Nặng hơn ám ảnh
Tác giả: Vương Trọng

     on ở đây kìa mà, mẹ ơi! Mẹ không nhận ra con của mẹ hay sao? Con mới xa mẹ bốn năm, ừ thì hơn bốn năm mấy tháng nhưng mà sao mẹ không nhận ra con? Dù con đi xa thì xa thật, dù con không còn trở về đến nhà nhưng mẹ đã tìm đến đây mẹ phải xích sát lại với con của mẹ chứ? Mẹ ơi, mẹ giận con à? Còn có lỗi gì đâu hở mẹ? Sao mẹ lại bỏ con mẹ đi? Mẹ ơi… mẹ.
-Chị nhầm rồi chị ạ, sao chị lại khóc lóc và kể lể với tôi? Tôi không hề biết chị là ai. Tôi mới mười tám tuổi tròn, ngoài mẹ tôi ra tôi không có một người đàn bà nào thân thiết. Chị đi đi, đừng khóc nữa. Những giọt nước mắt kia phải được rơi đúng chỗ với những kỷ niệm chị nhắc tới. Với tôi những điều chị nói hoàn toàn xa lạ, không thể gọi là kỷ niệm được…
-Lung tung hết, hỗn độn hết, không còn tôn ti trật tự nào nữa. Tên tôi ghi trong khai sinh là do bố tôi đặt cho. Ông cụ là người thâm nho, khi đặt tên cho con thường cân nhắc kĩ lưỡng lắm nên tên con bao giờ cũng có nghĩa. Ai lại một thoáng có kể đổi tên tuổi quê hương dễ dàng như vậy. Phải trả lại tên cho tôi, trả ngay đi…
Chị Oanh tái mặt nghe lời chồng mê sảng. Người anh sốt hầm hập, lúc đắp cả hai chăn bông, lúc lại đạp tung ra. Từ sáng đến giờ chị ngồi bên giường với chồng, nhưng bây giờ nghe những lời anh nói bỗng chị thấy sợ. Sao mẹ đi chợ lâu về thế? Lúc ra đi mẹ có biết anh bị sốt rồi kia mà? Trời ơi chỉ mới hôm qua đây thôi, được ở nhà một mình với anh, sao mà hạnh phúc. Chị đã bao lần khen mẹ sao mà tâm lý thế. Nhưng hôm nay chị sợ trước những lời mê sảng chẳng có ý nghĩa gì. Anh ốm thì anh nằm, chị có thể phục vụ tất cả mọi điều nhưng chị xin anh đừng nói những điều như vậy làm chị sợ.
Cũng may lúc đó bà cụ đã về đến sân. Chị vội vàng đứng dậy:
-Mẹ ơi, mẹ vào đây với con. Không biết nhà con sốt nóng thế nào mà cứ nói lung tung làm con sợ lắm.
Bà cụ vôi vàng đặt cái mủng đầy ắp các loại thực phẩm xuống ghế, đến bên giường với con trai theo lời khẩn cầu của con dâu. Bà chà bàn tay mình vào áo cho thật khô rồi nhẹ nhàng đặt lên trán con. Ngay tức khắc mắt Hiếu-tên người con trai-mở ra nhìn ngơ ngác, xa lạc. Mắt có nhiều lòng trắng khác thường khiến bà hơi rợn. Chưa bao giờ con trai bà nhìn và như thế. Bà thấy yên tâm hơn khi đôi mắt ấy từ từ khép lại, nghĩ là con tiếp tục ngủ, nhưng từ mồm con lại cất lên giọng hoàn toàn khác hẳn:
-Bà là ai, sao bà lại đến đây với tôi? Bà tìm con trai bà à? Thế thì bà tìm đi, tìm xung quanh đây, tìm bên kia, tìm mọi nơi thế nào bà cũng gặp. Tôi đợ mẹ tôi thôi, tôi đâu có đợi bà? Con trai bà chắc chắc đang đợi bà đấy, nhưng không phải ở đây.
-Con nói gì vậy, Hiếu ơi? Mẹ vừa đi chợ mua bánh cuốn về cho con đây, thứ bánh cuốn hôm qua mẹ đã mua mà con khen bánh cuốn quê mình ngon nhất đó mà!
-Bà nhầm rồi, bà vào đây không được lâu đâu. Bà hãy đến với con bà, để tôi nằm yên, tôi đợi mẹ tôi!
Tay Hiếu quờ lên, hất bàn tay mẹ ra khỏi trán mình rồi trở mình quay mặt vào tường như không muốn đón nhận sự săn sóc của mẹ.
Oanh sợ hãi nhìn mẹ chồng:
-Có lẽ phải đi mời bác sĩ thôi mẹ ạ.
Bà cụ nói giọng lo lắng:
-Không biết tại sao nó lại nói lung tung như thế? Hồi chưa đi bộ đội có nhiều lần nó ốm, có lúc sốt cao hơn bốn mươi độ nhưng không hề mê sảng một lời. Con ở nhà, mẹ đi mời bác sĩ đến khám xem thuốc thang ra sao.
Oanh đứng dậy:
-Mẹ vừa mới đi chợ về, mẹ ngồi đây với anh Hiếu, để con đi mời bác sĩ cho. Từ đây sang xóm Hạ con đạp xe một chốc là đến thôi mà!
-Ừ thì con đi cũng được. Nếu đến nhà không gặp thì con lại ra bệnh viện.
Bác sĩ đến khi Hiếu đang mê sảng. Lần này không chỉ miệng nói, hai bàn tay anh đưa ra phía trước, lúc như cầu xin, lúc như xua đuổi. Bác sĩ ngồi xuống giường, Hiếu lại quay mặt vào tường, nằm im. Bác sĩ rút cái đo nhiệt độ trong túi đồ nghề ra và vẩy vẩy mấy cái.
-Anh cặp nhiệt độ xem sao!
Bác sĩ nhắc lại hai lần đề nghị đó nhưng Hiếu vẫn nằm im, ông đành tự tay mở cúc áo sơ mi quân phục của bệnh nhân rồi nhét cái đo nhiệt độ vào nách. Sau khi hút gần tàn điếu thuốc ông lấy cái đo nhiệt độ ra, nâng lên ngang tầm mắt xem xét:
-Gần bốn mươi độ. Mê sảng do sốt cao. Chỉ cần uống mấy viên hạ sốt là khỏi.
Nghe bác sĩ nói, bà cụ và Oanh thật mừng. Nhưng niềm mừng đó không được bao lâu: Ba ngày sau khi đã uống hết liều thuốc bac sĩ chỉ định mà theo ông là bệnh “tiệt nọc” thì Hiếu vẫn sốt từng cơn mê sảng liên hồi. Chỉ có điều lạ là đến bữa ăn anh thường tỉnh và ăn uống không đến nỗi nào, suốt bữa ăn không hề nói một lời, uống nước rồi lại nằm lăn xuống giường, kéo chăn đắp.
Bác sĩ còn ghé nhà mấy lần nữa thăm bệnh nhân và cho thuốc nhưng bệnh tình của Hiếu không có chiều thuyên giảm. Đến ngày thứ sáu kể từ khi Hiếu lâm bệnh, bác sĩ tỏ ra hoang mang nên khi Oanh đến mời, ông không còn sốt sắng nữa. Bà cụ quyết định mời thầy thuốc đông y. Thầy thuốc đông y là một ông già to cao, tóc bạc, da dẻ hồng hào, nói oang oang từ ngoài sân:
-Không quen với thổ ngơi, khí hậu quê hương hay sao mà mới về được mấy ngày là ốm với đau? Hay là biết vợ mình chiều mình, yêu mình rồi làm nũng.
Ông già ngồi xuống mé giường, dùng hai tay xoay người hiếu về phía mình, để một tay Hiếu lên đùi ông, bắt mạch. Lúc đó bà cụ đang đun nước ở dưới nhà, ông hỏi Oanh:
-Tính đến hôm nay, anh Hiếu về nhà được mấy hôm rồi?
-Dạ thưa ông, đúng mười hôm rồi đấy ạ!
-Anh bị bệnh hôm nay là ngày thứ mấy?
-Dạ, thứ sáu ạ!
-Thế là anh về được bốn hôm thì bệnh. Trong bốn hôm ấy có chuyện gì xảy ra với anh Hiếu, đối với gia đình cô nói hết cho tôi biết.
-Dạ…
Mặt Oanh đỏ lên, lúng túng. Anh mới về được bốn hôm thì có chuyện gì xảy ra được chứ? Chẳng lẽ lại kể với ông về tình cảm vợ chồng. Chăng ai hạnh phúc bằng cô đêm hôm đó. Sau năm năm chờ đợi, cô mới gặp lại anh ngay trên cái giường và chiếc gối đôi mà cô tự sắm lấy trong những ngày anh xa. Anh nhập ngũ để bổ sung cho chiến trường Tây Nam còn cô trong hai mươi tuổi, học sinh năm cuối cùng của trường trung cấp sư phạm. Anh nghỉ gần hết nửa phép rồi mới gặp cô, không biết duyên số thế nào, vừa gặp anh là cô bị hút như nam châm gặp sắt. Thế rồi đám cưới được tổ chức, khi phía sau của anh chỉ còn ba ngày phép và vì thế cô cũng chỉ xin phép nhà trưởng nghỉ học bốn ngày. Đêm tân hôn ngỡ ngàng, lo sợ lấn át hạnh phúc. Chưa quen hơi bén tiếng thì đã đến ngày đèo balô đưa anh ra bến xe để anh đi về nơi đối với cô hết sức mơ hồ trong bốn chữ “mặt trận Tây Nam”. Năm năm trời anh mới trở về. Anh không béo tốt nhưng rắn chắc và khỏe mạnh và điều đáng kể hơn đối với cô là anh được ra quân. Đêm nằm trong vòng tay rắn rỏi của anh, ngoài trời mưa ngâu tí tách, nghĩ chuyện từ nay không còn phải xa nhau, cô mới hiểu thế nào là hạnh phúc. Ba đêm liền anh và cô sống như thế. Ba đêm liền giữa hai người hầu như không có khoảng cách. Sau đêm đầu tiên, cô gỡ vòng tay anh ra để thức dậy nấu nướng, nhưng xuống bếp đã thấy lửa đỏ và mùi xôi mới thơm phức. Thấy cô bước vào, bà cụ bảo:
-Con trở về giường với chồng con đi. Chuyện cơm nước đã có mẹ, con đừng để chồng con phải nằm một mình, nó phải nằm một mình quá nhiều rồi.
Trăm lần cô muốn nói lời cảm ơn mẹ nhưng cô không quen nói lời như thế với người quá gần gũi, yêu thương mình trong suốt năm năm cô sống xa chồng. Cô chỉ biết đứng lặng nhìn mẹ, nhìn ngọn lửa rực rỡ, ấm áp nhảy múa rồi chạy ngược lên căn phòng phía trên, ngã mình vào vòng tay mở sẵn của anh. Hình như anh đang thức đợi cô trở lại, nên khi thân thể ấm áp của cô vừa ngả xuống cánh tay thì anh ôm ghì lấy, trao cô những cái hôn mãnh liệt.
Ba đêm đầu cô và anh đã sống với nhau như thế. Đến đêm thứ tư, anh đặt lưng nằm xuống là ngủ ngay. Mấy lần cô gợi chuyện không thấy anh trả lời rồi cô cũng nép vào anh mà ngủ. Hạnh phúc của niềm hoan lạc phải kể đến giấc ngủ tiếp theo, không biết có quyển sách nào có nói như vậy.
Khoảng nửa đêm, cô tỉnh dậy, thấy anh xoay lưng về phía mình, ngủ say. Cỗ bỗng thấy cô đơn, thiếu thốn. Niềm khao khát thức dậy trong người cô đòi hỏi được anh thoả mãn. Cô lay vai anh, anh vẫn nằm yên, cô định dùng sức mình để xoay người anh lại phía mình, bỗng anh gạt tay cô ra và nói bằng giọng hết sức xa lạ:
-Lộn xộn hết cả rồi, lung tung hết cả rồi. Tên tuổi quê quán, vợ con chẳng biết đâu mà lần…
-Anh Hiếu, anh nói gì vậy, em đây mà. Oanh đây, vợ của anh đây.
Cô áp má vào má anh bỗng thấy má anh nóng bỏng. Thì ra anh đang sốt.
Mọi chuyện chỉ có như thế, nhưng chả lẽ lại nói ra với thầy thuốc hay sao. Nhưng làm thinh lâu cũng không tiện, cuối cùng Oanh trả lời:
-Anh Hiếu mới về được mấy hôm đã có chuyện gì đâu mà đến nửa đêm thứ tư thì anh bắt đầu lên cơn sốt.
Thầy thuốc đặt tay Hiếu xuống chiếu, gật gật đầu:
-Mạch trầm… bệnh không chóng khỏi. Khi mê sảng anh Hiếu thường nói những chuyện gì?
Oanh trả lời:
-Anh ấy nói như giọng của ai ấy, cháu nghe sợ lắm. Chẳng có chuyện gì ra chuyện gì, toàn những từ “lung tung”, “lộn xộn” lúc như xua đuổi, lúc như mời mọc ai đó.
Thầy thuốc lại gật đầu. Ông đứng dậy đi tới cái bàn Oanh vẫn thường dùng để soạn giáo án và chấm bài. Ông kê đơn thuốc căn dặn người nhà thật tỉ mỉ.
Uống hết ba thang thuốc đông y, bệnh tình của Hiếu vẫn không có dấu hiệu gì của thuyên giảm. Vẫn sốt, vẫn mê sảng, duy có điều làm người nhà đỡ lo hơn anh vẫn ăn được. Buổi sáng hôm đó, Oanh định sang nhà thầy thuốc để mời ông tới bắt mạch, kê đơn mới cho chồng, thì nhà có khách. Đó là một thanh niên còn trẻ, mặc quân phục, đầu trần, môi thâm, mặt tái xám. Mặc dù khách chưa tự giới thiệu, nhưng nhìn nước da sốt rét của anh, Oanh vẫn đoán khách là bạn chiến trường Tây Nam của chồng mình. Người khách sững lại khi nghe tin Hiếu bị ốm và đòi vào tận giường thăm anh.
Hiếu vẫn nằm quay mặt vào phía trong, khách ngồi xuống sờ tay lên trán:
-Anh Hiếu ơ, Dũng đã sang thăm anh đây. Tưởng người ốm là em, chứ ai ngờ lại là anh. Mấy năm ở bên đó có ai thấy anh đau yếu là gì!
Hiếu xoay người lại, mắt mở trừng trừng nhìn Dũng rồi xoay mặt đi:
-Lẫn lộn, lung tung hết cả rồi. Làm sao, làm sao bây giờ. Tên tuổi, quê hương sai lung tung hết. Thôi bà con ơi, đã bảo bà đi đi, đi mà tìm con bà. Tại sao bà lại khóc với tôi, tại sao bà lại kể lể với tôi. Con bà đang muốn nghe lời bà, tôi muốn nghe lời mẹ tôi chứ! Và cô nữa, sao cô lại bảo cô là vợ tôi? Tôi mới mười chín tuổi làm gì đã có vợ. Cô đi đi, chồng cô nằm gần đây thôi.
Tay Hiếu dứt khoát đẩy tay Dũng ra khỏi vai mình, Dũng thất thần quay lại, chị Oanh nói:
-Mấy ngày nay khi mê sảng nhà tôi toàn nói những chuyện như thế. Toàn nói chuyện sai lầm, lẫn lộn tên tuổi quê hương… Có phải chú cùng ra quân một lần với anh Hiếu không?
-Đúng thế chị ạ. Hôm chia tay, em hẹn về nhà ít hôm rồi sang chơi với anh. Chị vẫn dạy ở trường thị trấn, phải không?
-Thế ra nhà tôi đã nói chuyện với chú.
-Anh Hiếu đã uống những thuốc gì hả chị?
-Mời chú uống nước. Tây y, đông y đều dùng cả nhưng sao bệnh không thấy giảm…
Bỗng Hiếu ú ớ làm hai người quay lại:
-Mưa! Mưa to quá ướt hết cả rồi. Mất tên mất tuổi rồi!
Lời nói đó của Hiếu hoàn toàn vô nghĩa đối với Oanh nhưng làm Dũng giật thót mình. Có thể thế nào lại như thế được? Đúng rồi, từ lúc đên đây nghe lời nào anh ta nói cũng liên quan đến chuyện đó. Dũng bần thần nhìn Oanh, mình có nên kể lại cho chị nghe hay không? Nhưng kể mà làm gì, chẳng có cách nào sửa chữa được sai lầm đó.
Rót thêm một chén nước nữa cho Dũng, Oanh nói:
-Chú làm ơn ngồi với anh Hiếu một lú, tôi sang hàng xóm tìm bà cụ, bà đang đi tìm lá thuốc Nam…
-Vâng, chị cứ đi đi, tôi trông cho. Hồi ở đơn vị tôi làm y tá đấy chị ạ.
Chị Oanh đi rồi, Dũng chầm chậm nhìn Hiếu như cố kiểm tra lại những điều mình phỏng đoán có đúng hay không. Hai người cùng huyện, ở hai xã kề nhau, cùng ra quân một ngày, chỉ khác nhau về cấp bậc, chức vụ: Hiếu thượng uý, cán bộ đại đội còn Dũng là trung sĩ, y tá tiểu đoàn. Hôm đó vì có quân hàm cao nhất trong đoàn nghỉ phép và ra quân nên Hiếu được cử làm đoàn trưởng trên đường về nước, khởi hành từ một địa điểm phía tây Bát Đom Boong. Trước khi lên đường, trung đoàn trưởng còn giao cho đoàn một nhiệm vụ khá nặng nề là đưa mười tử sĩ về nước, chôn cất tử tế vào nghĩa trang trước khi về quê hương. Khi Dũng cùng mấy bạn nữa mang balô ra xe thì thấy mười quan tài màu đỏ xếp sẵn trên thùng xe Din, mỗi hàng năm chiếc. Danh sách tử sĩ thì trung đoàn trưởng trực tiếp trao cho Hiếu. Xe chạy bụi bay mù mịt. Theo thời tiết thì đã qua mùa khô lâu rồi nhưng vùng đồi núi phía tây này vẫn chưa có hạt mưa nào. Không mưa chỉ khổ những người ở lại, đối với những người trên đường về nước này, dù có bụi một tí cũng chẳng sao, tốc độ của xe không hề giảm xuống. Chạy được hơn một ngày, đến đêm thứ hai thì trời đổ mưa, ngửa mặt hứng nước mưa vào miệng. Những cơn khát, nóng bức và bụi bậm mau chóng qua đi nhường cho rét mướt, vì quần áo ướt mèm và xe chạy nhanh, gió quận phần phật. Quá nửa đêm xe qua biên giới, mờ sáng xe dừng lại trước nghĩa trang thì cơn mưa tạnh. Thượng uý Hiếu từ trong cabin mở cửa chui ra đi về phía sau ra lệnh cho khênh quan tài xuống đất. Khi mười quan tài được xếp hàng trên cửa nghĩa trang, chính Dũng là người đầu tiên phát hiện ra rằng những dòng chữ viết bằng phấn ghi tên năm liệt sĩ ở năm quan tài xếp hàn trên mưa trôi đi không còn lại một dấu vết nào.
-Anh Hiếu ơi, làm thế nào, năm quan tài này không còn tên nữa? Hiếu đi lại tận nơi, cúi mặt nhìn lần lượt trên năm tấm ván thiên nhưng không còn nghe thấy gì khác ngoài màu đỏ nhợt nhạt. Anh biết nếu không rõ tên liệt sĩ, người trông coi nghĩa trang sẽ không cho mai táng, bởi thế cần phải xử lý điều không hay này thật nhanh, trước giờ nghĩa trang mở cửa. Anh mở túi ngực xem lại danh sách mười tử sĩ, mới biết năm liệt sĩ bị trôi mất tên ở phía sau danh sách. Anh hỏi Dũng:
-Có mẩu phấn trắng nào đó không?
-Không anh ạ. Từ khi sang Campuchia đến giờ em không hề trông thấy mẩu phấn nào.
-Thế thì chạy đại tìm một mẩu gạch non hoặc là mẩu than hay bất cứ cái gì có thể viết được.
Dũng tìm được một mẩu son đỏ, quay lại Hiếu bảo:
-Viết đi, tớ đọc cho. Viết từ quan tài này trở đi: Nguyễn Văn Hùng, Trần Hữu Hải, Lã Văn Thanh, Ngô Văn Nuôi, Bùi Chí.
-Mình ghi tuỳ tiện thế này sợ không đúng tên liệt sĩ thì sao anh?
Một đồng chí theo dõi Dũng viết thế hỏi. Hiếu nghiêm sắc mặt hỏi lại:
-Thì làm thế nào cho đúng được khi tên tuổi mưa đã trôi sạch trơn? Phải chờ quay trở lại Bát Đom Boong để truy lai tên chắc? Quan tài thì đóng chặt rồi mình không có quyền mở ra. Mà có mở ra thì bọn mình cũng chẳng nhận được ai là ai. Theo cậu thì nên làm thế nào?
Cậu lính trẻ lúng túng:
-Em thì cũng chẳng biết giải quyết bằng cách nào, nhưng cứ đề tên lung tung thế em thấy không ổn, nhất là sau này cha mẹ vợ liệt sĩ đến viếng thì nghĩ thật đau lòng…
Khi đó Dũng dừng viết ngửng lên hỏi:
-Hay là ta dừng lại ít ngày, đánh điện về đơn vị để trung đoàn cử quân y mang sổ sức khỏe của năm liệt sĩ về đây xác định lại…
-Thôi đừng hâm nữa ông ơi-Hiếu nói-Vả lại có lầm thì chẳng qua là lầm tên của liệt sĩ này sang liệt sĩ khác chứ có nhầm tên của Pol Pot mà phải phân vân. Viết đi, sắp đến giờ mở cửa rồi đấy!
Thế là mười liệt sĩ được chôn xuống, mười tấm bia được dựng lên. Đoàn quân ra quân, về phép theo nước mã hồi chia nhau về quê hương mình.
Vì người cùng huyện nên Dũng và Hiếu đi chung đường với nhau lâu nhất. Nhưng cũng từ đó Dũng trở nên ít nói và nhìn Hiếu bằng con mắt khác. Trước đây Dũng thường khoe với bạn về Hiếu, người đồng hương cùng xã-vì hai xã gần nhau nên Dũng rút lại khoảng cách như vậy-đẹp trai, học giỏi, là cán bộ đại đội có năng lực nhất của trung đoàn thì bây giờ anh thấy hối hận cho những lời biểu dương và niềm tự hào của mình. Bởi thế khi chia tay nhau, Hiếu dặn chỉ sau vài ngày thế nào Dũng cũng phải sang chơi, nhưng về nhà Dũng chần chừ mãi lúc đầu anh đã định không sang nhà Hiếu nữa, nhưng rồi anh quyết định phải sang để tranh luận với Hiếu về chuyện này, không ngờ Hiếu đang bị bệnh và mê sảng những điều chính Dũng vẫn day dứt từ hôm về đến nay.
Chị Oanh gọi mẹ chồng về nhà, hình như chị giới thiệu trước về Dũng nên khi vào thềm bà cụ đã gọi ngay:
-Cháu đến đúng lúc quá, có thuốc gì cháu mách bác với, chứ bác chẳng biết làm sao!
Bà cụ lại ngồi xuống giường cạnh Dũng sờ tay lên trán Hiếu.
Sốt không cao, nhưng mặt Hiếu trông dại hẳn đi. Vẻ rắn chắc từng trải hôm mang balô trở về nhà biến đi đâu hết. Sao hạnh phúc của bà ngắn ngủi đến thế? Sáu mươi tuổi đầu bà vẫn chưa có cháu bế bồng. Bà trông mong con trai trở về không kém gì con dâu mong chồng. Ba ngày đầu Hiếu vè trông bà như trẻ thêm mấy tuổi, miệng luôn bỏm bẻm nhai trầu và xởi lởi với mọi người. Không ngờ đứa con trai duy nhất của bà lại lâm bệnh, thứ bệnh lạ lùng làm các thầy thuốc phải lặng lẽ rút lui…
-Máu tôi chảy hết rồi thì tên tôi phải là máu trắng chứ. Màu đỏ không phải tên tôi! Lừa dối, lừa dối!
Câu nói cứ như hét lên bất ngờ của Hiếu cắt đứng dòng suỹ nghĩ của bà mẹ và làm Dũng giật mình. Bà mẹ quay lại nhìn Dũng:
-Con có hiểu gì về nó nói không? Nó toàn nói những câu như ma ám cả, nhà này không ai hiểu chút gì.
Dũng không biết trả lời ra sao thì tay bà lại sờ lên trán con, dỗ dành:
-Con trai của mẹ, con vừa nói gi nói lại cho mẹ nghe đi, cho cả chú Dũng bạn của con đến thăm con nghe nữa.
Hiếu mở mắt nhìn mẹ trừng trừng rồi hất tay mẹ ra khỏi trán mình, lùi sát vào tường:
-Đã bảo bà nhầm rồi, tôi không phải là con của bà, con trai bà nằm đằng kia… màu trắng… màu trắng… màu đỏ…
Những tiếng về cuối nhỏ dần, nhỏ dần rồi tắt hẳn.
Mấy năm làm quân y ở chiến trường ác liệt đó, Dũng đã chứng kiến nhiều cơn mê sảng của thương binh khi sốt cao: sốt do vì trùng sốt rét và do vết thương. Trong “cơn mê sảng” thương bình thường gọi tên những người thân trong nhà như cha, mẹ, vợ, con.
-Chú Dũng ơi, có lẽ ta nên đưa anh Hiếu đi bệnh viện thôi.
Oanh đề nghị, Dũng biết bệnh viẹn khi sốt cao mê sảng thì người ta dùng thuốc hạ sốt, nhưng anh Hiếu sốt không cao mà mê sảng thi không hiểu họ sẽ dùng thuốc gì. Tuy thế, anh vẫn tán thành:
-Đúng đấy chị ạ, ở nhà chị em mình chẳng biết đâu mà lần.
Làng Trung quê Hiếu là một làng nhỏ, cách xa đường ô tô chừng vài cây số. Bệnh nhân cấp cứu lên bệnh viện chỉ có một phương tiện duy nhất là dùng võng khênh đi. Khi nghe tin Hiếu sắp phải đưa đi bệnh viện, hai thanh niên trong xóm tự động tới khênh giúp, Dũng đi theo để “thay ca” còn chị Oanh mang theo đồ hậu cần. Khi thủ tục nhập viện xong xuôi, Hiếu đã nằm vào giường bệnh nhân thì Dũng xin phép trở về và hẹn ít ngày nữa sẽ sang thăm.
Dọc đường đi bộ về nhà, Dũng triền miên suy nghĩ. Trên đường đến nhà Hiếu, anh cũng đã suy nghĩ nhiều, nhưng điều suy nghĩ bây giờ theo chiều hướng khác hẳn. Chỉ một mình anh mới hiểu được ý nghĩa những điều Hiếu nói. Nhưng vì sao Hiếu lại nói ra điều ấy trong cơn mê sảng thì Dũng không thể cắt nghĩa được. Có phải do ma ám như lời bà cụ bảo? Ma đây là linh hồn những liệt sĩ đã bị tráo đổi tên tuổi? Anh không tin có thế giới bên kia và như thế thì vì cái gì mới được chứ, vì rõ ràng câu nói nào trong cơn mê sảng của hiếu cũng liên quan đến những liệt sĩ nhầm tên, nhầm tuổi. Đó phải chăng là nỗi ám ảnh vì việc làm vô trách nhiệm của mình? Đó là tiếng nói của lương tâm anh? Lương tâm là lòng tốt của con người, thế sao lúc mười chiếc quan tài sũng nước mưa xếp hàng ngoài nghĩa trang, lương tâm anh không đến với anh để ngăn chặn cái quyết định vô nhân đạo kì lạ của anh? Có phải chăng lương tâm của anh ta lúc đó bị nhận chìm phía sau lòng khao khát được trở về quê hương? Khi anh ta đã trở về giữa quê hương, sống trong tình thương của mẹ, trong vòng tay và lời nói ngọt ngào của người vợ trẻ bao năm trời xa cách, lòng khao khát hồi hương của anh được giải toả, lúc đó lương tâm trỗi lên cao hơn tất cả để phán xét những việc làm trong quá khứ của anh? Lúc đó những chiếc quan tài nhoè nhoẹt màu đỏ lại hiện lên trước mắt anh, nó ngăn chặn tầm nhìn của anh: không thể nhận ra mẹ, không nhận ra vợ và chỉ chập chờn những ám ảnh?
Dũng cảm thấy lòng nhẹ nhõm được đôi phần khi tìm ra cách lí giải đó, nhưng rồi anh bỗng giật mình: Nếu vậy thì bệnh tình của anh Hiếu đến bao giờ mới khỏi được? Chỉ khi nào tên tuổi của từng liệt sĩ trở về đúng với từng thi thể và anh Hiếu biết chắc chắn điều đó đã xảy ra thì lương tâm anh mới tha thứ cho anh? Việc đó bây giờ khó khăn gấp trăm lần so với lúc những chiếc quan tài xếp hàng ngoài cổng nghĩa trang. Tính đến hôm nay, các liệt sĩ ấy đã về với đất hơn một tháng trời rồi, không thể đào bới để xem xét. Nhưng thế không có nghĩa là cứ để yên cho tội lỗi trôi theo thời gian. Xét cho chùng mình cũng có lỗi trong chuyện này. Nếu như lúc đó mình không nóng lòng trở về quê hương, mình đấu tranh quyết liệt hơn với anh ta về quyết định lạ lùng đó thì xem anh ta có dám thực hiện không? Lương tâm của mình ở đâu sao không trỗi lên chỉ trách mình, thúc giục mình làm việc gì đó để sửa chữa cho mình sai lầm đã trải? Ồ, khi ta đã nghĩ được điều đó thì chính lương tâm ta đã thức tỉnh. Ta phải làm, nhất thiết phải làm, không chỉ để cứu anh Hiếu khỏi bệnh mà cũng để dứt ra ta ngoài những cơn ám ảnh.
Hiếu vào viện được mười ngày, bệnh tình không hề giảm bớt, mặc dù tiêm và uống nhiều thứ thuốc khác nhau. Có ý kiến đề nghị đưa bệnh nhân lên tuyến trên. Đúng hôm đó Dũng mang balô vào viện thăm anh và nói cho chị Oanh biết rằng anh sắp trở lại đơn vị ở Campuchia một thời gian.
-Nghe nói là chú đã ra quân rồi kia mà? Chị Oanh ngạc nhiên hỏi.
-Đúng thế chị ạ, nhưng khi về đây thấy còn thiếu một số giấy tờ cần thiết!-Dũng không nói thật ý định của mình.
-Vất vả cho chú quá-Chị Oanh ái ngại.
-Sai lầm nào mà chẳng phải trả giá hả chị. Mong chị khỏe chăm sóc anh Hiếu chóng khỏi bệnh.
Nói rồi Dũng mang balô ra đi. Khi Dũng nói những lời cuối cùng Hiếu nằm trên giường bệnh ngẩng đầu len nghe ngóng một cách bất thường và khi Dũng đi khuất thì ném đầu mạnh xuống gối, quay đầu vào vách lẩm bẩm:
-Hỗn độn hết, lung tung hết… màu trắng… màu đỏ… màu trắng… màu đỏ…
Câu chuyện này tôi nghe một đồng chí bộ đội cùng làng với Hiếu kể lại, chỉ đến đây  là hết nhưng hôm tình cờ ngồi trên tàu hoả với một thanh niên cùng quê với Dũng thì còn nghe thêm một đoạn cuối bảo rằng sau mấy tháng Dũng ở Campuchia trở về thì Hiếu đã ra viện, hoàn toàn khỏe mạnh rồi. Cái đáng chú ý nhất là Hiếu ra viện đúng ngày mà Dũng cùng đơn vị dùng phương pháp phóng xạ trực tiếp năm nấm mộ trên và xác định tên tuổi của từng liệt sĩ…
Không hiểu phần bổ sung của cậu thanh niên đó có chính xác không, dù sao khi nghe xong tôi vẫn thấy tâm hồn nhẹ nhàng, thoải mái như vừa được vứt bỏ đi một cái gì nặng hơn niềm ám ảnh.