà!Ippolit đã bắt đầu hiểu ra đôi chút.– Anh buông cái ghế ra đi! – Iznurenkov đột nhiên hét to – Nghe rõ chưa? Anh, anh là đồ quan liêu!Ippolit ngoan ngoãn đặt chiếc ghế xuống và lí nhí nói:– Xin lỗi! Tôi bị nhầm, công tác nó thế.Iznurenkov hớn hở hẳn lên. Ông ta chạy trong phòng và cất tiếng hát: “Sáng sáng nàng lại mỉm cười trước khung cửa sổ của mình. Á hà há, á hà ha!” Ông ta không biết làm gì với hai bàn tay của mình. Tay ông ta cứ vung vẩy loạn xạ. Ông ta bắt đầu thắt cà vát, rồi chưa thắt xong lại cởi ra. Đoạn ông chụp một tờ báo, chẳng đọc gì cả, lại ném xuống đất.– Vậy là anh chưa đem ghế đi hôm nay phải không?... Hay lắm! Chao! Chao!Lợi dụng tình thế thuận lới, Ippolit bước ra cửa.– Hượm đã! – Iznurenkov bỗng kêu to – Anh đã bao giờ thấy con mèo như thế này chưa? Này, có phải lông nó mượt quá phải không?Chú mèo con nằm trong hai bàn tay run run của Iznurenkov.– Nhất hạng!... – Chủ nhân lẩm bà lẩm bẩm vì không biết sử dụng khoản năng lượng thừa thãi của mình vào việc gì – Chao! Chao.Ông ta chạy bổ lại bên cửa sổ, vung tay và cúi đầu lia lịa chào hai cô gái ở cửa sổ ngôi nhà đối diện đang nhìn về phía ông ta. Miệng ông ta cứ không ngớt thốt lên mấy tiếng “chao”, “chao”.– Con gái vùng quê! Tốt giống phải biết! Nhất hạng. Chao!... “Sáng sáng nàng lại mỉm cười trước khung cửa sổ, Á hà há, á hà ha...”– Tôi đi, ông nhé – Ippolit ngớ ngẩn nói.– Hượm đã, hượm đã nào! – Chủ nhà bỗng luống cuống. Chờ chút xíu! Chao!... Thế còn chú mèo? Có đúng là lông nó mượt quá không? Hượm đã! Xong ngay đây thôi!...Ông ta vội vàng lục tung các túi quần túi áo, chạy ra cửa sổ nhìn sang bên kia rồi chạy quay trở lại.– Xin lỗi anh bạn thân mến nhé – ông ta bảo Ippolit, là người suốt trong thời gian chủ nhà bận túi bụi vẫn đứng nghiêm, hai tay đặt ở chỉ quần.Vừa nói câu ấy, chủ nhà vừa dúi vào tay Ippolit đồng 50 cô-pếch.– Chớ, chớ, xin anh chớ từ chối. Mọi thứ lao động đều phải được trả công.– Xin đa tạ ông – Ippolit đáp và ngạc nhiên về sự nhanh trí của mình.– Cảm ơn, cảm ơn anh bạn thân mến!...Trong lúc đi dọc hành lang, Ippolit còn nghe thấy từ phía sau lưng vọng lại những tiếng “chao”, “chao”, tiếng hát xen lẫn tiếng thốt say sưa.Ernest Pavlovich Sukin đi đi lại lại trong căn hộ mà ông bạn tốt bụng cho anh mượn cả mùa hè: anh đang suy tính xem bây giờ có nên tắm hay không tắm.Căn hộ ba phòng này nằm áp mái tòa nhà chín tầng. Ngoài chiếc bàn viết, chiếc ghế của Ippolit ra, chỉ còn mỗi chiếc tủ gương. Mặt trời rọi vào gương làm bật ra những tia sáng lóa mắt. Viên kỹ sư vừa ngồi ghé xuống chiếc bàn viết đã đứng bật dậy. Mọi thứ đều bị nung nóng.“Phải tắm cái đã”, Sukin quyết định.Anh cởi quần áo, đứng lặng im soi gương rồi đi sang phòng tắm. Hơi mát phả vào người anh... Anh trèo vào bồn tắm, vặn nước từ chiếc vòi hoa sen mạ kền cho ướt người rồi xoa thật nhiều xà phòng. Cả thân hình anh xù lên đầy bọt xà phòng, trông anh giống như ông già tuyết.– Hay thật! – Ernest Pavlovich nhận xét.Quả là hay! Mát ơi là mát! Lại được tự do hoàn toàn, khỏi phải sống với vợ. Viên kỹ sư ngồi xuống, vặn vòi nước để trôi xà phòng. Cái vòi bị sặc nước và chậm rãi phát ra câu nói ậm ạch gì đó. Nước không chảy! Sukin đút ngón tay út trơn nhẫy vào miệng vòi rồi rút mạnh ra. Nước rỉ được vài giọt, rồi chẳng có gì nữa. Sukin nhăn mặt rồi bước ra khỏi bồn tắm, nhón chân tiến về cái vòi nước ở gian bếp. Nhưng cũng không vắt ra được giọt nào ở đây.Sukin mò vào phòng và đứng lại trước gương. Bọt xà phòng làm cho mắt cay cay, lưng ngưa ngứa, có túm bọt rơi xuống nền gỗ. Sau khi lắng nghe không có tiếng nước chảy trong buồng tắm, Sukin quyết định gọi người lao công.“Nhờ bác ta mang nước lên cho mình – Sukin chùi bọt trên mắt, nghĩ bụng – không thì bỏ mẹ!”Anh nhoài người ra cửa sổ. Trẻ con đang chơi đùa dưới sân.– Bác lao công ơi! – Sukin gọi to – Bác lao công!Không ai trả lờiLúc ấy Sukin chợt nhớ rằng bác lao công sống ở phòng xép dưới chân cầu thang. Anh bèn ra cửa, một tay vẫn nắm chốt khóa cửa, nhoài người xuống phía dưới tay vịn cầu thang. Ở bệ cầu thang chỉ có một căn hộ, nên Sukin chẳng sợ bị mọi người nhìn thấy anh ta mặc bộ quần áo kỳ lạ bằng bọt xà phòng này.– Bác lao công ơi! – Anh gọi to xuống bên dưới.Bốn tiếng ấy vang lên và lăn lông lốc xuống từng bậc thang.– Gu – gu! Cầu thang trả lời.– Lao công! Lao công!– Gum – gum! Gum – gum!Viên kỹ sư từ nãy toàn đứng nhón chân và nóng ruột nhoài người nên bị trượt chân. Để giữ thăng bằng, bàn tay nắm chốt khóa bèn buông ra. Cánh cửa được trang bị loại khóa đồng của Mỹ đóng sập và khóa tách một cái. Tường nhà rung rung. Chưa biết tình huống bế tắc vừa xảy ra, Sukin giơ tay vặn quả đấm, nhưng cửa không chịu mở.Viên kỹ sư sửng sốt đẩy đẩy, xoay xoay mấy lần nữa, và lắng nghe với tiếng tim đập thình thịch. Không gian im ắng như ở nhà thờ vào lúc hoàng hôn. Qua lớp kính nhiều màu ở cái cửa sổ phía trên cao chỉ có một ít ánh sáng hắt xuống.“Bỏ xừ” – Sukin nghĩ thầm.– Đồ khốn nạn! – Anh nói với cái cửa.Bên dưới, tiếng nhiều người lao xao như tiếng pháo tép. Sau đó một con chó ở phòng nào đấy sủa oang oang như loa phóng thanh.Người ta đang đẩy một chiếc xe nôi lên cầu thang.Sukin hoảng hốt đi tới đi lui trên bệ cầu thang.– Phát điên lên được!Anh cảm thấy câu chuyện xảy ra thật là kỳ quái, không thể hiểu nổi. Anh lại đến sát cửa và lắng nghe. Anh đã nghe thấy những âm thanh mới. Ban đầu hình như có ai đang đi trong phòng thì phải.“Có lẽ có ai lọt vào theo lối cửa sau chăng?” – Sukin nghĩ, mặc dù thừa biết rằng cửa sau bị khóa và chẳng ai lọt vào phòng được.Tiếng ồn vẫn tiếp tục. Viên kỹ sư nín thở. Bây giờ thì anh đã hiểu rằng đó chính là tiếng nước chảy ào ào. Có lẽ nước chảy từ tất cả mấy cái vòi trong nhà. Sukin suýt nữa rú lên.Tình thế thật khủng khiếp. Ngay giữa Mátxcơva, ở trung tâm thành phố, trên bệ cầu thang tầng thứ chín đang đứng tô hô một người lớn, có râu, có học vấn đại học, hoàn toàn trần truồng, chỉ phủ một lớp bọt xà phòng ngứa ngáy. Anh ta không thể đi đâu được. Anh ta sẵn sàng ngồi tù, còn hơn để người ta nhìn thấy mình như vậy. Chỉ còn mỗi một cách là chết, chết cho xong. Bọt xà phòng vẫn tan và đốt lưng. Ở tay và mặt, bây giờ nó đã se lại như vệt chốc đầu và làm da nhăn nheo như hòn đá mài.Tình cảnh ấy kéo dài đã gần nửa tiếng đồng hồ. Viên kỹ sư cào cấu bức tường quét vôi, rên rỉ và mấy lần cố tìm cách phá cửa nhưng vô hiệu. Anh trở nên lem luốc và đáng sợ.Sukin quyết định chạy xuống chỗ bác lao công, dẫu sự việc muốn diễn biến ra sao thì diễn biến.“Chẳng còn cách nào khác, ngoài việc trốn nhờ ở phòng bác lao công”.Sau khi lấy tay che che, như những người đàn ông thường làm khi xuống sông tắm, Sukin vừa thở hổn hển vừa từ từ dò từng bước đi xuống, dọc tay vịn cầu thang. Anh đã ở bệ cầu thang giữa tầng tám và tầng chín.Thân hình anh được rọi sáng bởi các ô hình quả trám và hình vuông của cửa sổ. Trông anh giống hệt lúc Arlekin nghe trộm câu chuyện giữa Kolombina và Paiatse. Anh đã bước thêm mấy bậc nữa, bỗng ổ khóa căn hộ bên dưới kêu lạch cạch và từ trong nhà hiện ra một tiểu thư, tay xách chiếc va li nhỏ xíu. Tiểu thư nọ chưa kịp bước một bước, thì Sukin đã vọt lên đến cửa phòng mình. Anh hầu như điếc tai vì tiếng đập gớm ghiếc của quả tim.Phải nửa giờ sau viên kỹ sư mới hoàn hồn và có thể thực hiện cố gắng mới. Lần này anh quyết định cứ cắm đầu lao nhanh xuống dưới phòng bác lao công, chứ không thèm để ý bất cứ ai, hoặc bất cứ cái gì.Anh đã làm như vậy. Lặng lẽ nhảy bốn bậc một, vị ủy viên thường vụ Hội đồng kỹ sư và kỹ thuật viên bay xuống phía dưới. Đến bệ cầu thang tầng sáu, anh dừng lại. Cái đó đã hại anh. Có ai đấy đang từ dưới lên.– Con là thằng bé khó bảo! – Giọng phụ nữ được cái loa cầu thang phóng đại nhiều lần – Mẹ đã dặn con bao nhiêu lần rồi hả!Như con mèo bị đàn chó săn đuổi, Ernest Pavlovich Sukin, theo bản năng thì đúng hơn là theo lý trí, bay vọt lên tầng chín.– Cha mẹ ơi! – Viên kỹ sư rên rỉ – Trời ơi! Trời đất ơi!Không có sự sống nữa. Vậy mà anh vẫn nghe thấy rõ tiếng xe vận tải chạy qua ngoài phố. Nghĩa là ở đâu đây người ta vẫn sống.Sukin còn tự động viên mình chạy xuống dưới mấy lần nữa, nhưng không thể được vì thần kinh không chịu nổi sự căng thẳng. Anh đành ngồi bó gối.– Chúng nó bẩn như lợn! – Sukin nghe có tiếng bà già ở bệ cầu thang bên dưới.Viên kỹ sư quay mặt, áp sát người vào tường và bổ bổ đầu mấy cái vào tường. Khôn ngoan nhất dĩ nhiên là phải gọi to cho đến lúc có người nghe tiếng đi lên, rồi thì chịu để họ bắt làm tù binh. Nhưng Sukin đã hoàn toàn mụ mẫm, mất hết năng lực suy nghĩ: anh cứ vừa thở hồng hộc vừa xoay như chong chóng trên bệ cầu thang.Bế tắc hoàn toàn.