Dich thuật: Vũ Mạnh Hồng & Nguyễn Hiền Chi
Chương 24
LÝ DO CÁC QUÂN VƯƠNG ITALIA
ĐÁNH MẤT VƯƠNG QUỐC

Nếu những nguyên tắc đã nói được tuân thủ một cách cẩn trọng thì các vị quân vương mới giành được ngôi báu sẽ thấy địa vị của mình được thiết lập vững càng và an toàn hơn so với những quân vương được truyền ngôi. Mặc dù tân vương mới giành được ngôi báu thường bị xét nét nhiều hơn so với quân vương được truyền ngôi, nhưng khi các việc làm của tân vương được thừa nhận là những hành động tốt thì dân chúng sẽ bị lôi cuốn mạnh mẽ hơn và ràng buộc chặt chẽ hơn vào vị quân vương này.
Vì con người thường bị chi phối bởi những mối bận tâm hiện thời hơn là những lo lắng của quá khứ, nên khi thực tại làm họ hài lòng thì họ tận hưởng sự hài lòng này mà không mưu cầu gì hơn. Trên thực tế, họ sẽ hết mình bảo vệ vị tân vương miễn là ông đừng sao nhãng các trách nhiệm của mình. Chính bởi vậy, vị tân vương sẽ giành được  hai lần vinh quang, khai sinh ra một vương quốc mới và xây dựng, củng cố vương quốc đó bằng những luật lệ tốt, quân đội tốt và những tấm gương sáng. Còn người nào sinh ra đã là một quân vương nhưng lại để mất đi vương quốc của mình do thiếu khôn ngoan thì sẽ bị hai lần hổ nhục.
Và khi nhìn lại những quân vương Italia để mất vương quốc của mình trong thời đại của chúng ta, như vua xứ Naples, công tước xứ Milan và những vương hầu khác, ta sẽ thấy họ đều mắc sai lầm giống nhau trong việc sử dụng quân đội với những nguyên nhân chúng ta đã bàn đến khá nhiều ở phần đầu cuốn sách này. Còn có thể thấy rằng một số quân vương bị dân chúng thù ghét, số khác được dân chúng ủng hộ nhưng giới quý tộc lại không ưa.
Nếu không mắc những sai lầm trên, những vương quốc đó hẳn đã đủ mạnh để đương đầu với kẻ thù và hẳn đã không rơi vào tay người khác. Vua Philip xứ Macedonia90 [90 Ở đây chỉ vua Philip V của xứ Macedonia (221-179 TCN) bị đánh bại tại trận chiến Cynoscephalate (197 TCN)]  – người bị Titus Quinctius đánh bại chứ không phải vua Philip- cha của Alexander Đại đế, không có nhiều đất đai như đế chế La Mã và đế chế Hy Lạp, là những nước tấn công ông nhưng bằng tài quân sự cũng như bằng sự hiểu biết về cách tổ chức dân chúng và cách tự bảo vệ trước giới quý tộc, ông đã đủ sức theo đuổi chiến tranh chống lại những đế chế này trong nhiều năm. Cho dù bị mất một số thành, nhưng cuối cùng, ông vẫn bảo toàn được vương quốc.
Bởi vậy, những quân vương của Italia, những người trị vì nhiều năm nhưng lại để mất vương quốc mình, không nên đổ lỗi cho số phận mà phải tự trách mình ngu dốt. Trong thời bình, họ chẳng bao giờ nghĩ đến việc thời thế đổi thay (lỗi thường thấy ở con người là khi trời yên gió lặng, thì không nghĩ tới bão dông), nên cuối cùng khi khó khăn tới, họ chỉ nghĩ tới việc bỏ chạy chứ không lo tìm cách tự vệ.
Họ hy vọng dân chúng rốt cuộc sẽ mời họ trở lại do căm ghét sự tàn bạo của kẻ chiến thắng. Khi không còn giải pháp nào khác thì đây là một chính sách tốt. Nhưng nếu chỉ nghĩ đến chính sách này mà không đếm xỉa đến bất kỳ cách nào khác thì đây là giải pháp tồi tệ. Vì ngài không bao giờ muốn bị thất bại nên ngài luôn tin rằng sẽ tìm được ai đó cứu giúp mình.
Nhưng dù cho điều đó có xảy ra hay không thì cũng không giúp ngài được an toàn. Biện pháp bảo vệ hèn nhát này chứng tỏ rằng ngài không thể tự bảo vệ mình. Nhưng biện pháp tốt, vững chắc và lâu dài chính là dựa vào bản thân, vào sự khôn khéo của chính ngài.