Chương 21
Những ngày cuối cùng của Tổng thống Thiệu

Tháng 3-1975, nhiều người ở Sài Gòn không thể đoán rằng quyết định rút quân ra khỏi Cao Nguyên của tổng thống Thiệu là sự khởi đầu của sự sụp đổ hoàn toàn và mau chóng của cả chế độ.
Với người Mỹ thì từ cuối năm 1974, họ đã ngửi thấy trước viễn cảnh tai họa sẽ xảy đến ở Đông Dương. Kissinger cố gắng vận dụng hoạt động ngoại giao của mình để cứu gỡ tình hình. Tháng 11-1974, Kissinger tháp tùng tổng. thống Ford gặp tổng bí thư Brezhnev tại Vladivostok và sau đó thực hiện một chuyến đi chớp nhoáng đến Bắc Kinh để bàn về số phận của Campuchia. Nhưng ở cả hai nơi Kissinger đều trở về tay trắng.
Tháng 3-1975, tổng thống Ford viết thư cho thủ tướng Thái Lan Khurkrit Pramot trong đó ông cho rằng các sư đoàn chính qui Bắc Việt đang chuẩn bị đánh vào miền Nam, đồng thời khẳng định: “Tôi bảo đảm với ngài, thưa Thủ tướng, rằng Hoa Kỳ vẫn cương quyết cung cấp cho miền Nam những phương tiện để họ có thể chống lại. Chúng tôi muốn giúp các người bạn của chúng tôi.”.
Liền đó, tổng thống Ford quyết định gửi tổng tham mưu trưởng quân đội Fred Weyand đến miền Nam với nhiệm vụ đánh giá tình hình và đưa ra những đề xuất cho thời gian tới. Kết luận của Weyand: Tình hình quân sự đang nguy cấp và có khả năng sự sống sót của miền Nam sẽ là một “quốc gia” bị cắt xén chỉ còn lại các tỉnh ở Nam bộ. Weyand cho rằng Hoa Kỳ có trách nhiệm làm mọi khả năng của mình để cung cấp phương tiện và trang thiết bị giúp cho chính quyền miền Nam bổ sung tiềm lực của mình đối đầu với cuộc tấn công. Theo Weyand, con số viện trợ cần bổ sung là 722 triệu đô la để cứu chính quyền Sài Gòn. Nhưng đa số các nhà lập pháp Mỹ đều từ chối biểu quyết thêm bất cứ một khoản viện trợ bổ sung nào cho miền Nam Việt Nam.
Các nhà báo Mỹ đã phát hiện rằng khi tướng Weyand từ miền Nam Việt Nam trở về phải đến tận California mới gặp được tổng thống Ford để báo cáo. Lúc này tổng thống Ford đang chơi golf ở Palm Springs. Truyền hình Mỹ cho phát hình Ford đang vung tay đánh quả bóng nhỏ rồi liền đó vài giây phát hình những cảnh quân lính Việt Nam Cộng Hòa tháo chạy.
11 ngày sau, Kissinger xuất hiện trước ủy ban quan hệ quốc tế Thượng viện. Nghị sĩ Sparman hỏi “Liệu chúng ta có bất cứ ràng buộc gì đối với Hiệp định Paris?”. Kissinger cho rằng “Hiệp định Paris này không có những ràng buộc mà chỉ có những quyền hạn, thể hiện trong điều 7. Tổng thống Nixon và những người khác thì đánh giá rằng việc cho phép nước Mỹ rút ra tại điều kiện cho Mỹ sớm viện trợ và thúc đầy Hiệp định. Với chính quyền Sài Gòn, nếu họ để cho chúng ta rút các lực lượng ra thì chúng ta sẽ tăng được hy vọng tranh thủ viện trợ cho họ và hiệu lực cho hiệp định. Vấn đề nằm trong bối cảnh như thế, chứ không có một ràng buộc pháp lý nào. Chúng ta chưa bao giờ tuyên bố có sự ràng buộc. Chúng ta chưa bao giờ phản bác sự ràng buộc. Nhưng một số người trong chúng ta nghĩ rằng đó là một ràng buộc về đạo đức...” (Ending The Vietnam War).
Khi khu vực Cao nguyên bắt đầu lung lay, tổng thống Thiệu gửi ngoại trưởng Trần Văn Lắm sang Washington vừa xin viện trợ bổ sung vừa đánh giá thái độ của quốc hội Mỹ đối với miền Nam. Nhưng từ Mỹ, Trần Văn Lắm điện về cho biết rằng không hy vọng quốc hội Mỹ chấp nhận viện trợ bổ sung. Ông Lắm lo ngại rằng khi Hạ viện và Thượng viện họp kín bỏ phiếu ngày 12 và 13-3-1975 sẽ chống lại bất cứ một khoản viện trợ nào cho miền Nam Việt Nam.
Trong hồi ký của mình (Ending The Vietnam War) Henry Kissinger đã viết như sau về quyết định của ông Thiệu rút quân khỏi Cao nguyên: ‘‘Thiệu hiểu rằng, với tiềm lực bị co lại, ông không thể bảo vệ lâu dài toàn bộ lãnh thổ của đẩt nước đang bị bao vây và ra lệnh một cuộc rút quân chiến lược khỏi Cao nguyên. Nếu là một bài tập trong học viện quân sự thì sự chuyển quân của Thiệu được coi là có lý. hưng căn cứ những thựcc tế của Việt Nam thì nó dẫn tới tai họa. Chiến lược này được phát động với sự không chuẩn bị hoặc không có những chỉ đạo tường tận từ Bộ tổng tham ở Sài Gòn, nên “chiến lược rút quân’‘ chỉ tiến hành trên một con đường độc đạo- đường 7B - dễ làm mục tiêu cho địch. Đồng thời con đường nay đã hư hỏng và đầy rẫy mìn. Đúng ra phải có sự tham gia của công binh thì con đường này mới sử dụng được, kẻ cả việc phải xây lại nhiều cây cầu bị sập – những công việc này hiện các sư đoàn của quân đội VNCH không được trang bị đầy đủ để đối phó. Ngoài các đơn vị chiến đấu, đường 7B còn phải tải một dòng người đông đúc dân thường chạy nạn. Ngay khi có lệnh rút quân, sự hỗn loạn xảy ra (…). Con đường độc đạo này sau đó nhanh chóng bị kẹt cứng bởi hoảng 60.000 quân lính và 400.000 thường dân. Hệ thống tiếp liệu lương thực bị cắt đứt, nhiều lính đói khát bắt đầu cướp phá những làng mạc dọc theo con đường. Không quân tiếp viện lại ném bom lầm mục tiêu vào một đơn vị xe bọc thép, giết nhiều quân lính VNCH và thường dân di tản. Chỉ một số ít binh lính và thường dân thoát ra đến vùng ven biển. Các sư đoàn bảo vệ Cao nguyên đã bốc hơi hết...”.
Một chi tiết cần biết thêm về cuộc rút quân khỏi Pleiku và Kontum: lúc đó trấn thủ Vùng 2 chiến thuật là tướng Phạm Văn Phú, cũng như Nguyễn Văn Thiệu, đã từng là sĩ quan quân đội Pháp. Phạm Văn Phú từng bị bắt làm tù binh khi quân đội Pháp thất thủ ở Điện Biên Phủ năm 1954. Trước đó tướng Phú tâm tình với Lou Conein (một nhân viên CIA) rằng: “Tôi sẽ tự sát. Tôi nhất quyết không bao giờ để bị bắt làm tù binh lần nữa”. Khi Thiệu ra lệnh cho Phú bắt đầu rút quân khỏi Vùng 2 quân sự, Phú mất bình tĩnh nhảy lên trực thăng bay đến nơi an toàn ở ven biển sớm nhất. Cuộc rút quân khỏi Pleiku và Kontum dự định trong trật tự đã “diễn ra trong hỗn loạn và điên cuồng” (frenzied - theo báo Mỹ), giai đoạn khởi đầu sự sụp đổ hoàn toàn của quân đội Sài Gòn.
…Sau khi ông Thiệu mất tại Mỹ, Hoàng Đức Nhã từng là bộ trưởng Dân vận Chiêu hồi và cố vấn của tổng thống Thiệu, có trả lời phỏng vấn đài phát thanh RFI tiếng Việt của Pháp về quyết định của ông Thiệu “rút quân chiến lược” ở Cao nguyên. Phóng viên RFI phỏng vấn trực tiếp ông Nhã đã kể lại với tôi sau này rằng ông Nhã đã phủ nhận quyết định của ông Thiệu là một sai lầm. Ngược lại ông Nhã cho đó là một quyết định đúng nhưng chuyện xảy ra sau đó như những con bài domino, nó tác động sự sụp đổ dây chuyền. Ông Nhã cho rằng cần có độ lùi thời gian để đánh giá đúng đắn về quyết định này. Phóng viên RFI có một nhận xét: chẳng lẽ một phần tư thế kỷ chưa đủ độ lùi để có một kết luận? Còn phải chờ bao lâu nữa? Cách đánh giá của Henry Kissinger thuần về kỹ thuật quân sự có hơi phũ phàng đối với ông Thiệu nhưng có lẽ cũng xác đáng. Quyết định của ông Thiệu phù hợp với tình hình suy yếu về quân sự của chế độ Sài Gòn lúc đó nhưng hoàn toàn không được chuẩn bị trước.
Một thí đụ khác về sự chỉ đạo lúng túng của ông Thiệu: Ngày 15-3-1975, Ban Mê Thuật bị chiếm. Ngày 15-3-1975, ông Thiệu triệu tập các chỉ huy quân sự họp tại Cam Ranh và đưa ra quyết định bỏ các tỉnh phía Bắc (của miền Nam). Nhưng ngày 20-3-1975, sợ phản ứng của dư luận, ông Thiệu lại có một chỉ đạo ngược lại: bảo vệ Huế đến người lính cuối cùng. Nhưng 5 ngày sau đó cố đô thất thủ?
Nhà báo Vũ Thụy Hoàng (Tổng thư ký báo Dân Chủ, tiếng nói chính thức của đảng Dân Chủ của Thiệu) trong quyển hồi ký của mình (Sài Gòn tuyết trắng) đã ghi lại lời của chuẩn tướng Nguyễn Văn Điển, tư lệnh sư đoàn 1 Bộ binh, khi từ Huế về tới Đà Nẵng, đã than thở với Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại như sau: “Tôi mất hết tất cả. Mất cả sư đoàn. Mất binh sĩ. Mất đất đai. Tôi không còn gì nữa. Danh dự cũng không còn”.
Sự tháo chạy khỏi Kontum-Pleiku ra hướng Nha Trang quả thật kinh hoàng. Trên báo Chính Luận ngày 21-3-1975 có đăng bài của phóng viên Nguyễn Tú đi theo đoàn người di tản từ Phú Bổn điện về tòa soạn ngày 19-3 như sau:
“Hôm nay đoàn di tản từ Kontum-Pleiku đã tới Phú Bổn, Số người di tản ở Phú Bổn nhập thêm vào. Đoàn người lại rời khỏi thị xã Hậu Bổn (Cheo Reo) để hướng về Phú Yên. Cuộc di tản bước qua ngày thứ tư.
“Đoàn xe đi trước gồm khoảng 4.000 chiếc vừa quân sự dân sự đã thoát đi an toàn. Đoàn sau khoảng 1.000 chiếc cũng cả quân sự lẫn dân sự rời Cheo Reo là gặp đại họa. Trong lối 4 tiểu đoàn địa phương gồm toàn đồng bào Thượng, phần lớn đã đào nhiệm mang theo vũ khí, đã phản loạn mở cuộc tấn công tập hậu vào đoạn cuối đoàn di tản đồng thời nổi lửa phá phố phường, cướp bóc và bắn giết những đồng bào còn ở lại.
Như kể trên, ngày 20-3-1975, tổng thống Thiệu ra lệnh tử thủ Huế cho đến người lính cuối cùng, nhưng trước đó hai ngày (18-3) cuộc di tản khỏi Huế đã bắt đầu. Cũng trên nhật báo Chính Luận ra ngày 23-3-1975 có bản tin và tường thuật từ Huế như sau:
Sáng nay 18-3, dân Huế khởi đầu cuộc “Nam tiến” với một số người chưa đông đảo lắm và hầu hết chạy bằng xe hàng. Giá một xe Traction từ Huế vào Đà Nẵng 15.000 đồng một chuyến. Xe vận tải giá khoảng 50 ngàn.
Sau khi được chứng kiến hàng ngàn dân Quảng Trị bơ phờ nằm vạ nằm vật đầy khắp thành phố Huế và những tin tức dồn dập bệnh viện Quảng Trị di tản 100%... sáng 19-3 dân Huế đổ xô vào Đà Nẵng bằng tất cả mọi phương tiện, từng đoàn Hon da, xe hàng nối đuôi nhau vượt đèo Hải Vân, thảm thương nhất là đoàn xe đạp, cũng “thồ” đầy những hành lý như ai, kĩu kịt từng đoàn bỏ rơi thành phố Huế (...)
Mỹ phản ứng lại tình hình này ra sao? Trong hồi ký của mình, Henry Kissinger kể rằng chính quyền Ford và ông chỉ quan tâm về một số triệu người dân di tản đổ dồn vào Đà Nẵng, trong khi tại đây không còn lương thực để tiếp tế cho họ. Washington tìm cách góp sức giải quyết vấn đề này chứ không tính chuyện bảo vệ Đà Nẵng. Nhóm hành động đặc biệt Washington (WSAG) được tổng thống Ford triệu tập nhưng lại sa lầy vào những chuyện pháp lý đâu đâu trước đề xuất nên gửi những chiếc LST Mỹ (loại xe bọc thép đồng thời sử dụng như tàu chiến) đến Việt Nam để giúp di tản dân. Các chuyên gia Quốc hội Mỹ đặt câu hỏi liệu việc đưa vào những chiếc LST có vi phạm điều 7 của Hiệp định Paris không? Người ta không khỏi ngạc nhiên về người Mỹ bỗng nhiên trở thành những người rất tôn trọng luật lệ tại chiến trường Việt Nam mà trước đây họ hoàn toàn bất cần. Ngoài ra WSAG còn bàn việc sử dụng phương tiện vận tải quân sự vào chiến trường Việt Nam để di tản dân có vi phạm một điều khoản của War Powers Act biểu quyết một năm trước đây về vấn đề hạn chế việc sử dụng thiết bị quân sự? Vấn đề viện trợ bổ sung bị bế tắc, đến chuyện cần thêm phương tiện di tản dân cũng hết sức khó khăn, điều đó chứng tỏ người Mỹ đã nhất quyết quay lưng lại với chính quyền Thiệu và phủi tay với chiến tranh Việt Nam. Trong khi đó cuộc sống ở Sài Gòn, một “kinh đô ánh sáng”của Đông Nam Á nhìn bên ngoài sinh hoạt như không có chuyện gì xảy ra. Chỉ riêng các dancing bị đóng cửa, còn các rạp hát và các tụ điểm vui chơi khác hoạt động bình thường. Rạp Rex chiếu một trong những phim cuối cùng do Romy Schneider diễn xuất: Le Train (đóng chung với Jean Louis Trintignant) thu hút đông đảo người xem. Câu lạc bộ CSS (Cercle Sportif Saigonnais) - một ốc đảo của xã hội trưởng giả Sài Gòn - vẫn sinh hoạt bình thường. Các sân tennis vẫn đầy người chơi, các phu nhân vẫn đến tập thể dục thẩm mỹ đều đặn, hồ bơi mỗi buổi trưa vẫn là nơi hò hẹn của những giai nhân trong các bộ bikini khêu gợi.
Thậm chí ở Sài Gòn, có những người còn vớt vát bằng cách đồn rằng cuộc tháo chạy khỏi Cao nguyên và việc rút khỏi tỉnh Quảng Trị của tổng thống Thiệu là sự thỏa thuận ngầm giữa Mỹ và Bắc Việt. Nhưng ngày 21-3-1975, chính ông Hồ Văn Châm, tổng trưởng Cựu chiến binh, kiêm quyền tổng trưởng Dân Vận và Chiêu Hồi, lại đính chính điều này trên hệ thống truyền hình như sau:
“Thừa lệnh tổng thường VNCH, chúng tôi xin thưa cùng đồng bào rằng những tin đồn trong những ngày gần đây được tường thuật qua báo chí trong nước và qua các bản tin viễn ký của hãng thông tấn ngoại quốc, liên quan đến việc chính phủ VNCH thỏa hiệp với CSBV để bỏ ngỏ ba tỉnh Cao nguyên thuộc quân khu 2 và tỉnh Quảng Trị thuộc quân khu 1 là những nguồn tin hoàn toàn thất thiệt và vô căn cứ…”
Ngày 26-3-1975, tổng thống Thiệu lại tuyên bố trên đài phát thanh quyết bảo vệ Đà Nẵng tới cùng. Nhưng chỉ bốn ngày sau Đà Nẵng mất. Trung tướng Ngô Quang Trưởng, tư lệnh Quân đoàn l, quân đoàn bảo vệ Đà Nẵng, biết rõ mình không đủ lực lượng đối địch với quân giải phóng. Hơn một tháng trước đó, Ngô Quang Trưởng đã cho biết “nếu cộng quân mở cuộc tấn công họ có thể chọc thủng phòng tuyến ở bất cứ chỗ nào”. Tướng Trưởng đã tiết lộ điều này với phái đoàn quốc hội Mỹ tới vùng 1 để cứu xét quân viện cho VNCH.
Ngày 30-3-1975, Đà Nẵng thất thủ. Nhà báo Paul Quinn Judge của tờ Christian Science Monitor, một người bạn của tôi chưa kịp rời thành phố này, đã điện về Sài Gòn tường thuật cho tôi nghe những gì anh đang nhìn thấy trước mắt. Một cuộc tường thuật sốt dẻo tại chỗ: “Tôi nhìn thấy những chiếc xe đầu tiên vào thành phố cắm cờ MTDTGPMN. Những toán quân đầu tiên của Mặt trận trang bị súng ống đầy đủ cũng xuất hiện trên các đường phố... Các vụ tấn công, cướp bóc vào nhà dân trước khi quân lính VNCH rút đi cũng chấm dứt...”. Tôi còn nhớ phản ứng trong lòng tôi lúc đó rất lạ, vừa xúc động vừa tò mò. Tôi muốn hỏi Paul thêm chi tiết về những người lính giải phóng đầu tiên mà Paul đã gặp, nhưng anh đã gác máy. Tôi cố gắng hình dung lại trong đầu mình hình ảnh một toán quân giải phóng cầm cờ và trang bị đầy đủ súng ống tiến vào thành phố như thế nào. Cái “bến bờ vừa xa vừa lạ” ấy đang tiến lại gần, với tốc độ càng lúc càng nhanh.
Hãng thông tấn Pháp AFP trong bản tin ngày 31-3-1975 đã kể lại câu chuyện sau đây của một nhân chứng người Pháp rời Đà Nẵng đúng lúc quân giải phóng bắt đầu vào thành phố. Người Pháp này tên Alain Pottier là giáo viên tại trường trung học Pháp ở Đà Nẵng:
“…Vào lúc 11 giờ, một trực thăng của hãng Air America bay trên thành phố để tìm ông Al Francis, tổng lãnh sự Mỹ. Viên phi công trông thấy cờ Pháp trên tòa nhà trung tâm Văn hóa Pháp, nên khi bay ngang qua đã gọi xuống yêu cầu các người Pháp hãy chạy ra bãi trực thăng. Nhưng khoảng 60 người Pháp chạy ra chỗ hẹn đã phải thối lui vì binh sĩ VNCH nổ súng cấm họ ra bãi trực thăng. Trở về trung tâm, ông Pottier đã bám được vào chân đáp trực thăng khi phi công cho máy bay sà xuống cách mặt đất 2 thước. Ông Pottier cưỡi lên một chân đáp và được trực thăng tha đi khoảng 10 cây số rồi mới được kéo vào trong máy bay. Ở chân máy bay kia, một thanh niên Pháp lai khác cũng cưỡi chân đáp mà thoát thân như ông.
Nhân chứng kể thêm rằng trong mấy tiếng đồng hồ bay trên thành phố Đà Nẵng, nhiều lần trực thăng bị các quân nhân VNCH bắn lên. Tại phi trường, hàng trăm xác chết nằm ngổn ngang trên phi đạo, một số chết vì đạn pháo kích, một số chết vì bị các quân nhân VNCH ngăn cản không cho lên phi cơ, để dành chỗ cho gia đình của chính họ. Sau hai lần cố tìm cách lấy thêm người tị nạn nhưng viên phi công nhận thấy đáp xuống tha không khác nào tự sát, nên đành bỏ cuộc bay về Nha Trang. Theo AFP có 3 người Pháp tình nguyện ở lại Đà Nẵng sau khi thị xã này thất thủ với 65 người quốc tịch Pháp và con cái. Đó là các ông Xavier Dillmann, phó tổng lãnh sự Pháp, ông Andre Aubac, giám đốc Trung tâm Văn hóa và Jacques Joly, một giáo sư.
Trong khi đó, hãng tin AP đã tường thuật ngày đầu cuộc di tản bằng cầu không vận Đà Nẵng - Nha Trang được báo Điện Tín ra ngày thứ bảy 29-3-1975 trích dịch như sau:
(AP-27-3) Cuộc không vận lớn nhất trong cuộc chiến Việt Nam đã khởi sự hôm thứ Năm và đã có 190 dân tị nạn được chở trong chuyến máy bay đầu tiên từ Đà Nẵng đến Nha Trang. Nhưng trong khi tại phi trường Đà Nẵng hàng vạn người tranh giành đánh nhau để được lên máy bay thì khi đến Nha Trang những người tị nạn lại ngơ ngác, chán nản. Có người muốn quay về điểm khởi hành với thân nhân chưa đi được.
Một thiếu phụ dẫn hai con đi ngược lên cầu thang. Bà phân trần ‘‘Tôi có bảo đưa đến đây đâu. Cho tôi trở lại với chồng tôi tại Đà Nẵng”. Dĩ nhiên không ai nghe lời phân trần có vẻ hữu lý này. Phần lớn số hành khách trên chuyến bay ân huệ nói trên là đàn bà và trẻ nít, thân nhân của các quân nhân không quân VNCH làm việc ở Đà Nẵng.
Chiếc máy bay đầu tiên trên đây của chương trình không vận dân tị nạn Đà Nẵng là chiếc Boeing 727 của hãng World Airways do cơ quan USAID thuê bao. Nội trong ngày thứ Năm, chiếc này đã bay 4 chuyến khứ hồi Đà Nẵng - Nha Trang. Người ta không hiểu là các nỗ lực giúp đỡ và di dân sẽ có kết quả đến mức nào. Có điều là ở Đà Nẵng trong hiện tại, gánh nặng cơ hồ không giải quyết nổi.
Hai ngày sau (29-3), hãng tin của Mỹ UPI đã mô tả “thảm cảnh về một chuyến bay từ Đà Nẵng về đến Sài Gòn” được báo Điện Tín trích dịch như sau:
“Khoảng hơn một ngàn người sáng hôm thứ Bảy đã tràn vào phl đạo, đánh đập, dày xéo, bắn nhau để cố leo lên chiếc Boeing 727 của hãng World Airways do USAID thuê bao. Nhưng cuối cùng “chuyến bay địa ngục” - nói theo văn từ của viên phi công trưởng - vẫn cố lắc lư hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Tất cả 400 người trên máy bay đều an toàn, kể cả một số người ngồi nép mình ở hầm hành lý dưới lườn máy bay, ngoại trừ một người chết nhẹp vì bị bánh máy bay rút vào ép sát. Sau đây là bài tường thuật chi tiết của phóng viên UPI Paul Vogen đi theo chuyến bay này:
Chiếc Boeing lăn bánh để cất cánh. Nhưng nhiều người dưới đất vẫn nhào ra một cách tuyệt vọng trước lằn bánh máy bay di chuyển. Một số binh sĩ dùng cả đại liên bắn theo máy bay.
Khi chúng tôi đáp xuống Tân Sơn Nhất, xác một binh sĩ, khẩu M16 vẫn còn trên vai, đang lắc lư dưới lườn chiếc phản lực. Tôi đã ở Việt Nam hơn 18 năm và cảnh tượng ở Đà Nẵng hôm thứ Bảy là cảnh thê thảm nhất tôi đã chứng kiến trong đời. Viên hoa tiêu nói với tôi là ông ta đã bay 75 chuyến không vận Nam Vang từ mấy tuần qua, nhưng “thà tiếp tục bay thêm 300 chuyến như vậy còn hơn là bay thêm một chuyến ra Đà Nẵng”.
Trên chuyến bay, những người dân duy nhất là hai phụ nữ và một em bé. Còn lại tất cả là quân nhân. Sô quân nhân đã bị quân cảnh bắt giữ ngay khi xuống phi trường TSN. Hầu hết trong số này thuộc đơn vị Hắc Báo được coi là tình nhuệ nhất của Sư đoàn 1 bộ binh.
Phóng viên của đài truyền hình CBS cũng đi trên chuyến bay World Airways đó và có thu hình. Bài tường thuật của phóng viên Paul Vogen của hãng thông tấn UPI cùng hình ảnh người lính chết thòng chân ở máy bay đã được đăng nơi trang nhất các báo Mỹ ra ngày chủ nhật Lễ Phục Sinh 30-3. Tổng thống Ford khi xem cảnh đó đã nói “Đã đến lúc rút dây. Việt Nam mất rồi!”.
Nhà báo Vũ Thụy Hoàng (trong quyển hồi ký Sài Gòn tuyết trắng) đã tường thuật sự rút khỏi Đà Nẵng của tướng Ngô Quang Trưởng, tư lệnh Quân đoàn, người mà ông Hoàng gọi là “một trong những tướng lãnh xuất sắc của quân đội VNCH”, trong những điều kiện như sau:
Trong lúc chuẩn bị di chuyển, tôi (trung tá Nguyễn Văn Phán, chỉ huy trưởng căn cứ Non Nước) nghe lính la lên “có tàu ở ngoài khơi đang đi vào”? Trời hãy còn mờ mờ. Lúc ấy khoảng 5 giờ sáng. Tôi nhìn ra biển, thấy một chiếc tàu đi vào, sau thấy một chiếc nữa, rồi một chiếc nữa. Anh em mừng quá. Chúng tôi được lệnh rút ra tàu.
“Chỗ này không có bến tàu, chỉ có bãi biển. Tàu không vào bãi được. Bãi nông, sợ mắc cạn, tàu phải đậu ở ngoài khơi. Anh em túa ra biển. Lội, bơi ra tàu. Có người dùng vỏ xe hơi làm phao để bơi ra.
“Một số xe thiết giáp cũng nhào xuống bãi, theo Thủy quân lúc chiến để ra tàu. Họ cho xe chạy xuống nước, định dùng xe dùng cầu để đi ra, nhưng đâu có được. Xe ra xa bị chìm mất tiêu. Vài binh sĩ thiết giáp không đi được, nổi giận quay súng bắn về phía tàu. Khi thấy bị bắn, tàu lại lui ra xa hơn.
“Tôi cởi bỏ quần áo. Chỉ mặc quần xà lỏn, giữ lại áo chắn đạn làm phao cho dễ nổi. Tôi cùng tướng Trưởng (tức Ngô Quang Trưởng) bơi ra tàu. Tàu đậu trông tưởng gần, nhưng bơi mãi không tới. Tướng Trưởng hơi đuối sức. Tôi dìu ông ở nách bên trái. Ông Trí (đại tá Nguyễn Thành Trí, tư lệnh phó Thủy quân lúc chiến) xốc nách ông ở bên phải. Mãi rồi chúng tôi cũng đến nơi, lên được chiến hạm HQ 404. Tướng Trưởng được đưa vào phòng hạm trưởng nghỉ ngơi. Ông dặn không tiếp ai hết”.
… Ngày 3-4 tại Washington, tổng thống Ford vẫn cố gắng thuyết phục Quốc hội Mỹ viện trợ bổ sung “để cứu miền Nam”, trong khi đó báo chí Mỹ lại nêu lên với Ford sự cần thiết phải “vứt bỏ” (jettison) ông Thiệu. Nhưng Ford từ chối, viện lý do: “Tôi không tin rằng tôi có thẩm quyền để nói với người đứng đầu một quốc gia - được dân chúng của họ bầu - là phải rời khỏi chức vụ của ông ta”.
Uy tín của chế độ Thiệu càng sút giảm trầm trọng với vụ nhà báo Pháp Paul Leandri, phó văn phòng AFP tại Sài Gòn bị một sĩ quan cảnh sát bắn chết ngay tại trụ sở Tổng nha cảnh sát sau khi Ban Mê Thuật bị thất thủ. Nội vụ này diễn tiến như sau: tường thuật sự thất thủ của quân đội VNCH tại Ban Mê Thuật, AFP đưa tin có sự tham gia của lực lượng FULRO, một phong trào ly khai của người Thượng mà chính quyền Thiệu đã từng tuyên truyền đã về với “chính nghĩa quốc gia” từ ngày l-2-1969. Chính quyền Thiệu phủ nhận tin này và buộc AFP phải nói ra xuất xứ nguồn tin. Tác giả bản tin - Paul Leandri - bị Tổng nha cảnh sát mời lên để chất vấn. Paul Leandri nhất định bảo mật nguồn tin của mình, cuộc cãi vã xảy ra trong phòng của viên sĩ quan cảnh sát được giao điều tra. Đến một lúc nhà báo Pháp đòi ra về và dù viên cảnh sát ra lệnh anh không được rời phòng, anh vẫn bước ra khỏi phòng. Thế là viên cảnh sát nổ súng. Paul Leandri chết ngay tại chỗ. Đoán trước sẽ rất rắc rối về cái chết này, Tổng nha cảnh sát liền ngụy trang lại hiện trường: đặt Paul Leandri lên ô tô của anh rồi cho xe đụng vào cổng ra vào của Tổng nha, cuối cùng dùng súng - đã được sử dụng - bắn vào xe của Paul Leandri từ phía sau như thể do ô tô của Paul Leandri vượt cổng nên cảnh sát đã nổ súng.
Cái chết của Paul Leandri gây nên sự bất mãn càng dữ dội đối với chế độ Sài Gòn đang suy yếu. Tại Paris, chiều thứ ba 18-3-1975, nghiệp đoàn ký giả toàn quốc Pháp tập hợp hơn 300 nhà báo tụ họp trước trụ sở của AFP rồi từ đây diễu hành yên lặng đến tòa đại sứ VNCH. Nghiệp đoàn cũng kêu gọi các phân bộ địa phương tổ chức những cuốc biểu tình tương tự đến các tòa tổng lãnh sự VNCH ở Pháp.
Vụ bắn chết nhà báo Pháp không chỉ là một “tai nạn”. Nó còn phản ánh một giai đoạn quan hệ căng thẳng giữa Paris - Sài Gòn: liên tục trước đó xảy ra những vụ người Pháp bày tỏ sự thiếu thiện cảm và ra mặt chống đối chính quyền Sài Gòn. Khi Hội nghị Paris vừa khai diễn thì một công dân Pháp leo lên đỉnh tháp chuông cao nhất của Nhà thờ Notre Dame ở Paris và treo trên đó lá cờ MTDTGPMN buộc chính quyền thành phố Paris phải dùng đến trực thăng để hạ cờ xuống; đến năm 1970 là vụ hai giáo viên người Pháp tại Sài Gòn – André Menras và Jean Pierre Debris - trèo lên tượng Thủy quân lúc chiến cao khoảng 10 mét đặt trước Hạ nghị viện phất cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, khiến cho chính quyền Thiệu phải huy động hàng chục cảnh sát chìm dùng vũ lực đàn áp họ, lôi họ từ trên tượng rơi xuống đất trước sự chứng kiến của hàng trăm người.
Sau đó, trong thời gian bị giam ở khám Chí Hòa, hai giáo viên người Pháp này tỏ ra rất “cứng đầu”. Họ nhất định không chấp hành các kỷ luật trong trại giam và còn hô những khẩu hiệu ủng hộ MTDTGPMN khiến cho sự can thiệp của sứ quán Pháp nhằm trả tự do cho họ càng khó khăn. Sau 1975, tôi có gặp một trong hai giáo viên đó - anh Jean Pierre Debris - tại Hà Nội. Anh này đã ở lại Hà Nội một thời gian sau tháng 4-1975 và cộng tác với đài phát thanh Việt Nam phiên dịch những bản tin tiếng Pháp.