Dịch giả: Lê Thành
Chương 2

     ột ly nhé, thuyền trưởng? - Manny hỏi.
Bằng giọng uể oải, tôi đáp:
- Rất tiếc tôi đã cạn túi.
- Chà tiếc thật. Nhưng biết sao bây giờ! Tiền bạc thì thế đó, khi vơi khi đầy. Không sao cả thuyền trưởng hãy ngồi xuống đây, tôi thấy cần phải đãi thuyền trưởng một ly mới được.
- Cám ơn, Manny. Anh thật tốt bụng, nhưng tôi phải đi đây.
Tôi bước ra phía cửa. Manny đi theo tôi. Chưa bao giờ tôi thấy y có vẻ dứt khoát muốn giữ một con bạc đã nhẵn tiền như tôi hôm nay.
- Này, thuyền trưởng...
- Có gì cứ nói, tôi nghe đây.
- Trước đây thuyền trưởng đã cho tôi biết là ông có một dự tính... Vậy, ông có muốn vào văn phòng tôi để chúng ta bàn đến chuyện đó?
Như thế là Manny đã cắn câu. Điều đó làm miệng tôi khô khốc, tim tôi đập mạnh. Tôi phải nắm chặt hai tay để cho những ngón tay bớt run rẩy. Rồi tôi trả lời bằng một giọng cố làm ra vẻ hờ hững:
- Nếu anh muốn thì được thôi. Nhưng chẳng có gì để phải vội cả.
- Thuyền trưởng à, ta đi lối này.
Manny mở cánh cửa bọc da và đưa tôi vào một căn phòng rộng, lót thảm dày, được trang trí rất sang trọng. Mọi thứ ở đây từ cái bàn giấy cho đến cây đèn chùm bằng pha lê, đều đắt giá... và nặng vẻ phô trương.
Manny liếc nhìn tôi trong khi rót đầy hai ly rượu:
- Thuyền trưởng thấy được chứ?
Tôi tặc lưỡi:
- Chắc phải tốn bộn tiền mới có được một văn phòng như thế này.
Thích thú trước lời khen của tôi, Manny mỉm cười:
- Đúng vậy, tôi phải tốn kém rất nhiều. Nhưng, như thuyền trưởng thấy đó, đây là nơi tôi làm việc, vì vậy cần phải có đầy đủ tiện nghi. Hơn nữa, sự sang trọng ở đây có thể gây ấn tượng cho khách hàng...
- Tôi đâu biết anh tiếp khách hàng ở đây.
Tôi nheo mắt và gởi cho y một nụ cười mà chỉ có những kẻ hư hỏng mới hiểu. Nụ cười đó làm cho Manny phải ưỡn ngực hãnh diện và quên rằng y phải bỏ tiền ra để mua những gì mà người khác có thể đạt được bằng tình yêu.
Y nheo mắt đáp trả và nâng ly:
- Nào, ta hãy uống mừng cho sức khỏe của các người đẹp. Điều may mắn là chúng ta luôn có các nàng trong đời!
Hai tôi uống cạn ly, rồi Manny mời tôi ngồi ở một trường kỷ, trong khi y đứng cạnh lò sưởi, tựa khuỷu tay lên bệ đá hoa cương. Đó là một phương thức khá cổ điển: trong tư thế ngồi ta sẽ khó khăn khi chào bán một món hàng cho người đang dứng. Nếu không tin tôi, bạn hãy thử rồi biết. Vì thế tôi cố chọn tư thế ngồi thoải mái nhất. Tôi tựa lưng lên nệm ghế bọc gấm vàng, vắt chéo chân cố thư giãn và để Manny mở đầu câu chuyện.
Một lần nữa, đôi mắt Manny không còn ngời sáng và cũng chẳng chút cảm xúc. Rồi y lên tiếng, giọng dịu dàng nịnh nọt:
- Thuyền trưởng à, ông đang làm nghề gì?
- Anh muốn biết thật ư?
Manny cắn vào đầu chiếc xì gà, chậm rãi mồi lửa, kéo một hơi dài và chỉ điếu xì- gà về phía cửa:
- Khi ở trong sòng bạc thì tôi không quan tâm đến điều đó. Chủ yếu là khách hàng chơi sòng phẳng và thanh toán đầy đủ là được. Thuyền trưởng thuộc số những người sòng phẳng đó. Chính vì vậy mà tôi rất thích được tiếp những người khách như thuyền trưởng. Nhưng bây giờ vấn đề là khác hẳn. Đây là lĩnh vực mà chúng ta sẽ hợp tác làm ăn, nếu chúng ta đồng ý với nhau. Chính vì thế mà tôi cần biết rõ về ông hơn.
Gắn điếu xì gà lên môi, Manny chờ tôi trả lời.
- Tôi thắc mắc muốn biết... anh nghĩ tôi làm nghề gì?
- Thuyền trưởng à, tôi đã nhiều lần tự hỏi điều đó. Ông không phải là quân nhân, tuy bề ngoài xem chừng như vậy. Ông có vẻ như đã có thời ở hải quân. Hoặc ông đang trong ngành kinh doanh len, nhưng tôi thấy ông tiêu xài không rộng: ông đánh bạc thận trọng và mỗi khi hết thẻ, ông ngưng chơi chứ không đeo đẳng. Có thể ông là một đại diện thương mại, nhưng không có vẻ lắm. Hoặc ông có thể là bác sĩ; hay nha sĩ. Như tôi đã nói, tôi thắc mắc về ông, nhưng chưa tìm thấy câu trả lời hợp lý.
- Tôi là sử gia.
Điếu xì gà suýt nữa rơi khỏi miệng Manny.
- Ông nói sao?
- Tôi dạy môn Sử tại trường Đại học Sydney.
Khuôn mặt Manny lộ hẳn vẻ nghi ngờ. Như vậy là tôi đã lấn được một phần sân. Nếu giữ được ưu thế này, có thể tôi có cơ may thành công. Manny im lặng một lúc để lấy lại bình tĩnh trước khi nêu câu hỏi:
- Lương của ông có khá không?
- Một ngàn một trăm bảng Anh mỗi năm: một ngàn hai trăm nếu có những buổi hội thảo.
- Khá bèo! Với dân có trí tuệ thì đó là số tiền khá bèo.
- Chính vì thế mà tôi nghĩ đến chuyện kinh doanh.
- Để kinh doanh thì phải có vốn. Ông có được bao nhiêu?
Tôi đứng dậy và một lần nữa, tung đồng tiền vàng lên, trước mặt Manny:
- Tôi có cái này.
- Đáng giá bao nhiêu?
- Theo trọng lượng vàng thì nó đáng giá khoảng sáu bảng Anh. Nếu để sưu tập thì trị giá ba mươi bảng. Tôi đã nhờ các chuyên gia thẩm định giá trị của nó.
- Thuyền trưởng à, với thứ đó thì ông có thể dùng để mua bắp rang ở lề đường. Tầm cỡ như Manny Mannix này thì không quan tâm.
Tôi biết đây là cái lúc quyết định. Nếu vấp phải một lỗi lầm nho nhỏ thì cả tôi và kho tàng của tôi phải lãnh một hệ lụy khôn lường. Tôi mỉm cười và rót thêm một cốc rượu. Cái thái độ này của tôi sẽ lung lạc Manny và khơi dậy ở y một sự quan tâm mới mẻ. Sau khi bước đến bên lò sưởi, tôi nâng ly chúc sức khỏe Manny. Rồi tôi bình thản nói:
- Manny à, cái nhược điểm lớn nhất của hạng người như anh đó là tưởng rằng mình biết mọi chuyện và chẳng ai có thể giúp họ học hỏi thêm.
Manny đỏ mặt vì giận, nhưng vẫn giữ bình tĩnh:
- Như vậy, hẳn thuyền trưởng đã trông thấy cái điều mà tôi chưa biết ư? Tôi có tất cả những gì mình mơ ước... Tôi đã mua chúng bằng tiền mặt, và còn khá bộn tiền trong ngân hàng. Tôi không thấy cần phải học hỏi điều gì ở thuyền trưởng.
- Cần chứ, chẳng hạn như biết về xuất xứ của đồng tiền vàng này.
- Thì thuyền trưởng cứ nói đi: Nó xuất phát từ đâu?
- Từ một con tàu Tây Ban Nha đã nhổ neo tại Acapulco vào tháng Mười 1732, để đi Manila, nhưng đã bị đắm ngoài khơi.
Vẻ căng thẳng không còn trên mặt Manny. Y mỉm cười thoải mái:
- Lại chuyện kho tàng phải không? Cái trò xưa như trái đất để phỉnh gạt lũ ngu ngốc. Phải chăng thuyền trưởng có trong tay tấm bảng đồ của một tên hải tặc? Thứ đó được bán la liệt ở vùng đảo Caribbean với giá năm đô-la thôi. Dân bản xứ vẽ ra thứ đó để bán cho các khách du lịch ngu ngốc.
- Manny à, tôi không có bản đồ.
- Vậy, ông có thứ gì?
Lấy từ túi áo ra lá thư của Cục Lưu trữ Acapulco, tôi trao cho Manny. Y đọc với vẻ khó khăn, cố hiểu những lời lẽ trang trọng được viết bằng một thứ tiếng Anh quý phái. Rồi gõ ngón tay vào lá thư, y ngước mắt nhìn tôi.
- Cái này là thứ thiệt chứ?
- Dĩ nhiên. Chẳng ai dại gì để giả mạo một lá thư như thế vì chỉ cần một cú điện là ta có thể kiếm tra xem nó thật hay giã.
Manny gật đầu:
- Đúng... đúng. Có lý... Nhưng lá thư này không nói hết những điều cần thiết. Hẳn đã có một con tàu: hẳn đồng tiền của ông xuất phát từ con tàu ấy, nhưng chẳng có gì để chứng minh cả.
- Chính vì thế mà cần có tôi. Như tôi đã nói với anh tôi là sử gia. Công việc của tôi là thâu lượm những dữ liệu lịch sử, xem xét và đánh giá chúng. Giờ đây tôi, tôi đã có đủ tư liệu để chứng minh rằng con tàu ấy đã bị đắm gần cái nơi mà tôi đã tìm thấy đồng tiền này.
- Chỗ đó ở đâu?
Lúc này, tôi biết phần thắng đã thuộc về tôi. Manny không còn huơ huơ điếu xì gà nữa. Đôi mắt, của y ngời sáng trở lại và tôi phát hiện trong đó cái khao khát tò mò và tham vọng của con buôn đang cân nhắc phần hơn thiệt giữa mức đầu tư và số tiền sẽ gặt hái. Giờ đây tôi có thể chứng tỏ tài năng của mình khi giáng cho Manny một nhát sau cùng, tựa như giật mạnh lưỡi câu khi con cá đã đuối sức.
Tôi từ tốn nói:
- Manny à, đó là điều chỉ riêng tôi biết. Chính tôi đã lượm đồng tiền vàng ở đó. Nhưng chỉ sau khi chúng ta ký xong hợp đồng đúng như quy định thì tôi mới tiết lộ cho anh về tọa độ của con tàu.
- Thuyền trưởng cần bao nhiêu tiền?
- Một ngàn bảng Anh cho phần hợp tác của tôi cùng với một phí tổn trong việc trục vớt kho tàng.
Như thế là tôi đã đánh những con bài sau cùng và chẳng còn gì để nói nữa. Bây giờ, đến lược Manny.
Nhưng y còn nhiều thắc mắc để nêu ra:
- Giả thiết rằng chúng ta sẽ tìm thấy con tàu đúng ở vị trí đã định, thì chúng ta hy vọng sẽ có được bao nhiêu tiền?
- Lá thư cho biết con tàu chở theo hai mươi hòm tiền vàng... Tôi không thể định giá một cách chính xác... Có thể hai mươi hoặc ba mươi ngàn bảng Anh... nhưng cũng có thể nhiều hơn.
- Nếu đó là con tàu dỏm do bọn bịp bợm dàn cảnh thì tôi sẽ mất trắng.
- Đúng, nhưng anh khỏi phải sợ chuyện đó. Chính tôi và vợ tôi đả tìm thấy đồng tiền vàng này.
Manny thắc mắc liếc nhìn tôi:
- Ông không hề cho tôi biết là ông đã có vợ.
- Một tháng sau kết hôn thì nhà tôi qua đời.
- Chà, thật đáng tiếc.
Manny tặc lưỡi rồi nêu lên câu hỏi thứ hai:
- Ông đòi một ngàn bảng Anh cho riêng ông, ngoài ra, phần phí tổn để trục vớt kho tàng là bao nhieu?
- Khoảng hai ngàn bảng Anh. Có thể tiết kiệm hơn, nhưng công việc sẽ trở nên khó khăn.
- Với số tiền bỏ ra tôi sẽ được gì?
Rõ ràng là Manny đã quan tâm đến cái kho tàng dưới đáy biển và chúng tôi đã tiến nhanh từ lý thuyết đến thực tiễn đến nỗi tôi đã quên hẳn sự thận trọng và thành thật trả lời:
- Anh có thể mua hòn đảo với giá năm trăm bảng Anh và được toàn quyền hường những gì anh khai thác được. Như vậy pháp luật sẽ công nhận quyền của anh trên kho tàng mà anh trục vớt trong vùng biển kề cận hòn đảo. Kế đó anh phải có một thuyền yard loại đi biển, bộ đô lặn hiện đại, lương thực dự trữ và, vào giai đoạn cuối, một thợ lặn chuyên nghiệp. Tôi sẽ liệt kê cho anh một danh sách đầy đủ những thứ cần thiết, sau khi chúng ta đã ký hợp đồng.
Tôi vừa mắc vô cái bẫy do chính tôi gây ra, nhưng lúc đó tôi chưa có thể biết. Chỉ sau này tôi mới hiểu ra. Lúc đó tôi thấy Manny mỉm cười mà chẳng hiểu vì sao. Khi y bước đến bên chai rượu để rót một ly thứ ba tôi tưởng rằng y đã chấp nhận lời đề nghị của tôi. Điều đó chứng tỏ rằng tôi chẳng am hiểu Manny và tôi quả đúng là mẫu người như Manny đã nghĩ: tôi chỉ là một sử gia khờ khạo, không tiếp thu được những bài học sơ đẳng của lịch sử, trong đó nêu bật tính phù vân của những ham muốn của con người, tính phù phiếm của đàn bà và một kẻ ngu ngốc thì sẽ chẳng bao giờ có cơ may, bởi nó chẳng xứng để được hưởng.
Manny trở lại với hai ly cocktail trên tay. Chúng tôi nâng ly, mỉm cười thân thiện. Rồi, bằng giọng bình thản, Manny nói:
- Thuyền trường à, tôi rất tiếc. Tôi không thể hợp tác với ông. Tôi có cảm tưởng như vừa lãnh một cú đấm thẳng vào mặt.
Nụ cười của Manny trông tươi tắn hơn.
Phần tôi, tôi không cười nổi. Tôi cảm thấy nhục nhã, mệt mỏi, phát bệnh và chỉ muốn về nhà. Chính lúc đó, Manny cho tôi một phát súng ân huệ:
- Này thuyền trưởng, để chứng tỏ thiện cảm của tôi đối với ông, tôi sẽ mua đồng tiền đó của ông với giá ba mươi bảng Anh như ông đã định. Nó rất hợp cho cái vòng đeo tay của cô bé của tôi.
Chẳng hiểu sao nữa, tôi đã bật cười. Tôi tung đồng tiền lên rồi chụp lấy và nói với Manny:
- Tôi sẽ trao cho anh đồng tiền nếu anh đồng ý cho tôi uống rượu suốt đêm tại bar.
Manny nhìn tôi bằng ánh mắt khinh bỉ. Rồi y bước đến bàn giấy và đếm ba mươi tờ bảng Anh mới toanh. Y cuộn tròn, dùng sợi thun buộc lại và đặt vào lòng bàn tay của tôi.
Y nói:
- Thuyền trưởng à, tôi khuyên ông một điều là hãy uống rượu ở bar và chớ lân la đến các bàn ru-lét. Thể theo yêu cầu của ông, ông có quyền uống cho đến khi hết khát thì thôi.
- Cám ơn, Manny. Rất cảm ơn.
- Chúc thuyền trương một đêm thật đẹp.
Tôi còn nhớ là tôi đã đi ra bar và gọi một cốc lớn Scotch.
Sau đó là hư vô màu đen...
Chín giờ sáng hôm sau, ngài hiệu trưởng trường Đại học Sydney thấy tôi ngủ say dưới một gốc cây, gần văn phòng của ông.
Cũng ngày hôm ấy, lúc bốn giờ chiều, ban giám hiệu trường chấp nhận đơn xin thôi việc của tôi. Như vậy thì tôi thất nghiệp, chẳng có tương lai, với khoảng hơn 100 bảng Anh trong túi, và thật khờ vì nát rượu. Sở dĩ tôi có đến hơn 100 bảng Anh là vì Manny đối xử khá tử tế với tôi. Trước khi đẩy tôi ra khỏi sòng bạc, y đã ghim ba mươi bảng Anh trong túi trong áo vest của tôi kèm với một dòng chữ: “Thành thật cáo lỗi, nhưng thuyền trưởng quậy quá!”
Manny là như thế: nhân từ và dí dõm.