Bổ sung ba ngôi chùa tình nguyện, vị chi hơn sáu mươi chỗ.. Ừ, tu thì tu chứ việc trần tục này các vị rất tích cực. Thật đỡ cho chúng ta. Thôi gút đi. Long, cái xế ngon lành chưa?” “ rồi, xăng nhớt nhận đủ”. “ Hải, các bảng tên và bản đồ đủ chưa?” “ Rồi, sếp” “ Yến photo các số điện thoại cấp cứu hết rồi chứ” “ phát luôn rồi. Yên tâm” “ Quỳnh, nhận đủ điện thoại chưa?” “ rồi, em. Mà sáng kiến mời công ty điện thoại tài trợ máy cho chiến dịch Mùa hè xanh hay thật. Vừa làm việc thiện vừa quảng cáo tên tuổi nên các công ty rất sốt sắng. Công nhận em Bình Minh hay thật” Yến cười nhạo “ gọi Bình Minh là em không biết ngượng, anh hai cho phép chưa?”. Quỳnh hất mặt “ đâu cần ảnh cho phép, mình cứ gọi. Bình Minh ủng hộ mình mà, phải hôn em?”. Bình Minh gật đầu “ ừ, thưa bà chị, kỳ này mà còn kêu không liên hệ được là tui xử bà chị, nhớ đấy”. Quỳnh cười ngất rồi chợt xịu mặt “ hôm trước gặp anh hai trước bệnh viện T, mình gọi riết mà ảnh không nghe, buồn năm phút”. Bình Minh buồn hơn, giọng ỉu xìu “ chắc ảnh đi.. đo huyết áp!” “ ủa sao vậy?” “ ảnh bị ép tim!”Hoài Ân nóng lòng ngó xuống cầu thang. Mấy cô cậu chuyên vác tù và kia chưa chịu về. Nghe bàn nảy giờ thì kế hoạch rủ mẹ và Bình Minh đi Nha Trang tắm bùn, nhảy dù coi như phá sản. Cô ấy chắc chắn không đi. Anh bật cười khi nghe Bình Minh châm chọc mình. À, chọc anh trước đấy nhé. Anh xuống thang. Cả bọn đang cười đùa, đồng thanh “ chào anh hai”. Quỳnh mau mắn thêm “ anh khỏe chứ ạ?”. Hoài Ân tủm tỉm “ ừ, huyết áp bình thường”. Bình Minh cắn môi. Hoài Ân ngồi xuống bên cô “ Minh này, chủ nhật đi bơi đi, anh biết một chỗ tuyệt lắm” “ dạ, em bận..” Quỳnh láu táu “ dạ, em.. không bận” mọi người cười vang. Hoài Ân sờ tay lên ngực “ tự nhiên.. tim ép quá!. Anh đến bác sĩ đây. Thôi chào” Quỳnh ngó Bình Minh, hai cô nguýt theo, thấy ghét!Sáng nay là ngày thi đầu tiên. Tổng hành dinh tại bến xe vẫn nhộn nhịp. Những sĩ tử cuối cùng được cấp tốc đưa ngay tới trường. Nhà tình nguyện, chùa tình nguyện đã chật cứng từ hôm qua. Các tình nguyện viên cũng đã đón một số về nhà mình. Hết chỗ rồi, chật cứng rồi. Bình Minh đặt bút xuống bàn. Tính sao bây giờ. Sáng nay, một cậu từ Bến Tre lên, hấp ta hấp tấp, không chỗ ở không người thân, tiền bạc bị móc túi hết. Long đã chở cậu ta tới trường thi. Giỏ xách bỏ đây, thi ra tính tiếp. Bình Minh đã nghĩ tới chuyện cho cậu ta ở nhờ quán Phong rồi mà chưa dám. Bề gì quán xá cũng có cái phức tạp của quán xá, không nên liều. Nếu là gái Bình Minh rước nó về ở với mình rồi. Thật ra cả ngày các sĩ tử này ở trường, chỉ tối mới về nhà trọ. Phải có chỗ ăn ngủ đàng hoàng để có sức tiếp tục thi. Còn đợt hai nữa chứ. Hay.. nhờ Hoài Ân! Không chắc lắm nhưng cũng phải thử xem.Bình Minh hấp tấp bấm số. “ Alô! anh nghe” “ em chào anh hai, em nhờ anh chuyện này được không?” “ gì vậy, có liên quan tới em không?” “ không, ơ mà..có. Có một thí sinh nhà tận Bến Tre tới trễ quá. Chúng em đưa bạn ấy tới trường thi rồi, nhưng bây giờ các nhà trọ chẳng còn chỗ. Tụi em hết cách rồi. Anh.. cho nó về ngủ chung với anh.. hai đêm được không?” “ nó là.. con gái hả? anh chịu!” Trời, thật dễ sùng! Chưa khi nào cái giọng nửa nam nửa trung đó nghe.. trọ trẹ như vậy, thấy ghét như vậy. “ Alô, sao làm thinh vậy, không nhờ nữa hả?” Cô hét “ tiếc cho anh quá, nó là con trai, vậy anh giúp không, trả lời mau”. Tiếng Hoài Ân cười to rất khoái chí “ được thôi, thi xong dẫn nó về đi, anh thu xếp cho nó ngủ.. với ông Tư”.Sĩ tử Bến Tre tên Hiền này làm cả nhà cười nôn ruột vì những câu đùa tếu rặt Nam bộ của cậu ta. Hoài Ân vốn miễn cưỡng với người lạ cũng vui lây. Chiều nay đang dùng trái cây tráng miệng, Hiền ngập ngừng xin phát biểu. Ông Tư cười “ hổm rày chú mày có cần xin phép nói đâu, sao bữa nay màu mè vậy”. Hiền rụt rè “ mơi em cháu lên thi đợt hai, cháu xin để em cháu ở đây, cháu vào nhà tình nguyện”. Bà Thông cười “ thì hai anh em cứ ở đây, bác thu xếp được”. “ dạ cháu biết ơn bác, nhưng cháu không dám quấy rấy quá mức. Bên nhà tình nguyện đã trống chỗ, cháu xin ra đó, em Lành là con gái nên cháu muốn nó được ở đây”. Bình Minh liếc Hoài Ân, anh cũng ngó cô một cái nhanh như chớp! Cô kín đáo bĩu môi “ Hiền à, cậu yên tâm, sẽ có người tình nguyện chăm sóc cô ấy hết sức chu đáo”. Hoài Ân gật gật đầu tủm tỉm cười rất quái!. Hiền vội cám ơn, cô xua tay “ không dám, không dám, cám ơn anh hai ấy”. Hoài Ân bèn làm nghiêm, nhón miếng táo đưa Hiền “ cậu là người anh tốt đấy”. Hiền thật thà “ dạ, em thấy anh mới tốt”. Hoài Ân bật cười, ngó Bình Minh mà cười ngất, rớt cả miếng táo trong miệng, cả nhà không hiểu gì cũng cười theo. Bình Minh sượng sùng cắn môi..Bàn tay đặt trên mouse lơ đãng lướt qua các trang Web. Từng trang từng trang lật qua mà anh chẳng thấy gì. Anh dừng tay, mở cửa ngó sang kia. Phòng đã tắt đèn. Hoài Ân cười vu vơ.. Ngủ chưa Minh? Bây giờ mà có ai đó ở đây để chọc ghẹo thì thật.. sướng hết sức. Chà, đôi môi hay cắn ấy ngó thật..ứa gan! Anh hai! Anh hai! nghe riết cũng quen, anh không thèm bực nữa! Minh ơi, Cái tự do mà anh trót đòi lại đó, giờ anh tự nguyện nộp lại cho em!. Anh cưới em rồi, em về nhà anh rồi thì em phải là của anh. Em cứ gọi anh hai cho quen đi, thì mai kia, khi yêu nhau rồi, cưới nhau rồi, em phải sửa, em mà không sửa được, anh sẽ cho biết tay! Anh chưa nghĩ ra hình phạt nào, nhưng cứ nhớ tới đôi môi hay cắn nhẹ ấy anh nôn nao. Anh nóng lòng chờ ngày Bình Minh không sửa được lắm.Hoài Ân khoát tay cho cậu nhân viên ra ngoài. Anh biết mình đã nóng nảy vô lý. Anh biết nhưng anh không thể bình tĩnh. Qui chế văn phòng đại diện đâu cho phép trực tiếp kinh doanh. Dù thực tế văn phòng nào cũng kinh doanh. Tuy có công văn của bộ, nhưng nhận giấy khai thuế chẳng khác nào lạy ông tôi ở bụi này. Lỗi chưa lấy gì nghiêm trọng nhưng có cái gì đó làm anh cứ bồn chồn muốn hét lên. Anh ngó laptop. Tháng này doanh số tăng đáng kể. Công việc suông sẻ. Vậy cái gì làm anh cáu kỉnh như thế. Anh ngồi phịch xuống ghế, xoay một vòng nhìn xuống phố xá, thở nặng nề. Hồi sáng lên tưới cây ông Tư nhận xét lúc này cậu hai ăn uống rất kém. Có khi quên luôn tách cà phê cử tối. Anh ầm ừ không trả lời. Không có tách cà phê đó anh cũng đã khó ngủ lắm rồi. Tay gối đầu, mắt sáng như sao dán vào bầu trời đêm, lòng bồi hồi, thắc thỏm.. Bình Minh vắng nhà hai tuần rồi. Đi hai tuần rồi, và anh.. nhớ cô gần chết rồi. Đó! Nguyên nhân đó. Anh vuốt mặt. Mình.. yêu rồi sao? Hoài Ân kiêu căng lại yêu người mà anh đã bỏ sao? Anh bật dậy. Thắt lòng thắt dạ nhớ người ta thế này.. là yêu chưa? Chưa, chưa phải không?. Bàn tay đút trong túi chạm phải chiếc khăn mềm mại. Anh nhẹ rút ra và úp mặt vào. Minh, khăn này chưa từng thấm mồ hôi ai đâu, anh đâu nỡ làm thế..Anh.. nhớ em quá!”.Mãi chín giờ Hoài Ân mới về. Mẹ và bà Tư ngồi trước tivi trong phòng khách. Từ ngày Hoài Ân về, anh sắm thêm cái tivi và đầu đĩa này. “ Nhà đã ít người mà cứ cơm xong người nào về phòng người ấy coi ti vi, buồn quá. Mua thêm một cái coi chung cho vui”. “ Con có chịu ở nhà đâu, mua tivi để đây làm gì?” mẹ cằn nhằn khi thấy anh vô. Hoài Ân ngồi xuống bên bà “ bộ con là con gái sao ở nhà với mẹ hoài” Mẹ thở dài thườn thượt “ con gái cũng đâu có ở nhà. Ủa, con.. uống rượu hả?” “ à, một chút.. ngoại giao mà mẹ”. Bà Tư rót cho cậu ly nước lọc “ bà mới than không có cô ba ở nhà bà buồn quá” Hoài Ân uống hết ly nước rồi mới dài giọng “ ai bảo mẹ cho cô ấy đi” “không cho mà được à, với lại nó làm chuyện có ích chứ có phải đi chơi đâu mà cấm” Rồi bà buộc miệng “ mẹ nhớ nó quá, năm nào cũng vậy tới hè là mẹ sợ” “ vậy mai mốt cô ấy lấy chồng mẹ tính thế nào” “ mẹ bắt rể”. Hoài Ân phì cười. Ông Tư vào, chỉ ngay lên màn hình “ kìa kìa, cái trường đó kìa” Hoài Ân quay lại “ gì vậy?” Ông Tư cười “ hè năm ngoái cô công tác ở trường trẻ em khuyết tật đó đó, ở tận Hốc Môn. Khi về cô ba học được kiểu nói bằng tay. Cô dạy bà và vợ chồng tui.. thiệt tức cười quá” ông đằng hắng “ coi nè, ăn cơm làm vầy.. uống nước làm vầy..ủa..không phải, làm vầy.. ủa.. không phải, làm sao hả bà..” Ba người già sinh động hẳn lên, giơ tay loạn xị nhớ lại mấy động tác. Hoài Ân cũng làm theo chọc mẹ vui. Bà bỗng kéo tay con trai “ hay.. con chở mẹ đi thăm”. Đúng ý anh rồi, Hoài Ân làm bộ đắn đo “ mẹ không khỏe đi làm gì, để chủ nhật con xuống thăm. Muốn đem gì cho cô ấy thì sửa soạn trước đi. Thôi ông Tư cứ ở nhà cho con yên tâm. Con đi một mình”.Bà Tư đập đập gối sửa soạn giường. Ông Tư ngáp rõ to “ nè bà, tui nghi lắm” “ nghi cái gì?” “ còn cái gì nữa, cô bác sĩ đó. Cổ mong.. bà bệnh để được cậu chở tới đây săn sóc..” “ í trời, ông nói oan cho người ta đó, bà bệnh thật mà” “ thì tui có nói giả đâu, nhưng..chậc chậc.. tui không ưa cô đó và cậu Phong kia chút nào” Đụng tới chuyện này ông bà không thể nhất trí. Từ ngày Bình Minh thành cô ba, là phụ nữ, bà Tư thương cảm hoàn cảnh cô lắm, thầm trách cậu hai bội bạc. Bà mong cô ba lấy được một tấm chồng ngon lành hơn cậu hai cho cậu sáng mắt ra. Nên bà đặc biệt có cảm tình với Phong. Phong rất ít tới nhà, mỗi khi anh tới, ông Tư lườm nguýt nhưng bà săn đón lắm. Còn Thủy Tiên thì.. tội nghiệp! ông không ưa mà bà cũng chẳng mến. Cô kênh kiệu quá! Chẳng phải một lần, Thủy Tiên tới ngồi cả buổi mà chưa ai bưng nước mời. Hai ông bà làm bộ bận tay trong bếp, ngoài sân. Hoài Ân thì chẳng để ý. Lần đó Bình Minh thấy kỳ quá, vào rót trà. Ông Tư hơi ngượng “ cô ba, để tôi..” Bình Minh bình thản “ ông lên nói chuyện với khách đi, tôi bưng nước cho”. Hai ông bà chột dạ, từ đó mới thôi. “ Bà đỡ rồi mà cổ cứ nói cần theo dõi thêm. Xí, làm trưa nào cậu cũng đi đón..” Bà Tư nguýt chồng “ ông mới kỳ nghen, cậu thích cổ, bà không bệnh thì cậu cũng đưa rước người ta, đi ăn, đi chơi, không phải sao?. Xì, đàn ông các ông..” Bà leo lên giường kéo chăn trùm kín “ tôi chỉ mong cô ba lấy cậu Phong”. Ông Tư xua tay “ cậu ta không bằng cậu hai”. Bà tung chăn “ cậu Phong thì ông nói thua cậu hai, cô Thủy Tiên thì ông nói thua cô ba. Vậy ông muốn gì?” Ông Tư hứ một cái “ tui muốn giống bà muốn, giống bà chủ muốn. Có điều..” Bà Tư nằm xuống lầm bầm “ vái trời cậu lấy phải con nhỏ phách lối làm bộ đó, kén chọn cho lắm vào. Đáng đời”.Hoài Ân ngó lại lần nữa tờ giấy ghi địa chỉ ngôi trường tiểu học. Tổ thanh niên tình nguyện của Bình Minh đóng ở đây. Dạy toán cho trẻ em, dạy chữ cho người lớn, tân trang nhà dột cột xiêu và hình như kiêm luôn bác sĩ, y tá.. Anh nhấn ga. Trên con đường này bảy năm trước, một chiếc xe hoa chở một chú rể mặt xụ mày cau đi đón dâu.. Bảy năm rồi. Đã bảy năm rồi. Duyên nợ của người ta do ai xếp đặt. Ông Tơ chăng? Ông già lú lẩn ơi, hồi đó cái gì làm ông vội vội vàng vàng, se mối duyên chông chênh vậy. Hoài Ân cười khan, tiếng cười khô khốc. Lỗi nào phải tại ông lão bạc đầu đó. Hoài Ân ơi tại mi! tại mi! Hoài Ân lắc mạnh đầu. Xe lướt thật nhanh qua những dãy nhà kho xưởng máy. Khung cảnh thật lạ lẫm. Chủ trương của nhà nước là đưa khu công nghiệp về các huyện ngoại thành. Vừa giải quyết vấn đề ô nhiễm vừa phát triển vùng ven. Lê Minh Xuân này là một điển hình. Nếu trước đây, qua con mắt rầu rỉ của chú rể Hoài Ân, nó thật nghèo nàn xám xịt thì bây giờ nhà cửa phố xá san sát. Những ngôi nhà lá thấp lè tè lẫn vào bụi cỏ xa xa biến mất. Thay vào đó là những căn nhà nhiều tầng sát lề. Chẳng còn biết lối nào vào ngôi nhà nho nhỏ có giàn mướp hồi xưa, mà cái cầu Bình Minh gì đó qua chưa anh cũng không để ý. Trời, ông Tơ ơi, xin nghe lời năn nỉ của con. Ông phải ráng chuộc lỗi bằng cách.. se lại sợi tơ mà con trót cắt đứt..Xe vừa quẹo vào sân các cô đã ùa ra nhao nhao chào anh hai. Mấy cậu trai nhanh nhẩu đỡ chiếc túi to đùng “ mời anh hai vô nhà ủa vô trường”. Hoài Ân ngồi xuống nhìn quanh “ Bình Minh đâu?”. Yến lễ phép “dạ thưa anh hai, Bình Minh vừa đi với anh Phong ạ”. Tim anh thắt lại. Sao không nghĩ ra Bình Minh có người khác lo lắng thăm nom chứ đâu phải chỉ mình anh. Hắn nhanh hơn anh rồi. Quỳnh rót trà “ Tụi em mời anh hai ở lại dùng cơm rồi nghe em.. nghe chúng em hát. Anh Phong chở Bình Minh ra chợ mua đồ ăn. Trưa nay chúng em được nghỉ nên liên hoan cho vui”. Hoài Ân cầm tách trà nhấm nháp một chút rồi đứng lên “ cám ơn Quỳnh. Tôi bận, nói với Bình Minh là mẹ gửi cô ấy cái này. Thôi chào các cô cậu. Chúc vui”.