rước khi tôi về nhận công tác ở đây, cơ quan chỉ có Hà là nữ. Cô có vóc người mảnh dẻ, nước da trắng mịn, đôi mắt ươn ướt, mũi cao và thẳng. Mỗi khi Hà cười, hàm răng trắng đều đặn làm khuôn mặt sáng lên.Tuy mới về cơ quan, nhưng tôi nhanh chóng nhận ra ngay: cứ chiều đến là Hà thấp thỏm chờ anh nhân viên bưu điện mang thư báo đến cơ quan. Sau tiếng gọi “Hà có thư nghen”; cô làm bọ miễn cưỡng đứng dậy và cố làm sao cho bước chân của mình không nhanh quá, nhưng niềm vui lại cứ tràn ra trên khuôn mặt, trên khoé miệng và cả trong đôi mắt trong của cô nữa. Cầm chiếc phong bì nhỏ bé có nét chữ nghiêng nghiêng, đẹp một cách phóng khoáng, mắt cô ngấn lệ rưng rưng. Hà cẩn thận kẹp nó vào cuốn lịch sổ và cứ để nó đấy, lặng im tận hưởng sự hồi hộp, nỗi xao xuyến trào lên cho đến khi đêm buông hay lúc còn lại một mình, cô mới lấy chiếc kéo cắt chỉ bé nhỏ, xinh xinh, cẩn thận cắt một rìa phong bì sau khi đã ghi ngày nhận và bức thư số mấy của người yêu mình lên phía sau phong bì.Những lá thư mang con tem quân đội có khi từ Bát-đom-boong, khi thì từ Pretvihia hay Xiêm Riệp (những địa danh nằm trên đất bạn) bay về với cô. Hà đã lên thành phố, đã ghé rất nhiều hiệu sách, lục tìm rất nhiều kiốt để tìm mua bằng được tấm bản đồ hành chánh Việt Nam-Lào-Campuchia đã cũ, trên đó ghi địa danh ba nước Đông Dương khá chi tiết. Những tên núi, tên sông xa lạ đó bỗng trở thành quen thuộc rất đỗi thân yêu khi Trọng đặt chân tới và có lúc Hà cứ nhầm tưởng như mình cũng đã từng sống ở đó, chiến đấu ở đó cùng anh. Quyển lịch của Hà chủ yếu dùng để ghi ngày tháng nhận thư Trọng, ngày Hà gửi thư cho anh. Cô ngồi nhẩm tính ngày thư đến tay anh rồi cộng thêm một khoảng thời gian nữa, Hà đánh dấu vào quyển lịch và coi đấy là ngày đón thư của Trọng gửi về. Đường hành quân dài theo năm tháng, có phải lúc nào thư cũng về đều đặn đúng hẹn đâu. Vào mùa mưa, đường thư tắc có lúc cả sáu tháng trời, đón một lúc gần chục lá thư. Vì vậy thường là quá ngày đón thư mà vẫn chưa có thư của Trọng. Hà lại bồn chồn đứng ngồi không yên. Hà nghi ngờ luôn cả sự cẩn tắc của anh nhân viên bưu điện. Chẳng có ai và chẳng có lời giải thích nào đủ để Hà yên tâm cả, trừ khi có cái phong bì bé nhỏ xinh xinh kia bay về với Hà.Hà đang ôn thi vào đại học tại chức. Tôi giúp Hà giải các bài tập và hệ thống lại kiến thức. Mặc dù rất quí Hà, nhưng tôi vẫn phải nhận thấy: năng khiếu và sự thông minh tự nhiên của Hà không có gì đặc sắc, bù lại Hà rất chăm chỉ. Hình như ngoài việc ôn thi, công việc thường ngày của cơ quan và nỗi mong chờ những lá thư của người yêu ra, Hà không quan tâm đến những khó khăn trong cuộc sống. Hình như Hà cũng không có cả những dằn vặt, lo toán trong đời thường.Tôi có người yêu ở gần. Anh là kỹ sư và học cùng lớp với tôi. Anh nhỏ tuổi hơn tôi nên sống buông thả. Tôi đến với anh bằng tình cảm của một người chị, người bạn rồi sau đó mới là người yêu. Tôi ít được quyền nhõng nhẽo mà phải lo toan, chăm sóc chu đáo, tận tuỵ người mà tôi yêu nên tôi vẫn tự cho mình là người vất vả nhất, bất hạnh nhất trong tình yêu. Nhưng hình như hạnh phúc lại là ở chỗ được hy sinh, được vì người yêu. Có lẽ vì vậy mà tôi chóng gần gũi và gần như đồng cảm với Hà hơn. Tôi rất ái ngại khi anh đến và tỏ ra âu yếm, tỏ vẻ quan tâm quá nhiều với tôi trước mặt Hà. Tôi rất thông cảm với Hà. Yêu một người lính là phải chấp nhận thiệt thòi. Ngày xưa số chị em có chồng và người yêu đi chiến đấu xa rất nhiều nên dẫu sao họ cũng không thấy đơn độc, lẻ loi, mà lại còn có phần tự hào vì có người thân của mình ra trận. Còn bây giờ người ta lo cho đời thường, người ta tính toán cho bản thân mình nhiều quá. Hình ảnh anh bộ đội trong cuộc sống hoà bình, yên ấm, ít được nhớ tới hơn. Những người như Hà phải sống trong chờ đợi và cả trong cái ồn ào say sưa của tuổi trẻ, của tình yêu đôi lứa, quanh mình, tránh sao được những phút xao lòng, buồn tủi. Đó là chưa kể nỗi lo con gái chỉ có một thời. Đợ chờ sẽ chóng mỏi mòn và tàn phai sắc hương để biết đâu rằng ngày về người mình yêu không còn chung thuỷ nữa.Đã hai tháng nay tôi nhìn Hà bồn chồn mà thương, mà cảm thấy bất lực vì không dễ gì giúp Hà bớt đi lo lắng. Hình như linh tính báo cho Hà điều gì không ổn thì phải. Tình yêu đến là kỳ lạ. Hai người đã thương nhau hết lòng thì dù ở xa nhau đến mấy, người ta vẫn có thể cảm được những thay đổi của nhau, thậm chí cả những tai ương mà người mình yêu gặp phải. Và chính sự không rõ ràng đó, không chắc chắn đó làm cho Hà còn khổ tâm hơn. Tôi biết điều ấy nên đêm nay tôi bảo Hà nghỉ học bài. Dẫu sao cũng gần đến ngày Hà lên trường để tập trung ôn và thi rồi. Nghĩ vậy nên tôi kéo Hà ra sân. Ánh trăng như rửa tan đi những lo âu, day dứt, nét mệt mỏi, căng thẳng trên khuôn mặt Hà và làm nó trở nên hư ảo hơn. Gió thổi rất nhẹ mang cái lạnh mơn man da thịt.-Hà quen anh Trọng trong trường hợp nào?-Tôi hỏi nhỏ.-Ngày xưa em đâu có ngờ rằng mình lại là người yêu của lính. Chị có tin vào định mệnh không? Còn em, em cứ nghĩ rằng trong cuộc sống có những sự ngẫu nhiên giống như định mệnh vậy. Nó tình cờ đưa người ta đến gặp nhau để rồi sau đó gắn bó lại với nhau như một sự tất nhiên, như là sự sắp xếp trước của số mệnh con người vậy.Giọng Hà đến đây tự nhiên sôi nổi hẳn lên:-Hôm đó là một buổi chiều cuối năm nhợt nhạt. Mải suy nghĩ điều gì mà em không còn nhớ nữa, em đạp xe mải miết cho tới lúc lao xe vào bánh trước một chiếc xe đạp của ngườ khác từ trong hẻm đi ra. Em không thể quên được ánh mắt của người con trai đó khi anh dìu em đứng dậy. Đôi mắt đó vừa dịu đi phần bực bội trước vẻ lúng túng biết lỗi của em. Anh dựng xe của em dậy, loay hoay xem nó có bị méo mó hư hỏng gì không. Em nhìn vào kẽ tay bị rách của anh. Máu thấm ra đo đỏ dưới lớp da trắng xanh. Giọng anh nhẹ nhàng từ tốn: “Có bị làm sao không em? Đi sai đường rồi đó, lần sau nhớ cẩn thận nghen”. Rồi coi như chẳng có chuyện gì xảy ra, anh lặng lẽ xách chiếc xe đạp đã bị méo vành của mình rẽ vào lối nhỏ, mặc cho em đứng đó lúng túng ngượng ngùng. Suốt mất ngày tết em cứ bị chuyện ấy ám ảnh nên mất vui.Hồi đó em còn đang học lớp 12. Mãi đến khi ba em về hưu và gia đình em chuyển về quê, em mới biết người đó là Trọng. Anh dạy học và cũng là xóm giềng với gia đình em. Em thi trượt đại học và đang chờ xin việc ở cơ quan nào đó. Chính ở đây anh Trọng đưa em cùng các bạn thanh niên ở xã tham gia vào các hoạt động xã hội. Cùng tham gia lao động, văn nghệ, cùng đến thư viện đọc sách báo, và cùng sinh hoạt ở câu lạc bộ thanh niên xã do anh Trọng cùng với tập thể giáo viên tổ chức. Anh có nhiều tài lẻ: đàn hay, vẽ giỏi và kể chuyện rất có duyên. Không rõ từ lúc nào niềm kính phục, tin tưởng đã chuyển thành những rung động kỳ lạ khi em nghĩ đến anh ấy. Có cái gì đó không thực rõ ràng đã len vào tâm hồn em làm em vui, em buồn một cách bất thường. Nếu một ngày không được nhìn thấy bóng anh, em bồn chồn đứng ngồi không yên. Cứ ra vào vẩn vơ như người mất hồn vậy. Thế nhưng lúc được một mình với anh, em lại lo sợ. Một nỗi lo sợ mơ hồ, rất bản năng. Em hay hát những bài anh thích và trong ngôn từ của em thường có những câu chữ mà anh thường dùng. Bạn bề thường “cặp đôi” em với anh Trọng. Em ngượng, em tỏ vẻ khó chịu mà thâm tâm em lại rất thích. Nếu người ta quên “cặp đôi” cho em thì em sẽ tìm cách “cặp đôi” anh Trọng cho những ai mà em thấy không xứng với ảnh nhất, rồi thú vị xem ảnh đỏ mặt từ chối. Sổ tay em thôi ghi bài hát. Nó được dùng để ghi những câu triết lý vụn vặt về tình yêu, hạnh phúc, khổ đâu do em sưu tầm, do em nghĩ ra và do cả anh ấy vô tình triết lý. Em cứ sống mơ mơ, thực thực như vậy cho đến cái đêm hội diễn của huyện. Anh cởi dân đàn trên vai bước xuống sân khấu, người đầm đìa mồ hôi và tìm em. Ảnh khen em hát rất hay; “Do em rung động thật sự, cái đó còn hơn cả kỹ thuật Hà ạ”. Anh cầm tay em. Còn em, cứ như người đi trong mộng.Hà ngừng lại. Tôi có cảm giác rằng mặt Hà đang đỏ bừng và ngượng ngùng khi nhớ lại hương vị cái hôn đầu tiên nhận được trong đời.Trăng mười sáu đã lên được một con sào. Bầu trời có vài gợn mây đen đang bị gió đưa về phía mặt trăng.-Rồi sau ảnh nhập ngũ phải không em?-Không chị ạ-Như sực tỉnh. Hà nói tiếp:-Từ đó cho đến ngày nhập nhũ là cả một câu chuyện dài. Chị ơi, em nhỡ có một nhà văn nào đó đã viết và rất chí lý “Tình yêu như một miền đất lạ, nhiều hoa hồng và cũng lắm chông gai:. Cả em và anh Trọng đều không hề biết những gì đang chờ đón bọn em.Cho đến một hôm ba em nhắc em phải ở nhà. Ông có việc cần nói với em. Ba em là trung tá đã về hưu. Ba em đã từng vào sinh ra tử ở vùng đồng bằng sông Cửu Long từ cái ngày mới tổng khởi nghĩa cho đến lúc chiến tranh kết thúc. Với ba em: hạnh phúc nhất là những buổi tối cả nhà quây quần quanh bàn nghe ông kể chuyện đánh Pháp, đánh Mỹ, chuyện vui, chuyện buồn, cả chuyện đau lòng xót xa trong chiến tranh nữa. Nhưng lần này nhìn khuôn mặt nghiêm nghị của ba, em chột dạ. Ông bắt đầu hỏi han em về những buổi sinh hoạt, về quan hệ bạn bề và cuối cùng ổng đi vào vấn đề chính:-Nghe bạn bè của con, nghe dư luận của chòm xóm và qua những thay đổi của con, ba mẹ rất buồn. Ở tuổi con, khi chưa có nghề nghiệp gì cụ thể mà dính tới chuyện yêu đường là sớm. Con thi rớt đại học đã lâu mà chẳng thấy con tính chuyện thi lại. Con muốn đi làm ở một cơ quan trong huyện ta có phải vì động cơ muốn gần thằng Trọng không? Bao nhiêu người tốt đẹp con không thương mà đi thương một con người như vậy. Ba rất tự hào về truyền thống của gia đình ta. Con tính bôi nhọ thanh danh của ba, của má và chính của con nữa hay sao? Ba không thể ngồi cùng bàn với ông Chín được, nói chi chuyện sui gia…Thực ra em và anh Trọng chưa lường đến chuyện hai ông trung tá phục vụ hai chế độ, người về hưu, kẻ bại trận sẽ phải ngồi bàn chuyện tương lai cho những đứa con của mình. Em cũng quên chưa kể cho chị nghe về ông Chín: ba của anh Trọng và cả gia đình anh Trọng nữa. Ông là trung tá nguỵ. Ngày mới về, chính em cũng thấy ông Chín là người kỳ quặc. Ngày hai buổi ổng ngồi với chai rượu trên bộ giường gỗ đã lên nước bóng loáng, mọt đục thủng lỗ chỗ. Thỉnh thoảng ông mới ra khỏi nhà đi mua lít rượu. Đôi mắt ổng chẳng nhìn ai. Ổng không trả lời cả khi bà con chòm xóm chào hỏi ông: dù là cái gật đầu chiếu lệ. Lẽ trẻ con chạy theo nhìn ổng như người khùng, ổng cũng mặc. Người mới gặp ổng lần đầu ngỡ ổng bị câm và điếc. Chỉ đến ngày tết ổng mới nói chuyện với những ai đến nhà chúc tết vừa đúng một câu: “Bà con thông cảm cho tôi. Ngày thường gặp tôi xin đừng chào hỏi cho đỡ mất công. Giờ tôi đã là người thừa rồi. Với con cái tôi cũng chẳng có quyền hành, nói chi đến xã hội”. Ổng đã từng đi lính cho Nhật, cho Pháp, rồi đến Mỹ. Mấy người anh của Trọng. Người là sĩ quan không quân, người là lính dù thời nguỵ. Trọng là người duy nhất trong nhà không phải đi lính vì buổi ấy ảnh còn nhỏ tuổi. Sau ngày giải phóng, ông Chín đi học tập cải tạo và về sau cùng so với mấy người trong nhà. Công việc buôn bán khó khăn nên bà Chín phải đưa cả nhà về quê làm ăn sinh sống. Anh Trọng nhanh chóng hoà nhập với cuộc sống mới bằng cả niềm tin và sức trẻ của mình. Anh học giỏi tự nhiên và mơ ước trở thành kỹ sư xây dựng.Ông Chín từ trại cải tạo về. Đáng lẽ cuộc sống gia đình sẽ yên vui và đầm ấm hơn, ai ngờ lại ngược lại. Ông chẳng vui vẻ trước việc bà Chín và các con của ông vào tập đoàn sản xuất, đem hiến mảnh đất của ông nội bao nhiêu năm gây dựng vào đất chung của tập đoàn. Đã thế vợ con ông lại hay nói về chính sách, chế độ. Cứ như nhưng kẻ trêu ngươi, ông càng tỏ ra khó chịu bao nhiêu thì lũ trẻ càng say sưa với các hoạt động xã hội bấy nhiêu. Khi ông quyết định dọn nhà về thành phố tiếp tục sống bằng nghề buôn bán, cả nhà không nghe ông: điều mà từ trước đến nay chưa hề xảy ra. Ông bắt đầu thấy địa vị của mình trong gia đình đã bị mất. Ngày xưa mình ông lính dư sức nuôi cả nhà, nay vốn không quen cày cuốc, ông trở thành kẻ ngồi không ăn bám vợ con. Ngày xưa làm cấp trên của bao kẻ, ông không chịu được sự khác ý của cấp dưới thuộc quyền khi ông ra lệnh, nói chi tới vợ tới con. Vậy mà giờ đây đến vợ con ông cũng muốn leo lên hơn ông là đằng khác. Khi ông kiếm cớ cằn nhằn vì không thể la hét cho nguôi bực bội thì hình như vợ ông và các con ông lại nhìn ông với con mắt thương hại, coi những lời ông nói là triệu chứng của bệnh lẩm cẩm, khó tánh khi về già.Anh Trọng thi rớt đại học, mặc dù anh học rất giỏi. Với ông Chín, đó là điều không thể xảy ra được nếu như người ta không cố ý đánh trượt con ông. Ông cay dắng nhận ra rằng: “Chẳng có chỗ đứng cho con ông ở xã hội này. Cần phải đưa nó vào con đường làm ăn buôn bán. Chế độ có thể đổi thay, nhưng tiền vàng thì ở thời nào cũng cần thiết cả”. Ông đã nói thẳng với cả nhà và chòm xóm như vậy. Ông không ngờ Trọng lại vui vẻ nhận giấy nhập học trường sư phạm của tỉnh. Những tiêu cực, những khó khăn trong cuộc sống bắt đầu sinh sôi như một nạn dịch làm ông Chín hể hả. Nhưng như có một ma lực nào đó, các con của ông, bà vợ của ông cứ bị cuốn vào cuộc sống mới, bất chấp những gian khổ ngày càng nhiều hơn. Từ đó ông lấy rượu làm vui, lấy im lặng làm sự thách thức với con cái, với gia đình và với cuộc sống. Sau một thời gian bàn tán xôn xao rồi xóm làng cũng coi là chuyện thường tình. Chỉ với gia đình thì sự im lặng đó là cả một gánh nặng bức bối. Nó trở thành bức tường cản trở mọi bạn bè khách khứa của anh Trọng và mọi tìh cảm tươi vui của gia đình. Chính vì vậy mà học xong, anh Trong không chịu ở lại trường để học tiếp hàm thục đại học. Anh xin về dạy học ở xã nhà để mong chóng được dạy các em và thay đổi lại không khí gia đình.-Theo con nghĩ thì vấn đề quan trọng hơn là ở chỗ anh Trọng sống trong những dằn vặt ấy mà vẫn tốt. Trong sự đấu tranh giữa hai tư tưởng ấy mà vẫn trong sáng mới quý chớ. Sao ba lại không ưa những người như vậy…Em chưa nói hết câu thì ba em đã đấm tay xuống bàn làm rung cả bộ ly. Xưa nay ba em chưa bao giờ tỏ ra bực bội trước mặt con cái đến mức như vậy. Ông gắng lấy lại bình tĩnh và nén cho giọng nói có vẻ ôn hoà, nhưng câu từ cứ thoát ra ngoài ý muốn:-Con, cái! Cứ theo tụi nó đàn đúm là hỏng bét. Mất hết cả quan điểm giai cấp, mất hết cả giáo dục. Giờ thì nó phải tốt hơn cha mày chớ. Si mê rồi con ạ. Cứ đà này rồi nó rủ rê vượt biên con cũng đi. Đừng nhìn vào bề ngoài mà lầm tưởng, mà mất cảnh giác nghe con-Rồi ba em dằn từng tiếng: Cấm! Từ nay ba cấm con tiếp xúc với thằng đó. Nghe rõ chưa?! Mày phải biết bảo vệ thanh danh của mày, của cha mày, của cả nhà mày. Nghe rõ chưa?!Sự việc đột ngột quá. Em chạy vội vào buồng nằm khóc tức tưởi. Ba ơi, sao ba cứ quan trọng hóa vấn đề lên đến mức như vậy. Ba là người chiến thắng mà sao ba không công nhận sự tiến bộ thật của con cái họ và để cho con cái họ chung sống, cùng xây đắp cuộc đời với mình. Xã hội ta còn có bao nhiêu người chưa tốt, chưa nhiệt tình với công việc, còn kém xa anh Trọng mặc dù họ mang danh này kia, họ có bao công trạng. Ngoài đời ba vẫn nói xá bỏ chuyện cũ và đánh giá con người qua hiệu quả công tác v.v… Vậy tại sao ba lại cấm. Tiến bộ là con đường chung cho tất cả mọi người chứ đâu phải là đặc quyền đặc lợi riêng mà chỉ có con em của những người có công với kháng chiến mới được quyền đi trên đó…Bao câu hỏi, bao điều uất ức mà em không có quyền bày tỏ với ba em được nên em phải làm cuộc chiến tranh lạnh với gia đình. Em gắng tiết kiệm lời nhất. Chỉ “dạ” khi thấy thật cần thiết. Nhưng chị ơi, tuổi trẻ không thể làm thế được, em không thể im lặng được khi mà chính em lại cần có người chia sẻ nỗi đau của mình. Em tìm đến má. Má em cũng như bao người mẹ khác: đều hiểu con mình bằng trái tim, suy xét mọi việc bằng chính tình cảm của mình. Mà biết em đúng và thâm tâm má cũng quý “thầy Trọng” nhưng má không đủ lý lẽ để thuyết phục ba. Cho nên sau vài lần góp ý không thành, lại bị những từ ngữ quan trọng hóa vấn đề của ba về thanh danh của gia đình, về sự hư hỏng sẽ đến với em, má đành đứng về phía ba và mong em tìm lấy một giải pháp hoà bình, giàu yêu thương nhất.Cuộc sống trong gia đình nặng nề hẳn đi. Nó thường bị khuấy động lên sau bữa cơm chiều buồn tẻ. Ba vừa xỉa răng vừa nói với em:-Bộ mày không vui được hay sao Hà? Vững lên con, đừng mềm yếu quá, sống phải có lập trường chớ. Ngày xưa bao người còn phải hy sinh hạnh phúc riêng tư vì cách mạng mà vẫn vui lòng tự nguyện đó con…Thế là em bắt đầu đưa bà vào cuộc luận chiến. Em chứng minh và ba bác bỏ. Em dựa vào cái lý bác bỏ của cha để dồn ông tới chân tường. Bao giờ cũng thế, vào lúc căng thẳng nhất, thằng Đức em út của em cũng tiếp sức cho chị của nó. Nó khoe thầy Trọng của nó vẽ đẹp, đàn hay, mỗi giờ giảng bao giờ thầy cũng kể một câu chuyện lý thú có liên quan đến bài học. Được một thầy giáo dạy giỏi như thầy của nó làm chủ nhiệm là niềm tự hào. Thầy Trọng nó còn dám đấu tranh với tội ăn hối lộ của thầy hiệu trưởng kia mà v.v… và v.v…-Sao lại ghét một thầy giáo tốt như vầy, mà chính ba bảo con phải nghe thời thầy chủ nhiệm? Sao ba lại cho con đi học với người ba không thích.Đến lúc đó ba hoàn toàn đuối lý phải dùng quyền làm bố để buộc em và thằng út không được nói nữa. Thế là cả buổi tối mất vui và những chuyện không vui ấp đều núp bóng tình thương, tình mẫu tử mới lạ chứ.Em muốn mặc kệ tất cả để được tự do quan hệ với anh Trọng, nhưng em lại sợ ba và thực lòng em cũng không muốn ba má em buồn phiền mãi. Giữa tình yêu và tình mẫu tử, em không biết dung hoà thế nào cho trọn cả đôi bên. Day dứt mãi rồi em quyết định chọn lối thoát trong sự dối trá. Bí mật quan hệ, trao đổi thư từ với anh Trọng và làm ra vẻ phục tùng cha mẹ. Em cũng không hiểu tại sao lúc đó mình không thấy xấu hổ mà còn cảm thấy thú vị nữa là đằng khác. Cứ y như truyện trinh thám vậy. Nhưng bằng cách nào đây? Cũng may em còn có đồng mình của mình. Chị cứ nghĩ mà xem. Người tốt nhất cũng có người ghét và kẻ tồi nhất cũng có người thương, huống chi em. Trong nhà còn lại thằng út. Với nó thầy Trọng là tài ba nhất trên đời. Vì vậy nó vui mừng bao nhiêu khi người ta bàn tán về tình yêu của chị gái nó với thầy Trọng thì nó ngạc nhiên và tức tối bấy nhiêu khi nghe ba má rì rầm bàn cách cản phá chị nó đến với thầy.-Ba má là những người tốt phải không chị-Thấy em gật đầu nó hỏi tiếp: Thầy Trọng cũng tốt chớ-Không đợi em trả lời, nó hỏi luôn:-Tại sao những người tốt lại chẳng thích nhau?Chẳng ai giải thích mà nó đồng tình và thoả mãn cả. Nó trở thành đứa bé láu lỉnh. Nó xa lánh và cảnh giác với ba má hơn. Trước mặt ba má nó tỏ vẻ ngây thơ khờ dại, nhưng khi còn có hai chị em với nhau, nó công khai ủng hộ em. Đức trở thành liên lạc viên, bảo vệ rất nhiệt thành cho em tránh khỏi sự kiểm soát của ba má.Nhưng chẳng bền lâu. Không ai có thể qua mắt được những người sống chung một nhà. Ba em phát hiện được rằng con gái ông vẫn hay gặp Trọng. Ông nổi giận khi thấy mình bị lừa dối. Tiếng ông nghẹn lại: “Cả nhà này chỉ có giá trị như một vật thử thách cho tình yêu của chúng mày”. Và ông cũng chợt hiểu rằng sự nóng nảy thô bạo chỉ làm cho chúng em gắn bó với nhau thêm.-Không thể đốt chát giai đoạn được. Sau khi bình tâm lại, ba em sôi nổi bàn bạc với má: Viên đạn bắn ra hoặc là giết chết con chim hoặc làm nó sợ hãi bay mất. Cần phải công phu, có điểm, có diện, tuần tự từng bước. Má nó lãnh phần đánh vào tình cảm, tôi dùng biện pháp cứng rắn. Đòn cuối cùng đánh vào danh dự bọn nó và nếu không thành (là tụi nó liều) thì tôi sẽ bố trí cho má nó cùng nó về bên ngoại để cách ly nó ra khỏi thằng Trọng.Thế là cả nhà có ngay một kế hoạch hoàn hảo nhằm đối phó với em.Hễ Trọng vừa nắm tay em đi dưới hàng dừa mọc ven kinh, hễ chúng em vừa tách ra khỏi đám đông là đã thấy má em xuất hiện “xin lỗi thầy Trọng” và gọi “Con Hà về nhà có công chuyện”. Em bị săn đuổi, bị dò theo từng bước chân. Chưa đủ, ba má còn vận động bạn bè em, bà con chòm xóm thân thiết nhất lời khuyên can em. Lúc đó má em ngồi khóc và kể lể công lao nuôi dạy em khi vắng ba, trong cảnh cơ cực và bị bọn tề nguỵ o ép. Em xót xa, em ngượng, em cảm thấy mình bị xúc phạm.Bất ngờ hơn là hành động quyết liệt của ba em. Ông gặp luôn anh Trọng không phải với tư cách phụ huynh học sinh, mà với tư cách người cha có con gái bị “Anh mê hoặc”, yêu cầu anh hãy để cho “em nó được yên và để nó còn lo cho nghề nghiệp của nó”. Anh Trọng đành phải chấp nhận và thông báo cho ông hay là anh đã xin được việc phù hợp với em. Ba em gạt đi, vì rằng không ghể để người khác lo cho con mình “khi tôi đang sống”…Chị ơi! Nếu giận ai đó, bực bội điều chi ta có thể nguyền rủa hoặc cấu xe cho nguôi đi cơn bực. Nếu ta bất lực thì ta còn trả thù bằng sự khinh bỉ và nỗi căm hờn chôn chặt trong tim. Đàng này giận cha mẹ chỉ biết nuốt giận, cắn răng chịu đựng một cách dai dẳng. Giận mà thương. Giận mà chỉ còn biết chết đi cho hả.Chị ơi, đã có lúc nào chị phải sống trong tuyệt vọng chưa? Trong hoàn cảnh đó, đáng lẽ anh Trọng phải động viên em và tìm cách vượt qua thì anh lại khuyên em thôi đành phải dừng tình cảm lại. Tình cảm chứ có phải là cỗ xe đâu mà dừng nó lại được. Đầu óc con người chứ đâu phải là cái máy tính điện tử để khi cần thì đem xoá đi ổ nhớ cũ và thay vào đó chương trình khác. Làm sao anh có thể đền bù cho em sự day dứt, khổ nhục và tan nát đó. “Vì danh dự của anh bị xúc phạm quá nhiều, thanh danh người thầy bị tổn thương quá lớn, anh xin em thôi đành hy sinh tình cảm thiêng liêng, trong sáng của chúng mình”. Vậy đó chị ơi! Đàn ông vẫn chỉ là đàn ông. Họ sẵn sàng hy sinh hết vì danh dự, thậm chí để bảo vệ hư danh mà đâu cần biết đến sự đau khổ của người khác?Nhưng em chẳng thể sống mãi trong trạng thái tuyệt vọng đó. Anh Trọng xung phong đi bộ đội và đã trúng tuyển, chỉ còn chờ có ngày lên đường. Anh muốn trốn tránh dư luận, trốn tránh tình yêu, trốn tránh gia đình của anh hay anh muốn sống trong môi trường nhiều thử thách nhất để chứng tỏ mình? Em không biết vì sao nữa, chỉ biết nghe tin anh đi bộ đội thật, ông Chín tự nhiên đổi tính đổi nết. Ngay giữa ban ngày, ông đã tát cho anh một cái nảy lửa. Rồi bất chấp xóm làng nhìn vào, ông chửi rủa cái tính “điên khùng” của anh. Ông không tin xã hội này có chỗ để Trọng tiến bộ, “Đó, ngay cả nhà ông Năm đó cũng đâu có muốn mày, đâu có chấp nhận mày chỉ vì cái lý lịch của mày thôi. Có nhục nhã cho tao, cho mày không Trọng?!”Ba em chắc là hả hê lắm, vì theo ông, cuối cùng thì thực tế cũng đã “mở mắt” cho em. Ba em cho rằng, vậy là với cách phản ứng như vậy của ông Chín, anh Trọng sẽ không được nhập ngũ nữa. “Quân đội mình là quân đội cách mạng, nó phải được chọn lựa kỹ càng”. Ông nói với em như vậy. Cho nên ông vô cùng bất ngờ khi biết ngày Trọng lên đường nhập ngũ do thằng Đức thông báo. Ông “hừ” một tiếng mà không bình luận gì.Buổi anh Trọng lên đường, em và thằng Đức cứ đi tiễn anh Trọng. Ra khỏi xóm, gặp bà Chín đang lỉnh kỉnh bao thứ. Bà kể lể: Sáng ra anh Trọng chỉ ăn qua loa rồi xáo đống đồ đạc mà bà Chín đã chuẩn bị sẵn cả đếm, chọn lấy mấy thứ cần thiết rồi đi. Ngang qua cửa, ảnh đã thấy ông Chín ngồi đó nhìn trân trân. Anh chào “thưa ba, con đi” nhưng ông chẳng nói năng gì cả. Bà Chín rơm rớm nước mắt: “Ông tệ quá, con cái ra đi mà cả một lời chào của nó ông cũng không ừ lại được”.Thằng út nóng ruột nên bước lên trước. Chỉ còn lại em và bà Chín. Nơi nhận quân đã đông. Em cầm tay bà Chín tất tưởi len qua mọi người để tìm anh Trọng. Không hiểu sao lúc này em cảm thấy gắn bó với bà Chín. Bàn tay gầy gộc nhăn nheo của bà Chín cũng ấm như bàn tay má em vậy. Gặp anh Trọng đang bị các em học sinh và bạn bè vây quanh, bà Chín vừa khóc vừa nói:-Con quên mấy thứ ở nhà. Má đem thêm cho ít bánh nữa để tới đơn vị có cái mời mấy ông chỉ huy và bạn bè mới. Đi đường đừng ăn bậy đau bụng nghen con. Cơm, bánh má để cho trỏng. Cả thuốc nữa. Hút ít thôi…Anh Trọng xấu hổ thật sự. Đúng lúc đó có tiếng reo của thằng Đức: “Thầy Trọng ở đây ba nè!”. Ba em đến thật. Em và anh Trọng bối rối trước cú “kiểm tra đột xuất” này. Còn ba Chín thì cứ như gà mắc tóc vậy, không biết có nên chào, nên thanh minh giùm em điều chi hay thôi. Ba em đứng đó lặng lẽ không nói một lời. Hình như sự có mặt của bà Chín, của một người mẹ tiễn đưa con mình lên đường làm ông thấy khó xử. Rồi cũng đột ngột như lúc đến, ông bỏ đi.-Như vậy là mọi cái đã được giải quyết xong!Tôi thở phào. Nhưng Hà vẫn buồ tầu im lặng. Lúc này tôi mới nhận thấy mình đã quàng tay ôm lấy Hà từ lúc nào. Mây đen cũng đã dồn lại tự lúc nào không biết. Gió thổi mạnh hơn và lạnh hơn. Bầu trời tối lại. Xa xa lấp lánh hai ngôi sao rất sáng nằm ngay trong khoảng nhỏ quang mây. Vậy là gió sắp đuổi mây không cho nó che mất trăng hoặc mưa sẽ rơi xuống. Tôi và Hà cùng vào phòng. Ngồi xuống giường, Hà buồn rầu kể tiếp:-Chưa phải vậy đâu chị. Ba em vẫn chữa có thay đổi nào cả. “Vấn đề vẫn là ông Chín”, ba nói thế. Nhưng cục diện đã thay đổi rồi, ba đành phải im lặng khi thấy em và thằng út hay qua lại nhà bà Chín thăm nom, giúp đỡ. Cũng có thể gia đình bộ đội neo người, chẳng nhẽ lại cấm, cũng có thể ba nhớ lại rằng ngày xưa má và ông bà ở nhà cũng được bà con chòm xóm đùm bọc. Chỉ có má là người hiểu em nhất. Má thông cảm với nỗi bồn chồn của em khi thiếu anh Trọng, thiếu tin tức về anh. Má cứ rơm rớm nhìn em. Hình như cả quãng đời đằng đẵng mong chờ tin ba của má ngày xưa đang tái hiện ở em một cách mãnh liệt hơn. Cũng bằng con tim của người mẹ mà má đã tác động vào ba. Ba nhìn em âu yếm hơn và tránh nhắc lại chuyện xưa.Riêng ông Chín vẫn giữ thái độ im lặng cả khi anh cán bộ chính sách mang tấm bằng gia đình vẻ vang đến nhà. Chỉ những lúc có em và thằng út trong nhà, ông mới vui vẻ bắt chuyện với em. Rồi những ngày thương binh-liệt sĩ, ngày họp mặt các gia đình quân nhân, tuy để bà Chín đi nhưng em biết ông cũng đang bị khuấy động.Cho đến ngày có anh bộ đội về thẩm tra lý lịch của anh Trọng để kết nạp anh vào Đảng thì em thấy vui thật sự. Em tung tăng đi mau các thứ anh Trọng cần, anh thích để gửi cho anh. Em ngồi bên cửa sổ thêu khăn. Vừa đưa đường kim em vừa hát nho nhỏ. Anh bộ đội, ghé nhà em để “xem mặt” và phần chính là thăm thủ trưởng cũ của mình. Ba và ảnh đã trò chuyện suốt cả chiều đó. Từ thăm hỏi tâm tình đến những vấn đề, những quan điểm v.v… Chẳng rõ anh có sứ mạng nào trong chuyện tình cảm của chúng em không, nhưng thấy anh cùng ba tranh luận sôi nổi lắm. Có lúc tiếng của ba rất to: “Vấn đề tôi đang vương vấn là ông Chín đó. Chẳng lẽ tôi mang danh một người trung tá cách mạng, nay lại ngồi cùng bàn, uống chung ly rượt với một trung tá nguỵ. Lại phải cười với nhau. Rồi cả đời gắn với nhau vì tụi nó? Được không?”. Tiếng anh bộ đội: “Nhưng làm sao thủ trưởng đưa ổng đi trên con đường của mình mới gọi là tích cực, mới gọi là tính ưu việt của chế độ ta chó. Ngày xưa ta cũng binh vận, cũng giáo dục mà…”.Thư tiếp anh Trọng báo tin đã được đứng trong đội ngũ của Đảng. Tuy không ồn ào nhưng cả nhà vui, niềm vui ai cũng cố giấu. Ba khen: “Thằng nhỏ coi vậy mà khá”. Thấy vậy em chớp thời cơ đọc cho ba nghe đoạn anh kể về những cuộc hành quân truy quét bọn tàn quân Pol Pot trong mùa khô. Những lần tiếp cận địch, khát nước đến quẫn trí. Biết rằng chờ thêm vài chục phút nữa cho đúng giờ hợp đồng tác chiến là lại thêm vài chiến sĩ hy sinh vì khát nước mà đồng đội, mà anh em phải nghiến răng chịu đựng… Ba em im lặng rân rấn nước mắt. Em biết quãng đời gian lao đầy dũng cảm và đầy tình đồng đội khi xưa lại tràn về trong ký ức ba.Nhưng đến khi anh Trọng được phong thiếu uý quyền đại đội trưởng và ông Chín vui như mở cờ thì em mới thấy hết những gì mà ba lường trước.Với ba thì việc ảnh được vào Đảng là quan trọng nhất, còn với ông Chín thì việc ảnh được “thăng cấp”, lên chức mới là quan trọng, mới đáng vui, còn chuyện vào Đảng chẳng đáng để ông chú ý. Hai ông già hãy còn khác nhau về chính kiến, về quan điểm như vậy làm sao ngồi lại “đàm phán” với nhau được, nói chi đến chuyện “đàm đạo”. Có điều may mắn là cả gia đình em cũng bị cuốn vào nhịp sống mong chờ của em rồi.Chị ơi, đã lúc nào chị có người yêu là lính chưa? Ngày xưa em thơ ơ với thời cuộc lắm. Còn bây giờ, mọi tin tức, mọi điều liên quan đến bộ đội, em theo dõi kỹ lắm. Đến lời một bài ca về lính, đến một câu hát “Tiến bước dưới quân kỳ” thôi cũng làm em rạo rực như chính em là bộ đội vậy. Nghe nó, trái tim em nghẹn ngào. Nghe nó, nước mắt em ứa ra. Chị ơi, có phải phụ nữ chúng mình thường bắt đầu một sự nghiệp, hướng tới một lý tưởng từ tình yêu thương một con người cụ thể. Có phải vậy không hở chị?”.-Chị không rõ nữa-Tôi trả lời Hà-nhưng phụ nữ chúng mình vốn nặng tình cảm hơn. Thế còn lá thư mới nhất của anh Trọng viết cho em từ ngày nào?-Dạ ngày 18 tháng 4 chị ạ. Đến nay đã trọn 6 tháng bảy ngày rồi đó. Để em lấy thư ảnh cho chị coi nghen.Hà đứng dậy mở valy lấy cái hộp bằng gỗ thông rất đẹp mở ra và trao cho tôi phong thư nhỏ đã thơm mùi nhựa thông. Tôi cẩn thận lôi tờ giấy học trò ra khỏi phong bì:“Tà Bong Meng Chay ngày 18 tháng 4 năm…Hà em!“Anh đã nhận được thư em. Đồng đội anh đọc đi, đọc lại hoài mà cứ bật cười vì câu em viết. Anh ghi lại nguyên văn nhé. Không cần xem lại thư em đâu, chính anh cũng thuộc: “Một năm có 365 ngày, Mỗi ngày có 24 giờ, mỗi giờ có 60 phút và mỗi phút có 60 giây. Em xa anh đã ba năm 1 tháng hai ngày. Như vậy tính ra có đến hơn một trăm triệu giây xa và nhớ, mong và chờ. Còn anh, anh dành cho em được bao nhiêu phút, bao nhiêu giây trong hơn một trăm triệu giây đó!”. Mấy ảnh bảo em tính còn chưa chi li. Bởi một ngày sống trong đợi chờ dài bằng một… ngàn thu đó. Ở đây ngoài nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, các anh còn có thêm một nỗi nhớ Tổ quốc nữa. Em tính hộ xem và nhớ tính xem nên nhân với hệ số bao nhiêu. Nhiều câu em viết thành câu cửa miệng của bọn anh. “Tình bạn cũng cần có sự thuỷ chung, huống chi tình yêu”. Đồng đội của anh bỏ bớt vế sau để làm câu “răn đe” nhau đó. Mới hay bé Hà của anh giỏi lý sự lắm.Em! Đơn vị anh mới được rút về thị xã này vừa để bảo vệ nhân dân, vừa giúp bạn xây dựng một nhà máy nước. Chưa quen địa hình nên đêm đầu tiên bảo vệ cho đồng bào Campuchia xem phim, bọn tàn quân Pol Pot đã lén đến tung lựu đạn vào giữa bà con đang xem phim. Cũng may nơi đấy có một chiến sĩ đơn vị anh đang làm nhiệm vụ. Thời khắc quý giá biết bao. Người chiến sĩ không có thời gian để định hướng nên nhặt nó ném về đâu mà chỉ kịp nằm đè lên nó.Ai là kẻ thù của bọn Pol Pot? Người dân vô tội, mảnh đất giàu có hay bầu trời Campuchia? Tại sao phải lén lút và hèn nhát đến vậy?Đưa thi thể của người liệt sĩ đó lên máy bay đem về nước, có cả đồng bào Campuchia nữa. Và hôm sau, có chục tên tàn quân ra hàng vì đã tận mắt chứng kiến hành động quên mình vì đồng bào Campuchia của người anh hùng đó…”.Hà về trường để tập trung ôn thi. Cô nhờ tôi nhận thư giúp: “nếu có điều kiện, chị đưa lên cho em nghen”.Và kỳ lạ thay, tôi cũng bị lây cái thấp thỏm chờ mong của Hà. Cho đến sáng nay, một anh bộ đội mặc quân phục mới còn nếp là, có nước da sạm đen và đôi mắt to đến tìm Hà. Bằng linh cảm tối biết đó là Trọng. Cả cơ quan tôi đón anh như một người thân vừa đi xa về. Là con trai nhưng đôi má anh hơi bầu bĩnh. Khi cái miệng tròn nhỏ nhỏ của anh nở nụ cười, lộ ra bộ răng khấp khểnh, ám khói thuốc lá. Trọng có nhiều nét hao hao giống Hà, cứ như hai anh em vậy.-Ông cụ mời tôi đến chơi và trò chuyện suốt đêm chị ạ. Đấy là một con người sống rất thật, rất tốt và giàu nhiệt huyết.Tôi chie vết sẹo dài trên cánh tay phải và hỏi tiếp:-Anh Trọng bị thương hồi nào?-Cách đây gần 6 tháng rồi.“Lý do chậm thư đây”. Tôi thầm nghĩ và hỏi tiếp về trường hợp bị thương của anh. Trọng mỉm cười:-Cũng như những anh em thương binh khác thôi, bị thương trong lúc làm nhiệm vụ.Rồi Trọng lảng sang chuyện khác. Phải công nhận Trọng nói chuyện rất có duyên và luôn luôn nhìn thẳng vào mắt người trò chuyện với mình một cách tự nhiên. Ánh mắt đầy cảm thông và khích lệ, cứ y như thầy nhìn và nghe học trò của mình nói vậy. Trọng có một năng khiếu thật đặc biệt: luôn đưa người ta ra khỏi những lời khách sáo, xã giao một cách nhanh chóng, rồi giúp họ nói ra những suy nghĩ, những tâm tư của mình một cách thoải mái. Nghĩa là khi trò chuyện với Trọng, người ta cảm thấy có bầu không khí ấm cúng đáng tin cậy và tự nhiên họ muốn nói thật, nói một cách vui vẻ, thoải mái.Chiều đó Trọng lên trường tìm Hà và để lại cho tôi những suy nghĩ vẩn vơ…Xe vào bến, tôi và Hà xuống xe.-Làng em ở kia kìa.Tôi đưa mắt nhìn theo tay Hà chỉ: Giữa biển lúa vàng lăn tăn ngàn vạn con sóng đuổi nhau lấp lánh dưới nắng ban mai còn mang màu đục mờ của sương sớm, nổi lên những đảo dừa xanh ngắt thấp thoáng bao mai ngói đỏ tươi. Tiếng Hà thầm thì bên tôi:-Em đã sống ở đó mấy năm trời mà mỗi lần đứng ở đây nhìn về xã nhà, em cứ ngỡ đàng sau đường viền xanh bằng cây trái đó là cả một thế giới thần tiên-Xách đồ đạc lên, Hà vừa đi vừa nói tiếp: Mùa xuân sắp đến rồi, chị nhỉ. Trời năm nay lạnh hơn mọi năm. Chỉ còn hai mươi lăm ngày nữa là tròn năm năm em gặp anh Trọng lần đầu tiên…Tôi mỉm cười trêu Hà:-Chắc em sống vì kỷ niệm đó cưng?Xe lam đưa chúng tôi về đến ngõ ngôi nhà lợp bằng lá dừa và vách cũng bằng lá.-Nhà em đó.Tôi ngạc nhiên vì trí tưởng tượng của tôi bao ngày qua vẽ lên một ngôi nhà xây có nhiều phòng và nhiều cửa sổ hắt ánh nắng mặt trời đã được lọc qua tán lá xanh dày bao quanh nhà. Tôi tưởng sẽ thấy tại phòng khách một ông già quắc thước đang ngồi uống trà bên bộ sa lông màu mận chín cùng ai đó.Nhà đang có khách. Tự nhiên Hà cầm tay tôi bóp mạnh rồi kéo tôi đi vòng cửa sau. Em chỉ cho tôi một ông già cao to, nước da xanh xạm, ốm yếu, khuôn mặt to đầy nếp nhăn và trông có vẻ quen. Hà thì thầm vừa đủ cho tôi nghe bằng giọng hồi hộp thật sự:-Ông Chín đó. Còn kia là ba em.Ba của Hà cũng cao lớn nhưng khuôn mặt toát ra vẻ từng trải, dãi dầu sương gió trông rất đĩnh đạc mà nhân từ buộc người ta có cảm giác kính trọng ngay từ lúc mới nhìn thấy. Tiếng ông Chín không được tự nhiên lắm. Hình như ông đang lấy hết nghị lực, để đẩy bật cái điều ông vẫn nấu nung lâu ngày trong lòng thành lời nói:-Tôi biết… anh Năm và tôi cũng… khó thông cảm được với nhau-Rồi giọng ông mạnh lên, cứng cỏi: Chẳng ai thay đổi được ai theo ý của mình cả. Có điều như tôi nghĩ thì chắc anh cũng thương con thương cháu như tôi. Hai đứa nó lỡ thương nhau ngoài ý muốn của anh và của tôi. Mà rồi hai bả, hai gia đình cũng đã lỡ thương tụi nó. Thôi thì chuyện cũ cho qua đặng nhẹ lòng mà con lo, còn tính cho tụi nó. Phải không anh?Im lặng. Qua cửa sổ tôi thấy khuôn mặt ông Năm có nét căng thẳng. Rõ ràng là ông cũn thấy khó nói. Phải rất lâu ông mới thở dài:-Thôi đành vậy. Bây giờ không phải là mười năm về trước. Mà sau này đến lượt tụi nó cũng phải chịu cho con cháu làm khác ý tụi nó. Vậy thôi… đời mà…Trong lúc nói chuyện, tôi nhận thấy ông Năm ba của Hà vẫn đứng chứ không chịu ngồi xuống chiếc ghế đặt bên cạnh ông Chín…
Tân An, những ngày cuối năm 1986