Dịch giả: Hương Ly
Chương 25

Đêm nay, Vũ Nhi có một giấc mơ rất kỳ lạ, cô mơ thấy một người phụ nữ, ngồi trước bàn trang điểm, lưng quay về phía Vũ Nhi, người phụ nữ đó tay cầm một chiếc lược gỗ, nhẹ nhàng chải mái tóc dài đen nhánh. Qua phản chiếu của tấm gương, Vũ Nhi chỉ nhìn thấy mái tóc dài buông thõng, mái tóc đã che mất một nửa khuôn mặt, qua kẽ hở của tóc lộ ra đôi mắt đẹp tuyệt trần đang chăm chú nhìn Vũ Nhi qua gương. Vũ Nhi vội đứng dậy, tiến về phía người phụ nữ đó, bỗng nhiên, người phụ nữ quay mặt lại, Vũ Nhi phát hiện - đó chính là khuôn mặt của cô.
Sau khi cô bừng tỉnh khỏi giấc mơ, trời vẫn chưa sáng hẳn, lưng cô đầm đìa mồ hôi, theo thói quen cô đưa tay quờ sang phía Đồng Niên nằm bên cạnh, thì phát hiện ra bên cạnh là khoảng trống. Cô vội ngồi dậy, nhìn căn phòng tối om, chiếc gương của bàn trang điểm phản chiếu bộ mặt trắng bệch của cô. Trong phòng chỉ có một mình cô, cô vội mở cửa sổ, nhìn trời đang sáng dần, trong lòng cô thoáng lo sợ.
Đồng Niên đi đâu rồi? Vũ Nhi mở cửa, đứng ở hành lang gọi to: “Đồng Niên? Đồng Niên?”
Không có ai trả lời, tiếng gọi của cô ở hành lang từ từ vọng lại, khiến cô cảm thấy sợ hãi. Vũ Nhi vội xuống cầu thang, cô đứng ở tầng một gọi Đồng Niên, nhưng vẫn không tìm thấy anh. Vũ Nhi lại đi lên tầng hai tìm một vòng nữa, và cuối cùng, cô dừng chân ở chiếu nghỉ dẫn lên tầng ba. Nhưng, ở cầu thang dẫn lên tầng ba, cô phát hiện ra một con mèo trắng, con mèo nhìn cô chằm chằm, trong ánh mắt nó có chút hàm ý đe dọa Vũ Nhi. Ánh mắt đó khiến cô cảm thấy có điềm báo chẳng lành. Lưỡng lự hồi lâu, cô quyết định chỉ dừng ở chiếu nghỉ gọi tên Đồng Niên, nhưng cho đến khi con mèo trắng đó biến mất, cô cũng không nghe thấy tiếng Đồng Niên trả lời. Vũ Nhi đành từ bỏ ý định tìm Đồng Niên, cô vội vàng đánh răng rửa mặt, chẳng có tâm trí đâu mà ăn sáng, cô nằm cuộn tròn trên ghế sofa một lúc. Cuối cùng, cô đoán chắc lúc nửa đêm Đồng Niên đã đi ra ngoài, nhưng anh đi đâu mới được cơ chứ? Vũ Nhi không dám nghĩ nhiều nữa, cô viết một tờ giấy nhắn lại, bảo với Đồng Niên cô đi làm, và cô rất nhớ anh.
Vũ Nhi vội vàng ra khỏi nhà, khi ra đến đường, cô không dám ngoảnh lại nhìn ngôi nhà đen nữa, cô cố bước đi thật nhanh để rời khỏi nơi này.
Tại sân ga tàu điện ngầm, cô đã bỏ lỡ một chuyến tàu. Cô ngồi trên một băng ghế dài, bỗng nhiên, cô chợt nhận ra đây chính là chỗ mà lần đầu tiên đi làm cô đã ngồi. Đột nhiên, trong đầu cô hiện lại hình ảnh người đàn ông mà sau khi nhìn thấy sợi dây chuyền của cô đã hoảng sợ và nhảy xuống đường ray tàu. Cô sợ hãi đứng dậy, đi xa khỏi chỗ đang ngồi, đi sang đầu bên kia của sân ga, cho đến lúc chuyến tàu tiếp lao vụt đến, cô vội chen lên toa, trốn vào một góc tối, qua lớp áo, cô nhẹ nhàng vuốt mặt sợi dây chuyền mắt mèo đeo ở trước ngực.
Cô cũng không hiểu làm thế nào mà cô đến được công ty, có điều cũng may là không đến muộn, cô chậm rãi đến ngồi vào bàn làm việc của mình, một lúc lâu sau cũng chưa mở máy tính lên. Hứa Văn Minh đến dừng ngay sau lưng cô, vờ ho lên một tiếng, khiến cho Vũ Nhi giật mình, vội quay đầu lại: “Giám đốc Hứa, có việc gì không ạ?”
“Hôm nay cô có tâm sự gì đấy?”
“Không, không có việc gì ạ?” Vũ Nhi vội lắc đầu.
“Cũng mong là cô không vì việc tư mà ảnh hưởng đến việc công. Còn nữa, về tờ áp phích quảng cáo phòng khám của bác sĩ Mễ, bây giờ có thể bắt tay vào làm được rồi đấy, cô ấy đặt rất nhiều kỳ vọng vào cô, đừng để cho khách hàng của chúng ta thất vọng nhé.” Nói xong, Hứa Văn Minh đi luôn.
Vũ Nhi không thể nấn ná làm biếng được nữa, cô bắt đầu mở những tài liệu mà hôm nọ Mễ Nhược Lan đưa cho cô, nhớ lại những yêu cầu mà hôm đó Mễ Nhược Lan đã nói. Mễ Nhược Lan đã nói phòng khám của cô ấy được mở là để phục vụ tâm hồn của con người, các bác sĩ ở bệnh viện chữa bệnh là chữa về thể xác, còn là một người bác sĩ tâm lý như cô ấy thì chữa về tâm hồn của con người. Quảng cáo cho phòng khám thì phải cố gắng hết sức để nói lên được những áp lực trong cuộc sống xã hội đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư tình cảm của con người, còn đối với việc biểu đạt nỗi đau khổ trong tâm hồn của con người thì lại vừa phải cụ thể lại vừa phải trừu tượng.
Mễ Nhược Lan còn nói: “Gọi là cụ thể vì những người có vấn đề về tâm lý thì trong xã hội ở bất cứ nơi nào chúng ta cũng có thể bắt gặp, nói theo nghĩa rộng, nhìn bên ngoài thì những người mà tưởng như có tinh thần khỏe mạnh, bình thường thì đều có ẩn chứa vấn đề về tâm lý”, có điều, Vũ Nhi vẫn chưa đọc qua sách của Freud Sigmund (Sigmund Schlomo Freud ( 6/5/1856 – 23/9/1939) nguyên là một bác sĩ về thần kinh và tâm lý người Áo. Ông được công nhận là người đặt nền móng và phát triển lĩnh vực nghiên cứu về phân tâm học), do đó, cô không có cảm hứng mấy. Còn nói về trừu tượng thì lại càng phức tạp, thậm chí hôm đó Mễ Nhược Lan còn nói với cô về mối quan hệ giữa “Kinh Thánh” và con người, lúc đó Vũ Nhi không tài nào mà hiểu nổi. Cái mà Vũ Nhi thích nhất chính là hội họa, đó là công việc bắt buộc cô phải hoàn thành, còn những công việc khác thì cô để lại cho Hứa Văn Minh và Mễ Nhược Lan đánh giá.
Nhưng mãi mà Vũ Nhi không nối kết được các ý nghĩ lại với nhau, có lúc cô nhớ lại những lời nói của Mễ Nhược Lan, có lúc trong đầu cô lại xuất hiện hình ảnh của ngôi nhà đen, tiếp đến là khuôn mặt của Đồng Niên không ngừng xuất hiện trong tâm trí cô, cuối cùng, lại là Diệp Tiêu. Vũ Nhi đã trải qua nửa ngày với tâm trạng rối bời, đến tầm giữa chiều, cô đoán có lẽ Đồng Niên đã về, thế nên, cô liền gọi điện về nhà. Chuông điện thoại đổ một hồi lâu mà không có người nhấc máy, khiến cho Vũ Nhi sốt ruột, lúc cô định gác máy, bỗng nhiên, đầu dây bên kia có người nhấc máy.
“A lô, anh Đồng Niên.”
Đầu dây bên kia không có ai trả lời, nhưng âm thanh của loa điện thoại rất tốt, nên đến tiếng động rất nhỏ cô cũng có thể nghe thấy được. Vũ Nhi bắt đầu lo lắng: “A lô, Đồng Niên, là anh đúng không? Em là Vũ Nhi đây.”
Đầu dây bên kia im lặng một hồi lâu.
“Đồng Niên, sao anh không nói gì thế? Xảy ra chuyện gì rồi? Anh mau nói đi!”
Đầu dây bên kia bỗng nhiên dập máy.
Một âm thanh tút…tút…tút… kéo dài hồi lâu, Vũ Nhi thần người ngồi cầm điện thoại một lúc, không biết phải làm sao, đồng nghiệp đều cảm thấy hôm nay cô rất lạ, nên đều nhìn cô với ánh mắt rất đặc biệt, lúc đó Vũ Nhi mới bỏ điện thoại xuống. Liền ngay sau đó, cô lại gọi về nhà một lần nữa, lần này thì không có ai nhấc máy. Cả buổi chiều, cứ 20 phút cô lại gọi về nhà một lần, nhưng cảm tưởng như mãi mãi không có ai nhấc máy. Hết giờ làm, cô là người đầu tiên ra khỏi công ty.