Một số bậc quân vương không vũ trang cho dân chúng nhằm đảm bảo cho đất nước được an toàn, một số bậc quân vương chia nhỏ những vùng đất chinh phục được, còn một số bậc quân vương lại kích động sự chống đối. Một số quân vương khác lại cố giành được sự ủng hộ của những người trước đây không tin tưởng vào sự trị vì của họ. Một số quân vương xây các pháo đài trong khi số khác lại phá bỏ. Không thể đưa ra một nguyên tắc bất di bất dịch mà không tính đến những đặc điểm riêng biệt của từng quốc gia nơi người ta đã đưa ra những quyết định khác nhau. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn đề cập khái quát về vấn đề này. Chưa từng có vị tân vương nào lại tước vũ khí của các thần dân mà trái lại, khi thấy thần dân không được vũ trang, quân vương còn trao vũ khí cho họ. Khi được vũ trang, lực lượng đó sẽ thuộc về ngài, cả những người trung thành lẫn những người ngài hy vọng sẽ trở nên trung thành. Khi ấy, họ không còn là dân thường mà đã là người thuộc phe của ngài. Vũ khí không thể trang bị cho tất cả mọi người nên những người được trang bị là những người được hưởng ân sủng, còn ngài sẽ dễ đối phó hơn với những người không được vũ trang. Sự phân biệt đối xử mà ngài dành cho họ sẽ khiến họ mắc nợ ngài. Những người không được trang bị vũ khí sẽ miễn thứ cho ngài với ý nghĩ rằng những người chịu nhiều hiểm nguy hơn, gánh nhiều trách nhiệm hơn thì xứng đáng với nhiều sự ban thưởng hơn. Nhưng khi ngài tước vũ khí của họ thì ngài đã bắt đầu xúc phạm họ. Ngài thể hiện sự không tin tưởng vào họ vì họ hèn nhát hay vì thiếu tin tưởng. Cả hai điều đó đều khiến người ta căm ghét ngài. Và bởi vì không thể không có quân đội nên ngài sẽ phải thuê lính đánh thuê với những tính xấu đã được bàn ở các phần trước. Và cho dù chúng là những binh lính tốt đi nữa thì cũng không đủ mạnh để bảo vệ ngài trước những kẻ địch hùng mạnh và những thần dân thiếu trung thành. Bởi vậy, như tôi đã nói, một quân vương mới giành được ngôi báu ở một vương quốc mới luôn xây dựng quân đội và trong lịch sử có rất nhiều những ví dụ như vậy. Nhưng khi một quân vương giành được một vương quốc mới và sáp nhập vào vương quốc cũ của mình thì cần phải tước vũ khí của những thần dân bị chinh phục, trừ những kẻ đã đứng về phía ngài trong cuộc chiến. Tuy nhiên, cùng với thời gian và khi có cơ hội, ngài cũng cần phải làm cho bọn họ suy yếu và khiếp nhược dần. Ngài phải tổ chức mọi việc sao cho sức mạnh vũ trang của toàn bộ đất nước tập trung ở chính binh lính của ngài - những người sống bên cạnh ngài tại vương quốc cũ. Tổ tiên chúng ta là những người thông thái, từng nói rằng phải giữ Pistoia bằng những phe phái và phải giữ Pisa bằng các pháo đài. Chính vì thế, những xung đột phe phái được kích động ở một số thị trấn phụ thuộc nhằm kiểm soát những vùng này dễ dàng hơn. Mặc dù, vào thời điểm hiện nay, khi Italia đang ở trạng thái cân bằng quyền lực, lời khuyên này có thể là một chính sách tốt nhưng tôi không cho rằng nên coi đó là một nguyên tắc. Theo tôi, các phe phái không đem lại điều gì tốt đẹp cả mà ngược lại, khi kẻ thù đến, các thành phố bị chia rẽ luôn thất thủ, vì những phe yếu hơn luôn liên kết với các lực lượng bên ngoài và những phe còn lại sẽ không kháng cự nổi. Tôi cho rằng người Venice, với những lý do nêu trên, đã kích động phe Guelf và phe Ghibelline81 tại các thành phố phụ thuộc. [81 Trong cuộc xung đột giữa hoàng đế La Mã và Giáo hoàng tại Italia thời Trung cổ, những người theo phe Guelf ủng hộ Giáo hoàng. Trong khi đó, những người theo phe Ghibelline hậu thuẫn hoàng đế. Tuy nhiên, những tranh đoạt giữa các nước đã hoà lẫn với các mâu thuẫn cục bộ nên một phe sẽ tấn công với sự ủng hộ của Giáo hoàng nếu đối thủ của họ nhận sự giúp đỡ của hoàng đế, và ngược lại.] Mặc dù không bao giờ để xảy ra đổ máu nhưng họ nuôi dưỡng xung đột giữa các phe phái sao cho những thành phố này, do bận bịu với các tranh chấp của chính mình sẽ không thể đoàn kết chống lại họ. Điều này, như chúng ta thấy, không đem lại kết quả. Khi người Venice bị đánh bại tại Vailà, một phe đã ngay lập tức lấy lại dũng khí và chiếm lại toàn bộ lãnh thổ. Hơn nữa, những biện pháp kiểu này chỉ thể hiện yếu ớt của quân vương. Tại những vương quốc vững mạnh, người ta không bao giờ cho phép tồn tại những phe nhóm bởi điều này chỉ có lợi trong thời bình khi giúp cho việc cai trị các thần dân trở nên dễ dàng hơn, nhưng khi chiến tranh đến thì chính sách kiểu này sẽ bộc lộ tác hại. Rõ ràng là các quân vương chỉ trở nên vĩ đại khi họ vượt qua được những trở ngại trên con đường họ đi. Bởi vậy, với mong muốn tăng thêm danh tiếng cho vị tân vương – người cần giành được sự tôn kính nhiều hơn là một quân vương được thừa kế ngôi báu, thần số mệnh đã tạo ra những kẻ thù và xui khiến chúng chống lại ông để ông có cơ hội tiêu diệt chúng và leo lên những bậc cao hơn trong chiếc thang mà kẻ thù đã đem lại cho ông. Chính vì thế, nhiều người cho rằng, một quân vương khôn ngoan khi có cơ hội phải khéo léo nuôi dưỡng sự chống đối để khi nghiền nát nó, ông sẽ giành thêm những vinh quang cho mình. Các quân vương, nhất là những tân vương vừa giành được ngôi báu, thường nhận thấy những kẻ mà họ nghi ngại khi mới lên ngôi thường tỏ ra trung thành và hữu ích hơn những kẻ được tin cậy ngay từ đầu. Pandolfo Petrucci82 vua xứ Siena, đã cai trị đất nước với sự giúp đỡ của những người từng bị ngờ vực nhiều hơn bất kỳ ai khác. [82 Pandolfo Petrucci: Cai trị Siena từ cuối thế kỷ 15 cho tới khi chết năm 1512. Machiavelli đã tới lâu đài của Pandolfo Petrucci nhiều lần khi thực hiện các sứ mệnh ngoại giao.] Tuy nhiên, ở trường hợp này, khó có thể nói một cách tổng quát vì các quốc gia có tình hình khác nhau. Tôi chỉ có thể nói rằng, quân vương có thể dễ dàng giành được sự hỗ trợ của những kẻ đã từng là kẻ thù của ông vào buổi đầu lên ngôi. Chúng giúp ông để bảo vệ mạng sống của chính bọn chúng. Và thậm chí chúng còn có nhiều trách nhiệm hơn trong việc phụng sự ông, phụng sự một cách trung thành vì chúng thấy cần phải thể hiện qua các hành động của mình để xóa bỏ mối nghi ngờ vốn có trong lòng quân vương. Sử dụng chúng sẽ đem lại nhiều ích lợi hơn so với những kẻ quá cẩn trọng mà thành ra không hết lòng đối với công việc của ông. Do đòi hỏi của chủ đề đang bàn luận, tôi không thể không nhắc nhở quân vương vừa chinh phục được một vương quốc bằng sự giúp đỡ của dân bản xứ rằng, ông cần phải thật cẩn trọng xem xét nguyên nhân đã khiến những người này giúp đỡ ông. Nếu không phải do cảm tình vốn dĩ của họ đối với ông mà là do bất mãn với chính quyền trước thì việc duy trì những đồng minh đó sẽ là một gánh nặng rất khó khăn, bởi ông không thể nào làm hài lòng họ. Khi xem xét kỹ nguyên nhân của vấn đề, ta có thể thấy các ví dụ thời xưa cũng như thời nay cho thấy tân vương có thể dễ dàng giành được nhiều cảm tình của những người vẫn hài lòng với chế độ cũ, và bởi vậy, từng là kẻ thù của ông hơn là từ những người do bất mãn với chế độ cũ mà trở thành đồng minh và giúp ông chiếm được vương quốc của họ. Để bảo vệ vương quốc một cách an toàn hơn, các quân vương thường xây các pháo đài và coi đây như là phương tiện chế ngự những kẻ muốn tấn công họ, và cũng là nơi trú ẩn an toàn trước một cuộc bạo loạn bất ngờ. Tôi ngợi ca phương pháp này, vì nó được áp dụng từ cổ xưa tới nay. Tuy nhiên, ngay trong thời đại ngày nay, Niccolò Vitelli83 đã phá hủy hai pháo đài ở Città di Castello nhằm giữ được vương quốc này. Khi giành lại được quyền cai trị xứ Urbino mà Cesare Borgia đã đoạt của mình, Guido Ubaldo84, công tước xứ Urbino, đã phá hủy hoàn toàn các pháo đài của xứ này. [83 Niccolò Vitelli: Người bị Giáo hoàng Sixtus IV đuổi khỏi Città di Castello năm 1474. Vitelli đã giành lại quyền lực vào năm 1482 nhờ sự giúp đỡ của người Florence và ông đã phá hủy hai pháo đài do Giáo hoàng xây dựng. 84 Guido Ubaldo: Guidobaldo da Montefeltro, Công tước Urbino (1472-1508) bị Cesare Borgia tống khỏi Urbino năm 1502, chỉ sau một thời gian ngắn đã trở lại phá hủy các pháo đài của thành phố này. Triều đình của ông là nguồn cảm hứng cho cuốn Câu chuyện triều thần của Castiglione.] Ông đã quyết định rằng khi không có các pháo đài này, việc tái chiếm xứ này sẽ khó hơn nhiều. Gia tộc Bentivogli85 [85 Gia tộc Bentivogli: bị Giáo hoàng Julius II đuổi khỏi Bologna năm 1506, quay lại nắm quyền năm 1511 ] cũng áp dụng các biện pháp đó khi trở lại nắm quyền ở Bologna. Bởi vậy, các pháo đài hữu dụng hay không đều tùy vào hoàn cảnh. Pháo đài đem lại lợi ích cho ngài theo cách này nhưng lại làm hại ngài theo cách khác. Vấn đề này có thể được giải quyết như sau: Vị quân vương nào e sợ thần dân của mình hơn là quân ngoại bang thì nên dựng lên pháo đài, còn vị quân vương nào sợ quân ngoại bang hơn là thần dân của mình thì đừng bận tâm đến việc xây dựng pháo đài. Lâu đài ở Milan mà Francesco Sforza xây đã gây ra nhiều cuộc chiến tranh chống lại gia tộc Sforza hơn bất kỳ một sự rối loạn nào ở đó. Dù sao đi nữa thì pháo đài vững chãi nhất đó là không bị thần dân thù ghét. Cho dù ngài có thể có các pháo đài nhưng chúng cũng không thể bảo vệ được ngài nếu dân chúng căm thù ngài, vì khi dân chúng đã cầm vũ khí nổi dậy thì không bao giờ thiếu những kẻ ngoại bang sẵn sàng hỗ trợ họ. Ngày nay, có thể thấy các pháo đài chẳng đem lợi ích cho ai ngoài nữ bá tước Forlì86 sau khi đức ông chồng là bá tước Girolamo bị giết hại. Nhờ có lâu đài của mình, bà mới trốn thoát khỏi cuộc nổi dậy của dân chúng và trông chờ sự giúp đỡ từ Milan để giành lại vương quốc. Cũng may mắn là tại thời điểm đó, không một kẻ ngoại bang nào có thể giúp các thần dân của bà. [86 Nữ bá tước Forlì: tên thật là Caterina Sforza Riaro, cháu gái của Ludovico Sforza II Moro, đã trốn tại pháo đài Forlì sau khi chồng bà là Girolamo bị ám sát năm 1498 cho đến khi người anh em họ tới cứu. Cesare Borgia chiếm Forlì và Imola từ tay bà năm 1500.] Nhưng rồi các pháo đài cũng chẳng giúp bà được nhiều khi bị Cesare Borgia tấn công và khi các thần dân thù địch bắt tay với ngoại bang. Bởi vậy, lần này cũng như lần trước, bà hẳn đã an toàn hơn nếu không bị thần dân ghét bỏ chứ không phải là chỉ nhờ vào những pháo đài. Do vậy, xét tới tất cả những điều vừa bàn tới, tôi xin được ngợi ca cả những vị quân vương dựng lên các pháo đài, cả những vị quân vương không làm như vậy và tôi dành lời chỉ trích cho những vị quân vương tin tưởng vào các pháo đài mà xem thường sự thù ghét của dân chúng.