ấy giờ tôi mới nói lên những gì tôi nghĩ, và có lẽ, cũng là cảm nghĩ và thắc mắc của rất nhiều người:- Em nghe người ta nói rất nhiều về anh, các anh Không Quân hào hoa phong nhã và bay bướm, lúc nào cũng có nhiều người đẹp bên cạnh và ăn chơi ghê lắm. Nhưng em không ngờ, và sẽ không bao giờ ngờ là sự thật quá khác biệt. Nếu em không quen anh và được chia sẻ tâm tình với anh, có lẽ em cũng sẽ tin những lời đồn đó, anh ạ!- Chỉ một vài phần tử nào đó trong Không Quân đã tạo ra cái tiếng hào hoa phong nhã, bay bướm mà thôi, chứ không phải cứ Không Quân là hào hoa phong nhã và bay bướm. Không Quân cũng như các binh chủng khác, ban ngày xách máy bay đi vào lòng địch, buổi chiều nếu may mắn không bị đánh rơi, thì vác máy bay về. Chúng anh cũng xông vào lửa đạn như ai, cũng góp phần vào việc bảo vệ quê hương như tất cả mọi binh chủng khác nhưng lại bị gán cho là hào hoa phong nhã, bay bướm vân vân... (mặc dù hào hoa phong nhã không có gì là xấu, nhưng Sĩ Phú không thích bị gán cho cái từ ấy )Rồi anh nói tiếp:- Anh suýt nữa bị bắn rơi lúc còn ở Phi Ðoàn, đạn bay vèo vèo bên đùi, nhưng chỉ bị sướt đầu gối mà thôi. Ðến giờ phút này, anh vẫn còn bị ê ở đầu gối mỗi khi khiêng đồ nặng hay đi nhiều. Tuần nào tụi anh cũng thay phiên nhau chôn hai ba thằng bạn. Cuộc đời quả thật vô thường!Anh nói tiếp:- Trong hoàn cảnh chiến tranh, đành phải chịu vậy. Mới thấy người bạn hôm qua, hôm nay phải đi vớt xác về. Ðứa nào cũng ngán ngẩm, không dám lấy vợ, vì không muốn người vợ mới cưới của mình trở thành góa phụ. Vì hoàn cảnh chiến tranh đau xót như vậy, nên Không Quân bọn anh phần nhiều đứa nào cũng hút thuốc, có lẽ để tìm một chút gì an ủi, bình an trong lòng. Anh cũng hút thuốc là vì vậy. Anh không có thấy bay bướm ở chỗ nào cả.Anh ngừng một hồi lâu, rồi chậm rãi tiếp tục:- Bây giờ trở lại với thắc mắc của em, yes, anh là một thằng đàn ông tuy rất khiêm nhượng về thành quả của mình, nhưng rất hãnh diện về con người và nhân cách mình. Anh không phải là một người buông thả, ăn chơi trác táng thả mồi bắt bóng. Anh là người đàn ông sống rất mực thước, sống với khuôn khổ. Anh yêu một cuộc sống đạo hạnh, giản dị và dung hòa. Anh không thích đám đông. Không thích vật chất xa hoa hay đàn bà đẹp lộng lẫy, lại càng không thích nổi tiếng. Ừ, cứ cho anh là một ca sĩ nổi tiếng đi, nhưng anh lại không thích vũ trường và ánh đèn màu. Nơi mà anh thích nhất và muốn có nhất là một mái ấm gia đình, một tổ ấm của cuộc sống lứa đôi với người đàn bà mình yêu.Rồi anh kể tiếp:- Vài năm trước, anh có đến nhà vợ chồng một người bạn. Anh có dịp nhìn thấy cái bếp của gia đình nó, trời ơi, anh không bao giờ quên. Cái bếp nó ấm cúng làm sao. Anh vào bếp mà ngơ ngẩn không muốn ra, nó làm sao ấy, ấm cúng vô cùng. Anh nhìn tất cả mọi vật chung quanh, đều giản dị, thô sơ, không cầu kỳ, không bóng loáng để làm cảnh, mà là thật, rất thật. Những nồi niêu xoong chảo, những dĩa thức ăn nấu chín đậy lồng bàn, nồi canh nóng, nồi cơm dẻo thật thơm tho, làm anh thèm đến chảy nước miếng cái tổ ấm nho nhỏ ấm cúng đó.Tôi nghe anh nói mà quặn đau trong lòng, xót xa dâng đầy trong tim tôi.Tôi thật không ngờ,và sẽ không bao giờ ngờ. Lúc đó tôi nghĩ nếu tôi nói ra chắc sẽ không ai tin. Là một người như Sĩ Phú mà lại phải đi tìm những cái rất tầm thường trong cuộc đời mà theo lẽ, anh phải có như một lẽ rất tự nhiên.Tôi không ngờ, một Sĩ Phú, chỉ với một giấc mơ rất bình thường như vậy, mà đã hơn nửa đời người, vẫn còn cô đơn đi tìm.Tôi thường hay nói với những người quen hay thính giả muốn tìm hiểu về anh:- Giọng hát của anh như thế nào thì con người của anh như thế ấy: Từ tốn, dịu dàng, hiền lành và thật ngọt ngào.Ðó là những đức tính rất bình thường, rất tự nhiên của Sĩ Phú.Có một lần, ở trong sở tôi làm việc, có người nói một sự việc về anh mà khi vừa nghe, tôi biết là không phải anh rồi, nhưng tôi vẫn về nhà hỏi lại, thì được anh trả lời:- Khi người ta nói gì về anh, em đừng nên, và đừng bao giờ biện hộ. Sự thật thì lúc nào cũng là sự thật. Ở trên đời này, không có một sự việc nào mà người ta có thể che đậy, gian dối mãi, sớm muộn gì, sự thật cũng sẽ được phô bày. Ngọc Lan ơi, nếu em biện minh cho anh, thì em sẽ vô tình làm cho người ta nói thêm những điều không đúng. Tội nghiệp họ, em vô tình khiến họ tạo ra cái khẩu nghiệp. Vì nói oan ức về người hay chửi rủa người là những nghiệp khẩu rất nặng, theo thuyết nhà Phật.Anh nói không sai, từ đó về sau, mỗi khi tôi nghe điều gì không tốt về bất cứ ai, tôi không nói gì hết và bỏ đi nếu cần, và người nói sẽ phải ngừng lại vì chẳng còn ai nghe. Tôi tránh được cái nhức đầu không cần thiết, và người đối diện sẽ không vướng vào khẩu nghiệp.Cuối tháng 3 năm 1996, anh gọi cho tôi biết anh sẽ xuống quận Cam để tham dự một đêm nhạc tại vũ trường Ritz. Show này là do anh Lê Bá Chư, chủ nhân của trung tâm băng nhạc Giáng Ngọc tổ chức.Anh nói:- Vì anh Chư là một người bạn cũ của anh, nên anh muốn xuống để chung vui với anh Chư, chứ còn tháng Ba, tháng Tư là hai tháng trong năm mà anh rất bận rộn, ít có bao giờ đi đâu.Anh không cho tôi biết anh sẽ xuống lúc nào và bằng chuyến bay nào. Và đây cũng là một đặc tính nữa của anh, anh không muốn tôi phải ra phi trường đón vì anh rất sợ làm phiền. Anh sợ tôi phải hấp tấp bỏ những công việc đang làm dang dở vì anh.- Ngày xưa khi cái thuở đi show còn nhộn nhịp, một tháng người ta mời anh đi Âu Châu mấy lần, mãi rồi, đi đi về về như cơm bữa, bà ấy không ra phi trường đưa đón nữa, anh phải tự mình tìm phương tiện di chuyển lấy. Vì thế cho nên anh quen rồi, và hơn nữa, anh không bao giờ muốn làm phiền ai, anh cũng muốn có sự tự do cho chính anh. Anh không thích bị lệ thuộc vào người khác. Khi cần thì cứ nhảy lên xe mà đi, chứ không muốn chờ đợi người khác đưa đón mình.Tôi khăng khăng đòi ra phi trường đón anh, nhưng anh nhất định từ chối dù rằng đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên sau bảy tháng quen nhau.Buổi chiều, ngồi làm việc trong sở, tôi vặn radio lên, tình cờ nghe được cuộc phỏng vấn của một đài phát thanh dành cho trung tâm Giáng Ngọc. Tôi nghe nữ xướng ngôn viên Thụy Trinh giới thiệu nam danh ca Sĩ Phú đã đến quận Cam và mời anh nói một vài lời với thính giả. Lúc ấy tôi mới biết là anh đã đến nơi.Trong chương trình đó, một thính giả đã hỏi anh:- Anh Sĩ Phú có người yêu không?Anh trả lời:- Ở cái tuổi của tôi, cái mà tôi quý nhất trên đời này bây giờ là một người bạn đồng hành. Một người luôn luôn sát cánh với mình cho đến hết cuộc đời. Tôi cần một người bạn đồng hành hơn là cần một người yêu.Năm giờ chiều hôm ấy, anh gọi điện thoại cho tôi ở sở.- Em đó hả, anh đây cưng!Ðó là cú phone đầu tiên anh gọi vô sở tôi. Anh không thích gọi vô sở của bất cứ ai. Anh đã từng nói:- Chỉ trừ trường hợp khẩn cấp chứ còn bình thường thì anh luôn luôn gọi sau giờ làm việc. Vì gọi vô sở, nếu có chuyện gì phiền muộn, mình làm người ta phân tâm, không làm việc được, mình vô tình hại người ta.Vì tôi thuyết phục mãi, anh mới chịu gọi tôi lần này.- Dạ em đây anh, em có nghe anh líu lo trên đài phát thanh trưa nay.- Bây giờ anh rảnh rồi đó cưng! Chiều nay, anh sẽ gặp em ở đâu?- Thưa anh ở nhà hàng SL, anh biết nó ở đâu không?- Em cứ cho anh địa chỉ đi, anh sẽ tìm đến.Tôi cho anh biết nhà hàng SL ở khu thương xá nào và chỉ đường cho anh.Anh dặn tôi:- Em cứ từ từ mà làm việc. Ðừng vì anh mà xao lãng công việc nhé! Mình còn rất nhiều thì giờ chiều nay em à!- Dạ vâng, cảm ơn anh. Em sẽ không hấp tấp đâu.Buổi chiều, khi tan sở, tôi lái xe đến nhà hàng SL như đã hẹn.Thật ngẫu nhiên! Tôi và anh cùng đến nơi một lượt.Anh ra khỏi xe, đi nhanh đến xe của tôi và mở cửa. Hai chúng tôi nhìn nhau, trong lòng cùng thấy hân hoan. Anh đưa tay dìu tôi ra khỏi xe, rất vui mừng gặp lại nhau sau 7 tháng trời xa cách. Hai chúng tôi ôm nhau thật lâu, mừng mừng tủi tủi. Tôi còn nhớ, anh đưa tay vuốt tóc tôi, nụ cười của anh thật chứa chan hy vọng vào tương lai.Hôm ấy, anh mặt chiếc quần tây đen, áo sơ mi trắng không cà vạt, áo da khoác ngoài màu đen. Còn tôi mặc nguyên bộ complet đen rất tiệp màu với anh.Lúc ấy, trông anh thật giản dị và thật trẻ trung.Tôi quen với nhà hàng SL rất thân nhưng họ không ngờ tôi quen với anh Sĩ Phú. Khi thấy chúng tôi bước vào, họ ngạc nhiên thích thú, quấn quít bên chúng tôi suốt buổi tối hôm ấy. Chị Bảy, Sương, Trí đều vui mừng vì vừa biết được chúng tôi quen nhau, họ hết lời khen anh Sĩ Phúù. Anh trông rất trẻ, hoạt bát, khiêm nhường, nhã nhặn, anh đã chiếm hết cảm tình của họ rồi. Một vài thính giả của anh cũng tò mò nhìn anh, từ bàn ăn, khẽ gật đầu mỉm cười chào anh.Sương và chị Bảy cứ khen là anh còn rất trẻ và luôn ca ngợi giọng hát của anh.Các cô cũng không ngần ngại khen tôi hết lòng với anh làm tôi ngượng quá chừng. Tôi sợ anh nghĩ là chúng tôi một phe, căn dặn nhau trước để khen nhau trước mặt anh.Nhìn nét bối rối của tôi, anh cười rất hiền và đùa bảo tôi:- Anh đọc được hết ý nghĩ của em rồi, không sao đâu, các cô có dặn dò nhau trước rồi thì có sao đâu.Tôi bật cười:- Anh Phú hay thật! Sao anh biết Lan nghĩ gì?- Dễ ợt.Anh chợt hỏi tôi:- Hồi trưa này em có nghe chương trình của anh Lê Bá Chư không?- Dạ em có nghe anh ạ!- Khi anh nói về người bạn đồng hành, anh nghĩ đến em nhiều lắm, anh nói về em đấy!- Vậy hở anh? Em không để ý. Em không ngờ.Rồi anh gắp những thức ăn ngon nhất vào chén cho tôi. Anh săn sóc miếng ăn cho tôi rất cẩn thận. Bây giờ nghĩ lại, không những anh săn sóc miếng ăn rất kỹ cho tôi ngày hôm ấy, mà cả cho 5 năm sau, cho đến khi anh bị bệnh nặng không còn gắp thức ăn được nữa thì thôi?Viết đến đây, tôi nghẹn ngào, nhìn tấm ảnh lớn để trước quan tài của anh ngày nào, giờ đây truớc mặt tôi, trên chiếc máy vi tính. Ðôi mắt thật tình tứ, vương vấn nỗi buồn muôn thuở của anh nhìn tôi xót xa, không cầm được xúc động, tôi bật khóc. Nước mắt tôi rơi đầy trên cái bàn đánh của máy vi tính.Ðương trẻ thế ngờ đâu anh mấtAnh ơi anh, sự thật không ngờNhìn nhau lệ ứa mắt mờMất người trong ảnh, bây giờ tìm đâu?(Nhìn ảnh- Thơ tiền chiến của Tương Phố)Trang sách này, giọt nước mắt này, tâm sự này em xin gửi trọn về anh yêu dấu, Sĩ Phú.Ðã hơn hai tháng từ ngày anh ra đi, không một ngày nào mà tôi không cầu nguyện cho anh.Tôi nhớ đến lời trối trăn của anh, 12 ngày trước khi anh từ trần:- Em phải viết đúng sự thật về anh, về những gì anh đã nói với em, em nhớ nhé Ngọc Lan! Ðừng thêm bớt, nếu em viết sai, anh sẽ trở về bóp cổ em đấy.Tôi không ngờ anh nói lên câu ấy, tôi nhìn anh trân trối:- Bóp cổ? Wow? Em hứa với anh là em sẽ viết lên sự thật, và em sẽ giữ lời hứa vì không muốn bị anh bóp cổ!Sau buổi cơm tối, chúng tôi ở lại SL thật lâu để trò chuyện đến khi nhà hàng đóng cửa. Những người bạn ở SL lưu luyến tạm biệt chúng tôi.Anh đưa tôi ra xe, anh nói:- Thôi đêm đã khuya, mình chia tay đi em. Ngày mai em còn phải đi làm. Thôi em về ngủ sớm đi.- Thế còn anh, tối nay anh đi về đâu?- Anh về nhà của anh Phòng, anh chị ấy đang chờ anh.Anh Phòng là một người anh kết nghĩa với anh Sĩ Phú. Nhà anh Phòng ở không xa khu Little Saigon lắm và là nơi anh Phú cư ngụ mỗi khi từ San Jose xuống Quận Cam.- Làm sao em liên lạc được với anh? Tối mai là đêm nhạc rồi, em có còn gặp anh nữa hay không?- Em cứ chờ anh ở đó, anh sẽ tìm em.Chúng tôi chia tay liền sau đó.Ngày hôm sau tôi đi làm như thường lệ, anh không gọi cho tôi, mà tôi cũng không biết anh ở đâu mà gọi anh. Anh kín đáo như vậy đó.Nhưng tôi tin rằng hãy còn quá sớm để đòi hỏi nhiều nơi anh. Nếu anh muốn nói chuyện với tôi, anh sẽ tìm tôi.Buổi chiều hôm ấy, anh gọi tôi để nhắn nhủ một vài lời về đêm nhạc.Chín giờ rưỡi tôi đến Ritz. Biết là giờ này anh chưa đến, nên tôi đi kiếm một cái bàn để ngồi chờ anh.Ðây là lần thứ hai tôi đến Ritz, cả hai lần đều là vì anh Sĩ Phú.Tôi không bao giờ thích những nơi chốn náo nhiệt, nhất là vũ trường, mà lại đến một mình như thế này thì thật là chuyện hiếm có. Tôi không cảm thấy thoải mái chút nào, nhưng vì anh hát ở đó, tôi buộc lòng đến để gặp anh.Ban nhạc đã bắt đầu, các ca sĩ thường trực của vũ trường lần lượt ra trình diễn. Nhưng anh thì chưa thấy đến.Mãi đến 11 giờ đêm, anh mới vào.Tôi mời anh ngồi và băn khoăn hỏi anh:- Ngày hôm nay có gì lạ không anh? Anh chị Phòng vẫn mạnh khỏe bình thường hở anh?- Cảm ơn em, anh chị ấy vẫn bình thường. Em đến lâu chưa?- Em đến lúc 9 giờ30, trông chờ anh nãy giờ không thấy, em tưởng là anh không đến, em tính đi về rồi đó!- Anh chị Phòng giữ anh lại nói chuyện, lâu lâu anh em gặp nhau một lần mà. Vả lại, anh ngủ dậy trễ sáng nay. Ðêm hôm qua em ngủ được không?- Cảm ơn anh, em ngủ ngon lắm!Anh kêu nước ngọt cho hai chúng tôi.Anh ngồi với tôi một lúc, sau đó người ta giới thiệu anh lên sân khấu, anh xin phép tôi cho anh đi lên. Ðêm ấy, anh không có dịp hát riêng một bản nhạc nào cho khán giả, nhưng anh và ca sĩ Hà Thanh đã hát chung với nhau nhạc phẩm Em Ðến Thăm Anh Một Chiều Mưa.Khi giới thiệu bản nhạc này và những kỷ niệm, anh khôi hài dí dỏm:- Thưa quý vị, Không biết cô Hà Thanh như thế nào chứ còn tôi và cô ấy thì không có một kỷ niệm nào... ướt át cả.Khán giả cười ồ lên.Vừa xong bản nhạc, anh bước chân xuống hậu trường là gặp ngay ca sĩ KL đang chờ ở đó.Vì nể cô, anh ngồi lại nói chuyện với cô KL và các ca sĩ khác suốt đêm, bỏ tôi ngồi một mình cô đơn. Khi cô lên sân khấu để hợp ca, anh chạy mau về bàn tôi, anh rên nho nhỏ:- Cô ấy đạp cái gót nhọn của đôi giầy cô lên đôi giầy của anh nhiều lần, thiếu điều cô ấy muốn nghiền nát chân anh ra, anh đau quá!Tôi ngạc nhiên kêu lên:- Tại sao anh lại để như vậy? Sao anh không kêu lên cho cô ấy biết và về đây ngồi với em?Anh làm thinh. Mãi một lúc sau, anh ghé thật sát vào tai tôi nói nhỏ:- Từ mãi bên Tây Ðức qua gặp anh. Thôi, không có gì hết, đừng nghĩ gì hết nghe em, hãy tội nghiệp và nhân nhượng người ta!Sĩ Phú là như vậy. Cái gì anh cũng chịu đựng vì không muốn làm đau lòng ai, dù cho sự chịu đựng gây cho anh bao nhiêu thiệt thòi và rắc rối trong cuộc đời.Sau đêm hát, anh và tôi đi tìm một chút gì để ăn. Anh bảo tôi để xe lại để đi chung một xe với anh. Khi anh vừa rồ máy xe, có một số thính giả từ đâu chạy đến, vịn vào xe của anh và nhìn vào trong thăm hỏi. Có một anh đưa tay cho anh bắt và tha thiết nói:- Anh Sĩ Phú, anh khỏe không anh? Em là thính giả của anh, em rất thích tiếng hát của anh.Sĩ Phú tươi cười và cảm động đáp lại:- Cảm ơn em, anh cũng mạnh. Hôm nay em vui không?Người thính giả trẻ vội nói:- Vui lắm anh, anh nên hát thêm nhiều đi anh. Tụi em thích nghe anh hát lắm!- Cảm ơn em, anh sẽ lần lần hát trở lại...Chào em...Anh có vẻ bối rối vì sợ tôi buồn về vụ cô KL, nên lái xe loanh quanh. Mãi một lúc sau anh mới tìm ra đúng đường. Cả hai chúng tôi đều yên lặng, không ai nói với ai một lời.Khi sắp đến khu Little Saigon, anh hỏi tôi:- Em có biết nhà hàng nào còn mở cửa giờ này không?- Em có nghe quảng cáo trên đài phát thanh rất nhiều về nhà hàng KT mở cửa suốt đêm hay nửa đêm gì đó, anh muốn đi thử không?- Ở đâu vậy em?- Ngay trên đường Bolsa, trước chợ Bolsa Super Market đó anh.Vào tiệm, tôi kêu một tô mì tôm cua, còn anh thì một tô cháo cá.Anh khen cháo ngon và hỏi tôi:- Em ăn ngon không?- Ðược lắm anh à!Anh nhìn tôi ái ngại, anh biết tôi rõ lắm. Dù chỉ mới gặp nhau, nhưng vì qua những ngày tháng tâm tình, anh biết tính tôi rất khó khi đi ra ngoài ăn uống vì tôi lúc nào cũng cẩn thận và rất sạch sẽ. Tôi chỉ đến những nơi nào quen biết, vì tôi biết chủ nhân của nhà hàng đó và việc họ điều hành bếp núc như thế nào.Ðây là một vấn đề lớn và là vấn đề duy nhất của chúng tôi. Còn tất cả những gì khác thì chúng tôi hòa thuận vô cùng.Anh thì lúc nào cũng thích đi ăn nhà hàng, nhưng vì cái tính quá kỹ của tôi, nên đôi khi là trở ngại lớn. Anh không muốn tôi đi ăn tiệm miễn cưỡng vì anh, mà anh muốn tôi phải thưởng thức những thức ăn như anh. Anh buồn trong lòng và bứt rứt nếu tôi ăn không ngon. Anh luôn luôn săn sóc miếng ăn cho tôi, chiều tôi vô cùng và luôn luôn theo tôi đến nhà hàng nào tôi muốn đến.Nhưng như vậy thì tội nghiệp và thật bất công cho anh nữa. Tôi không muốn anh chiều tôi mãi, nên đã cố gắng tập thay đổi chút ít để hòa mình vào trong mọi hoàn cảnh. Xưa nay tôi rất ít nấu bếp, nhưng vì anh nấu ăn quá ngon, tôi học rất nhiều từ anh và bắt đầu tập tành nấu nướng. Lần lần, tôi nấu ăn cũng không đến nỗi nào tệ.Anh thích món tôi nấu ngon nhất là phở, và mãi về sau này, nhờ nấu ăn ngon miệng và sạch sẽ ở nhà, chúng tôi ít có bao giờ đi ăn ngoài nữa.Nhưng, từ ngày anh mất đến giờ, tôi không còn tha thiết gì và cũng không vào bếp nữa. Ðối với tôi, Rượu ngon không có bạn hiền không ngon. Không còn anh nữa để săn sóc miếng ăn cho nhau, những món ăn ngon nay đã trở thành vô vị. Tôi ăn để mà sống lây lất cho qua ngày.Ăn xong khuya hôm đó anh đưa tôi trở về Ritz để lấy xe, rồi tôi chạy theo xe anh để đưa anh về nhà anh Phòng. Anh ôm tôi và hôn tóc tôi nói lời từ giã vì trưa hôm sau anh về lại San Jose.Vừa đến San Jose, anh gọi cho tôi biết anh đi về bình an và căn dặn tôi phải gìn giữ sức khỏe:- Em phải uống nước nhiều hơn nữa, em uống quá ít nước.- Cảm ơn anh đã lo cho em như vậy. Em hứa với anh, em sẽ uống nhiều nước từ nay về sau, anh đừng lo cho em nữa, nhé cưng!- Khoảng hai tuần nữa anh sẽ xuống thăm em.- Thôi anh à, anh đi lên đi xuống làm chi cho tốn kém. Anh cứ ở trên đó đi. Lâu lâu rồi hãy đi một lần cho đỡ tốn, nhé anh! Khi nào rảnh, em sẽ lên thăm anh, chịu không?- Chịu!Ðêm nào chúng tôi cũng nói chuyện và tâm tình đến quá nửa khuya mới đi ngủ. Trong thời gian này, chúng tôi bàn rất nhiều về âm nhạc VN. Anh phân tích từ giọng ca, từ lời hát, anh dạy tôi cách thẩm âm. Anh mở rộng sự hiểu biết về âm nhạc cho tôi. Thỉnh thoảng tôi hát nho nhỏ cho anh nghe về một bản nhạc nào đó. Anh nói anh rất thích nghe tôi hát nho nhỏ trong điện thoại, và anh còn khuyến khích tôi nên hát thường xuyên hơn. Tôi nói với anh:- Em thật là dại dột, em đâu dám múa rìu qua mắt thợ!- Thật mà em, anh rất thích nghe em hát!Mà quả thực, anh hay thúc tôi hát nho nhỏ trong điện thoại cho anh nghe mỗi lần chúng tôi bàn về âm nhạc.Hai tuần sau, anh thình lình gọi tôi ở sở, anh nói:- Em đó hả, anh đã xuống đây rồi đó em!Tôi mừng lắm nhưng trách anh:- Sao anh không cho biết để em ra phi trường đón anh và anh không phải mướn xe cho đỡ tốn tiền?- Thôi, làm chi cho phí công em, anh mướn xe đi được mà.- Nhưng anh sẽ bị tốn kém lắm, anh phải nghĩ đến đường dài chứ?- Rồi, anh nghe rồi, thế chiều nay gặp em được không?- Dạ được, ở đâu? Anh về nhà em nhé?- Từ từ rồi tính. À này em, em có biết một nhà hàng nào gần nơi em ở không?- Chi vậy anh?- Vì anh không muốn em đi xa đến khu Little Saigon.- Không sao hết, em không ngại đi xa.- Nhưng anh muốn ăn đồ Mỹ tối nay.- Vậy thì để em tính xem, em không biết nhà hàng Mỹ nào gần nhà em ngay bây giờ. Em sẽ kiếm trong yellow page, chút xíu anh gọi lại đi. À, hay là anh cho em xin số điện thoại nhà anh Phòng, chút xíu em gọi lại cho anh.Anh cho tôi số điện thoại của anh Phòng.Tôi nhớ, anh đã từng cho tôi biết anh rất lười ăn, lười nấu ở nhà, anh ăn uống cũng bất thường lắm, khi nào có dịp, anh hay đi ăn thịt bò bít tết ở nhà hàng Mỹ để bù vào những lúc thiếu ăn.Tôi chọn một nhà hàng gần xa lộ để anh dễ tìm và nhà hàng này có bán món bò bít tết. Tôi gọi phone lại cho anh và hẹn gặp anh tại đó buổi chiều sau giờ làm việc.Buổi tối hai chúng tôi gặp nhau tại bãi đậu xe của nhà hàng Galveston ở thành phố Placentia, chúng tôi ôm nhau và chào hỏi, tôi xúc động kêu lên:- Trời ơi anh gầy quá, anh gầy vô cùng. Chỉ xa anh có hai tuần thôi mà anh lại gầy đến như vậy.Anh nhìn tôi cười buồn, dí ngón tay anh vào trán tôi và không nói gì cả.Chúng tôi chọn một bàn khuất để có một chút riêng tư. Rồi anh kêu món thịt bò anh thích. Không ngờ nhà hàng này làm bò bít tết mà theo anh, là the best. Anh nói họ làm rất ngon. Anh là dân chuyên ăn món này. Anh bảo với tôi là món này nhà hàng Việt Nam làm chưa ngon bằng nhà hàng Mỹ vì họ bỏ nhiều sốt quá không còn giống bò bít tết nữa mà là giống thịt bò xào. Theo anh bò bít tết phải mềm mại, khô ráo, thơm và nhất là miếng thịt phải dầy. Chúng tôi ăn uống và hàn huyên cho đến khi nhà hàng đóng cửa.Tôi xin được trả tiền, nhưng anh nhất định không chịu, anh bảo chờ lần sau hãy trả.Chia tay, anh nhất định không về nhà tôi, anh đi về nhà anh Phòng sau bữa ăn. Tôi cảm ơn anh đã xuống thăm tôi, rồi chia tay ra về.Tôi giận anh một cách bâng quơ, lái xe đi về một nước không thèm nhìn lại anh sau khi ra khỏi bãi đậu xe. Lòng tôi lúc ấy buồn mênh mang. Một nỗi buồn khóù tả xâm chiếm tâm hồn tôi.Gần một tiếng đồng hồ sau đó, tôi gọi điện thoại cho anh ở nhà anh Phòng. Giọng anh tươi hẳn lên khi nghe tiếng tôi. Chúng tôi nói chuyện thật lâu cho đến khi cả hai đều buồn ngủ.Trưa ngày hôm sau anh trở về San Jose và gọi tôi liền sau đóù, anh tỏ vẻ rất quyến luyến với tôi. Tôi cảm thấy thương anh vô cùng.Anh nói một cách rất tha thiết:- I miss you so much, anh nhớ đôi mắt em vô cùng!Tôi rất cảm động vì lời nói của anh, nhưng tôi cũng rất thực tế:- Em cũng nhớ anh lắm nhưng em tiếc cho anh quá đi thôi, tại sao anh lại đến thăm em chỉ một chút ngắn ngủi rồi về để tốn kém quá nhiều. Bộ anh không tốn tiền vé máy bay hay sao? Tiền mướn xe rất đắt nữa. Em mong anh đến thăm em vài ngày, để em có dịp đi chơi với anh đây đó và sống với nhau vài ba ngày. Nhà em có đủ phòng cho anh ở mà.- Anh biết, anh biết, nhưng anh không muốn làm phiền em. Anh quen rồi, anh yêu cái tự do của anh rồi, anh không muốn lệ thuộc vào người khác. Nếu anh tiếc tiền, không mướn xe, để em lái xe chở anh đi đây, đi đó, có phải quá bận rộn cho em không, còn thì giờ đâu em lo cho em và con em? Và hơn nữa, em còn phải đi làm. Anh ở nhà em có cần đi đâu cũng sẽ rất bất tiện.- Thì anh có thể đưa em đi làm rồi lấy cái xe đi đâu thì đi, buổi chiều đi đón em.- Rồi anh cần đi thăm mấy ông bạn già của anh ở mãi tận Los Angeles, phải nhớ canh chừng giờ để về đón em, em có thấy sự bất tiện hay không?- Thôi không sao, nếu anh đã nói như vậy thì em xin chịu vậy.- Nhà anh Phòng đông, có anh ấy hàn huyên đỡ buồn. Mấy đứa con của anh chị cũng thương chú Phú lắm!Những ngày đầu chúng tôi gặp nhau, anh có vẻ rất ngượng ngập và bối rối, anh tránh sự đụng chạm tối đa. Lúc đó tôi không biết tại sao. Sau này tôi mới vỡ lẽ.Anh Bình nói với tôi sau ngày 26 tháng 7 năm 2000:- Phú nó nhát gái lắm chị Lan ơi! - À ra thế!- Ngày xưa lúc còn ở Việt Nam, cả bọn đi chơi chung với nhau, đứa nào cũng đua nhau mà tán các cô, chỉ có mình Phú nó ngồi ỳ ra một chỗ, không dám đụng đến ai và không bao giờ dám tán ai cả. Nó nhát gái lắm!Trong suốt thời gian đầu tôi quen anh, tôi cảm nhận một điều khó tả nhưng không biết phải gọi cái đó là gì. Khi tôi ôm anh lần đầu tiên, tôi thấy người anh nóng ran, nóng như lửa và run lên. Tôi cứ tưởng là anh nóng và run vì bị xúc động. Nhưng không ngờ lý do là tại gần một người đàn bà mới quen, anh run lên như sấy.Cũng có những lúc tôi cứ tưởng là anh không thương tôi. Nhưng tôi nghĩ nếu không thương tôi thì tội gì anh lại phải đi xuống đi lên cho khổ sở và tốn kém như vậy. Những lúc gần nhau, anh lúng túng, và bối rối ghê lắm, nhưng khi anh ở xa, anh là Sĩ Phú yêu dấu của tôi. Anh bình thường và rất thoải mái, anh nói chuyện với tôi suốt đêm cũng được. Vì thế, tôi đề nghị với anh là đừng nên đi xuống thăm tôi nữa.- Anh ơi, anh nên để dành tiền đi cưng. Lâu lâu em đi lên ấy thăm anh là được rồi. Em đi lên đó rẻ hơn anh xuống em nhiều. Em là đàn bà, em chắt chiu lắm, anh là đàn ông, quá dễ dãi, anh không chịu chọn lựa mua giấy máy bay cho rẻ, cứ bạ đâu mua đấy thành ra mua đắt.Mà thật vậy, anh tâm tình với tôi trong lần gặp gỡ thứ ba:- Chiều nay anh đi lang thang ngoài phố, chợt nghĩ đến Ngọc Lan và nhớ em quá chừng, anh lái xe đi thẳng ra phi trường, mua vé xuống đây thăm em luôn. Vì vậy anh không có đem theo quần áo ngủ hay kem đánh răng gì hết.Tôi xúc động ôm anh vỗ về, thì thầm:- Trời ơi, tội nghiệp anh quá đi thôi, anh nghệ sĩ và đa tình như thế là cùng!Anh luôn nôn nóng muốn gặp tôi, nhưng khi gặp mặt rồi, thì anh luôn dè đặt, trịnh trọng và lúc nào cũng gìn giữ ý tứ. Anh không bao giờ chạm đến tôi trừ những lúc chúng tôi ôm nhau chào mừng ngoài đường khi anh mới xuống. Tình bạn giữa hai chúng tôi lúc đó, đẹp và cao quý vô cùng. Dần dần tôi cảm thấy anh đỡ ngượng ngùng và bớt bối rối hơn. Mỗi lần gặp tôi sau này, trông anh thoải mái và tự nhiên hơn những lần trước nhiều.