Sau khi xem xét đặc điểm của các hình thức vương quốc, các nguyên nhân thành công cũng như hạn chế của các hình thức này và những phương cách thâu tóm cũng như cai trị đất nước của nhiều bậc quân vương, giờ đây tôi muốn bàn một cách tổng quan về những phương cách tấn công và bảo vệ các vương quốc đó. Như đã nói ở trên, một quân vương cần xây dựng những nền móng vững chắc, nếu không sẽ phải gánh chịu hậu quả. Nền móng chủ yếu của tất cả các vương quốc, dù mới hay cũ hay hỗn hợp, là luật pháp nghiêm minh và quân đội hùng mạnh. Bởi vì ở đâu không có quân đội hùng mạnh sẽ chẳng thể có luật pháp nghiêm minh và nơi nào có quân đội mạnh thì tất phải có luật pháp nghiêm minh. Tuy nhiên, tôi tạm gác lại vấn đề luật pháp mà chỉ bàn về sức mạnh quân sự. Để bảo vệ đất nước, quân vương có thể dùng một đội quân chỉ gồm thần dân của mình hoặc chỉ có lính đánh thuê, hoặc ngoại binh hoặc cả ba loại này. Lính đánh thuê và ngoại binh thường vô dụng và rất nguy hiểm. Nếu một quân vương bảo vệ đất nước bằng quân đánh thuê thì không bao giờ có được sự an toàn và ổn định. Bọn chúng là những kẻ thiếu đoàn kết, tham lam, vô kỷ luật và không trung thành. Chúng hùng hổ trước bạn hữu nhưng lại hèn nhát trước kẻ thù. Chúng không kính sợ Chúa và cũng chẳng trung thành với ai. Sự sụp đổ của ngài chẳng qua là được trì hoãn lại cho đến khi những cuộc tấn công xảy ra. Trong thời bình, ngài bị chúng bòn rút, còn trong chiến tranh, lại bị chúng phó mặc cho kẻ thù cướp phá. Chúng không có tình cảm hay động lực nào để chiến đấu ngoài đồng lương ít ỏi không đủ để hy sinh vì ngài. Chúng thích là lính khi không có chiến tranh nhưng khi chiến tranh đến, chúng tháo chạy hoặc đào ngũ. Thật chẳng khó khăn gì để tìm một dẫn chứng bởi vì chính sự suy tàn của đất nước Italia ngày hôm nay là kết quả của một thời gian dài dựa vào sự che chở của những đội quân đánh thuê. Mặc dù các đội quân này đôi lúc cũng được việc và tỏ ra khá dũng cảm khi đụng độ với đội quân đánh thuê khác nhưng khi ngoại xâm đến, chúng đã thể hiện đúng bản chất đánh thuê. Vua Charles nước Pháp đã chiếm được nước Italia chỉ với một mẩu phấn49. Có người đã nói rằng tội lỗi của chúng ta là nguyên nhân của thảm họa. Chính người đó đã nói lên sự thật50. Tuy nhiên, ý của ông ta không hoàn toàn như vậy mà nguyên nhân sâu xa chính là những gì tôi vừa bàn tới. Đó là tội lỗi của những quân vương. Chính vì thế, những quân vương phải chịu sự trừng phạt. [49 Thành ngữ chỉ với một mẩu phấn: ám chỉ việc vua Charles VIII đã đánh dấu những ngôi nhà được dùng làm nơi đóng quân trong thời kỳ chiếm đóng Italia (1494-1495), Giọng coi thường của Machiavelli là do ông tin rằng hoàn toàn không có sự kháng cự nào từ phía người Italia. Thành ngữ này cũng được sử gia người Pháp Philippe de Commynes (Mémoires VII,14) dùng khi nói về Giáo hoàng Alexander VI. 50 Có lẽ ám chỉ Girolamo Savonarola, với bài giảng đạo ngày 1 tháng 12 năm 1494 đã coi sự xâm lược Italia của vua Charles VIII như một sự trừng phạt đối với những tội lỗi của nước Italia, Florence và của Giáo hội.] Tôi xin được xem xét một cách toàn diện hơn về thực tế đáng buồn của những đội quân này. Những viên chỉ huy các đội quân đánh thuê có thể tài giỏi hoặc bất tài. Nếu tài giỏi, ngài không thể tin họ, bởi họ luôn thèm khát vinh quang, thậm chí cả bằng cách lấn át ngài, chủ nhân của họ, hay bằng cách áp chế những người khác, trái với ý nguyện của ngài. Thế nhưng nếu là kẻ bất tài, hắn lại làm cho ngài suy tàn. Nếu ai đó nói rằng bất cứ ai khi cầm vũ khí đều có bản chất này, cho dù đó có phải là lính đánh thuê hay là loại lính gì đi nữa, thì tôi xin trả lời rằng, các đội quân phải được đặt dưới sự chỉ huy của một quân vương hoặc một nền cộng hòa, và bậc quân vương phải đích thân nắm quyền tổng chỉ huy. Nền cộng hòa phải có quân đội gồm những công dân của chính mình. Nếu người chỉ huy được cử ra không tài giỏi, anh ta phải được thay thế, nếu người đó có năng lực, anh ta phải được kiềm chế bằng luật pháp sao cho anh ta không làm gì vượt quá quyền hạn của mình. Chúng ta đều có thể thấy một thực tế rằng chỉ những quân vương và những nền cộng hòa được vũ trang mới giành được ưu thế lớn, còn những đội quân đánh thuê chẳng làm được gì ngoài phá hoại. Một nền cộng hòa với quân đội là các công dân của mình sẽ khó bị quân đội tiếm quyền hơn so với khi được bảo vệ bằng quân lính nước ngoài. Thành Rome và Sparta trong nhiều thế kỷ đã được vũ trang và nhờ đó được tự do. Người Thụy Sỹ cũng có quân đội rất mạnh và hoàn toàn tự do. Một ví dụ từ thời xưa về việc sử dụng các đội quân đánh thuê là người Carthage. Sau cuộc chiến tranh đầu tiên với người La Mã, họ gần như đã bị chính những quân lính đánh thuê của mình đánh bại, mặc dù các sĩ quan cũng là người Carthage. Vua Philip của xứ Macedonia51 [51 Vua Philip của Macedonia: Vua Macedonia (359-336 TCN) cha của Alexander Đại đế. Nói một cách chặt chẽ thì Philip không phải là lính đánh thuê.] được người xứ Thebes đưa lên làm chỉ huy quân đội của họ sau khi Epaminondas52 chết, [52 Epaminondas: Vị tướng người Thebes đã đánh bại người Sparta tại trận chiến Leuctra (371 BC)] nhưng sau khi chiến thắng, ông ta lại tước đoạt tự do đó của họ. Sau cái chết của công tước Philip, người Milan cũng đã thuê Francesco Sforza để tiến hành chiến tranh chống lại người xứ Venice nhưng sau khi đánh bại kẻ thù tại Caravaggio, ông ta bắt tay với chúng quay lại chống người Milan, những người đã thuê ông. Sforza (Cha) được nữ hoàng Giovanna của vương quốc Naple53 thuê cũng đã bỏ rơi bà ta ngay lập tức nên để giữ được vương quốc của mình, bà buộc phải ngả vào vòng tay vua Aragon. [53 Nữ hoàng Giovanna của Naples: Người cai trị xứ Naples (1414-1435), đã dùng lính đánh thuê (Sforza và những người khác) để bảo vệ vương quốc của bà]. Nếu trước đây, người Florence và Venice mở mang đất đai là nhờ vào lính đánh thuê và được chúng bảo vệ chứ không tiếm quyền, thì tôi có thể nói rằng, chẳng qua người Florence đã gặp may. Nguyên do nằm ở chỗ những vị tướng đầy năng lực đó. Người thì có lý do để e sợ, người thì thất trận, người khác gặp sự chống đối và những người khác nữa thì lại đang âm mưu tham vọng ở chỗ khác. Người đã thất trận là John Hawkwood54 [54 John Hawkwood: Một hiệp sỹ người Anh, tới Italia năm 1361 và đánh thuê cho Florence cho tới khi chết năm 1393 (được biết đến ở Italia với cái tên Giovanni Acuto)]. Ông ta không thành công nên chẳng ai biết đến lòng trung thành của ông ta.° Nhưng bất kỳ ai cũng phải thừa nhận rằng nếu ông ta giành thắng lợi thì chắc hẳn người Florence đã nằm dưới sự định đoạt của ông ta. Sforza và gia tộc Bracceschi55 luôn là kẻ đối địch nên cả hai phải canh chừng nhau. Francesco thực hiện âm mưu ở xứ Lombardy, còn Braccio thì chống lại Giáo hội và vương quốc Naples. [55 Gia tộc Bracceschi: là các đội quân đánh thuê do Braccio da Montone (1368-1424) chỉ huy chống lại các đội quân đánh thuê của Sforza được nữ hoàng Giovanna của Naples thuê] Bây giờ, chúng ta hãy bàn đến những sự kiện gần đây hơn. Người Florence đưa một người đầy năng lực là Paulo Vitelli56 lên làm chỉ huy quân đội.[56 Paulo Vitelli: Lính đánh thuê người Florence bị xử tử năm 1499 sau trận chiến bất thành tại cuộc vây hãm Pisa, là anh trai của Vitellozzo Vitelli bị Cesare Borgia treo cổ tại Sinigaglia.]. Từ một người thường dân, ông đã vươn đến danh tiếng lẫy lừng. Nếu ông chiếm được Pisa, không ai có thể phủ nhận rằng người Florence buộc phải làm đồng minh của ông bởi nếu kẻ thù thuê ông thì chẳng còn ai bảo vệ Florence. Còn nếu họ muốn giữ ông lại thì buộc phải tuân theo ông. Về phía người Venice, chúng ta có thể nhận thấy khi chiến đấu bằng chính quân đội của mình (trước khi họ bắt đầu các cuộc chiến trên bộ), họ rất vững vàng và đáng tôn vinh. Với giới quý tộc và những người dân thường được vũ trang, họ đã chiến đấu dũng cảm. Nhưng khi bắt đầu chiến tranh trên bộ, họ không sử dụng chiến lược đã thành công đó mà lại đi theo lối mòn chiến tranh ở Italia. Khi bắt đầu mở rộng lãnh thổ trên bán đảo này, bởi vì họ không có nhiều đất đai ở đây và trong khi có danh tiếng lẫy lừng nên họ chẳng có gì phải e sợ những viên sĩ quan. Nhưng khi lãnh thổ được mở rộng dưới thời viên tướng Carmagnola57 [57 Carmagnola: Francesco Bussone, bá tước Carmagnola (1380-1432), là người Venice. Ông bị Venice xử tử do nghi ngờ thông đồng với kẻ địch là Visconti], thì người Venice đã phải trả giá. Nhận thấy ông là người có năng lực (dưới sự chỉ huy của ông, họ đã đánh bại công tước xứ Milan), nhưng không còn ý chí chiến đấu, người Venice cho rằng không nên chiến chinh cùng ông nữa, bởi vì ông cũng chẳng muốn như vậy. Thế nhưng họ lại không thể loại bỏ ông vì sợ mất đi những gì đã chiếm được. Bởi vậy, để được an toàn, họ buộc phải hành quyết ông. Sau đó, họ đưa Bartolomeo da Bergamo, Roberto da San Severino, bá tước xứ Pitigliano58 và nhiều người khác lên chỉ huy quân đội. [58 Bartolomeo Colleoni (1400-1475) đã chiến đấu phục vụ xứ Venice, được tưởng nhớ bằng bức tượng hiệp sỹ cưỡi ngựa Verrocchio dựng tại thành phố; Roberto da San Severino chỉ huy quân đội Venice trong cuộc chiến với xứ Ferrara (1482-1484); Niccolò Orsini, bá tước Pitigliano (1442-1510) chỉ huy quân đội Venice trong cuộc chiến thảm khốc Vailà chống lại quân đội của Giáo hoàng Julius II.] Với những người này, họ phải lo sợ những vùng đất mất đi chứ không phải vùng đất họ giành được, và rốt cục điều đó cũng đã xảy ra sau này ở Vailà59 [59 Tại trận chiến Vailà hay Agnadello năm 1509, quân Pháp đã đánh bại người Venice], nơi chỉ trong một ngày, họ đã mất hết thành quả của tám trăm năm gian nan vất vả. Những chiến binh này đã tiến hành những cuộc chinh phạt chậm chạp, những thất bại đột ngột và bàng hoàng. Từ những ví dụ này, tôi muốn xem xét trường hợp của Italia, đất nước đã nhiều năm nằm dưới sự thống trị của những đội quân đánh thuê. Tôi muốn thảo luận vấn đề này kỹ hơn, để khi đã làm sáng tỏ những nguồn gốc và diễn biến của vấn đề thì có thể sửa chữa dễ dàng. Vì thế, ngài cần phải hiểu tại sao mà gần đây, khi đế chế La Mã bị đánh bật khỏi Italia, và uy danh của Giáo hoàng tăng lên thì đất nước Italia lại bị chia rẽ thành nhiều tiểu quốc. Nhiều thành phố lớn đã nổi dậy chống lại giới quý tộc từng cai trị họ với sự hậu thuẫn ban đầu của hoàng đế; và Giáo hội lại ủng hộ việc gia tăng quyền thế tục của những thành phố này. Còn tại nhiều thành phố khác, nhiều công dân trở thành bậc quân vương. Nhờ thế, Italia đã hầu như nằm trong tay Giáo hội và các chính phủ cộng hòa. Những thầy tu và những người dân vốn không quen cầm vũ khí này đã thuê quân lính nước ngoài. Alberigo xứ Conio60 [60 Alberigo xứ Conio: Alberigo da Barbiano (chết năm 1409), người thành lập đội quân đánh thuê gồm toàn người Italia chứ không phải là người nước ngoài] – người xứ Romagna, là viên tướng đầu tiên đem lại tiếng tăm cho đội quân đánh thuê và sau đó là Braccio và Sforza, những người khi gặp thời đã từng làm mưa làm gió ở Italia. Cho tới nay, nhiều người khác vẫn chỉ huy các đội quân đánh thuê. Và kết quả là Italia đã bị vua Charles giày xéo, bị vua Louis cướp phá, bị vua Ferdinand quấy rối, bị người Thụy Sĩ sỉ nhục. Biện pháp của những viên tướng đánh thuê là trước tiên tăng uy danh cho đội quân bản bộ bằng cách hạ thấp vai trò của bộ binh. Chúng làm như vậy vì chúng là những kẻ không có tổ quốc và phải sống bằng nghề đánh thuê. Một lượng nhỏ bộ binh không thể đem lại thanh thế cho chúng và hơn nữa, chúng cũng chẳng có đủ tiền để thuê nhiều. Bởi vậy, chúng hoàn toàn dựa vào kỵ binh vì chỉ cần một ít quân cũng sẽ được kiêng nể. Chúng giảm thiểu lực lượng bộ binh đến mức trong hai mươi nghìn quân khó có thể tìm được hai nghìn bộ binh. Bên cạnh đó, chúng làm mọi cách để giảm bớt những khó khăn và lo sợ cho bản thân và quân bản bộ. Trong các trận đánh, chúng không giết nhau mà chỉ bắt tù binh nhưng lại không đòi tiền chuộc. Chúng không tấn công các thành phố vào ban đêm; còn các lính đánh thuê trong thành cũng không tấn công các trại lính vây thành. Chúng chẳng đào hào đắp lũy xung quanh trại đóng quân, cũng không tiến hành chiến dịch vào mùa đông. Quân pháp do chúng tự đặt ra cho phép chúng làm tất cả những điều đó và giúp chúng thoát khỏi, như đã nói, mọi khó khăn và nguy hiểm. Chính những viên tướng đánh thuê đó đã đưa Italia rơi vào tình trạng nhục nhã và cảnh nô lệ. ° Chú thích của Sun Ming: câu này phải dịch là: chẳng có gì chứng tỏ thật sự ông có trung thành hay không.