hân dịp lễ Ðộc Lập 4 tháng 7 năm 1996, được nghỉ 3 ngày lễ cuối tuần, tôi mua vé máy bay lên San Jose thăm anh.Lúc đầu anh không chịu cho tôi đi, anh bảo tôi hãy ở nhà, để anh xuống. Nhưng thấy tôi đã nhất quyết nên anh đành phải chiều và nôn nóng chờ đợi. Anh gọi và căn dặn tôi đủ điều rất kỹ càng.Tôi may mắn có một người bạn quen trên thành phố San Jose. Cô có một căn nhà cho mướn, người mướn nhà mới vừa dọn ra được hai tuần, cô vừa dọn dẹp nhà xong nhưng chưa kịp cho người khác mướn. Cô có nhã ý cho chúng tôi mượn ngôi nhà này trong 3 ngày. Một giờ rưỡi trưa anh ra phi trường đón tôi ánh mắt rất vui mừng nhưng, hình như, sự rụt rè và một chút gì e ngại vẫn còn trong anh. Khi tôi ôm anh ở phi trường, tôi thấy anh run lên. Tôi đùa với anh:- Chắc anh nhớ em lắm nên mới run lên như vậy!Anh cười hiền hòa, không nói một lời nào. Một tay xách va li cho tôi một tay anh nắm tay tôi đi về chỗ đậu xe. Anh để đồ đạc vào chiếc Volvo trắng của anh rồi đi vòng lại để mở cửa xe cho tôi.Anh hỏi tôi:- Em có đói bụng không?- Em đói chút thôi anh à.- Anh muốn đưa em đến tiệm phở của anh Dực.- Thế thì đi anh!Nghe đến tiệm phở của anh Dực, tôi đồng ý liền và muốn đến đó xem sao vì tôi nghe anh Sĩ Phú nói về anh Dực cũng khá nhiều. Anh kể tôi nghe trường hợp anh và anh Dực gặp nhau như sau:Một năm rưỡi trước khi tôi quen anh Sĩ Phú, một đêm kia anh đi tìm một tiệm ăn Việt Nam để ăn tối. Tiệm Phở Bình ở Sunnyvale cách nhà anh không xa mấy. Bụng đói cồn cào, anh kêu một tô phở chín vè. Anh Dực là người đem tô phở ra cho anh Phú. Sau khi ăn thử một vài miếng, anh tỏ vẻ không tha thiết với tô phở cho lắm mặc dù anh rất đói bụng? Viết đến đây, tôi vội nhắc điện thoại gọi lên San Jose cho anh Dực để hỏi thêm những chi tiết. Ở đầu dây bên kia là anh Dực:- Anh Dực ơi, Ngọc Lan đây anh, anh khỏe không?Anh Dực vui vẻ trả lời:- Cảm ơn Lan, anh bình thường, em cũng khỏe chứ?- Dạ cảm ơn anh, em đang viết đến đoạn anh và anh Phú gặp nhau lần đầu tiên, xin anh cho em biết rõ hơn những gì anh và anh Phú nói với nhau trong ngày đầu tiên hai anh gặp nhau. Anh Phú có kể cho em nghe rồi, nhưng em muốn nghe thêm cho đầy đủ từ phía anh. Chiều ý tôi, anh Dực kể lại về cuộc gặp gỡ với Sĩ Phú như sau:Lúc đó, anh Sĩ Phú đang chăm chú nghe một băng cassette bằng cái headphone. Anh Dực không biết người đàn ông này là ngoại quốc hay Việt Nam vì anh ta cao lớn đẹp trai, trông giống người ngoại quốc. Tiệm phở của anh ít có người Việt, vì tiệm này trước đó là một tiệm ăn của người Mễ. Nên anh Dực mới đến làm quen và hỏi anh Phú:- Xin lỗi, anh có phải là người Việt Nam không?Anh Sĩ Phú từ tốn và lịch sự trả lời:- Tôi là người Việt Nam, có gì không, thưa anh?- Xin lỗi anh, anh đang nghe băng nhạc gì đấy, tôi có một cuốn băng này tôi muốn cho anh nghe.- Băng gì thế anh?- Ðây là cuốn băng nhạc của Sĩ Phú trước 1975. Anh có biết không, tôi rất thích nó và xem đây là hành trang duy nhất mà tôi mang theo khi qua Mỹ đó anh ạ!Nhưng anh Sĩ Phú từ chối không chịu nghe, anh nói anh chỉ thích nghe Sĩ Phú hát ở bên Mỹ sau 1975 mà thôi. Anh Dực mới bảo:- Nhưng mà Sĩ Phú qua đây đâu còn hát hay nữa anh, ông ta dồn hơi, nén hơi nhiều quá đi mà không được tự nhiên như xưa nữa. Anh biết không, đối với tôi Sĩ Phú là người gìn giữ kỷ niệm cho chúng tôi. Chúng tôi rất thích nghe giọng hát của Sĩ Phú ngày xưa vì nó gợi cho chúng tôi rất nhiều kỷ niệm yêu dấu mà chúng tôi không thể nào quên được.Sĩ Phú rất bình thản, không tỏ vẻ phiền giận gì hết, anh chỉ cho anh Dực biết là anh muốn được nghe cái cassette mà anh đang nghe thôi.Vừa lúc đó, em gái của anh Dực là cô Bình và người em trai tên Long bước vào tiệm, Bình cúi đầu chào khách, cô ấy nhận ra người khách không ai khác hơn là Sĩ Phú. Nên sau khi anh Dực nói với Bình về ông khách này, Bình kéo anh vào bếp rồi nói nhỏ:- Người khách đó là Sĩ Phú đấy!- Thật không?- Chứ còn ai nữa, chúng em biết Sĩ Phú mà!Anh Dực vỡ lẽ hối hận, chạy đến bên Sĩ Phú, vui cười xin lỗi, hai anh em nhìn nhau thông cảm.Anh Dực hỏi Sĩ Phú:- Tại sao anh không ăn hết tô phở?Anh Sĩ Phú trả lời:- Nước phở của cậu ngọt thì ngọt thật, nhưng không phải là nước phở vì nó không có vị phở. Không có vị phở, thì nó chỉ là canh mà thôi.Anh Dực nóng lòng hỏi Sĩ Phú:- Anh có biết nấu cách nào để cho đúng vị phở không? Tôi rất mong muốn biết được phương thức để nấu cho đúng anh à!Anh Sĩ Phú đóng góp cho anh Dực một số ý kiến. Hai anh em bắt đầu tìm tòi nghiên cứu cách nấu phở từ ngày ấy.Theo anh Dực kể thì, hai anh đã bỏ công ra nghiên cứu gần 50 công thức nấu phở. Ðêm nào anh Phú cũng đến tiệm phở của anh Dực trò chuyện và cùng nhau nấu phở cho đến 11 giờ đêm. Anh Dực cảm động kể cho tôi nghe những đêm mưa gió bão bùng, hai anh em cùng nhau trò chuyện, bàn về âm nhạc, thi văn, vừa nấu phở, vừa đọc thơ, anh có nhiều kỷ niệm rất đẹp về Sĩ Phú.Sáu tháng sau đó, tiệm phở Bình bán từ 36 đô la một ngày lên đến 5 hay 6 trăm đô la một ngày. Và từ đó đến nay, tiệm phở Bình là tiệm phở đắt khách nhất ở Sunnyvale, mỗi buổi trưa, anh thu được trên dưới khoảng 2000 đô la.Anh Dực hãnh diện cho tôi biết vào mỗi buổi trưa, có khoảng ba bốn lượt khách đến ăn. Họ ngồi đầy khắp nơi trong tiệm phở và ngoài hành lang, anh nấu khoảng 400 tô phở mỗi buổi trưa.Anh Dực không quên công anh Sĩ Phú:- Cái tiệm này thành công là nhờ cái tài nêm nếm rất bén nhạy của anh Phú đấy, tinh vi vô cùng. Có một lần, anh nấu cho anh Phú một tô phở, anh cố tình để 10 miếng thịt chín anh vừa vớt ra và một miếng thịt anh xắt ra trước đó 3 tiếng đồng hồ. Anh Phú lôi cái miếng thịt cũ 3 tiếng đồng hồ ra và nói:- Tôi nếm thấy miếng thịt này nó có cái vị khác mấy miếng kia, nó vẫn ngon vẫn thơm nhưng nó đã cũ rồi.Anh Dực nói với tôi:- Công thức nấu phở của anh Phú, anh vẫn giữ đến bây giờ không thay đổi.Anh Sĩ Phú xuất hiện thường xuyên ở tiệm phở của anh Dực. Anh hay vào bếp phụ các anh chị em trong đó. Khách Việt Nam họ thấy anh ở đó thường xuyên, lâu ngày, moị người cứ tưởng tiệm phở Bình là của anh Phú, nên họ đặt tên phở Bình là phở Sĩ Phú.Cái đặc điểm thứ nhất của Phở Bình là rất hậu hĩ, không ai đi ra khỏi tiệm mà còn chưa no. Một tô phở thật nhiều bánh phở và thịt. Ðã có bao nhiêu tờ báo của Mỹ đã viết về tiệm phở này và khen ngợi hết lời. Báo San Jose Mercury News gọi tiệm phở này là một thiên đường Phở của họ.Cái đặc điểm thứ hai của tiệm phở này là do anh Dực, người có máu rất nghệ sĩ và mê thi phú. Anh đã biến cái tiệm phở thành một nơi thi văn hội ngộ với bạn hữu trong một bầu không khí ấm cúng và thân mật.Bây giờ thì tôi xin trở lại lúc anh Phú đưa tôi đến tiệm phở của anh Dực lần đầu tiên. Anh Dực đi đâu vắng, chúng tôi ngồi chờ. Anh Phú vào bếp. Một lúc sau anh Dực về.Anh là một người đàn ông ngoài 50 nhưng diện mạo phong cách anh rất trẻ trung, chững chạc. Anh có một dáng vóc nghệ sĩ,một gương mặt hiền hậu với mái tóc muối tiêu và rất hoạt bát, vừa thấy anh là tôi có cảm tình ngay.Anh Sĩ Phú giới thiệu tôi với anh Dực. Anh chào đón tôi bằng một nụ cười thật tươi và thân thiện:- Chào Ngọc Lan.Tôi đứng dậy chào anh:- Kính chào anh Dực. Em nghe anh Phú nói về anh rất nhiều mà mãi đến giờ mới hân hạnh được gặp.- Tôi và anh Phú thân nhau như anh em. Chúng tôi xem anh Phú như người trong gia đình vậy Ngọc Lan à!- Thế thì còn gì quý cho bằng, thưa anh!- Ngọc Lan lên đây chơi lâu không?- Rất tiếc chỉ ba ngày lễ thôi anh ạ!- Ô! Vậy thì anh chúc Ngọc Lan vui!- Cảm ơn anh.Rồi hai anh xoay qua, líu lo trao đổi vài câu thăm hỏi rồi vào bếp.Anh Dực lăng xăng với chúng tôi. Tự tay làm tô phở cho anh Phú, trong khi anh Phú vào bếp, làm cho tôi một tô và đem đến tận bàn.Tôi cảm động cảm ơn và mời anh cùng ăn.Tôi và anh Sĩ Phú không bao giờ bỏ tương và ớt vào phở. Chúng tôi quan niệm, muốn nếm vị phở thật sự, thì phải nếm không, chứ còn bỏ tương ớt vào thì tô phở nào cũng như tô phở ấy, tức là không phải nước phở nữa, mà là nước lèo tương ớt và vì thế, mình đánh lừa cái khẩu vị của mình, phở có ngon dở cũng khó biết.Sau khi ăn hết tô phở, tôi nói với anh Phú:- Phở ngon thật anh à, em không khen nịnh các anh đâu, thịt rất thơm và nước dùng quả thật có vị phở thơm tho và thật sắc.Chúng tôi ở lại trò chuyện với anh Dực một lúc rồi xin phép ra đi.Rời tiệm phở Bình, chúng tôi về nhà trọ của Hân, người bạn tôi.Ngôi nhà cách tiệm phở không xa. Anh đưa tôi vào nhà trước rồi trở ra xe đem va li của tôi vào. Ngôi nhà khá xinh xắn, một tầng trệt thuộc loại nhà cũ, vườn tược trước sau khá rộng rãi tươm tất, trong nhà còn một ít đồ đạc cũ kỹ có lẽ chủ cũ để lại, 2 cái ghế xếp ở phòng ăn, trong phòng ngủ có hai tấm nệm cũ rích chồng lên nhau.Anh mở cửa cho thoáng khí, xoay người lại, tôi đứng ngay sau lưng anh. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, anh hôn tôi, chúng tôi cảm thấy hạnh phúc tràn trề. Ðây là lần đầu tiên anh hôn tôi sau hơn mười tháng trời kể từ ngày chúng tôi gặp nhau trong tiệc cưới con gái người bạn mùa thu năm 1995.Người anh nóng ran như lửa, run lên bần bật.Tôi hoảng hốt hỏi:- Anh có sao không? Tại sao anh nóng như vậy?Anh điềm tĩnh trả lời:- Tại vì anh bị bối rối.- Nhưng tại sao anh bị bối rối?- Tại vì anh là như vậy, anh không quen?Anh bỏ lửng câu nói.- Em có xa lạ gì với anh đâu! Mình quen nhau cũng lâu rồi.- Anh biết, anh biết, anh xin lỗi em.- Anh đâu có lỗi gì mà xin lỗi, em xin lỗi anh thì có, vì đã làm cho anh bối rối.Anh nhìn ngoài cửa sổ, một con chim bay là đà trong sân sau vườn. Anh kêu lên:- Em có nhìn thấy con chim đó không? Em có biết con chim đó là loại nào chim nào không?Tôi lắc đầu:- Em chịu thua thôi, đối với em, ngoài mấy con chim sẻ ra, em thấy con chim nào cũng giống nhau, nhưng có phải là con Hummingbird không anh?- Ðúng đấy, có lẽ nó đang kiếm tìm nước, để anh đi tìm một cái lon đựng nước cho nó uống. Em ra ngoài với anh đi.Chúng tôi ra ngoài sân, cây cối um tùm mát mẻ, chim chóc bay đầy, gọi nhau líu lo. Tôi đứng ngây người trước tấm tranh tuyệt đẹp ấy, lòng tràn đầy hạnh phúc. Một lúc sau, tôi đi vào nhà, khệ nệ bưng ra hai cái ghế xếp để ở trong sân xi măng sau nhà. Anh lấy nước cho con Hummingbird uống. Chẳng mấy chốc, cả đàn chim lũ lượt tìm đến.Chúng tôi ngồi ngoài vườn nói chuyện cho đến khi trời tối.Tôi rủ anh đi chợ để mua một số vật dụng như đèn cầy, muỗng đĩa giấy, khăn lau tay, nước ngọt, trái cây vân vân...Tối hôm đó, anh đưa tôi đi ăn, tôi không còn nhớ tên của nhà hàng này nữa.Trong lúc chúng tôi gọi món ăn, tôi nghe thoang thoảng tiếng nhạc của bài Mắt Biếc mà anh hát ngày nào cho trung tâm Asia. Tôi kêu lên:- Bài Mắt Biếc của anh đó, có lẽ người ta nhận ra anh- Có lẽ...Một người khách trẻ từ bàn bên kia nhà hàng đi qua bàn chúng tôi.- Anh Sĩ Phú, có phải anh là Sĩ Phú không?Anh Sĩ Phú gật đầu chào, tươi cười:- Vâng, chào em!Anh ta giới thiệu là một thính giả rất ái mộ giọng hát của anh. Rồi anh vẫy tay gọi người vợ đến và giới thiệu:- Ðây là bà xã của em, hai đứa em đều thích nghe anh hát.- Cảm ơn các em. Có lẽ các em có băng của Sĩ Phú nhiều hơn anh?- Làm gì có đâu anh, vì anh có chịu ra CD đâu?Cô vợ tiếp lời:- Tụi em chờ anh lâu quá trời! Ði tìm CD của anh mỏi? con mắt vậy đó...tiệm nào cũng vào hỏi, nhưng họ nói anh không ra CD nữa.Lời than phiền dịu dàng mộc mạc của cô gái trẻ làm anh mỉm cười, anh nói:- Thì anh đã ra 2 CD Tà Áo Xanh và Trái Tim Hững Hờ rồi đó, các em có chưa?Anh chồng nói:- Em mua liền sau đêm anh ra mắt ở San Jose, nhưng CD của anh hiếm lắm, lâu lâu anh mới ra một lần, anh ráng ra thêm nhiều nữa đi anh.- Rồi, anh sẽ ra thêm CD nữa, mặc sức cho các em nghe nhé, được rồi?được rồi...anh cảm ơn các em.Họ nói vài lời trao đổi với anh trước khi chào chúng tôi và trở lại bàn ăn.Chúng tôi về nhà trọ thì trời đã khuya lắm rồi.Không có điện trong nhà, ngôi nhà tối âm u, ánh đèn đường quá yếu ớt, không đủ soi sáng vào bên trong nhà, tôi mò mẫm đốt nến lên.Nhìn ngọn nến bập bùng, tôi thấy một sự ấm áp lạ thường len lỏi trong tim. Lúc ấy tôi chợt nhớ lại những kỷ niệm xa xưa nơi quê nhà, mỗi khi mưa gió bão bùng, điện bị cúp, mẹ tôi thường đốt nến, căn nhà lại trở nên ấm cúng lạ thường. Tôi lại liên tưởng đến tiếng ru con êm đềm trong những đêm mưa gió não nùng của người hàng xóm sát vách...Tôi nói cho anh nghe ý tưởng của tôi, anh gật đầu:- Không kỷ niệm nào bằng kỷ niệm quê hương mình, em nhỉ? Dù cho ở đây có như thế nào đi nữa, anh vẫn thấy quê hương mình là đẹp nhất và yêu dấu nhất. Dù cho quê hương mình có nghèo xác xơ đi nữa, vẫn là quê hương yêu dấu.Tôi đi rửa mặt, đánh răng.Anh ra xe lấy một cái chăn rạ mà lúc nào anh cũng để ở trong xe, vì tôi căn dặn anh phải luôn luôn để một cái trong xe phòng hờ trường hợp khẩn cấp bị kẹt vì mưa bão hay động đất thì ít ra có cái mà đắp cho ấm.Anh đem chăn đắp cho tôi:- Good night em!- Good night anh!Tôi nhắm mắt lại.Một lát sau, tôi nghe tiếng nước anh tắm ào ào trong phòng tắm.Anh ra khỏi phòng tắm lúc nào tôi không hay vì đã ngủ thiếp đi rồi.Sáng hôm sau anh dậy trễ, anh từng nói là anh phải ngủ tám tiếng mỗi đêm. Còn tôi từ bao năm nay, chỉ ngủ nhiều nhất là sáu tiếng. Tôn trọng giấc ngủ của anh, tôi yên lặng ra xe lấy thêm đồ đạc vào. Trang điểm xong, tôi đi ra ngoài sân ngắm nhìn cây cối, chim chóc. Lon nước anh để cho chim uống hôm qua đã có phần nào vơi đi, tôi đổ nước thêm vào cho đầy. Tôi ngồi lên cái ghế mà tôi bỏ quên ngoài vườn tối hôm qua. Lấy giấy ghi lại những gì đã xảy ra trong thời gian tôi quen anh cho đến lúc bấây giờ. Vì tôi dự định một ngày nào đó, tôi sẽ viết sách về anh.Tôi nhớ, có một lần, khi tôi cho anh biết là tôi sẽ viết sách về anh, Sĩ Phú nhìn tôi cảm động, nhưng rồi ngần ngừ, bảo tôi:- Thôi em à, có thể người ta sẽ nghĩ là em biện hộ cho anh hay viết sách để khen ngợi anh chỉ vì em mê anh đấy!- Khen ngợi thì quả thật là anh có quá nhiều điều đáng được khen ngợi. Nhưng em sẽ viết rất thật về anh, không thêm không bớt, anh có cho phép em không?Anh không nói gì hết.Nắng lên dần, tôi vào nhà.Anh vừa mới thức giấc, không thấy tôi nên anh đi tìm.Chúng tôi sửa soạn đi ăn sáng. Anh đi thay quần áo. Tôi viết nốt phần còn lại.Tiệm phở của anh Dực đóng cửa ngày Chủ Nhật. Nhưng vì tôi đòi ăn phở, nên anh đưa tôi đến tiệm phở Cường.- Phở Cường khá ngon, ngang ngửa không thua gì phở Bình của mình đâu anh ạ!- Thì vì anh thấy ngon, nên đưa em đến đây để xem em có thấy như anh hay không.Rồi anh tiếp:- Anh Dực không chịu lấy tiền của anh, nên nhiều khi anh ngại không muốn đến tiệm anh ấy. Ăn không hoài của người ta kỳ lắm, anh không thích.- Thì anh cứ bắt anh Dực phải lấy tiền.- Anh ấy nhất định không chịu. Mẹ của anh Dực nói với anh Phú mà trả tiền thì bác sẽ từ Phú đấy!Anh nhép miệng:- Bà cụ quý anh lắm!Tôi tươi cười và đùa với anh:- Rõ khổ cho anh quá đi thôi, em ước gì em có quen một người bạn thân là chủ tiệm phở như anh.Anh lườm tôi:- Thì em cứ ở trên này để mà đi ăn phở Bình free suốt ngày.Rời phở Cường, anh đưa tôi ra khu phố Việt Nam chơi.Khu chợ Việt Nam ở San Jose khá lớn, cũng phồn thịnh và tấp nập người mua kẻ bán đông đảo không thua gì khu Little Saigon của quận Cam, miền nam California. Anh biết tôi thích ăn bánh choux cream của tiệm bánh Hồng Vân nên chở tôi đến đó. Tôi rất mê bánh sữa của họ, nhất là loại sầu riêng. Phải nói rằng bánh sữa của Hồng Vân rất ngon, rất tuyệt vời. Bất cứ khi nào có dịp lên San Jose, là tôi nhất định phải đi đến tiệm bánh Hồng Vân mua cho bằng được vài hộp bánh này đem về bỏ tủ lạnh để dành ăn. Tôi cũng không quên mua thêm vài hộp để làm quà cho gia đình, bạn bè.Buổi chiều đi ăn, chúng tôi gặp ca nhạc sĩ Trịnh Nam Sơn ở nhà hàng và sau đó là gặp một vài người bạn lớn tuổi của anh Sĩ Phú. Bạn bè xúm lại quanh anh nói chuyện, nhưng tôi thấy anh rất ít nói, chỉ ngồi lắng nghe.Thấy tôi có vẻ mệt mỏi và buồn ngủ, anh chia tay họ ra về.Chúng tôi tản bộ một lúc trước khi lên xe.- Không ngờ anh quen nhiều người quá nhỉ!- Cũng thường thôi em à, anh ở trên này lâu rồi, dần dần thành phố này trở nên nhỏ đi vì đi đâu cũng thấy người quen.Tôi đổi đề tài:- Em thấy thính giả vẫn còn thương anh lắm đấy. Hai ngày nay, đi đâu em cũng thấy những sự thương yêu, chào đón và cảm tình của thính giả dành cho anh. Em nghĩ là anh nên hát thêm. Có lẽ anh nên ra thêm CD đi anh!- Anh cũng đang nghĩ đến điều ấy. Ðể từ từ rồi anh làm. Anh còn có thể hát rất nhiều. Em đừng lo.Ngày vui nào rồi cũng tàn.Ngày chia tay đến. Anh đưa tôi ra phi trường. Trong khi ngồi chờ chuyến bay, anh cảm ơn tôi đã lên thăm anh. Chúng tôi vô cùng bịn rịn, lưu luyến chia tay. Anh vuốt tóc tôi và nói:- Vài tuần nữa thu xếp công việc xong rồi, anh sẽ xuống thăm em.- Anh ráng ăn uống đầy đủ. Ðừng lười ăn nhé anh!Rồi tôi khuyên nhủ anh:- Anh chịu khó lại tiệm anh Dực đi anh. Anh em có nhau cho vui, em không muốn anh ở nhà một mình, buồn lắm. Em quý anh Dực lắm đó.- Em đừng lo, anh với anh Dực như anh em trong gia đình rồi.- Vậy thì anh đừng ngại ăn phở free nhà anh ấy nữa, anh ăn uống có bao nhiêu đâu? Anh phải nghĩ đến tấm lòng của anh ấy hơn là đến một hai tô phở.- Anh sẽ nghe lời em!Chuyến bay sắp sửa bắt đầu, tôi đứng dậy chuẩn bị hành lý, hai chúng tôi ôm nhau bịn rịn, lưu luyến không muốn rời nhau.Tôi bước chân ra đi, lòng buồn man mác, mang theo một kỷ niệm đẹp tuyệt vời và để lại sau lưng một người mà tôi yêu quý vô ngần.Viết đến đây tôi dừng lại, đi xuống bếp kiếm một cái gì ăn cho đỡ dạ. Ăn xong, tôi sực nhớ là phải gọi Hòa Thượng Thích Chơn Thành của chùa Liên Hoa. Hôm nay là ngày 8 tháng 10, năm 2000. Tức là 82 ngày từ ngày anh mất. Tôi sắp sửa làm lễ 100 ngày cho anh.Tôi may mắn được Hòa Thượng Thích Chơn Thành trả lời điện thoại.- Thưa thầy, con đây, Nỗi Buồn Thiên Thu đây!- À, Nỗi Buồn Thiên Thu, sao hôm rày con đi đâu mà không thấy con đến?- Thưa Thầy, hôm rày con rất bận, nhưng con vẫn nghĩ và nhớ đến thầy lắm!- Con bận chuyện gì quá vậy?- Thưa thầy, con phải lo viết cuốn sách cho anh Phú, rồi con đang lo hoàn thành cái CD mới nhất của anh để kịp ra mắt trong dịp 100 ngày sắp tới. Rồi nào là con đang lo làm trang webpage trên Internet cho anh, và con còn phải làm việc một ngày mười tiếng đồng hồ ở sở vì thế con làm sao còn thì giờ đi đâu nữa?Thầy Chơn Thành ngạc nhiên hỏi tôi:- Con ra CD gì nữa vậy?- Dạ thưa thầy, CD cuối cùng Chờ Em nhưng con hy vọng nó không phải là CD cuối cùng. Nhưng dù không đi thăm thầy được, con vẫn gọi điện thoại hỏi thăm thầy nhưng không lần nào gặp được thầy cả. Chắc chắn tuần sau con sẽ ghé chùa.- Thầy cảm ơn con.- Thưa thầy, sắp đến 100 ngày của anh Sĩ Phú rồi, con muốn bàn chuyện với Thầy hay Diệu Minh để chuẩn bị ngày này cho anh.- Ðược rồi, con nói chuyện với Diệu Minh đi, Nỗi Buồn Thiên Thu đây, Diệu Minh ơi!Sở dĩ thầy Chơn Thành gọi tôi là Nỗi Buồn Thiên Thu vì sau đám tang anh Phú, tôi có tâm sự với thầy rằng, sự mất mát này là một mất mát to lớn cho đời tôi, và nỗi buồn khủng khiếp này tôi gọi là nỗi buồn thiên thu. Không có một bút mực nào trên thế gian này có thể diễn tả được nỗi lòng tôi lúc ấy.Sau khi lo xong vụ tổ chức 100 ngày cho anh, tôi đi ra ngoài sân trước nhà để tưới cây cỏ. Dù có máy tưới tự động, nhưng tưới cây ban đêm là một cái thú cho tôi, tôi tìm được sự yên tĩnh trong tâm hồn khi nhìn hoa lá cỏ cây. Sân trước nhà tôi dài và kín đáo. Ai vào nhà cũng đều đi qua một cái sân hẹp và dài đầy những loại hoa đủ màu sắc với cây lá xanh um chào đón hai bên. Mùi hương ngạt ngào của hoa Ngọc Lan trước cửa làm tôi chợt nhớ đến một người. Tôi nhớ anh, nhớ vô cùng. Tôi nhớ ngày nào anh trồng cây Ngọc Lan trong vườn trước cửa nhà cho tôi. Thỉnh thoảng anh ra hái cho tôi một hoa Ngọc Lan đem vào để trong một cái dĩa nhỏ trên bàn ăn. Chúng tôi thường dùng cơm tối hằng đêm với hương hoa Ngoc Lan thoang thoảng dịu dàng.Ôi kỷ niệm, tất cả giờ đây chỉ là kỷ niệm.Rồi, một nỗi buồn chợt đến, buồn héo hắt, buồn tả tơi, nỗi buồn làm buốt giá hồn tôi, người tôi như tê đi, tim tôi se thắt lại. Tôi nhìn chung quanh, hơn hai tuần nay tôi không ra ngoài nhìn cây cỏ, bây giờ chúng nẩy nở um tùm che phủ gần kín lối đi vào nhà. Những dây leo, hoa dại phủ gần kín bức tường ngăn chia nhà tôi và nhà bên cạnh. Tôi nhìn những cây đinh đóng trên bức tường đá, những sợi dây kẽm mỏng nối liền những cây đinh với nhau để cho những loại hoa leo được bám vào tường dễ dàng hơn. Tôi nhớ ngày xưa anh đã bỏ hết mấy buổi chiều đóng đinh trên tường đá để giăng dây cho tôi, anh đã chăm sóc từng cụm hoa, bụi cây cho tôi, anh đã từng tưới nước bón phân cây cho ngôi vườn mỗi đêm.Ôi, tất cả chỉ còn là kỷ niệm mà thôi.Anh ơi, hồn anh bây giờ ở đâu?Tôi nhớ có một đêm nào, không đầy 5 tháng trước, tôi và anh ra đứng giữa trời đốt đèn cúng sao, cầu nguyện cho anh được hết bệnh.Sau khi hai chúng tôi yên lặng cầu nguyện, tôi hỏi anh:- Anh có cầu nguyện nhiều không anh?Anh trả lời rất buồn:- Có, anh cầu nguyện cho anh mau được đi sớm!Tôi đau khổ kêu lên:- Trời ơi, tại sao anh lại cầu nguyện như vậy? Tại sao?Nét mặt anh rất buồn, anh nói:- Anh không muốn em cực khổ và chịu đựng vì anh nữa. Anh không muốn bị đau đớn thể xác nữa. Bệnh anh đâu còn gì cách gì để chữa nữa đâu em?Nghĩ đến đây, tôi quặn thắt ruột. Tôi đau đớn nhớ anh.Tôi đau đớn vô cùng, bật khóc, tôi bỗng òa lên khóc thật lớn.- Anh ơi, em nhớ anh quá! Tội nghiệp anh quá! Trời ơi, em nhớ anh vô cùng!Tôi nấc lên, gào lên khủng khiếp, như một con vật bị bức tử trước khi chết. Tôi vội chạy vào nhà, nằm vật vã trên chiếc giường mà ngày xưa anh đã từng nằm khi bệnh nặng. Tôi khóc, tôi khóc, và tôi khóc.Lòng cuồng điên vì nhớÔi đâu người, đâu ân tình cũ...Chờ hoài nhau trong mơNhưng có bao giờ thấy nhau lần nữa.(Hoài Cảm- Cung Tiến)Tôi không cưỡng lại được sự thương nhớ ray rứt như gậm nhấm vào xương, nước mắt cứ tuôn trào lai láng, tôi bò lê lết dưới đất, tôi khóc lăn ra trên nền gạch lạnh, tôi quỳ dưới bức ảnh chúa Giê Su, tôi van lạy Ngài:- Xin Chúa cho con được ra đi theo anh con. Xin Chúa giúp con. Xin Chúa thương con.Mỗi khi tôi nghĩ đến anh và cầu nguyện, tôi ngừng hẳn, không khóc nữa, tôi cảm thấy ấm áp lạ thường, và tôi rất tỉnh táo, có lẽ anh đang vỗ về tôi đó chăng? Có lẽ tiếng khóc của tôi đã động đến trời cao? Có lẽ tiếng khóc, tiếng gào thét của tôi đã động đến hương hồn anh chăng?Nhưng chỉ một lúc sau, tôi lại khóc, và tôi lại khóc. Tiếng gào thét nức nở của tôi như tiếng thịnh nộ của một đêm giông bão và sấm sét đầy trời. Tiếng gào thét đau thương của tôi không khác gì tiếng thét của con vật trước khi chết.Lòng tôi tơi bời, ngực tôi đau nhói lên vì trái tim như bị ai xiết chặt. Tôi đau đớn quá, ước gì tôi được ra đi để không bao giờ bị đớn đau nữa.Tôi khóc, tôi khóc và tôi lại tiếp tục khóc nức nở và tức tưởi. Tôi lê lết đi lên lầu, vào phòng cầu nguyện, nơi đó tôi thờ Quán Thế Âm Bồ Tát, cha mẹ tôi và anh. Tôi đốt một cây nến cho anh và hai cây cho mẹ đỡ đầu của tôi là Quán Thế Âm Bồ Tát. Tôi quỳ xuống, ôm bức hình anh vào lòng và cầu nguyện:- Anh ơi, em đau đớn lắm, em nhớ anh lắm, xin anh giúp em tìm lại được sự yên tĩnh trong tâm hồn. Xin anh hãy ở bên em đêm nay!Lạ thay, tôi không khóc được nữa, tôi tỉnh táo lại và cảm thấy được sự bình an trong tâm hồn. Tôi ôm hình anh trong tay, tôi hôn vào đôi mắt anh. Nét mặt dịu dàng, phúc hậu của anh bỗng như sáng ra. Anh nhìn tôi như an ủi, như van lơn, như vỗ về, đôi môi của anh như mấp máy muốn nói cùng tôi, làm tôi vô cùng xúc động.Anh đã về với tôi rồi!Em cảm ơn anh. Cảm ơn anh yêu dấu, anh Sĩ Phú.Tôi nhìn đồng hồ, 11 giờ 58 phút nửa đêm, tôi đã khóc gần bốn tiếng đồng hồ rồi.Từ đêm hôm ấy về sau và mãi đến ngày hôm nay, hai đuôi mắt của tôi lúc nào cũng ươn ướt, không lúc nào khô dòng lệ.