Khí trời ấm dần lên, lúc bình minh ló dạng cũng đã sớm. Những nhánh cành khô héo trên cây cổ thụ vốn trống trải lạnh lùng, giờ đây đã dầy đặc một mảnh vàng tơ xanh biếc, sắc xuân nhè nhẹ phủ lên những tấm ngói hồng đầu tường. Phượng Tường ở trong nhà sầu muộn đã nhiều ngày, hôm ấy thức dậy rất sớm; vừa kịp nhìn thấy mặt trời, chàng bèn khuân hết sách vở quý cất kỹ của phụ thân trong thư phòng bày ra sân sau phơi nắng. Rất nhiều sách cổ xưa đóng bằng chỉ buộc mà lâu chưa xem đến, giờ đã hơi hơi đóng mốc. Chàng tìm lấy cây thước mỏng bằng tre, cẩn thận từng quyển một đem cạo sạch những chỗ mốc meo. Trang sách vàng úa để lộ ra mùi mực in nhàn nhạt, giữa những hàng chữ còn lưu lại cước chú mà phụ thân dùng mực đỏ điểm phê. Lúc còn bé, cũng giống như thế, chàng theo cha ngồi trên bậc thềm đá này hong sách. Phụ thân dạy chàng cách phân biệt: bức khổ dài, dùng tơ sợi gói cuộn lại thành ống gọi là Quyển-trục, gập lại nhiều mảnh nhỏ làm thành sách tên là Kinh-triệp; sách mà từng trang xếp đối nhau, lề sách hướng ra ngoài, trang mặt hướng ra sau phong kín gọi là Bao-bối, lề sách hướng vào trong thì gọi là Hồ-điệp… Gió mát đâu biết chữ, thỉnh thoảng đến lật bừa những trang sách, người ta cũng theo ý tứ xa xưa mà dào dạt dâng niềm hoài vọng. Bà nhủ mẫu Trương đến gọi ăn cơm sáng, Phượng Tường bèn nhìn hướng về phía trước. Trên chiếc bàn tròn gỗ tếch trong sảnh có bày một tô cháo, vài món cải muối. Phượng Tường hỏi: - Ca đâu? - Đại thiếu gia đã ăn trước và đi đến cửa hàng rồi. – Mụ Trương đáp. Phượng Tường biết rằng Thứ mẫu mấy ngày nay bị cảm nhẹ, thức dậy muộn. Chàng nói: - Bà thu dọn sạch sẽ, rồi hâm nóng chờ Nhị nương thức dậy để ăn, tôi ra bên ngoài tản bộ. Chàng bước lang thang trên mấy con đường, trời sáng rồi, trên đường cũng náo nhiệt thêm lên với người qua kẻ lại. Ai bảo người ta không phải là động vật sống theo mùa? Cất bước bước đi, tâm tình cũng dâng lên theo ánh nắng; chàng tưởng đến buổi sớm nay thay cha đem phơi những sách ấy, ý nghĩ vừa xoay, bèn hướng về khu Nam-Trạm đi về bên đó; nơi ấy có vài hiệu sách lớn đã lâu đời, chàng muốn xem xem có sách gì mới chăng. Gần nơi vùng Nam-Trạm là khu thương nghiệp, một chỗ mà luôn luôn có kẻ đến người đi tấp nập không ngớt; nơi tụ họp này có lẽ vẫn còn sớm, để lộ vẻ tương đối yên tĩnh một chút. Phượng Tường đi ngang qua vài cửa hiệu bán sách, thấy họ vẫn chưa mở cửa bán buôn, không ngăn được có hơi thất vọng, quay đầu đang muốn đi, thì bả vai có người từ đằng sau vỗ một cái; chàng xoay người lại, ánh nắng vàng rực rỡ đã chiếu ngay lên đầu lên mặt. - Làm sao lại gặp nhau chỗ này? – Chàng phát hiện tự mình lại không thể ngưng được nụ cười ngạc nhiên trên mặt. - Muốn đến dạo thăm hiệu sách để mua vài quyển sách, mà những hàng sách ở đây mở cửa muộn quá. – Canh Dương cũng trả lời với nét mặt đầy vẻ tươi cười. “Thật là trùng hợp”, Phượng Tường suy nghĩ trong lòng, có một chút vui mừng không diễn tả được, không nói được vì sao. Hai người sánh vai cùng bước, Canh Dương hôm nay mặc áo sơ mi dài tay mầu trắng, quần dài đen, mặc ngoài là chiếc áo len cụt tay mầu xám nhạt. Hai người đang đi, nắng chiếu bóng hình kéo dài ra. Phượng Tường vô ý cúi đầu, phát hiện mình mặc áo len mầu xám nhạt, quần dài trắng, chàng mỉm cười. Bởi vì cảm thấy mầu sắc của hai người xem ra rất hài hòa. - Không phải đến lớp ư? – Phượng Tường hỏi. - Sáng nay không có lớp, nhưng buổi chiều có hai lớp, do đó thừa dịp trước lớp học mà lên đường phố dạo chơi. – Canh Dương cười đáp, đến giờ Phượng Tường mới hiểu; thì ra sinh viên đại học khỏi cần phải giống như học sinh trung học, ngày ngày sáng sớm vội vã đến trường. Chàng thầm nghĩ: “Học đại học cũng thật là mới mẻ.” Tiếp đến là chỉ có thể tan hàng như thế này ư, trong lòng Phượng Tường nghĩ ngợi, gần đến nơi góc đường còn có ít chuyện để nói chứ, phải đi rồi, cũng chẳng có gì bất ngờ hiện ra ư? Nhưng cả hai đều ngấm ngầm có phần không muốn chỉ như thế mà cất lời tái kiến, có lẽ, là vì hôm nay ánh nắng trời đang quá đẹp tươi. - Ăn điểm tâm chưa vậy? – Canh Dương hỏi. Phượng Tường mỉm cười khẽ lắc đầu, thế là Canh Dương bồi tiếp chàng đi tìm thức ăn, thật ra Phượng Tường không đói. Hai người đi kiếm những quầy hàng bán đồ ăn, chẳng may là buổi sáng vào giấc này, giờ ăn điểm tâm thì đã qua rồi, hai người tìm kiếm cả một lúc lâu, mới tìm thấy một quầy hàng nhỏ bán bánh nướng, mà hàng đã dọn dẹp gần hết. Phượng Tường mua một miếng bánh, bắt người ta cho hết hành lá còn dư lên mặt bánh, tương cho hơn một nửa; Canh Dương đứng bên cạnh nhịn không được phải bật cười. Canh Dương hỏi chàng có muốn đi dạo qua trường đại học của anh không; Phượng Tường hơi hơi xao xuyến, nhưng trong lòng có chút lưỡng lự đắn đo. Chàng cảm thấy mình đi theo một người không liên hệ, quá cách xa chỗ đường lộ này, vì thế bèn lắc đầu. Hai người nhất thời không biết phải bước theo lối nào, qua một lúc sau, Phượng Tường đề nghị đi dạo bên bờ đê; bờ đê ở bên ngoài mấy con đường, cách một khoảng xa, nhưng Canh Dương cũng vui vẻ gật đầu. Con đê này do sau khi người Nhật bản đến đây mới dựng thành, một công trình theo kiểu Tây phương; ci-măng trắng xây ngoằn ngoèo dọc theo bờ đê, mầu trắng tinh đẹp mắt. Trên đê có lót một lối đi rộng rãi và sáng sủa; bờ sông bên này mới trồng một hàng dương liễu, những cành liễu tóc tơ yêu kiều hấp dẫn, thướt tha rũ xuống như làn tóc người thiếu nữ. Chỉ không đủ dài, chưa đủ soi sáng trên mặt nước, là mái tóc ngắn khoác đến bờ vai. Phượng Tường nghiêng mắt nhìn nhìn Canh Dương, khuôn mặt Canh Dương nhìn nghiêng trông rất đẹp, sóng mũi thẳng tắp cùng với những đường cạo cắt sạch bóng. Học sinh tiêu biểu vào thời ấy đều chấp nhận sự huấn luyện quân sự, do đó đầu tóc đều cắt húi cua giống như của quân nhân, bên tóc mai của Canh Dương vừa mới được cạo nhẵn thín, bên dưới còn để lộ ra một vết trầy xước trắng xóa. Chân mày Canh Dương rất rậm, rậm đến nỗi mang chút kiêu hùng, nhưng đôi mắt sáng ngời đen nhánh lại là nét cười ấm áp dịu dàng. Vóc dáng cao cao của anh cũng hiếm thấy trong những người Nhật Bản, còn đủ cao hơn Phượng Tường nửa cái đầu. Nhìn rồi lại ngắm, đột nhiên trong lòng Phượng Tường dâng niềm vui sướng. Chàng rất mừng là Canh Dương mang họ Địch-Dã, không là Trư-Mộc, cũng không phải là Khuyển-Dưỡng, bởi vì những dòng họ ấy có thể khi người Trung quốc nhắc đến chỉ muốn cười lật cả đất trời. Địch chi Dã, Thủy chi Tân, Dương xuân mênh mang. Hai người nơi tảng đá bên bờ đê, ngồi nghỉ và nói chuyện một lúc khá lâu, lại là câu được câu chăng, đều chẳng có gì hay để nói, nhưng cũng không đến nỗi tẻ nhạt. Phượng Tường đưa tay chỉ qua bên kia bờ sông, gọi Canh Dương nhìn; hai con vịt trời tung cánh bay lên, bay xa tít ngút tận chân trời. Canh Dương cho chàng biết, gia đình anh ngụ tại vùng đất sau khu “Nam Trạm”, khu vực ấy, Phượng Tường có biết, nơi đó hầu như toàn là khu nhà ở của Quan chức cao cấp người Nhật. Phụ thân Canh Dương là Giáo sư Đại học Y khoa “Nam Mãn”, giảng dạy môn Tây Y; bởi vì ông hiểu được ngôn ngữ nhiều nước, nên cũng là vị quan thông dịch trong chính quyền. Anh cũng học Tây Y theo bước thân phụ, xem ra cũng là nghề cha con nối. Nhật bản trong những năm gần đây chiến tranh với nước ngoài liên tục, nhiều trai tráng trẻ tuổi từ lâu đã được phái ra chiến trường; người Nhật bản bên này đóng giữ tại Mãn Châu quốc ngược lại vẫn xem như bình an yên ổn, nhưng gần đây luyện binh tới tấp, nói không chừng trong vòng hai năm, hoặc là nửa tháng sau, anh cũng có thể bị chiêu mộ nhập ngũ, điểu khiển ra trước trận chiến. Canh Dương cứ thế mà bình tĩnh nói ra, Phượng Tường cứ vậy mà lẳng lặng lắng nghe. Trước giờ chàng không quan tâm đến thế cuộc đổi thay trên thế giới ngoại trừ thành phố này, bởi vì những việc đó với chàng không liên hệ. Những ngày gần đây, đã có nhiều buổi diễn tập báo động phòng ngừa tai nạn do tập kích trên không nơi thành nội, chàng cũng vô tri vô giác chẳng để ý đến việc gì khác. Nguyên là, chàng cho rằng mình đặt chuyện sống chết ra ngoài sự suy xét, bây giờ nhớ lại, mới phát giác có lẽ là vì trước giờ cái chết chưa cận kề chân mày mi mắt. Chẳng biết vì sao, chàng bỗng nhiên vì Canh Dương mà lòng dâng lo lắng, một cơn ớn lạnh khiến chàng có ảo tưởng mình đã run rẩy một lúc, song Canh Dương lại luôn luôn giữ nét tươi cười bình thản. Chàng nghĩ tới nghĩ lui, nếu có một ngày Canh Dương bị đưa ra chiến trận, chàng đang ở đấy cứu một người lính Nhật, có lẽ phải gián tiếp hại chết một quân nhân Trung quốc, dân tộc và đại nghĩa cứ trộn lẫn vào nhau. Tâm tình Phượng Tường vốn là vui sướng, liền bị những điều mâu thuẫn muộn phiền trỗi dậy, chàng mới nghĩ đến chuyện ấy, có lẽ căn bản là không nên cùng người Nhật bản trẻ tuổi này ngồi tại nơi đây, hình như chàng nhìn thấy đại ca Long Tường và người cha đã mất, nét mặt lạnh lùng, nhíu mày bất mãn buồn buồn. Phượng Tường đã bình tĩnh lại, Canh Dương cũng ước chừng nhận biết được, anh lay lay đầu gối Phượng Tường, hỏi chàng có muốn đi chưa; hai người dọc theo đường đê trắng chầm chậm bước quay lại, suốt đường không nói. Về đến trên đường phố, phương hướng hai người muốn đi khác nhau, Canh Dương rất muốn ghi địa chỉ nhà đưa cho chàng, nhưng nghĩ đến Phượng Tường chưa hẳn có ý đến tìm anh, thật sự đến tìm anh, lại thấy có hơi không ổn, không nén được nỗi do dự một lúc, mà Phượng Tường đã vẫy tay chào tái kiến rồi. Phượng Tường đi được vài bước, quay đầu liếc nhìn lại, hình dáng Canh Dương đã bị bóng râm của tòa nhà che phủ, một bóng hình xam xám. Chàng bất chợt lắc đầu, xoay người đi thêm một đoạn đường, quay đầu lại nữa, bóng dáng của Canh Dương đã xa lắm rồi. Chàng có chút thất vọng như đánh mất gì đó. “Tái kiến?... Vẫn còn gặp lại ư?”