Chương 11
Từ Sài Gòn đến Điện Westminster

Sau Tết Mậu Thân, không khí chính trị tại Sài Gòn hoàn toàn thay đổi. Chẳng hạn trước Tết Mậu Thân, một cuộc thăm dò dư luận Mỹ vào tháng 11-1967, cho thấy 44% người Mỹ muốn quân đội của họ rút về nước toàn bộ hoặc dần dần; 55% chủ trương một đường lối cứng rắn, tức sử dụng vũ khí hạt nhân. Tháng 2-1968, khi cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân đang diễn ra ác liệt, 53% người Mỹ chủ trương tăng cường các cuộc hành quân quân sự với một qui mô lớn hơn và chấp nhận cả nguy cơ chạm trán với Liên Xô và Trung Quốc. Chỉ có 24% người Mỹ muốn thấy cường độ chiến tranh hạ thấp xuống. Thế nhưng chỉ 6 tuần lễ sau sự kiện Tết Mậu Thân, sự ủng hộ của người Mỹ dành cho tổng thống Lyndon Johnson từ 40% rớt xuống còn 26%. Người ta còn nhớ khi ông Johnson mới vào Nhà Trắng, cứ 10 người Mỹ thì có đến 8 người ủng hộ ông.
Theo nhà báo Stanley Karnow trong quyển Vietnam: A History mà ông là tác giả: Cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân “làm bàng hoàng” tổng thống Johnson (stunned Johnson). Johnson không bao giờ tưởng tượng rằng Việt cộng có thể tấn công vào tòa đại sứ Mỹ và tất cả các thành phố lớn của miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, ngay sáng 31-1-1968 Lyndon Johnson đã ra lệnh cho guồng máy tuyên truyền Mỹ phối hợp tạo ra một dư luận lạc quan trong nước Mỹ đối với tình hình chiến tranh Việt Nam. Johnson chỉ đạo tổng tư lệnh liên quân Mỹ tại Việt Nam Westmoreland trong các cuộc họp báo với báo chí Mỹ tại Sài Gòn phải khẳng định quân đội Mỹ “đang nắm vững tình hình tại đây”. Lyndon Johson cho phụ trách báo chí tại Nhà Trắng biết “cuộc tổng công kích của cộng sản hoàn toàn thất bại”. Johnson cũng chỉ thị cho ngoại trưởng Dean Rusk, cựu bộ trưởng quốc phòng McNamara, Walt Rostow và các phụ tá thân cận khác luôn giữ một lập luận như thế trước báo chí và truyền hình khi được phỏng vấn.
Tuy nhiên tinh thần của phần đông các phụ tá của tổng thống Mỹ sau Tết Mậu Thân thật ra đã suy giảm đáng ngại. Harry McPherson – luật sư và là một trong những người viết diễn văn cho tổng thống Johnson, được Johnson coi như con nuôi của mình (ông Johnson chỉ có con gái chứ không có con trai) đã phát biểu với giới thân cận rằng những hình ảnh về tòa đại sứ Mỹ bị tấn công mà truyền hình phát đi từ Sài Gòn, cũng như hình ảnh Nguyễn Ngọc Loan bắn vào đầu một Việt cộng trên đường phố trước ống kính truyền hình Mỹ đã gây sự thất vọng cho ông, khiến ông thấy cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam là phi nghĩa và mất hẳn khả năng chiến thắng. Nhiều năm sau đó người ta tìm thấy trong sách giáo khoa của trường quân sự Mỹ West Point sự đánh giá cuộc tấn công Tết Mậu Thân gây bất ngờ cho tình báo Mỹ ngang với cuộc tấn công của Nhật ở Pearl Harbor (Trân Châu Cảng) trong lịch sử.
Trong khi từ Việt Nam, tướng Westmoreland thúc bách Johnson tăng cường thêm 206.000 quân Mỹ đến miền Nam, thì tại Washington, Clark Clifford, người thay Mc Namara, đã có suy nghĩ khác. Một cách âm thầm, tổng thống Johnsonn cũng khuyến khích các phụ tá có nhiều ảnh hưởng nhất tính tới “một cách khác giải quyết cuộc chiến Việt Nam”. Một trong những cuộc họp không chính thức diễn ra tại bộ Ngoại giao Mỹ ngày 25-3-1968 đã có ảnh hưởng gần như quyết định đối với diễn tiến tiếp theo của chính sách của Mỹ tại Việt Nam. Cuộc họp này có 14 người tham dự, trong đó có Dean Acheson – cựu ngoại trưởng Mỹ (1942-1952), người đã từng thuyết phục tổng thống Mỹ Truman viện trợ cho Pháp trong cuộc chiến Đông Dương; Arthur Goldberg – đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc; George Ball, McGeorge Bundy; Henry Cabot Lodge – cựu đại sứ Mỹ tại Sài Gòn; Averell Harriman; Cyrus Vance v.v... Ngoài ra bên cạnh Clark Clifford còn có Dean Rusk – ngoại trưởng (1961-1968); Walt W. Rostow – cố vấn an ninh của tổng thống Johnson 1966-1968; Earle Wheeler – chủ tịch Ban tham mưu liên quân Mỹ.
Tổng thống Johnson giao cho bộ trưởng Bộ quốc phòng Clifford thăm dò tìm giải pháp cho một trong ba chọn lựa: một là leo thang chiến tranh với việc đưa quân Mỹ đến Việt Nam nhiều hơn gia tăng oanh tạc miền Bắc; hai là duy trì hiện trạng; ba là hạn chế tấn công không quân và tập trung quân đội Mỹ ở những vùng đông dân cư đồng thời chuẩn bị cho chính quyền Sài Gòn điều khiển trực tiếp cuộc chiến.
Ba chuyên viên cao cấp được mời đến thuyết trình mà người quan trọng nhất là Philip Habib – cựu cố vấn chính trị tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn – lúc này là phó trợ lý bộ trưởng Ngoại giao. Khi ông Habib kết thúc bản thuyết trình của mình, bộ trưởng Clifford đã chất vấn ông như một luật sư chất vấn một nhân chứng trước tòa (Clifford gốc là một luật sư). Ông hỏi: “Phil, bạn có nghĩ chúng ta có thể giành được chiến thắng quân sự?”. Ông Habib do dự một giây vì ngại rằng câu trả lời có thể làm phật lòng sếp của mình là Dean Rusk:
“Trong những điều kiện hiện nay thì khônlg!”. Liền đó Clifford hỏi tiếp một câu mà sau này Habib, khi kể lại, cho rằng gay go nhất trong sự nghiệp của ông: “Bạn sẽ làm gì nếu quyền quyết định thuộc về bạn?”. Habib im lặng một giây rồi nói: “Ngừng ném bom và thương thuyết”.
Ngày 31-3-1968, trong bài diễn văn với nhân dân Mỹ, tổng thống Johnson thông báo quyết định của ông không ra ứng cử nhiệm kỳ thứ hai “để tránh cho nước Mỹ khỏi bị chia rẽ trong năm bầu cử”. Ngày 13-5-1968 hai phái đoàn Mỹ và VNDCCH khai diễn cuộc hòa đàm tại Paris sau 30 ngày tranh luận với nhau về địa điểm.
Sau Tết Mậu Thân, tinh thần của quân đội Mỹ xuống hẳn. Tháng 3-1968 lại xảy ra vụ thảm sát Mỹ Lai (Sơn Mỹ) làm cho dư luận Mỹ càng phản đối mạnh mẽ cuộc chiến tranh Việt Nam.
Có ba vấn đề được đề cập công khai trong dư luận và báo chí vào thời điểm này tại Sài Gòn: ngưng hay không ngưng ném bom miền Bắc; nhìn nhận hay không nhìn nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam; chính phủ Sài Gòn nên hay không nên tham dự Hội nghị Paris. Trước ba vấn đề này, giới chính trị Sài Gòn phân đôi rõ rệt: phe chống cộng và ủng hộ chính phủ Nguyễn Văn Thiệu đều chủ trương “ba không”: không ngưng ném bom, không nhìn nhận MTDTGPMN và không dự hòa đàm. Giới đối lập, trong đó có tôi, chọn một lập trường ngược lại hẳn.
Tôi không phải là một nhà chính trị chuyên nghiệp. Với tôi, lúc này, các mục tiêu vì dân tộc và hòa bình được đặt lên trên tất cả. Sự chết chóc của người Việt Nam ở hai chiến tuyến đều đau xót như nhau. Những giải pháp nào để chấm dứt cuộc chiến ấy tôi đều ủng hộ. Cuộc hòa đàm sẽ đưa đến sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn? Tôi không biết chuyện ấy sẽ ra sao nhưng có một thực tế rõ ràng là sự tồn tại của chế độ Nguyễn Văn Thiệu không phải là điều mong muốn của đa số nhân dân miền Nam.
… Khi mở lại chồng báo cũ để tìm tài liệu viết Hồi ký này, tôi bắt gặp tờ Tiếng nói Dân tộc đề ngày 22-10-1968 trong đó có bài báo của tôi với hàng tít: “Một bài báo chờ dịp khác đăng: Ha! Ha! Đây là ngày vui dân tộc!”. Nội dung bài báo như sau:
“Chiều ngày 19-10-1968 vào lúc 16 giờ, tôi đang thâu thập tin tức giờ chót cho số báo ra ngày hôm sau thì nhận được một bản tin của hãng Reuter cho hay Mỹ đã đồng ý ngưng oanh tạc miền Bắc và miền Bắc chấp nhận nói chuyện với VNCH. Trong cái giây phút bỗng nhiên thiêng liêng ấy, tôi đã cầm viết và viết bài này để kịp đăng với nguồn tin trên. Nhưng rốt lại nguồn tin trên bị đính chính, bài này không còn giá trị nữa, đúng ra nó phải nằm trong hộc tủ để chờ như mấy chục triệu dân hai miền Nam Bắc vẫn đang chờ… suốt 20 năm qua.
L.Q.C
“Thế là đã hoàn toàn ngưng oanh tạc trên toàn lãnh thổ Bắc Việt. Thế là người dân miền Bắc đã chấm dứt được cảnh sống hãi hùng kéo dài hơn 44 tháng qua, bắt đầu từ vụ tàu Maddox tháng 4 – 1965. Bốn năm chẵn! Bốn năm phải hứng chịu tổng cộng hết cả số bom mà quân Đồng minh đã trút lên nước Đức trong thời gian thế chiến thứ hai – có cơn ác mộng nào bằng!
“Vài lần bị pháo kích trong một năm, Sài Gòn đã không ngủ; cảnh tang tóc thê lương đã phủ trùm, thử hỏi bốn năm oanh tạc, kiếp sống con người với tiếng phản lực cơ gào thét, với tiếng bom vang dội ngày đêm, có còn là một kiếp sống hay chỉ là những chuỗi ngày dài vô tận trốn chạy tử thần?
“Tôi muốn thét lên cho mọi người nghe niềm vui vô tận của tôi. Để nếu trước đây vì cớ gì không thể chia sớt được niềm đau chung của đồng bào ruột thịt ngoài ấy, thì nay ít ra cũng tỏ được không muộn lòng mình. Ở giây phút này, dầu bạn hay thù, dầu quốc gia hay cộng sản, chỉ cần là người Việt biết nghĩ đến những cảnh tang thương trước đây dưới những trận mưa bom, ai ai cũng cảm thấy tự nhiên vùng lên một NIỀM THƯƠNG DÂN TỘC. Có người anh nào thấy em vui mà không vui, có người em nào thấy anh thoát cơn nguy hiểm lại không mừng. Niềm thương ấy là niềm thương ruột thịt, xuất phát từ hơi thở, trong nhịp tim, không cần tìm kiếm, không suy nghĩ mà vẫn cảm nhận đậm đà.
“Tôi không biết ngưng oanh tạc rồi sao. Cộng sản sẽ thắng hay đó là dấu hiệu cộng sản bắt đầu lùi. Tôi quên suy tính. Tôi thấy cần vui cái vui tận cùng cái đã. Trong giây phút tâm hồn lâng lâng, tôi chợt nghĩ bom ngoài Bắc ngừng dội, tiếng súng trong Nam hết nổ. Ha! Ha! Đó là ngày vui của dân tộc. Những buổi đồng bào di cư bỗng chốc lóe lên hình ảnh một buổi chiều vàng gặp lại cha già mẹ yếu bên lũy tre xanh xiêu vẹo vì bom đạn. Những bà mẹ già trong Nam đứng ngồi không yên nhìn ra đồng ruộng thẳng tấp trông ngóng bóng con về.
“Tôi mơ ngày vui dân tộc ấy”.
Một bài báo quả là hồn nhiên chính trị. Với không ít người còn coi đó là ngây thơ chính trị.
Thật sự vào cuối tháng 10-1968, báo chí Mỹ đã “ngửi” thấy từ Washington sắp sửa có một quyết định quan trọng chung quanh việc ngưng oanh tạc miền Bắc để phá vỡ bế tắc về hòa đàm giữa Mỹ và Bắc Việt. Tổng thống Johnson đã có ý định sẽ công bố lệnh này vào ngày 31-10 và bắt đầu cuộc nói chuyện với Bắc Việt ngày 2-1-1968. Nhưng trước khi ra quyết định sau cùng, tổng thống Johnson muốn nghe ý kiến của người có tiếng nói trọng lượng nhất trong vấn đề này: tướng Creighton Abrams, Tổng tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt Nam. Tướng Abrams lên chiếc C -141 từ Sài Gòn bay suốt đêm và đến phi trường quân sự Andrews vào lúc 1 giờ sáng. Abrams được đưa ngay đến Washington và gặp tổng thống Johnson cùng các phụ tá thân cận tại nhà Trắng vào lúc 2 giờ 30 sáng.
Câu hỏi đầu tiên của Johnson đặt ra với Abrams: “Với hiểu biết sáng suốt của ông về tình hình Việt Nam, ông có hối tiếc hay do dự khi có quyết định ngưng ném bom miền Bắc Việt Nam?”. Tướng Abrams: “Thưa ngài, không”. Câu hỏi tiếp theo của Johnson: “Nếu là tổng thống, ông có hành động như thế?”. Abrams trả lời “Sẽ không do dự” và thêm rằng: “Tôi không nghĩ đó là điều đúng đắn phải làm mà là một việc thích đáng phải làm”.
Nhưng thời điểm này, tại Mỹ đã khởi đầu cuộc chạy đua vào nhà Trắng. Johnson muốn hòa đàm về Việt Nam là khởi đầu tốt đẹp để ứng cử viên Đảng Dân chủ có tham vọng thay ông có nhiều thuận lợi hơn ứng cử viên Richard Nixon của Đảng Cộng hòa. Biết được chỗ yếu này, tổng thống Thiệu tìm cách khai thác tình hình chính trường Mỹ có lợi cho mình. Mặt khác chính Nixon cũng cho người thân thuộc móc nối Thiệu để khuyến khích Thiệu đối đầu lại áp lực của Washington và làm trì hoãn ý đồ ngưng ném bom của tổng thống Johnson trong lúc không còn bao lâu nữa nhiệm kỳ của Johnson kết thúc. Tổng thống Thiệu tính rằng nếu ứng cử viên của Đảng Dân chủ là Hubert Humphrey đắc cử thì đồng nghĩa “chính phủ liên hiệp sẽ được thành lập trong 6 tháng; nhưng nếu Nixon trúng cử thì vẫn còn hi vọng”. Trong cuốn sách “No Peace, No Honor: Nixon, Kissinger and Betrayal in Vietnam” của tác giả Larry Berman đã tiết lộ bộ trưởng Mỹ Clark Clifford tố cáo ý đồ của Thiệu lợi dụng cuộc bầu cử ở Mỹ là “thối như cứt ngựa” (horseshit).
Ngày 28-10-1968, theo chỉ thị của tổng thống Johnson, đại sứ Mỹ Ellsworth Bunker đến gặp tổng thống Thiệu thông báo rằng ngày 31-10 vào lúc 8 giờ chiều, giờ Washington, tổng thống Mỹ sẽ thông báo chính thức ngừng ném bom, và cuộc gặp phái đoàn Bắc Việt sắp tới sẽ là ngày 6-11 sau khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra. Tổng thống Mỹ hi vọng rằng tổng thống Thiệu sẽ tán đồng sự công bố này. Thay vì đáp ứng lời yêu cầu của Johnson, Thiệu xuất hiện trước quốc hội lưỡng viện (có cả Hạ viện lẫn Thượng nghị viện) chỉ trích Washington với những lời lẽ mà đại sứ Bunker gọi là “nẩy lửa”. Thiệu bày tỏ quan điểm “tẩy chay” cuộc hòa đàm. Còn phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, ngoài hành lang Quốc hội, nói với một số dân biểu, nghị sĩ rằng quyết định ngưng ném bom của tổng thống Johnson khiến “chúng ta không thể tiếp tục tin người Mỹ - họ đúng ra chỉ là một đám lừa đảo” (“a band of crooks” – trích trong “The Vietnam War – Day by day” của John S. Bowman). Trong hồ sơ của CIA được công khai sau này có một báo cáo ghi lại lời tố cáo của Thiệu về quyết định của tổng thống Johnson là “không khác gì sự phản bội của Mỹ khi bỏ rơi Tưởng Giới Thạch sau các cuộc thương lượng ở Yalta, Teheran và Casablanca”.
Hai người làm gạch nối Thiệu với Nixon để chống lại Johnson là Anna Chennault và Bùi Diễm – đại sứ của chế độ Sài Gòn tại Washington. Anna Chennault là vợ góa của tướng Claire Chennault – một anh hùng không quân Mỹ. Hồ sơ của FBI được tham khảo tự do tháng 12 -2000 tiết lộ bà Chennault thông qua Bùi Diễm liên tục thúc đẩy Thiệu giữ vững lập trường không hợp tác với tổng thống Johnson. Bà ta nói rõ mình nhận được ý kiến từ “ông chủ” (boss) của bà, tức từ Nixon. Nhìn thấy ý đồ của Thiệu, tổng thống Johnson nói với Bộ trưởng quốc phòng Clark Clifford rằng Thiệu là một kẻ nói dối và một con người hai mặt (a liar anh a double – crosser).
Phía sau sự kiện chính phủ Thiệu nghe lời Nixon phá vỡ kế hoạch hòa đàm của tổng thống Johnson hồi năm 1968, người ta phát hiện vai trò xấu xa của Henry Kissinger trong âm mưu này! Vào thời điểm đó, Kissinger là nhân vật thân cận của thống đốc Nelson Rockefeller và từ chỗ đứng này trong phe Dân chủ, ông trở thành một thành viên không chính thức trong ban tham mưu chiến lược hòa đàm của tổng thống Johnson. Thấy trước rằng ứng cử viên của đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới là Hurbert Humphrey (đang là phó của tổng thống Johnson) khó thắng đối thủ đảng Cộng Hòa là Richard Nixon, Kissinger chơi trò hai mặt: vẫn đứng trong ban tham mưu của Johnson nhưng làm việc ngầm cho phe Nixon với mục đích giành một địa vị quan trọng trong chính phủ tới nếu Nixon đắc cử! Ông ta đã thông báo trực tiếp cho Nixon biết các chi tiết quan trọng trong kế hoạch kết thúc chiến tranh của tổng thống Johnson và tham mưu cho Nixon cải cách đối phó. Nhờ các thông tin quí giá do Kissinger cung cấp, phe Nixon liên hệ với chính phủ Thiệu qua trung gian của Bùi Diễm – đại sứ Sài Gòn tại Mỹ - liên kết nhau phá vỡ kế hoạch thương thuyết hòa bình với Hà Nội của chính phủ Johnson. Nixon hứa với Thiệu nếu ông ta thắng cử, Thiệu sẽ tại vị thêm bốn năm nữa và lúc đó sẽ có những điều kiện thương lượng thuận lợi hơn cho chính phủ Thiệu (nhưng thực tế bốn năm sau với Nixon, ông Thiệu đã phải chịu đắng cay và nhục nhã hơn rất nhiều).
Lúc đó tuy Kissinger không phải là thành viên chính thức nhưng được trưởng đoàn thương thuyết của tổng thống Johnson là Averell Harriman xem là một nhân vật cốt cán trong ê kíp mình. Richard Holbrooke, trợ lý Bộ trưởng ngoại giao của chính phủ Johnson sau này cho biết: “Henry là người duy nhất ngoài chính phủ mà chúng tôi cho phép tham gia các cuộc thảo luận về hòa đàm”. Ông Holbrooke nói thêm rằng mọi người rất tin tưởng Kissinger nên không ai ngờ rằng trong ê kíp thương thuyết của chính phủ Johnson lại bị cài người nằm trong chiến dịch tranh cử của Nixon.
Đề cập trở lại dư luận tố cáo ông và Kissinger tiếp tay cho Nixon phá vỡ nỗ lực hòa đàm của chính phủ Johnson nhằm cản trở ứng cử viên Dân Chủ thắng cử, trong hồi ký của mình (In the Jaws of History) ông Bùi Diễm gián tiếp xác nhận sự tố cáo này bằng cách thú nhận rằng: “Ông Humphrey (ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ) và những nhân vật trong đảng Dân Chủ khiến tôi thất vọng vì những người này trước đây ủng hộ chính sách can thiệp vào Việt Nam bao nhiêu thì nay lại tìm cách lảng ra bấy nhiêu. Bởi thế phản ứng tự nhiên của tôi là bắt đầu ngả về phía đảng Cộng Hòa rồi từ đó cũng gặp nhiều bạn trong đảng Cộng Hòa”. Bùi Diễm còn nhắc lại một mật điện của ông đề ngày 23-10-1968 gửi cho tổng thống Thiệu khuyến khích Thiệu tiếp tục giữ lập trường cứng rắn để đối đầu áp lực của tổng thống Johnson: “Nhiều bạn bè thuộc đảng Cộng Hòa tiếp xúc tôi và khuyến khích chúng ta giữ vững lập trường”.
Thái độ của dân chúng và giới đối lập ở miền Nam lúc này phần đông đều muốn chính phủ Sài Gòn cử phái đoàn đến Paris để sớm chấm dứt chiến tranh. Lập trường cứng rắn không dự hòa đàm của ông Thiệu không được hậu thuẫn mạnh mẽ, ngoại trừ phe chống cộng.
Tác giả quyển “The Trial of Henry Kissinger” (Phiên tòa xét xử Henry Kissinger – Nhà xuất bản Verso, London – New York) là Christopher Hitchens coi Kissinger là một tội phạm chiến tranh xứng đáng đưa ra tòa án Nuremberg hay The Hague. Sau khi phá vỡ cuộc hòa đàm 1968 của chính phủ Johnson, bốn năm sau (1972), Kissinger trở thành “kiến trúc sư” của Hiệp định Paris được chính phủ Nixon ký kết với những điều kiện gần giống hoàn toàn những điều kiện mà thời chính phủ Johnson đã sẵn sàng chấp nhận nếu không có sự phá bĩnh từ bên trong của Kissinger (và Bùi Diễm). Tác giả Christopher Hitchens coi Kissinger là kẻ gây ra tội ác chống lại nhân loại vì rằng cuộc chiến đáng lý có thể chấm dứt từ năm 1968 cùng với những điều kiện của năm 1972, đã kéo dài thêm bốn năm “khiến cho có thêm ba triệu thường dân Việt Nam bị thương vong hoặc mất nhà cửa, 31.205 lính Mỹ, 86.101 lính VNCH và 475.609 quân địch bị thiệt mạng” (theo tài liệu của Lầu Năm Góc). Kết quả thật mỉa mai: Kissinger không bị đưa ra Tòa án Nuremberg hay The Hague mà lại được trao tặng giải Nobel hòa bình!
Theo Christopher Hitchens, Kissinger còn là người chịu trách nhiệm chính về một hành động tội ác khác: vụ “bình địa” Kiến Hòa. Vụ thảm sát ở Mỹ Lai chẳng nghĩa lý gì so với cuộc tàn sát ở Kiến Hòa, xảy ra một năm sau (tháng 3-1969), lúc đó Henry Kissinger là người chỉ huy cuộc chiến Việt Nam. Theo báo cáo của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert McNamara ngày 22-1-1968 với Thượng nghị viện (thời tổng thống Johnson) thì không có đơn vị Bắc Việt nào có mặt ở đồng bằng sông Cửu Long lúc đó. Do đó không thể viện lý do nhằm chống lại sự tràn ngập của quân Bắc Việt để tiến hành cuộc “tẩy sạch” vùng này.
Phóng viên Kevin Buckley, trưởng văn phòng Newsweek tại Sài Gòn đã tố cáo vụ tàn sát ở Kiến Hòa tháng 3 -1969 trên tờ báo (ngày 19-6-1972) như sau:
“… Theo một viên chức khoảng 5000 người dân thường bị hỏa lực của Mỹ giết chết trong cuộc “bình định” ở Kiến Hòa. Sự chết chóc ở đây khiến cho cuộc thảm sát ở Mỹ Lai không thể nào so sánh. Sư đoàn 9 (Ninth Division) huy động tất cả sức mạnh vào cuộc hành quân này. 8000 lính bộ binh cày nát Kiến Hòa nhưng rất hiếm xảy ra đụng độ với địch. Cuộc hành quân được 50 khẩu đại bác, 50 trực thăng hỗ trợ. Máy bay đã thực hiện tất cả 3.381 lần tấn công ném bom trong cuộc hành quân mang tên “Speedy Express” này. Trên một trực thăng có kẻ khẩu hiệu “Death is our business and business is good” (tạm dịch “Bắn giết là công việc của chúng tôi và đó là công việc thú vị”).
“Thật khó giải thích về sự khác biệt khủng khiếp giữa số xác người được đếm (11.000) và số vũ khí đã tịch thu được (748). Chỉ có thể giải thích: đa số những xác chết ấy là của người dân vô tội…”
Theo Christopher Hitchens, từ khi Henry Kissinger trở thành cố vấn an ninh của Nixon không có một quyết định nào trong cuộc chiến ở Việt Nam lại không được thông qua ông ta. Cho nên tướng Telford Taylor, từng đứng đầu Ủy ban điều tra tại tòa án Nuremberg, đã viết trong quyển Nuremberg và Việt Nam rằng có thể đưa Henry Kissinger ra xét xử như đã xét xử người chỉ huy quân đội của Nhật hoàng Hirohito là tướng Tomoyuki Yamashita vì ông ta đã bị không kiểm soát quân Nhật và để xảy ra các vụ tàn sát dân thường. Yamashita đã bị xử treo cổ. Ngoài những tội ác gây ra ở Việt Nam, Campuchia, Lào, Kissinger còn bị coi là người chịu trách nhiệm các tội ác khác xảy ra ở Bangladesh, Chile, Síp, Đông Timor…
…Trở lại vấn đề hòa đàm Paris, sau cùng thì chính phủ Thiệu cũng không thể đối đầu với áp lực của Washington, phải cử phái đoàn do đại sứ Phạm Đăng Lâm dẫn đầu dự hội nghị bắt đầu ngày 25-1-1969. Nguyễn Cao Kỳ được chỉ định là cố vấn chính trị của phái đoàn Sài Gòn. Có một chuyện bên lề được kể rộng rãi về thái độ của nước Pháp chủ nhà, đối với phó tổng thống Kỳ. Tổng thống Pháp là tướng De Gaulle từ chối tiếp ông Kỳ với nghi thức chính thức. Nhưng ông Kỳ vẫn đến Paris với danh nghĩa cố vấn của phái đoàn Sài Gòn. Ngay lúc ông Kỳ còn trên đất Pháp, trong một cuộc họp báo của tổng thống De Gaulle, một nhà báo đã hỏi De Gaulle về Nguyễn Cao Kỳ thì được De Gaulle hỏi lại “Qui est Ky?” (Ky là ai?). Một cách chơi chữ của De Gaulle coi thường ông Kỳ. Vai trò của ông Kỳ dù không công khai tại Paris nhưng cũng góp phần làm cho tư thế của phái đoàn VNCH càng sút giảm. Bởi hình ảnh của tướng Nguyễn Cao Kỳ là “diều hâu 100%”.
Đầu tháng 2-1969, phụ tá đặc biệt của tổng thống Thiệu là Nguyễn Cao Thăng đến tòa soạn báo Tiếng Nói Dân Tộc mời tôi tham gia một phái đoàn trí thức nhân sĩ miền Nam thăm chính thức một số nước châu Á, châu Âu và châu Mỹ với mục đích làm cho thế giới hiểu thêm về miền Nam và chế độ Sài Gòn. Nhưng tôi nói liền với ông Thăng: tôi là một dân biểu đối lập, không thể tham gia một cuộc “giải độc” cho chính phủ Nguyễn Văn Thiệu được. Ông Thăng bảo tôi hãy yên tâm: “Ông dân biểu không có trách nhiệm làm việc đó. Ông vẫn có thể giữ lập trường độc lập của ông, miễn ông không công khai tuyên truyền cho cộng sản”.
Đoàn gồm có cựu trung tướng Trần Văn Đôn – đang là nghị sĩ quốc hội; Hà Thúc Ký – một lãnh tụ đảng chính trị (Đại Việt); bà nghị sĩ Nguyễn Phước Đại; nghị sĩ Trần Văn Lắm sau này là Tổng trưởng Giáo dục; GS. Nguyễn Xuân Oánh – cựu phó thủ tướng và thống đốc Ngân hàng quốc gia Sài Gòn, Nguyễn Gia Hiến – công giáo chống cộng và khoảng ba hay bốn người nữa mà tôi không nhớ tên. Đoàn được các chính phủ thân chế độ Sài Gòn như Nhật, Bỉ, Ý, CHLB Đức, Hà Lan, Pháp, Anh, Mỹ đón tiếp trân trọng nhưng không vượt qua khuôn khổ ngoại giao. Khi đoàn đến Nhật, người được chủ nhà đón tiếp nồng hậu nhất là giáo sư Nguyễn Xuân Oánh vì từng du học tại đây và sau đó trở lại dạy đại học trên đất Nhật. Ông Oánh có buổi nói chuyện với sinh viên Nhật tại Tokyo bằng tiếng Nhật.
Rời Nhật đến châu Âu trên máy bay Janpan Airlines qua ngả Anchorage, tôi có dịp đặt chân lên Bắc Cực (Alaska). Một sự cố nhỏ xảy ra với tôi: khi máy bay dừng lại để mua đồ lưu niệm, thì tôi không làm sao mang lại đôi giày da của mình. Số là tất cả hành khách đi máy bay đường dài của Japan Airlines đều được phát tất ấm và dép vải để được đi thoải mái trong cuộc hành trình. Khi nào xuống máy bay mới mang giày của mình trở vào. Đôi giày da mới toanh của tôi vừa đóng tại Sài Gòn, do nhiệt độ quá lạnh trong máy bay, đã co rúm lại. Tôi cố gắng thế nào cũng không thể mang vào. Thế là tôi đành đặt chân nửa trong nửa ngoài đôi giày rồi xuống máy bay cho kịp với các hành khách khác. Tất cả hành khách đến Anchorage đều được Japan Airlines cấp cho một giấy chứng nhận đã đặt chân lên Bắc Cực.
Đoàn đến Paris 9 giờ ngày 18-1-1969, cũng trong ngày này, một tiếng rưỡi sau (10 giờ 30), Hội nghị Paris mở rộng chính thức khai diễn tại Hotel Majestic. Tôi và ông Hà Thúc Ký được đại sứ Phạm Đăng Lâm, trưởng đoàn VNCH mời gặp tại nơi làm việc của đoàn (đặt tại 101, Avenue Raymond Poincafé) với sự có mặt của các thành viên như luật sư Vương Văn Bắc, luật sư Nguyễn Phương Thiệp, giáo sư Nguyễn Ngọc Huy để nghe báo cáo những diễn tiến mới nhất của hội nghị. Đoàn cũng gặp chính thức phái đoàn Mỹ do Cyrus Vance tiếp. Riêng tôi và bà Nguyễn Phước Đại có dịp mở một cuộc họp báo dành cho các nhà báo Pháp hoạt động trong quốc hội (presse parlementaire) tại Thượng viện Pháp. Cuộc họp báo trực tiếp bằng tiếng Pháp, không thông qua thông dịch. Chủ yếu chúng tôi vận động giải pháp chấm dứt chiến tranh, nói lên sự tha thiết của nhân dân Việt Nam muốn thấy đất nước mình được thống nhất. Tôi còn nhớ bà Đại đã gây xúc động với các nhà báo Pháp khi nói về cuộc chiến ở Việt Nam. Về phần tôi, tôi lưu ý dư luận Pháp và quốc tế rằng trong cuộc chiến ở miền Nam, ngoài hai phe đối nghịch còn có những người Việt Nam đứng giữa là những người thầm lặng không chấp nhận Mỹ - Thiệu nhưng cũng không xếp về phía Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam.
Tại Paris, trong khuôn khổ riêng, tôi đã gặp và ăn cơm trưa với nhà báo Jacques Decornoy của báo Le Monde, lúc đó phụ trách khu vực Đông Nam Á, theo sự giới thiệu của nhà báo Jean Claude Pomonti thường trú tại Sài Gòn. Sau cuộc tiếp xúc, Jacques Decornoy đề nghị tôi viết một bài báo trên mục “Tribune internationnale” của Le Monde để đánh động dư luận quốc tế về sự thảm khốc của cuộc chiến ở Việt Nam và tình cảnh của những người Việt đứng giữa. Jacques Decornoy cũng ủng hộ quan điểm của một số người ở miền Nam vào thời điểm ấy là cần có một thành phần thứ ba. Tôi viết bài báo đó tại Paris và giao cho J. Decornoy trước khi rời nước Pháp. Tuần sau đó, bài báo được Le Monde đăng tải.
Đại sứ Phạm Đăng Lâm có mời tôi một buổi riêng ăn tại nhà hàng L’ Orée du Bois ở Bois de Boulogne. Đây là một buổi chiêu đãi có tính cách riêng tư. Đại sứ Lâm là bạn học của cha tôi thời cả hai người học tại trường Collège Mỹ Tho.
Nhưng chuyện đáng nhớ nhất trong chuyến đi này là khi đến nước Anh. Trong nhiều hoạt động của đoàn có buổi dự chiêu đãi do đảng cầm quyền lúc bấy giờ (Công Đảng) tổ chức tại Điện Westminster, trụ sở quốc hội Anh. Phía chủ nhà, ngoài các lãnh tụ của đảng, còn có hai đại diện đoàn thanh niên của Công Đảng. Trước khi buổi tiệc bắt đầu, chủ nhà phát biểu rồi đến khách phát biểu. Nhưng đại diện của đoàn miền Nam là Hà Thúc Ký chưa kịp nói gì thì một trong hai đại biểu thanh niên Công Đảng đứng lên phủ nhận tính cách đại diện miền Nam Việt Nam của đoàn, anh cho rằng đại diện hợp pháp duy nhất của miền Nam Việt Nam là Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Trên ngực của anh thanh niên người Anh có đeo một huy hiệu của MTDTGPMN. Tôi nhìn qua anh thanh niên ngồi bên cạnh, cũng thấy một huy hiệu MTDTGPMN trên ngực. Rồi cả hai đồng loạt đứng lên hô to khẩu hiệu phản đối đoàn nhân sĩ trí thức Sài Gòn và hoan hô MTDTGPMN. Đến đây người chủ trì buổi chiêu đãi cho gọi bốn viên cảnh sát vào, cứ hai viên cảnh sát “kẹp” một chàng thanh niên, đưa ra khỏi phòng ăn một cách khá êm. Vào lúc đó, trong đầu tôi xuất hiện một suy nghĩ mà trước đây còn lờ mờ: rõ ràng chế độ Nguyễn Văn Thiệu đã bị đánh bại trên mặt trận ngoại giao nhân dân.
Tại CHLB Đức, đoàn đã được đưa đi xem “bức tường Berlin”. Đứng trên một vọng gác sát tường bên phía Tây, tôi nhìn qua Đông Đức. Đó là một thế giới xa lạ và đầy “bí hiểm” đối với tôi. Sự hiểu biết của tôi về “chế độ cộng sản” nói chung và về Đông Âu nói riêng, lúc đó còn lờ mờ lắm.
Nên lúc đó nhìn qua bên kia “bức tường Berlin”, tôi cảm thấy điều gì đó không yên ổn. Những con chó berger có mặt dọc theo chân tường phía bên Đông Đức càng làm sự cảm nhận nặng nề hơn. Sau khi đất nước thống nhất, năm 1980 tôi có dịp sang thăm Liên Xô trong đoàn trí thức miền Nam (cùng các anh chị: Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, giáo sư Trần Văn Tấn, giáo sư Trần Phước Đường, tiến sĩ Trần Xuân Danh, nữ nghệ sĩ Phùng Há, tiến sĩ Tôn Nữ Thị Ninh, nhà báo Tô Nguyệt Đình, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba v.v…). Ước ao của tôi lúc đó là được đến CHDC Đức, được viếng “bức tường Berlin” từ phía Đông, để đối chiếu cái nhìn từ hai phía. Nhưng tôi không có cơ hội đạt được mong muốn đó trước khi bức tường bị triệt hạ. Tuy nhiên chuyến đi Liên Xô năm 1980 đã để lại trong ký ức tôi những ấn tượng đẹp về một đất nước xã hội chủ nghĩa (dù nhiều mặt chưa hoàn chỉnh và yếu kém). Tôi có cảm tình với Liên Xô của năm 1980 mà tôi có dịp đến và thăm viếng nhiều nơi. Từ Moscow, tôi đoán được phần nào phía bên này “bức tường Berlin”. Sau khi “bức tường Berlin” được hạ xuống, hai nước Đức thành một, khi những thực tế đối chiếu hai chế độ xã hội trở thành trực diện thì người ta mới nhận ra rằng ở chế độ cộng sản ngày trước cũng có thật nhiều điều tốt đẹp để cho người dân Đông Đức cũ thật sự nhung nhớ, luyến tiếc. Các tờ báo thuộc cánh hữu ở châu Âu cũng nhìn nhận thực tế này bên cạnh những gì mà họ chỉ trích, tấn công.
Khi đoàn trí thức nhân sĩ miền Nam rời châu Âu tiếp tục chuyến đi sang Mỹ, lúc ấy cận Tết nên tôi không theo đoàn. Từ nước Anh, tôi về thẳng Sài Gòn. Không đến Mỹ trong dịp này, tôi không có dịp nào khác đến nước Mỹ. Sau năm 1975, hai lần tôi xin nhập cảnh vào Mỹ để thăm mẹ của tôi đã 82 tuổi nhưng đều bị Tổng lãnh sự Mỹ tại TP. HCM từ chối.
Các thành viên của đoàn trở về Sài Gòn đều lần lượt tham gia chính phủ Thiệu hoặc đứng vào tập hợp đảng phái của Thiệu. Chỉ có hai người vẫn đứng ngoài chính quyền là bà nghị sĩ Nguyễn Phước Đại và tôi. Trong buổi chiêu đãi đoàn tại Dinh Gia Long (nay là Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh đường Lý Tự Trọng) sau chuyến đi, tôi có nghe tổng thống Thiệu chính thức mời bà Đại tham gia chính phủ nhưng bà Đại khéo léo từ chối. Riêng với tôi, qua trung gian là giáo sư Nguyễn Xuân Oánh đến gặp tôi tại tòa soạn báo Tiếng Nói Dân Tộc ông Thiệu mời tôi tham gia đảng do ông sắp sửa thành lập và đứng đầu. Tôi nói với ông Oánh cảm ơn lời mời này nhưng sự chọn lựa chính trị của tôi vẫn là đứng ngoài chính quyền, tiếp tục hoạt động đối lập với chính phủ. Ngày 25-5-1969, Nguyễn Văn Thiệu cho ra mắt mặt trận 6 đảng do ông đứng đầu, trong đó có Đại Việt Cách Mạng, Lực lượng Đại Đoàn Kết (Công giáo di cư), Dân Xã (Hòa Hảo), Việt Quốc… Trái với mong mỏi của ông Thiệu, mặt trận không được dư luận ủng hộ và bị báo chí nước ngoài tại Việt Nam gọi là “liên minh sáu quả trứng ung”!
Trong thời gian này, ông Hoàng Đức Nhã, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân vận chiêu hồi là cánh tay mặt của ông Thiệu, cũng tiếp cận tôi qua sự móc nối của Phạm Ngọc Kha, đã từng quen biết tôi khi còn học chung ở Lycée Yersin Dalat (Kha từng là đổng lý văn phòng Bộ Phát triển sắc tộc). Bản thân ông Nhã cũng là một cựu học sinh trường Yersin. Nhã mời hai vợ chồng tôi cuối tuần đến Suối Tre, địa điểm giải trí của Plantation SIPH trên đường đến Xuân Lộc, ăn trưa, đánh quần vợt và bơi lội. Cùng tham gia có một số tổng trưởng thuộc cánh của Nhã. Có lẽ Nhã thăm dò để lôi kéo tôi đứng về phía Nhã và chính phủ Thiệu. Hai vợ chồng tôi tham dự những Weekend như thế khoảng ba, bốn lần thì không đi nữa. Lý do: giữa tôi và Hoàng Đức Nhã không thể liên kết với nhau. Bởi cho dù có những buổi đi chơi chung cuối tuần, tôi vẫn liên tục viết báo và lên diễn đàn Hạ nghị viện tấn công chính quyền Nguyễn Văn Thiệu.
Hoàng Đức Nhã có liên hệ gia đình rất gần với ông Thiệu (hình như là anh em cô cậu) đã từng học tại Mỹ nên có phong cách làm việc và suy nghĩ rất Mỹ. Khi Nhã về nước và được Thiệu sử dụng, Nhã đã gặp sự phản ứng bất lợi từ giới trí thức và công chức thuộc thế hệ cũ. Nhã đã không mang lại cho ông Thiệu thêm một sự ủng hộ nào, trong guồng máy chính quyền cũng như ngoài quần chúng. Nhã đưa vào chính phủ một loạt bộ trưởng trẻ được đào tạo tại Mỹ như ông ta. Thiệu hi vọng với Nhã ông sẽ “nắm” các chính khách Mỹ và chính trường Mỹ sâu sát hơn. Nhã đã từng cáo giác với ông Thiệu: “Người Mỹ là những người có đầu óc kinh doanh (businessmen) họ sẽ bán đứng tổng thống nếu tổng thống không còn mang lợi cho họ”. Trong quyển No peace, no Honor, Larry Berman đã kể lại một đoạn đối thoại giữa Kissinger và thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu về Hoàng Đức Nhã ngày 4-8-1973 tại sân bay Kennedy ở New York như sau:
Kissinger nói với Lý Quang Diệu “Nhã ghét tôi lắm”, rồi hỏi ông Lý Quang Diệu “Cảm tưởng của ông thế nào về Nhã?”. Lý Quang Diệu trả lời “Hắn sáng sủa và tham vọng. Đầy tự tin, hắn tự cho rằng những điều hắn nói đều có trọng lượng đối với Thiệu”. Kissinger kết luận “Điều đó đúng. Nhưng hắn vẫn còn non nớt (immature)”.
Các cuộc tiếp xúc với Hoàng Đức Nhã không để lại ở tôi một ấn tượng đặc biệt nào. Hoàng Đức Nhã có thể là một người có nhiều năng lực nhưng không phải là một chính khách có sức thuyết phục.