Dịch giả: Lê Khánh Trường
Chương 10
ÔNG THỢ NGUỘI, CON VẸT VÀ MỤ THẦY BÓI

     hà No7 phố Pereleshin không phải là loại nhà đẹp nhất ở Stargorot. Hai tầng nhà của nó xây dựng theo kiểu đệ nhị đế chế, trang trí bằng những cái mõm sư tử đập vỡ, giống hệt bộ mặt của nhà văn Artsaybashev, ngang với số cửa sổ nhìn ra phố, các mõm sư tử ấy được đặt ở phía trên mỗi cửa sổ.
Ngôi nhà còn có hai vật trang trí nữa, nhưng chúng đã mang tính chất kinh doanh thuần túy. Một phía treo tấm biển màu xanh da trời.

HỢP TÁC XÃ

BÁNH MÌ VÒNG ODESSA

BÁNH MÌ VÒNG MÁTXCƠVA

Trên tấm biển vẽ một thanh niên đeo cà-vạt, mặc quần sooc Pháp. Một tay gã cầm cái tù và huyền thoại (1), từ đó trôi ra hàng loại bánh mì vòng Mátxcơva mà người ta vẫn đem phân phát cho kẻ nghèo khó và thay cho loại bánh mì vòng Odessa. Gã thanh niên mỉm cười dịu dàng. Phía trên kia, văn phòng bao bì “đóng gói nhanh” quảng cáo cho khách hàng kính mến biết về mình bằng một tấm biển nền đen, chữ vàng tròn trịa.
Mặc dù có sự khác nhau rõ rệt về các tấm biển quảng cáo và quy mô vốn lao động, song cả hai hợp tác xã ấy cùng làm một việc là buôn lậu tất cả các loại vải vóc: len dạ, vải bông, và nếu gặp hàng tơ, lụa màu đẹp, hoa tươi, thì họ bao luôn cả tơ lụa.
Vượt qua hai cánh cổng đen và ẩm ướt như trong tun-nen, ngoặt sang phải, bước vào sân có cái giếng xi măng, có thể nhìn thấy hai cửa ra vào không cánh, trông thẳng ra lớp đá nhọn ngoài sân. Ở cửa bên phải có một miếng đồng xỉn màu, khắc tên họ:
V.M. POLESOV
Cửa bên trái gắn một mảnh tôn trắng
MỐT THỜI TRANG VÀ MŨ
Cả hai thứ đó cũng chỉ là vẻ bề ngoài.
Trong lòng cái xưởng “Mốt thời trang và mũ”: không thấy một thứ ma-nơ-canh cụt đầu, có gù vai sĩ quan nào, cũng chẳng thấy có cái móc nào để treo những thứ mũ nón kiều diễm của các bà các cô. Thay vì các thứ trang trí phải có ấy, trong căn xưởng rộng ba phòng liền này chỉ thấy một con vẹt trắng tuyền mặc si-líp màu đỏ. Con vẹt bị lũ bọ chét đốt dữ, nhưng nó không thể hiện khiếu nại với ai, bởi lẽ nó không nói được tiếng người. Suốt ngày nọ sang ngày kia, con vẹt nhâm nhi nhúm hạt và nhổ vỏ hạt qua thanh đan lồng nhốt nó xuống tấm thảm. Nó chỉ còn thiếu mỗi cái kèn Ac-mô-ni-ca và đôi giày mới là đủ để giống hệt một tay thợ thủ công cá thể kém may mắn. Trên cửa sổ, các tấm rèm cháo lòng khẽ lay động. Trong căn hộ này, màu nâu sẫm chiếm ưu thế. Phía trên Piano treo một phiên bản bức ảnh “Đảo tử sĩ” của Bekhin, đặt trong cái khung bằng gỗ sồi màu xanh thẫm, lồng kính hẳn hoi. Một góc kính đã bay mất hồi nào, phần tranh trơ ra bị ruồi bâu nhiều đến mức trở nên hoàn toàn đồng màu với khung. Điều gì xảy ra ở góc “Đảo tử sĩ” này, chẳng ai còn có thể biết được nữa.
Trong buồng ngủ, nữ chủ nhân đang ngồi trên giường, tì khuỷu tay xuống mặt bàn hình bát giác trải một chiếc khăn nhem nhuốc, thoăn thoắt bày cỗ bài. Đối diện với chủ nhân là góa phụ Gritsasueva choàng tấm khăn len sẫm màu.
Chủ nhân nói:
– Này tiểu thư, tôi cần báo trước cho cô biết rằng, mỗi lần xem cô phải trả cho tôi ít nhất năm chục cô-pếch đấy.
Góa phụ là người bất chấp mọi trở ngại trên con đường tìm cho được tấm chồng mới, đồng ý trả công theo giá quy định.
– Có điều xin thầy nói rõ hậu vận cho, – góa phụ van nài.
– Phải bói cho cô theo con chuồn.
Góa phụ phản đối:
– Từ xưa đến giờ bao giờ em cũng là con đầm kia mà.
Nữ chủ nhân thản nhiên đồng ý và bắt đầu tráo bài. Chỉ vài phút sau, số mệnh của góa phụ đã được giải đoán. Nàng sẽ gặp những chuyện rủi ro lớn và nhỏ, nhưng trong tim nàng đang có một chú ách chuồn rất hợp với cô đầm rô.
Tiếp đến đoán chỉ tay. Chỉ tay của góa phụ Gritsasueva rõ ràng, đậm nét và không chê vào đâu được. Sinh đạo chạy dài đến cả tận mạch cổ tay, và nếu đường chỉ ấy nói đúng sự thật, thì góa phụ sẽ sống đến ngày tận thế. Trí đạo và đường nghệ thuật cho phép hy vọng rằng góa phụ sắp bỏ nghề bán kẹo bánh và chắc chắn sẽ bán cho nhân loại những kiệt tác bất hủ trong bất cứ ngành khoa học nào. Gò kim tinh của góa phụ giống như núi đồi Mãn Châu Lý và bộc lộ những trữ lượng yêu thương vô bờ bến.
Thầy bói giảng giải tất cả những điều đó cho góa phụ nghe bằng ngôn ngữ của tướng số, của thuật xem chỉ tay và của bọn lái buôn ngựa.
– Cảm ơn thầy lắm lắm – góa phụ nói – bây giờ thì em biết vua chuồn là ai rồi. Cả đầm rô cũng vậy. Thế vua chuồn và đầm rô đồng hoa chứ ạ?
– Đồng hoa đấy, thưa tiểu thư.
Góa phụ ra về lòng lâng lâng như mọc cánh. Còn thầy bói thì ném cỗ bài vào ngăn kéo, há cái miệng của người đàn bà ngũ tuần ra ngáp rồi đi vào bếp. Bà ta xử lý bữa ăn trưa được hâm lại trên bếp dầu hỏa nhãn hiệu “Grets”, lau tay vào tạp dề cho sạch thức ăn, rồi xách chiếc xô bong men nham nhở đi ra sân lấy nước.
Bà bước nặng nề ì ạch trên sân. Gò ngực nhẽo thõng xuống cứ uể oải đung đưa trong cái áo nhuộm lại. Trên đầu nổi lên một khoanh tóc bạc. Một bà già ăn ở bẩn thỉu, nhìn ai cũng thấy nghi ngờ và rất ưa ngọt. Ví thử Ippolit gặp bà lúc này thì ông không sao nhận ra đấy là Êlêna Bour, người tình cũ của ông, lớp người đã được một viên mõ tòa làm thơ ca ngợi rằng “nàng gọi những cái hôn, nàng thanh thoát như thiên thần”. Cạnh cái giếng nước, bà Bour được ông láng giềng Vikor Mikhailovich Polesov chào hỏi. Polesov là một ông thợ nguội trí thức, ông đang lấy nước vào chiếc bi-đông đựng xăng. Polesov có bộ mặt của con quỷ Opera mà người ta vẫn xoa bồ hóng thật cẩn thận trước khi thả nó ra sân khấu.
Chào hỏi xong, hai vị láng giềng bắt đầu nói về những chuyện đang khiến cả thành phố quan tâm.
Polesov giễu cợt:
– Đời thuở nhà ai hôm qua tôi chạy khắp cả thành phố mà không mua được một cái bàn ren ba tấc tám. Không có. Không có! Mà này, sắp khánh thành đường tàu điện đấy bà ạ.
Êlêna Bour hiểu về cái bàn ren ba tấc tám cũng hệt như một cô nữ sinh trường múa mang tên Leonacdo De Vinci hiểu biết về nông nghiệp (cô nàng cho rằng phó mát tươi làm từ bánh mằn thắn) song vẫn tỏ vẻ thông cảm:
– Hàng với chả quán gì bây giờ! Bây giờ chỉ có xếp hàng thôi, chứ chẳng thấy cửa hàng đâu. Ngay đến tên cửa hàng nghe cũng phát khiếp. Stargico!...
– Nhưng thế còn khá đấy, bà Êlêna ạ! Loại mô-tơ của “Công ty điện phổ dụng” mới gớm ghiếc làm sao. Nghĩa là khốn khổ! Khốn nạn! Loại mô-tơ làm ở Kharkov cũng thế nốt. Do cái công ty gì mà tên dài lằng ngòa lằng ngoằng “Công ty kim loại màu công nghiệp quốc doanh – contikilomaconghicudo” sản xuất ấy. Tôi thấy...
Ông thợ nguội ngừng lời. Bộ mặt đen nhẻm của ông bóng lên dưới ánh nắng. Lòng trắng mắt của ông màu vàng. Trong đám thợ thủ công có mô-tơ đầy rẫy ở Stargorot, Polesov là tay chậm chạp nhất và hay lâm vào tình thế khó xử nhất. Tất cả là do cái bản tính sôi sục của ông ta. Một ông vua lười sôi sục. Ông thường xuyên sủi bọt. Trong căn xưởng của chính ông nằm ở cái sân thứ hai của ngôi nhà No7 trên phố Pereleshin, không ai hòng bắt gặp được ông. Cái bể lò rèn nguội lạnh đứng trơ trọi giữa chái nhà kho bằng đá, trong góc kho vứt chỏng chơ những cái ruột xe thủng, những cái mặt vỏ xe “tam giác”, những cái chìa khóa rỉ, to đến mức có thể khóa các thành phố, – những cái can mềm đựng chất đốt có in chữ “Indian” và “Wanderer”, một cái xe nôi lò xo, một cái loa đã tịt tiếng vĩnh viễn, những cái dây thắt lưng da đã mủn, túm sợi gai tẩm dầu, tờ giấy cáo hết cát, cái lưỡi lê Áo và vô số thứ lặt vặt, linh tinh, méo mó. Khách hàng không tìm ra Polesov. Ông đang chỉ huy ở nơi nào đó. Ông không bụng dạ nào nghĩ đến công việc. Ông không thể bình thản nhìn một chiếc xe chở hàng chạy vào sân nhà mình hay sân nhà người khác. Nếu thấy, ông sẽ lập tức chạy ra sân, chắp hai tay sau đít, khinh bỉ nhìn động tác của người đánh xe, cuối cùng trái tim ông không nín được.
– Đứa nào cho xe vào đây thế? – Ông hét tướng lên – Quay ra!
Người đánh xe sợ hãi cho ngựa quay ra.
– Mày quay đi đâu thế, đồ ngựa cái – Polesov phát vào mông ngựa – ngày xưa thì mày chết với tao rồi.
Sau khi chỉ huy như thế chừng nửa giờ, Polesov đã định vào xưởng, nơi chiếc bơm xe đạp hỏng đang chờ ông, thì cuộc sống bình an của thành phố lại bị phá vỡ bởi một sự lầm lẫn nào đấy. Khi thì ở ngoài đường hai chiếc xe ngựa bị móc trục vào nhau và Polesov phải chỉ bảo cách gỡ chúng ra thế nào cho nhanh; khi thì người ta thay cột điện thoại, và Polesov phải kiểm tra độ vuông góc của nó với mặt đất bằng chính cái quả dọi của ông được lôi từ trong xưởng ra; khi thì chiếc xe cứu hỏa ngựa kéo chạy qua, và Polesov hồi hộp vì tiếng kèn và lo lắng cho đám cháy, phải chạy theo một quãng xem sao.
Thế nhưng thỉnh thoảng Polesov cũng có hành động tự phát thật sự. Ông trốn trong xưởng mấy ngày và lặng lẽ làm việc. Trẻ con tha hồ chạy nhảy hò hét ngoài sân, những chiếc xe ngựa muốn rẽ vào đây quay đầu bao nhiêu vòng tùy thích, những chiếc xe khác nói chung ngừng móc trục vào nhau, và xe cứu hỏa lăn bánh cô đơn ngoài đường – Polesov đang bận làm việc. Một hôm, sau đợt làm việc liên tục như vậy, Polesov dắt ra sân – như thể đang nắm sừng dắt cừu – một chiếc xe mô tô lắp từ các mẩu mảnh ô tô, bình cứu hỏa, xe đạp và máy chữ. Động cơ một mã lực rưỡi vốn của hãng “Wanderer” bánh xe của hãng “Davidson”, còn các bộ phận quan trọng khác thì đã mất nhãn từ lâu. Từ trên yên xe, một sợi dây treo lòng thòng mảnh các-tông đề chữ “chạy thử”. Người xem đông dần. Polesov thượng lên yên xe và chiếc xe lao vọt như điên, đưa ông bay qua cánh cổng, ra đến giữa đường thì sững lại đột ngột như bị ăn đạn. Polesov đang định xuống xe kiểm tra cái máy bí hiểm của mình, thì bỗng dưng nó chạy giật lùi, đưa nhà sáng chế trở về đúng vị trí xuất phát, gầm gầm gừ gừ, đoạn rú lên mấy tiếng thất thanh và nổ tung. Polesov lành lặn như nhờ có phép màu. Ông thu nhặt các mẩu mảnh và trong kỳ mải mê làm việc đó, ông tạo ra một cái động cơ tĩnh tại trông hệt như động cơ chính cống, chỉ tội không chạy được.
Đỉnh cao hoạt động khoa học của ông thợ nguội – trí thức là thiên sử thi liên quan đến cái cổng sắt của nhà No5 bên cạnh. Ban quản trị ngôi nhà ấy có ký với Polesov một hợp đồng, theo đó Polesov có nghĩa vụ sửa chữa nghiêm chỉnh hai cánh cổng sắt của họ và sơn cho nó một cái màu kinh tế nào đó tùy ý. Còn bên kia là ban quản trị thì có nghĩa vụ là lập tổ nghiệm thu và khi nhận bàn giao phải trả cho V.M Polesov hai mươi mốt rúp bảy mươi lăm cô-pếch. Tiền mua tem thuế trừ vào bên sửa chữa.
Polesov dùng đến sức lực của Samson mới đưa được hai cánh cổng về xưởng và ông hăng hái bắt tay vào việc. Riêng khoản tháo rời từng bộ phận đã tốn mất hai ngày. Các chiếc móc bằng gang được để vào chiếc xe nôi, mấy tấm sắt và thanh nhọn thì để dưới bàn thợ. Thêm mấy ngày nữa để nghiên cứu những chỗ hỏng hóc. Sau đó trong thành phố xảy ra một sự cố trầm trọng: một khúc đường ống dẫn nước chính bị vỡ. Thành thử mấy ngày còn lại trong tuần Polesov phải đến đứng cạnh nơi xảy ra sự cố, mỉm cười giễu cợt, quát lác các công nhân sửa chữa và chốc chốc lại ngó vào ống vỡ.
Khi nhiệt tình tổ chức của Polesov lắng xuống đôi chút, ông lại tiếp tục xem xét cái cổng sắt, nhưng đã muộn: lũ trẻ đã lôi những cái móc bằng gang và những thanh sắt nhọn đi chơi. Trông thấy vẻ mặt hung hãn của ông thợ nguội, lũ trẻ sợ hãi vứt bỏ các thứ ấy và lủi mất sạch. Thiếu hẳn một nửa số móc và không tìm đâu ra nữa. Sau đó, Polesov hoàn toàn lạnh nhạt với cái cổng sắt.
Trong khi ấy ở ngôi nhà No5 thông thống vì không có cổng, xảy ra những sự kiện khủng khiếp. Quần áo ướt phơi trên gác bị mất cắp và một buổi tối thậm chí kẻ cắp dám nẫng đi ngay cả một cái ấm samova đang sôi sùng sục ở ngoài sân. Polesov đích thân tham gia. Tên trộm, mặc dù hai tay hắn giơ thẳng ra phía trước, bưng cái ấm đang sôi sùng sục và đỏ lửa, vẫn chạy rất tỉnh và còn quay lại nói những lời thiếu sạch sẽ với người dẫn đầu đoàn đuổi bắt phía sau là Polesov. Nhưng đau nhất là tay lao công nhà No5. Cha này bị mất hẳn khoản tiền kiếm được hằng đêm: không có cổng, chả còn gì để mở, và những kẻ đi chơi khuya về chẳng biết cho tiền vì lý do gì nữa. Ban đầu me-xừ lao công sang hỏi Polesov xem sắp chữa cổng xong chưa, rồi cầu chúa Ki-tô phù hộ và cuối cùng phải lên tiếng đe dọa. Ban quản trị bèn gửi cho Polesov một bức thư nhắc nhở. Chuyện có vẻ ra tòa đến nơi. Tình hình ngày một thêm căng thẳng.
Bên giếng nước, mụ thầy bói và ông thợ nguội – trí thức vẫn đang tiếp tục trò chuyện. Polesov nói oang oang:
– Nếu không có những thanh tà-vẹt ngâm tẩm thì chẳng còn là tàu điện, mà chỉ là bể khổ thôi!
– Đến bao giờ mới hết cái cảnh này không biết. Chúng ta sống như bọn mọi rợ! – bà Êlêna Bour nói.
– Còn là lâu... À, bà biết sáng nay tôi gặp ai không? Gặp Ippolit Matveevich Vorobjaninov.
Êlêna Bour tựa người vào thành giếng ngạc nhiên, tiếp tục giữ cân cho cái gầu đầy nước.
– Tôi đến sở công trình công cộng để gia hạn hợp đồng thuê xưởng nguội. Tôi đi dọc hành lang. Bỗng có hai người tiến lại. Tôi thấy nhang nhác quen, ai như ngài Ippolit Matveevich. Họ hỏi tôi: “Bác ơi, cơ quan nào đóng ở tòa nhà này hồi trước hở bác?” Tôi bảo hồi xưa là trường trung học con gái, sau đó là phòng nhà đất. “Thế hai vị hỏi vậy làm gì?” tôi hỏi họ. Họ chỉ cám ơn rồi đi tiếp. Lúc ấy tôi nhìn rõ rằng, đích thị ngài Ippolit, dù không để râu. Ông ấy từ đâu về nào? Cái người đi chung với ông ấy trông ra dáng lắm. Chắc chắn là sĩ quan thời Sa Hoàng. Tôi liền nghĩ rằng...
Vào lúc ấy, Polesov nhận ra một hiện tượng bất thường gì đó. Ông chộp vội chiếc bi-đông của mình và lẫn ngay vào phía sau thùng rác. Me– xừ lao công nhà No5 chậm rãi bước vào sân, dừng chân bên cạnh giếng và bắt đầu ngắm bốn phía. Không thấy Polesov đâu, lão ra xịu mặt xuống.
– Bà có thấy thằng cha thợ nguội Polesov đâu không? – Lão ta liền hỏi Êlêna Bour.
– Dào ôi, tôi chẳng biết gì hết – mụ thầy bói đáp – tôi chẳng biết gì hết.
Đoạn bà vội vã quay về phòng trong tâm trạng vô cùng xúc động, làm xô nước sóng sánh cả ra ngoài.
Me-xừ lao công xoa xoa thành giếng xi măng rồi bước về phía xưởng nguội. Hai bước sau tấm biển:
LỐI VÀO
XƯỞNG NGUỘI
Lại có tấm biển thứ hai
XƯỞNG NGUỘI
VÀ SỬA CHỮA BẾP DẦU
Ngay bên dưới có một cái ổ khóa tổ bố. Me-xừ lao công đá một cú thật mạnh vào cái khóa và giận dữ nói:
– Đồ ôn dịch!
Me-xừ lao công còn đứng trước cửa xưởng ba phút nữa với những tình cảm ghê gớm nhất, đoạn lão giật mạnh tấm biển, bắt đầu chửi:
– Nhà No7 của chúng mày toàn một lũ trộm cắp! – Lão hét to – Rặt bọn lưu manh! Có bằng trung học mà vẫn khốn nạn!... Tao thì nhổ toẹt vào cái học thức của nó!... Quân ôn dịch khốn nạn!...
Trong lúc ấy quân ôn dịch khốn nạn có bằng trung học đang ngồi trên cái bi-đông nấp sau thùng rác, vẻ buồn bã.
Tiếng cửa sổ mở sầm sầm, những chủ hộ vui tính ló mặt ra cửa. Những người tò mò từ ngoài phố thong thả kéo vào. Thấy công chúng, me-xừ lao công càng hăng máu.
– Thằng cha thợ nguội khốn nạn! Đồ quý tộc chó má!
Những câu diễn văn nghị viện được me-xừ lao công pha trộn thoải mái với những từ ngữ mà cơ quan kiểm duyệt gạch xóa, song lão thì lại rất thích. Đám phụ nữ bám đen trên các cửa sổ rất giận me-xừ lao công, nhưng vẫn cứ đứng nghe.
– Đ... mẹ thằng khốn nạn! – me-xừ lao công chồm lên – trí thức cứt gì nó?
Khi xì-căng-đan tới đỉnh điểm, một chiến sĩ công an xuất hiện và lặng lẽ lôi me-xừ lao công về đồn. Mấy thanh niên ở hợp tác xã “Đóng gói nhanh” giúp vào đó một tay.
Me-xừ lao công ngoan ngoãn ôm lấy cổ anh công an và khóc sụt sùi.
Nỗi nguy hiểm đã qua.
Từ sau thùng rác, lúc ấy Polesov mới nhảy ra vì ngồi mãi cũng tê chân. Công chúng rộn lên.
– Đồ lưu manh! – Polesov hét với theo đoàn diễu hành – Đồ lưu manh! Rồi tao sẽ cho mày biết tay! Quân thối tha!
Me-xừ lao công đang cay đắng sụt sùi đâu có nghe thấy lời hăm dọa ấy. Người ta điệu lão ta về đồn, kèm theo tấm biển “Xưởng nguội và sửa chữa bếp dầu” làm tang chứng.
Polesov còn chửi bới hồi lâu.
– Quân chó má – ông ta nói, hướng về phía người xem – Ra cái vẻ ta đây! Đồ lưu manh!
– Ông Polesov ơi – từ trên cửa sổ, bà Êlêna Bour gọi – Mời ông lên tôi hỏi cái này một chút với!
Bà ta đặt trước mặt Polesov một cốc nước hoa quả và vừa đi đi lại lại trong phòng, vừa hỏi hết câu này đến câu kia.
– Thì tôi đã bảo bà rằng đích thực là ông ấy, tuy không để râu, nhưng đúng là ông ấy mà – Polesov nói to như quát theo thói quen của ông ta – tôi biết ông ta quá rõ! Ippolit, không chệch vào đâu được!
– Trời ơi, xin ông nói khẽ chứ! Ông ấy về đây làm gì nhỉ? Ông nghĩ sao?
Trên bộ mặt đen nhẻm của Polesov nở một nụ cười mỉa mai.
– Dù sao thì cũng không phải về để ký hợp đồng với bọn bonsevich.
– Ông nghĩ rằng Ippolit ở trong tình thế nguy hiểm ư?
Trữ lượng mỉa mai mà Polesov tích lũy trong mười năm sau cách mạng quả là vô tận. Ông ta cho nở ra hàng loạt nụ cười có sức mỉa mai và hoài nghi khác nhau.
– Ai sống ở nước Nga Xô viết mà chẳng gặp nguy hiểm, nói chi đến một người vốn có địa vị như Ippolit Matveevich kia chứ? Không phải bỗng dưng người ta cạo sạch râu ria đi đâu, bà Êlêna Bour ạ.
– Ông ấy được phái từ ngoại quốc về à? – bà Êlêna Bour nói, suýt nữa bị nghẹn thở.
– Lẽ cố nhiên – ông thợ nguội thiên tài trả lời.
– Ông ấy về đây làm gì nhỉ?
– Bà chớ giả bộ ngây thơ nữa.
– Gì thì gì tôi cũng phải gặp ông ấy.
– Bà có biết nguy hiểm đến thế nào không?
– Mặc kệ! Sau mười năm xa cách, tôi không thể không gặp lại Ippolit Matveevich.
Quả thực bà ta cứ tưởng số phận đã chia cắt họ đúng vào lúc hai người yêu đang yêu nhau.
– Tôi van ông, ông hãy đi tìm ông ấy cho tôi! Ông hãy cố lần ra chỗ ông ấy ở! Ông hãy có mặt ở khắp nơi! Ông làm việc đó dễ thôi! Ông hãy bảo Ippolit rằng tôi mong gặp ông ấy lắm lắm! Ông nghe rõ chứ?
Con vẹt mặc si-líp đỏ đang ngủ gà ngủ gật trong lồng, chợt giật mình sợ hãi tiếng người nói to. Nó lộn đầu xuống dưới và lặng đi trong tư thế đó.
Lão thợ nguội ngập ngừng đứng dậy, hai tay áp ngực nói: “Bà Êlêna Bour, tôi sẽ tìm ông ấy và sẽ bắt liên lạc”.
– Có lẽ ông muốn ăn mứt hoa quả đấy nhỉ? – mụ thầy bói xúc động hỏi.
Polesov ăn hết đĩa mứt, giảng giải tỉ mỉ về kiểu cấu tạo dốt nát của chiếc lồng vẹt rồi chia tay với Êlêna Bour sau khi dặn bà ta giữ kín tất cả mọi chuyện vừa rồi.

 

Chú thích:
(1) Kiểu như cái nồi thạch sanh trong truyện cổ tích Việt Nam.