Phạm Lãi tự Thiếu Bá. Ông giữ chức Đại Phu nước Việt vào cuối đời Xuân Thu. Khi Ngô vtương Phù Sai đưa quân áp sát Cối Kê, thì ông cực lực chủ trương nghị hòa, và đã thu được thành công. Về sau, ông theo Việt Vương là Câu Tiễn đến nước Ngô để làm con tin ba năm, chịu đủ thứ gian khổ. Trong khi ở tại nước Ngô, ông được Ngô Phù Sai tín nhiệm về nhiều mặt, và đã bảo đảm để Câu Tiễn được trở về nước. Ông và một đại thần khác là Văn Chủng, đã đề xuất nhiêu mưu lược, nhằm chữa trị vết thương chiến tranh, phát triển sản xuất, làm cho nước Việt ngày càng giàu mạnh, và cuối cùng đã theo Việt Vương tiêu diệt được nước Ngô. Trong khi cả nước vui mừng trước sự thắng lợi, thì ông không màng chi danh lợi, mạnh dạn tự rút lui sau khi sự nghiệp đã thành công. Ông từ bỏ con đường sĩ hoạn, tới nước Tề lo việc buôn bán, và trở thành Đào Châu Công giàu có bậc nhất ở đó. Sự tích Phạm Lãi được hậu thế lưu truyền, và ông đã trở thành một người tiêu biểu về mặt biết tự rút lui đúng lúc, và được mọi người khen ngợi. 1. Đại Biến Lúc Giữa Đêm Một dòng sông nhỏ chảy ngưng chân núi Trữ La. Nước sông trong trẻo, phản ánh những vầng mây trắng trên bầu trời xanh. Trên dòng sông thỉnh thoảng có những chiếc thuyền đánh cá đi ngang. Tiếng hò tiếng hát của những người đánh cá từ những chiếc thuyền chở đầy ắp cá tươi. Những chiếc thuyền này tấp nập đi về hướng thành Chư Ký. Bên bờ sông lúc nào cũng có những người phụ nữ xuống giặt y phục, hoặc xả tơ lụa. Những cậu bé mục đồng, trâu bò xuống bờ sông uống nước. Dòng sông nhỏ này mang đến cho người trong thôn ấp thật nhiều niềm vui. Đây là một buổi chiều mùa Hè. Mặt trời đã chếch bóng và không hề có một tí gió nào. Không khí thật là nóng bức. Tiếng ve sầu kêu vang khắp đó đây. Bông có ba cô gái trẻ búi tóc cao, mặc váy dài, tay xách một bó tơ lớn, bước đi những bước nhẹ nhàng đến bên bờ sông để xả tơ. Họ vừa đi vừa nói cười, khi đến bờ sông, cả ba đều cởi bỏ những chiếc hài thêu đang mang dưới chân ra, đi chân không bước vào một vùng nước sâu tới đầu gối. Họ cảm thấy cả người đều mát lạnh. Một cô gái béo lùn, đã nghịch ngợm tát nước lên người của hai cô gái kia. Hai cô gái bị tát nước cất tiếng cười khanh khách, nói: - Này Đông Thi, chị tấn công hai người chúng tôi, bộ không sợ chúng tôi liên kết tấn công lại chị sao? Cô gái có tên là Đông Thi cũng cất tiếng cười đáp: - Này chị Tây Thi và Trịnh Đán, các chị cứ thử đi nào, em không sợ đâu! Trịnh Đán, một cô gái có thân hình hơi cao, trẻ đẹp, nói: - Chị không sợ thì được rồi. Chờ chút nữa đây, đừng khóc đấy nhé! Cô gái tên là Tây Thi có vóc dáng không béo không gầy, thân người không cao không thấp, đôi mắt to và sáng, dù không cười đôi má cũng hiện rõ hai núm đồng tiền, trông thật duyên dáng, lên tiếng nói: - Trịnh Đán đừng nói dài dòng nữa, chúng ta hãy ăn miếng trả miếng đi nào! Thế là Tây Thi và Trịnh Đán, người đứng bên phải, người đứng bên trái, cùng tát nước tấn công Đông Thi. Nhưng Đông Thi không chịu thua, cô dùng cả hai cánh tay của mình tát nước để phản kích. Nhưng vì chỉ có một mình, cô không thể chống trả lại được hai người. Thời gian kéo dài, y phục của ba cô bị ướt sũng, một cô vội vàng đưa cả hai tay lên cao, nói: - Thôi được! Thôi được! Tôi xin chịu hàng! Tôi Xin đầu hàng! Cả ba cô gái cùng phá lên cười một cách vui vẻ. Đông Thi như chợt nhớ ra điều gì, lên tiếng nói: - Này chị Tây Thi, hôm qua tôi thấy chị cau mày nhăn nhó, trông đẹp ghê, vậy để tôi bắt chước chị xem có đẹp không nào? - Được đấy! Chị bắt chước cho tôi xem thử đi! Đông Thi bèn cau mày nhăn mặt, làm ra vẻ như đang có tâm sự không vui. Tây Thi nhìn qua không nhịn được cười. Trịnh Đán cười ngặt nghẽo đến chảy nước mắt, nói: - Xem chị kìa! Đúng là xấu ơi là xấu! Đông Thi trợn tròn đôi mắt, nói: - Cùng là con gái như nhau, thế tại sao chị Tây Thi cau mày nhăn mặt thì trông đẹp đến như vậy? Trịnh Đán nói: - Đấy là vì bản thân chị ấy đã đẹp sẵn rồi kia mà! Đông Thi bĩu môi, nói: - Nếu nói như vậy, chẳng hóa ra tôi xấu lắm hay sao? - Cái đó... Trịnh Đán không tiện trả lời thẳng. Tây Thi sợ Đông Thi buồn, vội bước đến gần Đông Thi, cầm lấy cánh tay của cô: - Này em ngoan của chị, có ai bảo em xấu đâu? Chúng ta đều là những cô gái trẻ, giống như một đóa hoa tươi vừa hé nở, vậy có đóa hoa tươi nào xấu bao giờ? Có đóa hoa tươi nào mà không làm cho người ta yêu thích? - Đúng vậy. Một đóa hoa đẹp thì ong bướm luôn bay đến dập dìu! - Phải rồi, nếu một đóa hoa mà không có ong bướm bay đến, thì đó là một đóa hoa không đẹp. Khi tiếng cười lặng, trên bờ sông xuất hiện hai chàng công tử ăn mặc sang trọng, thái độ nham nhở. Bốn tia mắt của họ nhìn chăm chú vào những cô gái, trông như những con sói đói chực vồ mồi. Tây Thi nghiêm sắc mặt, nói: - Các anh nên đàng hoàng một tí nhé! Một chàng công tử gầy cao, nhìn qua Tây Thi với đôi mắt say mê, vội vàng cởi giày bước xuống bãi sông, nói: - Em là Tây Thi cô nương phải không? Anh nghe phương danh của em từ lâu rồi. Chúng mình chúng mình làm bạn với nhau nhé? Cha anh đang làm quan to đấy! Một chàng công tứ có dáng dấp béo lùn, cũng nhìn Trịnh Đán qua đôi mắt say mê, nói: - Em...., em là Trịnh Đán cô nương phải không? Anh... Anh mong nhớ em từ lâu rồi, em bằng lòng lấy anh nhé. Nhà anh có nhiều tiền lắm! Hai chàng công tử lẳng lơ bước từng bước đến gần Tây Thi và Trịnh Đán, có vẻ muốn trổ ngón lưu manh. Đông Thi đứng bên cạnh hết sức sợ hãi, buột miệng kêu to: - Bớ người ta! Chàng công từ gầy cao nói: - Có lẽ cô đây là Đông Thi phải không? Đừng có sợ anh em chúng tôi sẽ không đụng chạm gì tới cô đâu. Tây Thi và Trịnh Đán đang đứng dưới nước, vẫn phải lùi ra sau để tránh hai gã thanh niên. Nhưng, cả hai đều sấn tới mục tiêu của mình đã chọn. Gã thanh niên gầy cao đưa tay sờ nhẹ lên má Tây Thi. Tây Thi trợn mắt giận dữ, vun tay tát cho anh ta một cái tát đích đáng. Nhưng gã thanh niên này vẫn tươi cười như thường, nói: - Được lắm! Đánh tức là thương, mắng tức là yêu. Không đánh không mắng thì sao gọi là yêu thương được? Vừa nói, hắn vừa thò tay ôm ngang eo lưng của Tây Thi - Bớ người ta! Bớ người ta! - Đông Thi thấy vậy liền to tiếng kêu cứu. - Dừng tay lại! Sau tiếng kêu cứu là tiếng quát vang rền như tiếng đại hồng chung. Hai gã lưu manh không khỏi giật mình, quay mặt nhìn lại, thấy một người thanh niên mặc áo dài màu lam, diện mạo tuấn tú, mày rậm mắt to, đang từ xa chạy bay tới. Gã thanh niên gầy cao buông Tây Thi ra, trợn đôi mắt hình tam giác của hắn lên, nói: - Thế nào? Tên tiểu tử nghèo kiết, ngươi định can thiệp vào chuyện riêng của người ta hả? Người thanh niên mặc áo màu lam với thái độ nghiêm nghị, nói to: - Chuyện bất bình ở giữa đường thì ai cũng can thiệp được. Tôi không cho phép các anh trêu chọc phụ nữ nhà lành giữa ban ngày ban mặt như thế này! - Mẹ kiếp! Bộ anh đã uống mật gấu rồi chắc? Sao lại dám phá chuyện vui của các cậu đây? Đỡ mau! Gã béo lùn vừa nói vừa đấm một đấm về phía người thanh niên mặc áo lam. Người thanh niên áo lam dùng tay phải đỡ nhẹ một cái... - Ối trời! Gã béo lùn cảm thấy tay như bị tét ra, đau đớn khó tả, buột miệng gào lên một tiếng to. - Xem đây! Gã gầy cao ỷ mình có học võ, nên vội vàng trèo lên bờ sông, giận dử co giò đá mạnh vào người thanh niên áo lam vẫn giữ thái độ bình tĩnh. Người thanh niên áo lam cũng co giò quét ra một cú đá nhanh như gió. Gã thanh niên gầy cao chỉ kịp la lên một tiếng “ối trời" thì té lăn xuống bãi sông. Thế nhưng hai chàng công tử con nhà giàu này vẫn không chịu thôi. Cả hai đứng lên vây đánh người thanh niên áo lam. Chỉ trong chốc lát, cả hai đã bị trừng trị đích đáng. Biết mình không phải là địch thủ của đối phương, nên chúng làm ra vẻ anh hùng hảo hán, vừa bỏ chạy vừa nói cứng: - Được Được. Anh giỏi đấy? Nếu anh gan thì đừng rời khỏi nơi này. Bọn tôi đi một chốc rồi anh sẽ biết! Cả hai bỏ chạy như bay. Tây Thi vội vàng quay sang người thanh niên áo lam, cúi mình thi lễ: - Xin đa tạ đại ca đã dũng cảm cứu giúp chúng em! Người thanh niên áo lam cũng đáp lễ một cách nhã nhặn. Kịp khi nhìn kỹ Tây Thi, thì người thanh niên này không khỏi kinh ngạc, nói: - Cô... Cô là người quốc sắc thiên hương như thế này ư? Tây Thi nghe đối phương khen mình, thẹn thùng cúi đầu không nói chi cả. Trịnh Đán đứng bên cạnh liền lên tiếng: - Té ra anh cũng là phường ong bướm đấy sao. - Không! Không! Tôi... tôi đã thất lễ... đã thất lễ! Người thanh niên áo lam vội vàng nhìn đi nơi khác, lên tiếng xin lỗi. Riêng Đông Thi tỏ ra rất khâm phục thái độ gan dạ cua người thanh niên áo lam, bèn nói: - Hai gã lưu manh vừa rồi đều là bọn mặt chai mày đá cả. Anh chỉ có một người mà không sợ chúng sao? Người thanh niên áo lam đáp: - Đối với lũ người như thế, nếu mình sợ thì cũng chẳng có ích lợi gì. Vì mình càng sợ chúng, chúng sẽ càng làm tới đấy. Tây Thi thấy người thanh niên áo lam khôi ngô, ăn nói trang nhã, lại có tinh thần nghĩa hiệp, dám can thiệp vào chuyện bất bình, nên rất có cảm tình. Cô lên tiếng hỏi: - Xin hỏi tôn tính đại đanh của anh là gì? - Tôi ư? - Người thanh niên áo lam suy nghĩ một chốc, rồi mới nói tiếp - Tôi họ Phạm tên Lãi. Trịnh Đán lắc đầu lia lịa, nói: - Không! Anh nói dối. Phạm Lãi là Đại phu của nước Việt chúng tôi kia mà. Ông ấy đang làm quan to ở đô thành, đâu lại đi một mình lang thang xuống làng quê như thế này đây? Phạm Lãi bèn nói rõ sự thật: - Việc tôi làm quan ở đô thành là đúng. Tôi sở dĩ ăn mặc y phục thường dân đi xuống vùng quê như thế này là muốn tìm hiểu đời sống thật sự của người dân ở mọi nơi. - Hả? Tây Thi không khỏi buột miệng kêu lên một tiếng ngạc nhiên. Cô cảm thấy vị Phạm đại phu trước mặt cô tuy làm quan to nhưng lại không giống quan lại còn ăn mặc giả dạng thường dân đi một mình tìm hiểu đời sống của bá tánh đau khổ. Phạm Lãi bèn cởi chiếc áo dài lam ra, giúp các cô gái giặt xả những cuộn tơ. Ông vừa làm việc vừa hỏi thăm tình trạng gia đình của mỗi cô gái, cũng như hỏi thăm các quan viên ở địa phương có ai tham ô, ngang ngược không kể chi pháp luật không. Ba cô gái đều trả lời đúng theo sự thật. Đôi bên nói chuyện có vẻ rất hợp ý nhau. Sau khi họ xả tơ xong, mặt trời cũng vừa xuống núi. Tây Thi chủ động mời khách: - Thôi chúng ta hãy về, đêm nay xin mời anh đến nhà em. Cha em là người rất hiếu khách. Cha em cũng là người hiểu biết rất nhiều việc ở địa phương. Tối đêm đó, tại sân phơi lúa nơi nhà Tây Thi tập trung rất đông những vị hương thân trong làng. Dưới ánh trăng sáng và gió đêm mát mẻ những người dân quê kể cho Phạm Lãi nghe những nỗi khổ sở của người dân ở thôn quê. Nguyện vọng to nhất của họ là được giảm nhẹ tô và thuế, cũng như đừng bao giờ xảy ra chiến tranh. Họ muốn bá tánh được bình yên làm ăn để cùng nhau xây dựng cho dân giàu nước mạnh. Phạm Lãi nhất nhất ghi nhớ những lời nói của họ vào lòng, và ngỏ ý khi trở về triều đình sẽ tâu lên cho Việt Vương biết. Tây Thi ngồi bên cạnh Phạm Lãi. Qua ánh trăng sáng, nàng chăm chú quan sát vị Đại phu trẻ tuổi, đẹp trai, ăn nói trang nhã của triều đình nước Việt. Tâm hồn vốn phẳng lặng của một cô gái quê, bắt đầu gợn lên những gợn sóng tình cảm, giống như những gợn sóng trên mặt sông. Cô thầm ao ước: "Nếu mình có được một vị lang quân như thế này thì hay biết bao nhiêu? " Đêm hôm đó, Phạm Lãi và Tây Thi đều không ngủ được. Có thể nói hai người là một cặp trai tài gái sắc, đã quen biết nhau trong trường hợp cứu nạn cho Tây Thi, và đôi bên chỉ vừa gặp mặt nhau là đã thấy yêu nhau ngay. Trong lòng họ đang có nhiều vấn đề muốn thố lộ với đối phương. Họ ngủ cách nhau chỉ có một tấm vách ván, nên đôi bên nghe rõ đối phương luôn trở mình. Cả hai đều muốn trời sáng cho nhanh, để tìm cơ hội thố lộ tâm tình với nhau. Nhưng đến khuya đêm đó, trời bỗng nổi gió to. Mây đen che kín trăng sáng. Bỗng có tiếng chó sủa rộ lên, rồi tiếng vó ngựa nối tiếp nhau từ xa tới gần. Phạm Lãi và Tây Thi đều ngồi dậy nghe ngóng. Họ nghe rõ tiếng của Thi đại gia hỏi: - Các vị là ai? - Chúng tôi là công sai trong thành, phụng mệnh đến đây tìm Phạm đại phu có việc công khẩn cấp. Phạm Lãi vội vàng thức dậy, mặc y phục ra cửa tiếp kiến công sai. Người công sai tay cầm chiếc lồng đèn nhà quan màu đỏ, trao cho Phạm Lãi một phong thư. Qua ánh sáng đèn, Phạm Lãi thấy đó là tờ chiếu thư của Việt Vương Câu Tiễn, cho biết đại quân của Ngô Quốc đã xâm nhập lãnh thổ nước Việt, xuống lệnh cho ông phải cấp tốc trở về triều đình để bàn chuyện chống giặc. Phạm Lãi không dám chậm trễ, quay sang hai cha con nhà họ Thi nói rõ tình hình qua thái độ nặng nề lo lắng. Ông cho biết phải trỡ về triều đình ngay trong đêm. Tây Thi lưu luyến nói: - Thưa Phạm đại phu, chuyện hưng vong cua nước nhà, kẻ thất phu đều có trách nhiệm. Chỉ đáng tiếc tiểu nữ không phải là nam nhi, nên không thể ra trận tiền chống giặc, bảo vệ đất nước. Nhưng nếu thấy tiểu nữ có thể giúp được chuyện chi, xin ngài hãy viết thư cho biết. Tiểu nữ dù phải nhảy vào nước sôi lửa bỏng, cũng tuyệt đối không dám chối từ! - Tốt. Tốt. - Phạm Lãi gật đầu liên tiếp, tỏ ý kính phục cô gái yếu đuối mà lại có ý chí báo quốc như vậy. Trước khi ra đi, Phạm Lãi nói tiếp – Tôi... tôi không bao giờ quên cô. Chúng ta... hẹn sẽ có ngày gặp lại! Tiếng vó ngựa nện trên mặt đường xa dần. Tây Thi đứng tựa cổng làng dõi mắt trông theo người tình nhân trong ý tưởng. Nàng thầm chúc phúc cho tình lang: “Chúc anh mã đáo thành công, sớm khải hoàn trở về! ".