Ánh lửa
Tác giả: Trần Đình Thế

     ã bước sang ngày thứ ba-kể từ khi bị bắt và bị giam vào trại: E Pi vẫn ngồi lặng ở cái góc trong cùng của căn nhà (Nói là trại giam nhưng thực ra nó chỉ là một cái khung nhà cũ kĩ, được lợp tạm bằng những tàu lá chuối khô che nắng. Bên phải là con suối cạn, hai bên suối cây cối um tùm. Bên trái, xa xa thấp thoáng một vài vạt trảng, long lổ những thửa ruộng bỏ hoang, một cáu phum nắng trơ bên cạnh đường, vắng lặng). E Pi dựa lưng vào cột nhà, lơ đãng nhìn lên những tàu lá chuối khô. Xung quanh E Pi rộ lên tiếng nói của mấy cô gái: họ đang giục nhau kiếm củi, nấu cơm. Họ là ai, E Pi biết rõ: Một số thuộc lực lượng thanh niên, một số là dân thiường-sau ngày thất thủ Phnôm Pênh bọn tàn quân đã lùa họ vào trong núi.
-Ông ở đơn vị nào?-Người tù binh già ngồi bên cạnh hỏi.
-Đoàn 203!-E Pi mệt mỏi trả lời. Mắt không nhìn người hỏi.
-Ông đã khai báo gì chưa?
-Rồi!
-Khai sao?
-Khai hết!
-Ông không sợ bị đập một xỏ cuốc vào gáy ư?
-Sợ!-Tiếng E Pi dằn trong cổ họng. Đôi mắt lờ đờ của hắn bỗng vằn lên những tia mắt đỏ nọc. Cái gân xanh trên thái dương dật dật. Hắn quay sang. Người tù binh già biết mình lỡ lời vội rít mạnh một hơi thuốc rê, rồi cúi xuống.
-Sợ-Tiếng E Pi một lần nữa lại vọt ra qua kẽ rằng sin sít-“Bọn chúng mày chỉ là một lũ đốn mạt. Mày mà ở đơn vị ông thì ông đã cho mày một xỏ cuốc từ lâu rồi!”. E Pi vừa nghĩ, vừa buông người trên lớp cỏ khô… Cuộc gặp gỡ giữa E Pi và anh cán bộ địch vận ba hôm trước đây hiện lên:
-Anh tên gì?-Người cán bộ gỏi.
-E Pi!-E Pi trả lời, cái miệng nhằng ra hai bên gò má hóp tọp. Đôi mắt nhỏ, dài, nheo nheo đầy vẻ thách thức.
-Anh ở đơn vị nào?
-Đoàn 203!
-Anh làm gì ở đó?
-Đại đội trưởng!
-Từ bao giờ?
-Đầu năm bảy chín!
-Trước đó anh làm gì?
-Trại trưởng trại tù!
-Ở đâu?
-Công Pông Chơ Năng.
-Anh đã tham gia hành quyết bao nhiêu tù nhân?
-Ba trăm bốn mươi bảy người!-E Pi nói rành rọt từng con số.
-Họ có những tội gì?
E Pi nhếch mép, họ có tội gì ư? “Đ… Mẹ cái bọn man rợ” E Pi định chửi tục, nhưng đã kịp kìm lại được.
-Nhiều lắm… Lười biếng, ăn cắp gạo của công xã, lăng mạ chế độ…
-Ở tù cũng phải lao động?
-Không lai động thì có mà ăn…-E Pi định chửi tục nhưng cũng đã lại kìm được.
Như đoán được tâm địa thằng tù binh, anh cán bộ cười: Nụ cười vừa như giễu cợt, lại vừa như khinh bỉ. E Pi giận tím mặt, hắn bíu hai tay vào thành bàn. Máu đao phủ bốc lên trong đầu y. Quên mình là một thằng tù binh, E Pi rít lên:
-Đối với chúng nó thì tốt hơn hết là cho mỗi đứa một xỏ cuốc càng sớm, càng đỡ tốn gạo!
-Anh thích giết người lắm, phải không E Pi?
-Lúc đầu cũng sợ!-giọng E Pi bỗng nhỏ xuống, mặt nhợt nhạt. Hắn đã thay đổi chiến thuật-Nhưng làm nhiều, thành quen! Dừng lại vài giây, hắn nói tiếp.
-Vả lại, tôi có ăn mật người.
-Sao?-Một nét ngạc nhiên vương trên mặt anh cán bộ. Anh vội trấn tĩnh lại. E Pi nhận ra điều đó. Hắn cúi xuống. “Thế đấy, đừng tưởng tao phải sợ. Tao không sợ đâu! Sa vào tay bọn mày là chết, tao biết, trước sau gi thì rồi cũng chết. Bởi vậy, tao phải chuẩn bị một cái chết cho thật oai… Cái thằng xâm lược giả nhân, giả nghĩa kia! Mày mà rơi vào tay tao thì: không phải hỏi han gì hết, tao sẽ đập vỡ sọ mày ngay”. Mắt E Pi trừng trừng nhìn anh cán bộ, rồi quét sang cô phiên dịch… A, còn mày nữa! Cái con đĩ mất máu kia. Mày không biết nhục nhã ư? Chúng máy… Tao phải cho chúng mày biết: khi cần, tao sẽ ăn gan, uống mật chúng mày mà không hề ghê sợ.
Anh cán bộ nhìn thẳng vào mắt E Pi. Đôi mắt hắn đỏ ngầu như miếng tiết. Anh vẫ nhìn nó, im lặng. Sự thản nhiên bên ngoài khác hẳn với những gì đang diễn ra trong đầu anh… Cái sẹo chạy dài, từ thái dương xuống đuôi mắt trái. Anh cán bộ vẫn nhìn thẳng vào đấy.
Thằng tù binh không hiểu anh cán bộ đang nghĩ gì? Nhưng ánh mắt, vẫn cái ánh mắt giễu cợt, khinh bỉ… Trời ơi! Muốn điên lên mất. Máu trong tim E Pi như đang sôi lên. Phải bình tĩnh, có bình tĩnh mới sáng suốt được… Phải rồi: Ta sẽ kể cho nó nghe là cái đầu này sẽ có những viên đạn xuyên qua. Tốt, như vậy còn tốt hơn nhiều khi phải nghe, phải nói và nhất là cứ phải nhìn thấy cái ánh mắt chết tiệt kia của nó.
… Một hôm: Mấy thằng “Chệt” đến thăm trại tù. Trong một bữa tiệc, vừa nâng cốc rượu đỏ sẫm lên ngang mặt, mấy thằng “Cố vấn” vừa cười, vừa nói với E Pi:
-Chúc mừng đồng chí trại trưởng!
-Chức mừng!
-Chức mừng!
Một thằng ghé sát vào tai E Pi:
-Công việc của các anh nên ăn mật người! Ha! Ha! Có như vậy, các anh mới có đủ sức hoàn tất sứ mệnh “vĩ đại”. Ha ha!
“Mật người” E Pi rùng mình nhưng hắn chợt nghĩ: Các ngài cố vấn nói không sai đâu, thử xem!
Hôm sau, E Pi cho bắt hai đứa con gái Hoa kiều đến nhà. Hắn trói chặt một người vào cột nhà, một người nằm tênh hênh trên chiếc giường sắt. Hai người con gái tưởng rằng: Họ sắp bị thằng trại trưởng làm nhục. Nhưng không! Tấm thân nõn nà và bộ ngực căng tròn của cô gái không mảy may làm xao động tâm hồn E Pi. E Pi mở tủ, lấy ra một chai rượu. Hắn ngửa cổ tu một hơi rồi quẳng cái chai vào xó nhà. Đôi mắt hắn nhìn chòng chọc vào cái bụng dưới người con gái không quần áo đang nâng lên, hạ xuống dồn dập. E Pi với con dao trên nóc tủ xăm xăm đi tới. Hắn ngồi xuống thành giường, lòng hắn phút se lại trước cái miệng rất xinh và ánh mắt van lơn của người con gái. Nhưng nó chỉ thoáng qua. Men rượu đang bốc lên trong đầu. Hắn cúi xuống, đặt mũi con dao mỏng như lá lúa, sáng loáng lên bụng người con gái. Hắn thoáng thấy đôi mắt cô gái trợn ngược lên.
-Xoạch!-E Pi miết mạnh mũi dao xuống. Người con gái thét lên một tiếng rồi quặn quại. Máu tươi phụt ra. E Pi tìm bới một hồi trong đống gan ruột, lôi ra một cái mật. Hắn ngửa cổ. Cái mật trôi xuống còn mắc trong cổ họng. Đoạn hắn lăn ra giường. Đầu gối lên bụng người con gái, lim dim. Trước khi thiếp đi, hắn còn kịp nhận thấy: đứa con gái bị trói ở cột nhà: Đầu rũ xuống như một cái xác.
Xế chiều, khi tỉnh rượu, E Pi lại uống và hạ nốt cô gái đã trói ở cột…
Vừa kể, E Pi vừa theo dõi những diễn biến trên gương mặt người cán bộ. Khuôn mặt anh lúc căng ra, lúc co lại. Đôi môi anh mấp máy, run rẩy… Biết mà: E Pi mừng thầm. Hắn chợt dừng khi thấy khuôn mặt anh cán bộ đanh lại. Hai hàm răng anh nghiến chặt vào nhau. Anh đứng bật dậy, cùng tiếng quát:
-Thôi im đi, đồ súc vật!
“Thế chứ!” E Pi đắc thắng. Còn bây giờ thì tao đã sẵn sàng, sẵn sàng chết, thằng “Duôn” ạ. Tốt hơn hết là mày hãy cầm lấy khẩu súng trong tay con phiên dịch kia, nâng lên, chĩa thẳng vào cái đầu thằng E Pi nàu, rồi… Kìa, làm đi, làm đi cái thắng “mắc dịch” kia. E Pi vênh cái mặt dài ngoẵng lên.
Một phút, rồi hai phút trôi đi. Im lặng. Khác với hắn tưởng và chờ đợi: Chẳng có khẩu súng nào chĩa vào hắn, cũng chẳng có tiếng nổ nào phát ra. E Pi nghe rõ nhịp thở của hắn, cũng chẳng có tiếng nổ nào phát ra. E Pi nghe rõ nhịp thở của người hỏi cung. Toàn thân anh cán bộ nhũn ra, từ từ rơi bịch xuống ghế. Im lặng. Anh cán bộ gục đầu xuống bàn. “Thế này là thế nào?” E Pi tự hỏi và hắn chưa kịp trả lời, anh cán bộ đã ngẩng lên:
-Đưa nó vào trại, chú ý canh gác!
Trước khi bước đi, E Pi còn nghe trộm một câu nói yếu ớt:
-Chúng nó đã biến thằng E Pi thành con thú mất rồi!
-Dậy, ăn cơm đi!-Người tù binh già vừa nói, vừa đưa tay kéo E Pi. E Pi choàng dậy hấp tấp đi lại phía bếp-E Pi vẫn không hiểu vì sao hắn không bị trói. E Pi dừng lại trước hai dãy bàn dài, trên đã đặt sẵn những chậu cơm đầy ắp. Thức ăn chỉ có cá khô nướng. E Pi theo mọi người ngồi vào bàn… Khác với ba, bốn hôm trước đây: mọi người vừa ăn vừa nói chuyện. Trên khuôn mặt khô héo của họ, xuất hiện những nụ cười. Cách đây mấy hôm, khi bộ đội cách mạng đánh vào trong núi, trông họ không còn ra người nữa. Người nào cũng gầy đét, bẩn thỉu. Nhiều người không lê nổi đôi chân sưng phù. Những em nhỏ vồ lấy những con nhái, ăn ngon lành. Cả đoàn người bị bọn tàn quân bỏ lại cứ tập tễnh, lang thang trong rừng. Số phận của họ sẽ ra sao? Nếu không gặp bộ đội cách mạng… Từ hôm về đây: được ăn uống, tắm giẹt, họ đã lại sức, khuôn mặt mỗi người dần dần tươi tỉnh. Đến ngày thứ ba, họ đề nghị với trại cho họ được tự nấu cơm. Công việc làm cho họ vui. Họ tíu tít xung quanh bếp lửa: người chẻ củi, người vo gạo, bắc nồi. Không khí của trại cứ ấm dần lên.
Không tham gia vào công việc của mọi người, suốt ngày E Pi ngồi bẹp ở góc nhà. Không ngủ được! E Pi để mắt vào tất cả những diễn biến hàng ngày trong trại. Xung quanh trại, không có hàng rào, cũng không có vật gì che chắn, chỉ vẻn vẹn có một tiểu đội bộ đội cách mạng canh giữ. “Trốn!”. Phải rồi, có như vậy mà không nghĩ ra, E Pi vỗ mạnh bàn tay vào đầu. Ý nghĩ bỏ trốn như một dòng điện chạy khắp người E Pi. Toàn thân E Pi run lên. Đôi mắt nhìn đau đáu về phía bờ suối.
-Ông đau sao?-Thấy E Pi ngồi yên, người tù binh già hỏi. “Quái lạ, cái lão già, hình như lão ta đoán biết được những ý nghĩ đang diễn ra trong đầu mình”.
-Không!-E Pi ngập ngừng rồi vốc một nắm cớm, đưa lên miệng.
Cơm nước xong, những người tù rủ nhau ra suối tắm. Anh bộ đội cách mạng dẫn một tốp dân binh đi hái rau về cải thiện. E Pi trở lại góc nhà, hắn quay sang xin người tù binh già một điếu thuốc rê. Hắn vấn thuốc, châm lửa, rít một hơi thật sâu. Đôi mắt hắn lờ đờ nhìn theo làn khói thuốc trắng mỏng. Đột nhiên, hắn xoay người lại, nhìn xoáy vào mắt người tù binh già. Hắn túm lấy tay người tù binh già nói nhỏ, nhừn rít lên:
-Bỏ trốn!
Đôi mắt ướt nhèm của người tù binh già căng ra.
-Ông điên rồi sao? Ông còn hy vọng gì cái đám lính chết tiệt trong núi ấy!-Giọng người tù binh già bỗng dịu lại-Tôi tính kĩ rồi: Đằng nào cũng chết, chết ở đây tốt hơn.
E Pi bã người, nỗi thất vọng tràn ngập trong lòng. Hắn bỗng nhớ lại những ngày qua… Cả đại đội hắn chỉ còn lai sáu thằng. Suốt một tuần không có một hột cơm vào bụng: xoài xanh, củ chuối rừng, rau dại vớ được cái gì ăn cái ấy! Đi đến đâu, chúng cũng đụng tiếng súng truy quét của lực lượng cách mạng. Vừa đói, vừa mệt, sáng thứ sáu, cả bọn tìm thấy một hốc sắn bên bờ suối. Như con thú vớ được mồi chúng xúm lại đào bới, rồi tranh nhau. Tiện tay, thằng đại đội trưởng rút súng bắn chết hai thằng. Vừa lúc đó, có tiếng súng nổ gần. E Pi dẫn ba thằng còn lại đạp lên xác đồng bọn, chạy.
Đến ngày thứ tám thì đôi chân E Pi không thể lê khỏi mặt đất được nữa. Hắn ngồi bệt xuống một gốc cây. Người hắn bủn rủn. Hắn sờ tay vào mạng sườn, những chiếc xương như trồi ra khỏi làn da, lung lay. Đầu óc hắn quay cuồng, ran ran tiếng súng. Đôi mắt hắn mờ dần, thỉnh thoảng lại tung ra những đốm lửa. Xung quanh im lặng. Hắn chợt nhận ra mấy thằng lính của hắn... Chết rồi, hắn phều phào, rồi chẳng còn biết gì mình nghĩ gì nữa.
E Pi tỉnh dậy trong một chiếc lều bạt giữa rừng. Hắn biết mình bị bắt khi thấy xung quanh thấp thoáng những người của phía bên kia. Một chiến sĩ còn rất trẻ bưng đến cho hắn một ca nước. “Không! Tao sẽ chết khát. Như vậy tốt hơn là được sống để phải chấp nhận sự nhục hình của chúng mày. Tao không uống”. Ca nước vẫn trên tay anh chiến sĩ. E Pi đã nhìn thấy màu nước đỏ hồng, sóng sánh. Cơn khát bóp nghẹt lấy cổ họng hắn. Hắn run run đỡ ca nước, uống cạn một hơi. Ca nước đường làm cho hắn tỉnh lại. Sau đó, hắn được ăn cơm và đi tắm. Ấy là cái ngày trước khi hắn được đưa về đây.
E Pi rùng mình. Bỗng hắn thấy lạnh ở sống lưng. Cái lạnh lan ra khắp người. Ôi, sao thế này, rét! Toàn thân run lên, hắn cắn chặt hàm rằn vào môi. Vô hiệu! Hắn xoay nghiêng người, hai chân co lên như con tôm nướng, mặt tái mét… Thế rồi đầu hắn tê đi, hai tay hắn cào cấu, chân đạp lung tung, miệng tuôn ra hàng tràng những tiếng lảm nhảm, ú ớ: “Bắn… chạy… mau…!”.
Chập choạng tối, hắn tỉnh-Toàn thân đau ê ẩm.
Hắn cảm tưởng như có ai cầm cái sống dao mà dần một lượt khắp người. Cáng tay, sao nặng thế này? Hắn cố sức mà không nâng nổi cái cánh tay lên. Đau quá! Lại còn cái gì đây? Hắn vừa mở mắt, vừa kéo tấm chăn xuống. Dưới ánh sáng của chiếc đèn pin, E Pi nhận ra anh cán bộ hỏi cung đang ngồi bên cạnh. Người hắn bỗng nóng ran.
-Đã đỡ nóng chưa E Pi?
E Pi ngước mắt lên. Hắn mấp máy đôi môi khô rát định nói, lại thôi, anh cán bộ bảo đồng chí y tá mang ca sữa lại. Anh đưa ca sữa về phía E Pi, giọng dịu dàng:
-Uống đi, ở rừng lâu ngày nên sốt rét đấy!
Giọng anh cán bộ nhẹ nhàng như người mẹ chăm chiều đứa con trai cưng khi nó bị ốm. E Pi chợt nhớ tới một người đàn bà: Mẹ! Ngày còn nhỏ, mẹ cũng chăm, chiều E Pi lắm. Có hôm, mải đá bóng giữa trưa nắng. E Pi bị cảm, mẹ đã ngồi suốt đêm bên giường E Pi… Không! Hắn không thể giống mẹ được… Anh cán bộ vẫn dịu dàng nhìn E Pi. Cái bụng E Pi đang nghĩ khác mà bàn tay hắn đã chìa ra đỡ ca sữa.
Đồng chí y tá tiêm thuốc, cho E Pi ăn cháo, rồi đắp chăn cho E Pi. Đêm áy, hắn ngủ ngon lành.
Mặt trời lên. Những tia nắng vàng rực thi nhau chạy dài trên các vạt rừng. Chúng dừng lại đùa giỡn trên những chiếc lá “khọc” to như bàn tay,màu xanh nhạt. Đàn chim liếu tiếu tranh nhau hót. Những con chim chào mào sà xuống cây duối. Chúng mổ những quả duối vàng mọng vừa ăn, vừa tranh nhau chi chới… Một ngày mới, E Pi thấy lòng trống trải. Hắn lim dim mắt nhìn vào cây duối. Đàn chim chào mào ăn no, đã kéo nhau bay đi. Trên cái cành cây khô, hai con chim chính uỷ đang gù gù cái mỏ vào nhau. E Pi thoáng buồn… Vậy là đã ba mươi tuổi đầu. Nhưng chưa lúc nào E Pi có những suy nghĩ nghiêm chỉnh về một người vợ. Chiến tranh: E Pi tự dằn lòng lại để tất cả tâm lực vào cái “trách nhiệm tối cao”. Vả lại, ở chỗ nào chả có con gái. Ngày trên chiến hào cũng không bao giờ thiếu thốn. Vậy, còn cần gì, còn muốn gì? Tất cả chí có đánh nhau, bất cần sống, chết.
Anh cán bộ lại đến. Anh mang cho E Pi một hộp sữa. Anh khuyên E Pi đừng nằm nhiều, ráng ăn và đi lại cho khỏe. E Pi im lặng.
Trại tổ chức học tập chính trị. Gần trăm người vừa tù binh, vừa dân binh, im lặng, họ đổ dồn tất cả ánh mắt vào cái bàn con kê ở góc nhà. Anh cán bộ nói chuyện: Anh nói về cương lĩnh 8 điểm và 11 điểm chính sách của Mặt trận cứu nước Campuchia. Anh nói về tôi ác diệt chủng của bọn Pol Pot-Ieng Sary, về cuộc cách mạng của nhân dân Campuchia và về một chế độ mới đã được thiết lập. Giọng anh nhẹ nhàng, khúc chiết. Càng nói, càng ấm áp, ôn tồn. Mọi người im lặng. Họ nghe rồi sửng sốt: Một chế độ mới ư?… Sáu tháng qua, họ bị lùa vào trong núi: Vẫn Ăng ka, vẫn bọn lính và những ngày lao động khổ sai. Chết đói, chết bệnh, chết… Kìa, anh cán bộ đang nói gì? Ở Phnôm Pênh, nhân dân đã trở về thành phố. Ở một số nơi đã có chợ để mua bán. Trời ơi, lặng im nghe anh nói: Nhân dân đang trở về quê cũ để bắt đầu một cuộc đời mới. Người ta đốt lửa múa lâm thôn thâu đêm, mừng cho đôi vợ chồng trẻ, mừng cho mình thoát khỏi hoạ diệt chủng, mừng cho mùa xuân hồi sinh của dân tộc này. Những người ngồi nghe, khuôn mặt mỗi lúc một rạng rỡ. Họ chưa hiểu, nhưng tin, niềm tin vừa được nhen lên sau hơn ba năm tắt lịm… Ngay buổi đầu tiên, khi chiếc xe dừng lại ở cái bãi ngoài kia, người ta đã nghĩ là chết và họ chờ đợi cái giây phút tất cả mọi người bị đổ xuống một cái hố chôn tập thể. Nhưng chẳng bao lâu, cái ý nghĩ ấy đã tan đi… Cho đến bây giờ, và có lẽ không bao giờ họ có thể quên cái buổi ấy và hình ảnh những người bộ đội cách mạng…
Xế chiều, thêm một chiếc xe chở tù binh và dân binh về trại. Các chiến sĩ ra tận đường cái giúp họ xuống xe. Người chạy đi, người chạy lại: Khi thì bế một em nhỏ xuống, khi thì đỡ cụ già đi. Các đồng chí anh nuôi vội xuống bếp lo cơm cháo cho những người mới đến. Hai anh bộ đội cách mạng khiêng từ trên xe xuống một người phụ nữ. Họ đặt chị nằm xuống lớp lá chuối khô giữa nhà. Người phụ nữ gần như bất động. Khuôn mặt chi xanh mét như tàu lá, miệng méo xệch, chiếc áo đen rộng thùng thình phủ lên tấm thân gầy đét. Chân chị sưng đẫn, tím ngắt: Ở chỗ bụng chân, ruồi nhặng bu quanh một đám lở loét to bằng nắm tay. Thỉnh thoảng chị thở hắt ra một hơi, nhưng chị lại vội nghiến chặt hai hàm răng vào nhau. Hai bàn tay chị cào cấu khắp người. Bỗng chị túm được một vạt áo kéo ngược lên.
-Trời ơi, chị đang có thai!-Anh cán bộ gọi đồng chí y tá lại.
Chị phụ nữ: Đôi mắt nhắm nghiền, toàn thân thỉnh thoảng lại giật lên. Những người đứng xung quanh lắc đầu.
Đồng chí y tá vội nói với anh cán bộ:
-Chị ấy sắp sinh, nhưng gần như kiệt sức rồi. bây giờ đưa về bệnh xá sư đoàn thì không kịp, anh ạ. Theo tôi, ta cứ để lại đây. Trước hết tập trung hồi sức cho chị.
-Và bằng mọi cách, cho cháu bé ra đời!
Anh cán bộ nói xong, mọi người lao vào công việc. Người phụ nữ được đặt trên chiếc bàn kê nghiêng ở giữa nhà. Đồng chí y tá mắc dây truyền dịch, mấy người khác rửa vết sâu ở chân rồi băng lại cho chị. Người nào cũng lo lắng, mong sao mẹ trong, con vuông… Công việc quá sức đối với đồng chí y tá, anh luôn luôn ở bên cạnh chị. Anh rất mừng khi thấy áp huyết của chịi đang tăng lên.
-Một đêm trôi qua. Đến gần sáng thì người ta nghe thấy tiếng khóc của đứa trẻ. Ai nấy thở phào như vừa trút được một gánh nặng. Một điều thật may mắn là: Mặc dù phải mang thai trong những ngày tháng cơ cực, nhưng với sức lực vốn sẵn có của một cô gái quanh năm phát rừng trồng rẫy, đứa con của chị vẫn ra đời. Trời vừa sáng thì mọi việc cũng hoàn tất. Suốt đêm E Pi không ngủ, hắn phải vật lộn với biết bao nhiêu những ý nghĩ dằng xé. Khi người ta tiêm mũi đầu tiên cho người phụ nữ, E Pi lơ đễnh nghĩ: Chắc chúng nó chích thuốc để giết người ta thôi, chứ cứu chữa gì? Đến mình đây cũng thếm trước sau rồi cũng ăn một xỏ cuốc… Mà mặc chúng nó E Pi quay mặt vào tường. Khi người phụ nữ được đưa lên bàn, hai chiếc đèn bão cùng một lúc thắp sáng, E Pi quay lại, và suốt từ đó đến sáng, đôi mắt E Pi không bỏ qua một động tác nào của mấy người bộ đội. Chúng nó đang cấp cứu, ôi sao lại thế được? Hay là, chúng nó đang làm một thí nghiệm gì trên thận thể người phụ nữ này! Trời!… Nếu vậy thì… bình tĩnh đã, chờ xem. E Pi tự nhủ. Nhưng nếu quả thật như vậy… E Pi thấy người nóng ran lên, mắt hắn như dán chặt vào bàn tay người y tá… Đến lúc đứa trẻ oa oa khóc, E Pi không còn tin vào mắt mình nữa, mắt hắn mờ dần đi, rồi khép lại.
Tiếng khóc của đứa trẻ bỗng đập vào nơi sâu kín nhất trong lòng E Pi. E Pi thở dài nghĩ tới những người congái đã đi qua tay hắn. Biết đâu, hắn chả lại có những đứa con và mẹ chúng cũng phải chịu đựng những cơn đau khủng khiếp như người phụ nữa kia, tự nhiên, hắn thấy người nhão ra chân tay bủn rủn, rồi rét… Hắn lại lên cơn sốt rét.
Bữa cơm trưa được dọn ra. Anh cán bộ ngồi vào bàn với E Pi. Anh không ăn mà nói chuyện với mọi người. Nửa bữa, E Pi đứng dậy. Anh cán bộ kéo E Pi ngồi xuống.
-Ráng ăn chút nữa E Pi. Không ăn nhiều là lại sốt đấy!
E Pi mỉm cười từ chối. Anh cán bộ không chịu, anh ép E Pi ăn. E Pi đành ngồi xuống, gượng ăn thêm. Người tù binh ngồi đối diện với anh cán bộ, ngẩng lên nhìn anh rồi ngập ngừng nói:
-Ông lớn… Mấy ông không phải gác cho mệt, tụi tôi không trốn đâu.
Anh cán bộ cười:
-Trốn hay ở là tuỳ mọi người. Có điều là: cứ lang thang mãi trong rừng, rồi cũng đói chết mất thôi. Đất nước đã được giải phóng, tôi khuyên mọi người nên trở về quê cũ mà làm ăn.
Nghe anh cán bộ nói, E Pi giật mình khi nhớ tới cái ý định bỏ trốn cách đây mấy hôm. Anh cán bộ đứng dậy, đi lại phía người phụ nữ mới sinh. Chị vẫn đang được truyền dịch, người đã tinh tỉnh. Đứa con của chị tạm thời phải ăn sữa bò, đồng chí ý đang ôm nó.
Sau mười ngày học tập, ngày ra trại đã đến. Buổi chiều, đơn vị bộ đội phát cho mỗi người một bao gạo, một gói muối. Trẻ em được phát thêm đường, sữa và vải. Số ít tù binh được đưa về trại cải huấn phía sau để học tập thêm. Ngày mai, tất cả lên đường.
Anh cán bộ đến gần E Pi. Anh vỗ cai E Pi nói:
-Mai E Pi về phía sau học tập thêm, nhưng nếu E Pi cần thì tôi để E Pi về nhà.
E Pi xúc động nhìn anh cán bộ…
Những ngày qua, E Pi đã hiểu anh. Biết anh là Luyện, lòng hắn thắt lại vừa sửng sốt, vừa đau đớn…
E Pi mồ côi cha, mẹ từ sớm. Cha E Pi đạp xích lô ở thủ đô Phnôm Pênh. Cuối năm bảy mốt, ông bị thằng quan hai Lon Nol bắn chết trong một đêm lúc hắn say rượu. Mẹ E Pi mắc bệnh suyễn, bà mất từ năm E Pi lên sáu tuổi. E Pi phải đi ở cho một công chức… Cực quá năm bảy hai E Pi trốn khỏi Phnôm Pênh lên Công Pông Chàm rồi đi tu. Một hôm, có một đơn vị du kích “Miên đỏ” đến đóng trong phum. Họ mắc võng nghỉ trong vườn cây của chùa. Họ vào thăm chùa và trong câu chuyện của họ. E Pi biết họ là lực lượng cách mạng. Họ tổ chức đánh Lon Nol, đánh Mỹ.
Ba hôm sau, họ lên đường. Phum E Pi ở, có hai mươi thanh niên tình nguyện đi theo họ. Không hiểu sau, E Pi đã cởi áo cà sa, bỏ chùa, đi theo đơn vị du kích. Họ hành quân rõng rã bốn ngày đường. Trưa ngày thứ năm thì đến vị trí tập kết. Đó là một cánh rừng già có son cuối lớn. E Pi được bổ sung về một đơn vị ĐKZ: đơn vị E Pi có sáu mươi người, hai phần ba là người Campuchia. Một phần ba là người Việt Nam, cán bộ có bốn người thì hai người Campuchia và hai người Việt Nam.
Tại đây, E Pi được học chính trị và tập bắn pháo. Lần đầu tiên E Pi trông thấy một khẩu súng to, quả đạn bằng cái ống đựng nước Thốt nốt. E Pi sướng lắm, anh hăm hở học tập. Chính trị viên Luyện mỗi lần xuống thăm khẩu đội đều kiểm tra E Pi. Anh khen E Pi sáng dạ. Anh động viện E Pi gắng học tập để trở thành pháo thủ giỏi. E Pi cười. Đôi mắt trẻ trung ánh lên một niềm vui sung sướng.
Chẳng bao lâu, e trở thành một khẩu đội trưởng. Tháng chín năm 1973, đơn vị E Pi nhận lệnh tập kích vào sân bay Xiêm Riệp. Giữa bốn bề lửa cháy, đạn nổ, được lệnh rút, cả đại đội nhanh chóng vượt hàng rào, băng ra ngoài. Ra đến cửa mở, E Pi bị một mảnh pháo văng vào thái dương ngất đi. Chính trị viên Luyện đã cõng E Pi chạy bộ bảy kilômét về hậu cứ…
Cuối năm bảy tư, các chiến sĩ Việt Nam chia tay các bạn chiến đấu Campuchia trở về giải phóng Tổ quốc. Các đơn vị Miên đỏ cũng được tổ chức lại rồi tiến về giải phóng thủ đô… Tháng tư năm bảy lăm… những ngày sau đó… E Pi không còn nhớ nữa.
-Anh Luyện!-E Pi nhìn anh cán bộ bằng cặp mắt van lơn-Anh cứ để em về trại học tập. Em hứa sẽ học tập tốt! E Pi nói rồi cúi xuống, những ngón tay vẽ vẽ cái vạt áo còn dính mấy giọt máu khô.
Theo đề nghị của mọi người: Cái sân ở đầu trại được dọn dẹp sạch sẽ. Người ta khuân về những khúc củi khô cứng, chất thành đống giữa sân. Mọi người tất bật chuẩn bị cho đêm liên hoan ra trại. Quên cả bữa cơm chiều, mà cũng chẳng ai thấy đói nữa, có một cái gì cứ rộn lên, rạo rực trong lòng họ… Đêm nay, họ lại được múa lâm thôn. Ba năm rồi, khéo không quên… nghĩ vậy, mấy cô gái kéo nhau ra sân nhà tập thử. Thỉnh thoảng họ lại cười rộ lên.
Khi ngọn lửa hắt ánh sáng lên cành cây, mọi người kéo nhau lại: họ sắp thành vòng trong xung quanh đống lửa. Không có trống. Họ mượn cái thùng gánh nước của nhà bếp ra gõ. Bốn cô gái bước ra. Họ múa. Chưa được một vòng mà hàng đã rối loạn. Cô gái đi đầu buông tay xuống nói:
-Vỗ trống sai rồi!
-Ai biết vỗ?
-Múa bằng hát dễ hơn!
-Ai biết hát?
Mọi người im lặng nhìn nhau. Bỗng từ phía sau, một chị phụ nữ bước ra. Chị hát, tiếng chị khàn khàn không cất lên được. Chị dừng lại, lấy giọng, hát tiếp. Tiếng hát của chị trong dần, vang lên. Những người đứng trong hàng đã bắt đầu nhấp nhỏm. Người ta bước ra sân. Càng lúc, càng đông. Họ múa. Đêm sâu dần. Tiếng hát mỗi lúc một vang xa. Gương mặt mỗi người mỗi lúc một rạng rỡ.
Họ dừng lại khi những tia nắng đầu tiên của ông mặt trời hoà vào đống lửa. Hai chiếc xe của bộ đội đã nổ máy ngoài đường cái chờ họ. Mọi người quay vào, chuẩn bị hành lý lên đường. Người nào cũng lóng ngóng. Cho đến khi vắt bao gạo lên vai, người ta như chợt nhớ ra điều gì, họ dừng lại, nhìn vào cái nhà lợp lá chuối, cái bếp, hai dãy bàn ăn, những người bộ đội cách mạng… Một góc rừng hoang sơ, vắng vẻ, bỗng trở nên thân thương ấm cúng như gia đình của họ. Có người cúi xuống, vội kéo vạt áo lên chùi mắt.
Nấn ná mãi, nhưng rồi cái giây phút ấy cũng đến-Giây phút chia tay. Chị phụ nữ có mang và cháu bé được ưu tiên ngồi trong ca bin. Xe nổ máy. Người ta không nói được, đành phải giơ bàn tay lên. Họ cười, nụ cười nở ra, có vị mặn của giọt nước mắt vừa lăn xuống.
-Gắng học tập cho tốt nhé. Mình sẽ về thăm E Pi luôn đấy! Anh cán bộ nói và thoáng thấy giọt nước lăn ra ở đầu con mắt E Pi.
Uran-1980-2000