Chương 15
Bút Thần: Tờ báo cuối cùng tôi làm chủ bút

Tính chung, trước khi tôi làm tờ Bút Thần, tôi đã đứng tên chủ nhiệm kiêm chủ bút hai nhật báo (Sài Gòn Tân VănTiếng Nói Dân Tộc), chủ bút một tuần báo (Buổi Sáng do ông Mai Lan Quế làm chủ nhiệm) và một nhật báo (Điện Tín), còn cộng tác với tư cách phóng viên thì với bốn tờ: báo thể thao Đuốc Thiêng, nhật báo Thanh Việt, tuần báo Bình Minh, nhật báo Buổi Sáng (thời ông Nguyễn Văn Mại làm tổng thư ký tòa soạn).
Tờ Bút Thần do anh Nguyễn Văn Phương làm chủ nhiệm (nói theo thời đó anh là người đứng tên manchette). Tên tờ báo do anh Phương chọn từ trước. Tôi là người mướn manchette của anh sau khi tôi ngưng khai thác tờ Điện Tín. Anh Phương nhận một số tiền hàng tháng không nhiều, chỉ hơn phóng viên chút ít. Nhưng anh đã đi cùng với chúng tôi suốt thời gian tồn tại của tờ báo, cho đến khi nó bị rút giấy phép xuất bản. Phải liên tục hầu tòa với tư cách chủ nhiệm, vì báo liên tục bị tịch thâu, anh Phương không bao giờ than phiền hay tỏ ra sợ hãi. Ngày ra số cuối cùng tôi viết một xã luận của tôi tố cáo quyết liệt chính sách báo chí của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
Lúc làm tờ Bút Thần, tôi đã ‘‘tẩy chay’‘ quốc hội Sài Gòn, không còn dự các phiên họp của Hạ nghị viện và mở một quán ăn trên đường Trương Định, trước cửa công viên Tao Đàn, sát bên cơ quan PX – một siêu thị dành riêng cho nhân viên và lĩnh Mỹ, giao dịch bằng đồng đô la đỏ chỉ được sử dụng tại miền Nam Việt Nam. Đó quán ăn đầu tiên mà vợ tôi, Nguyễn Thị Quỳnh Nga – làm chủ.
Một sáng đứng trước quán, tôi nhận ra một người cao gầy, miệng móm xọm ngồi đánh cờ dưới một gốc me trên lề đường. Đó là nhà báo Tô Nguyệt Đình (tên thật Nguyễn Bảo Hóa), tác giả cuốn tiểu thuyết được rất nhiều người đọc vào những năm 50: “Bộ áo cà sa đẫm máu”. Khi tôi mới gia nhập làng báo, còn là một phóng viên tập sự ở hai tờ báo Thanh ViệtBình Minh (năm 1963 - 1964) tôi đã có cơ hội làm việc chung và học hỏi với bác Đình (tôi gọi ông Đình bằng bác vì tuổi ông Đình lớn hơn cha tôi). Tánh tình bác Đình rất hiền từ, kín đáo nhưng vui vẻ. Tôi nhớ mãi nụ cười móm xọm và hồn nhiên của ông.
Tôi bước ra khỏi quán và đi lại chỗ ông. Khi đứng sát bên ông tôi lấy tay khều nhẹ. Không phải vì quá mê đánh cờ mà ông không thấy tôi đến gần. Thật sự, tuy ngồi có vẻ chăm chú đánh cờ nhưng ông quan sát chung quanh và từ xa rất kỹ. Khi tạm ngưng chơi cờ, bước ra một mình nói chuyện với tôi, ông hỏi nhỏ: “Có việc gì không ông Chung?”. Đã nhiều ngày nay, tôi có ý định cho đăng lại tiểu thuyết “Bộ áo cà sa đẫm máu” trên tờ Bút Thần dưới hình thức một “feuilleton”, tức truyện đăng nhiều kỳ. Truyện này đăng lại vẫn “ăn khách”, nhưng mặt khác cũng là cách giúp thêm thu nhập cho ông. Ông lại nói: “Tụi nó đang theo dõi tôi. Ông Chung nên xem lại có tiện cho tờ báo hay không?”. Tôi trả lời: “Bác cứ yên tâm, đó là việc của tôi”. Và sau đó chuyện “Bộ áo cà sa đẫm máu” xuất hiện lại trên tờ Bút Thần.
Tờ Bút Thần tồn tại chỉ được nửa năm thì phải đóng cửa do sắc luật báo chí 007/72 của chính quyền Thiệu ban hành với mục đích hết sức rõ ràng là tiêu diệt các tờ báo đối lập, chỉ duy trì các tờ báo của chính phủ (tờ Dân Chủ), của quân đội (tờ Tiền Tuyến), và của đảng phái đồng minh với chế độ như tờ Bình Minh, sau này là cơ quan ngôn luận chính thức của Phong trào Cấp Tiến. Tờ Bình Minh ra đời năm 1963 ngay sau khi nhóm tướng lãnh đứng đầu là Dương Văn Minh lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Tướng Minh và Võ Văn Ứng (chủ nhiệm Bình Minh) là bạn của nhau, từ thời ông Minh còn là thủ môn đội bóng đá Thủ Dầu Một (bây giờ là Bình Dương), còn ông Ứng là ông bầu đội này. Giai đoạn đầu (1963-1964), tôi có tham gia tờ báo, lúc đó tờ Bình Minh có một lập trường tiến bộ. Do những năm sau này không có liên lạc gì với ông, tôi không biết lý do gì ông tham gia chính trị và có tên trong ban lãnh đạo của Phong trào Cấp Tiến, thực chất là đảng Tân Đại Việt trước đây (lãnh tụ của đảng này là giáo sư Nguyễn Ngọc Huy giảng dạy tại Học viện quốc gia Hành chánh).
Sắc luật 007/72 bắt buộc mỗi tờ nhật báo phải đóng ký quỹ 20 triệu đồng (lúc ấy tương đương 47.000 USD), còn báo định kỳ thì 10 triệu. Nếu không nạp đủ số tiền đó, thì tờ báo bị rút giấy phép. Luật có điều khoản ưu đãi đặc biệt cho những tờ báo thuộc các đảng phái được chính quyền cấp phái lai (tức cho phép hoạt động). Các đảng phái hợp pháp này, đương nhiên thân chính quyền, báo của họ chỉ đóng phân nửa tiền ký quỹ, 10 triệu đồng (như tờ Bình Minh). Các tờ báo có đủ tiền, đóng ký quỹ tại Tổng nha Ngân khố trong một trương mục có lãi. Trương mục này do chủ nhiệm, chủ bút, hoặc quản lý đứng tên dành để bảo đảm việc thanh toán các “ngân hình án phí” và tiền bồi thường thiệt hại cho dân sự nguyên cáo định kỳ trong những bản án tuyên xử liên quan đến những vi phạm điều khoản luật này. Ông tổng giám đốc Ngân khố sau khi nhận được bản án, đương nhiên khấu trừ số tiền ký quỹ. Số tiền ký quỹ phải luôn luôn đầy đủ theo luật định. Khi số tiền ký quỹ bị khấu trừ thì ngay sau khi nhận được thông báo của tổng giám đốc Ngân khố, tờ báo phải đóng thêm cho đủ số tiền ký quỹ trong thời hạn 15 ngày. Nếu không, tờ báo bị coi như tự đình bản, hoặc cơ sở phát hành bị coi như tự ý ngưng hoạt động. Nếu tiếp tục hoạt động sẽ bị truy tố.
Ngoài sắc luật 007/72 còn qui định tờ báo nào bị tịch thu lần thứ hai do có bài vi phạm an ninh quốc gia và trật tự công cộng sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn (trước khi có luật này, chẳng hạn tờ Điện Tín lúc tôi làm chủ bút 1970-1971, mỗi tuần ít nhất cũng bị tịch thu một, hai lần; ra tòa chỉ bị phạt miệng và tờ báo chẳng đóng phạt đồng nào!). Có vài con số thống kê đáng chú ý như sau: từ vụ xử đầu tiên theo sắc luật 007/72 (tờ báo bị đưa ra Tòa án Quân sự Mặt trận Biệt khu thủ đô đầu tiên là Điện Tín ngày 18-8-1972) cho đến hết năm 1973 có tất cả 228 vụ tịch thu và truy tố báo chí. Trước đó khi chưa có sắc luật 007/72, từ tháng 12-1969 đến tháng 8-1972 có đến 5.000 vụ “vi phạm luật báo chí” cũ (luật 019/69).
Theo dõi phiên đầu tiên của Tòa án Quân sự Mặt trận xử tờ báo Điện Tín, chiếu theo Sắc luật 007/72, có thể thấy phần nào sự vận hành của tòa án lúc đó trong một vụ án báo chí. Tờ Điện Tín do ê kíp mới phụ trách nội dung gồm các anh Hồ Ngọc Nhuận, Dương Văn Ba, Lý Chánh Trung với tiền đóng ký quỹ do một tư sản trong ngành in ấn hỗ trợ.
Lý do Điện Tín bị đưa ra tòa: vi phạm an ninh quốc gia. Ngày 18-8-1972 nhật báo Điện Tín đăng tải một thống kê về trọng lượng và số bom mà các phi cơ Mỹ đã ném xuống Đông Dương và Việt Nam. Theo tài liệu ấy số lượng bom được sử dụng ở đây nhiều hơn cả số lượng bom mà Mỹ sử dụng trong đại chiến thế giới thứ hai. Bộ nội vụ yêu cầu Công tố viên truy tố tờ Điện Tín. Tội danh trong vụ truy tố này là ‘‘phổ biến tin tức và tài liệu có thể phương hại đến an ninh quốc gia’‘ (vi phạm điều 28 đoạn a trong sắc luật 007/72). Sau đây là tường thuật phiên tòa do các báo lúc đó ghi lại:
‘Phiên xử báo chí đầu tiên trước tòa theo sắc luật 007/72 diễn ra lúc 9 giờ sáng ngày thứ sáu 22-9-1972. Chủ nhiệm kiêm chủ bút Điện Tín là nghị sĩ Hồng Sơn Đông do có tư cách nghị sĩ nên được hưởng quyền bất khả xâm phạm, vì vậy bà quản lý của tờ báo phải thay mặt chủ nhiệm, bị coi là ‘‘chánh phạm’‘.
Câu hỏi đầu tiên của tòa là: ‘‘Quản lý nhật báo Điện Tín, bà có kiểm soát bài vở trước khi cho in không?”. Bà quản lý trả lời: ‘‘Tôi chỉ biết lo về tiền bạc cho tờ báo, không có thẩm quyền kiểm soát bài vở của tòa soạn”. Tòa mời đại diện bộ Nội vụ ra xác nhận có yêu cầu truy tố nhật báo Điện Tín hay không. Vì đại diện bộ Nội vụ cho rằng số lượng bom phi cơ Mỹ dội xuống Việt Nam là con số quá lớn, nhật báo Điện Tín phổ biến con số đó gây hoang mang cho dư luận, làm phương hại cho an ninh quốc gia. Tòa hỏi bộ Nội vụ có con số nào để so sánh hoặc làm mức đo lường sự quá đáng, bộ Nội vụ trả lời không có. Tòa hỏi xuất xứ tài liệu được đăng tải. Trái với dự đoán của những người có mặt, báo Điện Tín không dựa vào điều 22 qui chế báo chí (được Sắc luật 007 thừa nhận) để từ chối trả lời câu hỏi này mà luật sư thay mặt tờ báo xuất trình bản chính tài liệu xuất xứ từ Viện Đại học Cornell (Hòa Kỳ). Tòa hỏi ủy viên chính phủ có ý kiến gì. Vị này trả lời:
‘‘Tài liệu có thật nhưng phổ biến có hại cho an ninh quốc gia”.
Tranh luận trước tòa và biện hộ cho nhật báo Điện Tín, luật sư Bùi Chánh Thời nêu lên ba phản biện quan trọng:
a) Tranh luận vài trò của người quản lý
Ai cũng biết, trong một nhật báo, chịu trách nhiệm về bài vở là chủ nhiệm hay chủ bút. Đó là bàn về phương diện lý thuyết. Trong thực tế, thư ký tòa soạn đảm nhận công việc ấy. Không một nhật báo nào trên thế giới để người quản lý kiểm soát bài vở. Vai trò thuần túy của quản lý là điều hành tờ báo về mặt hành chánh. Bắt người quản lý chịu trách nhiệm về bài vở là một điều vô lý.
b) Nguyên tắc cá biệt của hình phạt.
Theo nguyên tắc tổng quát của luật hình thì chỉ có hành vi là bị trừng phạt. Cá nhân không có hành vi phạm tội thì không thể bị trừng phạt. Từ điểm này ta đi tới một nguyên tắc lớn hơn nữa là sự cá biệt của hình phạt. Viên quản lý nhật báo Điện Tín không có hành động phạm tội lại bị coi là chánh phạm.
c) Yếu tố phổ biến
Biên bản của bộ Nội vụ có ghi rõ là tịch thu báo Điện Tín trên máy in. Số báo đề ngày 16 tháng 8 năm 1972 nhưng bị tịch thu tất cả trong buổi chiều ngày 15 tháng 8 năm 1972. Như vậy không hề có yếu tố phổ biến để buộc tội nhật báo Điện Tín theo điều 28 đoạn a Sắc luật 007/72 ghi lại (dùng báo chí phổ biến).
Cần phải nhắc nhở ở đây là luật báo chí 1881 của người Pháp đã sửa đổi vào năm 1945 có ghi rõ: “Muốn viết gì thì viết nhưng nếu chưa phổ biến thì vẫn còn nằm trong tư tưởng, do đó chưa thành tội phạm và không thể bị trừng phạt”. Người làm báo mong muốn được nghe giải thích thế nào là gây hoang mang, thế nào là phá hoại an ninh quốc gia, nhưng sự giải thích đó không bao giờ có được. Điều này có thể làm nhà báo nghĩ rằng đây là trường hợp ‘‘người ta tịch thu trước rồi tìm lý do truy tố sau”. Để kết luận, luật sư Bùi Chánh Thời xin tòa tha bổng cho nhật báo Điện Tín và chiếu điều 20 sắc luật 007/72, luật sư Thời xin phản tố trước tòa để đòi bồi thường 1.000.000 đồng thiệt hại.
Về điểm này ủy viên chính phủ trả lời:
“Theo văn bản tổ chức của Tòa án Quân sự Mặt trận thì tòa này không có thẩm quyền truyền bồi thường”.
Sau khi nghe ủy viên chính phủ buộc tội gắt gao, tòa nghị án và trở ra tuyên án: phạt quản lý tờ nhật báo Điện Tín 01 năm tù ở và 1.000.000 đồng tiền vạ.
Tranh luận qua lại có vẻ dân chủ nhưng thực tế tòa án vẫn nằm trong tay của chế độ Thiệu và khi tuyên án dứt khoát theo ý muốn của chính quyền.
Sắc luật 007 được ông Thiệu ký ngày 5-8-1972 khiến cho 16 tờ báo ngày và 15 tờ báo định kỳ phải đóng cửa.
Về phần tôi với tờ nhật báo Bút Thần, dĩ nhiên không đào đâu ra số tiền tương đương 47.000 USD để đóng ký quỹ, duy trì công cụ đấu tranh của mình. Phẫn nộ, uất ức nhưng cũng đành chịu. Tôi cùng dân biểu Nguyễn Hữu Chung tổ chức họp báo tại trụ sở Hạ nghị viện tố cáo tổng thống Thiệu đang dùng bàn tay sắt siết chặt báo chí và bóp nghẹt dân chủ. Mặt khác tôi không thể chờ ngày hết hạn xuất bản tờ Bút Thần (theo luật 007) và chấp nhận lệnh đóng cửa tờ báo một cách ngoan ngoãn. Tôi quyết định đóng cửa Bút Thần trước ngày hết hạn, đánh lạc hướng chính quyền và tổ chức một số báo cuối cùng với bài xã luận nẩy lửa lên án chế độ. Theo luật lúc ấy các báo phải nộp lưu chiểu và đưa lên Bộ thông tin kiểm duyệt đầu giờ chiều (2 giờ) rồi hai tiếng đồng hồ sau mới được phát hành. Tuy nhiên thường các báo vừa nộp lưu chiểu là phát hành ngay, phòng ngừa trường hợp bị tịch thu thì cũng thoát ra khỏi tòa soạn một số lượng báo khá lớn rồi. Trong trường hợp bị kiểm duyệt nhiều chỗ thì điều chỉnh ngay và cho in lại một số lượng báo tượng trưng để nộp cho Bộ thông tin đợt hai. Những chỗ bị kiểm duyệt, đục trắng, tòa soạn phải in thêm vào đó hàng chữ viết tắt: TYĐB, có nghĩa ‘‘Tự ý đục bỏ”. Đây là chuyện làm rất khôi hài của Bộ thông tin bởi không có độc giả nào (kể cả báo chí nước ngoài) lại không biết rằng những chỗ bị đục ấy là do lệnh của Bộ thông tin chứ có báo nào…tự ý đục bỏ đâu!
Ngày Bút Thần ra số cuối cùng, tôi cho in báo rất sớm. Chưa đi nộp lưu chiểu, tôi cho báo phát hành luôn lúc 12 giờ chưa. Khi lệnh tịch thu đến thì trong nhà in chẳng còn tờ báo nào. Hàng chục cảnh sát ập vào, lúc soát tứ tung. Không còn báo để tịch thu, họ tịch thu những bản chì còn nằm trên các máy in. Một nhóm truyền hình Mỹ, do tôi điện thoại mời, có mặt đúng lúc để ghi nhận cảnh tịch thu báo và cũng là sự phản kháng công khai đầu tiên của báo chí đối với sắc luật 007/72 của chính quyền Thiệu. Tôi còn nhớ khi truyền hình CBS phỏng vấn tôi bên cạnh máy in thì chủ nhà in đứng gần đó như muốn nói điều gì. Tôi nghĩ chắc ông chủ nhà in phản ứng lại tôi vì để cho báo chí nước ngoài vào nhà in của ông mà không hỏi ý kiến ông và ông sợ rằng sẽ bị chính quyền gây khó khăn về việc này.
Cuộc phỏng vấn vừa kết thúc, tôi liền đến gần ông. Thật là một bất ngờ: ông không hề phản đối những gì đang xảy ra mà còn bảo tôi “Ông dân biểu nhắc họ nhớ quay cái bảng hiệu nhà in”. Bảng hiệu nhà in là Tường Anh, nằm trên đường Gia Long (nay là Lý Tự Trọng), ngay ở ngã tư cắt ngang bởi đường Thủ Khoa Huân hướng từ chợ Sài Gòn đi lên. Ông chủ nhà in xuất thân là một cậu bé bán báo dạo, lớn lên làm đại lý “báo cổ động”. Lúc này tại Sài Gòn có ba hệ thống chính phát hành các báo: 1. Hệ thống cổ động, chỉ phát hành trong Sài Gòn với hàng trăm trẻ em nhỏ ôm báo chạy bán khắp nơi. Đây là hệ thống tiêu thụ báo mạnh nhất, và cũng hoàn tiền cho các báo sớm nhất (chỉ một hai ngày sau khi báo phát hành). ‘‘Trùm’‘ hệ thống này là ông Hai Chí. 2. Hệ thống Đô thành, cũng phát hành chủ yếu trong Sài Gòn nhưng qua các sạp báo cố định. Các báo thâu tiền thường chậm hơn, khoảng một tuần. Đứng đầu hệ thống này là ông Tư Paul 3. Hệ thống Nam Cường, phát hành khắp các tỉnh miền Nam. Thường 15-20 ngày sau, Nam Cường mới hoàn tiền cho các báo. Ngoài báo, Nam Cường còn phát hành sách.
Ông chủ nhà in Tường Anh đã lập nghiệp bằng sức lao động của mình từ một đứa trẻ bán báo cổ động. Sau này tôi mới biết trong số các con của ông có người hoạt động trong hàng ngũ những người cộng sản.
Trong số báo Bút Thần cuối cùng, ngoài sự lên án sắc luật 007/72 dành độc quyền ra báo cho những kẻ giàu có- báo chí của giai cấp tư bản – tôi còn có một tuyên bố trong bài xã luận: vĩnh viễn không cầm viết nữa. Thế là sau khi “tẩy chay” Quốc hội – không đi họp nữa – tôi “tẩy chay” viết! Cùng một lúc tôi mất đi hai diễn đàn đấu tranh. Nhiều năm sau nhìn lại, tôi vẫn không biết mình có những quyết định đó đúng hay sai. Nếu xét về mặt áp lực chính trị tức thời, dĩ nhiên các quyết định “tẩy chay” quốc hội để phản đối cuộc độc diễn của ông Thiệu và tự đóng cửa báo để tố cáo sắc luật 007/72 đều có tác dụng. Nhưng tính đường dài thì tiếp tục hoạt động trong Quốc hội và tìm cách duy trì tờ báo vẫn có lợi hơn chăng?
Từ cuối năm 1972, tôi chỉ có hai hoạt động để tiếp tục nuôi dưỡng tinh thần của mình: dự các buổi họp hàng tuần vào ngày thứ sáu trong nhóm Dương Văn Minh và tham gia các cuộc xuống đường do anh Hồ Ngọc Nhuận chủ xướng.
Nhưng cuộc xuống đường mà tôi sắp kể lại sau đây – “Ngày ký giả đi ăn mày” – thì không do anh Nhuận nhúng tay vào mà thuộc 4 tổ chức báo chí ở Sài Gòn đứng ra tổ chức: Hội chủ báo, Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt, Nghiệp đoàn ký giả Việt Nam và Hội ái hữu ký giả. Cũng cần nói qua về hai Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt và Việt Nam. Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt được thành lập trước, trước khi có Hiệp định Genève 1954. Các hội viên gồm tất cả các nhà báo hoạt động tại Sài Gòn. Sau 1954, nhiều nhà báo miền Bắc di cư vào Nam xuất bản nhiều tờ báo mới và thành lập Nghiệp đoàn ký giả Việt Nam. Có một sự khác biệt ngấm ngầm giữa giới cầm bút tại Sài Gòn và giới cầm bút từ miền Bắc di cư vào. Các ký giả Sài Gòn đa số có thái độ chính trị hoặc độc lập hoặc chống chính quyền, rất nhiều trong số họ là những cựu kháng chiến, không kể một số không ít đang hoạt động bí mật cho cộng sản. Trong khi đó đa số ký giả từ miền Bắc vào năm 1954 đều có lập trường chống cộng và ủng hộ chính quyền, từ thời Ngô Đình Diệm cho đến Nguyễn Văn Thiệu. Trước ‘‘Ngày ký giả ăn mày’‘, hai Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt và Việt Nam hầu như không hợp tác với nhau. Chính do sự ra đời của sắc luật 007/72 đã làm họ xích lại gần nhau. Nhưng sâu xa hơn, sự đoàn kết giữa hai Nghiệp đoàn còn xuất phát từ tình hình suy sụp uy tín và thế lực của chính quyền Thiệu vào cuối năm 1974. Khi sắc luật 007/72 được ban hành vào năm 1972, đó là thời điểm quyền lực của tổng thống Thiệu được củng cố mạnh mẽ nhất. Ông ta dùng bàn tay sắt để kiểm soát báo chí (trước đó ngày 11-5-1972, tổng thống Thiệu đã ban hành lệnh thiết quân luật). Nhưng sau khi Hiệp định Paris được ký kết ngày 27-01-1973, chính quyền Thiệu yếu dần. Các lực lượng chống cộng tại miền Nam hiểu rằng Mỹ đang chuẩn bị bỏ rơi chính quyền của Thiệu nên sự điều chỉnh lại thái độ chính trị và giữ một khoảng cách nào đó đối với chính quyền là cần thiết. Những người ủng hộ Nguyễn Văn Thiệu đang lần lượt bỏ ông.
“Ngày ký giả đi ăn mày” là cuộc xuống đường lớn nhất và được quần chúng công khai ủng hộ đông nhất trong thời kỳ chống Mỹ và chính quyền Thiệu. Về mặt công khai, cuộc xuống đường này như đã nói có bốn tổ chức báo chí khởi xướng, nhưng chỉ cần nhìn vào những nhân vật dẫn đầu cuộc biểu tình thì biết ai đứng sau lưng sự kiện lịch sử này của báo chí miền Nam: ngoài chủ tịch Nghiệp đoàn Nam Việt Nguyễn Kiên Giang, các nhà báo lão thành như Nam Đình (chủ báo Thần Chung và sau là Đuốc Nhà Nam), Trần Tấn Quốc (chủ nhiệm tờ Tiếng Dội Miền Nam và là người khởi xướng giải Thanh Tâm cải lương) còn có nhà văn – nhà báo Tô Nguyệt Đình tức Nguyễn Bảo Hóa, nhà báo Văn Mại (cựu tổng thư ký tòa soạn báo Buổi Sáng), Quốc Phượng, nhà thơ – nhà báo Kiên Giang Hà Huy Hà đều là cán bộ cộng sản chính cống!
Chính quyền Thiệu đã biết trước cuộc xuống đường này vì trong làng báo có khá nhiều ký giả giả, ký giả chỉ điểm, ký giả làm việc cho trung ương tình báo. Nhưng chính quyền vẫn không ngăn chặn hoặc phá vỡ cuộc tổ chức xuống đường. Cuộc xuống đường lấy hình ảnh “ký giả ăn mày” để tố cáo sắc luật 007/72 đã khiến cho nhiều ký giả phải chịu cảnh thất nghiệp do nhiều tờ báo bị đóng cửa vì không có tiền đóng ký quỹ. Chính vì vậy nên mỗi ký giả tham dự cuộc xuống đường đều được Ban tổ chức phát cho một nón lá, một bị đệm của người ăn xin (đeo vào cổ) và một cây gậy. Lực lượng chính hỗ trợ cho các nhà báo là các dân biểu – nghị sĩ đối lập, trong đó có nhiều người đồng thời là nhà báo như anh Hồ Ngọc Nhuận, Nguyễn Hữu Chung và tôi. Cuộc xuống đường diễn ra ngày 10 tháng 10 – 1974, xuất phát từ trụ sở của Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt, nằm trên đường Lê Lợi, giáp đường Tự Do (nay là đường Đồng Khởi). Lộ trình dự định của đoàn biểu tình là tuần hành trên đại lộ Lê Lợi, nhắm thẳng chợ Bến Thành là nơi có đông đảo quần chúng chờ đợi. Nhưng ngay trước trụ sở Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt, một rừng dày đặc cảnh sát dã chiến án ngữ không cho đoàn biểu tình vượt qua đường Nguyễn Huệ. Tôi có mặt cùng một số dân biểu và nhà báo lão thành ở hàng đầu, cũng nón lá, bị, gậy; chạm mặt trực tiếp với hàng rào cảnh sát. Về phần mình, tôi chủ trương dùng tình cảm và sự thuyết phục để đột phá qua hàng rào. Tôi nói với người cảnh sát đứng trước mặt tôi với cái khiên tre chắn ở giữa: “Anh có nhiệm vụ của anh là ngăn chặn biểu tình, tôi có nhiêm vụ của tôi với tư cách đại biểu của dân. Giữa tôi và anh chẳng có thù ghét gì. Tôi đẩy tới, anh đẩy lùi lại thì có sao đâu”. Thật sự trước các nhà báo, các dân biểu – nghị sĩ và nghệ sĩ – trí thức rất hiền lành, lực lượng cảnh sát cũng không hăng hái lắm để ra tay đàn áp nếu họ không bị khiêu khích hoặc kích động làm mất đi sự bình tĩnh. Do đó khi đám đông “ký giả ăn mày” rướn tới một cách quyết liệt là hàng rào cảnh sát tự vỡ ra và dòng người biểu tình cuồn cuộn đổ ra đại lộ Lê Lợi như dòng sông đổ ra biển. Người dân hai bên đường hoan hô đoàn biểu tình, nhiều người hào hứng nhập vào đoàn, nhất là thanh niên học sinh. Đến chợ Bến Thành, những người buôn bán trong chợ ào ra “bố thí” các ký giả ăn mày, nhét vào bị của chúng tôi đủ thứ bánh trái và quà tặng khiến cho hình ảnh ký giả đi ăn mày càng đậm nét. Trên báo Điện Tín ngày 10-10-1974, anh Lý Chánh Trung ghi lại cảm tưởng của anh như sau: “Trong một tiếng đồng hồ, từ công trường Lam Sơn đến chợ Bến Thành, rồi từ chợ Bến Thành về công trường Lam Sơn tôi có cảm tưởng đang bềnh bồng trôi trên biển, bị cuốn ra khơi rồi đưa trả về bờ”.
Cả hai đài VOA (Tiếng nói Hoa Kỳ) và BBC (Anh) nhìn nhận đây là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ 3 năm qua.
Tuy nhiên, cuộc xuống đường của ký giả ăn mày ngày 10-10-1974, dù rầm rộ và gây một ảnh hưởng lớn trong dư luận vẫn diễn ra khá hòa bình. Trái hẳn với màn ‘‘hậu ký giả ăn mày” diễn ra tối hôm đó và ngày hôm sau, ‘‘chiến tranh’‘ đã thật sự nổ ra giữa đoàn biểu tình và lực lượng cảnh sát, sự đàn áp không nương tay và có cả máu đổ.
Sau khi đoàn biểu tình giải tán, một số anh em nhà báo và dân biểu lui về trụ sở của Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt ở đầu đường Lê Lợi, đối diện với trụ sở Hạ nghị viện (tức Nhà Hát Thành Phố). Lý do tập hợp tiếp ở đây là để canh giữ những quà biếu nhận được từ quần chúng. Điều mà anh em không ngờ là phía lực lượng cảnh sát bị khiển trách nặng sau cuộc biểu dương lực lượng khá tự do của các nhà báo, đang chuẩn bị ‘‘chuộc tội’‘. Cảnh sát đặt bộ phận chỉ huy dã chiến của họ trên lầu nhà hàng Rex ngó xéo qua trụ sở Nghiệp đoàn ký giả. Giám đốc cảnh sát Đô thành Trang Sĩ Tấn là người trực tiếp chỉ huy cuộc đàn áp này. Tôi không có mặt tại trụ sở Nghiệp đoàn lúc đó vì phần sau không nằm trong kế hoạch chung, mà do một số anh em tự biên tự diễn.
Sáng sớm hôm sau tôi trở vào Hạ viện mới hay chuyện xảy ra đêm qua. Thời đó đâu có điện thoại cầm tay để thông báo cho nhau những sự kiệc bất ngờ như thế. Anh em kể: lúc giờ giới thiệu, cảnh sát tập trung lực lượng, từ phía chợ Bến Thành ào tới trụ sở Hạ Nghị Viện và Trung tâm báo chí. Hàng rào của anh em dân biểu mới lập ra bị xé bởi một trận mưa dùi cui. Nhiều anh em bị đánh rất đau. Nặng nhất là danh dân biểu bác sĩ Đinh Xuân Dũng, đơn vị Bình Thuận. Anh Dũng còn bị cảnh sát túm lôi và ném lên xe, chở đi mất. Anh em nhanh chóng trao đổi với nhau. Anh Hồ Ngọc Nhuận đề nghị, nếu anh Đinh Xuân Dũng không được trả về trước khi trời sáng, thì ta sẽ mở đợt tấn công mới thật “bốc lửa”. Tất cả tán thành. Chiếc LaDalat được chất đầy một đống vỏ xe cũ và mấy can xăng. Nếu bị tấn công, anh Nhuận sẽ lái xe phóng vào sân Hạ Viện, rồi sẽ tính tiếp… Chuẩn bị xong đâu đấy thì có một chiếc xe Jeeps cảnh sát chạy tới trước trụ sở Ủy ban. Từ trên xe, anh Đinh Xuân Dũng bị ném xuống. Anh em vội chạy ra khiêng vô.
Tôi được nghe anh Đinh Xuân Dũng nói với anh em “Tui đã mổ và cứu sống cho nhiều đứa tụi nó, vậy mà tụi nó vẫn thẳng tay với tôi. Chẳng có tình nghĩa gì”. Dân biểu Dũng từng là bác sĩ quân y. Trên mặt và trong người anh có nhiều thương tích nhưng cũng không quá nặng. Anh em – không chịu thua ông Thiệu và giám đốc cảnh sát Trang Sĩ Tấn – đã nghĩ ra kế độc để đánh trả lại, hoặc ít ra cũng tạo được một xì –can-đan để hạ uy tín của chính quyền Thiệu. Tham gia vào kế hoạch này có các bác sĩ giám đốc và phó giám đốc Bệnh viện Sùng Chính: Bác sĩ Lê Khắc Quyến và bác sĩ Nguyễn Văn Mẫn (Bác sĩ Mẫn từng là thị trưởng Đà Nẵng trong cuộc nổi loạn tại miền Trung năm 1966 của quân đội và Phật giáo).
Bác sĩ Dũng được bí mật đưa vào bệnh viện Sùng Chính rồi từ đó được đưa trở lại Hạ viện bằng xe cứu thương và trên một băng ca.
Xe cứu thương không đưa dân biểu Dũng (được băng bó kín mít như đang trong tình trạng nguy kịch) thẳng đến trụ sở Hạ viện vì lúc này cảnh sát tập trung rất đông trên đường Tự Do, đối diện với trụ sở. Chiếc xe cứu thương xuất hiện từ đường Hai Bà Trưng, ở phía sau Hạ viện, hoàn toàn bất ngờ, khiến cho cảnh sát canh chừng trụ sở Hạ viện không kịp trở tay. Một số dân biểu và nhà báo được báo trước đã trực sẵn ở đó. Ba dân biểu, trong đó có tôi, cùng một nhà báo vội vàng kê vai vào khiêng chiếc băng ca đi vòng ra phía trước Hạ viện và đặt xuống ngay tại tiền sảnh. Trên thềm Hạ viện nhìn thẳng con đường Lê Lợi dài đến chợ Bến Thành không thấy bóng một người dân thường nào. Toàn cảnh sát rằn ri và cảnh sát chìm. Trung tâm Sài Gòn lúc này không khác một thành phố ma. Tôi đoán biết giám đốc cảnh sát Đô thành Trang Sĩ Tấn đã được lệnh thẳng tay đàn áp, kể cả báo chí nước ngoài nếu tìm cách quay phim cuộc biểu tình. Mấy hôm trước, tay quay phim người Mỹ của hãng truyền hình CBS ghi hình cuộc đàn áp một số nữ sinh tham gia cuộc biểu tình đã bị cảnh sát chìm đánh ‘‘bề hội đồng’‘ một cách hết sức dã man, máy quay phim bị đập nát còn bản thân anh thì các đồng nghiệp phải đưa vào nhà thương cứu cấp.
Biết chuyện gì đang chờ đợi mình, nhưng anh em không chùn bước và tiến hành giai đoạn tiếp theo của kế hoạch đã định: khiêng chiếc băng ca có bác sĩ Dũng nằm trên đó đến Tòa án Sài Gòn trên đường Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) để nằm vạ đòi công lý. Đoàn biểu tình sẽ trực chỉ đại lộ Lê Lợi, sau đó rẽ sang đường Công Lý và tiến tới hướng Tòa án. Tôi là một trong bốn người khiêng băng ca. Vào cái tuổi 34, chơi quần vợt mỗi ngày không dưới ba set đơn, có ngày chơi đến bốn set, sức khỏe của tôi cực tốt. Khi đoàn biểu tình di chuyển ngang qua bùng binh Nguyễn Huệ, thẳng xuống đường Lê Lợi, cảnh sát dàn hai bên đường với đầy đủ binh khí chống biểu tình, nào súng phóng lựu đạn cay, lựu đạn ói, khiên, gậy v.v… vẫn nhẹ tay cho qua. Bọn “cảnh sát chìm”, mặt lầm lì lăm le tấn công đám đông biểu tình nhưng vẫn chờ lệnh. Những người biểu tình ngán nhất là bọn này. Chúng được Trang Sĩ Tấn dùng vào những việc mà cảnh sát sắc phục không thể hành động công khai!
Khi đoàn biểu tình sắp sửa đến ngã tư Lê Lợi – Công Lý thì lực lượng cảnh sát mới can thiệp quyết liệt. Bọn cảnh sát chìm cũng được tung vào. Chúng tấn công từ mọi phía. Nào lựu đạn cay, lựu đạn ói, gậy gộc v.v… ập vào đoàn biểu tình. Chúng kéo những cuộn kẽm gai “concertina” ra, đầu tiên là rào quanh đoàn người biểu tình để ngăn chận di chuyển. Rồi chúng siết vòng rào “concertina” mỗi lúc một hẹp lại như kéo lưới bắt cá trong đìa. Tôi và anh em không thể tiếp tục khiêng cái băng ca tiến lên nữa, phải đặt băng ca xuống đường để đối phó với dây kẽm gai kéo giăng tứ phía. Một cuộn kẽm gai “concertina” kéo sát vào chỗ băng ca, gần chạm vào mặt của bác sĩ Dũng nhưng bác sĩ Dũng vẫn gan lì bất động như không hay biết chuyện gì xảy ra. Cảnh sát “nắn gân” bệnh nhân chính trị. Thấy bác sĩ Dũng không động đậy, chúng dừng tay. Đúng lúc đó, tôi nghe một tiếng “huỵch” ở phía sau, quay lại thấy linh mục Lan nằm sóng xoài dưới đất, người vắt ngang lề đường, đầu trút xuống mặt đường còn hai tay thì bụm ngay “chỗ đó”. Anh vẫn còn bình tĩnh để thông báo với anh em “Tụi nó đánh trúng Dinh Độc Lập của tôi rồi”. Tình hình đang căng thẳng nhưng anh em không thể nín cười được. Tôi định đến đỡ cha Lan lên thì bỗng linh cảm có chuyện bất thường ở sau lưng. Tôi vội nhìn lại thì đúng lúc một tên cảnh sát chìm cầm gậy định tấn công tôi. Tôi trừng mắt nhìn anh ta “Anh định đánh lén tôi à? Tôi và anh có thù oán gì với nhau đâu?”. Dùng những lời lẽ như thế với một cảnh sát chìm rõ ràng là không phù hợp nhưng nó lại có tác dụng làm hắn ta phải khựng lại.
Cha Lan người rất gầy, cao 1,66 – 1,67 mét và chỉ cân nặng khoảng 42-43 ký, nhưng khi tham gia biểu tình thì hăng nhất và cũng “ăn đòn” nhiều nhất. Trước khi bị đánh trúng “Dinh Độc Lập”, cha Lan bị cảnh sát của Thiệu cho “nhảy sóng” trên cạn ngay tại công trường Lam Sơn, sát bùng binh có đài nước nằm giữa ngã tư Lê Lợi và Nguyễn Huệ. Cha Lan lái chiếc xe ô tô kiểu “con cóc” – tôi không nhớ hiệu gì – đi từ hướng chợ Bến Thành đến Hạ viện, nơi đông đảo anh em tập hợp để chuẩn bị một cuộc xuống đường. Nhưng ô tô của cha Lan vừa đến địa điểm trên thì bị lực lượng cảnh sát chặn lại. Lúc này cả khu vực trung tâm thành phố đều cấm các loại xe và người đi bộ qua lại. Đường vắng tanh. Những người làm việc ở tầng trên các cao ốc xung quanh núp sau các cửa sổ nhìn xuống.
Sau khi buộc ô tô dừng lại, cảnh sát yêu cầu cha Lan xuống xe. Nhưng cha Lan nhất định không xuống. Họ định lôi anh xuống xe, nhưng cha Lan nhất định không xuống. Họ định lôi anh xuống xe, nhưng cha Lan khóa các cửa xe từ bên trong. Thế là cảnh sát không làm sao “túm” được ông, dù vẫn nhìn thấy ông ngồi tỉnh bơ trong xe. Họ tức điên lên. Từ trên thềm Hạ viện, các dân biểu theo dõi diễn tiến cuộc đối đầu của cảnh sát với ông Lan không khác hình ảnh mấy con mèo đang tìm cách vồ con chuột trong cái lồng. Một đoạn phim Tom và Jerry cho người lớn. Để áp lực với ông Lan, họ hè nhau nhấc chiếc ô tô lên, cho nó nghiêng qua bên này rồi bên kia, liên tục như chiếc tàu con bị các cơn sóng dữ vồ liên tục. Bên trong xe, cha Lan khi thì bị hất văng qua bên trái, khi thì văng qua sát vào phía cửa bên phải, tội nghiệp làm sao, nhưng bạn bè ông không làm sao can thiệp vì cả khu vực này đã bị lực lượng cảnh sát cô lập. Ông Lan chịu đựng như thế cho đến khi mấy người “bạn dân” tay chân rã rời phải tự bỏ cuộc…
… Trở lại cuộc xuống đường với ý định đưa chiếc băng ca có bác sĩ Dũng trên đó đến Tòa án nhưng bị hàng rào “concertina” chận lại – cuối cùng thì đoàn biểu tình không đến được mục tiêu, phải trở lại Hạ viện, nhưng ảnh hưởng của cuộc xuống đường này rất lớn. Thêm một cú đấm hạ uy tín chính quyền Thiệu đang sa sút vào thời điểm này (1974).
… Trong bài tố cáo sắc luật 077/72 trên báo Bút Thần số cuối cùng, tôi có viết: dứt khoát không làm báo, viết báo trong chế độ Thiệu. Nhưng thực tế không dễ dàng như thế, cái nghiệp báo chí vẫn đeo đẳng tôi. Sau khi nghỉ làm báo một thời gian ngắn, kỹ sư Võ Long Triều, cựu bộ trưởng Bộ thanh niên dưới thời chính phủ Nguyễn Cao Kỳ, có kế hoạch xuất bản một tờ nhật báo lấy tên Đại Dân Tộc. Anh Triều, khá mạnh về tài chính, chấp nhận đóng tiền ký quỹ như sắc luật 007/72 qui định (20 triệu). Biết rằng hai tờ báo Tiếng Nói Dân TộcTin Sáng, trước khi đóng cửa, là những tờ báo có nhiều độc giả, anh Triều thuyết phục tôi cùng anh và anh Hồ Ngọc Nhuận ký chung một “tuyên ngôn” trên số báo ra mắt. Đây là một cách quảng cáo tờ Đại Dân Tộc là sự kết hợp hai tờ Tiếng Nói Dân TộcTin Sáng. Lúc đầu tôi từ chối vì biết rằng tuy lúc này anh Triều cũng hoạt động đối lập nhưng anh vẫn có khá nhiều quan điểm về chính trị khác tôi. Nhưng anh Nhuận cùng anh Triều đến tận nhà tôi hai lần “lôi” tôi cho được vào tờ báo. Cuối cùng tôi nhận lời vì nể anh Nhuận là chính. Tờ Đại Dân Tộc ra được một thời gian ngắn, tôi không lui tới tòa soạn nữa. Còn anh Nhuận theo nó một thời gian rồi cũng rút vì cuối cùng nó lộ ra là tờ báo có lập trường chống cộng rất dứt khoát.
Nhưng cuối cùng tôi vẫn cầm bút trở lại theo lời mời của anh Lý Chánh Trung và anh Dương Văn Ba khi hai anh này làm tờ Điện Tín. Thực tế vào cận thời điểm này, việc tìm kiếm một diễn đàn để bày tỏ quan điểm là hết sức cần thiết. Tiếp tục giữ thái độ “tẩy chay” chính quyền mà treo bút là không thiết thực và hoàn toàn bất lợi.