gày hôm sau, hai bên ký kết hợp đồng tin rằng sống thêm trong căn hầm của lão quét vườn là không tiện. Lão Tikhôn thì luôn miệng lầm bà lầm bầm, hoàn toàn ngớ người ra sau khi nhìn ông chủ cũ đầu tiên có bộ ria đen, tiếp đến ria xanh và cuối cùng thì không tóc, không ria. Ngủ, chẳng có chỗ nào. Căn nhà hầm lại nồng nặc mùi phân ngựa do đôi ủng mới của Tikhôn đưa từ ngoài vào. Đôi ủng cũ vứt ở góc nhà cũng tỏa mùi khăn khẳn, trong khi không khí hoàn toàn tù đọng.– Tôi cho rằng buổi dạ hội kỷ niệm sự gặp gỡ đã đến lúc kết thúc – Ostap nói – cần phải chuyển đến ở khách sạn.Ippolit Matveevich giật mình.– Làm thế nào được.– Vì lẽ gì?– Đến khách sạn phải đăng ký tạm trú.– Thẻ căn cước của ông có vấn đề à?– Không, thẻ căn cước là thật, nhưng ở thành phố này người ta biết rõ tên họ của tôi. Sẽ lắm chuyện.Hai kẻ đồng hội đồng thuyền im lặng ngẫm nghĩ.– Thế ông có thích cái tên Mikhelson không? Đột nhiên Ostap hỏi.– Mikhelson nào? Nghị sĩ à?– Không, ủy viên công đoàn ngành thương nghiệp Liên Xô kia.– Tôi chưa hiểu ý anh.– Tại vì ông chưa có kỹ xảo kỹ thuật đó thôi. Đừng có ra vẻ ngây thơ (1).Ostap rút từ trong túi áo vét xanh ra tấm thẻ đoàn viên công đoàn và chìa cho Ippolit.– Konđrlôvich Mikhelson, bốn mươi tám tuổi, không đảng phái, chưa vợ, đoàn viên công đoàn từ năm 1921, đạo đức tư cách vào loại cực kỳ, là người quen của tôi, hình như là bạn của trẻ con... Nhưng ông có thể không cần kết bạn với trẻ con, vì công an không đòi hỏi điều đó ở ông.Ippolit ngần ngại:– Liệu có tiện không?– So với dịch vụ của chúng ta, hành động giả mạo này tuy đã bị dự kiến trong bộ luật hình sự, song nó chỉ là trò trẻ con vô tội mà thôi.Ippolit vẫn thấy lo lo.– Ông duy tâm quá, ông Konđrlôvich Mikhelson ạ, vậy là còn may đó, có khi, ông hãy tưởng tượng, ông phải trở thành Đức giáo hoàng hoặc một quan chức cỡ bự nào đó nữa kia!Tiếp đó là sự đồng ý nhanh chóng, và hai thành viên hợp đồng không buồn chia tay với lão Tikhôn, bước ngay ra đường.Họ dừng lại ở khách sạn “Sorbonna”. Ostap làm cho toàn bộ biên chế ít ỏi của ô-ten, cuống quít cả lên. Đầu tiên hắn đi xem tất cả các phòng cho thuê với giá bảy rúp, nhưng hắn vẫn không hài lòng về cách bày trí đồ đạc ở đây. Cách bày trí của những phòng giá năm rúp khiến y thích hơn, nhưng thảm ở đây tã quá và tỏa mùi khó chịu. Các phòng ba rúp thì tất cả mọi thứ đều đạt, trừ các bức tranh.– Tôi không thể sống trong một căn phòng treo tranh phong cảnh, – Ostap nói.Đành phải thả neo ở căn phòng cho thuê với giá một rúp tám mươi cô-pếch. Tại đây không treo tranh phong cảnh, không trải thảm, còn đồ đạc thì cực kỳ giản tiện: Chỉ có hai chiếc giường và một cái táp-đơ-nuy.– Phong cách thời đại đồ đá đây rồi! – Ostap nhận xét với vẻ hài lòng. – Thế đệm giường có nuôi các động vật thời tiền sử không đấy?– Cái đó còn tùy mùa – nhân viên trực hành lang ranh mãnh trả lời – Giả dụ có kỳ đại hội nào đó của tỉnh, thì dĩ nhiên là không có, bởi vì khách rất đông. Cho nên trước đó phải dọn vệ sinh cật lực. Còn những lúc khác thì quả là có, những đấy là chúng bò từ khách sạn “Livađia” bên cạnh sang.Ngay hôm ấy hai thành viên ở hợp đồng đến sở công trình công cộng và nhận được những tin tức cần biết. Thì ra phòng nhà đất đã bị giải thể từ năm 1921 và số tài liệu lưu trữ phong phú của nó đã nhập vào khối tài liệu lưu trữ của sở công trình công cộng.Vua mánh bắt tay vào việc. Chiều tối, hắn đã biết địa chỉ gia đình viên chủ nhiệm kho lưu trữ Varfolmei Korobeinikov, nguyên đổng lý văn phòng tòa thị chính, nay là cán bộ văn phòng.Ostap thắng chiếc áo gi-lê đen, đập chiếc áo vét vào thành giường để phủi bụi, đòi Ippolit đưa một rúp hai mươi cô-pếch để làm lễ ra mắt và đi gặp viên chủ nhiệm kho lưu trữ. Ippolit ở lại ô-ten “Sorbonna” và hồi hộp, bồn chồn đi đi lại lại giữa hai chiếc giường. Buổi tối xanh và lạnh hôm nay sẽ quyết định số phận toàn bộ dịch vụ này. Nếu kiếm được bản sao các phiếu phân phối số đồ gỗ lấy ở biệt thự nhà Ippolit thì có thể coi như công chuyện đã thắng lợi một nửa. Tiếp đó sẽ gặp những khó khăn và dĩ nhiên là ngoài sức tưởng tượng, nhưng dẫu sao cũng lần được sợi chỉ trong tay.Ippolit buông người xuống giường, thì thầm:– Chỉ mong kiếm được các tấm phiếu! Chỉ cần kiếm được các bản sao!...Lò xo của cái đệm rách cắn ông như rệp đốt. Ông chẳng cảm thấy điều đó. Ông chưa hình dung rõ sự việc sẽ ra sao sau khi kiếm được các tấm phiếu ấy, nhưng tin rằng tất cả sẽ trơn tru như được lau mỡ: “Mà có mỡ thì mới nổi đình đám được”, – Chả hiểu sao tự nhiên ông nghĩ như vậy.Say sưa với ước mơ màu hồng, Ippolit cứ trở mình từ bên này sang bên kia. Lò xo cắn ông ghê quá.Ostap phải vượt sang đầu kia của thành phố, Korobeinikov sống ở khu Gusisa tận ngoại ô thành phố. Dân ở đây phần đông là thuộc ngành đường sắt. Đôi khi, trên tuyến đường xe lửa cao hơn các mái nhà, có một cái hàng rào bê tông mỏng ngăn cách, một đầu máy xe lửa chạy giật lùi. Lò lửa ở đầu máy soi sáng các mái nhà trong giây lát. Đôi khi có những toa rỗng chạy qua, đôi khi có tiếng pháo lệnh nổ lục bục. Giữa các dãy lán tạm thời nổi lên dãy tường gạch dài của những ngôi nhà ẩm ướt xây dựng theo phương thức góp vốn.Ostap đi qua một hòn đảo sáng, đó là câu lạc bộ đường sắt, giở mảnh giấy kiểm tra địa chỉ và dừng chân cạnh ngôi nhà nhỏ của viên chủ nhiệm kho lưu trữ. Hắn giật cái dây chuông có đề mấy chữ “Hãy giật chuông”.Sau nhiều câu căn dặn “gặp ai”, “để làm gì” người ta mở cửa cho hắn bước vào một căn phòng tối, kê tủ la liệt. Trong bóng tối có ai đó thở vào mặt Ostap, nhưng không nói gì cả.– Ở đây ai là ông Korobeinikov thế? – Ostap hỏi.Kẻ thở hổn kia cầm lấy tay Ostap dẫn vào phòng ăn có ánh đèn dầu treo dọi sáng. Ostap thấy trước mặt mình là một lão già loắt choắt có cái lưng mềm dẻo lạ thường. Không còn nghi ngờ gì nữa, lão già này đích là công dân Korobeinikov. Chẳng đợi mời mọc, Ostap kéo ghế và ngồi xuống.Lão già mạnh bạo nhìn vị khách quá đỗi tự nhiên, lão im lặng. Ostap lịch sự lên tiếng trước.– Tôi đến gặp bác có chút việc. Bác làm ở kho lưu trữ của sở công trình công cộng phải không ạ?Cái lưng của lão già vận động, cúi gập xuống ra hiệu: đúng thế.– Còn ngày trước bác làm ở phòng nhà đất?– Tôi làm ở khắp mọi nơi – lão già vui vẻ đáp.– Thậm chí cả văn phòng tòa thị chính thời xưa?Đồng thời Ostap mỉm cười duyên dáng. Cái lưng của lão già uốn éo hồi lâu, cuối cùng mới dừng lại ở tư thế chứng tỏ rằng việc phục vụ ở tòa thị chính là xưa quá rồi và rằng bây giờ khó mà nhớ hết mọi việc.– Cho phép tôi được biết anh cần gì chứ? – Chủ nhà thích thú nhìn khách, hỏi.– Được, tôi cho phép – khách đáp – tôi là con của Ippolit Matveevich Vorobjaninov.– Ippolit nào nhỉ? Có phải ngài đô thống không?– Đúng thế.– Ngài còn sống ư?– Mất rồi, ông Korobeinikov ạ, yên giấc rồi.– Phải, một sự kiện đáng buồn – lão già nói không có vẻ gì đáng buồn cả – nhưng hình như ngài đô thống làm gì có con?– Không có con thật – Ostap lịch thiệp đáp lời.– Anh bảo sao?...– Không sao cả. Tôi là con riêng, ngoài hôn thú.– Có phải con của bà Êlêna Bour không?– Vâng, chính thế.– Sức khỏe bà mẹ anh ra sao?– Bà bô khuất núi lâu rồi.– Chà, chà, buồn quá nhỉ!Và lão già còn nhìn Ostap hồi lâu với mấy giọt nước mắt thông cảm, mặc dù vừa mới sáng nay lão còn nhìn thấy Êlêna Bour ngoài chợ, ở dãy hàng thịt.– Rồi ai cũng chết thôi – lão nói – Dầu sao cũng xin anh cho biết, anh đến đây có việc gì, à mà tôi vẫn chưa rõ tên anh là...– Voldemar – Ostap thông báo.– Vlađimia Ippolitovich? Hay lắm. Vậy tôi nghe anh đây, anh Vlađimia Ippolitovich.Lão già ngồi xuống bên chiếc bàn phủ vải sơn và nhìn vào tận mắt Ostap.Ostap dùng những lời lẽ có lựa chọn để diễn tả nỗi buồn nhớ của mình đối với cha mẹ. Hắn rất lấy làm tiếc, rằng phải đường đột giữa lúc đêm hôm, đến thăm nhà của viên chủ nhiệm đáng kính và làm phiền ông ta. Nhưng hắn hy vọng rằng vị chủ nhiệm kho lưu trữ đáng kính sẽ tha thứ cho hắn, nếu biết tình cảm nào đã thôi thúc hắn tới đây. Đoạn hắn kết luận, với muôn vàn tình yêu của một đứa con trai:– Tôi muốn tìm được một vật gì đó trong số đồ gỗ của cha tôi để mãi mãi tường nhớ người. Thưa bác, bác có biết số đồ gỗ của cha tôi được trao cho ai không?– Phức tạp đây – lão già nghĩ một lát rồi trả lời – chỉ người nào khá giả mới đủ sức... Còn anh, xin lỗi, anh làm nghề gì?– Nghề tự do. Tôi có một lò sát sinh và một ac-ten ướp lạnh ở Xamara.Lão già ngờ vực nhìn những thành công quá sớm của gã con trai Ippolit, song lão không bác bỏ. “Một thằng hợm hĩnh”, lão nghĩ.Lúc này Ostap cũng đã quan sát xong Korobeinikov, hắn nghĩ thầm: “Lão già là một tên đốn mạt”.– Thế đó – Ostap nói.– Thế đó – vị chủ nhiệm kho lưu trữ nói – khó đấy, nhưng có thể làm được...– Cũng phải tốn kém chứ gì? – Thủ trưởng lò sát sinh nói đỡ.– Cũng chả nhiều nhặn gì...– Lợi ích sát sườn, nói như Môpatxăng. Sẽ có tiền công thích đáng.– Vậy thì anh cho tôi bảy chục rúp.– Sao nhiều thế, lúa mạch hồi này lên giá hay sao?Lão già uốn éo, không phải chuyện đùa...– Thôi được, bố già ạ. Tiền đổi lấy chứng từ. Bao giờ có thể lại nhà bác.– Anh có mang theo tiền không?Ostap lập tức vỗ đồm độp vào túi áo.– Thế thì có thể làm ngay bây giờ – Korobeinikov trịnh trọng tuyên bố.Lão châm nến và dẫn Ostap sang phòng bên cạnh. Ở đây, ngoài chiếc giường rõ ra là nơi ngủ của chủ nhà, có một chiếc bàn viết bày la liệt các sổ sách kế toán, một cái tủ văn phòng dài có nhiều ngăn. Mỗi ngăn dán một chữ cái in A, B, C... cho đến Y. Trong ngăn đựng hàng bó phiếu, chứng từ được buộc dây cẩn thận.– Ái chà chà! Cả một kho lưu trữ ngay tại nhà đây! – Ostap thốt lên thán phục.– Đủ hết, – vị chủ nhiệm kho lưu trữ khiêm tốn trả lời – Anh biết không, tôi lấy về đề phòng bất trắc... Sở công trình công cộng cần gì đến chúng đâu, còn tôi, chúng có thể giúp tôi lúc về già... Anh biết đấy, chúng ta cứ như đang sống trên núi lửa... Mọi chuyện đều có thể xảy ra... lúc ấy người ta mới quáng quàng bỏ đi tìm đồ đạc của mình. Tủ của tôi! Giường của tôi! Ghế của tôi đâu rồi? Thì ở đây chứ ở đâu nữa, thưa các vị! Ai giữ gìn, ai bảo quản hồ sơ giỏi thế? Korobeinikov chứ ai! Các vị sẽ cảm ơn lão già này và sẽ giúp đỡ... mà tôi thì chả cần nhiều – mỗi tấm phiếu xin mười đồng xu thôi, khổ chủ cũng cám ơn rối rít... Không thì cứ ra giữa đồng mà tìm gió (2). Thiếu tôi thì có thánh cũng chẳng lần ra.Ostap thán phục nhìn lão già:– Văn phòng hay thật! Cơ giới hóa toàn bộ! Bác đúng là anh hùng lao động!Vị chủ nhiệm kho lưu trữ phổng mũi, bắt đầu kể cho khách nghe mọi chi tiết của sự nghiệp mà lão ưa thích. Lão giở những tập sách kiểm kê và phân phối dày cộp. Lão nói:– Tất cả đều ở trong này. Toàn bộ thành phố Stargorot! Toàn bộ đồ gỗ! Tịch thu của ai, chia cho ai! Còn đây là cuốn sổ theo vần chữ cái, tấm gương của cuộc sống đấy! Anh muốn biết đồ đạc của ai? Của thương gia Angelôp tiền bạc như nước ư? Xin mời! Hãy xem vần A, A, AK, AM, AH, Angelôp đây rồi. Số mấy? Số 82742 đây. Bây giờ giở sổ kiểm kê ra. Trang 142, Angelôp đâu? Angelôp đây. Tịch thu đồ đạc nhà Angelôp vào ngày 18 tháng 12 năm 1918. Một đàn dương cầm “Bekher” No 97012, một cái ghế đẩu mềm mềm kèm theo đàn, hai bàn buy-rô, bốn tủ đựng quần áo (hai chiếc làm bằng gỗ hồng sắc), một tủ buýp-phê v.v... Thế chia cho ai? Thì giở sổ phân phối ra thôi. Vẫn số 82742. Tủ buýp-phê chia cho thị đội, ba cái tủ quần áo chuyển cho trường nội trú “Sơn ca”... Còn một tủ quần áo cấp cho ông trưởng ty lương thực. Thế đàn dương cầm? Đưa đến nhà dưỡng lão No2. Bây giờ nó vẫn kê ở đó.“Sao mình không thấy cây đàn “Bekher” ở đàng ấy nhỉ?” – Ostap nghĩ thầm và nhớ lại vẻ mặt bẽn lẽn của Alkhen.– Hoặc giả dụ muốn tìm đồ đạc của ông thị trưởng cũ, ngài Murin... giở vần M, sẽ thấy hết. Đã bảo cả thành phố mà. Ở đây ghi đủ cả, nào dương cầm, nào bàn, nào ghế, nào tủ, nào đi-văng, nào đèn chùm, thậm chí cả bộ đồ ăn cũng có tuốt...– Phải đúc tượng kỷ niệm cho bác mới được. Nhưng thôi, ta hãy vào việc của ta đi. Bác tìm vần V xem nào.– Có ngay – Korobeinikov sẳn sàng hưởng ứng – đây là VM, VR, Vêrisski, Vôrôbjaninôp, No2 48238. Ippolit Matveevich thân phụ của anh, cầu chúa phù hộ vong linh ông cụ, một con người hảo tâm... Đàn Piano “Bekher” No 54809, lọ cổ của Tàu có nhãn hiệu – 4 cái, thảm trải Obuysson – 8 tấm, thảm treo – 2 tấm, thảm Tekin – 2 tấm, thảm Horosan – 1 tấm, gấu nhồi – 1 con, giường – 12 chiếc, bộ bàn ăn đủ cho sáu người, bàn ghế tiếp khách đủ cho 14 người, làm bằng gỗ hồ đào, theo kiểu Hambx...– Chia cho ai? – Ostap nóng ruột hỏi.– Có ngay. Gấu nhồi đưa cho đồn công an quận 2. Một tấm thảm treo đề tên “Chàng chăn cừu” – chuyển cho bảo tàng mỹ thuật, tấm thảm treo đề tên “Nàng chăn cừu” – phát cho câu lạc bộ đường thủy. Các tấm thảm còn lại chuyển lên bộ dân ủy ngoại thương. Giường ngủ chia cho hội thợ săn, bộ bàn ăn phát cho công ty chè Stargorot. Bộ bàn ghế tiếp khách thì phân phối lẻ. Chiếc bàn ghế tròn và một chiếc ghế cho nhà dưỡng lão No2, đi-văng chân cong – phòng nhà đất (hiện vẫn kê ở tiền sảnh, lớp da bị bọn khốn lột mất rồi), một chiếc ghế cho đồng chí Gritsasuep là thương binh trong cuộc chiến tranh đế quốc, phát theo đơn xin của đồng chí ấy, có chữ ký duyệt của trưởng phòng nhà đất là đồng chí Burkin. Mười cái ghế chuyển lên Mátxcơva, vào bảo tàng nghệ thuật đồ gỗ theo thư thông tri của Bộ dân ủy giáo dục... Mấy chiếc lọ cổ của Tàu thì...– Xin khen ngợi bác – Ostap hoan hỉ – Hợp ý tôi lắm. Bây giờ được xem chứng từ thì tốt.– Có ngay, có chứng từ đây. Số No 48238, chữ V.Vị chủ nhiệm đi lại bên chiếc tủ, kiễng chân lấy bó phiếu cần lấy.– Đây, toàn bộ đồ gỗ của thân phụ anh ở trong này. Anh muốn có đủ mọi chứng từ à?– Tôi lấy tất cả làm gì... Để kỷ niệm thời thơ ấu... chỉ cần bộ bàn ghế tiếp khách thôi... Tôi nhớ hồi bé tôi thường chơi đùa ở phòng khách, chạy trên tấm thảm Horosan, ngắm tấm thảm treo “Nàng chăn cừu”... Thời thơ ấu hoàng kim mới tuyệt làm sao... Vậy là ta chỉ giới hạn ở đồ gỗ tiếp khách thôi, bố già ạ!Vị chủ nhiệm bắt đầu trịnh trọng giở bó phiếu màu xanh, lấy ra các chứng từ cần thiết. Năm phiếu cả thảy. Một tờ ghi 10 chiếc ghế, hai tờ ghi mỗi cái một chiếc ghế, một tờ ghi cái bàn tròn và một tờ ghi tấm thảm treo “Nàng chăn cừu”.– Anh có xem lại không? Tất cả đều đầy đủ. Cái nào, ở đâu, rất rõ ràng. Bên dưới ghi rõ địa chỉ và có chữ ký người nhận. Nghĩa là không ai chối cãi được. À, mà anh có muốn tìm bộ bàn ghế của bà tướng Pôpôva không? Tuyệt lắm nhá. Cũng làm theo kiểu Hambx.Nhưng Ostap chỉ yêu quý cha mẹ mình thôi, hắn chộp lấy năm tờ phiếu, nhét vào tận đáy túi áo trong và từ chối việc tìm kiếm bộ bàn ghế của bà tướng Pôpôva.– Tôi có cần viết giấy biên nhận tiền cho anh không? – Vị chủ nhiệm kho lưu trữ uốn thẳng lưng hỏi.– Có chứ bác – Ostap lịch sự đáp – Xin bác viết thật rõ cho. Nhất trí!Họ trở lại phòng thứ nhất. Korobeinikov nắn nót viết giấy biên nhận tiền và mỉm cười trao cho khách. Vị giám đốc kỹ thuật cung kính giơ hai ngón tay phải nhận tờ giấy và cất nó vào đúng chiếc túi đang đựng năm tấm phiếu quý giá!– Thôi, tạm biệt – Ostap nheo nheo mắt – Hình như tôi đã làm phiền bác hơi lâu. Không dám quấy quả thêm. Nào, xin bắt tay người nguyên đổng lý văn phòng.Vị chủ nhiệm kho lưu trữ sửng sốt, uể oải bắt bàn tay của khách.– Tạm biệt – Ostap nhắc lại và đi ra cửa. Korobeinikov chả hiểu gì nữa. Lão thậm chí ngó xuống bàn xem ông khách có đặt tiền ở đó không, nhưng làm gì có xu nào. Lúc ấy, lão mới hỏi khẽ:– Thế còn tiền?– Tiền gì cơ? – Ostap vừa hỏi vừa mở cửa – Hình như bác vừa hỏi món tiền gì thì phải?– Chứ sao! Tiền công tìm đồ gỗ! Tiền đổi phiếu!– Bác ơi, xin thề trước vong linh thân phụ quá cố của tôi, vì mừng quá, tôi đã quên rút tiền ở ngân hàng.Lão già giật thót người, giơ vội bàn tay khẳng khiu của mình ra đàng trước, định giữ khách lại.– Khẽ chứ, đồ ngốc – Ostap hăm dọa – Người ta đã nói tiếng Nga với lão, rằng sáng mai trả là sáng mai trả. Thôi, tạm biệt! Nhớ viết thư cho mình nhé...Cửa đóng sập ngay lại. Korobeinikov vội mở cửa và chạy ra đường, nhưng Ostap đã mất hút. Hắn rảo bước qua cầu. Một cái đầu máy xe lửa chạy ngang qua rọi ánh lửa vào người hắn và xì ra một đám khói.– Băng đã trôi rồi! – Ostap thét to với người thợ lái đầu máy. Băng đã trôi rồi, thưa các ngài bồi thẩm chí tôn chí kính!Người thợ lái đầu máy không nghe rõ, chỉ vẫy vẫy tay và tăng ga mạnh hơn cho chiếc đầu máy vọt đi.Korobeinikov đứng thêm hai phút ngoài gió lạnh, chửi mấy câu thậm tệ rồi quay vào nhà. Một nỗi cay đắng ghê gớm trào lên. Lão đứng sững giữa phòng và giận dữ đá liền mấy cái vào chiếc bàn. Cái gạt tàn thuốc lá hình chiếc giày có dòng chữ đỏ “tam giác” nẩy lên cành cạch còn chiếc ly thì cụng mấy lần vào chiếc bình đựng nước.Chưa bao giờ Varfôlômei Korobeinikov bị lừa đau đớn như thế. Lão có thể lừa ai cũng được, đàng này lão lại bị mắc bẫy, một cái bẫy đơn giản đến cùng cực. Thành thử lão cứ đứng đực người ra bên chiếc bàn ăn mà hậm hực.Ở khu vực Gusisa này người ta chỉ đến gặp lão trong trường hợp vạn bất đắc dĩ. Lão cầm đồ và cho vay tiền với tỉ lệ lãi cắt cổ. Lão làm việc ấy đã mấy năm nay và chưa hề thua thiệt lần nào vậy mà tối nay lão mất trắng một dịch vụ hứa hẹn bao lời lãi cho tuổi già sau này của lão.– Hắn đùa ư?! – Lão hét to khi nhớ lại năm tờ phiếu mất trắng – bây giờ thì phải xì tiền trước đã. Tự tay mình đem dâng bộ bàn ghế tiếp khách có ngu không chứ! Riêng tấm thảm treo “Nàng chăn cừu” đã vô giá rồi! Dệt bằng tay kia mà...Cái dây chuông “Hãy giật chuông” đã bị một bàn tay rụt rè của ai đó lắc lắc từ lâu, và Korobeinikov chưa kịp nhớ ra là cửa vẫn bỏ ngỏ, thì phòng ngoài vang lên một tiếng “Rầm” và có tiếng người gọi lẫn trong dãy tủ kê la liệt:– Vào lối nào đây ạ?Korobeinikov bước ra, kéo chiếc áo bành tô của ai đó (trong tối chỉ sờ thấy nham nháp) dẫn vào phòng ăn: thì ra là cha Fêđor,– Xin bác thứ lỗi – cha Fêđor nói.Sau mười phút đôi bên chủ khách trao đổi qua lại những câu nói nửa chừng và khôn khéo, mới rõ được rằng quả thực công dân Korobeinikov đang có những tài liệu nhất định về món đồ gỗ của Ippolit Matveevich Vorobjaninov, còn cha Fêđor thì sẵn sàng trả tiền mua các tài liệu ấy. Ngoài ra, vị chủ nhiệm kho lưu trữ rất chi hài lòng về chuyện khách chính là em ruột của ngài đô thống xưa kia và ấp ủ nguyện vọng tha thiết được lưu giữ kỷ niệm về ông anh bằng cách tìm kiếm bộ bàn ghế tiếp khách làm từ gỗ hồ đào. Thời niên thiếu của hai anh em Vorobjaninov quyện chặt với bộ bàn ghế ấy.Korobeinikov đòi một trăm rúp. Khách thì đánh giá kỷ niệm về ông anh trai thấp hơn nhiều, khoảng vài ba chục rúp là cùng. Họ thỏa thuận với nhau ở cái giá năm chục rúp.– Xin ông cho tiền trước – vị chủ nhiệm tuyên bố – cái tật của tôi như thế.– Tôi đưa tiền vàng, theo giá một ăn mười được chứ? – Cha Fêđor vội lần mép áo, nói.– Tôi chỉ nhận nếu tính đổi đúng giá. Một đồng vàng ăn chín rúp rưỡi. Giá chiều nay đấy.Cha Fêđor lấy ra năm đồng vàng, thêm hai đồng bạc và đưa dúm tiền ấy cho vị chủ nhiệm kho lưu trữ. Korobeinikov đếm đi đếm lại hai lần, nắm chặt trong tay, đề nghị khách chờ một lát để lão đi lấy phiếu. Trong văn phòng bí mật của mình, lão chẳng nghĩ ngợi gì lâu, giở ngay cuối vần chữ cái – tấm gương của cuộc sống, lấy vần P, nhanh chóng tìm ra số hiệu, rồi lục tìm bó phiếu của bà tướng Pôpôra. Lão rút ra một tờ phiếu phân phối có ghi chia cho đồng chí Bruns, địa chỉ: 34, phố Vinôgrat, mười hai chiếc ghế hồ đào kiểu Hambx. Ngạc nhiên về sự lãng trí rất tháo vát của mình, vị chủ nhiệm kho lưu trữ mỉm cười, đem tờ phiếu sang phòng bên cho khách.– Tất cả đều ở cùng một chỗ ư? – Người mua reo lên.– Tất, tất cả đều ở một chỗ. Bộ bàn ghế này hết ý. Không chê vào đâu được. Mà khen với ông cũng bằng thừa! Ông còn lạ gì nó!Cha Fêđor sung sướng lắc lắc bàn tay vị chủ nhiệm kho lưu trữ hồi lâu, rồi sau không biết bao nhiêu lần vấp vào dãy tủ la liệt ở phòng ngoài, cha chạy thẳng vào bóng đêm.Korobeinikov thì cứ đứng cười theo vị khách hàng đần độn. Lão đặt những đồng tiền vàng thành một dãy trên bàn và ngắm nghía chúng bằng cặp mắt ngái ngủ.“Tại sao chúng nó lại đổ đi tìm đồ gỗ nhà Ippolit Vorobjaninov nhỉ?” – lão nghĩ thầm – Thật là mấy thằng mất trí.Lão với quần áo, cầu kinh cho qua lệ, nằm xuống giường có chân chật hẹp và thiếp đi mơ màng.