nh đèn héo hắt soi lên gương mặt già nua của vị sư già. Gương mặt hiền từ của bậc hiền giả, thấu hiểu được diệu đế nhân sinh. Đã từ lâu ba vị thần tăng trong Giác Ngạn Thiền Lâm đã lánh xa chuyện võ lâm, lui về thiền tu tại khu rừng trúc thanh vắng. Vui với cuộc sống thanh tịnh, các vị ít khi tiếp khách của giới võ lâm. Hôm nay, cuộc sống ba người bị khuấy động bởi một chàng trai lạ, từ xa đến. Cuộc sống bình lặng phút chốc bị phá vỡ, cuốn vào lịch sử thăng trầm của võ lâm châu thổ. Chàng trai ngồi trước mặt Giác Tham đại sư có gương mặt trung hậu, mình mặc áo chẽn xanh. Trước mặt hắn đặt một thanh cổ kiếm màu đen nhánh. Người có kinh nghiệm giang hồ, thoạt trông vào thanh kiếm đã biết đó là một bảo vật. Nhìn thanh kiếm, đại sư chợt nhớ lại lịch sử của nó. Hơn năm mươi năm về trước, một kiếm khách đã từng nổi tiếng cùng thanh kiếm. Với mười tám thế kiếm mà người giang hồ thường gọi là Thanh Bình kiếm pháp, đã oai trấn giang bắc. Trận chiến ở Long giang, nhất kiếm đả tam hung. Ba cao thủ của miền quan ngoại với ngoại hiệu Tam Hung Ác Sát, từng liên thủ đánh bại nhiều danh thủ vùng hạ lưu Tân Độ. Ba tên đại ác này thường lạm sát người vô tội, cưỡng bức kẻ cô sức yếu, hãm hiếp đàn bà phụ nữ, làm nhiều việc trời đất không dung. Lúc bấy giờ ở phía bắc Long giang có một cao thủ tên gọi là Lý Hồng Quân, kiếm pháp cực kỳ cao minh, thấy việc bất bình liền tìm đến khiêu chiến. Trận chiến diễn ra trên trên một vùng đầm lầy gọi là Dạ Trạch. Với kiếm pháp cao cường, thuật di hình siêu việt, Lý Hồng Quân với thanh Hắc Phong kiếm đã tiễn ba tên đại ác về thế giới A tì. Nhìn vị cao tăng đang thả mình trong những hồi tưởng, hồi lâu chàng thanh niên chợt lên tiếng, phá tan sự tĩnh mịch của màn đêm: - Ân sư vãn sinh thường dặn dò, nếu có dịp tham kiến đại sư, xin người chỉ dạy thêm về kiếm đạo. Người nói, kiếm pháp võ lâm châu thổ mặc dù tiếp thu từ nhiều nguồn gốc, nhưng hào sĩ mỗi đời đều chọn lọc những tinh tuý võ học mà phát huy. Tuy chúng ta không có những người khai môn lập phái như Đạt Ma Thiền Sư trên đỉnh Thiếu Thất, Trương Tam Phong sáng lập Võ Đang môn. Nhưng trải bao thăng trầm, lịch sử võ học châu thổ bao giờ cũng xuất hiện nhiều tay kiếm lỗi lạc, kiếm pháp tinh kỳ. Mấy trăm năm nay liên tục xảy ra nhiều cuộc tranh chấp với người phương bắc ở trung nguyên. Họ cho rằng nền võ học của chúng ta là học lóm từ trung nguyên, khiêu khích nhiều kiếm khách so tài. Làm mất hoà khí giữa hai nước và hao tổn nhiều tài năng của võ lâm song phương. Giác Tham mỉm cười nhìn chàng trai trẻ: - Thiếu hiệp là truyền nhân của Tích Linh Chân Nhân, lão tăng đâu dám cho mình là người hiểu biết nhiều. Kỳ thực nếu nói về kiếm học, hiện tại trong võ lâm chỉ có ba danh gia kiếm thuật kiệt xuất. Thiếu hiệp là đại diện cho một trong ba số ấy. Lý hồng Quân tiền bối sau trận chiến Dạ Trạch, chán ngán chuyện thế sự đã xuất gia cầu đạo, đạo hiệu là Tích Linh Chân Nhân. Từ đó giang hồ vắng đi một tay kiếm lừng danh. Nhưng nói không chừng nơi hoang sơn dã lĩnh, chân nhân lại ngộ ra nguyên lý sâu xa của võ học. Lão tăng là thế hệ thứ hai, so với chân nhân chỉ là hậu bối, nếu được đề cao thật không dám nhận. Nhưng nể tình cố nhân và thiếu hiệp đã đường xa đến đây, lão tăng có đôi lời mạn đàm: - Võ học châu thổ nếu nói từ nguyên sơ thì khó ai nắm rõ. Nhưng cách đây hơn bảy mươi năm đã xảy ra một việc làm chấn động bốn phương. Mọi việc được bắt đầu từ những tư tưởng triết học cổ đại. Lý luận của Mặc gia và Pháp gia, đã cuốn hút nhiều danh gia tài giỏi về kiếm đạo, bỏ công sức ra nghiên cứu, tìm cách sáng tạo ra một loại kiếm pháp đặc thù của võ lâm châu thổ. Người đầu tiên chính là sư phụ thiếu hiệp. Với sự đam mê Mặc gia tư tưởng, cả đời Lý hồng Quân đã tĩnh tâm nghiên cứu, cuối cùng đã sáng tạo ra Thanh bình thập bát thức trên cơ sở thuyết kiêm ái. Kiếm pháp thanh bình lấy nhân hoà làm trọng, thủ nhiều hơn công. Sự biến hoá của chiêu thức thật đa dạng khó phân. Thanh Bình là loại kiếm pháp hiền hoà, tuỳ theo kiếm chiêu của địch nhân mà kháng cự. Cho dù địch nhân có trăm ngàn tiểu xảo, kiếm chiêu đa đoan, tàn độc khôn cùng. Thanh bình thập bát thức vẫn có thể lấy tĩnh chế động. Tuỳ theo chiêu số của địch mà đắc tâm ứng thủ. Loại kiếm pháp này rất phù hợp với đạo gia, không bá đạo hại người làm tổn hại đến chúng sanh bá tánh. Nếu nói về kiếm học, nhiều danh gia cho rằng thanh bình kiếm pháp chưa đạt tới cảnh giới tối cao của kiếm đạo. Khi lâm địch không có nhiều cơ hội thủ thắng. Chiêu số tuy nhiều nhưng khắc địch chế thắng lại thiếu quyết đoán. Về việc này ba huynh đệ của lão tăng cũng nhiều lần tranh luận. Là đệ tử của phật gia lấy từ bi làm trọng. Luyện võ là để tăng cường sức khoẻ, giữ cho tinh thần minh mẫn mà hướng pháp rèn tâm. Nếu cùng người tương đấu chỉ là vạn bất đắc dĩ. Đành rằng tru diệt tả đạo là công việc của người cầm kiếm, nhưng hàng phục tà ma mới là việc làm công đức vô lượng. Thanh bình kiếm pháp chủ yếu khống chế đối thủ, làm họ thấy khó mà rút lui, không tổn hại sinh linh một cách vô ích. Đó chính là điều tốt và là cái phước của võ lâm châu thổ… Người thanh niên lặng nhìn Giác Tham đại sư một cách ngưỡng mộ. Thần thái uy nghi của một hiền giả khiến người đối diện phải tôn kính, lắng nghe. Những điều đại sư nói ra là những kiến thức uyên bác về võ học, không phải ai cũng có duyên tiếp nhận. Người luyện kiếm có mơ ước cả đời là đạt được cảnh giới cao nhất của võ học. Nếu được vậy, ngoài việc khổ luyện ra còn phải học hỏi đạo lý của kiếm pháp thượng thừa. Đôi khi luyện tập cả đời cũng không bằng một phút ngộ ra đạo lý võ học. Hắn cảm thấy hứng thú vì cuộc hạnh ngộ này. Và thật sự hài lòng cho cuộc hành trình mình vừa trải qua… Giác Tham đại sư thong thả uống một ngụm trà, rồi lặng lẽ nhìn lên những rặng trúc lắc lay trong gió. Trong ánh sáng dịu nhẹ của trăng thượng tuần, giọng nói trầm ấm của đại sư lại vang lên: - Hắc phong lĩnh nằm ở phía tây nam, có một người mà tố chất và tài năng thật bất phàm. Từ thuở nhỏ, mới lên bảy đã tập kiếm, mười tuổi đã thuần thục thập bát binh khí. Say mê lý luận Pháp gia đã bỏ ra hai mươi năm nghiên cứu, cuối cùng sáng tạo ra Bách biến vô ảnh thập nhị thức. Người này họ Mạc tên gọi là Tiếu Thiên. Người giang hồ hay gọi là Bách biến vô ảnh thủ. Bất luận xét về phương diện nào, từ kiếm pháp đến quyền chưởng, Mạc Tiếu Thiên đều thăng hoa một cách nhanh chóng và trở thành cao thủ bậc nhất trong võ lâm. Tên tuổi và danh tiếng của Mạc Tiếu Thiên làm cho cao thủ bốn phương phải ganh tỵ. Họ tìm cách thách đấu và bôi nhọ thanh danh vị tiền bối này. Nhưng bất cứ người đời có dùng thủ đoạn nào, Bách biến vô ảnh kiếm vẫn là kiệt tác của võ học châu thổ. Lý luận pháp gia cho rằng: Bản chất của con người là tham lam, tư lợi. Ngày xưa đất rộng người thưa, sao không có chiến tranh. Bởi vì lúc ấy người ít của nhiều. Sau này người nhiều của ít nên chiến tranh liên miên. Con người vốn không cưởng chế được ham muốn và dục vọng chiếm đoạt. Vì vậy, muốn thiên hạ thái bình cần phải có pháp luật để trị chúng. Trên cơ sở lý luận ấy, Mạc Tiếu Thiên sáng tạo ra Bách biến vô ảnh thập nhị thức. Loại kiếm pháp này chuyên đánh vào tham vọng của kiếm thủ: Như tính hiếu thắng, hám danh, ít kỷ và sự đố kỵ. Tất cả những điều này luôn thể hiện trên chiêu thức của người cầm kiếm. Vì vậy vô ảnh kiếm như là khắc tinh của kiếm học. Nó luôn luôn công phá những yếu điểm chí mạng của đối phương. Bất kể kẻ địch di chuyển về phương vị nào đều bị khắc chế, đoạt thắng… Người thanh niên chợt chen vào cắt ngang câu nói của đại sư: - Vô ảnh kiếm thật sự lợi hại đến vậy ư! Kiếm học vốn vô cùng, muốn thấy được yếu điểm trong một cuộc đấu không phải dễ dàng. Bởi tốc độ kiếm chiêu cực nhanh, muốn hoàn chiêu đã khó huống hồ phải tấn công vào yếu điểm trong cơn lốc ấy. Vị tăng sư giải thích thêm: - Cao thủ lúc tương đấu cùng người, luôn muốn thắng nhanh. Vì vậy kiếm xuất bất hoàn, công nhiều thủ ít. Như vậy tất lộ nhiều sơ hở. Hơn nữa nếu khinh linh tinh xảo thì thiếu mạnh, trầm trọng đơn giản thì kém nhanh, hiểm độc cơ xảo lại không biến hoá. Bách biến vô ảnh kiếm đều tận dụng điểm này để cầu thắng. Về kiếm đạo mà nói, dù vô hình hay hữu hình đều có đạo tính thức của nó. Ví như nội lực vốn vô hình mà hữu chất. Nếu dùng nó đã thương địch, người ta vẫn cảm nhận được. Kiếm chiêu phải có đích. Nội lực cũng phải có nơi để tấn công vào. Kiếm chiêu như khí Hậu thiên, ai nhìn cũng thấy. Nhưng kiếm ý giống như Tiên thiên khí, chỉ có thể cảm nhận. Một khi cảm nhận được thì đã có tiêu điểm để tấn công vào. Vô ảnh kiếm thật sự là một thách thức đối với các cao thủ trong thiên hạ… Người thanh niên kính cẩn nói với Giác Tham đại sư: - Kiếm pháp vô ảnh, đại sư chắc đã thấy qua. Không biết lúc đối địch cùng người, cái sở đắc của nó có giống như lời đồn trên chốn giang hồ? Một kiếm khách thành danh phải trải qua trăm trận chiến. Mạc Tiếu Thiên tiền bối chắc đã có những trận quyết đấu chấn động võ lâm, lưu danh hậu thế… Giác Tham đại sư trầm ngâm nhìn vào khoảng không vô tận của khu rừng trúc. Ông như đang nghĩ về một điều gì, nét mặt mừng lo lẫn lộn. Nhìn chàng thanh niên tráng kiện, hào khí dâng cao, cái tuổi mà ông bỏ lại lâu rồi. Không biết trong cái hỗn tạp của giang hồ, sự tranh giành quyền lực, tài năng, sẽ nhào nặng anh ta thành một người như thế nào. Ba mươi năm sau, khi gối mõi chân chồn, ước muốn còn lại của con người sẽ là gì? Đại sư nói tiếp: - Những cao thủ về kiếm thuật lúc tương đấu cùng người thường là ấn chứng võ học. Họ không thích tiết lộ địa điểm và thời gian thi đấu. Lão tăng lúc gặp những vị này chỉ là một tiểu tăng tuổi mới đôi mươi. Sau này có dịp sang trung nguyên, đến Thiếu Lâm Tự mới được Phổ Nguyên thiền sư kể lại. Năm mươi năm trước, người đứng đầu Đạt Ma Đường trên đỉnh Thiếu thất là Phổ Thiện thiền sư, có một chuyến đến châu thổ. Lúc gặp Tiếu Thiên thì chỉ nghe danh mà chưa hề thấy mặt. Hai người quen nhau, cùng luận bàn về võ học sau đó thì tỷ đấu. Phổ Thiện đã luyện được nhiều tuyệt kỹ của thiếu lâm, lại có tham cứu Dịch Cân Kinh, môn võ học tối thượng của Đạt Ma Thiền Sư. Để tỏ ra tôn trọng đối thủ đại sư đã chọn mộc bổng làm binh khí. Hai người đấu với nhau tại một hồ nước được gọi là Lạc Mộng đầm. Phổ Thiện sử dụng kiếm pháp chính tông của nhà phật. Còn Tiếu Thiên tiền bối sử tuyệt nghệ kiếm học của mình. Hai bên đấu với nhau tất cả một trăm sáu mươi chiêu. Bất kể Phổ Thiện sử dụng loại kiếm pháp nào cũng bị đối thủ chiết giải, hoặc phong toả, hoặc phá giải sạch. Cuối cùng Phổ Thiện đã bị Tiếu Thiên đánh bại bằng chiêu kiếm tối thượng: Tàng Kiếm Vô Ảnh Tuyệt Thức. Cao thủ của thiếu lâm kể từ đó ít sang châu thổ. Có thể họ chờ đợi thời cơ để so tài một lần nữa… Một môn kiếm pháp nữa, xuất hiện đồng thời với hai sự kiện trên. Người sáng lập ra nó không ai biết tên tuổi. Tên hiệu trên giang hồ của ông ta là Tam Tuyệt Tuý Tiên Bạch Đầu Ông. Người này có ngoại hiệu như vậy, bởi bình sinh thích nhất là kiếm pháp, thứ hai thích rượu, thứ ba thích người ta gọi mình là bạch đầu ông. Đương thời ông ta say mê số học và thích nhất là bộ tứ huyền ảo, một lý luận lạ lẫm được du nhập từ âu địa. Luận lý này cho rằng: Nhất, nhị, tam, tứ là hoàn hảo nhất. Nó liên quan đến trật tự biến đổi của thiên địa vạn vật, biến ảo đến khôn cùng. Xét trên cơ sở chữ viết, chữ Nhất một nét giống như một nhát điểm trong kiếm pháp, chữ Nhị hai nét nếu viết dính lại một đầu như hình đuôi chim, được xem là một nhát kiếm sử từ trên xuống. Tương tự chữ Tam được xem như một thế thủ bảo vệ thượng và hạ bàn. Trong đạo lý đó chữ Tứ là khó hiểu nhất, được bao quanh là chữ Vi, ở giữa như chữ Nhân khi viết dưới chữ. Vậy con người là trung tâm, là yếu tố quyết định hình dạng của ba chiêu kiếm trước đó. Thế nhưng, lý luận từ một đất nước xa xôi không chỉ dừng ở đó. Nhất được xem là điểm, nhị được xem là đường, tam được xem là diện tích. Đường là do nhiều điểm tạo thành. Diện tích do nhiều đường hợp tạo. Vậy kiếm chiêu dù công hay thủ, toàn bộ đều do nhiều vết đâm tạo thành. Một mặt phẳng hữu hạn tuỳ ý xuất hiện tứ phương, công thủ kín đáo, được tạo ra từ trăm ngàn biến hoá. Mũi kiếm như mưa hoa vũ tuyết, biến ảo đến tận cùng… Bàn tay gã thanh niên bỗng chốc ướt đẩm mồ hôi, hắn run giọng: - Nhất kiếm biến vô cực! Có phải đó là cảnh giới cao nhất của võ học? Phải chăng đại sư muốn nói đến đạo lý vạn vật qui chân. Kiếm pháp ấy đã đoạt quyền tạo hoá tiến tới sự vi diệu khôn cùng. - A Di Đà Phật! Lý thiếu hiệp đừng vội võ đoán. Về đạo lý là như vậy, nhưng muốn luyện được cảnh giới đó thật nan giải khôn cùng. Chỉ có những người hội đủ nhân duyên mới có thể đạt được sở nguyện. Tuý Tiên trong một cơn say ngất trời đã ngộ ra Đoạt Hồn Tam Tuyệt. Kiếm pháp này còn một cách gọi khác là Đoạt Mạng Tam Tuyệt. Con người của Bạch Đầu Ông thật kỳ lạ, không thích tranh danh cũng không màng động võ. Suốt ngày ông ta say khước, tuý luý ngao sơn ngoạn thuỷ, như thần long thấy đầu không thấy đuôi…Nhưng mang trong người tuyệt kỹ kiếm pháp, muốn có cuộc sống an nhàn cũng không dễ chút nào. Vào một ngày giáp hạ, Thiên Sơn Thất Lão đã tương hội Tam Tuyệt tại Thất Sơn. Hai bên tỷ đấu như thế nào, kết quả không ai biết. Chỉ biết rằng sau trận chiến đó, đôi bên đều mai danh ẩn tích. Giang hồ từ đó không còn nghe thấy loại kiếm pháp này xuất hiện… Đại sư Giác Tham và chàng trai họ Lý cùng im lặng. Cả hai đang theo đuổi suy nghĩ riêng của mình. Những cao thủ tuyệt đỉnh trong võ lâm ngày nay không có nhiều. Đời người thoáng chốc đã qua mau. Con người có võ công tuyệt thế, oai danh lừng lẫy cũng chỉ được mươi năm đã trôi vào dĩ vãng… Lý Bằng nói: - Vãn bối nghe sư phụ nói, trận tỷ thí năm xưa tuy chưa được sáng tỏ, nhưng ưu thế của trận đấu có thể suy luận mà hiểu được. Bảy cao thủ cùng liên thủ đấu với Bạch Đầu Ông, dù không thắng cũng đã bại. Lấy số đông mà luận, thế mạnh yếu đã rõ. Nhưng sau trận quyết đấu, họ lẵng lặng rút lui, điều đó chứng tỏ kết quả trận đấu không như mong đợi. Bạch Đầu Ông tiền bối tánh tình đơn giản, lại không coi trọng chuyện hơn thua, nên mọi chuyện chóng đi vào quên lãng. Giác Tham thong thả nói: - Ba huynh đệ lão tăng cũng nghĩ theo hướng này, lòng vẫn lấy làm tiếc mình không có duyên chứng kiến cuộc so tài có một không hai. Nhìn chung trong lịch sử võ lâm châu thổ, ba trận đấu của các vị cao nhân đó, được coi như kinh điển động phách kinh tâm. Nhưng xét trên đấu pháp, Lý Hồng Quân và Mạc Tiếu Thiên chưa chiếm ưu thế tuyệt đối... Họ Lý ngạc nhiên: - Chưa tuyệt đối! Phải chăng, có chuyện bí ẩn đứng sau sự kiện đó? - Không có gì gọi là bí ẩn cả - Vị sư già mỉm cười đôn hậu - Rất ít người nhìn nhận được chân tướng sự việc. Nguyên lý đã sẵn có, chỉ tại con người chưa chịu nhận định thấu đáo. Thiếu hiệp có nhận định gì về điạ hình của võ lâm châu thổ. Không đợi chàng trai trả lời ông ta nói tiếp: - Trung nguyên và châu thổ địa hình hoàn toàn khác xa nhau. Trung nguyên không có nhiều đồng bằng và trạch đầm, cho nên nền võ học cũng từ đó mà thích ứng. Họ sử dụng thuật khinh thân cao thâm trên vùng đồi núi, vách đá, hoặc những nơi cây cối dày đặc một cách dễ dàng. Ngược laị, châu thổ lại có thuật di hình siêu việt, bắt nguồn từ những sinh hoạt thường nhật. Các cao thủ kiếm đạo thường xuyên luyện kiếm trên mặt các đầm lầy, đứng trên các mộc thảo hoang dã mà xuất kiếm chế địch. Lâu ngày điều kiện trở thành sở trường võ học độc nhất vô nhị. Trận chiến năm xưa, địa điểm quyết đấu trên Dạ Trạch và đầm Lạc Mộng, nói gì đi nữa ưu thế đã thuộc về hai tay kiếm khách lừng danh của châu thổ. Ngoài võ học cao cường, hai vị cao thủ còn là người thông minh tuyệt đỉnh… Dừng lời trong chốc lát, Giác Tham đại sư chuyển câu chuyện sang hướng khác: - Theo lão tăng nghĩ, chuyến đi này của thiếu hiệp còn liên quan đến một sự việc trọng đại khác, không đơn thuần là tìm hiểu thêm về kiến thức kiếm đạo. Nếu lão nạp không lầm, chuyện Long Quân Thần Kiếm tái xuất giang hồ đã làm chấn động võ lâm, thiếu hiệp chắc đã nghe qua? - Đại sư đoán việc như thần – Chàng trai mỉm cười, nụ cười thật hiền hậu chất phác – Vãn bối nghe giang hồ đồn đại, Long Quân Thần Kiếm đã tái xuất võ lâm. Thanh kiếm có truyền thuyết lâu đời này đang là vấn đề tranh cãi của võ lâm trung nguyên và châu thổ. Người phương bắc cho rằng, thanh kiếm này do hậu nhân hai họ Can, Mạc luyện thành. Nhưng xét về hình dạng của thanh kiếm, những hào sĩ võ lâm có kiến thức quảng bác đều cho là không đúng. Can Tương và Mạc Gia là những nhà luyện kiếm có kỷ thuật cao siêu. Hậu nhân của họ cũng học được tinh tuý từ nghề luyện kiếm. Thanh kiếm của gia tộc họ được rèn qua lửa, kỷ thuật chạm khắc tinh vi. Còn Long Quân Thần Kiếm có hình dáng thô sơ tầm thường. Có thể do mài tạc mà ra... Vị đại sư tiếp lời chàng trai: - Kiến thức về kiếm của thiếu hiệp không ngờ cũng rất tinh tế. Trước hết chúng ta hãy bàn chút ít về nguồn gốc của thanh kiếm. Truyền thuyết cho rằng ngày xưa Long Quân đã dùng kiếm chém chết con giao long ở Đông Hải. Quái vật này đã hại chết rất mhiều người. Ngư dân chài lưới sống trên biển rất khiếp sợ nó. Sự tác oai, tác oái của ác long khiến Long Quân rất tức giận. Kiếm khách này liền tìm đến ác đấu cùng nó. Quần nhau nhiều ngày, cuối Long Quân cũng hạ được con quái vật. Thanh kiếm chém con giao Phong Châu ba đoạn, từ đó được gọi là Long Quân Thần Kiếm. Thanh kiếm này xét về lịch sử phải trải qua trên hai ngàn năm. Không ngờ câu chuyện qua lời đồn đại, nay có cơ may trở thành hiện thực. Theo nguồn tin của đồng đạo giang hồ cho lão tăng biết, thanh Long Quân Thần Kiếm do một người thợ lặn ở đảo Kim Sa tìm được trong một hang động dưới biển. Sự kiện đó chưa biết đúng hay sai. Hiện nay thanh kiếm đang được bang chủ của Kim Sa bang Triệu Nam Sơn lão anh hùng, tạm thời cất giữ. Nếu đúng là thanh kiếm truyền thuyết đó, thì những lời thị phi của bọn tà đạo trên chốn giang hồ chỉ là cái cớ để tranh đoạt mà thôi. Nên biết rằng thanh Long Quân Thần Kiếm xuất hiện từ thời kỳ kỹ thuật luyện kiếm còn rất thô sơ. Điều duy nhất có thể làm ra thanh kiếm lúc bấy giờ là mài gọt. Vì vậy toàn thân thanh kiếm rất thô vụng. Ngoài sự sắc bén ra, nó hoàn toàn không có tính mỹ quan. Nếu nói thanh kiếm do hậu nhân của Can Tương và Mạc Gia làm ra thì đúng là một trò cười cho hậu thế. Giác Tham ngừng một chút rồi hỏi chàng trai họ Lý: - Thiếu hiệp cũng có dự tính ra Kim Sa đảo một chuyến để được chứng kiến thanh cổ kiếm danh chấn trong truyền thuyết phải không? Chàng trai trả lời: - Thật sự mục đích chính chuyến đi này của vãn bối là được chứng kiến thanh kiếm tuyệt cổ có một không hai đó. Không biết Triệu bang chủ của Kim Sa bang có phóng khoáng như lời đồn đại trên giang hồ hay không! Người ta nói rằng võ công Triệu Nam Sơn rất cao cường. Nếu có dịp chứng kiến thì hay biết mấy… Thiền sư nói: - Ba huynh đệ lão tăng cũng định đi Kim Sa một chuyến. Thứ nhất là muốn chứng thực về thanh kiếm và những tin đồn về nó. Thứ hai là muốn viếng thăm cố nhân Triệu Nam Sơn bang chủ một chuyến. Cũng đã lâu rồi, từ ngày đại hội anh hùng trước đây mười năm, từ ấy hai bên không còn gặp lại. Điều còn lại…Đây là những suy tư mà lão nạp nhiều đêm nghĩ ngợi! Sự tranh chấp về thanh Long Quân Kiếm đã chấn động giới võ lâm. Rồi đây bọn tà ma ngoại đạo sẽ nhân cớ này mà gây ra bao tai hoạ cho võ lâm châu thổ. Nghe nói ngày Hùng Đức mùng 10 tháng 3 tới đây, Triệu bang chủ sẽ mở đại hội Quan Kiếm. Ngoài lễ cúng tế theo nghi tục, Kim Sa bang sẽ tổ chức lễ hội xem kiếm cho mọi người cùng thưởng ngoạn. Thanh Long Quân Thần Kiếm là một bảo vật của võ lâm châu thổ. Đây là linh hồn của đất nước, đại diện cho tinh thần tự cường, tự trị cả một dân tộc … Sự việc quan trọng như vậy, chúng ta không thể nào khoanh tay đứng nhìn kẻ khác cướp nó đi... Họ Lý dõng dạc: - Đại sư yên tâm! Võ lâm châu thổ đã tồn tại bao nhiêu năm nay, từ võ công cho đến kiến thức chúng ta không kém bất cứ ai. Hôm nay nguyên vật về chủ chẳng lẽ cả võ lâm lại để mất nó …Điều mà vãn bối lo lắng hiện nay là nạn cát cứ khắp nơi. Rồi đây nhiều kẻ có dã tâm tại châu thổ sẽ thừa nước đục thả câu. Giặc ngoài chúng ta chưa lo, chỉ lo trong võ lâm có người nuôi dưỡng ý đồ xưng hùng xưng bá, muốn nhất thống thiên hạ. Giác Tham thở dài: - Võ lâm thời đại nào cũng có những kẻ nuôi mộng tưởng đứng đầu thiên hạ. Sự tranh chấp là điều không thể tránh khỏi. Nhưng như vậy vô tình chúng ta tạo điều kiện cho các triều đại bắc phương, nuôi dưỡng ý đồ thôn tính châu thổ. Sở dĩ chúng ta không thể dương môn lập phái như trung nguyên, bởi vì chúng ta luôn thường xuyên bị cai trị dưới chế độ tập quyền phương bắc. Các quan chức của đương triều, không muốn nghĩa sĩ võ lâm tạo lập môn phái. Vì làm vậy chẳng khác gì gây dựng lực lượng chống đối, ngấm ngầm chống lại triều đình. Chúng ta không có những môn phái như Thiếu Lâm, Nga Mi, Không Động…Qủa là điều thật đáng buồn và đáng tiếc… Đêm đã về khuya, câu chuyện của hai người cũng đến hồi kết thúc. Trên bàn ấm trà đã nguội lạnh tự bao giờ. Giác Tham nói: - Đêm đã khuya rồi, thiếu hiệp hãy nghỉ ngơi, sáng mai chúng ta gặp lại. Thiền lâm Giác Ngạn buổi sớm rất thanh khiết, không khí trong lành. Mong rằng nơi này sẽ làm hài lòng Lý thiếu hiệp. Chàng trai đứng dậy vòng tay tiễn vị đại sư về tịnh thất. Giác Tham đại sư về đến phòng mình đã thấy hai vị sư đệ ngồi chờ đấy tự lúc nào. Ông mỉm cười nói: - Hai sư đệ vẫn còn chưa đi nghỉ ư? Hai người sư đệ của đại sư là Giác Sân và Giác Si. Người võ lâm ai cũng kính nể Tam Tăng. Bởi tuổi đời, đạo hạnh, phẩm chất, võ công của họ đều rất cao thâm. - A Di Đà Phật – Giác Sân lên tiếng – Lý Bằng là đệ tử chân truyền của Tích Linh Chân Nhân. Sư huynh bỏ nhiều công sức trong một tối hẳn trông đợi nhiều vào vị thanh niên có nhiều triển vọng này? - Kiếm Pháp Thanh Bình nếu được quảng bá rộng rãi sẽ là lợi ích cực kỳ to lớn cho châu thổ. Ta hy vọng rằng, Lý thiếu hiệp sẽ lấy lợi ích võ lâm làm trọng. Một ngày nào đó sẽ dương môn lập phái, tạo phúc cho bá tánh bằng loại kiếm pháp không quá sát thương. - Thập bát thức của thanh bình kiếm pháp chỉ e rằng vẫn chưa đủ - Giác Si thở dài - Với loại kiếm pháp dựa quá nhiều về thiện lý, sợ rằng chưa thể trấn áp được quần tà. Kiếm pháp này còn phải chờ duyên cơ nâng lên một bậc, mới đạt đến sự tối thượng…Ba người bàn luận hồi lâu, sau đó ai về phòng nấy. Lý Bằng nằm trên chiếc giường tre mà trằn trọc mãi. Cuộc nói chuyện với Giác Tham đại sư khiến cho hắn nghĩ ngợi nhiều. Đêm khuya, nằm giữa rừng trúc, nghe tiếng gió vi vu thổi thật thư thái vô cùng. Từ thuở nhỏ hắn đã mồ côi, được sư phụ dạy dỗ và nuôi dưỡng khôn lớn. Ngoài giờ luyện kiếm và khí công, hắn phải kiếm củi để độ nhật. Cuộc sống vất vả dạy cho hắn sự cận thận và lo nghĩ xa hơn. Giữa chốn giang hồ hiểm ác, tính tự cường giúp cho hắn đứng vững và thật sự có bản lãnh của một kiếm thủ... Giấc ngủ đến với hắn thật nhanh và dễ dàng hơn mọi ngày. Sáng sớm tinh mơ, tiếng chim hót líu lo đã làm Lý Bằng tỉnh giấc. Ngoài trời vẫn còn mờ hơi sương. Hắn sửa sang lại y phục, rửa mặt, chải lại tóc, rồi nhắm gian đại thất của thiền viện thong thả bước. Giữa rừng trúc lâm là khoảng sân rộng được lát bằng đá xanh. Đây chính là nơi thiền hành và luyện võ của tăng chúng. Từ xa, Lý Bằng đã thấy nhiều bóng người đang luyện kiếm và quyền cước. Hắn chuyển bộ về phía trái, đi vòng tránh xa khu biệt viện. Ba vị thần tăng đang đi thiền hành trong một khuôn viên nhỏ. Nhìn bước đi thong thả của họ hắn thấy kinh ngạc. Mới nhìn qua ai cũng tưởng tam tăng đang đi thật chậm rãi, động tác rất ung dung. Nhưng khi lấy những cây cối xung quanh để đối chiếu, mới phát hiện họ đang di chuyển rất nhanh. Đây rõ ràng là thuật di hình chánh tông của nhà phật. Luận tuổi tác tam vị thần tăng cũng đã ngoài bảy mươi, thế mà thân thủ, cước pháp thật phi thường. Nếu không được chứng kiến, không thể nào tin vào sự thật đang diễn ra… Lý Bằng vừa mất tập trung, tiếng nói Giác Tham đại sư đã vang lên: - Lý thiếu hiệp, xin mời vào trà thất dùng nước. Ở đây hoang dã không có gì để đãi khách, mong rằng thiếu hiệp không chê cười! Lý Bằng vòng tay thi lễ với tam tăng: - Đại sư đừng quá khách khí! Vãn bối là hậu sinh, sao dám bất kính chê bai sinh hoạt thoát tục của ba vị đại sư. Ở đây yên tĩnh, không khí trong lành, người thường thế tục quả thật muốn hưởng cũng không được, sau lại dám xem thường…Vãn bối vô tình xem trộm, thấy thuật di hành ba vị thật rất phi phàm. Hôm nay được mở mở rộng tầm nhìn, vãn bối thật sự ngưỡng mộ vô cùng. Nếu có nhân duyên, lần sau gặp lại xin ba vị chỉ dẫn thêm. Bốn người đi vào trà thất. Trên một chiếc bàn bằng tre đã để sẵn một ấm trà. Một vị tiểu tăng bước đến phục trà vào mấy cái chum đất nhỏ. Khói trà toả hương thơm lừng, ngan ngát trong hư không còn đượm bóng sương mai. Giác Si uống một ngụm trà rồi lên tiếng: - Thiếu hiệp định bao giờ đi Kim Sa đảo? - Vãn bối định hôm nay sẽ khởi hành. Từ nay đến ngày Hùng Đức còn khoảng hơn mươi hôm, đủ thời gian để qua Tân Độ, rồi đến Phù Thị thưởng ngoạn phong cảnh ở nơi này. Nghe nói nơi đó có một vùng chợ nổi, có tiếng là lạ lẫm, xưa nay vãn bối chưa được xem qua. Nhân lúc có thời gian, cũng tìm náo nhiệt một phen cho thoả chí. Tam vị Thần Tăng đều cười nhưng mặt thoáng vẻ lo âu. Giác Sân nhắc nhở Lý Bằng: - Tin tức về thanh Long Quân thần kiếm đã lan truyền trong võ lâm. Từ đây đến ngày hội Quan Kiếm, sẽ có rất nhiều cao thủ tả đạo bốn phương tìm đến. Thiếu hiệp trong chuyến đi cũng nên cẩn trọng đôi phần. Đại sư vốn là người từng trải chuyện thế tục, nên mỗi câu nói đều không muốn làm tổn thương lòng tự trọng của người. Lý Bằng hiểu tâm ý đại sư nên mỉm cười đôn hậu. Hắn đứng dậy vòng tay: - Ba vị đại sư cứ an tâm. Lý Bằng tự lo cho bản thân cũng không đến nổi nào. Vãn bối xin từ biệt tại đây. Hậu hội hữu kỳ, xin ba vị cũng tự bảo trọng. Bốn người cùng đứng dậy. Giác Tham đại sư nói: - Thiếu hiệp lên đường. Ba huynh đệ lão tăng không tiễn… Lý Bằng theo con đường nhỏ ngoằn ngoèo trong rừng trúc, bước đi. Bên tai hắn văng vẳng tiếng kệ của tam tăng: Ngã sinh dĩ an Bất uẩn ư oán Chúng nhân hữu oán Ngã hành vô oán… Lý Bằng chợt rơi vào suy nghĩ. Người trong giang hồ vốn hám lợi, vị kỷ, rất ít người chịu hy sinh bản thân mà tạo phúc cho người. Muốn họ toại nguyện mà không tổn hại đến người khác thật là điều không tưởng. Xưa nay giang hồ vốn dĩ tranh chấp bởi chữ danh, giết nhau vì lợi. Mưu đồ hại chết nhau là muốn thống nhất võ lâm, đứng đầu thiên hạ. Miên man trong nghĩ ngợi, hắn ra khỏi rừng trúc lúc nào cũng không hay. Mặt trời đã lên cao, ánh nắng chiếu nghiêng in bóng hắn ngã dài trên bãi cỏ …