Nhưng các quốc gia quân chủ mới lại gặp nhiều vấn đề phức tạp hơn. Trước hết, nếu quốc gia này không phải hoàn toàn mới mà chỉ là kết quả của sự sáp nhập (khi hai vương quốc được hợp lại làm một thì có thể gọi là quốc gia mang tính hỗn hợp) thì rắc rối xuất phát từ bản chất của tất cả quốc gia quân chủ mới: dân chúng hoan hỉ thay đổi kẻ cai trị và tưởng rằng mọi chuyện sẽ tốt hơn; và lòng tin đó đã khiến họ cầm vũ khí chống lại người trị vì cũ. Nhưng họ đã lầm tưởng bởi vì thực tế sau này cho họ thấy mọi sự còn trở nên tồi tệ hơn. Điều này bắt nguồn tự một nguyên nhân bình thường và rất tự nhiên. Vị quân vương mới giành được quyền lực thường khiến các thần dân mới của mình thù ghét bởi binh lính và những thương đau gắn với cuộc chinh phạt của ngài. Do vậy, tất cả những người mà ngài làm tổn thương khi xâm chiếm một đất nước sẽ trở thành kẻ thù của ngài trong khi những người đã giúp ngài nắm quyền lực lại không thể mãi là bạn bè, bởi vì ngài không thể làm họ hài lòng theo cách mà họ muốn hoặc có thể ngài không dám dùng những biện pháp mạnh10 do ngài phải chịu ơn họ. [10Những biện pháp mạnh: hiểu theo nghĩa đen, medicineforti có nghĩa là liều thuốc mạnh] Cho dù có quân đội hùng mạnh nhất, sự ủng hộ của dân bản xứ vẫn luôn là điều cần thiết để chiếm giữ một vùng đất. Chính vì lý do này, vua Louis XII của nước Pháp11 [ 11 Vua Louis XII của Pháp: Con trai của Charles d’Orléans (1462-1515), kế vị người em họ là vua Charles VIII vào năm 1948, hưởng quyền thế tập đối với xứ Naples và Milan, liên minh với người Venice chiếm đóng Milan một thời gian ngắn vào năm 1499, bị công tước Milan chiếm lại vào năm 1500, sau một cuộc nổi loạn chống lại viên thống sứ người Pháp] đã nhanh chóng chiếm được Milan và cũng nhanh chóng đánh mất thành phố này. Và ngay lần đầu tiên, chỉ riêng các đạo quân của Ludovico12 [12 Ludovico: Ludovico Sforza (1451-1508) được gọi là “il Moro” (người Moor), là con trai của Francesco Sforza, Công tước xứ Milan và Bianca Maria Visconti. Ông trở thành công tước xứ Milan năm 1494 sau khi Pháp xâm lược Italia và sau khi người cháu của ông, là Gian Galeazzo Visconti chết (có thể do chính ông ám sát). Trong khi Ludovico cố gắng chiếm lại Milan vào năm 1500, quân đội của ông chiến đấu với lính Pháp tại Novara, và khi các lính đánh thuê Thụy Sĩ của Ludovico đã không chịu đánh nhau với những người “đồng bào” của mình trong quân đội của vua Louis, nên Sforza đã bị bắt, bị cầm tù đến chết tại một nhà tù gần Tours. Ông cũng là một trong những nhà bảo trợ của Leonardo da Vinci] cũng đã đủ để chiếm lại Milan, bởi vì chính những người dân đã mở cổng thành cho vua Louis cảm thấy bị lừa dối, thất vọng vì tương lai tốt đẹp hơn mà họ ảo tưởng đã không đến và họ đã không thể ủng hộ sự chiếm đóng của người cai trị mới thêm nữa. Rõ ràng là những vùng đất đã nổi loạn nhưng bị chinh phục lại sẽ khó mất hơn vì nhân cơ hội dẹp loạn, vị chủ nhân của vùng đất đó bớt e dè trong việc trừng phạt những kẻ chống đối, truy lùng những kẻ tình nghi và khắc phục những điểm yếu của mình. Như vậy, chỉ cần công tước Ludovico đe dọa các vùng biên giới là đã đủ để nước Pháp phải mất Milan lần thứ nhất. Nhưng để người Pháp phải bỏ Milan lần thứ hai, cả thế giới13 đã phải chống lại nước Pháp, tiêu diệt và truy đuổi quân Pháp khỏi Italia. [13 Người Pháp nhanh chóng chiếm lại Milan sau trận chiến Ravenna (1512), một chiến thắng phải trả giá đắt mà tại đó người Pháp đã đánh bại Liên minh Thần thánh do Giáo hàng Julius II chỉ huy nhưng lại mất vị thống chế dũng cảm là Gaston de Foix. Machiavelli dùng từ “cả thế giới” để ám chỉ việc Liên minh Thần thánh không chỉ gồm Tây Ban Nha, Venice và Giáo hoàng mà ít nhất là trên giấy tờ còn gồm cả vua Henry VIII của Anh và hoàng đế Maximilian I của Đức] Những lý giải chung về lần đầu nước Pháp mất Milan đã được bàn ở trên, bây giờ, tôi xin được đề cập tới những lý do dẫn tới việc mất Milan lần thứ hai cũng như xem xét các biện pháp mà vua nước Pháp đã áp dụng và những biện pháp đáng lẽ nên áp dụng trong trường hợp đó để chiếm giữ một cách hữu hiệu hơn. Các vùng đất bị chinh phục và sáp nhập vào vương quốc lâu đời của người chiến thắng có thể có chung hoặc không cùng chung vùng địa lý, ngôn ngữ. Với những xứ bị chinh phục có chung vùng địa lý và ngôn ngữ, việc chiếm giữ dễ dàng hơn, đặc biệt là khi những vùng đất này không quen với tự do; và để chiếm giữ một cách chắc chắn thì biện pháp duy nhất cần làm là tiêu diệt hoàng tộc cũ. Con người thường sinh sống một cách hiền hòa miễn là cách sống quen thuộc không bị đảo lộn, tập tục không bị thay đổi. Chúng ta có thể thấy điều đó qua trường hợp của các xứ Burgundy, Brittany, Gascony và Normandy14 [14 Xứ Normandy được sáp nhập vào nước Pháp năm 1204, xứ Gascony được giành lại từ người Anh năm 1453, xứ Burgundy được nhập vào nước Pháp năm 1477, xứ Brittany thuộc về nước Pháp sau cuộc hôn nhân của vua Charles VIII với quận chúa Anne của xứ Brittany, sau này quận chúa Anne lại lấy vua Louis XII ]– những vùng đất đã trở thành một phần của nước Pháp trong thời gian dài. Mặc dù có vài khác biệt về ngôn ngữ nhưng do phong tục tương đồng nên sự hòa hợp trở nên dễ dàng. Bất kỳ ai muốn thôn tính và giữ được các vùng đất thuộc loại này cần nhớ hai điều: thứ nhất, phải tuyệt diệt hoàng tộc cũ; và thứ hai, không nên thay đổi luật lệ và thuế khóa. Được vậy, các vùng đất mới sẽ nhanh chóng hợp nhất vào chính quốc. Nhưng khi các vùng đất bị chiếm đóng không tương đồng về ngôn ngữ, phong tục và luật lệ thì khó khăn sẽ gấp bội, và muốn vượt qua được thì cần phải có thật nhiều may mắn và tốn nhiều công sức. Tốt nhất, người chinh phục phải đích thân tới sống ở vùng đất vừa chiếm được. Nhờ thế, việc chiếm đóng mới lâu dài và bền vững, như hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ đã áp dụng với Hy Lạp. Bởi vì cho dù thực hiện tất cả các biện pháp đề phòng khác, nhưng nếu ông ta không tới đó sống thì việc giữ được các vùng đất này là điều không thể. Bởi vì, chỉ khi mà người chinh phục sống ngay tại nơi đó thì mới có thể phát hiện vấn đề từ trong trứng nước và nhanh chóng tìm ra biện pháp giải quyết. Không sống ở đó, các bậc quân vương chỉ có thể biết được tình hình sau khi vấn đề đã trở nên trầm trọng và khi ấy thì vô phương cứu chữa. Hơn nữa, không nên để bọn quan lại cướp bóc vùng đất vừa chiếm được bởi dân chúng mong muốn được trông cậy trực tiếp vào nhà vua của mình. Muốn trở thành các thần dân tốt, họ sẽ có nhiều lý do để yêu mến vua hơn và muốn trở thành các thần dân xấu, họ sẽ có nhiều lý do để sợ vua. Bất kỳ lực lượng ngoại bang nào muốn xâm chiếm vùng này buộc phải e ngại, bởi vì khi nhà vua đã đích thân đến sống tại đây thì việc mất vùng đất này là vô cùng khó khăn. Biện pháp còn lại và tốt hơn là di dân chính quốc tới một vài vùng thuộc địa với sự hỗ trợ cho chính quốc. Bởi vì điều cần thiết là quân vương phải dùng cách này hoặc duy trì một lực lượng lớn bộ sinh và kỵ binh, nhưng việc di dân chính quốc sang sinh sống các vùng thuộc địa không phải tốn kém gì nhiều. Phương cách này chỉ gây tổn thương cho thiểu số những kẻ bị tước đoạt nhà cửa, ruộng vườn để trao cho các cư dân mới. Và những kẻ bị tổn thương đó đều là loại nghèo hèn và phân tán nên chẳng thể làm hại gì ngài, còn tất cả những kẻ khác thì chẳng bị tổn hại gì (cho nên chúng sẽ im lặng). Hơn nữa, những kẻ này còn sợ sẽ phạm sai lầm khiến chúng có thể bị tước đoạt ruộng đất. Tôi muốn kết luận rằng, hình thức di dân chính quốc tới sinh sống tại các thuộc địa không tốn kém, còn đám dân này trung thành hơn và ít gây phiền nhiễu hơn. Và những kẻ bị tổn hại, như tôi đã nói, không thể là mối đe dọa do chúng nghèo hèn và phân tán. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, quan hệ giữa người và người phải được đối xử tử tế hoặc thẳng tay đàn áp vì con người thường trả thù những xúc phạm nhỏ nhặt, nhưng trước sự lăng nhục nghiêm trọng thì lại chẳng thể làm gì. Bởi vậy, đã trừng trị ai thì phải dùng cách nào để khỏi sợ người đó báo thù. Tuy nhiên, duy trì quân đội ở những vùng đất này để thay thế cho đám dân chính quốc di dân sang sẽ tốn kém hơn, phải trút hầu bao của chính quốc vào việc canh giữ các biên giới nên cũng lợi bất cập hại; và nhiều tác động tiêu cực hơn sẽ xảy ra bởi việc chuyển quân sẽ tác động đến cả nước khiến dân chúng bất bình và có thể sẽ chống đối. Những kẻ chống đối đó nguy hiểm bởi, mặc dù bị chinh phục, họ vẫn đang sống dưới chính mái nhà của mình. Như vậy, xét về mọi mặt, việc chiếm giữ bằng quân đội là vô ích trong khi cách di dân chính quốc sang các thuộc địa lại có lợi hơn nhiều. Ngoài ra, khi vùng đất bị xâm chiếm không có những điểm tương đồng với chính quốc thì quân vương phải biến mình thành người lãnh đạo và người bảo vệ những láng giềng yếu hơn, và phải bằng mọi cách làm suy yếu những láng giềng hùng mạnh hơn. Và ông cũng cần lưu tâm để không có bất kỳ kẻ ngoại bang nào, có thế lực như ông, được tiến vào vùng đất này vì bất kỳ lý do gì. Những kẻ bất mãn thường cầu cứu ngoại binh có thể vì chúng quá tham vọng hoặc quá sợ hãi, như trường hợp người xứ Aetolia đã dẫn quân La Mã vào Hy Lạp15 và tất cả những vùng đất khác mà người La Mã chiếm được đều nhờ vào sự nội ứng của chính cư dân bản xứ. [15 Năm 211 TCN, Liên minh Aetolia thuộc Hy Lạp đã liên kết với người La Mã chống lại vua Philip V của Macedonia (220-178 TCN) và chống lại Liên minh Achaea bao gồm các tiểu quốc Hy Lạp khác, đồng minh của Mecedonia ] Ngay khi lực lượng ngoại bang hùng hậu tiến vào một vùng, tất cả những kẻ yếu hơn sẽ bám đuôi do chúng ganh tị với vị quân vương đang cai trị vùng này. Cho nên, đối với những kẻ yếu hơn, lôi kéo được chúng không có gì khó vì tất cả bọn chúng đều ngay lập tức và hoàn toàn hậu thuẫn cho tân vương. Tân vương chỉ cần cảnh giác không cho bọn chúng nắm quá nhiều quyền hành và lực lượng; và bằng lực lượng của mình cùng với sự hỗ trợ của chúng, ông sẽ dễ dàng đè bẹp những kẻ mạnh để trở thành người thống trị duy nhất trong vùng. Bất kỳ ai không tuân theo những nguyên tắc này sẽ nhanh chóng mất vùng đất vừa chiếm được và cho dù có chiếm giữ được thì sẽ có vô vàn những khó khăn và lo lắng. Tại các vùng đất chiếm được, người La Mã tuân thủ rất cẩn thận những nguyên tắc trên. Họ di dân sang, quan hệ với những kẻ yếu hơn nhưng không làm cho chúng mạnh lên, tiêu diệt những kẻ mạnh và không để các lực lượng ngoại bang giành được uy tín ở đó. Tôi chỉ xin lấy ví dụ về trường hợp Hy Lạp: người La Mã giữ thái độ thân thiện với người Achaea và người Aetolia; khuất phục vương quốc Macedonia16 đánh đuổi Antiochus17. [16 Sau khi bị đánh bại tại trận chiến Cynoscephalae (197 TCN), vua Philip V của Macedonia đã mất quyền kiểm soát Hy Lạp cho La Mã. 17 Antiochus (223-187 TCN): Vua Syria, xâm lược Hy Lạp và cuối cùng lại bị người La Mã đánh bại tại trận Magnesia (190 TCN)]. Thế nhưng, người La Mã không nhường bất kỳ vùng đất nào cho người Achaea và người Aetolia. Vua Philip của Macedonia ra sức cầu hòa nhưng điều này không giúp ông ta tránh khỏi sự đè bẹp của người La Mã. Cho dù Antiochus có nhiều thế lực tại vùng đất này, nhưng người La Mã không trao cho ông ta bất kỳ quyền hành gì. Như vậy, người La Mã đã làm tất cả những gì mà một bậc quân vương khôn ngoan cần làm. Họ không chỉ đề phòng những vấn đề trước mắt mà còn phải lường trước và tìm cách phòng tránh cả những biến cố trong tương lai. Nếu được phát hiện sớm, những mầm bệnh có thể được điều trị rất dễ dàng. Nhưng nếu chờ đến lúc phát bệnh thì thuốc thang có thể là quá muộn vì căn bệnh đã trở thành nan y. Quan điểm của các thầy thuốc về bệnh lao rất phù hợp với lập luận ở phần này. Thời kỳ đầu, bệnh dễ chữa nhưng khó chẩn đoán. Sau một thời gian không được phát hiện và chữa trị, bệnh trở nên dễ chẩn đoán nhưng lại khó chữa. Đối với những vấn đề quốc gia đại sự cũng vậy. Bằng khả năng nhận biết trước những hiểm họa đang lan đi trong vương quốc (phẩm chất bẩm sinh có của nhà cai trị khôn ngoan), quân vương sẽ nhanh chóng đối phó. Tuy nhiên, khi những hiểm họa đó không được ai biết đến và cứ lớn dần lên, thì đến một lúc nào đó, mọi người đều biết nhưng quân vương không còn khả năng đối phó được nữa. Do vậy, khi thấy trước các khó khăn, người La Mã luôn tìm ra giải pháp. Để tránh chiến tranh, họ không bao giờ để các rắc rối phát sinh mà không tìm cách xử lý, bởi họ biết rằng, không thể tránh được chiến tranh nhưng có thể dùng chiến tranh để lấy đi lợi thế của kẻ khác. Bởi vậy, họ đã gây chiến với vua Philip và Antiochus ngay trên đất Hy Lạp để không phải đương đầu với những địch thủ này trên đất Italia. Người La Mã hoàn toàn có thể tránh được cả hai cuộc chiến đó nhưng họ không muốn thế. Họ cũng không muốn có lợi thế về thời gian như những nhà thông thái thời chúng ta vẫn luôn nói. Thay vào đó, họ muốn có lợi thế về sức mạnh và sự khôn ngoan của mình, bởi thời gian có thể mang đến mọi chuyện, cả điều tốt cũng như điều xấu. Hãy trở lại với trường hợp nước Pháp và thử xem có sự việc nào liên quan tới những nội dung bàn luận nêu trên không. Tại đây, tôi không nhắc tới vua Charles 18 mà chỉ xin được bàn về vua Louis. Vì vua Louis chiếm đóng Italia lâu hơn và hành động hoàn toàn ngược lại những gì cần phải làm để duy trì sự thống trị tại một vùng đất mới được chinh phạt. [18 Vua Charles VIII (1470-1498) xâm lược Italia vào năm 1494 để đòi quyền thế tập đối với vương quốc Naples. Sau khi chiếm được Naples vào năm 1495, ông bị Liên minh Venice-Milan, rồi Tây Ban Nha, Giáo hoàng Alexander VI và hoàng đế La Mã chống lại, Ông ta đã rút lui an toàn khỏi Italia sau khi thoát khỏi cuộc bủa vây của lực lượng Italia tinh nhuệ trong trận chiến Fornovo (1495). Anh họ ông là vua Louis (công tước xứ Orléan), nối ngôi với tước hiệu Louis XII.] Vua Louis tiến vào Italia nhờ vào tham vọng của người Venice. Khi đó người Venice hy vọng có thể giành được một nửa xứ Lombardy bằng việc hậu thuẫn cho vua Louis. Tôi không phê phán những gì vua Louis đã làm. Vua Louis muốn xâm nhập Italia nhưng lại không có đồng minh ở nước này. Thêm vào đó, sau hành động xâm lược Italia của vua Charles thì mọi cánh cổng trước ngài đều đóng chặt. Do vậy, ngài buộc phải kết thân với bất kỳ đồng minh nào có thể có. Lẽ ra vua Louis đã thành công nếu như không phạm sai lầm trong các bước tiếp theo. Sau khi chiếm được xứ Lombardy, ngay lập tức, vua Louis giành lại uy tín mà vua Charles đã để mất: xứ Genoa đầu hàng, người Florence trở thành đồng minh; hầu tước xứ Mantua, công tước xứ Ferrara, gia tộc Bentivogli, nữ bá tước xứ Forlì, các lãnh chúa của các xứ Faeriza, Pesaro, Rimini, Camerino, Piombino và dân chúng các xứ Lucca, Pisa, Siena đều xô đến tìm sự che chở của ngài 19. [19 Sau khi vua Louis XII chiếm được Milan vào năm 1499, xứ Genoa đầu hàng, người Florence trở thành đồng minh của ông để nhận được sự hỗ trợ trong cuộc chinh phạt Pisa cùng năm đó. Những vua chúa tại các thành bang, lãnh địa mà Machiavelli nêu ra gồm Francesco Gonzaga (xứ Mantua), Ercole d’Este (xứ Ferrara), Giovanni Bentivogli và con trai là Annibale (xứ Bologna), Caterina Sforza Riario (xứ Forlì), Astorre Manfredi (xứ Faenza), Giovanni Sforza (xứ Pesaro), Pandolfo Malatesta (xứ Rimiri), Giulio Ceare da Varano (xứ Camerino) và Jacopo d’Appiano (xứ Piombino ]. Đến lúc này, người Venice mới nhận ra sự hồ đồ của mình. Để chiếm được một mẫu đất của xứ Lombardy, họ đã dâng cho vua nước Pháp một phần ba đất nước Italia. Giờ đây, thật chẳng mấy khó khăn để vua Louis củng cố được thế lực của mình ở Italia nếu như ngài làm theo những quy tắc nêu trên và bảo vệ, che chở cho tất cả những kẻ thân hữu. Mặc dù số lượng rất đông đảo, nhưng phần lớn những kẻ này đều yếu hèn. Vì một số kẻ thì sợ Giáo hội trong khi số khác thì sợ người Venice, nên tất cả đều buộc phải là đồng minh của ngài. Lẽ ra, nếu biết lợi dụng những kẻ này, vua Louis đã có thể dễ dàng chống chọi những vương quốc hùng mạnh khác. Thế nhưng, ngay khi vào đến Milan, ngài đã làm ngược lại. Ngài đã giúp Giáo hoàng Alexander chiếm giữ xứ Romagna. Ngài không nhận ra rằng chính quyết định này đã làm ngài suy yếu, buộc ngài phải bỏ rơi các đồng minh cũng như những kẻ đã tự đặt mình dưới sự che chở của ngài, và đồng thời tăng cường thần quyền của Giáo hội bằng cách bổ sung rất nhiếu những quyền thế tục mà nhờ đó, Giáo hội giành được quá nhiều quyền lực. Sau khi mắc hết sai lầm này đến sai lầm khác, ngài đã buộc phải dẫn quân vào Italia để chấm dứt tham vọng của Giáo hoàng Alexander và ngăn không cho Giáo hoàng Alexander làm chủ vùng Tuscany. Ngài chẳng thể hài lòng khi Giáo hội mạnh lên còn mình lại mất các đồng minh. Vì thèm muốn vương quốc Naples, ngài chia xẻ xứ này với vua Tây Ban Nha. Ngài rước vào mảnh đất mà ngài đã từng nắm trọn quyền thống trị một ông vua để những kẻ tham vọng và bất mãn tại đây có nơi cầu cạnh. Tại cái nơi đáng lẽ có thể lập một ông vua bù nhìn để cai quản, thì ngài lại thay thế bằng một kẻ có thể tống khứ chính ngài khỏi vương quốc này. Khát vọng chinh phục là một điều vô cùng bình thường và mang tính bản năng. Một người đàn ông có khả năng chinh phục luôn được ca ngợi và không bị chỉ trích nhưng một kẻ bất tài mà lại muốn chinh phục thì chỉ để lại những lỗi lầm và chê trách. Bởi vậy, nếu nước Pháp có thể tấn công vương quốc Naples bằng chính quân đội của mình thì nên làm vậy, còn nếu nước Pháp không thể thì đừng nên chia xẻ vương quốc Naples với kẻ khác. Nếu như việc chia xẻ xứ Lombardy với người Venice có thể được tha thứ vì nhờ đó, vua Louis có thể đặt chân vào Italia thì những sự chia chác khác đều đáng bị lên án, vì thực ra ngài không cần đến những điều đó. Vua Louis đã phạm phải năm sai lầm: ngài tiêu diệt những kẻ yếu hơn mình; tăng cường cho một thế lực khác ngay tại Italia, rước vào Italia một kẻ ngoại bang hùng mạnh, không tới Italia sống, và không di dân chính quốc tới sinh sống tại đây. Những lỗi lầm trên có thể đã không gây hại nếu ngài không phạm tiếp lỗi thứ sáu: làm suy giảm sức mạnh của người Venice. Lầm lỗi là vì nếu ngài đã không lỡ khiến Giáo hội mạnh lên cũng như không lỡ rước người Tây Ban Nha vào Italia thì việc ngài làm suy yếu người Vencie là hợp lý và cần thiết. Nhưng ngài đã trót hành động như thế thì ngài lại không bao giờ nên để cho người Venice suy yếu. Chừng nào còn mạnh như xưa, người Venice còn tìm cách ngăn không cho những kẻ khác chiếm đoạt xứ Lombardy bởi vì chính người Vencie muốn trở thành chúa tể của xứ Lombardy và những kẻ khác cũng chẳng muốn giành mảnh đất này từ tay nước Pháp để trao cho Venice. Khi đó, chẳng có kẻ nào lại dám chọc giận đồng thời cả nước Pháp và xứ Venice. Nếu ai đó cho rằng vua Louis nhượng xứ Romagna cho Giáo hoàng Alexander và vương quốc Naples cho Tây Ban Nha để tránh chiến tranh thì tôi xin nhắc lại điều đã nói ở trên: để tránh chiến tranh, không bao giờ cho phép những rối ren nảy sinh, bởi chiến tranh thì không thể tránh được nhưng có thể lợi dụng để lấy đi lợi thế của kẻ khác. Nếu ai đó nói rằng vua Louis đã hứa nhượng lại xứ Romagna cho Giáo hoàng để đổi lấy chức vị Hồng y Giáo chủ cho Tổng giám mục xứ Rouen20 và việc hủy bỏ hôn ước của ngài thì tôi xin đáp lại trong phần sau, khi bàn về chữ tín và cách giữ chữ tín của các bậc quân vương. [20 Để đổi lấy việc ban phép cho Louis ly dị vợ là hoàng hậu Joanne và cưới quận chúa Anne của xứ Brittany, vợ goá của vua Charles VIII, cũng như việc cất nhắc sủng thần của ông ta là George d’Amboise, tổng giám mục xứ Rouen, lên hàng Hồng y Giáo chủ, vua Louis đã đồng ý giúp Giáo hoàng Alexander VI thôn tính các vùng đất thuộc Romagna]. Vua Louis đã mất xứ Lombardy do không tuân thủ những nguyên tắc cần coi trọng khi chinh phục và cai trị các vùng đất. Những điều xảy ra không có gì lạ lùng mà hết sức bình thường và dễ hiểu. Tại Nantes21, tôi đã đàm đạo với Hồng y Giáo chủ xứ Rouen khi công tước Valentino (tên thường gọi của Cesare Borgia22, con trai của Giáo hoàng Alexander) chiếm Romagna. [21 Tại Nantes: Machiavelli đã tới Pháp vào năm 1500 trong một phái đoàn ngoại giao của nước cộng hòa Florence và một số dịp khác. 22 Cesare Borgia: sinh năm 1476, là con trai của nguyên Hồng y Giáo chủ Rodrigo Borgia (Giáo hoàng Alexander) và Vanozza Catanei. Cesare được phong Hồng y Giáo chủ vào năm 1493 nhưng lại từ bỏ sự nghiệp nhiều hứa hẹn tại Giáo hội vào năm 1498. Ông được vua Louis XII phong làm công tước và nhận được lời hứa về sự ủng hộ Pháp trong cuộc chinh phạt Romagna. Khi Giáo hoàng Alexander (1492-1503) qua đời đột ngột, quyền lực của Cesare tan thành mây khói, rồi ông chết tại Tây Ban Nha vào năm 1507 ]. Khi Hồng y giáo chủ nói với tôi rằng người Italia hiểu rất ít về chiến tranh, tôi đã đáp lại rằng người Pháp hiểu rất ít về chính trị. Bởi nếu hiểu được chính trị thì người Pháp đã không để Giáo hội thâu tóm nhiều quyền lực như vậy. Chúng ta đều thấy rằng cả Giáo hội và Tây Ban Nha giành được quyền lực ở Italia là nhờ nước Pháp, và nước Pháp sụp đổ là do Giáo hội và Tây Ban Nha. Người ta có thể rút ra một quy luật chung hiếm khi sai, đó là: người nào đem lại quyền lực cho kẻ khác thì tự chôn vùi chính mình, bởi vì quyền lực này là kết quả của gian trá hoặc bạo lực và kẻ vừa trở nên hùng mạnh rất có thể có cả hai điều đó.