Chương 8
Tái đắc cử vào Quốc hội lập pháp 1967

Liền sau cuộc bầu cử tổng thống lại đến cuộc bầu cử Quốc hội lập pháp. Theo hiến pháp, Quốc hội lập pháp Sài Gòn gồm hai viện: Hạ nghị viện (viện dân biểu) với nhiệm kỳ bốn năm và Thượng nghị viện (viện nghị sĩ) với nhiệm kỳ sáu năm nhưng mỗi ba năm bầu lại phân nửa. Tôi ghi tên ứng cử vào Hạ nghị viện ở đơn vị cũ, tức đơn vị 2 gồm các quận 4, 6, 7, 8 và 9. Có hơn 80 ứng cử viên, tranh 5 ghế dân biểu. Thể thức bầu cử lần này khác kỳ bầu cử Quốc hội lập hiến (theo liên danh tỷ lệ): năm người đoạt số phiếu cao nhất trong 80 ứng cử viên ghi danh sẽ giành 5 chiếc ghế dân biểu.
Khác với cuộc bầu cử trước – lúc rất ít người biết tôi và tôi chỉ trung cử nhờ vào thể thức bầu cử khá đặc biệt (gần như các ghế dân biểu được chia đều cho các ứng cử viên đứng đầu các liên danh) – lần này tuy cuộc bầu cử gay go gấp trăm lần nhưng tôi có một sự chuẩn bị rất thuận lợi trong thời gian hoạt động tích cực trong Quốc hội lập hiến. Tên tôi không còn xa lạ đối với đông đảo quần cử tri Sài Gòn. Người dân Sài Gòn lúc đó ủng hộ rất triệt để các nhà hoạt động chính trị đối lập, đồng thời có lập trường chống chiến tranh. Và quần chúng rất nhạy bén trong sự phân biệt giữa “đối lập thật” với “đối lập cuội”.
Mỗi ứng cử viên được in hai loại tài liệu phục vụ cho vận động bầu cử: một loại áp–phích 80cm-120cm để dán cho những nơi công cộng và một loại truyền bươm bướm 21cm-28cm in tiểu sử và tuyên ngôn của ứng cử viên để phát trực tiếp cho cử tri. Biểu chưng chính thức của tôi in trên các áp-phích, truyền đơn và phiếu bầu là “bó lúa và ngôi sao”. Slogan (khẩu hiệu) trên áp phích tranh cử của tôi có nội dung: “Một miền Nam trung lập trong một Đông dương trung lập”. Tôi chọn chủ đề này để tranh cử không do ảnh hưởng của bất cứ ai hay đảng phái chính trị nào, mà do suy nghĩ của cá nhân tôi, mong muốn tìm một giải pháp chấm dứt chiến tranh. Đối với một cá nhân hoạt động chính trị độc lập như tôi, thật không dễ dàng tìm ra con đường đi tới giữa một tình hình sáng tối rất phức tạp ở miền Nam. Dù cho con tim có lòng yêu nước chân chính, nhưng không phải các bước đi bao giờ cũng đúng đắn. Sự mù tịt về “Việt cộng” và sự thiếu hiểu biết sâu sắc về mục tiêu lý tưởng đấu tranh của “những người ở bên kia nửa phẩn Tổ quốc” do sự bưng bít thông tin rất chặt chẽ và các chiến dịch tuyên truyền chống cộng bền bỉ của chính quyền Sài Gòn qua nhiều thời kỳ, khiến cho không ít những người thuộc thế hệ trưởng thành ở miền Nam sau năm 1954 như tôi, không thể tự mình nhận định thực chất cuộc xung đột và chọn cho mình một hướng đi đúng đắn.
Với bản thân tôi, ngay cả sự hiểu biết về Hồ Chủ tịch, về cuộc chiến đấu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam là rất trễ tràng và lúc đầu rất ít ỏi. Cho đến năm 1968, nguồn tìm hiểu duy nhất của tôi là hai quyển sách mà tôi mang về từ Paris nhân một chuyến sang Pháp. Đó là quyển: Hồ Chí Minh của Jean Lacouture và Vietnam: Inside Story of the Guerilla War của Wilfred Burchett (New York, International Publishing, 1965). Thật quá ít và chẳng đi đến đâu để hiểu sâu sắc về con người Việt Nam vĩ đại nhất cũng như việc đánh giá đúng đắn cuộc chiến làm rung chuyển cả thế giới. Nhưng tôi không thể không cảm ơn Jean Lacouture và Wilfred Burchett vào thời điểm ấy đã mở cho tôi cánh cửa, dù là rất hẹp, để tiếp cận với một thực tế khác của đất nước, hiểu biết khách quan hơn lý tưởng mà những người cộng sản Việt Nam đang đeo đuổi với biết bao hy sinh xương máu. Cái may mắn lớn nhất của tôi là không bị ràng buộc bởi một thế lực chính trị nào (tôi hoạt động chính trị độc lập) và cũng không vì một quyền lợi riêng tư nên cứ “sáng” ra thêm một chút nào do những tiếp thu nhận thức mới thì tôi lại sẵn sàng điều chỉnh, chẳng chút mặc cảm. Ánh sáng duy nhất soi đường cho tôi đi tới trong những năm tháng ấy như đã nói – xuất phát từ con tim yêu nước, sự mong muốn được thấy dân tộc độc lập, đất nước hòa bình và thống nhất. Thế thôi. Ở Sài Gòn vào thời điểm này, không một tổ chức chính trị hoạt động công khai nào có khả năng đáp trả những vấn đề bức thiết của đất nước đồng thời không một tổ chức chính trị công khai nào thể hiện được một lý tưởng có hệ thống và lý luận chặt chẽ hướng tới sự thực hiện dân chủ và công bằng xã hội. Ánh sáng lý tưởng tỏa từ trong chiến khu và từ “bên kia nửa phần Tổ quốc” không dễ dàng đến với tất cả thanh niên và trí thức miền Nam, tổ chức chỉ đến với một số người chọn lọc, thường qua một số trung gian bí mật mà một người bình thường không thể nào bắt liên lạc được.
… Slogan tranh cử Quốc hội lập pháp của tôi – “Một miền Nam trung lập trong một Đông Dương trung lập” – như một thứ công chức hòa bình – theo suy nghĩ của tôi – cho cuộc chiến mà lúc đó tưởng như không thể tìm ra lối thoát. Cái chính là chấm dứt chiến tranh, buộc người Mỹ rút quân, không can thiệp vào vấn đề nội bộ của người Việt Nam. Là một cá nhân độc lập, không đại diện cho bất cứ thế lực chính trị nào, cũng không còn là con cờ của một cường quốc nào – nên rốt cuộc lời kêu gọi của tôi cho công thức này như tiếng kêu giữa sa mạc. Tôi không khác gì một Don Quichotte của nhà văn Cervantès. Tôi cũng ý thức được việc mình làm là “đội đá vá trời” nhưng tôi vẫn tin rằng trong tất cả các cuộc đấu tranh cho những chính nghĩa lớn, tiếng nói của từng người, dù là người rất bình thường, nếu được mạnh dạn bày tỏ công khai cũng có thể góp thành dư luận và sức mạnh. Nhưng mặt khác sự dấn thân và bày tỏ thái độ cũng là nhu cầu tự thân của những thanh niên trí thức như tôi ở vào thời điểm ấy. Vào những lúc này, tôi còn nhớ, nhạc Trịnh Công Sơn cũng là thứ thuốc kích thích tinh thần cho những người như tôi, lên lại “giây cót” mỗi khi cảm thấy buồn nản, bế tắc. Nhạc Trịnh đã thúc đẩy sự dấn thân cho nhiều thanh niên và trí thức đấu tranh vì hòa bình và dân tộc.
… Kết quả cuộc bầu cử Quốc hội lập pháp cuối năm 1967: tôi về nhì trong số hơn 80 ứng cử viên tranh ở đơn vị 2 Sài Gòn. Người về nhất là bác sĩ Hồ Văn Minh, chủ tịch Chương trình Phát triển quận 8. Anh Hồ Ngọc Nhuận, cũng hoạt động trong chương trình này, đắc cử ở vị trí thứ ba. Tôi chẳng có tiền bạc để tổ chức cuộc vận động đúng nghĩa cho mình trong khi nhiều ứng cử viên khác đã chi những số tiền rất lớn, thậm chí có ứng cử viên bỏ tiền ra mua phiếu. Họ có cả một đội quân đi dán áp phích và phát truyền đơn đến từng nhà. Nhưng kết quả bầu cử cho thấy cử tri ở Sài Gòn không dễ dàng bỏ phiếu vì tiền, hay vì bất cứ một áp lực nào. Cử tri đi bỏ phiếu được nhân viên phòng phiếu phát 80 phiếu rời, mỗi phiếu in tên, hình và biểu trưng của ứng cử viên. Chọn lại 5 phiếu ứng cử viên mà mình tín nhiệm trong một xấp 80 phiếu dầy cộm quả thật không dễ dàng, nhưng đa số cử tri đã làm điều đó khá chính xác: không có ứng cử viên nào theo chính quyền hay có lập trường chủ chiến lọt vào 5 vị trí đầu ở đơn vị này. Quận Tư, quận Tám, quận Chín là những quận gồm đông đảo người lao động. Chính họ đã có chọn lựa đúng theo nguyện vọng của mình.
Cuộc bầu cử Quốc hội lập pháp năm 1967 còn có kẽ hở cho những thành phần đối lập và độc lập lọt vào. Ở ba đơn vị bầu cử tại Sài Gòn, sự can thiệp của chính quyền hầu như không có. Mục đích của chính quyền Sài Gòn và nhất là của Mỹ là cố gắng tạo ra một “tủ kính dân chủ” tại thủ đô miền Nam để tuyên truyền cho chế độ. Còn ở các tỉnh, chính quyền địa phương chưa được lệnh gắt gao lắm trong việc chọn lọc ứng cử viên. Mặc dù đã đắc cử tổng thống, nhưng ông Thiệu vẫn chưa nắm trọn quyền hành, vẫn còn dè chừng các phản ứng của phó tổng thống Kỳ và các đảng phái khác. Phải đến Quốc hội lập pháp kỳ 2 (bầu năm 1971), tổng thống Thiệu mới triệt để gạt ra ngoài tất cả các ứng cử viên đáng nghi ngờ hoặc không cam kết (trên giấy tờ hẳn hòi) ủng hộ ông. Muốn trở thành dân biểu ở các tỉnh, các ứng cử viên phải cam kết vào đảng Dân chủ của Nguyễn Văn Thiệu. Chính quyền Thiệu, một lần nữa, chỉ thả nổi duy nhất các đơn vị bầu cử ở Sài Gòn để cố gắng duy trì bộ mặt dân chủ giả hiệu.
Đeo đuổi lập trường hòa bình của mình đã nêu lên trong khẩu hiệu tranh cử, sau khi đắc cử, tôi đã tiếp tục cuộc vận động cho công thức “một Miền Nam trung lập trong một Đông Dương trung lập” bằng cách gửi thư trực tiếp đến một số nhà lãnh đạo Châu Á như thủ tướng Malaysia Tengku Abdul Rahman, thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, thủ tướng Nhật Bản Sato yêu cầu hỗ trợ cho giải pháp này để chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Tôi không biết vì lý do gì các thư này đều không được các địa chỉ trên hồi âm. Tôi không nghĩ các vị lãnh đạo quốc gia kể trên thấy rằng không cần thiết có thư đáp trả một dân biểu vô danh như tôi, với một sáng kiến hòa bình chẳng có trọng lượng (bởi không có một nhân vật quốc tế tên tuổi hay một quốc gia nào trước đó lên tiếng bảo trợ hay ủng hộ). Tôi nghi ngờ các thư của mình đã bị chính quyền Sài Gòn chặn lại. Sau đó tôi có gửi thư riêng cho một nghị sĩ Nhật thuộc đảng cầm quyền (ông Harizumi) mà tôi đã từng quen biết ông khi cùng dự Hội nghị Liên hiệp Nghị sĩ Châu Á tại Thái Lan. Ông Harizumi đã mời tôi sang Tokyo trình bày sáng kiến của mình với đại diện bộ Ngoại giao Nhật. Tôi đã đến thủ đô Nhật cùng vợ tôi với tư cách cá nhân. Một chuyến đi có nhiều kỷ niệm khá đẹp về sự tiếp đón nồng hậu của chủ nhà, nhưng về cuộc vận động thì chỉ dừng lại ở mức độ xã giao. Tôi không có ảo tưởng cuộc vận động của mình sẽ đi đến đâu, đó chỉ là cách thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế về chiến tranh Việt Nam và ước vọng hòa bình của một người Việt Nam.
Liên quan đến đề tài vận động bầu cử của tôi – về một giải pháp trung lập – có một chuyện rất đáng nhớ. Đầu năm 1968, một tổ chức tôn giáo của người Mỹ có tên Quaker, hoạt động cho hòa bình tại Việt Nam đã mời tôi tham dự một cuộc hội thảo “Hòa bình ở Châu Á” tổ chức tại Xiêm Rệp – Campuchia. Cùng được mời dự cuộc hội thảo này còn có các dân biểu Nguyễn Hữu Chung và Hồ Ngọc Nhuận. Vương quốc Campuchia dưới sự lãnh đạo của nhà vua Sihanouk, bấy giờ không nhìn nhận chính quyền Sài Gòn và không có quan hệ ngoại giao. Nhà vua Sihanouk lúc đó ủng hộ tích cực Hà Nội và Mặt trận dân tộc giải phòng miền Nam. Tuy nhiên do cả ba chúng tôi đều thuộc khuynh hướng đối lập với chính quyền Sài Gòn, nên Vương quốc Campuchia chấp nhận cấp phép nhập cảnh.
Trong thời gian dừng chân ở thủ đô Phnom Pênh, tôi sực nhớ người bạn học xưa cùng ở nội trú tại trường Chasseloup Laubat những năm 50, con của một thành viên hoàng tộc Campuchia. Đó là Sisowath Charya. Tôi nhờ đại diện của chính quyền Sài Gòn tại Phnom Pênh tìm giùm. Vì không được Vương quốc Campuchia chính thức nhìn nhận, nên đại diện của Sài Gòn phải “tạm trú” trong Đại sứ quán của Nhật. Tại Phnom Pênh, lần đầu tiên tôi nhìn thấy lần lượt ô tô của Đại sứ VNDCCH và MTDTGP có cắm cờ chạy trên đường phố!
Người đại diện của Sài Gòn tìm Sosiwath Charya không khó lắm vì ông là con của cựu thủ tướng, hoàng thân Sirik Matak và bản thân Sisowath Chayra là một nhân vật khá nổi tiếng ở Phnom Pênh. Lúc này các hoạt động giải trí ở Phnom Pênh như vũ trường, rạp hát, nhà hàng, chiếu bóng đều là quốc doanh. Sisowath Charya được giao phụ trách tất cả mảng này. Tôi được đưa đến một căn hộ ở tầng hai một cao ốc. Người hướng dẫn cho tôi cho biết vào giờ này, buổi sáng, ông không có ở nhà. Căn hộ này là của một người bạn gái. Khi tôi bấm chuông thì một phụ nữ rất đẹp có nước da đậm đà ra mở hé cửa và hỏi bằng tiếng Campuchia: “Ông tìm ai?”. Người hướng dẫn dịch lại cho tôi hiểu và tôi nhờ ông nói lại với người phụ nữ rằng tôi muốn gặp ông Sisowath Charya. Cô gái liền trả lời: “Ở đây không có ai tên đó”. Trong khi đó thì tôi thấy loáng thoáng bên trong có một bóng người và đúng là Sisowath Charya. Ông hỏi vọng ra bằng tiếng Campuchia. Tôi nói to bằng tiếng Pháp “Lý Quý Chung, bạn cũ ở Chasseloup Laubat đến thăm bạn”. Charya chạy ra ngay, ôm chầm lấy tôi. Thế là 14 năm sau, tôi gặp lại người bạn nằm cạnh giường mình ở nội trú trường Chasseloup Laubat ngày nào. Charya kéo tôi đi ăn cơm trưa ở khách sạn sang trọng nhất Phnom Pênh. Anh lái chiếc ô tô Cadillac đời mới. Anh nói căn hộ đó không phải là nơi anh ở. Sau buổi ăn trưa, anh đưa tôi về nhà để giới thiệu với gia đình anh ở một biệt thự nằm trong khu nhà ngoại giao và các nhân vật thuộc hoàng tộc. Khi tôi đến, ông Sirik Matak đang trông coi công nhân sửa chữa phía sau ngôi biệt thự. Ông trở vào phòng khách tiếp tôi. Khi được biết tôi đến từ Sài Gòn và là bạn học cũ của con ông, ông vui vẻ kể lại những kỷ niệm về thời trẻ của ông: mỗi tối thứ bảy từ Phnom Pênh ông đi ô tô xuống thẳng Sài Gòn, ăn uống ở Chợ Lớn và khiêu vũ ở trường Grand Monde trong khu giải trí Đại Thế Giới. Ông còn kể lúc đó ông có một người yêu Việt Nam ở vùng Tân Định. Tôi hỏi ông có muốn nhắn gì với người phụ nữ năm xưa không. Ông cười: người phụ nữ ấy tôi quen thời trai trẻ bây giờ đã trở thành bà ngoại rồi, chưa chắc bà ta còn nhớ tôi là ai!
Buổi nói chuyện rất thân thiện, lúc thì bằng tiếng Pháp lúc thì tiếng Việt. Ông Sirik Matak nói tiếng Việt như người Việt. Sau này khi ông Matak trở lại cương vị thủ tướng khoảng năm 1970 hay 1971, tôi nghe nói ông chủ trương một đường lối chống người Việt Nam rất mạnh mẽ, điều đó khiến cho tôi rất ngạc nhiên. Tôi không làm sao nối kết được một Matak nói về Việt Nam đầy thiện cảm mà tôi đã gặp với một Matak thủ tướng Campuchia chống lại người Việt Nam như vậy.
Sau lần gặp nhau đó, tôi và Charya không có dịp gặp lại nhau. Sự kiện bi thảm ở đất nước Campuchia khiến tôi nhiều lần dằn vặt vì không biết Charya còn hay đã chết như hàng triệu nạn nhân của chế độ Pôn Pốt. Số phận của người cha thì tôi được biết rất sớm qua báo chí phương Tây: ông đã bị lính Pôn Pốt hành quyết trong những ngày đầu bọn chúng chiếm Phnom Pênh.
Nhưng một ngày gần cuối năm 2001, tôi nhận được một cú điện thoại của Sisowath Charya. Anh đang có mặt tại TP. Hồ Chí Minh và muốn gặp tôi. Chúng tôi hẹn nhau ăn cơm trưa tại nhà hàng Sao Mai ở đường Đông Du, quận 1. Thế là sau 33 năm cuộc gặp ở Phnom Pênh, tôi và Charya lại có dịp hội ngộ. Tôi không ngờ anh còn sống sót sau thời kỳ Pôn Pốt. May mắn cho anh là anh đã rời Phnom Pênh trước khi quân Pôn Pốt tràn vào. Anh đã kể lại cái chết bi thảm của cha anh như sau: ông Matak được tòa đại sứ Mỹ mời di tản nhưng cha anh đã từ chối mặc dù thừa biết rằng ở lại là rước lấy cái chết chắc chắn.
Trong hồi ký của cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, Ending the Vietnam War, kể lại sự sụp đổ của chế độ Phonm Pênh, tác giả có nhắc lại cái chết của ông Sirik Matak với vài chi tiết rất đáng được nêu lại. Cuộc di tản ở Phnom Pênh bắt đầu từ 8 giờ sáng ngày 12-4-1975 bằng trực thăng. Có tất cả 82 người Mỹ, 159 người Campuchia và 35 người thuộc các quốc tịch khác được tòa đại sứ Mỹ đưa ra khỏi Campuchia bằng trực thăng. Duy nhất chỉ có một người từ chối thư mời di tản của đại sứ Mỹ John Gunther Dean: đó là cựu thủ tướng Sirik Matak. Trong một lá thư tự tay ông viết, bằng một thứ tiếng Pháp mà cựu ngoại trưởng H. Kissenger cho là rất “tao nhã”, ông Sirik Matak đã trả lời đại sứ Mỹ Dean như sau:
Thưa ngài đại sứ và là bạn thân mến của tôi!
Tôi hết sức thành thật cảm ơn ông về lá thứ ông viết cho tôi và về đề nghị của ông đưa tôi đến tự do. Rất tiếc thay, tôi không thể rời nơi đây một cách hèn nhát. Tôi không bao giờ tin rằng vào lúc này, với ông cũng như với đất nước vĩ đại của ông, lại có cái cảm nghĩ rằng mình đã bỏ rơi một dân tộc đã chọn tự do. Chúng tôi cần sự bảo vệ của các ông nhưng các ông đã từ chối, chúng tôi không thể làm gì trước tình thế này.
Ông rời nơi đây, lời chúc của tôi cho ông và đất nước của ông là sẽ tìm được hạnh phúc dưới bầu trời này. Nhưng, hãy khắc ghi rằng, nếu tôi chết ngay ở nơi này, tại đất nước mà tôi yêu dấu, thì cũng chẳng thành vấn đề, vì rằng tất cả chúng ta sinh ra rồi đều tử biệt. Tôi chỉ mắc mỗi sai lầm là đã tin các ông (người Mỹ).
Xin ngài, cũng là người bạn thân mến của tôi, vui lòng nhận những tình cảm thân thiện của tôi.
S/Sirik Matak.
Người ta được biết ông Sirik Matak bị lính Pôn Pốt bắn vào bụng và để nằm tại chỗ mà không có thuốc men gì cả. Ba ngày sau ông ấy mới chết.
Trở lại chuyến đi Campuchia dự hội thảo do tổ chức tôn giáo Quaker tổ chức, sau khi thăm người bạn học cũ, Sisowath Charya, tại Phnom Pênh, tôi lên máy bay đi Xiêm Rệp. Cuộc hội thảo với đề tài “Hòa bình ở Châu Á” được tổ chức tại một model nằm đối diện với đền Angkor Watt chừng vài trăm mét. Khi tôi và hai dân biểu Hồ Ngọc Nhuận và Nguyễn Hữu Chung vừa đến khách sạn, chưa kịp sắp xếp đồ đạc, thì một nhà ngoại giao người Anh cũng dự cuộc hội thảo này gõ cửa phòng tôi. Ông xin phép được trao đổi chỉ một phút. Nội dung: Ông ta thông báo “một cách thân hữu” rằng tại cuộc hội thảo này có một nhà ngoại giao Nga đến từ Hà Nội nói tiếng Việt rất giỏi. Và ông ta dặn “Các ông hãy cảnh giác”. Ông ta chỉ nói thế rồi biến đi. Ông ta đi rồi tôi vẫn đứng tần ngần một lúc khá lâu. Thì ra ở cuộc hội thảo này các nhà ngoại giao cũng đồng thời là những nhà tình báo. Nhưng với tôi, sự cảnh giác của người Anh, đồng minh với chế độ Sài Gòn, chẳng có tác dụng gì. Tôi không làm việc cho ai, kể cả chính quyền Sài Gòn, do đó không giữ một bí mật gì để sợ bị lộ. Những ngày ở Xiêm Rệp, tôi tò mò quan sát sự rình rập, theo dõi nhau giữa các nhà ngoại giao thuộc hai khối đối nghịch. Tình cờ tôi tham gia vào một bộ phim OSS 117 không được thông báo trước.
Khi cuộc hội thảo kéo dài 4 ngày sắp kết thúc (trong cuộc hội thảo nhà vua Sihanouk đến nói chuyện hai lần, một lần bằng tiếng Pháp và một lần bằng tiếng Anh suốt hai tiếng đồng hồ), tất cả những người tham dự được mời chụp chung một bức ảnh kỷ niệm trước cổng vào đền Angkor Watt. Lúc đó tôi không chú ý người đứng kế bên tôi là ai. Trong khi người chụp ảnh đang điều chỉnh góc độ của máy ảnh thì tôi nghe người đàn ông phương Tây đứng cạnh tôi nói bằng một giọng rất thấp vừa đủ cho tôi nghe với một thứ tiếng Việt rất chuẩn, giọng Bắc: “Ông là dân biểu Lý Quý Chung phải không? Tôi làm việc ở sứ quán Xô Viết ở Hà Nội. Tôi được biết lập trường của ông về trung lập hóa miền Nam. Ông nên biết Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chủ trương trung lập hóa miền Nam”. Tôi liếc thấy “nhà ngoại giao Anh” đứng phía sau tôi chỉ cách hai người. Tôi trả lời nhà ngoại giao Xô viết cho có lệ vì biết rằng ở đây đầy rẫy những nhà tình báo đội lốt ngoại giao: “Tôi chưa được biết Chủ tịch Hồ Chí Minh có một chủ trương như thế về miền Nam”. Kỳ thật, tôi cũng nghe đồn vào thời điểm đó người ta có dự kiến vận động một giải pháp trung lập cho miền Nam, mang ý nghĩa chiến lược nhằm xóa bỏ sự hiện diện và ảnh hưởng của Mỹ ra khỏi miền Nam.
Lúc đó tôi rất ngạc nhiên về những gì nhà ngoại giao Xô viết nói với tôi. Tôi không ngờ hoạt động của mình đã được theo dõi sát như thế từ Hà Nội. Sau khi đất nước thống nhất, hơn một lần tôi có ý định tìm lại “nhà ngoại giao Xô viết” khi tôi ra Hà Nội và nhất là trong một lần viếng thăm Liên Xô năm 1979. Nhưng vì không nhớ tên, còn ảnh lúc đó lại thất lạc, nên tôi không làm sao tìm ra nhà ngoại giao này.
Trở lại hoạt động tại Hạ nghị viện mà tôi vừa tái đắc cử, tôi lại được bầu làm trưởng khối dân biểu Dân tộc. Năm sau, bác sĩ Nguyễn Đại Bảng, dân biểu Huế, được bầu thay tôi ở cương vị này. Năm đầu của Hạ nghị viện, tổng thống Thiệu chưa kiểm soát được định chế này một cách tuyệt đối. Tòa đại sứ Mỹ tỏ ý lo ngại những tiếng nói chống đối chính phủ trong quốc hội Sài Gòn sẽ ảnh hưởng các cuộc biểu quyết của quốc hội Mỹ liên quan đến các khoản viện trợ cho chính phủ Thiệu. Các nhà ngoại giao Mỹ tại Sài Gòn cố gắng vận động các dân biểu và nghị sĩ đối lập giảm bớt sự chỉ trích đối với chính phủ Thiệu. Tôi và một thành viên trong khối Dân tộc là dân biểu Nguyễn Hữu Chung được hai nhân viên tòa đại sứ Mỹ là David Lambertson và John Negroponte mời dùng cơm trưa. Hai nhà ngoại giao này rất quen thuộc đối với các dân biểu và nghị sĩ Sài Gòn vì họ liên tục tìm cách gặp gỡ, trao đổi các dân biểu và chính khách Sài Gòn để thăm dò và tiên liệu phản ứng của các giới chính trị. Dĩ nhiên các cuộc tiếp xúc ấy cũng nhằm ảnh hưởng và lôi kéo những cá nhân sẵn sàng ngả theo Mỹ. David Lambertson và John Negroponte lúc đó đều thuộc ngạch ngoại giao đệ nhị tham vụ tòa đại sứ. Sau 1975 Lambertson đã từng là đại sứ Mỹ tại Bangkok (Thái Lan) và nằm trong danh sách những nhân vật mà Washington có ý định đưa sang làm đại sứ tại Hà Nội đầu tiên khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Còn Negroponte sau thời sang Việt Nam đã tiếp tục làm đại sứ tại một quốc gia Nam Mỹ và là người đóng một vai trò quan trọng trong chính sách Mỹ can thiệp vào khu vực này. Ông là đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc trong thời gian Mỹ tiến đánh Irak và chiếm đóng nước này (từ tháng 3 năm 2003) và gần đây nhất ông là đại sứ Mỹ tại Irak.
Trong buổi cơm trưa tại nhà riêng của một trong hai người ở trong khu nhà dành cho nhân viên cao cấp sứ quán Mỹ trên đường Tú Xương, David Lambertson, không cần ỡm ờ, đặt vấn đề với chúng tôi “nên giảm cường độ chỉ trích chính phủ Nguyễn Văn Thiệu, bởi nếu không, có khả năng quốc hội Mỹ sẽ cắt bớt viện trợ cho miền Nam”. Đồng viện của tôi, anh Nguyễn Hữu Chung, có cái tính rất thẳng và tưng tửng, đã gạn hỏi lại Lambertson: “Chẳng lẽ dân biểu chúng tôi khi phát biểu tại Hạ Nghị Viện lại phải dè chừng quốc hội Mỹ phản ứng ra sao?”. David Lambertson đột ngột phản ứng không kiềm chế, quên mình là một nhà ngoại giao: “Đúng thế, ông dân biểu phải quan tâm đến phản ứng của quốc hội Mỹ”. John Negroponte chẳng nói gì, làm thinh theo dõi. Tôi kéo câu chuyện qua hướng khác để hạ nhiệt độ. Chắc chắn hai nhà ngoại giao Mỹ rất thất vọng về thái độ của tôi và anh Nguyễn Hữu Chung. Và đương nhiên hai chúng tôi chẳng bao giờ “được” nằm trong danh sách những chính khách Sài Gòn được Mỹ tin cậy!
Tôi thường nói chuyện với các nhà ngoại giao Mỹ bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Việt. Tiếng Anh của tôi học trong các trường trung học Pháp lúc đó chưa đủ để có thể sử dụng trong giao tiếp với người Mỹ. Đa số các nhà ngoại giao Mỹ có mặt tại miền Nam những năm 60 và 70 đều nói được tiếng Việt hoặc tiếng Pháp. Họ biết rằng các nhân sĩ, trí thức thuộc thế hệ này đều trưởng thành từ thời chiếm đóng của Pháp. Chỉ có các chuyên viên và trí thức thuộc thế hệ sau, hoặc du học ở Mỹ trở về những năm 60, mới nói tiếng Anh thông thạo. Do vị trí của tôi trong Hạ Nghị Viện, giới ngoại giao Mỹ thường mời tôi dự tiệc tùng mỗi khi họ đón tiếp một nhân vật quan trọng từ Washington sang. Đặc biệt vào mỗi cuối tuần (Week-end), John Negroponte và David Lambertson thường tổ chức các buổi ăn trưa và bơi lội tại biệt thự riêng của cố vấn chính trị tòa đại sứ Mỹ Philip Habib tại số 6 đường Tú Xương. Sau này Philip Habib trở thành đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc (1971) và thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Nam Á (1975, trước khi chế độ Sài Gòn sụp đổ).
Và tôi còn nhớ trong một trận đấu bóng nước tại hồ bơi của ông Habib, tôi đã bị John Negroponte đè sâu dưới nước suýt nữa ngoi lên không được khi đôi bên tranh bóng quyết liệt. Negroponte to lớn gấp đôi tôi. Tôi không biết ông ta có cố tình “dằn mặt” tôi không.
Có lẽ khó chịu bởi các cuộc trao đổi với tôi luôn dùng tiếng Pháp, một hôm Negroponte hỏi tôi có dị ứng gì với tiếng Mỹ hay không và tại sao tôi không học thêm tiếng Mỹ. Tôi trả lời lý do hết sức đơn giản: quá bận nên không có thời giờ cố định để đi học. Thế là Negroponte đề xuất một cách học tiếng Mỹ cho tôi thật thuận tiện và thoải mái do một nữ nhân viên tòa đại sứ phụ trách. Giờ học không cố định mà tùy thuộc giờ giấc của tôi. Có nghĩa khi nào tôi có giờ rỗi rãi thì điện thoại cho người dạy và người này sẽ đến ngay. Tôi không còn lý do nào để từ chối một đề xuất đầy thiện chí như thế. Hôm đầu tiên tôi gọi đến số điện thoại đã được Negroponte trao thì ở đầu dây là một phụ nữ Mỹ. Cuộc gặp đầu tiên với cô giáo người Mỹ thật bất ngờ: một thiếu nữ rất đẹp, duyên dáng, mặc chiếc váy mini-jupe khá ngắn rất thịnh hành lúc đó. Với một cô giáo như thế thật khó mà học tập trung. Sự đàng hoàng, ngay ngắn của tôi sau đó chẳng qua do tôi luôn ám ảnh cái bẫy CIA đang rình rập đâu đó. Học cả năm chẳng tiến bộ bao nhiêu khiến cho cô giáo cũng nản. Có lẽ do nhu cầu thật sự lúc đó không có, nên chuyện học hành không tiến bộ. Tiếng Anh của tôi chỉ khá lên sau 1975 do công việc làm báo và viết báo, bởi ở giai đoạn này đòi hỏi tôi phải có thêm tiếng Anh ngoài tiếng Pháp để tham khảo tài liệu, sách báo nước ngoài nên tôi buộc phải tự học thêm một cách tích cực.
Nhân nói về CIA, mà cái bóng của nó phủ trùm lên cả miền Nam trước 1975, sau này tôi vẫn tự hỏi, cớ gì trong suốt thời kỳ tôi hoạt động chính trị ở Sài Gòn, có rất nhiều quan hệ với người Mỹ trong mọi lĩnh vực, thế mà chẳng bao giờ “con bạch tuộc” ấy thả vòi đến tôi? Tôi đã hai lần dự cơm tôi tại nhà riêng của đại sứ Mỹ ở đường Phùng Khắc Khoan, lần thứ nhất thời Henry Cabot Lodge trở lại làm đại sứ tại Sài Gòn lần hai (1965-1967) nhân buổi tiếp trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Nam Á William Bundy, lần thứ hai thời Ellsworth Bunker (1967-1973) khi ông chiêu đãi thượng nghị sĩ Mỹ George McGovern, một ứng cử viên tổng thống phản chiến.
Khi tôi vừa đắc cử vào quốc hội, còn ngơ ngác về chính trị, tôi đã được một nhân vật Mỹ khá bí hiểm ở Sài Gòn là Clyde Bauer mời tham gia một tổ chức phi chính phủ “Hiệp hội Bang giao Phát triển Quốc tế” (HHBGPTQT) với tư cách hội viên sáng lập cùng với những tên tuổi rất gần gũi với tòa đại sứ Mỹ như ông Trần Văn Lắm (cựu dân biểu thời Ngô Đình Diệm, là ngoại trưởng trong nội các của tướng Trần Thiện Khiêm), ông Nguyễn Ngọc Linh (tổng giám đốc Việt Tấn Xã), ông Trần Trung Dung (cựu dân biểu thời Ngô Đình Diệm), ông Ngô Khắc Tĩnh (sau là bộ trưởng Bộ giáo dục của nội các Trần Văn Hương và Trần Thiện Khiêm), ông Nguyễn Vạn Lý, (một lãnh tụ Cao đài thân chính quyền) v.v… Vài năm sau nhìn lại, tôi nhận ra rằng các tổ chức Hiệp hội Bang giao Phát triển Quốc tế có lẽ đã được người Mỹ dùng làm một trong những nơi kiểm tra và chọn lọc các nhân vật chính trị để đưa vào guồng máy chính quyền Sài Gòn ở các vị trí như bộ trưởng, đại sứ v.v… Trong các thành viên sáng lập của HHBGPTQT gần như tôi là người duy nhất vẫn đứng ngoài guồng máy của chính quyền Thiệu. Clyde Bauer, người đứng ra thành lập tổ chức “ngoại giao nhân dân” này (“people to people”) là một cựu đại tá và anh hùng quân đội của Mỹ tại chiến tranh Triều Tiên. Khi tôi không sinh hoạt với HHBGPTQT nữa, có người nói với tôi Clyde Bauer là một nhân viên CIA. Thế nhưng trong suốt thời gian sinh hoạt khá gần gũi, chưa bao giờ Clyde Bauer để lộ ý đồ lôi kéo tôi theo cái hướng ủng hộ Washington. Mục đích chính của hiệp hội này là đánh bóng hình ảnh của chế độ Sài Gòn và làm cho dư luận Mỹ chia sẻ một cách thuận lợi hơn chính sách của Washington tại Việt Nam. Tại Hội nghị Honolulu năm 1969, tổng thống Johnson từng cảnh báo với tổng thống Thiệu và phó tổng thống Kỳ về tình hình “anti Vietnam” của quần chúng Mỹ mỗi lúc một cao hơn và khuyến cáo hai ông Thiệu – Kỳ phải làm gì đó để đối phó tình hình này. Sự ra đời của những tổ chức như HHBGPTQT rất có thể nằm trong mục tiêu trên.
Các buổi sinh hoạt ăn uống, vui chơi cuối tuần tại nhà riêng của cố vấn chính trị tòa đại sứ Mỹ, từ thời ông Habib đến ông Calhoun (người thay ông Habib), mà tôi được mời tham dự nhiều lần, cũng là nơi các chuyên viên Mỹ như David Lambertson, John Negroponte xem “giò cẳng” một số trí thức trẻ Sài Gòn có thiện cảm với đường lối của người Mỹ ở Việt Nam. Hầu hết những người Việt Nam trẻ mà tôi gặp tại đây đều nói tiếng Mỹ như tiếng Việt, gần hết tốt nghiệp tại Mỹ hoặc đã tu nghiệp tại Mỹ. Và cũng như với tổ chức HHBGPTQT, đa số những người đến cái biệt thự trên đường Tú Xương đều lần lượt chiếm những vị trí trọng yếu trong chính quyền Sài Gòn. Cái khác giữa HHBGPTQT và chỗ tụ tập cuối tuần tại nhà riêng của cố vấn chính trị tòa đại sứ Mỹ là ở địa chỉ đầu thì đa số thành viên đều ở tuổi trung niên trở lên, còn ở địa chỉ sau, phần đông đều rất trẻ, từ 25 đến 30. Không may mắn cho người Mỹ: tất cả những con người ấy đều không có chỗ dựa trong quần chúng, họ dựa chủ yếu vào người Mỹ.
Báo chí cũng là mảnh đất màu mỡ cho hoạt động tình báo của Mỹ. Người ta cho rằng trong chiến tranh Việt Nam có đến trên 50% phóng viên, nhà báo Mỹ là nhân viên CIA trá hình. Ngay trong số những nhà báo có tên tuổi lớn, cũng không thể đoan chắc rằng không có người làm việc cho CIA. Bởi với không ít người Mỹ, làm việc cho CIA không hẳn là đáng ghét, mà ngược lại là một hành động yêu nước. Họ không tự coi mình là những “ugly american” (người Mỹ xấu xa). Các phóng viên, nhà báo Mỹ này là những an-ten thu lượm tin tức và qua các cuộc phỏng vấn trá hình là những công cụ nhằm thăm dò phản ứng, thái độ của dư luận Sài Gòn trước các biến cố chính trị, quân sự. Những nhà báo có tên lạ hoắc, tự nhận làm đặc phái viên “free lance” (nhà báo tự do), luôn gây cho tôi sự nghi ngờ cảnh giác.
Qua các máy lọc của CIA, tên tôi bị loại trừ ra khỏi danh sách những nhân vật coi là “có khả năng tiếp cận”. Có một đánh giá cho rằng CIA chỉ sai trật với một tỷ lệ không quá 0,5% khi tiến hành chọn lựa người để tuyển dụng!