Dich thuật: Vũ Mạnh Hồng & Nguyễn Hiền Chi
Chương 26
LỜI KÊU GỌI GIẢI PHÓNG ITALIA

  Xét tất cả những điều đã bàn đến và cân nhắc xem liệu thời điểm hiện nay có phù hợp để tôn vinh một vị tân vương ở Italia không, liệu đã có cơ hội nào cho vị tân vương tài trí và khôn ngoan xác lập một chính quyền có thể đem vinh quang đến cho ông và những điều tốt đẹp đến cho người dân Italia hay không, tôi thấy dường như có quá nhiều điều thuận lợi cho vị tân vương mới, đến mức tôi không còn thấy thời điểm nào thích hợp hơn.
Và như tôi đã nói, nếu dân Israel cần phải chịu cảnh làm nô lệ ở Ai Cập để nhận ra tài năng phi thường của Moses, người Ba Tư phải bị người Medes áp bức mới thấy được tinh thần vĩ đại của Cyrus, và người Athens phải bị chia ly mới thấy được tài năng kiệt xuất của Theseus thì cũng vậy, ngày nay, để tìm ra một tài năng  và trí tuệ siêu việt của Italia, đất nước Italia cần phải bị chìm đắm và phải tủi nhục hơn cả người Do Thái, bị áp bức hơn người Ba Tư, bị ly tán hơn người Athens, không lãnh tụ, không tổ chức, bị đánh đập, bị cướp đoạt, bị xé lẻ, bị giày xéo và trở thành nạn nhân của bất kỳ tai họa nào.
Mặc dù vậy, trước đây cũng đã có vài tia sáng le lói trong một cá nhân đơn lẻ93 [93 Có thể Machiavelli ám chỉ Cesare Borgia, nhưng cũng có thể ám chỉ Giuliano de Medici, công tước xứ Nemours, cái chết đột ngột của ông năm 1516 đã khiến Machiavelli phải thay đổi lời đề tặng cuốn Quân vương], khiến cho người ta từng tin rằng Chúa đã trao cho ông bổn phận cứu vớt cho Italia nhưng thực tế lại phải chứng kiến vận may rời bỏ ông ngay đỉnh cao của sự nghiệp. Giờ đây, đất nước Italia vẫn tồn tại vô vọng chờ đợi một con người sẽ hàn gắn những vết thương, sẽ chấm dứt tình trạng cướp bóc xứ Lombardy, các khoản cống nạp của vương quốc Naples và xứ Tuscany và sẽ chữa lành những vết thương đã mưng mủ quá lâu.
Hãy xem, đất nước Italia đang cầu xin Chúa gởi đến một con người cứu vớt cả dân tộc khỏi sự tàn bạo và láo xược man rợ. Hãy xem, Italia vẫn sẵn sàng và hăng hái bước theo ngọn cờ khi có người chủ xướng phất lên. Giờ đây, liệu còn có ai mà đất nước Italia có thể đặt vào nhiều hy vọng hơn là dòng họ huy hoàng của ngài, dòng họ với thời vận và tài năng của mình được Chúa và Giáo hội che chở, dòng họ đang có bậc quân vương thời nay có thể lãnh đạo cuộc cứu rỗi này.
Điều đó cũng không quá khó nếu ngài luôn noi theo những hành động và cuộc đời của những bậc anh hùng được nhắc đến trong cuốn sách này. Mặc dù đều tài ba xuất chúng, những nhân vật nổi tiếng này cũng chỉ là con người và không ai trong số họ gặp được thời cơ tốt đẹp như ngài đang có bởi sự nghiệp của ngài chính đáng hơn nên dễ dàng hơn94.
[94 Vào năm 1516, thời gian giả định của lời đề tặng cuốn Quân vương, các thành viên dòng họ Medici nắm giữ chức Giáo hoàng (Giáo hoàng Leo X), và Lorenzo de Medici được Giáo hoàng Leo chỉ định làm công tước xứ Urbino trong năm đó, tương lai có dự kiến trở thành người cai trị của Florence. Khi Machiavelli viết Quân vương năm 1513, đầu tiên ông mường tượng sự tập trung quyền lực của dòng họ Medici vào Giuliano de Medici, công tước xứ Nemours, và Giáo hoàng Leo. Sau cái chết của Giuliano vào năm 1516, khả năng này vẫn tồn tại với sự xuất hiện ngắn ngủi của Lorenzo de Medici. Cơ hội này cũng giống như cơ hội từng có với Giáo hoàng Borgia, Alexander VI, và con trai là Cesare, cho đến khi Giáo hoàng đột ngột qua đời năm 1503. Với cái chết của cả Giuliano và Lorenzo năm 1519, hy vọng của dòng họ Medici lụi tắt và điều này giải thích lý do khi còn sống, Machiavelli đã không xuất bản cuốn Quân vương, bởi sau năm 1519 mục đích ban đầu của cuốn sách này không còn thực hiện nữa.]
Hơn nữa, ngài lại được Chúa che chở nhiều hơn. Ở đây, công lý là toàn năng: “Chỉ những cuộc chiến tranh nào là không thể tránh khỏi mới là những cuộc chiến tranh chính đáng và vũ khí trở nên thiêng liêng khi không còn gì ngoài vũ khí95.[95 Machiavelli trích nguyên văn từ bản gốc bằng chữ Latin của nhà sử gia vĩ đại Livy].
Đó là một ý nguyện vĩ đại và khi đã có một ý nguyện vĩ đại thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua nếu ngài noi theo tấm gương của những bậc tiền nhân mà tôi đã lưu ý.
Hơn thế nữa,  giờ đây, chúng ta đang chứng kiến những dấu hiệu lạ thường chưa từng có mà Chúa đã mang lại: thủy triều rút cạn, mây mù dẫn lối, đá tuôn nước mát, lộc thánh như mưa, mọi thứ đều quy tụ để tạo nên sự vĩ đại của ngài. Phần còn lại ngài phải tự mình làm. Chúa không làm mọi việc vì không muốn lấy đi ý chí tự do của chúng ta và vinh quang đó là của chúng ta.
Chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu người ta hy vọng dòng họ huy hoàng của ngài làm được điều mà bao nhiêu người Italia đã không thể làm được và cũng chẳng ngạc nhiên  nếu trong những cuộc nổi loạn và chiến tranh, dường như tinh thần thượng võ của Italia đã cạn kiệt. Đó là vì trên thực tế, các thiết chế cổ xưa của Italia không còn hợp lý nữa và không ai biết cách tìm ra những thiết chế mới.
Đối với một quân vương mới nổi lên, không gí có thể đem lại vinh dự cho ông hơn là những luật lệ và thiết chế mới do chính ông đề ra. Khi có nền móng vững vàng và chứa đựng những điều lớn lao, các luật lệ và thiết chế này sẽ đem lại cho ông sự kính trọng và ngưỡng mộ. Đất nước Italia có đầy đủ mọi điều kiện để ước vọng đó biến thành hiện thực. Người dân Italia có khả năng vô bờ bến và chỉ còn thiếu các lãnh tụ mà thôi.
Trong những cuộc đấu tay đôi và những cuộc giao tranh nhỏ chỉ liên quan đến một số ít người, thì các binh lính Italia luôn vượt trội về sự mạnh mẽ, sự khéo léo và khôn ngoan. Thế nhưng, trong một đạo quân, họ lại không phối hợp được với nhau. Tất cả là do sự bất tài vô dụng của những người lãnh đạo. Những kẻ có chút năng lực thì không đủ để thiên hạ phục tùng.
Cho tới nay, vẫn chưa tìm được ai biết cách vượt lên những người khác nhờ vận may hay tài trí để thiên hạ phải qui phục. Vì thế, trong suốt hai mươi năm qua với biết bao cuộc chiến, những đội quân gồm toàn người Italia đều chiến đấu vô cùng kém cỏi. Bằng chứng của điều đó trước tiên là Taro, sau đó là Alexandria, Capua, Genoa, Vailà, Bologna và Mestri 96.
[96 Machiavelli liệt kê danh sách các thất bại quân sự của Italia: Chales VIII đánh bại quân Italia tại Fornovo (1495) gần sông Taro; Louis VII chiếm Alexandria (1499), Capua (1501), Genoa (1507), Vailà (1509) và Bologna (1511). Năm 1513, người Venice bị ngoại bang đánh bại ở gần Vicenza khiến Mestri bị cuớp phá.]
Bởi vậy, nếu dòng họ huy hoàng của ngài ước vọng noi theo những con người kiệt xuất, những bậc anh hùng đã cứu vớt tổ quốc mình, thì điều  cần thiết trước tiên, nền tảng thực sự cho bất kỳ hành động nào, là thiết lập đội quân của chính tổ quốc ngài vì không thể có được đội quân nào thiện chiến hơn, trung thành hơn, kiên định hơn. Từng người lính riêng lẻ đều là người dũng cảm và khi tập hợp lại, họ sẽ còn dũng cảm hơn khi thấy mình được chỉ huy, được tôn trọng, được đối xử thân ái bởi vị quân vương của chính họ. Do vậy, ngài cần phải tự thành lập những đội quân như vậy, để ngài có đủ khả năng bảo vệ trước những quân đội ngoại bang, bằng chính sức mạnh của người Italia.
Mặc dù bộ binh Thụy Sỹ và Tây Ban Nha nổi tiếng là đáng sợ, cả hai đều có những nhược điểm mà một đội quân thứ ba có thể tận dụng không chỉ để chống lại mà còn có thể tự tin là đánh bại được họ. Bởi bộ binh Tây Ban Nha thì không thể chống chọi được kỵ binh, còn lính Thụy Sỹ lại sợ chiến đấu với những người lính bộ binh cũng dũng cảm như họ.
Do vậy, người ta đã và sẽ còn thấy lính Tây Ban Nha không thể chống cự kỵ binh Pháp và lính Thụy Sỹ thì bị bộ binh Tây Ban Nha tiêu diệt. Cho dù điểm cuối cùng này không được thực tế chiến trường khẳng định chắc chắn, nhưng ta cũng có thể thấy dấu hiệu của nó tại trận chiến Ravenna97. Tại đây, bộ binh Tây Ban Nha đã chiến đấu với những đạo quân Đức, những đạo quân được tổ chức giống như quân Thụy Sỹ. [97 Trận chiến Ravenna: Ngày 11 tháng 4 năm 1512, kỵ binh Pháp dưới sự chỉ huy của Gasron de Foix đã truy đuổi bộ binh Tây Ban Nha.]
Với những thân hình nhanh nhẹn và được bảo vệ bằng các tấm khiên gai, lính Tây Ban Nha đã tả xung hữu đột giữa rừng giáo mác của lính Đức mà vẫn bình an  vô sự, và nếu không có kỵ binh kịp thời phá vỡ thì chắc hẳn lính Tây Ban Nha đã tàn sát toàn bộ quân Đức. Do vậy, khi đã xác định  được những yếu điểm của cả hai loại  quân này thì có thể xây dựng một loại quân mới để đương đầu với kỵ binh và cũng không phải e sợ bộ binh. Điều đó có thể thực hiện thông qua việc lập nên những đạo quân mới và thay đổi cách dàn quân. Và trong số những hành động tổ chức lại đất nước, đây cũng sẽ là những việc đem lại vinh quang và danh tiếng cho vị tân vương.
Cơ hội này, xin đừng bỏ lỡ. Đất nước Italia sau đêm dài đen tối đã lại có thể nhìn thấy vị cứu tinh. Không một lời nào có thể diễn tả hết được sự yêu mến mà vị cứu tinh đó sẽ nhận được từ tất cả những miền đất đã phải chịu đựng sự xâm lấn của ngoại bang, với khát vọng báo thù nung nấu. Với lòng trung thành bền bỉ bấy lâu, với biết bao đau thương và nước mắt!
Có cánh cửa nào lại không rộng mở? có người dân nào lại từ chối phục tùng? kẻ nào dám ghen tị và chống đối ngài? Người Italia nào dám không tôn kính? Đối với toàn dân, sự thống trị của lũ man rợ kia thật là nhức nhối! Bởi vậy, dòng họ huy hoàng của ngài hãy nhận lấy sứ mạng này với tinh thần và niềm hy vọng là nơi khởi đầu những sự nghiệp chính nghĩa, để đất nước này lại được vinh quang dưới ngọn cờ của ngài và, dưới sự lãnh đạo của ngài, để những câu thơ của Petrarch98 sẽ trở thành sự thật.
Khôn ngoan thắng bạo tàn
Hãy lại cầm vũ khí, trận chiến sẽ ngắn thôi
Lòng dũng cảm ngàn xưa
Trong trái tim người Italia, sẽ không bao giờ chết.99
[98 Petrarch (1304-1374), tên thật của ông là Francesco Petrarca, nhà thơ và nhà nhân văn người Italia. Ông được coi là nhà thơ hiện đại đầu tiên của thế giới.
 99 Lời trích từ đoản khúc của Petrarch, “Italia mia”. Bằng việc trích dẫn bài thơ yêu nước của Petrarch, Machiavelli hướng sự chú ý của chúng ta vào sự so sánh tương phản của Petrarch về Virtù và Furore. Qua đó khẳng định Virtù, như cách hiểu của riêng ông (sự khôn ngoan, một sức mạnh có kỷ luật), sẽ chiến thắng những sức mạnh bạo tàn vô lối trong công cuộc thống nhất đất nước Italia do một ông hoàng gia tộc Medici khởi xướng..]