CHƯƠNG 14

     in chào quí anh ạ!
 Nam nhìn lên. Trước mặt anh, đứng nơi ngưỡng cửa là một người đàn bà sang trọng, sang trọng toàn thân, từ cách để tóc đến cách trang điểm điệu nghệ, từ cái áo mang sắc màu ẩm áp đến chiếc quần trắng là thẳng ly nhưng vẫn không mất vẻ tự nhiên và cả từ cái nhìn, giọng nói, động tác cho đến mùi nước hoa ngoại thơm thoảng ra. Đó là một thiếu phụ đẹp, chừng trên ba mươi tuổi mà cái vẻ đẹp lộng lẫy cùng với sự kín đáo, nhuần nhị hoàn toàn ăn nhập vào nhau.
 - Chào chị! - Nam lúng túng rời giường con đứng dậy - Chị hỏi ai... à, có phải chị là...
 - Dạ... Anh Bình có nói tôi tới đây - Chất giọng Huế pha chất Hà Nội nghe thật dịu nhẹ - Xin lỗi, anh là anh Nam, Phạm văn Nam?
 - Vâng, chính tôi. Mời chị ngồi. Xin lỗi, nhà cửa hơi tối, con bé nhà tôi nó sợ... ánh sáng.
 - Anh chị mới có một cháu thôi ạ? Cháu bé xinh quá - Rõ ràng đó chỉ là một câu nói đưa đà, bởi sau đấy người khách vào đề luôn - Thưa anh, tôi là Tuyết, chắc anh không biết tôi nhưng tôi lại rất biết anh và anh Bình. Gặp một cái, tôi nhận ngay ra anh. Đàn ông mấy anh ít thay đổi.
 -Nhưng xin lỗi...
 - Không, xin anh đừng nói gì hết, em vội lắm!- Bà khách chuyển xưng hô không tự biết và trên đôi môi quí phái phơn phớt màu nhót chín đang run lên một thoáng xúc động không kìm được - Sáng mai em đã phải ra sân bay để bay vào trong kia rồi. Ba em đang chờ ở đó. Xin lỗi...
 Người khách, bằng một động tác tự nhiên khẽ kéo cổ áo ra, để lộ trên bả vai trắng mịn một vết thẹo tròn màu nâu nhạt, một vết thẹo hiểm nghèo cách tim không mấy xa:
 - Anh có nhận ra điều gì không?
 Nam lắc đầu mù mit:
 - Chị bỏ quá! Tôi quả thật không...
 - Vâng! - Người khách cười héo hắt - Anh không nhận ra là phải, cả anh Bình cũng thế. Làm sao có thể nhận ra khi người mang ơn cứ nhớ về đau đáu còn người ra ơn lại quên lãng đi.
 - ơn?... Nam càng tỏ ra bối rối - Thú thật là tôi vẫn...
 - Dạ! - Người khách ngước nhìn lên cửa sổ, nơi có những chùm hoa sấu trắng nhẹ đung đưa, giọng nói thoát trở nên xa xăm - Đấy là viên đạn của một người lính bên các anh đã nhầm thẳng vào tim em nhưng nó lại trệch vào đó. Người cứu em là anh Bình và người cứu ba em là anh.
 - Khoan! - Vầng trán anh căng ra, mắt hơi nhắm lại - Hai cha con... Một buổi sáng cuối tháng tư năm bảy lăm, lúc sư đoàn tôi đang tiến qua Xuân Lộc vào Biên Hòa?
 - Dạ! - Lúc đó hai cha con em đang ngồi trong nhà. Em bảo ông tháo bỏ cái bộ quân phục đại tá đi song ông lại nói: “Đã trót theo một đằng, nếu có phải chết thì cũng ráng chết ở vị trí đằng đó. Tháo bỏ quân phục tức là tháo bỏ quân kỳ để cứu lấy thân lúc bại trận thì hèn lắm!” Đúng lúc ấy thì người lính đeo súng ngán, da ngăm đen, khuôn mặt vuông đạp cửa xông vào. Vừa nhác nhìn thấy ba em, người ấy đã định găm đạn vào đầu ông già ngay. Sợ quá, em vội quì xuống van lạy: “Ba chỉ là một giáo sư bị bắt lính, vào lính rồi, ba chỉ ngồi ở văn phòng viết quân sử trong đó có cả lịch sử thời cả nước đánh Pháp, ba chưa bắn một viên đạn, chưa viết một câu nào nói xấu cách mạng, nói xấu cụ Hồ”. Nhưng người ấy đâu chịu nghe, mắt cứ trợn lên: “Không nói xấu, không bắn một viên đạn nào mà lại đeo những ba bông mai vàng kìa à? Tội đáng chết!” Đúng lúc ấy thì anh Bình chạy vào, vai đeo cái máy quay phim sứt sẹo. Anh Bình nói: “Đồng chí đại đội trưởng, bỏ súng xuống đi! Người ta có đeo tới cái gì, có làm tới trò gì chăng nữa nhưng một khi đã đứng thúc thủ thế kia thì thôi đi chứ”. Người này quát luôn: “Việc của ông là quay, là nháy thì chỉ nên tập trung vào việc đó, biết gì chuyện khác mà can dự?” Em thấy anh Bình cũng trừng mắt: “Biết đấy, biết nhiều hơn đồng chí, thậm chí biết nhiều hơn cả thủ trưởng đồng chí nữa kia”. Người này mắng lại anh ấy là nói ngu, không thấy cái vẻ thách thức láo xược trên bộ quân phục của thằng cha già kia à? Em nhớ anh Bình lập tức chĩa thẳng ống kính vào người đó, nói rất lạnh: “Thằng khốn! Nếu mày bắn, tao sẽ lôi mày ra tòa án binh bằng chính những thước phim đặc tả hành động ngu muội ngụy giai cấp này của mày. Dám không?”. Vậy mà người ấy lại dám. Viên đạn nhằm thẳng vào ống kính. Cái máy quay phim vỡ tan. Viên đạn thứ hai nhầm thẳng vào ngực em nhưng anh Bình kịp vung tay gạt nên nó trệch vào bả vai... Đau đớn và quá kinh hãi, em chưa kịp hiểu gì cả thì khẩu súng kia đã chĩa thẳng vào ba em lúc ấy đang đứng bất động... Và anh, vâng, chính khi đó anh xuất hiện, cũng cao lớn, đẹp đẽ, hiền từ thế này nhưng trẻ hơn. Anh đã quát, đã ra lệnh hay làm một độc tác mạnh mẽ gì đó...
 - Vâng - Nam mỉm cười với vẻ xúc động - Tôi đã tước súng của anh ta, bẻ quoặt tay anh ta và đẩy ra ngoài. Thể tất cho cậu ấy chị à! Mới nửa giờ trước đó, cả đại đội của cậu ấy hầu như đã bị xóa phiên hiệu sạch hết khi đánh chiếm cầu xa lộ. Cậu ta không còn tỉnh táo nữa, cứ thấy màu áo rằn ri của đối phương là nổi điên lên.
 - Dạ... Em biết. Ba con em cũng không nghĩ ngợi gì, chiến tranh mà. Nhưng chỉ tiếc cho anh bà anh Bình. Bao nhiêu những thước phim quí giá anh Bình đổi bằng máu mới có được, bỗng chỉ vì ba con em mà bị hủy hoại gàn hết. Em nhớ lúc ấy, sau khi mọi việc đã qua rồi, anh ấy ngồi xuống nhặt lên từng mảnh vỡ như người cha nhặt xác đứa con mà nước mắt cứ chảy ra... Còn anh, xin lỗi, em cũng được nghe nói chính vì hành động cứu giúp ấy mà về sau này anh bị rầy rà trong việc phong thưởng hệ trọng nào đó?
 - Thôi - Nam khoát tay đứng dậy - Chuyện lâu quá rồi, chả nên nhác lại, mà... có khi như thế lại là may cho tôi kia đấy. Làm anh hùng khổ lắm, gò bó lắm, cũng như làm gì được nói năng thoải mái với một cô Việt kiều từ Ca-na-đa về thế này. Chắc chị có bà con quen biết Hà Nội?
 - Dạ, không, mặc dầu quê ngoại em Hà Nội. Em đi tìm các anh.
 - Để làm gì? - Nam buột miệng hỏi lại.
 - Để găp lại, để cám ơn và... cũng có khi chả để làm gì cả - Giọng cô khách đã có cái gì tủi tủi.
 Biết mình lỡ lời, anh hỏi lướt đi bằng cái giọng cố tỏ ra ân cần:
 - Thế sau cái lần ấy, hai cha con chị...
 - Hai cha con em đi Mỹ theo chế độ bảo lãnh. Nhưng ở Mỹ không sống được, phải rời qua Ca-na-đa. Em đã lấy chồng, có con, có tài sản nhưng cho phép em được bộc bạch thật lòng, không lúc nào nguôi nhớ người quay phim ở phía bên kia vừa khóc vừa nhặt nhạnh từng cái... Đã đi nhiều nơi, sống đã đủ các cảnh đời nhưng em chưa bao giờ thấy một nét mát nào đau khổ hơn thế. Vì ba con em mà đau khổ...
 Nam xin lỗi cô khách, quay vào góc nhà rít một hơi thuốc lào... Anh không tiện nói cái người lính cuồng tín đã gây ra mọi chuyện ấy cũng đang sống ở gần đây. Sau làn đó, không hiểu sao cậu ta hiền hẳn đi, hiền đến nỗi người ta điều cậu sang một công việc mà chỉ thoạt nghe tên đã ớn lạnh cả người: Tổng giám ngục một nhà lao lâu đời và đường bệ nhất quốc gia. Anh cũng không tiện nói rằng, sau lần ấy vị tổng giám ngục đã nhiều lần có ý đi tìm Bình để xin lỗi nhưng Bình đều tránh mặt. “Cứ nhìn thấy cái bản mặt nó là tao đã hết muốn làm việc rồi.” Bình nói như thế và đùa thêm: “Được rồi cứ treo đó. Biết đâu mai này viết lách bậy bạ bị gông vào ngục, nó sẽ có dịp xin lỗi tao bằng cách đổ ít đạn vào ngực hơn kẻ tù tội khác vài viên.” Còn con người kia, một lần ông bố vợ đã cười ha hả nói với anh: “Cái thằng Um độ này đâm dở chứng. Trước kia nó có biết phim ảnh là cái gì đâu, còn bảo dính vào thứ ấy chỉ tổ hỏng người, vậy mà gần đây tối thứ bảy nào nó cũng mò đến hội trường bộ nội vụ xem phim rồi, hễ cứ ai máy mồm động đến văn nghệ sĩ là nó bênh chầm chặp. Ấy, chuyện nó tỏ ra hơi quá chăm bẵm cái cậu ca sĩ vượt biên không thành đã khiến cho tất cả các tù nhân phát ghen lên...“
 - Chồng em chết vì tai nạn ô tô - Giọng cô khách vẫn đều đều - Kỳ này gia đình về nước hẳn. Ý ba em cũng muốn thế. Em đã tậu được nhà, đã có cửa hàng cửa hiệu, mẹ con em còn có vốn liếng kha khá ở ngân hàng Thụy Sĩ do chồng em để lại nên cuộc sống cũng ổn. Chính vì vậy mà em quyết định đi tìm anh ấy để muốn bù đáp lại tất cả những gì vì em mà anh ấy thua thiệt. Trời! Nhìn cuộc sống của anh, căn phòng anh ấy ở, bữa ăn toàn mì tôm để trên mâm mà em không cầm được nước mắt!... Sao anh ấy khổ thế? Sao những người có công tích, cả đời gian nan như mấy anh lại sống khổ thế? Em thật lòng muốn tài trợ cho anh ấy một số tiền đủ để anh ấy sống ổn định cho đến cuối đời được mà làm nghề. Vậy mà anh biết anh Bình trả lời thế nào không? “Sao lại khổ? So với những thằng đã chết, tôi thế còn là sướng chán!” Anh ấy cám ơn em và nhất định không chịu nhận cái gì cả, lại còn nói: “Cái nghiệp của tôi càng khốn khổ càng làm được nghề. Vung vinh đầy đủ quá, tối ngày phưỡn bụng xỉa răng cành cạch thì còn cái lỗ chân lông nào hở ra mà giao cảm với nỗi đau của nhân quàn nữa?“
 - Tức là chị muốn đến nhờ tôi để tôi thuyết phục cái anh chàng gàn ấy bỏ bớt cái tính gàn đi?
 Nam hỏi mà một chút nữa phì cười. Cái thằng, đểu thật! Vậy mà nó dám xưng xưng là cái người đàn bà sang trọng này đến để đòi được... yêu mình! Người khách cúi xuống, mắt chớp nhẹ... Tín hiệu mỏng manh ấy cũng đủ để cho cái bộ óc chất phác của anh chợt nhận ra một điều: không phải chỉ đơn thuần là bù đắp một chuyện thua thiệt, hình như người thiếu phụ xinh đẹp và giàu có đang ngồi trước mặt anh đây còn có một cái gì đó sâu hơn thế?
 - Không làm sao được - Cô khách nói tiếp - em bèn bảo: “Thế thì chí ít anh Bình cũng để cho em được hoàn trả anh cái máy quay phim và những thước phim đáng giá kia.” Anh ấy hỏi em tính hoàn trả bằng cách nào? Em nói cách nào cũng được, kể cả chuyện em sẽ bỏ vốn toàn bộ để anh có thể thực hiện được một bộ phim một tập hay nhiều tập bất cứ về đề tài gì mà anh ấp ủ, lãi thì mình anh hưởng trọn, lỗ thì mình em chịu.
 - Thế nó bảo sao?... Trời đất! Chính cậu ấy đang ấp ủ một bộ phim truyện màu về căn phố này mà chưa biết lo vốn đâu ra đấy?
 - Vậy nhưng anh ấy lại lắc đầu - Cô khác cười buồn - bảo rẻ quá, muốn hoàn trả được những thước phim đó thì chỉ có một cách là cả dân tộc này sẽ đánh nhau lại từ đầu.
 - Cái thằng! - Lần này thì Nam để mặc cho tiếng cười bật ra - Được rồi, chị cứ để mặc tôi sẽ bảo nó. Tính nó giống con nít, càng chiều chuộng lại càng nhõng nhẽo.
 Đến đây thì thiếu phụ đứng dậy, nét mặt phảng phất buồn:
 - Thưa anh... Tất nhiên không phải chỉ là chuyện ấy. Em muốn... Em thật lòng không ngờ anh Bình vẫn ở một mình? Em muốn... Thôi thì anh cũng là người ơn của ba con em, lại là bạn chiến hữu của anh ấy, em chả giấu, tức là em muốn... được mời anh ấy vào sống hẳn ở Sài Gòn. Sống bạn bè, sống hàng xóm láng giềng thôi - Hai gò mà người khách tự dưng đỏ lên, những ngón tay hình búp vặn vẹo vào nhau - Tức là mẹ con em còn một căn hộ ba phòng để trống, em định... nhờ anh ấy vào trông nom hộ. Nếu muốn, anh ấy cứ ngồi nhà, không phải lo đi công sở, lo chuyện lương lậu, hoàn toàn có thể rảnh rang làm nghề, mà không làm thì đi chơi bạn bè, đọc sách, ngao du các tỉnh, tùy anh ấy. Em muốn bù lại cho anh ấy tất cả. Chỉ muốn thôi mà... không hiểu tại sao? Đàn bà chúng em như vậy, anh đừng cười. Tóm lại, em đến đây để nhờ anh thăm dò ý tứ dùm bởi vì, nếu em tự nói ra, nó kỳ thế nào ấy. Có khi Bình không hiểu rồi lại đem lòng khi rẻ em...
 - Thôi được, tôi sẽ nói - Giọng Nam chìm đi bởi một nỗi xốn xang khó tả vừa nhen lên-Nhưng... tôi biết là hơi khó đấy. Tính khi cậu ấy kỳ quặc, nó không giống như người ta.
 Có vẻ như muốn xóa đi chính nỗi xúc động vừa được bộc lộ ra một cách hơi khác thường của mình, thiếu phụ tư lự nhìn ra ngoài phố:
 - Lần này ra, em thấy Hà Nội thay đổi nhiều quá! Rồi thì nơi đây cũng chẳng kém gì bất cứ một phố buôn bán sầm uất nào trong kia cả đâu. Chỉ tiếc... Đúng ra mọi nơi có thể thay đổi nhưng riêng khu phố cổ này cứ đường như thế này, họ sẽ chăm chút lắm.
 Đang nói, cặp mắt vừa dạn dầy vừa chưa mất hết hẳn vẻ mộng mơ của cô khách bất chợt dừng lại tẩm ảnh bán thân của Thảo treo trên tường, tẩm ảnh cô giải phóng quân thắt khăn rần, đội mũ tai bèo. Ánh mắt ấy dừng lại rồi quay đi rồi lại dừng lại...
 - Nhà tôi đó - Nam nhẹ giọng giới thiệu - Hiện đang... đi váng xa.
 - Dạ, em đã nghe anh Bình nói nhưng thú thật em cũng không thể ngờ... chị nhà đẹp đến thế! Không, nói rằng chỉ đẹp cũng không hoàn toàn đúng. Trong cái vẻ đẹp đoan trang của người đàn bà Hà Nội cổ xưa của chị nhà còn có một cái gì đó lạ lắm cơ? Em nói nhé, nhưng anh đừng coi đó là xem tướng số, em chỉ cảm nhận bằng trực giác của đàn bà; trong cái nhìn của chị, em tìm thấy một cái gì đó như là một sự vững bền, sự tinh khiết nhưng lại cũng rất trong suốt, rất mỏng manh, nó giống như...
 Nói đến đó, cô khách thoáng rùng mình và im lặng. Nam cảm nhận cái im lặng đó chính trên da thịt cũng đang nổi gai của mình. Anh nói đưa đà như không hay biết gì:
 - Vâng! Tôi gặp cô ấy trong chiến trường. Cô ấy là người rất tốt, nhân hậu và cho đến nay, chúng tôi chưa có điều gì đáng phần nàn về nhau cả.
 - Anh Nam - Cô khách nhìn thẳng vào mắt anh nói khó nhọc như không định nói nhưng lại không thể không nói - Người ta thường bảo từ bé em đã có khả năng bẩm sinh đặc biệt về cảm nhận trực giác, không hiểu có đúng không nhưng... Em xin lỗi được nói thật, tâm hồn chị nhà mỏng manh lắm, chị ấy sẽ không chịu nổi tiết tấu cuộc sống hiện đại ở bên Tây đâu. Nói thế nào nhỉ? Có lẽ chị ấy là người của thôn dã, của nhịp sống gia đình tĩnh lặng; nếu có thể được thì anh nên thu xếp cho chị ấy trở về, càng nhanh càng tốt. Nếu gọi là cách bày tỏ lòng biết ơn thì em chỉ có thể bày tỏ bằng cách khuyên anh một câu mạo muội như thế, xin anh đừng chấp.
 Nam gượng cười, vẻ trường sinh học đượm trong câu nói ma quái và quá đỗi chân thành kia đã khiến anh tê dại cả đầu óc, cái tê dại tự trong anh đã có, đang có và nay bỗng có người nói to lên.
 Khi anh tĩnh trí nhớ lại thì người khách đã chào anh và đi ra khỏi phòng từ lúc nào? Thay vào đó là sự có mặt của Loan, cũng đẹp đẽ, cũng sang trọng, cũng... nhưng trẻ trung và kênh kiệu hơn nhiều. Cô đặt bịch táo Trung Quốc xuống bàn rồi mỉm cười ranh mãnh.
 - Hóa ra anh Bình hâm nhà mình tưởng khù khờ vậy nhưng lại có giá ghê! Lộng lẫy, kiêu sa lại sẵn sàng làm nô lệ suốt đời mà vẫn còn nguây nguẩy kia đấy.
 -Ơ...Thì ra...
 - Vâng! Hồi nãy định vào nhưng bỗng nghe được tiếng đàn bà thẽ thọt, em quyết định nấp ở ngoài xem ông anh rể nổi tiếng là người đàn ông chỉ biết độc có một người đàn bà giở thói tư tình như thế nào, mà tư tình được cũng tốt thôi, nhưng rất tiếc đó lại là mối tư tình... chiến trận. Nói đùa, người ta nặng nợ với quá khứ thật đấy. Em cứ xin là bái phục.
 Nam tò mò nhìn vào đôi mắt đang cười cười ấy, hỏi nhỏ:
 - Thế... thế còn cái chuyện...
 - Chuyện chị Thảo chứ gì? Người đàn bà mệnh phụ ấy nói có khi đúng đó. Nếu run rồi thì anh nên làm theo lời bà ta. Còn chịu chơi thì cứ để mọi việc nguyên như cũ. Cái gì cần xảy ra thì tự khắc nó sẽ xảy ra, bịt chỗ này nó lại dò chỗ khác, phải không anh?
 Nam đột ngột sầm mặt lại:
 - Đi đi, các người đi cả đi! Có phải vợ con ruột thịt gì của các người đâu mà hè nhau vào đoán già đoán non, mệt lắm!
 Nghe bố to giọng, con bé mơ màng tỉnh dậy, sự mệt mỏi hiện lên ngay ở hai hàng lông mi dài và đen đang cố hé mở ra của nó. vẻ có lỗi, Loan đắp nhẹ chiếc khăn mặt ướt lên trán cháu, lén nhìn anh rể một cái rồi lặng lẽ đi ra.
 Gặp Bình đầu ngõ, đang vừa đi vào vừa ba hoa với anh trưởng phòng quân y đẹp trai, trắng trẻo, cô nói luôn:
 - Đi rồi à?
 - Hả?... Cái gì đi? - Bình ớ ra.
 - Người đàn bà giàu có sẵn sàng tài trợ cho anh suốt đời ấy. Nói thật nhé. Đàn ông các anh khờ lắm! Liên quan đễn chữ nghĩa nghệ thuật càng khờ!
 - Kìa!... Nhưng mà...
 - Còn nhưng cái nỗi gì nữa? Mau ra sân bay mà xin lỗi người ta, chấp nhận tất cả những lời mời của người ta đi, kẻo lại hối đến lúc chết.
 Nhà đạo diễn im lặng giây lát rồi, lần đầu tiên cô gái được nghe từ anh một câu nói chừng mực như thế này:
 - Loan nhầm rồi Loan ạ! Nếu chỉ vì cái đó thì tôi đã không phải đợi đến lúc này, khi đã trên bốn chục tuổi. Tiền bạc và nghệ thuật, hai cái đó không sống chung được đâu. Chưa nói nếu chấp nhận, tôi sẽ đánh mất những kỷ niệm đẹp ở trong chính con người ấy và con người ấy cũng, bằng vô thức, sẽ nhìn nhận tôi khác đi. vả lại - Cái miệng đầy râu lại trở về sự nhấp nháy đùa cợt - Bị quân ngũ quản lý đã ngộp thở rồi, nay lại bị một người đàn bà quản lý nữa thì chịu sao nổi?
 Anh cười nhưng cô gái lại im lặng bỏ đi. Có lẽ đây cũng là lần đầu cô có cái lối im lặng bỏ đi như thế.