irgil Gheorghiu sinh ngày 15 tháng 9 năm 1916 tại Rabileni, Rumani. Học xong triết học và thần học tại các trường đại học Bucarest và Heildelberg, ông làm báo rồi làm Bí thư Sứ quán Bộ Ngoại giao. Sau khi Rumani thiết lập chế độ mới, ông không tán thành, bèn sang cư trú tại Pháp năm 1948. Cuốn tiểu thuyết GIỜ THỨ HAI MƯƠI LĂM (1949) làm cho tiếng tăm ông lừng lẫy trong thế giới phương Tây. Ba năm sau, ông xuất bản cuốn CƠ MAY THỨ HAI, cũng rất được hoan nghênh. Nhưng cũng trong lúc này, người ta phát hiện ra một phóng sự của ông viết trong thời gian còn chiến tranh, “Đôi bờ sông Dniestr bừng cháy” ca ngợi người lính nazi đã giúp quân Rumani chiếm lại Bessarabie [1] và phỉ báng người Do Thái, khiến cho ông bị dư luận công kích dữ dội. Ông viết một cuốn tiểu thuyết mới để thanh minh rồi sang Achentina, một thời gian ngắn lại trở về Pháp. Tinh thần bi quan của ông trước tính chất “phi nhân tính hóa” của nền văn minh phương Tây hiện đại không giảm sút đi chút nào trong những tác phẩm về sau của ông, như “Những kẻ ăn mày phép lạ”... Ngày 23 tháng 5 năm 1963, ông chịu chức linh mục và năm 1971 chịu chức Giáo Chủ Nhà Thờ Chính Thống Rumani tại Paris. Ông mất tại Paris ngày 22 tháng 6 năm 1993. * * * * * Sự nghiệp văn học của Virgil Gheorghiu có tính chất khá phức tạp. Có ý kiến cho rằng ở ông, có hai con người mâu thuẫn trong Gheorghiu: tác giả của thiên phóng sự “Đôi bờ sông Dniestr bừng cháy” và cuốn tiểu thuyết “Giờ thứ hai mươi lăm”. Năm 1954, Gheorghiu lại xuất bản một cuốn sách lấy tên là “Người đi du lịch một mình”, một cuốn tiểu thuyết có tính chất tự truyện mà các nhà phê bình tuyên bố “không tài nào phân biệt nổi đây là sự thực và đâu là hư cấu”. Năm 1981, một cuốn sách khác ra đời, một cuộc “Đối thoại chuyên nhất về mình”, bị báo Le Monde phê phán: “Con người tự xưng là nhà thơ của Chúa Christo và của Rumani lần này lên tiếng tố cáo những đồng bào di tản của mình, những người bảo vệ nhân quyền, những trí thức ly khai, là mật vụ của K. G. B”. (Edgar Reitchman: Le Monde 26/6/86) Năm 1986, ông xuất bản một cuốn tập Hồi ký: “Chứng nhân của Giờ thứ hai mươi lăm” (Plon, 1986) là “tác phẩm chủ yếu của tôi” - Ông nói - “mà dựa theo đó người đời sẽ phán xét tôi trong tương lai và Chúa sẽ xử phạt tôi trong ngày phán xét cuối cùng”. Ngoài ra, Gheorghiu còn viết trên hai chục cuốn sách nữa, hầu hết thuộc lại tình báo bình thường, không có gì xuất sắc cho lắm. Nói rằng trong Virgil Gheorghiu có hai con người mâu thuẫn nhau, có lẽ không đúng, nhưng ai cũng thừa nhận rằng đó là một tâm hồn rất đa dạng và khá phức tạp. Tuy nhiên, xét từng mặt thì ta vẫn thấy được có một điểm nhất quán trong con người đa dạng và phức tạp đó. Trước hết, Virgil Gheorghiu là con người rất nhạy cảm trước mọi thời cuộc. Mỗi một sự kiện lớn trong lịch sử đều gây cho ông một phản ứng tức khắc, gần như một phản ứng bản năng. Là một thanh niên trí thức, yêu nước, ông đã buồn đau, bất bình thấy một vùng đất của Rumani bị sát nhập vào nước Nga mấy lần trong mấy mươi năm, từ năm 1878 đến năm 1920, rồi từ năm 1940 lại nhập vào Liên Xô (cũ). Năm 1941, quân đội Rumani, sát cánh cùng quân Đức Quốc xã chiếm lại được Bessarabie; Gheorghiu phấn khởi viết bài phóng sự “Đôi bờ sông Dniestr bừng cháy” (không dịch ra tiếng Pháp nên chẳng mấy ai biết đến). Sau này, khi Đức Quốc xã thất bại bị tiêu diệt rồi bị Tòa án quốc tế xử án là tội phạm chiến tranh, người ta mới phát hiện ra thiên phóng sự đó và dư luận đã công kích tác giả của nó một cách dữ dội. Thực ra đó là dư luận của những người không phải là người Rumani của những năm 1952-1953 phê phán một nhà văn Rumani vì quá vui mừng trước việc chiếm lại được một vùng đất nước lâu nay bị sát nhập vào nước ngoài, mà ca ngợi người lính Hitler đã kề vai sát cánh với người lính Rumani làm nên thành tích đó, thì cũng là điều dễ hiểu và hợp với cái lôgic thông thường mà thôi. Hơn nữa, đó là sự việc mười hai năm về trước, khi Gheorghiu chưa đủ sáng suốt để nhận chân về tính chất của quân đội Hitler. Nhưng khi cuộc chiến tranh tiến tới giai đoạn quyết liệt, khi tội ác diệt chủng của đội quân Quốc xã đã phơi bày lồ lộ ra, thì lòng căm thù tội ác cùng với lòng nhân ái và ý thức bảo vệ quyền người của Gheorghiu đã dậy lên mãnh liệt và kết tinh ở cuốn tiểu thuyết GIỜ THỨ HAI MƯƠI LĂM, một cuốn tiểu thuyết dữ dội, sáng bừng, trong đó những nhân vật tuyệt vời bi tráng bị nghiến nát bởi những ảo tưởng đẫm máu của lịch sử hiện đại, với lời văn xúc động, hấp dẫn đến kỳ diệu, khiến người ta đã cầm lấy cuốn sách là phải đọc liền một mạch không ngừng cho đến hết. Ba năm sau, năm 1952, cuốn tiểu thuyết CƠ MAY THỨ HAI ra đời. Chủ đề vẫn là cuộc đại chiến thứ hai, nhưng ở vào giai đoạn ác liệt nhất, giai đoạn điểm đỉnh chuẩn bị kết thúc. Một bức tranh toàn cảnh châu Âu với những cảnh tàn phá khủng khiếp, những nhà giam, những trại tập trung, những cái chết chóc, phân tán, chia ly, những nghi kỵ, âm mưu, những sự thủ tiêu, những sự phản bội... Đặc biệt nổi bật lên ở cuốn tiểu thuyết này là cái cảnh tầng tầng lớp lớp những người dân các nước có chiến tranh đi qua, phần lớn là những trí thức, bỏ cửa nhà, làng mạc quê hương ra đi, đi rất xa, sang những nước ở bên kia Đại Tây Dương: một cuộc di tản ở quy mô có lẽ lớn nhất trong lịch sử. Lúc này, Đồng Minh là kẻ chiến thắng, tất nhiên có những tổ chức cho phong trào; nhưng chu đáo và kịp thời sao nổi cho hàng triệu người thuộc nhiều thành phần, nhiều nước, cùng muốn được ra đi cùng một lúc? Ở đây, tác giả lại có dịp để tố cáo cái văn minh phi nhân tính hóa của phương Tây, cái “văn minh kỹ thuật” đo phẩm giá con người bằng chiều cao tính bằng centimét (!) và bằng mức dày hay thưa của hàm răng làm tiêu chuẩn tuyệt đối để chấp nhận hay không chấp nhận nhập cư, và làm những công việc lao động bình thường vụn vặt nhất (!). Và cái hình ảnh cuối cùng của cuốn sách đọng lại trong sâu thẳm của nhận thức con tim của mọi người, là cái chết của ba nhân vật Kostaky, Pillat và Magdalena. Kostaky di tản sang Canada. Ông xin được việc làm; nhưng điều kiện làm việc quá khắc nghiệt, hủy hoại hết cả khả năng sức lực của ông; ông phải tìm cách rời bỏ Canada tìm một nơi nương thân khác. Nhưng luật lệ của người chiến thắng lúc bây giờ là thế này: Canada là một nước dân chủ, rời bỏ Canada mà đi tức là chống lại chế độ dân chủ, có nghĩa là thù địch với phe Đồng Minh, là người của “bên kia” (sự đồng minh giữa Tây và Đông hình thành trong chiến tranh bắt đầu “hết tác dụng” sau ngày chiến thắng; “bên kia” tức là Đông Âu dưới ảnh hưởng trực tiếp của Liên Xô (cũ). Kostaky lại phải vượt bao gian nguy, lẩn trốn, đi qua địa phận các nước thuộc khu ảnh hưởng của Mỹ và Đồng Minh phương Tây, về đến được Rumani lúc này đang bị quân đội Liên Xô (cũ) chiếm đóng, nhân dân sợ hãi, bỏ làng xóm trốn lên rừng, lên núi cao. Kostaky nhập vào những người dân quê trốn tránh này, và trở thành như vị thủ lĩnh của họ. Người ta gọi vị Thủ Lĩnh vô danh đó là “Người Nông dân” hoặc là “Tướng cướp tay không”, bởi ông có vũ khí gì đâu; những người dân lành kia cũng đều tay không. Cái vũ khí duy nhất của Kostaky là một cây sáo và điệu hát Doina của vùng quê hương. Cảnh sát Liên Xô (cũ) mở bao nhiêu cuộc tấn công truy quét những con người không ở lại làng ấy; không thành, phải rút lui nhường chỗ cho đạo quân càn quét hiện đại của “Chính phủ Toàn cầu”. Kostaky chết trong cuộc càn quét đại quy mô đó, mình mặc chiếc áo khoác Canada, đầu đội chiếc calô Mỹ, mặc quần Anh, và đi đôi giày xăng-đan Đức, hai tay còn ôm chặt chiếc sáo Rumani, chiếc sáo hiền lành chỉ cất lên điệu Doina dịu ngọt mà phải huy động đến hàng ngàn người, với hàng chục xe tăng, đại bác, trực thăng đổ bộ xuống từ trên đỉnh núi cao, mới dập tắt nổi! Cái chết thứ hai là cái chết của Pierre Pillat và Magdalena. Pierre Pillat, một trí thức Rumani, từng là thẩm phán quân sự trải qua nhiều biến cố, cũng đã di tản ra nước ngoài, rồi cũng đã phải tìm đường trở lại quê hương sau khi đã mất người yêu, mất con, mất vợ, vượt được biên giới trở về Rumani giữa lúc người dân làng Piatra của ông lên núi trốn tránh và bị truy đuổi giết chóc. Ông gặp Magdalena, cô gái nông thôn mười bảy tuổi ngây thơ, trong trắng, lòng đầy tình thương yêu và sợ hãi, “cái đẹp duy nhất còn lại” trong hoàn cảnh tàn phá đau thương này. Magdalena kể chuyện “Người Nông dân” với Pillat. Ngay giữa lúc đó, cuộc càn quét đại quy mô của đội quân “Chính phủ Toàn cầu” đang diễn ra quyết liệt, hai người tìm thấy xác của “Người Nông dân” nằm giữa thảm cỏ đầy hoa, mắt ngửa nhìn lên Trời, cây sáo trên ngực và mặt đầy bụi máu. Pillat sụp quỳ trước thi thể bình yên của ông già... “Chính Người, Ion Kostaky, cha của tôi, cha của Marie!”. Đây là cuộc gặp gỡ cuối cùng của bố vợ và con rể. Hai người chôn cất cho Kostaky - dưới con mắt Pillat và của Gheorghiu, là cái “biểu tượng cụ thể nhất của nước Rumani bị đóng đinh trên cây Thánh giá” - Pillat tự hỏi: “Vì sao những tổ chức kia lại chung sức xâu xé những con người một cách quyết liệt như vậy? Hãy nói nghe! Kostaky cũng chỉ là một Con Người, một Con Người, một Con Người! Thếthôi! Cớ sao người ta lại giết ông?” Một chiếc trục thăng phát hiện ra Magdalena và Pillat. Họ ẩn nấp trong một bụi rậm. Cạnh họ, là xác của một vị tu sĩ công giáo, cũng đã trốn đi vì không muốn chịu sự sai khiến của những đấng bề trên mới. Lại những chiếc trực thăng, và những tốp máy bay mới; lại những cuộc đổ bộ mới, từ trên đỉnh cao. Pillat đang giảng nghĩa một câu nói của Luther cho Magdalena: “Dù ngày mai đã là ngày tận thế thì hôm nay ta vẫn cứ trồng những cây táo như thường” thì một loạt đạn liên thanh đã khép lại làn môi của Pillat đang nói và đôi tai của cô Magdalena xinh đẹp đang nghe. Bên trên, chiếc trực thăng vẫn bình tĩnh báo tin thời tiết cho đội quân của “Chính phủ Toàn cầu”; tiếng nói vang lên, dội đến tận cùng các thung lũng: “Thời tiết vẫn đẹp! Thời tiết vẫn đẹp!” Phức tạp mà nhất quán, đó là nét đặc thù của con người và sự nghiệp văn học của Virgil Gheorghiu. Nhất quán trong tình cảm yêu thương và đấu tranh bảo vệ quyền sống tự do và hạnh phúc của con người, chống lại bất cứ một hình thức nào xúc phạm đến cái quyền thiêng liêng đó; nhất quán trong tinh thần yêu nước và gắn bó với quê hương “Rumani của người Rumani”, chống lại bất cứ những ai đặt nền thống trị mới lên đất người Rumani ngàn đời của họ; nhất quán trong tinh thần nhẫn nhục, chịu đựng số phận, tiếp tục vượt mọi gian nguy để giữ lấy một chút tối thiểu quyền con người và được trở lại trên Tổ quốc thân yêu thật sự “của mình”. Đó là những tư tưởng lớn và đẹp. Nhưng mà thấm đượm một ý nghĩa bi quan sâu sắc. Kostaky chỉ là một con người bình thường, khác chăng là ông có một giọng sáo mê hồn một khi ông cất lên điệu dân ca Doina. Nhưng rồi mỗi nước, hòa hợp lại trong đạo quân hùng hậu của “Chính phủ Toàn cầu” của các nước Đồng Minh chiến thắng, giết ông, xác nằm đó, mắt ngước lên trời, tìm kiếm người “đồng minh” thủy chung duy nhất của ông, đó là Chúa. Trong hoàn cảnh ấy, bảo nhà văn đừng bi quan sao được! Virgil Gheorghiu cũng chỉ là một Con Người, và con người ấy luôn mang trong mình tâm trạng và mặc cảm của một kẻ “vong quốc nô”. Xin đừng nhắc nhở mãi làm chi những dòng văn lạc hướng của chàng nhà báo quá say sưa trước sự “trở về” của một vùng đất quê hương mà vội vã viết ra. Xin đừng chú ý làm chi những tác phẩm tầm thường khi ngòi bút của nhà văn không còn gặp được những đề tài xé ruột mà bản thân ông là một chứng nhân hay một người trong cuộc nữa. Chỉ nhớ rằng Virgil Gheorghiu là tác giả của GIỜ THỨ HAI MƯƠI LĂM và của CƠ MAY THỨ HAI. Thế đủ rồi! Cảm ơn Nhà Văn đã bóc trần cho chúng ta biết thế nào là cái quy luật khắc nghiệt và là những rùng rợn của Chiến Tranh, thế nào là cái số phận thê thảm của Con Người một khi Hòa Bình không được bảo vệ trên thế giới, Nhân ái không còn cháy lên trong con tim của mỗi Con Người và Hữu Nghị không được duy trì giữa các dân tộc! TP. Hồ Chí Minh, Mùa xuân 1996 HOÀNG HỮU ĐẢN Tặng Nữ độc giả Pháp đầu tiên đọc cuốn GIỜ THỨ HAI MƯƠI LĂM - Bà Maurice BOURDEL “CON NGƯỜI” nguyên được tạo ra như một Cá nhân duy nhất, để thiên hạ biết rằng bất cứ ai hủy diệt đi một mạng người, Kinh Thánh coi như kẻ đó đã hủy diệt toàn nhân loại. Và bất cứ ai cứu được một mạng người, Kinh Thánh coi như đã cứu được cả Loài Người. (Talmud - Sanhédrin - 4.5) [2] Chú thích: 1] Bessarabie: Vùng Đông Âu nằm giữa sông Dniestr và sông Prut, trước kia là của Rumani, sau chiến tranh thì sá[t nhập vào Ukraina và Moldavia. [2] TALMUD - tức Pháp điển Do Thái - cuốn sách tập hợp lại những tập tục cổ truyền của dân tộc Do Thái, giảng giải về Luật lệ Moise. Sanhédrin là Hội đồng lãnh đạo của Do Thái. Chữ Sanhédrin ở đây chỉ một chương trong cuốn TALMUD.