Dịch giả: Trương Bảo Sơn
Chương XI

     ẫn chưa được tin gì cả, Chị ạ! Ngày nào em cũng cho người làm vườn tới nhà mẹ em để hỏi thăm về sức khỏe của bà và để xem có tin gì của anh em gửi về không? Đến hôm nay đã là mười lăm ngày, mà ngày nào em cũng chỉ được nghe có mỗi một câu trả lời.
"Bà bảo bà không đau ốm gì cả. Nhưng chính mắt mấy chị ở thấy thì sức khỏe mẹ em suy nhược lắm; bà không ăn uống được. Còn về cậu cả thì không có tin tức gì. Chắc chắn vì nguyên nhân này mà tâm can làm hao mòn thể xác. Với tuổi tác mẹ em chịu sao nổi mối tâm tư."
Ôi, không hiểu vì lẽ gì anh em không gửi tin về? Em làm những món ăn ngon cho mẹ em, em đựng trong những chiếc bát sứ thanh nhã; em sai người nhà chính tay đem về dâng mẹ em với mấy lời:
"Thưa mẹ, con kính dâng mẹ sơi món ăn sơ sài này, tuy không ngon nhưng chính tay con làm; vậy xin mẹ hãy dùng một chút ít".
Chúng nó kể lại cho em nghe: Mẹ em có cầm đĩa lên ăn, nhưng rồi lại bỏ xuống. Bà không thể khuây được mối sầu trong tâm tưởng. Vậy, anh em có được phép giết mẹ em không? Anh ấy phải hiểu mẹ anh không thể nào chịu đựng được những thái độ bất hiếu bất mục của Tây phương. Anh ấy quên bổn phận như vậy thực xấu hổ cho anh ấy!

*

Em  đã mất không biết bao nhiêu thời giờ để suy nghĩ mà vẫn không hiểu anh em sẽ quyết định ra sao. Thoạt tiên em cũng không nghĩ đến vấn đề anh em phải vâng lời mẹ, em cho đó là lẽ tất nhiên rồi. Thân thể, da thịt, tóc của anh em chẳng phải do mẹ em sinh ra ư? Vậy lẽ nào anh ấy có thể đem cái tính cách thiêng liêng ấy ra làm ô uế với một người đàn bà ngoại quốc?
Hơn nữa ngay từ khi còn nhỏ, anh em đã được học ngay lời Thánh Hiền dạy: "Bổn phận thứ nhất của con người ta là phải hết sức lưu tâm đến mọi điều ước vọng của cha mẹ." Khi cha em về và nghe biết chuyện, chắc chắn thế nào cha em cũng ngăn cấm anh em. Thế là em yên tâm chẳng lo ngại gì nữa.
Thoạt tiên em lý luận như vậy. Bây giờ thì em chẳng khác gì một cái suối nước vô định chuyển hướng trên lòng cát.
Chồng em, chị ạ, chính chàng làm cho em đâm ra nghi ngờ những thuần phong cổ tục. Tình yêu của chàng đã khiến cho em nghi ngờ như vậy! Chiều hôm qua chàng nói với em nhiều điều lạ lùng, để em kể chị nghe. Câu chuyện đầu đuôi như thế này:
Chúng em ngồi trên sân gạch nhỏ xây ở phía nam nhà. Con trai em thì ngủ trên cái chõng tre ở trên gác.  Đầy tớ đã rút lui cả về phòng riêng. Em ngồi trên chiếc đôn sứ đặt cách xa chỗ chồng em nằm ngã mình trên một chiếc ghế mây.
Chúng em cùng ngắm trăng tròn lơ lửng trên không trung. Gió đêm đã thổi và ngang trời từng đám mây trắng bay nhanh như những đàn chim bạch tuyết, lúc thì che lấp mặt trăng mông lung, lúc thì để lộ ra sáng trong kỳdiệu. Mây bay nhanh khiến mình có ảo tưởng như chính mặt trăng bay lướt trên ngọn cây. Hơi mưa phảng phất trong không gian. Trước cảnh đẹp thanh bình ấy lòng em rộn lên một niềm vui sướng. Em chợt thấy hết sức thỏa mãn về cuộc  đời em. Em ngước mắt lên thì thấy chồng em đương nhìn em. Em e lệ vì hạnh phúc diễm tuyệt xuyến động trong lòng em.
Một lát sau chàng nói: "Trăng đẹp quá! Em dạo một khúc cổ thụ cầm nhớ, Quế-Lan?"
Em trách đùa chàng:
"Theo cổ nhân là những người chế ra thụ-cầm, thì đàn này có sáu điều hiềm và bẩy điều kị. Nó không lên tiếng trước sự đau thương, trước những nhạc cụ khánh tiết, khi nhạc sĩ không vui, khi thể xác nhạc sĩ không thanh khiết, khi thiếu khói trầm hương mới đốt, hay khi có mặt một thính giả thiếu thiện cảm. Nếu đêm nay đàn không dạo tiếng, không biết vì điều hiềm nào thế anh?"
Chàng nghiêm mặt nói:
"Không, em yêu của anh, anh nhớ một hôm đàn không lên tiếng là hiềm ở anh, một thính giả thiếu thiện cảm. Nhưng hôm nay? Em hãy dạo lên cho anh nghe những bài cổ ca tình ái, những lời ca của thi nhân."
Em đứng lên đi lấy đàn, đặt trên chiếc bàn cẩm thạch ở sau chàng; ngón tay đặt trên dây đàn, em đứng suy nghĩ không biết nên hát bản gì cho chàng nghe. Về sau em ca bài này:
Gió thu lạnh
Trăng thu trong
Lá vàng gieo từng cánh
Chiếc quạ yếu chịu lạnh
Vụt bay khỏi một cành
Anh ở đâu? Anh yêu
Còn chăng dịp gặp nhau?
Ôi, đêm nay lòng sầu
Khóc cho cảnh cô liêu!
Em ngừng tay đàn đã lâu, nhưng điệp khúc này vẫn còn vang mãi mãi ở trên dây "…Cô liêu…Cô liêu…Cô liêu", gió quyện lấy đưa đi và khắp khu vườn cũng bất chợt vang lên cái âm thanh rầu rĩ ấy, nó rung lên một cách kỳ dị ở trong lòng em, khơi lại nỗi u buồn em vừa khuây đi được độ một tiếng đồng hồ: nỗi u buồn của mẹ em. Em khẽ đặt tay lên dây đàn, giữ cho nó khỏi rên rĩ. Em nói:
"Đêm nay, chính em phạm hiềm kị. Chính em là nhạc sĩ, em lại buồn, và chính cây đàn lại tự than thân trách phận."
Chàng đứng lên, bước đến bên em, cầm tay hỏi:
“Em buồn sao?"
Em liền tựa đầu vào cánh tay chàng một lúc và khẽ đáp:
"Mẹ buồn. Mẹ tỏ bầy nỗi buồn với em qua tiếng đàn. Mẹ buồn về chuyện anh em. Đêm nay em cảm thấy lòng mẹ đương buồn. Mọi việc rối ren, chờ anh em về. Ngoài anh em ra, mẹ em không còn ai nữa. Từ lâu giữa cha và mẹ em không còn gì cả, ngay đến em bây giờ cũng thuộc một gia đình khác…gia đình anh".
Thoạt tiên chồng em không nói gì. Chàng rút trong túi ra một điếu thuốc lá ngoại quốc châm lên hút, rồi mới nói, giọng rất bình tĩnh:
"Em nên chuẩn bị trước  đi. Nên nhìn thẳng vào sự thật thì tốt hơn. Chắc anh ấy không nghe lời mẹ đâu".
Em kinh hoàng hỏi:
"Ồ, sao anh lại nghĩ như vậy?"
Chàng hút một hơi thuốc dài rồi hỏi lại em:
"Sao em lại nghĩ rằng anh ấy sẽ nghe lời mẹ?"
Em lùi xa chàng:
"Không. Anh đừng trả lời bằng một câu hỏi đi. Em đâu biết. Em ngu dại và có biết suy luận gì bao giờ! Nếu em có biết lý luận thực đi nữa thì cũng chỉ thấy lý do là anh em đã học và hiểu rằng vâng lời cha mẹ là nền tảng của Quốc gia và bổn phận của con cái…"
Chàng nhìn em đầy ý nghĩa và ngắt lời nói:
"Nền tảng cũ đương suy sụp… đã suy sụp rồi! Ngày nay cần phải có những lý do mạnh hơn lý do ấy!"
Lời chàng nói làm em đâm ra nghi ngờ hết sức. Rồi em nhớ lại một điều an ủi thầm kín đến mãi bấy giờ em mới chợt nói ra rất khẽ:
"Nhưng đàn bà ngoại quốc xấu như vậy người mình làm sao mà lấy được? Đàn ông nước họ không còn cách nào khác, chứ…"
Song em ngừng ngay lại và tự thấy ngượng đã lỡ lời nói chuyện về đàn ông như vậy ở trước mặt chồng em. Dẫu sao thì đàn ông ai mà có thể thương được một người đàn bà như người mà vợ chồng em đã tới thăm trước ngày sinh cháu? Đôi mắt trong tẻ ngắt ấy, bộ tóc màu lợt lạt ấy, và những bàn tay bàn chân thô kệch ấy? Em biết tính anh em! Anh ấy chẳng phải là con trai của cha em sao! Mà cha em thì ở trên đời này chỉ yêu nhất là sắc đẹp của phụ nữ!
Nhưng chồng em cười gằn một tiếng:
"Ha! Đâu có phải tất cả phụ nữ Trung Quốc đều đẹp và tất cả phụ nữ ngoại quốc đều xấu! Anh nghe nói cô con gái họ Lý, vị hôn thê của anh ấy, không phải là một người đẹp. Ở ngoài tiệm trà họ nói chuyện với nhau rằng miệng cô ấy rộng… hai bên mép cong xuống, trông như cái lưỡi hái…"
Em giận quá kêu lên:
"Cái bọn vô công rồi nghề lê la nơi trà đình tửu quán ấy thì biết gì mà nói? Chị ấy là một thiếu nữ đáng trọng, con nhà gia thế!"
Chàng so vai đáp:
"Anh chỉ nhắc lại lời người ta đồn và chắc anh ấy cũng nghe thấy. Biết đâu chẳng vì thế mà anh ấy sẵn tính lang bang mới đế ý đến người đàn bà khác."
Chúng em cùng yên lặng một lúc. Chàng trầm ngâm hút thuốc rồi nói:
"Mà đàn bà ngoại quốc, có người đẹp như sao Bạch Tinh! Mắt trong… thân thể tự do…"
Em quay lại trố mắt lên nhìn chàng. Nhưng chàng không trông thấy, và vẫn tiếp tục nói:
"Cánh tay đẹp để trần… họ không có lối khiêm nhường thùy mị giả tạo và gò bó như đàn bà mình, anh có thể nói với em như vậy. Họ tự do phóng khoáng, như làn gió, như vầng mặt trời; giọng cười điệu vũ của họ như bứt lấy trái tim của người ta, để nó chui qua kẽ tay như ánh sáng mặt trời và tiêu tan đi trên mặt đất."
Em đứt hơi thở mất một lúc. Chồng em nói về người đàn bà nào thế đây? Người đàn bà ngoại quốc nào đã dạy chàng nói những câu như vậy?
Cơn giận nổi lên, em ấp úng nói:
"Anh…anh đã…"
Nhưng chàng lắc đầu, cười giễu em: "Em thực nhi nữ thường tình! Không… chẳng ai có thể làm tiêu tan trái tim anh đi như thế được. Bề nào anh cũng đã giữ được cho đến khi…". Giọng chàng hạ thấp xuống nghe dịu dàng âu yếm, em thông cảm và yên lòng ngay.
Em khẽ nói: "Nhưng khó lắm phải không anh?"
"Đôi khi đúng như vậy. Người Trung Quốc mình, đàn ông thì sống riêng biệt.  Đàn bà thì đoan trang khép nép, không để lộ liễu một chút gì cả. Và đối với một người trai trẻ - anh của em hãy còn trẻ lắm - thì những người kia, những người đàn bà ngoại quốc kia, nhan sắc mỹ miều, da thịt nõn nà, tự hiến tấm thân diễm tuyệt trong cuộc khiêu vũ…"
Em nghiêm giọng nói:
"Hứ, kìa anh. Đấy là chuyện của đàn ông, em không nghe đâu. Nghe anh nói thì giống người ấy kém văn minh, dã man đến thế kia à?"
Chàng chậm rãi đáp:
"Không. Một phần vì quốc gia họ còn trẻ, và tuổi trẻ bao giờ cũng hưởng lạc một cách lỗ mãng. Anh nói như vậy là vì anh em cũng hãy còn trẻ. Và cho dẫu em không thích nghe nữa, nhưng ta cũng không thể quên được rằng miệng cô con gái họ Lý rộng và môi cong như cái lưỡi liềm."
Chàng lại cười và ngồi im ngắm trăng.
Chồng em là người thông thái. Em không thể coi thường những lời chàng nói. Theo lời chàng, em bắt đầu nhận thấy ở nơi da thịt để lộ liễu của những người đàn bà ngoại quốc kia một sức quyến rũ nhất thời. Nghe chàng nói mà em lo. Em nhớ tới đôi mắt long lanh và giọng cười của cha em với cô vợ bé sủng ái của ông. Em rùng mình, mà không thể nghĩ sang chuyện khác được.
Em ngẫm nghĩ thì thấy anh em quả là một nam tử. Hơn nữa, sự im lặng cố chấp của anh ấy là một triệu chứng không tốt. Từ bé anh đã có tính càng im lặng chừng nào càng cương quyết chừng ấy. Vương Đại-Ma kể lại khi còn nhỏ, nếu mẹ em cấm anh ấy điều gì thì anh ấy im ngay nhưng càng cố làm cho bằng được.

*

Em thở dài, cất đàn vào hộp. Trăng đã khuất hẳn sau đám mây và bắt đầu mưa bay. Cảnh trời đã thay đổi. Chúng em vào trong nhà. Và đêm hôm ấy em trằn trọc khó ngủ.