Chương 13
Tẩy chay Quốc hội của Nguyễn Văn Thiệu

Trong năm 1971 Sài Gòn có hai cuộc bầu cử: cuộc bầu cử hạ Nghị viện nhiệm kỳ 2 vào tháng 8 và bầu cử tổng thống vào tháng 10. Muốn tiếp tục hoạt động ở nghị trường, tôi phải ra tranh cử trở lại, lần thứ ba trong vòng năm năm (hai lần trước là Quốc hội lập hiến năm 1996, Hạ nghị viện kỳ 1 năm 1967). Còn cuộc bầu cử tổng thống, đại tướng Dương Văn Minh có ý định tham gia với tư cách ứng cử viên đối lập, lập trường kết thúc chiến tranh bằng thương thuyết. Tôi được ông Minh mời làm đại diện báo chí.
Cuộc bầu cử Hạ nghị viện lần này không lơi lỏng như hai cuộc bầu cử trước. Chính quyền Thiệu quyết tâm kiểm soát tối đã Hạ nghị viện sắp tới, nên các dân biểu đối lập trở ra ứng cử ở các đơn vị thuộc các tỉnh đều bị các chính quyền địa phương thẳng tay gian lận. Các thùng phiếu bị đổi một cách trắng trợn. Trong các dân biểu đối lập là nạn nhân của cuộc bầu cử gian lận có hai người bạn của tôi là anh Ngô Công Đức (đơn vị Trà Vinh) và Dương Văn Ba (đơn vị Bạc Liêu). Biết rằng mình có thể bị bắt sau khi thất cử, anh Đức chọn con đường vượt biên và sống lưu vong ở Thuỵ Điển (nhưng phần lớn thời gian anh sang Paris hoạt động). Cuộc vượt biên của anh đi qua biên giới Campuchia với sự hướng dẫn của dân biểu Thạch Phen (gốc Campuchia), rồi từ đây sang Thái Lan. Tại Bangkok, lúc đầu anh được nhà báo Pháp Jean Claude Pomonti vận động cho anh sang tỵ nạn tại Pháp nhưng không hiểu tại sao Pháp từ chối. Cuối cùng anh được tỵ nạn tại Thụy Điển.
Anh Dương Văn Ba thì không đi đâu, không còn làm dân biểu đối lập, anh chuyển sang làm báo đối lập. Nhưng anh chỉ được tự do làm báo không đầy một năm thì chính quyền Thiệu có lệnh truy nã anh. Ông Dương Văn Minh đưa ra ý kiến cho anh Ba “tỵ nạn” trong dinh của ông. Lúc đó trốn trong dinh Hoa Lan (biệt thự của ông Minh có tên này vì trồng nhiều phong lan, thú đam mê của ông Minh) còn có cựu dân biểu Phan Xuân Huy (đơn vị Đà Nẵng), ông Nguyễn Văn Cước (hoạt động công đoàn) và nhà báo Kỳ Sơn (tức Nguyễn Đình Nam).
Chính quyền Thiệu chỉ “chừa” cho các đơn vị ở Sài Gòn bầu cử tương đối tự do, coi đó là những “tủ kính dân chủ” để đối phó với dư luận quốc tế, đặc biệt với dư luận Mỹ. Một dân biểu đối lập thân thiết với tôi lúc đó là Nguyễn Hữu Chung, do đã chuyển đơn vị bầu cử từ Bến Tre lên Sài Gòn nên tránh được đòn gian lận của chính quyền Thiệu. Phần tôi chỉ xê dịch từ đơn vị 2 Sài Gòn gồm các quận 4, 7, 8, 11 sang đơn vị 1 Sài Gòn gồm các quận 1, 2, 4 và 9. Các anh Hồ Văn Minh, Hồ Ngọc Nhuận ứng cử lại ở đơn vị 2, dựa vào thế mạnh của mình ở quận 8 mà cả hai từng đầu tư uy tín trong một chương trình xã hội có ảnh hưởng lớn trong dân chúng địa phương. Hai anh đã tái đắc cử một cách vẻ vang.
Nhiệm kỳ Hạ nghị viện đầu tiên (1967), tôi tranh cử với slogan: “Một miền Nam trung lập trong một Đông Dương trung lập”. Lần này chủ đề chính trị của tôi là: “Chống chủ trương hòa bình trong chiến thắng của tổng thống Thiệu”. Cái áp phích với hàng chữ slogan ấy do họa sĩ Ớt thiết kế. Thời đó chưa có vi tính, anh Ớt phải tự tay kẻ từng chữ trên áp phích. Ước mơ của Ớt lúc đó không phải trở thành một nhà báo nổi tiếng mà là một họa sĩ gây được tiếng vang quốc tế. Anh vẽ chân dung khá đẹp, đặc biệt anh nghiên cứu cách khắc chân dung trên đá từ những chấm nhỏ li ti (như kỹ thuật tranh sơn dầu của Seurat) theo lối truyền thống của quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng của anh. Anh có thực hiện một chân dung như thế cho vợ tôi. Giữa anh Ớt với tôi có nhiều gắn bó. Chuyện làm báo và cả chuyện tư riêng, trước 1975 và cả sau 1975. Trong thời gian Ớt làm báo với tôi, anh cưới vợ. Vợ chồng tôi lấy chiếc ô tô riêng của mình chở anh xuống Mỹ Tho rước dâu.
Đơn vị 1 Sài Gòn có trên 80 người ra ứng cử, tranh ghế dân biểu. Một cuộc cạnh tranh hết sức gay go. Tôi không có tiền để thuê người cổ động, dán áp phích. Rất may là nhiều sinh viên đã tự nguyện tiếp tay. Trong số này nhiều người là bạn bè của các em gái tôi, số khác ủng hộ lập trường đối lập và chống chiến tranh của tôi. Nữ nghệ sĩ Kim Cương đã vào chợ Bến Thành phát các tờ bướm vận động bỏ phiếu cho tôi. Nghệ sĩ Trần Văn Trạch (em trai của giáo sư Trần Văn Khê) vào các khu lao động phát các tờ bướm của tôi tận tay cử tri. Trong số các thanh niên phụ trách khâu dán áp phích còn có Trương Quốc Khánh, tác giả bài hát bất hủ “Tự nguyện”. Trương Quốc Khánh là bạn của em gái tôi. Những tình cảm đó cả đời tôi không thể quên.
Ở kỳ bầu cử này tôi về nhì trước khoảng 85 ứng cử viên! Đầu tiên tôi đạt số phiếu về đầu. Nhưng các biên bản kiểm phiếu giờ chót liên tục bị sửa chữa. Chính quyền rõ ràng có ý đồ ngăn chặn một ứng cử viên phe đối lập về nhất ở đơn vị quan trọng nhất tại Sài Gòn. Tôi đã phải mời thừa phát lại đến lập biên bản sự vi phậm tại Trung tâm tổ chức bầu cử đặt tại Tòa Đô Chính (nay là trụ sở Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh). Nhưng chẳng làm được gì. Cuối cùng tôi kém hơn người về nhất chỉ vài chục phiếu!
Trong thời gian vận động bầu cử này tôi có một tuyên bố trên truyền hình (mỗi ứng cử viên được phát biểu trong 3 phút) và cả trên báo chí rất dứt khoát.
“Nếu tôi đắc cử Hạ nghị viện và sau đó ông Nguyễn Văn Thiệu cũng đắc cử tổng thống một trong cuộc bầu cử độc diễn, thì tôi sẽ từ nhiệm và rút khỏi Hạ nghị viện để phản đối cuộc bầu cử không dân chủ của ông Thiệu”.
Ba mươi năm sau nhắc lại quyết định này, tôi vẫn không chắc mình đã hành động đúng hay sai. Ở ngoài hay ở trong Hạ nghị viện có lợi hơn trong hoạt động của mình? Nhưng vào thời điểm đó tôi phẫn nộ thật sự và thấy mình chỉ còn là một con rối trong bàn cờ gian lận trắng trợn của chế độ Thiệu nếu tiếp tục ngồi lại trong Hạ nghị viện. Hoạt động chính trị của tôi lúc đó trước hết là thỏa mãn nhu cầu bản thân: được đứng trong quần chúng tiến bộ, được quần chúng chấp nhận. Con đường chính nghĩa, với một ít người hoạt động khá đơn độc như tôi lúc đó quả thật không dễ dàng nhận ra, nhưng tôi luôn tìm cách tiếp cận nó, coi đó là mục tiêu phấn đấu. Sinh mệnh chính trị của mình không thể tách khỏi con đường tìm kiếm ấy.
Ngày 29-8-1971, tôi đắc cử dân biểu Hạ nghị viện, đến ngày 3-10-1971 ông Thiệu cũng đắc cử tổng thống trong cuộc độc diễn như nhiều người dự đoán. Đã hứa với cử tri của mình khi ra tranh cử, tôi phải giữ lời. Vả lại, đó cũng là cách gần như duy nhất để gây tiếng vang tố cáo chế độ dân chủ trá hình của tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu.
Sau phiên họp khai mạc của Hạ nghị viện mà chương trình nghị sự chính là hợp thức hóa tư cách dân biểu của các ứng cử viên vừa đắc cử, ở phiên họp kế tiếp tôi lên diễn đàn đọc lá thư gửi cho chủ tịch Hạ nghị viện chính thức xin từ nhiệm, thực hiện đúng lời tuyên bố của mình trong khi ra tranh cử. Đơn từ nhiệm không được chủ tịch Hạ nghị viện chấp thuận với lý do đơn giản: nhiệm kỳ dân biểu do nhân dân ủy thác bằng lá phiếu, do đó chủ tịch Hạ nghị viện không có thẩm quyền giải quyết sự từ nhiệm của người đắc cử. Dù không được chính thức từ nhiệm, tôi vẫn giữ quyết định “tẩy chay” quốc hội của Nguyễn Văn Thiệu. Thế là tuy vẫn giữ tư cách dân biểu nhưng tôi không dự các phiên họp của Hạ nghị viện. Hoạt động chính thức của tôi lúc này là báo chí. Ngoài ra tôi mở một nhà hàng bên đường Trương Định do vợ tôi quản lý và phụ trách kế bếp. Kể cũng hiếm ở Việt Nam có một nhà hàng được dân biểu trực tiếp phục vụ như thế: tôi tham gia cả việc bưng bê các thức ăn cho khách để tiết kiệm cả việc thuê người. Các nhà báo cộng tác với tờ báo của tôi được khuyến khích ăn uống tại nhà hàng và chỉ ký bông – cuối tháng trừ vào lương!
… Cuộc độc diễn của tống thống Thiệu, đó là điều ngoài ý muốn của Washington. Vào lúc này Washington rất cần một chính quyền Sài Gòn được dư luận quốc tế công nhận, bộ mặt dân chủ dù là giả hiệu đi nữa cũng hết sức cần thiết để tổng thống Nixon có một cơ sở nào đó tiếp tục biện hộ cho chế độ Sài Gòn trước quốc hội Mỹ. Nhưng Nguyễn Văn Thiệu vẫn muốn giới hạn số người ra ứng cử, và ngày 3-6-1971, Quốc hội Sài Gòn mà đa số là người của Thiệu đã nhào nặn ra một luật bầu cử tổng thống buộc mỗi ứng cử viên phải hội được một trong hai điều kiện: có 40 dân biểu, nghị sĩ hoặc 100 nghị viên hội đồng tỉnh ký tên giới thiệu.
Luật bầu cử này thật sự nắm trực tiếp vào tướng Nguyễn Cao Kỳ. Theo bộ tham mưu của Thiện, cuộc tranh cử tay ba giữa Thiệu, Kỳ, Minh sẽ là cuộc bỏ phiếu giữa hai khuynh hướng. Một bên là khuynh hướng có thể thỏa hiệp với cộng sản mà ông Minh là đại diện. Một bên là khuynh hướng chống cộng tích cực mà hai ông Thiệu và Kỳ đều là đại diện tiêu biểu. Theo nghiên cứu của ban tham mưu của ông Thiệu, một cuộc đầu phiếu trong điều kiện như vậy sẽ dọn đường cho ông Minh vào ghế tổng thống, vì Thiệu và Kỳ sẽ chia nhau số phiếu của những người chống cộng. Thấy rõ nguy cơ đó, phe Thiệu tìm cách chặn ông Kỳ ra tranh cử.
Nhân vật được Thiệu giao công việc ngăn chặn Kỳ ra ứng cử là phụ tá Nguyễn Văn Ngân, người thay chỗ phụ tá Nguyễn Cao Thăng sau khi ông này chết vì bị ung thư. Ngân cũng là tác giả của luật bầu cử tống thống, phó tổng thống biểu quyết ngày 3-6-1971.
Trước khi luật bầu cử được các dân biểu thân chính quyền thông qua và chính phủ ban hành, phụ tá Ngân cho đi thu chữ ký của các đại biểu dân cử. Ngân đã tính trước: Minh sẽ có đủ 40 chữ ký dân biểu nghị sĩ (con số chữ ký chính xác mà ông Minh có được là 42) và Kỳ sẽ không có cách nào lấy đủ chữ ký trong Quốc hội như luật định. Kỳ chỉ có mỗi con đường lấy chữ ký của các nghị viện hội đồng tỉnh.Ở khu vực này Ngân cũng thu gom tất cả các chữ ký về phía Thiệu. Gần hết hạn nộp đơn, Kỳ thu được 101 chữ ký của các nghị viện nhưng vẫn bị Tối Cao Pháp Viện họp ngày 6-8 bác vì trong số 101 chữ ký giới thiệu Kỳ có đến 39 chữ ký đã có trong danh sách ủng hộ Thiệu. Coi như 39 chữ ký này bất hợp lệ. Do đó trong danh sách ứng cử viên tổng thống niêm yết lần thứ nhất chỉ có hai ông Thiệu và Minh.
Tướng Kỳ tố cáo rằng một số nghị viện các tỉnh đã bị tỉnh trưởng và thị trưởng ép ký vào tờ “bạch khế” (giấy trắng) từ trước khi có luật bầu cử mà không biết là giấy đó sau này dùng để ủng hộ Thiệu ứng cử tổng thống. Những nghị viện muốn chuyển sang ký ủng hộ Kỳ đều bị kẹt những tờ giấy ký… trắng trước đây.
Nhưng điều mà ban tham mưu của Thiệu không đoán trước: ngày 20-8-1971 ông Minh tuyên bố rút tên. Lý do đưa ra: Thiệu đã bố trí guồng máy gian lận kết quả của cuộc bầu cử. Ông Minh có trong tay một tài liệu về việc Phủ tổng thống chỉ thị cho các tỉnh trưởng những cách thức để đảm bảo Thiệu thắng cử. Ông Minh đã trao tài liệu này cho đại sứ Mỹ Bunker. Nghe đâu đại sứ Mỹ xác nhận đây là một tài liệu có thật.
Ông Minh rút tên làm cho phe Thiệu bối rối vì đứng trước nguy cơ chỉ có mỗi mình Thiệu tranh cử với chính… mình. Thế là “quân sư” Nguyễn Văn Ngân phải tính tới chuyện đưa Kỳ ra tranh cử trở lại để tránh tình trạng độc diễn bằng cách trả lại cho Kỳ 39 chữ ký trước đây. Tối Cao Pháp Viện tuyên bố bất hợp lệ vì có sự khiếu nại của phe Thiệu. Kết quả màn “ảo thuật” này là ngày 21-8-1971, Tối cao Pháp Viện cho niêm yết danh sách ứng cử viên “lần thứ hai và là lần chót” trong đó có tên Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ. Nhưng ngày 23-8, Kỳ tuyên bố không tranh cử nữa và còn đề nghị Thiệu cùng Kỳ từ chức để cho Chủ tịch Thượng Viện Nguyễn Văn Huyền tạm điều khiển chính phủ với nhiệm vụ tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống khác trong vòng ba tháng. Dĩ nhiên ông Thiệu bác bỏ đề nghị này. Ngày 1-9, Tối cao Pháp Viện đồng ý cho Kỳ rút tên.
Khi Kỳ từ chối “ân huệ” của Thiệu cho ra ứng cử, ông tuyên bố với báo chí: “Tôi không tiếp tay cho một trò hề bẩn thỉu, càng làm cho người dân vỡ mộng với chế độ dân chủ”. Đại sứ Mỹ Ellsworth Bunker cố gắng thuyết phục ông Kỳ tiếp tục ra tranh cử nhưng ông dứt khoát từ chối.
Trường hợp ông Dương Văn Minh, tuy đã công bố ra ứng cử Tổng thống từ tháng 6 (với ứng cử viên Phó tổng thống là bác sĩ Hồ Văn Minh, dân biểu quốc hội) nhưng ê kíp của ông vẫn tiếp tục quan sát tình hình để quyết định. Khi hay tin ông Minh rút lui, đại sứ Bunker hối hả xin gặp ông Minh nhằm cứu vãn tình thế cho chế độ Sài Gòn. Tôi có mặt trong buổi tiếp Bunker của ông Minh. Ông Minh phân tích cho Bunker thấy rằng không có sự công bằng và trung thực trong cuộc bầu cử giữa các ứng cử viên. Ông Minh nói:
“Trong cương vị tổng thống, ông Thiệu có cả guồng máy quân đội và hành chánh khổng lồ hỗ trợ ông ta, không kể tiền bạc thuộc ngân sách quốc gia gần như không hạn chế. Chúng tôi, với phương tiện cá nhân quá kém cỏi, không thể đối đầu ông Thiệu trong một cuộc bầu cử hoàn toàn bất bình đẳng”. Bunker với kiểu suy nghĩ thực dụng của người Mỹ nghĩ ngay rằng ông Minh gián tiếp đặt điều kiện được Mỹ “hỗ trợ”. Bunker hỏi lại ông Minh: “Theo Đại tướng dự trù một cuộc tranh cử như thế cần bao nhiêu tiền?”. Ông Minh trả lời thẳng thắn để cho viên đại sứ Mỹ thấy rằng cuộc tranh cử này nằm ngoài khả năng của ông: “Ít nhất một triệu đô la”. Và thật bất ngờ, Bunker nói ngay: “Thưa ngài đại tướng, nếu ông ra tranh cử, ông sẽ có một triệu đô la đó”. Ông Minh xua tay: “Tôi không thể nhận số tiền ấy và tôi cũng không thay đổi quyết định rút lui khỏi cuộc bầu cử”.
Chung quanh sự kiện này, trong quyển Vietnam: A History, nhà báo Mỹ kỳ cựu Stanley Karnow viết, “Đại sứ Ellsworth Bunker” tìm cách gián tiếp đút lót ông Minh ra tranh cử để làm cho cuộc bầu cử có vẻ “dân chủ” (Ambassador Ellsworth Bunker reportedly tried to bride Minh to run in order to make the exercise look “democratic”). Dù có những vận động như thế từ phía Mỹ để tránh xảy ra cuộc độc diễn, nhưng trong thâm tâm các nhà lãnh đạo Washington lúc bấy giờ đã nghiêng về sự chọn lựa Thiệu – người mà Henry Kissinger, cố vấn an ninh quốc gia của Nixon, ca ngợi hết lời trong quyển hồi ký của ông (Ending The Vietnam War): “Không phải tình cờ mà Nguyễn Văn Thiệu trở thành tổng thống. Không thể chối cãi ông ta là vị lãnh đạo quân sự xuất sắc nhất ở miền Nam, có lẽ là người có năng lực nhất trong tất cả các nhân vật chính trị”. Còn về ứng cử viên Dương Văn Minh thì Kissinger viết như sau “Minh có thể là người mà Hà Nội chấp nhận, lý do chắc chắn nằm ở chỗ yếu mềm nhất trong các bộ mặt chính trị. Nều Hà Nội chấp nhận ông – điều này cũng không rõ ràng – chỉ vì ông là người dễ dàng lật đổ nhất trong các ứng cử viên nếu ông trở thành tổng thống”. Washington thường có đánh giá không đúng về con người ông Dương Văn Minh. Theo họ ông là con người nhu nhược, thiếu quyết đoán. Trong cuốn sách “Saigon 1975-3 ngày và 3 tháng”, nhà báo Tiziano Terzani đã từng tiếp xúc với ông Minh, có một đánh giá khác về ông Minh:
“Không như rất nhiều đồng nghiệp của ông – những tướng lãnh hèn nhát và phản bội luôn bị tố cáo tham nhũng và dính líu vào những vụ làm ăn mờ ám nhất – ông Minh là một người lính lương thiện. Được binh lính dưới quyền kính trọng, ông là một con người có dũng khí và có một ý thức danh dự truyền thống. Ông Minh từng bị quân Nhật bắt tra tấn nhiều ngày, đánh gãy cả hàm răng nhưng ông không chịu khuất phục. Ông nói với tôi ‘Đất nước tôi đáng giá hơn cái hàm răng’”.
Bản thân ông Minh không hề xa lạ trước cách đánh giá của người Mỹ đối với ông. Bởi nhiều lần ông đã làm họ thất vọng với một lập trường không chịu khuất phục họ. Người Mỹ càng không “tha thứ” cho ông Minh khi ông tiết lộ với báo chí Mỹ điều mà vị đại sứ của họ đã đề xuất trong “mật nghị” với ông. Sau cuộc bầu cử độc diễn của Thiệu, ông Minh tiếp chủ bút tờ Washington Post, Ben Bradley, cây cổ thụ trong làng báo Mỹ. Washington Post là một tờ báo chống chiến tranh Việt Nam có ảnh hưởng lớn ở Mỹ. Ông Minh giao cho tôi chuẩn bị buổi tiếp này và chọn người làm phiên dịch. Tôi đích thân đi mời nhà báo Phạm Xuân Ẩn, đang làm cho văn phòng đại diện tuần báo Time Magazine tại Sài Gòn. Tôi quen biết anh Ẩn từ khi vào quốc hội (1966). Chỗ “đóng đô” mỗi sáng của anh Ẩn là nhà hàng Givral. Anh ít khi ăn mà chỉ gọi một tách cà phê đen. Chiếc xe Renault 4 ngựa cũ xì của anh luôn đỗ ngay trước cửa Givral bên phía đường Lê Lợi. Thường bao giờ cũng có một hai nhà báo nước ngoài “đeo” theo anh với hi vọng hiểu thêm tình hình chính trị và quân sự đang diễn ra tại miền Nam. Anh luôn phân tích tình hình một cách sắc sảo. Dĩ nhiên những điều anh “xì” ra đều có chủ đích. Lúc đó tôi hoàn toàn không nghĩ rằng anh là người của cộng sản. Thực tế anh có rất nhiều bạn bè là tay chân thân thiết của Hoàng Đức Nhã, cố vấn của Thiệu, thường xuyên đến Givral, uống cà phê với anh. Các vị tai to mặt lớn của chế độ đều liên lạc mật thiết với anh, trong đó người nổi tiếng nhất là bác sĩ Trần Kim Tuyến, đứng đầu ngành tình báo của chế độ Ngô Đình Diệm.
Tôi cũng nằm trong số người thường uống cà phê với anh Phạm Xuân Ẩn tại Givral vì Hạ nghị viện (hiện nay là Nhà hát thành phố) nằm bên kia đường đối diện với Givral. Khi Hạ nghị viện bàn về những đề tài chán phèo, những đạo luật không quan trọng thì tôi (và nhiều dân biểu khác) bỏ sang Givral. Ngoài ra trong một số trường hợp báo chí Mỹ phỏng vấn tôi, họ cũng nhờ anh Ẩn dịch (lúc đó tôi sử dụng chủ yếu tiếng Pháp). Anh Ẩn thông dịch rất chính xác, không thiếu mà cũng không dài dòng, rất chậm rãi, dễ theo dõi.
Anh Ẩn nhận lời mời của ông Minh nhờ anh thông dịch trong buổi tiếp chủ bút báo Washington Port. Ngoài ông Minh và Ben Bradley, chỉ có tôi và anh Ẩn có mặt. Chính trong buổi phỏng vấn này của báo Washington Post, ông Minh đã kể cho nhà báo kỳ cựu Bradley biết đề nghị của đại sứ Bunker đưa cho ông một triệu đô la nếu ông ra ứng cử. Và người ta không ngạc nhiên khi sau đó tin này được báo Washington Post tung ra, gây xì-can-đan trong chính trường và dư luận Mỹ.
Sau năm 1975, tôi gặp lại anh Phạm Xuân Ẩn nhiều lần, khi đi ăn sáng, khi đi ăn trưa, thường có mặt anh Ngô Công Đức. Tôi vẫn gặp một Phạm Xuân Ẩn của hơn 30 năm về trước, hoàn toàn không thay đổi về mặt con người: vẫn vui tính, kể chuyện phong phú và duyên dáng, pha trộn giọng “móc lò” và hài hước của người Nam Bộ chính cống. Anh luôn tạo cho người tiếp xúc với anh sự thoải mái và tự nhiên. Nói chuyện với anh, tôi quên hẳn anh là một vị tướng cộng sản tình báo nổi tiếng trên thế giới. Một nhà báo nước ngoài đã phong cho anh danh hiệu “nhà tình báo dễ thương nhất” (l’espion le plus aimable) mà tôi vẫn nghĩ danh xưng này rất xứng đáng được làm tựa cho một bộ phim tình báo hấp dẫn.
… Trước khi rút lui, ông Dương Văn Minh đã tổ chức họp báo và ra một tuyên bố bằng ba thứ tiếng – Việt, Anh, Pháp – nói rõ lý do rút tên và tố cáo cuộc bầu cử không đảm bảo công bằng và dân chủ. Một đòn khá đau cho chế độ Thiệu và Washington. Trong cuộc họp báo này, lần đầu tiên báo chí trong và ngoài nước được nhìn thấy đầy đủ các nhân vật hình thành ê kíp làm việc (staff) của ông Minh. Họ ngồi sau lưng ông đông đủ. Tôi nhớ có nghị sĩ Vũ Văn Mẫu, giáo sư Lý Chánh Trung, bác sĩ dân biểu Hồ Văn Minh, luật sư Trần Ngọc Liễng, nghị sĩ Hồng Sơn Đông, các dân biểu Hồ Ngọc Nhuận, Dương Văn Ba, Nguyễn Hữu Chung và tôi…
Cuối cùng thì ông Dương Văn Minh rút tên ứng cử nhưng bộ máy tranh cử được tổ chức trước đó vẫn được giữ nguyên và duy trì cho đến ngày 30-4-1975! Ê kíp Dương Văn Minh không là một tập hợp có tính chất đảng phái nhưng tự nó trở thành một nhóm áp lực chính trị làm điên đầu chính phủ Thiệu. Trước các vấn đề nhân quyền, dân chủ, hòa bình làm người dân bức xúc, nhóm Dương Văn Minh đều lên tiếng bày tỏ thái độ. Và như thế, nhóm Dương Văn Minh được báo chí trong và ngoài nước coi như một tiếng nói đối lập chính yếu tại miền Nam.
Trong khi chuẩn bị cuộc vận động cho liên danh Dương Văn Minh, với tư cách đại diện báo chí cho liên danh này, tôi đã tiếp cận với Phật giáo Ấn Quang tìm sự ủng hộ của lực lượng Phật giáo có hậu thuẫn quần chúng lớn nhất. Tôi không nhớ rõ tôi tiếp xúc với thượng tọa Thích Trí Quang lần đầu nhân cơ hội nào. Rất có thể do tôi tham gia vào Lực lượng hòa giải dân tộc do luật sư Vũ Văn Mẫu đứng đầu có mối quan hệ chặt chẽ với chùa Ấn Quang. Lực lượng này còn có nghị sĩ Bùi Tường Huân, cư sĩ Võ Đình Cường… tham gia. Hình như dân biểu đơn vị Huế là Trần Ngọc Giao cũng có giới thiệu tôi với thượng tọa Thích Trí Quang lúc này đang ở tại chùa Ấn Quang.
Đến chùa Ấn Quang, dọc theo hành lang dẫn vào phòng riêng của thượng tọa Trí Quang ở lầu một thuộc dãy nhà nằm sát bên trái của ngôi chùa, luôn luôn có ít nhất hai hay ba cảnh sát chìm theo dõi những người đến thăm viếng thượng tọa Trí Quang. Lần đầu tôi gặp “Người làm rung chuyển nước Mỹ” – báo Newsweek đã gọi thượng tọa Thích Trí Quang như thế trên trang bìa một số báo thời Phật giáo đối đầu chế độ Ngô Đình Diệm – trong một căn phòng riêng của thượng tọa nhỏ hẹp, trang trí rất đơn sơ. Tôi đã đối diện một người giản dị và rất bình thường, nhưng khi đã tiếp xúc thì con người ấy toát lên một thứ thần sắc khác thường. Ánh mắt như sao băng, chiếu thẳng vào người đối thoại như nhìn thấu những suy nghĩ của họ. Tôi nhớ mãi ấn tượng đầu tiên ấy khi lần đầu gặp nhà tu nổi danh.
Tôi không theo đạo Phật hay bất cứ một tôn giáo nào, chỉ thờ cúng tổ tiên, nhưng mẹ tôi thỉnh thoảng đi chùa. Tôi không hiểu nhiều về đạo Phật nhưng trong chốn tôn nghiêm của chùa chiền mà tôi đặt chân đến bao giờ cũng gây cho tôi sự xúc động. Tôi tin tưởng rằng tôn giáo chân chính nâng tâm hồn con người, đặt con người ở một trách nhiệm cao hơn đối với đồng loại.
Nhưng mỗi lần gặp thượng tọa Trí Quang, hầu như chẳng bao giờ tôi nói chuyện tôn giáo, mà thích tượng tọa cũng thế. Có lẽ nhà tu đoán rằng tôi không thạo và cũng không thiết tha lắm đề tài này. Chúng tôi chủ yếu bàn về tình hình đất nước, cuộc chiến tranh chưa thấy lối thoát. Có một lần tôi đến thăm thượng tọa, cánh cửa kính khóa bên trong, tôi nhìn thấy nhà tu đang lạy trước bàn thờ Phật đặt trong một góc phòng. Tôi chờ suốt 15 phút, bên trong phòng thượng tọa Trí Quang vẫn tiếp tục quỳ xuống đứng lên, tôi đếm đến gần cả trăm lần. Khi thượng tọa bước ra mở cửa mời tôi vào, tôi tò mò hỏi ông mỗi lần lạy Phật như thế thì lạy bao nhiêu lần. Thượng tọa Trí Quang thản nhiên trả lời tôi: “Lạy Phật nhưng đồng thời cũng để giữ gìn sức khỏe”. Thượng tọa Trí Quang cho rằng chế độ Thiệu không đại diện người dân miền Nam, cần có một chính phủ biết cách chấm dứt chiến tranh và mang lại hòa bình. Khi tôi đề cập với thượng tọa về giải pháp Dương Văn Minh, thượng tọa không hào hứng lắm nhưng cũng không bác bỏ. Thượng tọa đưa ra nhận định: “Bây giờ cần một người cầm cờ, ông ấy có thể làm được chuyện đó trong lúc này”. Sau đó thượng tọa gián tiếp bình luận: tướng Dương Văn Minh không phải là người làm chính trị có bản lĩnh.
Để tiếp tay cho cuộc vận động giải pháp Dương Văn Minh, thượng tọa Trí Quang sẵn sàng giúp tôi thực hiện một chuyến ra Huế gặp một số vị cao tăng đang lãnh đạo phong trào Phật giáo đấu tranh. Đặc biệt thượng tọa viết một thư tay cho tôi cầm theo ra Huế để được Đức Thăng thống Thích Tịnh Khiết tiếp tại chùa Bảo Quốc. Chùa Bảo Quốc nằm trên một ngọn đồi yên tịnh, xa thành phố, về hướng các lăng. Đường từ ngoài cổng vào đến chùa, đi lên một ngọn đồi khoảng 300m. Vào đến chùa, người hướng dẫn đưa tôi gặp Đức Tăng thống đang ngồi im lặng trên một bộ ván đặt ngoài hiên chùa. Đức Tăng thống đang ăn sáng – tay cầm một mẩu bánh mì, ly sữa để ở bên cạnh – thỉnh thoảng Hòa thượng rứt ruột bánh mì ra từng miếng nhỏ ném cho các con chim đang nhảy nhót quanh ngài. Nhiều con ăn trong lòng bàn tay hòa thượng, một hai con thản nhiên đậu trên vai ngài. Tôi tưởng như mình lạc bước nơi cõi tiên.
Trong chùa Bảo Quốc chỉ treo một bức ảnh chân dung duy nhất trên tường. Đó là chân dung của thượng tọa Trí Quang. Như thế đủ thấy ảnh hưởng của thầy Trí Quang với người lãnh đạo tinh thần cao nhất Giáo hội Phật giáo là như thế nào. Khi Đức Tăng thống đọc thư của thầy Trí Quang giới thiệu tôi, rõ ràng Hòa thượng Thích Tịnh Khiết tỏ ra ân cần và thiện cảm ngay. Nên sau đó Hòa thượng không từ chối lời đề nghị của tôi xin phép được chụp chung một bức ảnh với ngài tại sân sau của chùa.
Trong chuyến ra Huế lần đó tôi cũng có dịp đến viếng thăm Thượng tọa Thích Huyền Quang, tại chùa Từ Đàm. Dĩ nhiên cũng với mục đích trình bày với vị lãnh đạo Phật giáo lập trường hòa bình và chống chế độ Nguyễn Văn Thiệu của nhóm Dương Văn Minh. Anh Trần Ngọc Giao còn đưa tôi đi gặp một vị tu có uy tín lớn ở Huế và trong cả Giáo hội Phật giáo, đó là Ôn Trúc Lâm. Đặc điểm các vị cao tăng này là đều quan tâm đến tình hình đất nước, không tán đồng chế độ Thiệu, chống triệt để sự hiện diện của người Mỹ ở Việt Nam.
Sau này khi Hiệp định Paris được ký kết, nghị sĩ Vũ Văn Mẫu cùng nghị sĩ Bùi Tường Huân, cư sĩ Võ Đình Cương… thành lập một tổ chức chính trị hoạt động mời tôi cùng tham gia và làm thuyết trình viên của lực lượng.
…Trở lại cuộc bầu cử tổng thống biến thành cuộc độc diễn, ngày 3-10-1971, liên danh Nguyễn Văn Thiệu – Trần Văn Hương đắc cử với 94,3% số phiếu bầu. Trong nước và cả ngoài nước coi kết quả đó như một trò hề chính trị. Nhưng cũng chưa bao giờ, Thiệu và tay chân của ông ta tỏ ra hung hăng như lúc này. Chính quyền Thiệu càng siết chặt sự kiểm soát trong quân đội, cảnh sát, báo chí và cả trong Quốc hội. Phe đối lập đứng trước hai sự chọn lựa: để Thiệu xóa sổ hoặc đối đầu để tồn tại. Và họ đã chọn cách thứ hai. Lúc này nhiều phong trào và tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng có chung mục đích chống chiến tranh và chống Thiệu đã nổi lên. Các cuộc biểu tình, xuống đường chống Thiệu bắt đầu nổ ra gần như hằng ngày.