Năm hôm sau khi đại thắng tại Mục Dã, Châu Võ Vương liền tiến hành nghi lễ khai quốc đại điển, định đô tại Cảo Kinh, chánh thức xây dựng triều đại nhà Châu, lịch sử gọi là Tây Châu. Châu Võ Vương mời Khương Thái Công, Châu Công, Nam Cung Thích và một số đại thần khác đến thương nghi, xem phải làm cách nào xử trí số dân do triều Ân Thương bị diệt vong để lại. Phải khống chế vùng cương thổ rộng lớn vừa mới chiếm được bằng cách nào. Phải củng cố chánh quyền vừa mới xây dựng ra sao. Kết quả của việc nghiên cứu là: Phong đất cho các chư hầu, bằng cách cử những người có tài năng trong các công thần, trong hoàng tộc của nhà Châu, cũng như trong những quý thích có quan hệ hôn nhân với triều đình, đến các địa phương trong cả nước để hưng bang kiến quốc, toàn quyền cai trị vùng đất được phong. Các chư hầu này có nhiệm vụ triều cống tài vật lên cho Châu Vương theo định kỳ, cũng như phải cung cấp quân đội để bảo vệ Vương thất. Thế là, người con của Châu Công là Cầm được phong ở đất Lỗ, Khang Thúc được phong ở đất Vệ, Thúc Ngu được phong ở đất Tấn, Thiệu Công Thích được phong ở đất Yên... hình thành “giòng họ phong kiến, làm phên giậu cho nhà Châu”. Nhưng khi phong cho con trai của Trụ Vương là Võ Canh, thì ý kiến của Khương Thái Công, Võ Vương và Châu Công có chỗ khác nhau. Người em của Võ Vương là Châu Công chủ trương phong cho Võ Canh ở tại kinh đô cũ của nhà Thương, để thực hành chính sách "lấy Thương trị Thương". Khương Thái Công chủ trương nên giết hết những hậu nhân của triều đại nhà Thương theo cách trảm thảo trừ căn, để tránh hậu hoạn. Nhưng Võ Vương lại ủng hộ ý kiến của Châu Công, phong Võ Canh ở tại kinh đô của nhà Thương cũ tức ở tại Triều Ca để quản lý dân của nhà Thương còn để lại. Nhằm ngăn ngừa Võ Canh làm loạn, Võ Vương phái ba người em trai của nhà mình là Quản Thúc, Thái Thúc, Hoắc Thúc theo giám sát Võ Canh, được lịch sử gọi là "Tam giám", Khương Thái công thấy Võ Vương đã quyết định như vậy, cũng không nói gì thêm, nhưng trong lòng luôn lo ngại. Thế còn Khương Thái Công thì nên phong đi đâu? Để tỏ lòng tôn trọng Khương Thái Công, Võ Vương đặc biệt trưng cầu ý kiến của Khương Thái Công. Khương Thái Công đáp: - Quê cũ của lão thần là Doanh Khưu (nay là Lâm Tri thuộc tinh Sơn Đông). Trước đây Trụ Vương phát binh Đông chỉnh, gần như đã san bằng cả Doanh Khưu, và giết chết cha mẹ của lão thần ở đấy. Lão thần từ trước có lời thề, sau khi lật được Thương Trụ thì sẽ trở về quê cũ, lập lại bang quốc của mình. Do vậy lão thần khẩn cầu Chúa công nên phong cho thần về quê cũ tại Sơn Đông. Võ Vương cả mừng, nói: - Lời nói của Thượng Phụ rất hợp với ý cô gia. Một là Thượng Phụ đến Doanh Khưu có thể thực hiện được ước nguyện năm xưa, khôi phục lại bang quốc cũ. Thứ hai là các bộ tộc Cửu Di ở phía Đông không ngớt quấy nhiễu lãnh thổ Trung Hoa, Thượng Phụ nếu về dựng nước tại Sơn Đông, thì có thể khuất phục được các bộ tộc người Di ở phía Đông, khiến từ nay vùng đất phía Đông sẽ được thái bình, không còn giặc giã nữa. Thế rồi nhà vua đã lấy vùng đất nằm giữa Bột Hải và Thái Sơn của Bạt Cô Thị xưa kia phong cho Thái Công đặt quốc hiệu là Tề, đóng đô tại Doanh Khưu. Khương Thái Công tạ ơn trở về phủ riêng, chuẩn bị hành trang để lên đường đến vùng đất được phong. Khương Thái Công là khai quốc công thần của triều Tây Châu, công lao hiển hách, lại là nhạc phụ của Võ Vương, cho nên Võ Vương đã đặc biệt thết tiệc để chiêu đãi Thái Công, tiễn đưa Thái Công trở về đất phong. Các thành viên trong tông thất nhà Châu cũng như các văn võ đại thần trong triều đình, ai ai cũng có mặt tại buổi tiệc tiễn đưa, không khí hết sức náo nhiệt và long trọng. Khi mọi người uống rượu đến ngà ngà say, Châu Võ Vương bỗng cầm một cánh tay của Khương Thái Công nói: - Thượng Phụ đã giúp cho nhà Châu của cô gia ngày càng mạnh lên luôn, Đông chinh Tây phạt, công lao số một trong triều đình. Ngày mai này Thượng phụ đến vùng đất phong tại Sơn Đông, không biết đến tháng năm nào mới gặp lại, khiến cô gia cảm thấy thật là lưu luyến, không muốn để cho ngài rời đi. Vừa nói, nước mắt của Võ Vương vừa trào ra ướt cả đôi má. Lúc bấy giờ Châu Võ Vương đã sáu mươi tuổi, còn Khương Thái Công đã là một cụ già đứng trăm tuổi rồi. Chỉ có điều tuy râu tóc cụ đã bạc phơ, nhưng da dẻ vẫn còn hồng hào như người trai trẻ. Đúng là một cụ già trường thọ. Nhìn thấy Võ Vương xúc động, Khương Thái Công cũng không khỏi mủi lòng, nước mắt trào ra khỏi khóe, nói: - Chúa công bất tất phải quá lo lắng. Lão thần tuy tuổi đã cao, nhưng trước đây có học phép dưỡng sinh ích thọ, vẫn có thể sống thêm mấy mươi năm nữa kia mà. Lần đi đến Sơn Đông này, lão thần nhất định sẽ dốc hết sức mình để chấn chỉnh nước Tề, biến nước này thành phên giậu của triều nhà Châu. Võ Vương, Châu Công, Thiệu Công nghe qua những lời nói của Khương Thái Công, ai ai cũng cảm động rơi lệ. Sáng sớm ngày hôm sau, Võ Vương, Châu Công, Thiệu Công, Nam Cung Thích, Võ Cát và một số văn võ đại thần khác cùng đưa Khương Thái Công đến Bá Thượng, cách Cảo Kinh hai mươi dặm về phía Đông. Tới đây mọi người mới gạt lệ chia tay nhau. Nào ngờ lần chia tay này đã trở thành lần chia tay cuối cùng giữa Thái Công và Võ Vương. Vì chỉ hai năm sau đó, Võ Vương bị bệnh qua đời. Sau khi Võ Vương qua đời, dựa theo chế độ người con trưởng nam được lên nối ngôi đã quy định, Thành Vương, con trai lớn của Võ Vương được lên ngôi làm Thiên tử. Lúc bấy giờ triều đình nhà Châu mới vừa được xây dựng, các mặt đều đang chờ đợi củng cố và phát triển, tình hình rất căng thẳng. Người em của Võ Vương là Châu Công sợ Thành Vương thiếu kinh nghiệm, làm hỏng quốc gia đại sự, nên không chú ý tới sự nghi kỵ bàn tán của các đại thần chung quanh, tự mình đứng ra thay thế Thành Vương để nhiếp chính. Trước hành động trên của Châu Công, trong triều đình cũng như ngoài dân gian liền có nhiều dư luận phản ứng. Không ít người cho rằng Châu Công có tham vọng, muốn cướp lấy ngôi vị Thiên tử. Luồng dư luận trên truyền đi khắp các nơi, và truyền càng rộng thì càng có vẻ như chân thật, khiến các đại thần và chư hầu các nước cảm thấy không an tâm. Châu Công là em của Võ Vương, còn Quản Thúc, Thái Thúc, Hoắc Thúc đang giữ nhiệm vụ giám sát Võ Canh cũng là em trai của Võ Vương. Ba người này thấy Châu công phong mình đi xa, trong khi chính ông lại xưng vương nhiếp chính, nắm hết đại quyền của triều đình, thì trong lòng rất bất mãn. Tất cả mọi việc xảy ra đều được người con trai của Trụ Vương là Võ Canh thấy rõ, nên cho rằng đây là một cơ hội để trả mối thù sát phụ, diệt quốc. Võ Canh không phải là một con người tầm thường. Trước đây khi Châu Võ Vương phong ông ta làm người hậu duệ của triều đình nhà Thương, thì ông ta từng cảm động đến rơi lệ, thề sẽ một dạ trung thành với triều đinh nhà Châu. Khi thấy Vô Vương phong ba người em trai của mình theo giám sát, ông ta biết người Châu không an tâm đối với mình. Do vậy, ngoài mặt ông ta tỏ ra rất ngoan ngoãn, nói gì tuân theo nấy. Hằng tháng ông ta đến vấn an Quản Thúc, Thái Thúc và Hoắc Thúc, báo cáo rõ tình hình nơi mình được phong chức và có nhiệm vụ cai quản, lại xin chỉ thị để thực hiện những việc làm sắp tới. Ngoài ra, ông ta thỉnh thoảng còn tặng cho ba vị giám sát nói trên nhiều vàng bạc, châu báu, và mỹ nữ, để mua chuộc họ. Sau một thời gian lâu dài, ba vị giám sát đều cảm thấy Võ Canh là người rất tốt, nên mất đi sự cảnh giác lúc ban đầu. Thậm chí họ còn xem Võ Canh như một người bạn tri kỷ. Ngay đến những vấn đề bí mật nhất họ cũng nói cho Võ Canh nghe. Nhờ vậy mà Võ Canh biết ba vị giám sát này có lòng bất mãn đối với Châu Công, nhất là Quản Thúc lại là người căm ghét Châu Công nhất. Quản Thúc bảo trước đây khi Võ Vương phong đất cho các chư hầu, thì Châu Công không đi nước Lỗ, mà để cho người con trai là Bá Cầm đi thay. Mục đích của Châu Công là muốn ở lại triều đình, để chờ cơ hội đoạt lấy đại quyền. Quản Thúc cũng cho rằng Châu Công phong đất của triều Ân Thương cũ cho mình, cũng như cho Thái Thúc, Hoắc Thúc, là sợ ba anh em ông ta cản trở không cho Châu Công thực hiện tham vọng đó. Quản Thúc cũng cho rằng sau khi Võ Vương chết nếu dựa vào chế độ nối ngôi do Văn Vương đã đặt ra lúc gởi gắm con côi với Khương Thái Công, thì ngôi vị nhà vua phải do Thành Vương, trưởng tử của Võ Vương kế vị. Nhất là Thành Vương hiện nay không phải còn nhỏ, mà hoàn toàn có năng lực để điều hành việc triều chính. Vậy mà Châu Công lại lấy cớ Thành Vương thiếu kinh nghiệm, tự mình xưng vương, rồi đứng ra nhiếp chính, có ý đồ cướp ngôi thiên tử. Hành động đó hoàn toàn trái ngược với di huấn của Văn Vương, chung sức tiêu diệt Châu Công, để trả quyền bính lại cho Thành Vương. Thái thúc và Hoắc Thúc cũng tán thành ý kiến này của Quản Thúc. Võ Canh bèn đem lời nói trên của Quản Thúc truyền đạt đến những người thân tín của ông ta, để những người này lại nhanh chóng truyền đạt đến những nước ở phía Đông. Nghe đâu Khương Thái Công biết được tin này, cũng có lòng hoài nghi đối với Châu Công. Quản Thúc, Thái Thúc, và Hoắc Thúc thấy nhân tâm trong các nước chư hầu đều hoang mang, mọi người đều nguyền rủa Châu Công, thì trong lòng lấy làm đắc ý. Riêng Võ Canh bèn chụp lấy cơ hội này, liên hệ chặt chẽ với những bộ hạ cũ thời Ân Thương trước kia. Họ giả vờ yểm trợ cho Quản Thúc, Thái Thúc và Hoắc Thúc để thanh trừng chung quanh nhà vua, rồi từ đó phát động một cuộc phản loạn. Riêng Quản Thúc, Thái Thúc và Hoắc Thúc cho rằng Võ Canh là người bạn tri kỷ của mình, muốn hiệp trợ với mình để thảo phạt Châu Công. Cho nên cả ba người bèn cấu kết với Võ Canh, giúp đỡ ông ta để thế lực cua ông ta ngày càng mạnh. Thậm chí, Quản Thúc còn đích thân chỉ huy quân đội để trợ uy cho Võ Canh. Nhờ vậy mà thế lực phản loạn của Võ Canh ngày một mạnh thêm lên. Hắn lại phái người đến các nước ở phía Đông, tiến hành hoạt động mang tính âm mưu. Do vậy mà có đến mười bảy nước ở phía Đông đã hưởng ứng cuộc phản loạn của Võ Canh, làm cho trong triều đình nhà Châu cũng như ngoài dân gian đều chấn động. Vùng đất phía Tây của người Châu trước kia cũng bị ảnh hưởng lây. Xem ra, cuộc biến loạn này có cơ sẽ lan rộng ra khắp toàn quốc. Trong một cuộc hội họp khẩn cấp của triều đình nhà Châu, Châu Công cực lực chủ trương dùng vũ lực để trấn áp cuộc phản loạn. Nhưng trong vương thất có một số quý tộc tỏ ra do dự, không quyết định dứt khoát. Họ cho rằng người Di ở phía Đông từ trước tới nay không bao giờ yên ổn. Trong thời Ân Thương sự thống trị của triều đình không thực sự mở rộng tới đó. Cho nên tốt nhất là phái người đến đấy phủ dụ, để duy trì hiện trạng. Có người lại cho rằng Tây Châu vừa mới xây dựng, các mặt tài lực vật lực và nhân lực đều thiếu thốn, vậy nếu đưa quân đi chinh phạt xa thì có thể dẫn đến thất bại. Cũng có người tin theo lời đồn nhảm, hoài nghi Châu Công muốn mượn cớ Đông Chinh để mở rộng thế lực cửa mình, chuẩn bị cho việc soán đoạt đại quyền trong tương lai. Châu Công biết, nếu để tình thế trước mắt tiếp tục diễn biến, thì sẽ tạo ra một cục diện hỗn loạn không thể khống chế được. Do vậy ông nên viết một phong mật thư gởi cho Khương Thái Công ở tận Sơn Đông xa xôi, rồi phái người tâm phúc tức tốc đi tới nước Tề để trao thư. Trong thư ông phân tích một cách sâu sắc tình thế trước mắt, và cũng nói thật lòng mình tại sao lại tự xưng vương, đứng ra nhiếp chính, mong Khương Thái Công nghĩ đến đại cuộc, giúp ông vượt qua cơn sóng gió, bảo vệ giang sơn đo Văn Vương, Võ Vương và Khương Thái Công đã phấn đấu suốt cả đời mới giành được. Trong thư này, Châu Công còn ủy quyền cho Khương Thái Công "Đông đến biển, Tây đến Hoàng Hà, Nam đến Mục Lăng, Bắc đến Vô Lệ, kể cả ngũ hầu cửu bá, đều có thể được quyền chinh phạt". Khương Thái Công đọc xong bức thư mật của Châu Công, vô cùng cảm động trước một tấm lòng vì đại nghĩa, trước thái độ quang minh lỗi lạc, tận trung báo quốc của Châu Công. Khương Thái Công nhận thức được rằng, sự hoài nghi đối với Châu Công của mình trước đây là sai lầm. Cùng một lúc đó, Khương Thái Công cũng nhận được một bức thư của người con gái là Ấp Khương, (vợ của Võ Vương). Trong thư Ấp Khương nói: “Kể từ ngày Châu Công xưng vương nhiếp chánh cho tới nay, công cuộc trị quốc phát triển rất tốt. Châu Công lúc nào cũng sợ mình bỏ mất hiền nhân trong thiên hạ. Nếu có một hiền nhân tới xin gia nhập đội ngũ, cho dù Châu Công đang tắm, ông cũng dùng tay nắm mớ tóc đang gội còn ướt của mình bước ra tiếp kiến. Cho dù Châu Công đang ăn cơm, cũng buông ngay đũa xuống ra tiếp họ. Thậm chí “một lần tắm phải ba lần nắm tóc, một bữa cơm phải ba lần gác đũa”. Việc nhiếp chính của Châu Công hoàn toàn là vì lợi ích của quốc gia, còn đối với ngôi vị thiên tử của Thành Vương thì ông không hề có tham vọng chi cả. Có lần Thành Vương bệnh nặng sắp chết, Châu Công bèn viết một tờ sớ để khấn vái với trời đất, bằng lòng chết thay cho Thành Vương. Điều đó cho thấy Châu Công là người thành tâm thành ý bảo vệ Thành Vương. Mặc dù tuổi Thành Vương không còn nhỏ, nhưng đúng là thiếu kinh nghiệm trị quốc. Trước tình thế hết sức căng thẳng này, nếu Châu Công không ra mặt ủng hộ Thành Vương, cứu vãn tình hình, thì triều đình nhà Châu chắc chắn sẽ lâm nguy. Cho nên mong phụ thân dốc hết sức lực của mình để hiệp trợ cho Châu Công, bình định loạn lạc". Đứng trước tình hình vô cùng nguy cấp đó, Khương Thái Công đã quyết định dứt khoát, dốc hết lực lượng trong toàn quốc ra để nhanh chóng bình định những cuộc loạn lạc. Một mặt ông phái đại tướng Lữ Báo, Lữ Hổ dẫn một vạn tinh binh đi bình định những bang quốc đang nổi loạn như Từ, Yểm, mặt khác, tự mình dẫn hai vạn tinh binh tiến xuống phía Nam, hiệp trợ với Châu Công để bình định cuộc nổi loạn của Võ Canh và mười bảy nước chư hầu. ông viết rõ kế hoạch của mình vào một bức mật thư gửi đến cho Châu Công biết, và kiến nghị Châu Công nên xua quân Đông chinh để nhân cơ hội này triệt để chinh phục các bang quốc làm phản ở phía Nam, giúp cho giang sơn của triều Tây Châu vĩnh viễn được củng cố. Châu Công nhận được thư cưa Khương Thái Công, tinh thần phấn chấn hẳn lên. Ông bèn đem ý kiến của Châu Công trong bức thư truyền đạt lại cho các thành viên trong triều đình nhà Châu, khiến những quý tộc đang dao động sợ hãi này củng cố lại niềm tin. Châu Công chấp thuận ý kiến của Khương Thái Công, chính mình dẫn năm vạn đại binh mở cuộc Đông chinh. Đồng thời, ông lấy địa vị Thiên tử để công bố một bản “đại cáo” nhằm cổ xúy tinh thần của các tướng sĩ. Trên đường Đông chinh, khi đi ngang qua nước Sở, Châu Công đã thuyết phục người Sở không tham gia vào cuộc nổi loạn. Thế là hai cánh quân của Châu Công và Khương Thái Công đã liên kết nhau, tiến đánh những vùng nổi loạn, khiến uy tín của nhà Châu được củng cố. Mặc dù Khương Thái Công tuổi đã cao, nhưng vẫn còn đầy đủ khí phách anh hùng. Ông đã bôn ba khắp trên chiến trường, nương tựa với thế lực của Châu Công, cùng nhau tiến quân tiểu trừ những cuộc nổi loạn ở phía Đông Nam. Trải qua ba năm chinh chiến gian khổ, rốt cục đã bình định được cuộc nổi loạn có quy mô to lớn nói trên. Cuộc chiến tranh trấn áp loạn lạc này, trước sau đã tiêu diệt được lực lượng phản loạn của năm chục nước chư hầu ở vùng Đông Nam. Quy mô của cuộc chiến tranh này còn to lớn hơn quy mô chiến tranh phạt Trụ của Võ Vương. Bọn đầu sỏ phản loạn là Võ Canh, Quản Thúc đều bị Châu Công xử chém. Riêng Thái Thúc, Hoắc Thúc thì bị lưu đày. Các nước ở vùng Quan Đông đã triệt để bị chinh phục. Trải qua cuộc chiến tranh này, Tây Châu mới thực sự chinh phục được Quan Đông, từ đó triều đình nhà Châu mới củng cố được sự thống trị trên khắp cả nước. Sau khi bình định được cuộc nổi loạn, Khương Thái Công lại trở về đất phong cua mình là nước Tề, tiếp tục xây dựng lại quy mô nền kinh tế của đất nước. Trước tiên ông đặt ra sách lược "đại nông, đại công, đại thương", để tạo điều kiện cho nông công thương phát triển, cũng như các nghề đánh cá và làm muối được nhiều thuận lợi hơn. Ông đã tồ chức nhưng người nông dân lại, đưa họ sống chung một nơi, để họ có thể hợp tác trong ngành công, khai khẩn đất hoang, phát triển sản xuất nông nghiệp, để lương thực càng ngày càng đầy đủ hơn. Ông cũng tổ chức những thợ thuyền lại, rồi cho họ sống chung một nơi để có điều kiện hợp tác với nhau, tạo ra được nhiều sản phẩm cần dùng cho bá tánh, giúp cho đời sống của nhân dân trong nước được đầy đủ. Ông cũng tổ chức những thương gia lại với nhau, rồi cho họ sống chung một nơi, mở chợ buôn bán, trao đổi hàng hóa, nên về các mặt tiền và hàng hóa mỗi lúc một phồn vinh hơn. Đối với nông nghiệp, ông thực hành phương châm đánh thuế một trên mười để giảm nhẹ gánh nặng cho nông dân và cổ xúy cho việc sản xuất nông nghiệp. Khương Thái Công gọi ba công việc làm chủ yếu trên là "Tam bảo". Ông cho rằng chỉ một mình nhà vua nắm quyền điều hành "Tam bảo”, chứ không thể giao cho ai quản lý cả. Nhờ vậy mà chưa đầy ba năm, tình hình kinh tế xã hội của nước Tề đã phát triển rõ rệt. Tin tức này truyền đến Cảo Kinh, Châu Công đang giữ vai trò nhiếp chánh vương nghe được hết sức vui mừng. Vì chỉ trong vòng ba năm ngắn ngủi, mà Thái Công có thể cai trị đất Tề và đưa đất nước này lên một tình trạng phồn vinh hưng thịnh như vậy, thì quả là tuyệt vời ông xúc động nói: - Thái Công đúng là càng già càng giỏi, trong đời không ai bì kịp. Trong hoàn cảnh đất nước được phát triển, Khương Thái Công đã cho tu sửa thành ấp, dạy người dân trong nước học tập Châu Lễ, và thu dụng nhân tài khắp bốn phương. Đối với những người có tài năng trong cửu tộc thuộc Đông Di, ông đều tập trung lại để sử dụng theo tài năng. Tất cả những người được sử dụng, ông đều tạo điều kiện cho họ phát huy hết sở trường của mình. Nhờ đó mà chỉ trong một thời gian ngắn, nước Tề đã trở thành nước cường nhất tại phía Đông. Về sau, khi Châu thất suy vi, các nước thời Xuân Thu Chiến Quốc tranh giành nhau một cách hỗn loạn thì hậu duệ của Khương Thái Công là Khương Tiểu Bạch, từng xưng bá trong quần hùng, chín lần huy động chư hầu để khuông phò nhà Châu, khiến nhà Châu kéo dài được trên bốn mươi năm. Khương Tiểu Bạch chính là vua Tề Hoàn Công rất nổi danh trong thời đó. Với tài hoa trác tuyệt của mình, Khương Thái Công trước sau đã khuông phò cho ba đời vua của nhà Tây Châu, trở thành một vị anh hừng mang tính truyền kỳ. Suốt mấy nghìn năm qua, ông được nhân dân Trung Quốc tôn sùng và yêu quý, không hổ danh là một nhà chính trị, quân sự nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Ông cũng không hổ danh là bậc tỵ tổ trong các nhà mưu lược của nước Trung Quốc.