Chương 3
Chuyến xuất ngoại đầu tiên với tư cách nhà báo

Quyền hành vô tay, Nguyễn Cao Kỳ hành xử một cách hết sức mạnh bạo. Lúc này các tướng lãnh thế hệ trước, có ảnh hưởng ngay sau ngày đảo chính chế độ Diệm đã lần lượt bị loại ra khỏi sân khấu chính trị miền Nam. Trước khi tướng Nguyễn Khánh đi làm “đại sứ lưu động”, thật sự là lưu vong tại Mỹ, thì trung tướng Trần Thiện Khiêm ngày 4-10-1964 cũng đã lên đường thực hiện “chuyến viếng thăm thiện chí” một số nước châu Á vô thời hạn (ông bắt đầu cuộc sống lưu vong khá dài hạn tại Đài Loan). Ban lãnh đạo “Tam đầu chế” do Nguyễn Khánh dựng lên cuối tháng 8 -1964 gồm ông ta, tướng Khiêm và tướng Dương Văn Minh chỉ tồn tại ngắn ngủi. Sau Nguyễn Khánh và Trần Thiện Khiêm, đến lượt tướng Dương Văn Minh bắt buộc rời Sài Gòn và sống lưu vong tại Thái Lan.
Nhân vật Nguyễn Cao Kỳ lúc đầu được người Mỹ xem như một nhân vật lãnh đạo trẻ và triển vọng trong nhóm tướng tá mà báo chí Mỹ và Pháp gọi là “Les jeunes Turcs” (Lực lượng trẻ đang lên). Nhưng sau đó tướng Kỳ mất dần sự tự tin tưởng của Tòa Bạch Ốc. Nguyễn Cao Kỳ ăn nói bộc trực và khá bạt mạng. Với những ai có cơ hội gần gũi ông, có thể nhận ra khía cạnh thẳng thắn trong con người của ông. Nhưng so sánh với Nguyễn Văn Thiệu bình tĩnh, tính toán và nhiều mưu mô, Nguyễn Cao Kỳ bị người Mỹ đánh giá là hời hợt và bốc đồng trong các tuyên bố và hành động. Ông dễ để lộ ra nhiều sơ hở cho đối thủ khai thác. Nguyễn Văn Thiệu là tướng làm chính trị, có một đời sống kín đáo hơn, ăn nói kỹ lưỡng từng lời, còn Nguyễn Cao Kỳ vừa võ biền lại “nặng phần trình diễn”. Mỹ nhận ra họ khó “nắm” Kỳ hơn Thiệu. Với Kỳ, họ phải đối đầu trước nhiều bất trắc hơn. Chính vì vậy cuối cùng Mỹ chọn Nguyễn Văn Thiệu đưa vào vai trò tổng thống chứ không phải Nguyễn Cao Kỳ. Đó là một mối hận không bao giờ phai của Kỳ đối với người Mỹ.
Tôi có một số lần gặp cả hai người nhưng không đi xa hơn mối quan hệ công khai và chính thức giữa một nhà báo và sau đó một dân biểu Quốc hội với những người đang nắm quyền. Riêng Nguyễn Cao Kỳ, khi ông không còn chức vụ nào nữa, hoàn toàn bị Mỹ và Nguyễn Văn Thiệu loại ra khỏi guồng máy quyền lực, tôi có dịp gặp lại ông một cách tình cờ một buổi trưa (năm 1974) tại CLB Xẹc Tây, tức CSS (Cercle Sportif Saigonnais, nay là Cung Văn hóa Lao Động). Lúc đó tôi đang chơi tennis ở sân số 1. Ông Kỳ vào Xẹc cũng với ý định đánh tennis. Chính ông Kỳ gợi ý với tôi đấu một set. Ông Kỳ chơi quần vợt trước tôi khá lâu; tôi chỉ bắt đầu tập đánh từ năm 1971 tại CLB CSV (Cercle Sportif Vietnamien, nay là CLB Hồ Xuân Hương). Trận đấu thách thức ấy có cá độ, tôi thắng với tỷ số 6-3. Ông vui vẻ ra lệnh cho các đàn em không quân bắt độ theo ông gom tiền thanh toán trận thua ấy.
Trở lại giai đoạn Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ tịch Ủy ban hành pháp (thủ tướng) có lắm chuyện để kể khi ông mới nhậm chức. Chính phủ Kỳ là chính phủ duy nhất tại Sài Gòn đã ra quyết định đóng cửa tất cả các báo ngày (lúc đó Sài Gòn có khoảng 40 tờ báo ngày). Đây là lần đầu tiên Sài Gòn trải qua những ngày không có báo!
… Khi Kỳ cho báo chí xuất bản lại thì chỉ có 12 tờ được cấp phép. Ông Kỳ hô hào “thắt lưng buộc bụng” và chống tham nhũng nhưng đàn em của Kỳ nắm ty cảnh sát ở các quận Sài Gòn – Chợ Lớn là những con cá mập hối lộ và tham nhũng. Mặc dù thế, tướng Kỳ vẫn muốn mình nổi bật trong vai trò chống tham nhũng. Ông đã chọn một mục tiêu cho ý đồ của mình: đó là Tạ Vinh, một doanh nghiệp người Hoa giàu có nổi tiếng ở Chợ Lớn. Theo chính phủ của Kỳ thì Tạ Vinh phạm tội ăn gian sắt thép ở một công trình xây dựng cho quân đội Mỹ mà Tạ Vinh đã trúng thầu. Sắt thép ăn bớt này được Tạ Vinh tuồn ra chợ đen.
Một “pháp trường cát” dựng tại bờ tường trụ sở hỏa xa, nằm bên hông bùng binh chợ Sài Gòn được chính phủ Kỳ quảng cáo như một biểu tượng chống tham nhũng. Chính tại đây Tạ Vinh bị đem ra hành quyết.
Tướng Kỳ chống tham nhũng nhưng mỉa mai thay, ông lại bị chính báo chí Mỹ tố cáo nằm trong danh sách các tướng tá Sài Gòn trước 1975 có tham gia vào buôn bán ma túy. Để thanh minh dư luận tố giác này, trong cuốn hồi ký mới nhất của mình (Buddha’s Child – Đứa con cầu tự), ông Kỳ kể rằng ông có một người chị ruột lớn hơn ông 10 tuổi, một “con cừu ghẻ” trong gia đình, tên là Nguyễn Thị Lý, rời Việt Nam sang sống tại Lào từ sau Thế chiến thứ hai. Tại đây, Thị Lý trở thành một tay buôn bán ma túy”. Ông Kỳ nói: “Chính do người chị này mà có dư luận cho rằng Thị Lý và tôi cùng hợp tác buôn bán ma túy”. Ông Kỳ kể tiếp rằng trong thời kỳ ông làm thủ tướng, chị ông có trở về Sài Gòn và đại tá Nguyễn Ngọc Loan, tổng giám đốc cảnh sát, nắm được tin này đã tìm đến phòng trọ của Thị Lý để kiểm tra, lục xét, nhưng không thấy gì! Có một thực tế là trái ngược với nhiều tướng lãnh Sài Gòn giàu có khi di tản ra nước ngoài, tướng Kỳ trải qua một cuộc sống thường thiếu thốn tiền bạc… Nhưng, điều đó có đủ chứng minh sự trong sạch của ông chăng?
Đầu tháng 10-1965, giám đốc Sở báo chí của Bộ thông tin là Hoàng Nguyên cho tôi biết trong danh sách các nhà báo được mời tham gia chuyến thăm chính thức sắp tới của Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương đến Đại Hàn (tức Nam Triều Tiên) có tên tôi. Chuyến viếng thăm này của Nguyễn Cao Kỳ nằm trong cuộc vận động của chính phủ Sài Gòn tìm kiếm sự ủng hộ của các nước đồng minh trong khu vực.
Chưa bao giờ đi ra nước ngoài, cơ hội này đối với tôi thật hấp dẫn. Tôi có hỏi giám đốc báo chí Bộ Thông tin tại sao tôi được chọn vào danh sách này và được ông ta tiết lộ hết sức bất ngờ: Thủ tướng Kỳ bảo Nha báo chí phải mời “cái anh ký giả Nguyễn Lý hay viết bài chống tôi”. Lúc đó tôi ký bút danh Nguyễn Lý trên các bài xã luận và phóng sự của mình trên tờ Bình Minh và thường chỉ trích chính phủ Kỳ. Bút danh Nguyễn Lý kết hợp họ của tôi và họ của vợ tôi.
Nhưng ngay lập tức tôi sực nhớ mình đang trong tình trạng “không hợp lệ quân dịch”! Lúc ấy lệnh gọi quân dịch còn đích danh từng người. Một buổi trưa đầu năm 1965, tôi ngồi trước sân nhà của cha mẹ tôi ở đường Nguyễn Minh Chiếu (nay là Nguyễn Trọng Tuyển) thì có một người đến tìm gặp Lý Quý Chung. Tôi hỏi lại có việc gì không và được trả lời “Có lệnh gọi Lý Quý Chung nhập ngũ”. Dĩ nhiên tôi nói rằng Lý Quý Chung không có ở nhà và từ chối nhận giấy triệu tập! Thế là từ đó tôi bị liệt vào thành phần “không hợp lệ tình trạng quân dịch”, tức trốn lính. Khi tôi vào Học viện Quốc gia hành chánh (1963), tôi được hưởng quyền miễn quân dịch trong suốt thời gian theo học tại đây. Nhưng qua năm 1964 nghỉ học, đương nhiên tôi sẽ bị gọi nhập ngũ năm 1965! Trong năm 1965, tôi vẫn sử dụng tấm thẻ sinh viên màu vàng 3 sọc đỏ của HVQGHC để đối phó với các cuộc chận xét bắt quân dịch trên đường phố. Lá bùa hộ mệnh ấy không còn hiệu quả nữa khi bước vào năm 1996. Về mặt giấy tờ chính thức, hồ sơ ở quân đội và cảnh sát, thì tên tôi bất hợp pháp ngay từ đầu năm 1965. Do đó vào thời điểm tôi được ghi tên vào danh sách ký giả đi Nam Triều Tiên (tháng 10 -1965) trên nguyên tắc tôi không thể lọt qua khâu làm thủ tục ở Tổng Nha Cảnh sát Đô thành. Lúc đầu vì sợ lộ chuyện trốn quân địch, tôi có ý định bỏ cuộc. Nhưng sau đó tôi dò hỏi và biết được các ký giả tháp tùng theo thủ tướng sẽ được cấp thông hành công vụ, có nghĩa làm thẳng thủ tục ở Bộ Ngoại giao chứ không qua Tổng nha Cảnh sát. Như thế có khả năng tôi không bị lộ.
Chuyến đi Nam Triều Tiên là chuyến xuất ngoại đầu tiên trong cuộc đời tôi. Nhưng đó cũng là một chuyến xuất ngoại nhớ đời. Phái đoàn chính phủ Việt Nam Cộng hòa viếng thăm chính thức Nam Triều Tiên theo lời mời của thủ tướng nước này. Tháp tùng đoàn có phó thủ tướng (tướng Nguyễn Hữu Có) và các phu nhân cùng một số thành viên nội các. Điều không thể tưởng tượng về chuyến đi này là: Một phái đoàn cấp cao quốc gia nhưng đi đứng rất tự do và vô trật tự. Các sĩ quan đi theo “phò” chủ tướng Nguyễn Cao Kỳ đều thuộc binh chủng không quân, bạn bè thân thiết cũ hoặc đàn em tâm phúc của ông ta cho nên bất kể vấn đề tôn ti trật tự trong đoàn.
Khi chiếc Caravelle vừa rời khỏi sân bay Tân Sơn Nhất một lúc thì đoàn tháp tùng ngồi phía sau máy bay gần ngay một dòng sòng bài bửu chơi bằng đô la Mỹ. Có lúc phu nhân của Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ - bà Đặng Tuyết Mai cũng rời phòng VIP tham gia cuộc vui một cách rất tự nhiên. Các sĩ quan không quân cao cấp đều là bạn của hai vợ chồng bà. Nhưng cứ ra một lúc thì bà Kỳ lại bị ông Kỳ gọi vào! Phải nhìn nhận rằng ông Nguyễn Cao Kỳ khi trở thành Thủ tướng rất ít thay đổi trong đối xử với bạn bè cũ của ông thời hàn vi.
Tôi cũng được mời tham gia sòng bạc lưu động trên cao mấy ngàn mét ấy. Tôi chỉ mang theo khoảng 250 USD, do vợ gom góp từ đủ thứ tiền, kể cả mượn của cha mẹ. Thế mà khi máy bay còn 25 phút đến Hán Thành (tức Seoul) thì tôi chỉ còn vỏn vẹn 30 USD! Tôi chuẩn bị tinh thần tham quan Đại Hàn một cách lành mạnh và khắc khổ. Nhưng may mắn đã trở lại với tôi. Khi còn 10 phút nữa máy bay đáp xuống Seoul, tôi thắng lại gần đủ số tiền đã thua.
Trong những ngày viếng thăm chính thức Nam Triều Tiên của phái đoàn chính phủ Sài Gòn, người được báo chí và dư luận nước này chú ý không phải là nhân vật chính Nguyễn Cao Kỳ mà là vợ của ông. Tôi còn nhớ hình ảnh bà Kỳ mặc chiếc áo dài màu xanh “turquois” (ngọc lam) đứng bên cạnh chồng tại sứ quán Sài Gòn ở Seoul trong cuộc tiếp tân chính thức đẹp làm sao! Không đề cập các mặt khác, nói về sắc đẹp, bà Tuyết Mai là một hoa khôi (trước khi trở thành vợ của Nguyễn Cao Kỳ, bà đã là một hoa khôi trong hàng ngũ nữ tiếp viên hàng không Air Việt Nam). Tuy nhiên sắc đẹp của bà không được người dân Sài Gòn và miền Nam ngắm nhìn một cách bình thường và thiện cảm. Bà Tuyết Mai không can thiệp vào các công việc của chồng và cũng không bị tai tiếng hối lộ tham nhũng như các bà vợ tướng tá khác. Nhưng cách bà xuất hiện – có lẽ theo ý chồng – như một siêu người mẫu hay một diễn viên điện ảnh, trước công chúng giữa lúc đất nước chìm trong khói lửa đã gây nên sự dị ứng, thậm chí gây “sốc” đối với số đông. Hình ảnh bà Kỳ từng mặc bộ đồ phi công, quần áo liền nhau, màu vàng nghệ chói lọi như một thứ thời trang cao cấp đi bên cạnh chồng cũng ăn mặc như thế, không được người dân Sài Gòn chấp nhận.
Trong chuyến đi Nam Triều Tiên, có một sự việc liên quan giữa ông Kỳ và tôi mà đến bây giờ tôi vẫn không quên: khi quân đội Mỹ đưa toàn chính phủ Sài Gòn tham quan bằng trực thăng một điểm cao ở khu vực Bàn Môn Điếm (sát ranh giới Nam – Bắc Triều Tiên), thời tiết ở đây lạnh dưới 0 độ, nhưng tôi chỉ mặc một áo len bên trong và một áo vét bên ngoài, do đó không đủ để chống lại cái rét dữ dội. Lúc mọi người dừng lại trước một lều đóng quân của Mỹ để uống trà ngoài trời, hai hàm răng của tôi đánh lập cập thành tiếng không sao kềm lại được. Tướng Nguyễn Cao Kỳ đứng cách tôi chừng hai mét đột nhiên quay lại hỏi tôi: “Nhà báo không mang theo pardessus à?”. Tôi trả lời: “Thưa không”. Trước khi đi tôi vẫn nghĩ Nam Triều Tiên lạnh cũng ngang Đà Lạt mà thôi! Ông Kỳ lại quay sang nói với viên sĩ quan tùy viên của mình: “Cậu hãy lấy cái pardessus dư của tôi cho nhà báo mặc”. Tôi hết sức bất ngờ. Lúc đó tôi chỉ là một nhà báo mới vào nghề vô danh. Chắc chắn ông Nguyễn Văn Thiệu sẽ không có một cử chỉ như thế. Nhưng cũng cần hiểu thêm con người của Kỳ đầy những mâu thuẫn: sự chân thành chen lẫn với những cuộc trình diễn kiểu diễn viên kịch; một mặt muốn sắm vai người hùng kiểu Lương Sơn Bạc nhưng cách nói năng đao to búa lớn và kiểu ăn mặc lập dị lại tạo cho ông một hình ảnh không nghiêm túc. Ông đã tự chế cho mình một kiểu áo mặc riêng, nửa lai Ấn Độ nửa lai Trung Quốc thời Mao Trạch Đông! Ngày 15-7-1965, trong một lúc cao hứng Nguyễn Cao Kỳ tuyên bố với một tờ báo tiếng Anh rằng một trong những “thần tượng” của ông là Adolf Hilter, tên độc tài Đức quốc xã bị cả thế giới nguyền rủa! Nhưng sau đó ông gặp sự phản ứng kịch liệt trong nước và quốc tế, ông Kỳ đã nói lại là ông chỉ ngưỡng mộ Hilter ở cách Hilter đoàn kết được dân tộc Đức!
Hãy trở lại chuyến đi có lắm chuyện để kể của phái đoàn chính phủ Nguyễn Cao Kỳ tại Nam Triều Tiên. Sau mấy ngày viếng thăm chính thức, đoàn chuẩn bị sáng hôm sau lên đường trở về nước. Nhưng chiều tối trước khi giã từ Seoul, một số sĩ quan cao cấp thân thuộc của ông Kỳ đã tìm gặp bà Kỳ “đề đạt nguyện vọng của nhiều người trong đoàn” muốn ở lại Seoul thêm một ngày để có thời gian “shopping”. Từ “shopping”, tôi được nghe lần đầu đời mình trong dịp này. Ông Kỳ tán đồng ngay. Sáng hôm sau thủ tướng Nam Triều Tiên đến khách sạn Chosun cổ kính với mục đích tiễn đưa đoàn của Thủ tướng Sài Gòn về nước đành ra về và hôm sau phải tiễn lại. Tại Sài Gòn, việc phái đoàn Nguyễn Cao Kỳ ở lại Seoul thêm một ngày không thông báo kịp đến các đoàn ngoại giao nên phòng VIP ở sân bay Tân Sơn Nhất đầy nghẹt các đại sứ ra đón phái đoàn theo đúng thủ tục ngoại giao. Vợ tôi cũng ra đón hụt! Chẳng ai hiểu chuyện gì đã xảy ra bên Seoul.
Đi shopping ở Seoul, tôi mua ít trà sâm và một cái đồng hồ hiệu Seiko lúc đó rất mốt. Chiếc đồng hồ này sẽ có riêng một “lịch sử” của nó.
Đoàn rời Seoul đúng ngày lễ Song thập của Đài Loan. Tôi nhớ rất rõ ngày này vì rằng khi máy bay sắp sửa vào không phận Đài Loan trên đường về Sài Gòn, ở khoang sau nhóm sĩ quan tùy tùng lại “kiến nghị” với bà Kỳ đoàn nên đáp xuống Taipei chơi, vì hôm nay là lễ Song thập (tức Quốc Khánh) của Đài Loan. Bà Kỳ thấy có lý và vào phòng VIP năn nỉ chồng. Khoảng một phút sau, ông Kỳ xuất hiện trước cửa phòng VIP và thông báo với đoàn: “Đoàn ta sẽ dừng lại Taipei một hôm”. Thế là tại Sài Gòn, các đoàn ngoại giao có mặt tại phi trường Tân Sơn Nhất lại lũ lượt kéo nhau ra về một lần nữa vì thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ lại dời ngày về. Và vợ tôi lại đón tôi hụt lần thứ hai.
Tại Taipei, khi được phái đoàn thủ tướng Việt Nam Cộng hòa thông báo từ trên máy bay cuộc viếng thăm đầy bất ngờ, chính phủ Đài Loan không thể không lúng túng. Vì đúng vào ngày lễ lớn của mình, Đài Loan không còn chỗ trong các khách sạn sang trọng để đón khách ở hàng quốc gia. Rốt cuộc họ đã phải khẩn trương dồn khách ở một số khách sạn để dành chỗ cho đoàn của chính phủ Sài Gòn! Thật không thể tưởng tượng phái đoàn của một chính phủ lại có thể bất chợt ghé nơi này nơi khác như một tay du lịch ba- lô.
Chưa hết. Sáng hôm sau các đoàn ngoại giao Sài Gòn lại được thông báo dời ngày đón thủ tướng lần thứ ba vì rằng khi cả đoàn đã ngồi vào máy bay chuẩn bị rời phi trường Taipei thì phát hiện chiếc Caravelle bị trục trặc bộ phận xăng. May mà sự cố này được phát hiện kịp thời nếu không thì không biết chuyện gì xảy ra!
Máy bay phải cần một ngày để sửa chữa. Thế là đại diện chính phủ Đài Loan lại phải rước trở đoàn vào thành phố Taipei và lại dồn khách của họ lần nữa để có chỗ dành cho đoàn của ông Kỳ tá túc thêm một đêm. Sáng hôm sau, máy bay sửa chữa xong, đoàn mới về đến Sài Gòn.
Chuyến đi ra nước ngoài lần đầu của tôi là như thế và đây cũng là dịp đầu tiên tôi tiếp cận với ông Nguyễn Cao Kỳ. Cuộc tiếp cận này để lại trong tôi một kỷ niệm khó quên vì cử chỉ đẹp của ông nhưng mặt khác lại là một sự thất vọng lớn đối với một nhân vật đang là đại diện một chính phủ.
Với tôi và nhiều người Sài Gòn lúc đó vẫn tiếp tục ảo tưởng vào ông Trần Văn Hương để có một chính phủ đại diện miền Nam một cách đàng hoàng. Một số người cho rằng ông Hương sở dĩ không làm được việc ở cương vị thủ tướng (cuối năm 1964) là do sự cố tình gây khó khăn của tướng Nguyễn Khánh. Nhiều người trí thức miền Nam coi ông Hương là một nhân vật trong sạch, ngay thẳng, không màng danh lợi. Dù ông Hương đã bị Nguyễn Khánh lật đổ và quản thúc trong một biệt thự tại Vũng Tàu, nhưng các học trò của ông trong Hội Liên Trường vẫn nuôi hi vọng đưa ông trở lại chính trường. Tôi cũng nghĩ không có một lựa chọn nào khác. Từ Nam Triều Tiên trở về, tôi cùng một người bạn đi ra Vũng Tàu tìm cách thăm ông. Tôi mang biếu cho ông những gòi trà sâm mua từ Seoul và nhân dịp này cảm ơn ông đã tạo điều kiện cho tôi xuất bản tờ Sài Gòn Tân Văn (đã bị chính phủ Phan Huy Quát đóng cửa). Lần tiếp xúc đầu tiên ấy với ông Hương gây cho tôi một ấn tượng mạnh mẽ. Ông có một nghệ thuật chinh phục người đối diện một cách khá dễ dàng. Giọng nói Nam Bộ của ông mộc mạc, thân tình. Đối nghịch lại thân hình cục mịch và một cái bụng rất to, nặng nề như một con gấu là những cử chỉ nhỏ nhẹ, tình cảm và một nụ cười rất hiền lành. Trong khi nói chuyện thỉnh thoảng ông phải hỏi lại vì nghe không rõ. Ông cho biết ông bị bệnh lãng tai sau thời gian bị Tây (Pháp) bắt nhốt khi ông hoạt động chống Pháp. Về cái bệnh lãng tai của ông Hương, mãi sau này tôi mới khám phá ra rằng tai ông bị nghễnh ngãng một cách có chọn lọc: ông nghe rất bình thường nếu câu chuyện chẳng có gì làm ông bất bình; nhưng sẽ nghễnh ngãng ngay khi ông không muốn nghe một nội dung nào đó mà ông không hài lòng.
Cuối cuộc viếng thăm ông tại Vũng Tàu hôm đó, một sự kiện bất ngờ xảy ra khiến cho tôi vô cùng xúc động: ông bảo tôi hãy cởi chiếc đồng hồ tôi đang đeo trên tay ra và liền đó ông tháo chiếc đồng hồ trên tay ông và mang vào tay tôi. Một cuộc trao đổi vật kỷ niệm vô cùng vinh dự cho tôi. Khi tôi rời khỏi biệt thự, nơi ông Hương bị quản thúc, gặp lại người bạn ngồi ngoài ô tô chờ tôi thì mới hiểu rằng đây không chỉ đơn thuần là một cuộc trao đổi “vật lưu niệm” vì cái đồng hồ Seiko tôi vừa mua ở Seoull giá không bằng 1 phần 10 so với cái đồng hồ của cựu thủ tướng Trần Văn Hương. Người bạn của tôi là một thầu khoán, rất sành điệu về các loại đồng hồ, nói cho tôi biết ông Hương đã đeo vào tay tôi chiếc Rolex giá nhiều trăm đô la! Thì ra ngoài cử chỉ trao đổi kỷ niệm đây còn là một cách kín đáo biếu cho tôi một món quà khá đắt tiền. Nhưng với tôi giá trị lớn nhất của chiếc đồng hồ đó vẫn là vật kỷ niệm từ một người mình từng ngưỡng mộ.
Sau đó nhiều lần tôi trở ra Vũng Tàu thăm ông, tránh cho ông bớt cảnh cô độc bởi ít người dám đến gặp ông trong tình trạng biệt thự bị canh gác, những người lui tới đều bị chụp ảnh. Có khi tôi ra cùng vợ và đứa con trai đầu lòng của tôi. Vợ tôi nấu cho ông ăn cái món mắm và rau mà ông rất thích. Có lần thằng con trai lớn của tôi, Lý Quí Hùng, lúc đó khoảng 4 tuổi, nằm chung với ông Hương trên cái võng to (được người thân đặt đan đặc biệt cho ông) đưa tay rờ vào bụng ông và hỏi: “Ông ơi sao cái bụng ông to quá?” thì được ông Hương trả lời một cách rất hài hước làm thằng nhỏ khoái chí: “Ông nuốt trong bụng một con chó”. Vào thời điểm ấy, ông Hương mê hoặc cả ba thế hệ trong gia đình tôi: cha tôi, tôi và con tôi. Nhưng rồi những diễn tiến của sân khấu chính trị những năm sau này sẽ làm lộ ra một Trần Văn Hương rất khác với những gì giới trí thức Sài Gòn nghĩ về ông và chờ đợi ở ông. Thần tượng “Ông già gân” – người ta yêu mến gọi ông như thế những năm 1964-1965 – khi sụp đổ, đã gây thất vọng sâu sắc trong nhiều người trí thức miền Nam: “Ông già gân” thật sự chẳng gân gì!
Khi trở về Sài Gòn, tôi lại phải đối diện với thực tế không hợp pháp về tình trạng quân dịch của mình. Từ khu dân cư đông đúc ở Cầu Chong, Tân Định, mỗi ngày tôi đi ô–tô–buýt đến chợ Bến Thành, rồi từ đây đi bộ đến tòa soạn báo Bình Minh trên đường Nguyễn Thái Học. Chiều về cũng bằng ô–tô–buýt. Phương tiện ô –tô–buýt thường tránh được các chốt cảnh sát chặn xét giấy tờ quân dịch. Nhưng có một lần xe chạy ngang chợ Tân Định thì bị chặn lại. Cảnh sát rằn ri ào lên và đứng bít cả hai cửa lên xuống. Hành khách được lệnh bước ra khỏi xe từng người một, cảnh sát nhìn mặt từng hành khách, ai còn ở tuổi quân dịch thì bị xét giấy tờ. Tôi nghĩ trong bụng hôm nay mình hết cửa thoát rồi. Làm thế nào nhắn tin cho vợ mình biết đây nếu bị bắt?
Nhưng khi đến lượt tôi bước xuống xe thì không hiểu sao không một nhân viên cảnh sát nào ra hiệu tôi đứng lại để xét hỏi. Thế là tôi cứ bước xuống xe rồi nhắm thẳng hướng chợ Tân Định đi càng lúc càng nhanh, với sự hồi hộp có thể bị gọi lại bất cứ lúc nào. Tôi vẫn không hiểu tại sao mình lại thoát khỏi cuộc chặn xét hết sức gắt gao đó. Có lẽ trên chuyến xe ô–tô–buýt ấy chỉ có mỗi mình tôi là thắt cà vạt một cách trịnh trọng, không có dáng vẻ gì là một kẻ trốn quân dịch chăng? Cái thói quen đi làm thắt cà vạt, dù trong túi đôi khi không còn một đồng nào – đã cứu tôi?
Năm 1965 ấy đặc biệt hết sức khó khăn đối với cái gia đình nhỏ bé của tôi. Trước đó, khi còn ở chung với cha mẹ tôi trong một biệt thự trên đường Nguyễn Minh Chiếu (Phú Nhuận) thì hầu như chúng tôi chẳng tốn kém gì riêng, thêm nữa đồng lương của tôi ở báo Bình Minh rất khá. Nhưng cuộc sống chung không kéo dài suôn sẻ vì mẹ tôi không hài lòng với cô dâu mà bà đã bị con trai mình áp đặt phải cưới. Sự thiếu khéo léo và tế nhị của tôi trong vai trò làm con và làm chồng cũng góp thêm phần căng thẳng. Cha mẹ tôi không đồng ý chút nào việc tôi bỏ học nửa chừng tại Học viện quốc gia hành chính và lấy vợ. Thế là cơn giận dữ của mẹ tôi đổ trút lên vợ tôi. Mẹ tôi cho rằng làm vợ mà không khuyên lơn được chồng, để chồng bỏ học đi làm báo là không làm tròn vai trò làm vợ! Trong con mắt của mẹ tôi, thủ phạm làm tôi hư hỏng – cãi cha mẹ lấy vợ sớm, không đi Pháp để học thành tài, bây giờ lại bỏ học đại học nửa chừng – chính là vợ tôi. Bà không thể chấp nhận việc một cô gái nào đó bên quận Tư - một quận lao động – đột nhiên xuất hiện và “bắt sống” thằng con trai trưởng của bà (!)
Vợ tôi dù cố gắng làm tròn bổn phận làm dâu nhưng vẫn không thuyết phục được mẹ tôi. Cha mẹ tôi rất phong kiến: con trai có lỗi hay bê bối việc gì, ông bà không la rầy con trai mình mà lại gọi con dâu lên hỏi tội. Có những lúc cha tôi giận tôi không chịu xuống nhà ăn cơm nằm luôn trên lầu, vợ tôi phải thay tôi lên xin lỗi ông, có khi phải quỳ lạy ông mới hết giận và xuống ăn cơm! Dĩ nhiên tối đến khi chỉ còn hai vợ chồng trong phòng, vợ tôi không thể tiếp tục nén nhịn những đau khổ và ấm ức phải òa khóc. Lúc ấy tôi mới 23, còn vợ tôi 22, nhưng chúng tôi đã có một đứa con trai và vợ tôi đang mang thai đứa thứ hai.