Để kịp thời hạn do Washington đặt ra, hai tướng Thiệu, Kỳ buộc Quốc hội lập hiến phải họp cả ngày lẫn đêm ở giai đoạn cuối cùng. Bản hiến pháp vừa được Quốc hội thông qua ngày 18-3-1967 thì liền đó chỉ hai ngày sau (20-3-1967), hai tướng Thiệu và Kỳ đã vội vàng mang nó sang đảo Guam để tổng thống Mỹ Johnson duyệt. Chính ngoại trưởng Henry Kissinger sau này đã nói rõ trong hồi ký của ông rằng hiến pháp của chế độ Sài Gòn đã được thảo ra “với sự cố vấn và giúp đỡ của người Mỹ” (nguyên văn: drafted with American advice and assistance). Tại đảo Guam có mặt đầy đủ các nhà lãnh đạo Washington, từ tổng thống Johnson đến bộ trưởng ngoại giao Dean Rusk và bộ trưởng quốc phòng McNamara. Cho đến lúc này, tướng Kỳ có ảo tưởng mìh đang nắm tình hình chính trị ở Sài Gòn, lèo lái luôn cái Ủy ban lãnh đạo quốc gia mà người đứng đầu là tướng Thiệu. Cả bản hiến pháp, ông cũng tự xem là tác phẩm của ông. Do đó tại Guam, ông tự coi mình là người đối thoại chính với tổng thống Johnson. Trong cuốn tự truyện của ông Kỳ “Đứa con cầu tự” (Buddha’s child- Nhà xuất bản ST. Martins Press – New York), kể lại rằng tại Guam, ông đã đề xuất với tổng thống Johnson một kế hoạch nhanh chóng kết thúc chiến tranh Việt Nam bằng cách ngay sau cuộc bầu cử tổng thống ở miền Nam, ông sẽ từ chức thủ tướng và đích thân ông sẽ chỉ huy một cuộc tấn công vào miền Bắc với lực lượng quân đội Sài Gòn. Theo ông Kỳ, cuộc tấn công này buộc Bắc Việt phải ra lệnh rút quân khỏi miền Nam và chấp nhận hòa bình. Trước đề xuất này, T. T Johnson lạnh lùng quay qua nói với MacNamara: “Này Mac, hãy nói cho tướng Kỳ biết chúng ta không tính đến chuyện đó”. Tướng Kỳ luôn tìm cách thúc đẩy giải pháp quân sự và vận động Mỹ dùng tối đa sức mạnh quân sự để giành chiến thắng. Bản thân ông chưa chắc tin rằng một cuộc tấn công như thế sẽ khiến miền Bắc “khuất phục”, nhưng có một điều ông biết khá chắc chắn là với cuộc chiến đẩy lên cao, tất yếu vai trò và vị trí của ông trong chiến tranh sẽ được củng cố. Nhưng với người Mỹ lúc này, ý đồ của họ là tạo ra một nền dân chủ giả tạo tại miền Nam trước đã. Với một quốc hội dân cử và một tổng thống được dựng lên, sự can thiệp của Mý vào Việt Nam sẽ có được một cái vỏ hợp pháp. Ngay sau khi hiến pháp vừa ban hành (ngày 18-3-1967), cuộc chạy đua giành ảnh hưởng của hai ông Thiệu và Kỳ diễn ra ráo riết. Ngày 11-5-1967, ông Kỳ tuyên bố sẽ ra ứng cử, ngay sau đó ông Thiệu cũng thông báo: “hoàn toàn có khả năng” ông sẽ ra tranh cử với ông Kỳ. Tướng Kỳ liền dựa vào các tướng lĩnh thuộc phe mình để áp lực lượng Thiệu thay đổi quyết định với lập luận: chính ông là người lãnh đạo miền Nam khá tốt trong thời gian làm thủ tướng. Người được tướng Kỳ phái đi gặp tướng Thiệu để truyền đạt ý kiến này là thiếu tướng Nguyễn Đức Thắng, đang giữ chức bộ trưởng Bộ Chiêu hồi trong nội các của Kỳ. Tướng Thắng khuyên Thiệu không nên ra ứng cử và nên lui về đứng đầu quân đội. Thiệu bác bỏ đề nghị này và cho rằng Kỳ và phe ông ta âm mưu đưa ông vào bẫy để loại bỏ ông. Thấy không lay chuyển được đối thủ của mình, Kỳ triệu tập các tướng lĩnh đang nắm những vị trí quan trọng nhất (theo Kỳ đây là bộ phận đầu não, một politburo của quân đội) để hợp thức hóa sự chọn lựa ông với tư cách ứng cử viên chính thức và duy nhất của quân đội. Theo Kỳ kể lại, ông được cuộc họp này bỏ phiếu nhất trí chọn ông, nhưng cuộc họp lại không tìm ra giải pháp để buộc Thiệu tự nguyện rút lui khỏi cuộc tranh cử. Tướng Kỳ cho rằng Thiệu không thể thắng cử mà không có sự ủng hộ của quân đội, do đó cứ để Thiệu ứng cử với tư cách một ứng cử viên tự do và ông ta sẽ dễ dàng bị đánh bại. Ông Kỳ còn toan tính cả việc đưa tướng Cao Văn Viên thay tướng Thiệu ở cương vị Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia. Nhưng các toan tính của Kỳ không hề lay chuyển tướng Thiệu vì Thiệu hiểu rất rõ rằng người quyết định “ai là ứng cử viên của quân đội” chính là người Mỹ chứ không phải các tướng lãnh Sài Gòn. Thiệu có thông tin khá chắc chắn là đại sứ Mỹ Ellsworth Bunker – người được báo chí Sài Gòn đặt tên “ông già tủ lạnh” (có lẽ do gương mặt lạnh lùng) vừa thay đại sứ Henry Cabot Lodge – và phần đông các quan chức Mỹ cao cấp tại Sài Gòn đều nghiêng sự chọn lựa về mình. Kể cả tướng William Westmoreland, người đứng đầu quân đội Mỹ tại miền Nam. Trong hồi ký của Westmoreland về chiến tranh Việt Nam, xuất bản năm 1976, nhắc lại cuộc tranh chấp giữa Thiệu và Kỳ giành quyền ứng cử tổng thống, tướng Westmoreland viết rằng: “Trong các ứng cử viên dự kiến, tôi thấy Nguyễn Văn Thiệu là niềm hi vọng thật sự cho đất nước (miền Nam Việt Nam)”. Với Nguyễn Cao Kỳ, Westmoreland mô tả bằng những từ như “flamboyant” (khoa trương, cường điệu), “impetuous” (hay bốc). Chính vì thế, dù cho sau đó tướng Kỳ có lèo lái Ủy ban lãnh đạo quốc gia họp chính thức bỏ phiếu chọn ông làm ứng cử viên của quân đội nhưng giờ chót Kỳ vẫn phải rút tên và nhường cho ông Thiệu. Tướng Kỳ khi nhắc lại sự kiện này vẫn coi đây là một cử chỉ fair play (chơi đẹp) của mình nhưng nhiều năm sau vẫn tiếc rằng hành động “quân tử Tàu”- nhường cho Thiệu ra ứng cử tổng thống – là một sai lầm trong cuộc đời chính trị của ông. Ông nói rằng chính sự nhân nhượng ấy đã dẫn tới sự thất bại của phe chống Cộng ở miền Nam. Nhưng những người hiểu rõ tình hình tranh giành quyền lực giữa Thiệu và Kỳ lúc đó thì Kỳ không thể làm gì khác hơn trước áp lực của tòa đại sứ Mỹ. Đại sứ Bunker lúc ấy là một “quan toàn quyền” đúng nghĩa. Ông muốn chọn ai là người ấy được. Ông Kỳ quá hiểu rằng đi ngược lại ý muốn của người Mỹ là tự sát chính trị. Sau khi Kỳ rút lui thì Ủy ban lãnh đạo quốc gia đề nghị Kỳ đứng phó trong liên danh ứng cử “để giữ sự đoàn kết trong quân đội”. Cũng cần ghi nhận ở đây, với cuộc đấu đá giữa Thiệu và Kỳ tranh giành ứng cử, người dân Sài Gòn phần đông không đứng về phía nào cả, bởi trong thực tế họ đều bác bỏ cả hai. Ngoài liên danh Thiệu–Kỳ, có 10 liên danh khác của các nhân sĩ và đảng phải ghi danh ứng cử. Trung tướng Dương Văn Minh đang sống lưu vong ở Bangkok, ngày 28-6-1967, cũng lên tiếng đòi về nước tranh cử. Nhưng Ủy ban quốc gia chống lại ý định trở về của tướng Dương Văn Minh. Trong các liên danh dân sự, có liên danh của ông Trần Văn Hương được đông đảo trí thức miền Nam ủng hộ. Tôi là một trong những người tích cực vận động cho ông Hương. Chỗ dựa chính của ông Hương vẫn là Hội Liên trường. Nhân dịp tham gia phái đoàn dân biểu dự cuộc họp của Hội liên hiệp nghị sĩ Á châu (APU) tại Bangkok, tôi được ông Hương ủy nhiệm để tiếp xúc với ông Dương Văn Minh và yêu cầu ông đưa ra lời tuyên bố ủng hộ ông Hương. Đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với trung tướng Dương Văn Minh. Tướng Minh tiếp tôi tại câu lạc bộ thể thao cưỡi ngựa ở Bangkok trong một buổi ăn trưa. Ông cho tôi biết tuyên bố của ông ra ứng cử tổng thống chỉ nhằm mục đích tìm cách trở về Sài Gòn một cách hợp pháp thế thôi, chứ không có ý định thật sự tranh chức tổng thống. Sau khi nghe tôi trình bày lời yêu cầu của ông Hương, ông Minh hứa sẽ có lời tuyên bố ủng hộ ứng cử viên Trần Văn Hương. Cuộc tiếp xúc ngắn ngủi ấy để lại trong tôi một ấn tượng tốt đẹp về nhân vật mà báo chí Mỹ thường gọi là “Big Minh”, tức “Minh lớn”, để phân biệt với một tướng Minh khác, Trần Văn Minh, được gọi là “Minh nhỏ”. Dĩ nhiên, khi tiếp xúc lần đó với trung tướng Dương Văn Minh, tôi không làm sao đoán ra rằng một phần cuộc đời sau này của tôi lại gắn bó với ông. Trong cuộc vận động cho ông Trần Văn Hương, tôi còn lãnh một ủy nhiệm khác của ông: đến thành phố Đà Nẵng để mời bác sĩ Trần Đình Nam, một nhân sĩ có uy tín ở miền Trung, tham gia liên danh của ông Hương với tư cách ứng cử viên phó tổng thống. Bác sĩ Trần Đình Nam từng làm bộ trưởng thời chính phủ Trần Trọng Kim. Sau đảo chính Diệm 1963, bác sĩ Nam được mời vào Thượng hội đồng quốc gia, một định chế chính trị được các tướng lãnh Sài Gòn lập ra. Hội đồng này là một thay thế tạm thời cho quốc hội Sài Gòn đã bị giải tán. Chính ông Trần Văn Hương cũng được mời tham gia Hội đồng này. Bác sĩ Nam, lúc đó gần 60 tuổi, đã tiếp tôi thẳng thắn bày tỏ quan điểm của ông về chính quyền Sài Gòn như sau: ngày nào còn người Mỹ tại miền Nam thì chính quyền Sài Gòn không thể có quyền tự quyết và không thể thoát khỏi thân phận bị cầm tù. Bác sĩ Trần Đình Nam bảo tôi chuyển lời tới ông Hương rằng ông không thể cùng ông Hương ra ứng cử tổng thống – phó tổng thống, và có lời khuyên ông Hương nên rút lui ý định của mình vì không thể ra gánh vác việc nước vào lúc này. Tôi rất cảm phục thái độ của ông Trần Đình Nam, nhưng lúc đó tôi lại nghĩ thái độ đó quá khích hoặc bảo thủ. Nhiều năm sau nghĩ lại tôi mới nhận ra rằng, trong cuộc tiếp xúc ấy, bác sĩ Trần Đình Nam đã cung cấp cho chính bản thân tôi một bài học chính trị quý giá. Cuối cùng ông Hương mời ông Mai Thọ Truyền, hội trưởng Hội Phật học Nam Việt, trụ sở chính nằm tại chùa Xá Lợi, cùng đứng chung liên danh với ông. Tôi được ông Hương chọn làm người phụ trách báo chí Việt Nam cho liên danh. Người phụ trách báo chí tiếng Anh là giáo sư Tôn Thất Thiện. Người viết các bài diễn văn tranh cử cho ông Hương là giáo sư Lý Chánh Trung. Các liên danh dân sự đáng chú ý khác gồm có: liên danh của cụ Phan Khắc Sửu, của luật sư Trương Đình Dzu. Nhưng mạnh nhất vẫn là liên danh Trần Văn Hương- Mai Thọ Truyền. Nếu phe cầm quyền, tức quân đội, không gian lận phiếu thì chắc chắn liên danh Trần Văn Hương về đầu. Bấy giờ ông Hương là gương mặt đối lập sáng nhất. Mọi người đều không tin cuộc bầu cử sẽ diễn ra trung thực. Những người ủng hộ ông Hương cũng không có ảo tưởng rằng ông Hương sẽ đắc cử. Nhưng cuộc bầu cử là một dịp để những người đối lập với chính quyền có cơ hội bày tỏ quan điểm của mình, áp lực mạnh mẽ hơn chống độc tài quân phiệt và chống chiến tranh. Đúng như sự tiên đoán của các giới, liên danh Trần Văn Hương–Mai Thọ Truyền về đầu tại khu vực bầu cử Sài Gòn – Gia Định, liên danh Nguyễn Văn Thiệu về nhì. Do có sự hiện diện của khá đông quan sát viên quốc tế tại Sài Gòn và Gia Định, phe quân đội đã “thả nổi” cuộc bỏ phiếu tại khu vực này, mặc dù họ cũng dùng rất nhiều đơn vị quân đội đi bỏ phiếu nhiều lượt để hạn chế sự thất bại của họ. Còn ở các tỉnh thì họ tha hồ gian lận. Các thùng phiếu đều bị đánh tráo khi được chuyển về các nơi kiểm phiếu. Liên danh Thiệu – Kỳ về đầu trên toàn miền Nam với 35% phiếu, một tỷ lệ thấp, chỉ được Washington công nhận sớm nhất. Dư luận quốc tế, kể cả phe đồng minh của Mỹ, cũng tỏ ra dè dặt. Ở miền Nam, tuyệt đại đa số dân chúng không ai coi đó là một kết quả trung thực. Ở các tỉnh, liên danh Trương Đình Dzu, với chủ trương hòa bình và thương thuyết với MTDTGPMN để chấm dứt chiến tranh, đã thu được một số phiếu khá cao (chỉ đứng sau liên danh Thiệu – Kỳ). Theo hiến pháp, kết quả bầu cử phải được Quốc hội hợp thức hóa. Đây là một âu lo không nhỏ cho Nguyễn Văn Thiệu và phe ông. Mặc dù ông Kỳ đã lùi một bước, chịu đứng phó cho ông, nhưng ông Thiệu thừa biết Kỳ không mặn mòi gì với địa vị phó tổng thống. Thậm chí ông cũng đoán ra rằng Kỳ vẫn nuôi ý đồ phá vỡ cuộc hợp thức hóa bầu cử để có cơ hội “xóa bài làm lại”. Một mặt ông Kỳ tiết lộ rằng ông không tán đồng đề xuất của một nhóm dân biểu đến tìm ông để vận động bỏ phiếu chống lại sự đắc cử của liên danh Thiệu tại quốc hội. Nhưng thực tế mà tôi chứng kiến với tư cách dân biểu thì rõ ràng ông Kỳ đã ngầm ngầm khuyến khích các cuộc xuống đường phản ứng của các giới chống lại sự hợp thức hóa kết quả bầu cử. Các dân biểu thuộc phe ông được bật đèn xanh liên kết cùng phe đối lập để tạo áp lực chống Thiệu và gây tình hình xáo trộn. Thời điểm này, ông Thiệu còn đơn độc, hậu thuẫn sau lưng ông còn mỏng, chưa đủ lực và tay chân để triệt các đòn ngầm phá bĩnh của ông Kỳ. Chính lúc này, một tùy viện quân sự của Nguyễn Văn Thiệu là trung tá Nguyễn Văn Đẩu, bạn quần vợt của cha tôi (khác với trung tá cùng tên Đẩu nhưng là tùy viên quân sự của tướng Dương Văn Minh) tìm gặp tôi để chuyển lời chính thức của trung tướng Thiệu muốn có một cuộc tiếp xúc riêng với tôi. Mục đích của tướng Thiệu là vận động tôi và khối dân biểu Dân tộc bỏ phiếu hợp thức hóa sự đắc cử của ông ta. Trung tá Đẩu còn nhờ cha tôi nói thêm với tôi nhằm thuyết phục tôi. Nể người bạn của cha mình, đồng thời nghĩ rằng gặp ông Thiệu chưa có nghĩa là chấp nhận các đề nghị của ông, tôi đồng ý gặp tướng Thiệu nhưng đưa ra điều kiện cuộc gặp gỡ chỉ có hai người, không có người thứ ba. Ông Thiệu chấp nhận điều kiện. Cuộc tiếp xúc tay đôi diễn ra tại nhà riêng của tướng Thiệu, lúc này còn nằm trong khu tưỡng lãnh ở bộ Tổng tham mưu (trên đường vào phi trường Tân Sơn Nhất). Nhà ông ở cạnh trung tướng Trần Thiện Khiêm. Sĩ quan liên lạc của ông đưa tôi vào phòng khách. Cánh cửa mở ra và tướng Thiệu từ phòng bên cạnh xuất hiện. Ông ta có nụ cười dễ gây cảm tình. Ông bước tới bắt tay tôi: “Kính chào ông dân biểu”. Tôi đáp lại: “Kính chào trung tướng” (Lúc này ông vẫn chưa được gọi là tổng thống). Có lẽ đã được sắp xếp trước, cái sa – lông tôi đang ngồi chỉ có hai ghế với cái bàn nhỏ ở giữa khiến cho hai người đối thoại nhau không cách nhau xa. Ông Thiệu đi thẳng vào vấn đề: “Trước hết tôi xin trình bày với ông dân biểu tình hình hiện này. Chính phủ VNCH rất cần sự ổn định chính trị và nhất là một nền tảng dân chủ vững chắc để được chính phủ và quốc hội Mỹ tiếp tục ủng hộ và viện trợ mạnh mẽ. Do đó rất cần cuộc biểu quyết hợp thức hóa cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra tại Quốc hội được thông qua với một số phiếu cao nhất. Điều đó thể hiện sự đoàn kết của quân dân ta. Vì vậy tôi mong ông dân biểu cùng khối Dân tộc của ông sẽ bỏ phiếu hợp thức hóa kết quả bầu cử”. Tôi không cần suy nghĩ, vì câu trả lời đã có sẵn trong đầu: - Thưa trung tướng, tôi là đại diện báo chí của liên danh Trần Văn Hương. Sau khi có kết quả bầu cử, liên danh Trần Văn Hương đã họp báo và tố cáo cuộc bầu cử diễn ra không trung thực. Vậy tôi không thể nào đi ngược lại lập trường này và bỏ phiếu hợp thức hóa kết quả cuộc bầu cử. Suy nghĩ một lúc, tướng Thiệu đưa ra một gợi ý: Quốc hội sẽ được lèo lái để cuộc bỏ phiếu diễn ra theo thể thức kín. Ông nói với tôi: - Công khai thì ông dân biểu vẫn giữ lập trường mình nhưng khi bỏ phiếu kín, ông dân biểu có thể bỏ phiếu hợp thức hóa. Tôi trả lời ngay: - Thưa trung tướng, tôi không thể có hai lập trường khác nhau khi công khai và khi bỏ phiếu kín. Các thành viên trong khối chúng tôi chắc chắn sẽ phản đối. Nhưng tôi hứa nếu trung tướng lãnh đạo được một chính phủ hợp lòng dân thì tôi sẽ hoạt động với tinh thần xây dựng trong tư cách đối lập hợp pháp – opposition légale. Cuộc nói chuyện kết thúc dĩ nhiên không đem lại sự hài lòng cho ông Thiệu. Tuy nhiên ông đã tiễn tôi ra cửa một cách lịch sự. Cuối cùng Quốc hội lập hiến đã hợp thức hóa sự đắc cử của liên danh Thiệu–Kỳ với số phiếu rất thấp: 58 thuận và 43 chống. Khối dân biểu Dân tộc vẫn giữ vững lập trường bác bỏ cuộc bầu cử. Ông Kỳ ngấm ngầm khuyến khích những lá phiếu chống nhưng về mặt công khai, ông Kỳ nói với ông Thiệu rằng ông đã cử trung tá Nguyễn Ngọc Loan, Tổng giám đốc cảnh sát, có mặt trong cuộc biểu quyết “để thúc đẩy các dân biểu bỏ phiếu hợp thức hóa” (như đã kể ở đoạn trước, tôi đã phản đối sự hiện diện của trung tá Loan trong phòng họp Quốc hội). Về cuộc bầu tổng thống ở miền Nam 1967, theo một số tài liệu mật được tiết lộ sau này của tình báo Mỹ, đã có một cuộc “đi đêm” giữa tướng Thiệu và ông Trần Văn Hương. Đáng tiếc thay cho một số đông trí thức và nhân sĩ miền Nam lúc đó đã coi ông Hương như một lãnh tụ đối lập sáng giá, một “ông già gân” có thể là chỗ dựa đối đầu phe tướng lãnh. Sau này những người đã từng ủng hộ ông đã phải thất vọng nặng nề. Từ vị trí người đối đầu liên danh Nguyễn Văn Thiệu, ông Hương chấp nhận trở thành thủ tướng của ông Thiệu. Ở cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ 2, năm 1971, ông Hương lại đi một bước liên kết xa hơn: ứng cử phó tổng thống trong liên danh Nguyễn Văn Thiệu. Cho nên những tiết lộ từ các tài liệu CIA, được phát hiện sau năm 1975, nói về sự “đi đêm” giữa ông Thiệu và ông Hương từ năm 1967 trong cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ 1 là có cơ sở. Nhưng đó không phải là sự thất vọng duy nhất đối với giới trí thức miền Nam nói riêng và giới đối lập Sài Gòn nói chung. Cùng lúc với cuộc “đi đêm” giữa Thiệu–Hương còn có một cuộc “đi đêm” khác giữa Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Văn Lộc. Ông Nguyễn Văn Lộc là một luật sư, thời trẻ ông có tham gia kháng chiến chống Pháp. Ông là Tổng thư ký hội Liên Trường, một tổ chức ái hữu gồm cựu học sinh các trường trung học lớn ở miền Nam như Chasseloup Laubat, Petrus Ký, Collège Mỹ Tho, Collège Cần Thơ. Các cựu học sinh này đều đang giữ những vị trí then chốt trong guồng máy chính quyền Sài Gòn hoặc là những trí thức, nhân sĩ hoạt động tự do có uy tín xã hội. Hội Liên Trường cũng là chỗ dựa chính cho ứng cử viên tổng thống Trần Văn Hương. Trong khi ông Thiệu “móc nối” ông Hương thì ông Kỳ lôi kéo ông Lộc! Vào thời điểm ấy các phe quân nhân đều cần liên kết với những nhân vật gần gũi với giới trí thức và quần chúng miền Nam và luật sư Lộc đã trở thành thủ tướng đầu tiên sau khi liên danh tổng thống – phó tổng thống Thiệu–Kỳ được Quốc hội lập hiến hợp thức hóa. Vậy tại sao chức vụ thủ tướng rơi vào tay luật sư Lộc – người của phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ - chứ không phải là ông Hương là người của tổng thống Thiệu? Để hiểu rõ hơn điều khó hiểu này, có lẽ phải trở lại những thỏa thuận mật đã có trong phe tướng lãnh trước khi phe này đi đến quyết định đưa Nguyễn Văn Thiệu ra ứng cử thay vì Nguyễn Cao Kỳ. Trong hồi ký Buddha’s child (Đứa con cầu tự), tướng Kỳ tiết lộ ngay say khi tướng Thiệu được phe quân đội đề cử làm ứng cử viên tổng thống thì một “hội đồng tướng lãnh” được bí mật thành lập trong đó có cả Thiệu và Kỳ. Các thành viên của tổ chức này được chọn lựa lại từ các tướng lãnh có ảnh hưởng trong Ủy ban lãnh đạo quốc gia. Theo ông Kỳ, hội đồng này được giao trách nhiệm chọn đại diện quân đội ứng cử tổng thống tương lai và một khi đại diện này đắc cử tổng thống vẫn phải tiếp tục là thành viên trong hội đồng này và chịu sự chi phối của hội đồng. Ông Kỳ được bầu là chủ tịch của hội đồng này. Ông viết: “Với tư cách chủ tịch hội đồng, tôi có nhiều quyền hành hơn”. Có thể trong thời gian đầu, khi quyền lực của mình chưa được thiết lập vững vàng, tổng thống Thiệu đã phải nhượng bộ ông Kỳ và nhường cho ông Kỳ quyền chỉ định thủ tướng. Cũng rất có thể điều này nằm trong sự thỏa thuận giữa Thiệu và Kỳ khi thành lập liên danh duy nhất. Đừng quên rằng cho đến Tết Mậu Thân 1968, gần một năm sau khi Nguyễn Văn Thiệu ngồi vào ghế tổng thống, chức Tổng giám đốc cảnh sát vẫn nằm trong tay đại tá Nguyễn Ngọc Loan, cánh tay mặt của ông Kỳ. Sau nhiệm kỳ của luật sư Lộc, ông Thiệu mới thực hiện thỏa ước với ông Hương, cử ông Hương làm thủ tướng. Bấy giờ coi như phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ chỉ còn ngồi “làm vì”. Thế là cả hai nhân vật đại diện cho trí thức, nhân sĩ miền Nam đều bị thế lực đương quyền (phe quân đội) mua chuộc khá dễ dàng. Chỉ vì cái ghế thủ tướng mà cả hai quay lưng lại với những người ủng hộ mình một cách tỉnh bơ! Với tôi, đây là thất vọng đầu tiên trong giai đoạn tập tễnh bước vào con đường chính trị. Tuy nhiên tôi và khá nhiều anh em trí thức khác đã không bị lôi cuốn theo sự “trở cờ”. Cho đến kết thúc chiến tranh, tôi vẫn chống lại sự hợp tác với chế độ Thiệu. Giáo sư Lý Chánh Chung, một người cũng từng ủng hộ tích cực ông Trần Văn Hương trong cuộc bầu cử tổng thống, đã có một phản ứng rất quyết liệt trước sự “trở cờ” của ông Hương: trên tờ báo Điện Tín, ông đã viết lá thư không niêm “Kính gửi ông Trần Văn Hương”, trong đó giáo sư Trung nói thẳng sự không tán đồng của ông và bạn bè ông đối với thái độ chính trị của ông Hương trong sự cộng tác với chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Trong thư có nhiều lời lẽ lên án khá nặng nề. Bức thư đã gây một luồng dư luận mạnh mẽ tại Sài Gòn và được coi như là sự “ly dị” dứt khoát của giới trí thức, nhân sĩ miền Nam đối với ông Trần Văn Hương. Nhưng thật ra, ông Hương chẳng quan tâm đến dư luận. Dù bệnh tật và già yếu, đi đứng phải có người dìu hai bên, nhưng ông rất say mê quyền hành. Đó là điều tôi không nhận ra khi tiếp xúc với ông lúc đầu. Tôi vẫn tưởng là do sự đòi hỏi thời cuộc mà ông trở lại chính trường chứ không đeo đuổi một tham vọng cá nhân nào khác. Cho đến những ngày cuối tháng tư 1975, ông vẫn cố bám vào ghế tổng thống do ông Thiệu để lại và tuyên bố sẵn sàng “chiến đấu cho đến khi Sài Gòn chỉ còn viên gạch cuối cùng”.