Ai cũng biết là, thật đáng ca ngợi một quân vương biết giữ lời, sống chính trực và không lừa dối. Tuy nhiên, từ thực tế thời đại của chúng ta, có thể thấy rằng những quân vương làm nên những chiến công vĩ đại lại là những người không hề để tâm đến việc giữ lời hứa mà là những người biết dùng mưu mô để đánh lừa kẻ khác. Kết quả là những quân vương này vượt xa những người chỉ khăng khăng cố giữ chữ tín. Bởi vậy, ngài cần phải biết có hai phương thức đấu tranh74 [74 Hai phương thức đấu tranh: Machiavelli lấy ý này trong tác phẩm De officiis của Cicero, nhưng thay đổi khá nhiều.]. Cách thứ nhất là bằng luật pháp, cách thứ hai là bằng vũ lực. Cách thứ nhất thích hợp với người, còn cách thứ hai dành cho dã thú. Nhưng cách thứ nhất trong nhiều trường hợp vẫn chưa đủ nên phải cần đến cách thứ hai. Bậc quân vương cần phải vận dụng thật khôn ngoan những bản tính của người và của dã thú. Các tác gia cổ đại đã khéo léo dạy cho các bậc quân vương điều đó qua câu chuyện về việc Achilles và nhiều vương hầu thời xưa đã được gửi cho Chiron the Centaur75 [75 Chiron the Centaur: Theo thần thoại Hy Lạp, đây là loài thú nửa người, nửa ngựa] nuôi dưỡng và giáo dục theo các nguyên tắc riêng. Có nghĩa rằng, với một thầy giáo nửa người nửa thú, bậc quân vương phải biết cách vận dụng bản năng của cả hai phần đó, và người nào thiếu một trong hai sẽ không thể trụ được. Bậc quân vương phải biết học hỏi từ bản tính của dã thú, biết kết hợp sức mạnh của sư tử với sự tinh ranh của cáo76 [76 Machiavelli đã tìm thấy ý tưởng cáo và sư tử nhanh chóng nổi tiếng này trong tác phẩm De officiis của Cicero, nhưng ông sửa đổi hoàn toàn luận điểm của Cicero. Cicero cho rằng cả bạo lực lẫn xảo trá là phi nhân tính và bởi vậy là những biện pháp đáng khinh]. Sư tử không thể tự bảo vệ mình tránh các cạm bẫy, còn cáo thì không thể chống lại sói. Vì thế, cần phải là cáo để nhận ra những cạm bẫy và là sư tử để dọa sói. Những người chỉ học theo sư tử sẽ không hiểu được điều này. Do vậy, một người cai trị khôn ngoan không thể và không nên giữ lời khi sự trung tín này đem lại bất lợi cho ông và khi những lý do của lời hứa đã không còn nữa. Nếu tất cả mọi người đều tốt thì nguyên tắc này vô dụng, nhưng bản tính con người lại đáng chê trách và chẳng biết giữ lời nên ngài cũng không cần phải giữ lời với họ. Bậc quân vương chẳng bao giờ thiếu lý do chính đáng để phá vỡ một giao ước. Về điều này, bất kỳ ai cũng có thể dẫn ra vô số ví dụ rằng gần đây có biết bao hiệp ước, giao ước đã trở thành vô hiệu vì sự bội tín của các quân vương. Ai biết cách sử dụng tốt nhất bản tính của con cáo sẽ có một tương lai tốt hơn. Nhưng điều cần thiết là phải biết ngụy trang, phải làm một kẻ đạo đức giả và một kẻ dối trá. Con người thường suy nghĩ đơn giản và bị chi phối bởi nhu cầu trước mắt đến mức một kẻ dối trá luôn có thể tìm ra người tự cho phép mình bị lừa dối. Tôi không thể không nói về một trong những ví dụ gần đây. Giáo hoàng Alexander VI không làm gì, nghĩ gì ngoại trừ việc lừa dối người khác và ông luôn tìm được cơ hội để làm điều đó. Người ta sẽ chẳng bao giờ tìm được người nào hùng hồn hơn ông khi tuyên thệ, quả quyết một việc với nhiều hứa hẹn hơn nhưng cũng hay nuốt lời hứa hơn ông. Tuy nhiên, những thủ đoạn của ông luôn thành công một cách hoàn hảo vì ông đã quá thành thạo. Bậc quân vương không cần phải có tất cả những phẩm chất kể trên, nhưng phải làm ra vẻ như có tất cả. Hình như tôi quá táo bạo khi khẳng định rằng: có tất cả những phẩm chất đó và lúc nào cũng sống đúng như thế thì thật là nguy hại, còn chỉ làm ra vẻ như có chúng thôi thì lại rất hữu ích. Chẳng hạn như nên làm ra vẻ bao dung, trung thành, nhân từ, đáng tin cậy, sùng đạo và đại khái thế nhưng đầu óc lại phải luôn hành động ngược lại nếu cần. Nguyên tắc cơ bản phải hiểu được là: Bậc quân vương, đặc biệt là quân vương mới giành được ngôi báu, không thể làm tất cả những điều mà con người vẫn cho là tốt, bởi để cai trị đất nước, ông thường phải hành động ngược lại với lời hứa của mình, ngược với tính nhân đạo, lòng nhân từ và trái với đạo giáo. Chính vì thế, ông cần phải có một trí tuệ luôn sẵn sàng tùy cơ ứng biến theo vận mệnh và sự biến đổi của thời thế. Và như tôi đã đề cập ở trên, chừng nào còn có thể thì quân vương nên là người tốt, nhưng ông phải biết cách thực hiện những điều xấu xa khi hoàn cảnh đòi hỏi. Bậc quân vương phải luôn cẩn trọng để mọi người đều thấy rằng, tất cả lời nói của ông đều chứa đựng đầy đủ năm phẩm chất đã nói: bao dung, trung thành, nhân từ, đáng tin cậy và sùng đạo. Và điều cần thiết nhất là phải ra vẻ như có đức tính cuối cùng. Con người thì thường phán xử bằng mắt nhiều hơn là bằng tay, vì ai cũng có thể nhìn nhưng rất ít người có thể cảm nhận. Mọi người thấy điều mà ngài có vẻ là có, rất ít người hiểu được ngài thực chất là người thế nào, và thiểu số đó không dám đi ngược lại quan điểm của số đông những người được quân vương bảo vệ và che chở. Không có ai phán xử công bằng hành động của con người, nhất là của bậc quân vương nên chỉ kết quả cuối cùng mới là đáng phải quan tâm đến. Vậy, hãy để bậc quân vương được tự do hành động để chinh phạt và cai trị đất nước. Các phương cách của ông sẽ luôn được kính trọng và toàn thể dân chúng ngợi ca. Vì những người bình thường luôn bị lừa dối bởi vẻ bề ngoài và kết quả của sự việc, mà trên thế giới này còn có ai ngoài những người bình thường. Không có chỗ cho thiểu số khi mà số đông đã có nơi để đặt lòng tin. Một vị quân vương thời nay77 [77 Có thể là Ferdinand II của Aragon]°, tôi xin không nhắc tên, không rao giảng điều gì khác ngoài hòa bình và lòng trung thành nhưng ông hoàn toàn bác bỏ cả hai điều này. Nếu như ông đã từng thực hiện cả hai điều này thì hẳn đã rất nhiều lần chúng khiến ông trả giá bằng danh tiếng hoặc vương quốc của mình. ° Chú thích của Sun Ming: có sách cho là Maximilien I, Hoàng đế của Thánh chế La Mã.