Nhớ lại nhà báo A. J. Dommen, tôi rất cảm ơn ông đã giúp tôi thực hiện quyển sách đã góp một phần nhỏ làm cho dư luận Mỹ hiểu thêm thực trạng miền Nam Việt Nam từ khi quân đội của họ can thiệp vào. Ở đó chỉ toàn là những lời ca thán và phẫn nộ chứ không hề có sự hàm ơn. Trước năm 1975, tôi có dịp gặp gỡ và thân thiết nhiều nhà báo nước ngoài, kể cả nhà báo Mỹ. Rất nhiều người trong số họ thật sự gắn bó tình cảm với đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam, họ đã chọn một thái độ chính nghĩa vượt lên trên nghĩa vụ nghề nghiệp thuần túy. Bi kịch chiến tranh Việt Nam chi phối rất nhiều cuộc đời và sự nghiệp của các nhà báo nước ngoài, đặc biệt là các nhà báo Mỹ. Không ít người đã trở thành nổi tiếng, nhận những giải thưởng báo chí cao quí như Pulitzer, nhưng cũng có lắm nhà báo bị cuộc chiến ám ảnh mãi cuộc đời còn lại. Họ vĩnh viễn không tìm lại được cuộc sống bình thường khi trở về quê hương. Có người vì quá gắn bó với đất nước và con người Việt Nam, đã ôm trọn bi kịch của dân tộc này vào cuộc đời của mình. Nhiều người trong số họ trở thành một phần ký ức trong cuộc đời hoạt động báo chí và chính trị của tôi. Hoạt động chính trị trong lòng Sài Gòn trước 1975 không thể thiếu những quan hệ mật thiết với báo chí, nhất là báo chí nước ngoài, vì theo tôi, họ đã góp phần rất lớn vào việc đánh động dư luận nước Mỹ và thế giới về những gì xảy ra tại miền Nam Việt Nam. … Một trong những nhà báo Mỹ đầu tiên tôi quan hệ là Peter Arnett, lúc đó là phóng viên của hãng tin AP (Associated Press), sau này nổi tiếng trong hai cuộc chiến Irak (1991 và 2003). Tôi muốn nhắc đến Peter Arnett đầu tiên vì thời điểm tôi bước vào nghề báo cũng là lúc Peter Arnett gây sự chú ý trong các đồng nghiệp của anh qua một cuộc tranh luận gây sốc với đô đốc Harry Felt, tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương. Chuyện xảy ra sau trận đánh Ấp Bắc lịch sử hai ngày. Đô đốc Felt cố gắng biện minh sự thất bại đầu tiên của quân Mỹ và quân đội Sài Gòn trong chiến tranh trực thăng vận bằng cách lập luận rằng đã đánh bật được địch ra khỏi Ấp Bắc. Nhưng Peter Arnett cho rằng đó là cách đánh giá thắng bại theo sự chiếm cứ đất đai trong chiến tranh thế giới thứ hai và chiến tranh Triều Tiên, hoàn toàn không ăn nhập gì với cuộc chiến tranh du kích ở miền Nam. Sau trận đánh Ấp Bắc, chiến tranh du kích ở miền Nam đã đạt một tầm vóc phát triển mới. Peter Arnett đặt vấn đề và chất vấn Đô đốc Felt theo chiều hướng này khiến cho Felt không giữ được bình tĩnh và quật ngược lại Arnett: “Anh hãy trở lại hàng ngũ”, ý muốn nhắc Peter Arnett đừng quên anh trước hết là một người Mỹ. Các bài viết của Peter Arnett trong chiến tranh Việt Nam luôn cố gắng tìm ra một sự thật khác hơn cái sự thật được Washington và chính quyền Sài Gòn đưa ra. Ở cuộc chiến vùng Vịnh 1991 (Irak 1) và ở cuộc chiến Irak 2 (2003) cũng thế. Ở cuộc chiến Irak 2, Arnett đang là phóng viên của NBC (Mỹ) nhưng lại xuất hiện trong cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình Irak (Lúc lãnh tụ Saddam Hudssein còn nắm quyền) và đưa ra nhận định rằng những hình ảnh bom đạn Mỹ sát hại dân thường Irak và nhất là trẻ thơ vô tội cung cấp thêm sức mạnh cho các phong trào phản chiến ở Mỹ và thế giới. Sau cuộc trả lời phỏng vấn này, Peter Arnett bị NBC sa thải. Nhưng liền đó, một tờ báo Anh lại thuê ông tiếp tục làm đặc phái viên tại Irak. Peter Arnett gặp và phỏng vấn tôi trong khoảng thời gian 1967 – 1968. Sau chiến tranh Vùng Vịnh (Irak 1), năm 1996, Peter Arnett có trở lại Việt Nam. Khi đến TP.HCM, ông có đến thăm tôi cùng một người bạn của ông tại nhà hàng “Đôi đũa tre” của tôi ở đường Bà Hạt thuộc quận 10 TP.HCM. Chúng tôi nhắc lại chuyện xưa và được nghe ông kể nhiều chuyện về chiến tranh Vùng Vịnh. Peter Arnett là phóng viên Mỹ đầu tiên nhìn thấy ở trận Ấp Bắc một bước ngoặt của chiến tranh du kích ở Việt Nam. Còn với Henry Kamn, phóng viên của New York Times, là một trong những người đầu tiên đưa vụ thảm sát Sơn Mỹ ra trước công luận Mỹ. Điều gì thúc đẩy những nhà báo như Peter Arnett, Henry Kamn lật ngược những “sự thật” được chính nhà cầm quyền Mỹ… dựng lên, và đưa ra công luận những tội ác mà chính quân đội Mỹ gây ra? Theo tôi, trong một nhà báo chân chính luôn tồn tại hai con người: con người bình thường gắn với quê hương, dân tộc, và một con người khác vượt lên trên ranh giới quốc gia, chia sẻ những nỗi đau và bất hạnh của nhân loại, để đấu tranh cho một thế giới công bằng và tốt đẹp hơn. Chính Henry Kamn đã kể lại cho tôi nghe diễn tiến việc ông thực hiện bài phóng sự điều tra vụ thảm sát Sơn Mỹ (vào lúc đó báo chí quốc tế gọi là vụ thảm sát Mỹ Lai) như sau: - Một buổi trưa tại văn phòng báo New York Times ở Sài Gòn, tôi nhận một cú điện thoại từ văn phòng ở New York cho biết có tin một đại úy phi công Mỹ đã tố giác một vụ thảm sát dân thường do lính Mỹ gây ra tại một làng ở tỉnh Quảng Ngãi. Đại úy phi công này đã chứng kiến tận mắt vụ thảm sát và anh đã dùng trực thăng của mình cứu được một số người. Sau một thời gian im lặng, do lương tâm cắn rứt, anh đã lên tiếng tố giác. Nhận được thông tin này, Henry Kamn tức tốc gọi cô thư ký mua ngay vé máy bay đi Đà Nẵng đầu giờ chiều hôm đó. Đến Đà Nẵng, Kamn không có phương tiện nào đi Quảng Ngãi, trời lại bắt đầu tối. Cuối cùng, Kamn đã xin được một chỗ trên một máy bay quân sự Mỹ đến tỉnh này. Trên máy bay, Kamn ngồi cạnh một người Mỹ mặc quần áo dân sự. Trò chuyện với nhau một lúc, người Mỹ này hỏi mục đích của chuyến đến Quảng Ngãi của Kamn. Kamn tiết lộ mình là nhà báo nhưng vẫn úp mở về mục đích chuyến đi của mình. Người Mỹ kia nhìn thẳng Kamn và nói “Tôi biết ông tìm gì ở đó. Vụ thảm sát ở Mỹ Lai phải không?”. Thế là Henry Kamn đành thú nhận mục đích của chuyến đi của mình. Bấy giờ, người Mỹ kia mới nói rõ ông là cố vấn của tỉnh trưởng Quảng Ngãi và mời Kamn khi đến Quảng Ngãi nên ở nhà ông “để được an toàn”. Viên cố vấn Mỹ này cũng hứa giới thiệu Henry Kamn với trung tá tỉnh trưởng Quãng Ngãi, ông ta sẽ giúp cho cuộc điều tra của Kamn dễ dàng hơn. Viên cố vấn Mỹ cho biết tỉnh trưởng hiện tại, vừa được bổ nhiệm thay tỉnh trưởng cũ, không dính líu gì với vụ thảm sát sẽ sẵn sàng giúp Kamn. Nếu không có sự giới thiệu của viên cố vấn Mỹ với tỉnh trưởng Quảng Ngãi, không thể nào Kamn có thể đặt chân đến làng Mỹ Lai. Khi Henry Kamn đến đó, trong làng không còn ai cả. Một số ít người còn sống sót đã lánh sang làng kế bên. Số nhân chứng này giúp Kamn dựng lại khá đầy đủ một trong những tội ác tồi tệ nhất do quân đội Mỹ gây ra trong chiến tranh Việt Nam. Trở lại tỉnh lỵ Quảng Ngãi, Henry Kamn mượn điện thoại tại nhà riêng của viên cố vấn Mỹ để đọc bài báo của mình về văn phòng New York Times ở Sài Gòn rồi từ đây chuyển về Mỹ. Viên cố vấn Mỹ hỏi Kamn: “Tôi có thể đứng đây nghe nội dung bài báo của ông được không?”. Kamn trả lời: “Ông cứ nghe vì ngày mai cả nước Mỹ và thế giới sẽ biết chuyện gì đã xảy ra tại cái làng hẻo lánh này”. Khi kể cho tôi nghe câu chuyện, đến đoạn này Kamn hỏi tôi: “Anh có đoán viên cố vấn Mỹ phản ứng thế nào sau khi nghe tôi đọc hết bài báo?”. Rồi không cần tôi trả lời, Kamn nói tiếp: “Ông ta đã khóc vì quá xúc động”. Từ buổi gặp nhau tình cờ này, Kamn và viên cố vấn Mỹ trở thành bạn thân: họ cùng nhìn ra bản chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Sau này viên cố vấn trở thành đại sứ Mỹ ở một nước ở Trung Đông và họ vẫn liên lạc với nhau. Sau năm 1975, Henry Kamn trở lại Việt Nam nhiều lần và mỗi khi đến TP. Hồ Chí Minh, ông đều ghé thăm tôi. Chúng tôi nói chuyện với nhau như hai đồng nghiệp bên tách cà phê tại nhà tôi, có khi đến tận khuya. Khi Kamn lần đầu đến miền Nam Việt Nam những năm 60, ông tự coi mình là một nhà báo đã hiểu biết rành rẽ cả thế giới. Ông đến từ Châu Âu, nơi ông làm đại diện cho báo New York Times trong nhiều năm. Ở đây ông quen biết hầu hết các nhà chính trị và lãnh đạo các nước Tây Âu lẫn Đông Âu. Cho nên khi nhận nhiệm vụ sang Việt Nam, ông miễn cưỡng lên đường và tự hỏi mình đến đất nước xa lạ này để làm gì. Nhưng đặt chân đến Việt Nam không bao lâu, Kamn đã nhận ra: Nếu mình chưa đến đây thì chưa biết gì về cái thế giới mình đang sống. Rất nhanh, Kamn yêu đất nước này và khi đến nước Lào thì thêm một phát hiện chinh phục con tim ông. Ông đã khám phá ở những vùng xa xôi của trái đất những đất nước và dân tộc mà theo ông vô cùng đáng yêu và đáng kính. Henry Kamn có vợ Việt Nam. Nhưng ông gặp người vợ này sau khi ông rời Việt Nam. Trong thời gian ở Việt Nam, ông đã có vợ người Mỹ. Sau tháng 4 – 1975, ông được báo New York Times cử làm trưởng văn phòng tại Tokyo (Nhật). Một buổi tối đang ngồi trong Câu lạc bộ báo chí nước ngoài tại thành phố này thì có người báo tin: một nhóm người Việt Nam vượt biên bằng thuyền máy được một tàu Nhật vớt và đưa vào đất liền Nhật. Những người trên chiếc thuyền máy không ai nói được tiếng Anh. Quyết định của Kamn là lên đường ngay. Nhưng có một rắc rối không nhỏ là làm thế nào có ngay một người biết tiếng Việt Nam và tiếng Anh hoặc Pháp để làm thông dịch trong cuộc tiếp xúc với những người trên thuyền. Rất may tối hôm đó trong câu lạc bộ có một phụ nữ Việt Nam rất rành tiếng Pháp và tiếng Anh. Một người bạn giới thiệu người phụ nữ ấy với Henry Kamn và cô sẵn sàng đi ngay cùng Kamn. Đó là sự khởi đầu của một cuộc hợp tác rất tốt đẹp. Sau loạt bài về những người Việt Nam di tản này, người phụ nữ Việt Nam tự nguyện làm thông dịch cho ông đã trở thành vợ chính thức của ông. Những năm sau này Henry Kamn sống tại miền Nam nước Pháp, vẫn viết cho New York Times nhưng được hưởng chế độ đặc biệt chỉ làm việc 6 tháng trong một năm. Vợ ông điều khiển một Gallerie ở Thụy Sĩ, chuyên bán tranh của những họa sĩ lớn, đặc biệt là của Picasso. Trong chiến tranh Việt Nam, có rất nhiều nhà báo không chỉ dũng cảm bảo vệ sự thật và chân lý mà còn bày tỏ công khai tình cảm, sự gắn bó của mình đối với dân tộc Việt Nam như Kamn. Câu chuyện của Carl Robinson, phóng viên – nhiếp ảnh của hãng tin AP là một trường hợp điển hình khác. Như một số thanh niên Mỹ thời Kennedy đến Việt Nam với nhiều ảo tưởng mang từ đất nước họ: Tự coi mình là sứ giả của thế giới văn minmh, có sự mạng giúp xây dựng một xã hội dân chủ, tiến bộ và phồn vinh tại miền Nam Việt Nam- Carl Robinson ở tuổi đôi mươi đặt chân đến miền Nam Việt Nam cũng với một tâm trạng như thế. “Tinh thần Kennedy” đã thôi thúc cả một thế hệ Mỹ hướng tới những lý tưởng cao đẹp. Carl Robinson nghĩ rằng khi mình đến miền Nam sẽ được dân chúng ở đây tiếp đón như cha ông của anh đã từng được ôm chầm niềm nở bởi những chàng trai cô gái Pháp, Ý mà anh từng được thấy trong các đoạn phim ghi lại sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhưng khi vừa xuống phi trường Tân Sơn Nhất, anh được đưa lên một chiếc xe ca quân đội Mỹ mà các cửa sổ đều được bảo vệ bằng một lớp lưới thép để chống lại tấn công bằng lựu đạn. Carl Robinson hiểu ngay rằng anh không đặt chân đến một vùng đất thân thiện như anh đã được tuyên truyền! Khi anh được điều về Gò Công, một tỉnh lỵ ở miền Tây cách Sài Gòn chỉ mấy mươi cây số, với tư cách nhân viên USAID (Cơ quan viện trợ Mỹ), Carl càng thấy rõ sự sai lầm quá lớn của mình khi tình nguyện sang đây theo lời kêu gọi của chính quyền Mỹ. Đây là một cuộc chiến mà người Mỹ hoàn toàn bị cô lập, bị chính những người mà họ có sứ mạng “bảo vệ, giúp đỡ”, chống lại và thậm chí căm thù. Carl còn nhận ra với tất cả sự thất vọng rằng “những đồng minh” của Mỹ cũng chẳng quan tâm đến sự chinh phục người dân miền Nam Việt Nam mà ngược lại còn gây thêm đau thương cho họ. Các Tỉnh trưởng – thường là một quân nhân – là những “ông vua” ở địa phương, một thứ “hung thần” khiến người dân sợ hãi. Carl quyết định từ nhiệm. Nhưng Gò Công sẽ mãi mãi gắn bó với Carl: anh yêu một cô gái tại đây và thiếu nữ này cũng yêu anh. Nhưng cuộc tình của họ không suôn sẻ dù Carl hết sức chân thành, gặp cha mẹ cô gái và chính thức xin cưới. Cha cô gái là một nhân sĩ địa phương, nhất định từ chối. Sự từ chối của ông cũng dễ hiểu vì vào những năm 60, gia đình nào có con gái lấy Mỹ đều bị bà con hàng xóm coi như không đàng hoàng, dễ bị khinh rẻ. Carl có thể đưa người yêu lên Sài Gòn sống bất kể sự chống đối của cha mẹ cô nhưng anh không chọn giải pháp này mà vẫn kiên trì chờ đợi sự chấp nhận chính thức của gia đình cô gái. Cuối cùng anh nhận được tín hiệu vui. Cha cô gái đồng ý gặp Carl Robinson nhưng lại đặt một điều kiện: Carl chỉ được vợ sau khi trả lời một câu hỏi do cha cô gái nêu ra. Ngày Carl hồi hộp đến gia đình của người yêu, anh không đoán được câu hỏi sẽ là gì. Cuối cùng câu hỏi của cha cô gái rất vắn tắt: “Anh có phải là nhân viên CIA không?”. Carl thở phào nhẹ nhõm vì bản thân anh rất dị ứng với tổ chức tình báo Mỹ sau khi không làm cho USAID nữa, Carl xin là phóng viên nhiếp ảnh cho hãng tin AP (Mỹ). Lúc đầu, anh không được thu nhận vì áp lực của tòa đại sứ Mỹ. Carl bị liệt vào “danh sách đen” (black list) những người Mỹ bị theo dõi tại Sài Gòn. Nhưng cuối cùng AP vẫn nhận anh. Khi làm rõ điểm này (có phải là nhân viên CIA không), Carl cha cô gái nhận làm rể. Thế là Carl xây dựng kế hoạch cuộc sống của mình gắn vĩnh viễn với quê hương bên vợ. Anh không nghĩ đến ngày trở về Mỹ. Anh yêu vợ, mặt khác đất nước và con người Việt Nam lại rất thích hợp với tâm hồn và lối sống của anh. Kế hoạch sống tại Việt Nam của anh bị đảo lộn với sự kiện lịch sử 30-4. Tòa đại sứ Mỹ ra lệnh Carl di tản với cả gia đình, có cả ông già vợ đã từng nghi ngờ Carl làm việc cho CIA. Anh đau khổ rời Việt Nam, nơi mà anh đã chọn làm quê hương thứ hai, nhưng sự đau khổ của Carl còn là sự mất mát vật chất khiến anh hoàn toàn phá sản khi trở về Mỹ. Những gì anh đầu tư tại miền Nam, anh không thể mang theo về Mỹ. Nhưng bi kịch đối với Carl Robinson chỉ thật sự bắt đầu khi anh đặt chân trở lại quê hương anh. Hai vợ chồng phải sống trong những điều kiện khó khăn tại Washington, mỗi ngày Carl đến trụ sở hãng AP với vỏn vẹn hai đô la bỏ túi; nhưng cái mà Carl không thể chịu đựng nổi chính là thái độ của các đồng nghiệp anh tại AP. Khi từ miền Nam Việt Nam trở về, lúc đầu Carl hình dung rằng anh sẽ được các đồng nghiệp trong cơ quan đón anh với một sự quan tâm đặc biệt. Họ sẽ quay quắt đặt vô số câu hỏi về Việt Nam: Tại sao người Mỹ thất bại, những ngày cuối ở Việt Nam ra sao, cuộc di tản diễn ra thế nào v.v… Nhưng thực tế hoàn toàn khác hẳn. Không ai hỏi Carl điều gì về Việt Nam. Họ còn cố tránh nói chuyện hoặc chạm mặt với Carl Robinson trong cơ quan bởi vì họ muốn vĩnh viễn quên đi Việt Nam. Carl là cây đinh trong mắt họ. Carl bắt đầu uống rượu, bỏ bê công việc, rồi cuối cùng rút khỏi hãng AP vì không chịu đựng nổi những bất mãn và tủi nhục của người khác về chiến tranh Việt Nam cứ đổ trút lên anh. Để cứu chồng mình ra khỏi tình trạng khủng hoảng có thể dẫn tới căn bệnh trầm uất, người vợ Việt Nam đã đưa cả gia đình sang sống ở Sydney (Úc). Tại đây một người bạn giúp anh trở lại với nghề báo bằng cách giới thiệu anh với tuần báo Mỹ Newsweek. Anh trở thành trưởng văn phòng của tờ báo này ở Sydney. Ngoài ra anh cùng gia đình vợ mở một quán ăn Việt Nam lấy tên là Sài Gòn. Carl có dịp trở lại Việt Nam lần đầu nhân kỷ niệm 15 ngày thống nhất đất nước. Chúng tôi rất mừng rỡ khi gặp lại nhau. Gần đây tôi được biết Carl cùng vợ cố gắng tiếp nối kế hoạch xưa kia là xây dựng một lần nữa cuộc sống của họ ở Việt Nam. … Trước năm 1975, các nhà báo nước ngoài là một bộ phận gắn liền với cuộc chiến tại Việt Nam. Các nhà báo tiến bộ đã góp phần làm sáng rõ lên nhiều góc khuất hoặc thực trạng bị bóp méo trong chiến tranh Việt Nam. Nhiều nhà báo cũng bày tỏ công khai thái độ chống chiến tranh, chống sự can thiệp của người Mỹ ở Việt Nam. Họ đã góp phần thúc đẩy cho cuộc chiến tranh sớm đi tới sự kết thúc vào 30-4-1975. Jean Claude Pomonti của báo Le Monde, Nayan Chanda của báo Far Eastern Economic Rewiew (có lúc cộng tác với Le Monde Diplomaitque), Francois Nivelon của báo Le Figaro, Paul Quinn Judge của báo Christian Science Monitor, Tiziano Terzani của báo Der Spiegel v.v… là những nhà báo mà tôi quen biết có thái độ ủng hộ những người hoạt động đối lập và thành phần thứ ba. J. C. Pomonti giúp tôi hai lần viết bài để bày tỏ lập trường đối lập và chống chiến tranh của mình trên mục “La tribune internationale” của báo Le Monde, một diễn đàn thường dành cho chính khách có tên tuổi các nước phát biểu. Anh Pomonti và tôi cùng sinh năm 1940. Anh có vợ Việt Nam là con gái của ông Lê Quang Thanh cũng làm báo (cho hãng tin AFP tại Sài Gòn) và là em gái của ông Lê Quang Uyển từng là thống đốc Ngân hàng quốc gia (chế độ Sài Gòn). Sau 1975, Pomonti rất thường trở lại Việt Nam và đưa các con anh về thăm quê ngoại. Chúng tôi có một vài dịp đánh tennis với nhau trên sân Nhà Văn hóa Thanh niên ở đường Hai Bà Trưng. Sau 1975, tôi cũng gặp lại Nayan Chanda tại TP. Hồ Chí Minh. Anh từ Hồng Kông sang, lúc này anh là editor in chief (chủ bút) tờ Far Eastern Economic Review. Anh rất ngạc nhiên khi nghe tôi kể cuộc sống của tôi giờ đây gắn với công việc viết báo, đặc biệt là viết báo thể thao. Các bài bình luận bóng đá của tôi viết cho các báo (có lúc cho bốn tờ báo ngày và tuần) mang lại cho tôi một thu nhập mỗi tháng tương đương 2000 USD (trước khi tôi bị bệnh)! Bài báo của Nayan Chanda viết về tôi trên Far Eastern Economic Review có câu khá vui: “Một cựu dân biểu và là cựu tổng trưởng thông tin chế độ cũ hiện sống hào hứng với nghề viết báo thể thao; quá khứ chẳng làm vướng bận đầu óc ông”. Được biết gần đây Chanda đã từ giã nghề báo và làm giám đốc nhà xuất bản của Trung tâm nghiên cứu về toàn cầu hóa ở đại học Yale. Và Tiziano Terzani, một người bạn khác của tôi trong giới báo chí nước ngoài hoạt động tại miền Nam trước năm 1975. Terzani đến Sài Gòn từ năm 1971 với tư cách đặc phái viên báo Der Spiegel tại Đông Nam Á. Ông là nhà báo ủng hộ các nhóm đối lập tại miền Nam và đặc biệt là lực lượng thứ ba khi có Hiệp định Paris. Ông chống lại sự can thiệp của người Mỹ tại Việt Nam và công khai coi cuộc chiến đấu của MTDTGPMN và Bắc Việt là cuộc chiến yêu nước của người Việt Nam cần được thế giới ủng hộ. Khi tổ chức các cuộc họp báo chống tổng thống Thiệu, tôi luôn báo tin cho Ternazi. Với sự giới thiệu của tôi, Ternazi cũng trở thành một người khách luôn được đón tiếp niềm nở tại Dinh Hoa Lan của ông Dương Văn Minh. Ông được coi là “cái loa” bán chính thức của những người đối lập chế độ Thiệu. Ông là người Ý sinh tại Florence. Suýt nữa ông mất cơ hội chứng kiến tận mắt ngày 30-4-1975, cũng có nghĩa mất đi cơ hội thực hiện cuốn sách “Giai Phong” được chọn là Book of the Month Selectioln ở Mỹ năm 1976. Giữa tháng 3-1975, ít ngày sau khi chế độ Thiệu mất Buôn Mê Thuột, nhà báo Tiziano Ternazi được Nguyễn Quốc Cường – người đứng đầu Trung tâm báo chí – báo rằng một trong những bài báo của ông đã xúc phạm tổng thống và vấy bùn lên nước VNCH. Nguyễn Ngọc Bích, Tổng giám đốc Việt Tấn Xã (Vietnam Press) cũng lặp lại những điều ấy với ông. Thế là Ternazi bị trục xuất khỏi miền Nam. Ông kể rằng đón nhận lệnh này ông vô cùng thất vọng. Suốt 4 năm dài theo dõi một cuộc chiến làm lay động cả lương tâm nhân loại, nhưng đến khi sắp kết thúc thì mình lại vằng mặt nên Ternazi nhất định không chấp nhận… sự bất công này. Ternazi biết rất rõ nếu ông trở lại Sài Gòn thì ông sẽ bị chính quyền bắt ngay tại sân bay. Chỉ còn một cách là chọn chuyến bay nào khi đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất thì không còn… chuyến nào nữa rời khỏi Sài Gòn. Tức là chuyến bay cuối cùng đến Sài Gòn. Tiziano Terzani kể: “Tôi rất may mắn. Khi chiếc phản lực Air Vietnam xuất phát từ Singapore đáp xuống Tân Sơn Nhất thì lúc đó tất cả cảnh sát sân bay đã biến đi đâu hết, không có ai kiểm tra “danh sách đen” trong đó có tên tôi. Tizani thích thú nói: “Thế là tôi vào lại Sài Gòn”. Tiziano Terzani đã nhìn thấy cảnh xe tăng của quân giải phóng vào dinh Độc Lập cùng với nhà báo Nayan Chanda. Sau ngày 30-4-1975, Tizani được phép ở lại Việt Nam thêm ba tháng, đi khắp các tỉnh miền Tây, rồi ra Hà Nội, gặp nhiều lãnh đạo của Đảng Cộng Sản và Nhà nước. Cuối năm 1975, Tiziano Terzani viết xong cuốn “Giai Phong”. Tức khắc cuốn sách được khắp nơi đón nhận nồng nhiệt, được dịch ra nhiều thứ tiếng. Tại Ý, quê hương của Terzani, nhà xuất bản của anh cho in một loại ấn bản đặc biệt (rút ngắn) dành phổ biến cho các trường học ở Ý. Quyển sách kể lại ba ngày giải phóng và ba tháng Tizani quan sát đất nước Việt Nam sau khi thống nhất và bước vào giai đoạn đầu của cải tạo xã hội chủ nghĩa. Quyển sách là một cái nhìn đầy hào hứng và lạc quan về chiến thắng tất yếu của nhân dân Việt Nam và những đổi thay diễn ra tiếp đó. Tháng 4-1976 kỷ niệm một năm giải phóng, cùng một số nhà báo như Jean Lacouture, Nayan Chanda, Jean Claude Pomonti, Francois Nivelon v.v… Tiziano Terzani được chính quyền Việt Nam mời trở lại thăm Việt Nam. Đoàn báo chí nước ngoài được đưa đi bằng ô tô từ Hà Nội vào Sài Gòn và các tỉnh phía Nam. Một chuyến đi thực tế rất phong phú cho người làm báo nếu chuyến đi ấy được tổ chức chu đáo. Nhưng trong khâu thực hiện có nhiều điều bất cập nên đã gây một số phản ứng không thuận lợi cho nước chủ nhà. Nhưng cái bất lợi nhất là tình hình kinh tế của Việt Nam một năm sau giải phóng không lạc quan chút nào. Terzani không nhận ra Sài Gòn mà ông từng gắn bó. Tinh thần của ông càng bị lung lạc khi ông không tìm lại được phần đông các bạn bè quen biết của ông trước năm 1975. Nhiều người đã vượt biên ra nước ngoài bằng thuyền, có không ít người bỏ mạng giữa biển. Nhiều người khác “đi học tập” chưa thấy về. Ông nhắc nhiều về trường hợp một người bạn, một phóng viên Việt Nam, từng giúp ông trước 1975: Cao Giao. Khi Tiziano Ternazi cho xuất bản quyển “Giải Phóng”, ở phần lời nói đầu, ông nhắc đến Cao Giao như sau: “Một số người Mỹ quen biết anh rời khỏi Sài Gòn ở tuần lễ cuối cùng đầy sợ hãi đã thúc hối anh sang Hoa Kỳ cùng gia đình. Họ nói với anh: “Anh biết ngoại ngữ, anh cũng không bao giờ ngủ, anh sẽ tìm được một việc dễ dàng như làm nhân viên khách sạn vào ban đêm” Đó không phải lý do anh ở lại Việt Nam. “Ở mỗi người Việt Nam đều có một viên quan lại, một kẻ cắp, một kẻ nói dối – và có cả một con người mơ mộng ngủ im bên trong” anh nói với tôi như thế. “Cách mạng cho tôi được mơ và tôi muốn được nhìn thấy giấc mơ ấy bằng chính mắt mình” Tôi (Tiziano Terzani) cũng thế, muốn được thấy điều ấy. Trở lại Việt Nam tháng 4-1976, Tiziano Terzani nghĩ rằng mình không thấy giấc mơ ấy thành hiện thực. Quá nhiều điều để cho Terzani thất vọng. Gặp lại tôi tháng 4- 1976 tại tòa soạn báo Tin Sáng bộ mới, Terzani không che giấu tâm trạng ấy của anh. Tôi cố gắng nói với anh: những gì anh đã viết trong quyển sách có giá trị lịch sử, vượt thời gian. Nhưng lúc đó quả thật tôi không có đủ lý lẽ để thuyết phục anh rằng những gì đang xảy ra chưa phải hoàn toàn là bản chất của cách mạng Việt Nam. Riêng tôi chấp nhận các diễn tiến của những năm đầu sau 1975 chủ yếu bằng con tim, con tim của người Việt Nam, với niềm tin đặt cơ sở vào quá trình lịch sử của người cộng sản. Tôi tin rằng rồi Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ có những điều chỉnh thích nghi để đất nước đi lên. Nếu người cộng sản đích thực là người yêu nước như tôi vẫn tin tưởng, thì dứt khoát họ sẽ có những điều chỉnh cần thiết và không quá chậm trễ để vực dậy đất nước, và bảo đảm làm sao cho người dân đã sống quá lâu trong chiến tranh, trong cảnh mất nước và cơ cực, được hưởng những thành quả của cuộc cách mạng. … Sau đó tôi được một số đồng nghiệp gần gũi với Tiziano Terzani có dịp đến Việt Nam cho biết: hình như sau chuyến trở lại Việt Nam tháng 4-1976, Terzani đã phủ nhận quyển sách “Giai Phong” của anh – như một người mẹ quyết định từ bỏ đứa con mà mình đã mang nặng đẻ đau. Nghe tin này tôi rất buồn cho Terzani và càng buồn vì Việt Nam mất đi một người bạn thân thiết. Mãi đến năm 1995, cũng qua một đồng nghiệp nước ngoài, tôi được biết Tiziano Terzani đã cho xuất bản lại quyển “Giải Phóng” dưới một cái tựa mới: “Saigon 1975 – Three Days and Three Months” (Sài Gòn 1975 – Ba ngày và ba tháng). Không bao lâu, tôi có cuốn sách trong tay. Lời mở đầu của ấn bản này có tên “Twenty Years After” (Hai mươi năm sau) nói rõ sự đổi tựa sách chỉ nhằm mục đích để quyển sách tiếp cận dễ dàng hơn với người đọc thuộc thế hệ mới. Về nội dung, Terzani nhấn mạnh: “Cuốn sách được in lại hoàn toàn đúng như nó được viết hồi năm 1975. Không có một tên tuổi nào thay đổi, không một tính từ hay một dấu than nào bị xóa đi hoặc một dấu hỏi nào được thêm vào”. Như thế trái với những tin không chính thức mà tôi từng nghe vào những năm trước, Tiziano Ternazi không hề phủ nhận đứa con tinh thần của mình. Ông kể: “Có nhiều người hỏi tôi: Có phải lúc đó ông đã sai lầm?”. Sự khiêu khích đáng được trả lới và câu trả lời là “Không”. Trong lời tựa hai mươi năm sau, Tizani viết: ”Những gì xảy ra sau chiến tranh tại Việt Nam không thể thay đổi suy nghĩ của tôi về thực chất cuộc chiến này trước đây. Đối với thế hệ của tôi, trước hết đó là một vấn đề của đạo đức (a question of morality). Người Việt Nam đã chiến đấu cho cuộc chiến vì độc lập, cũng là cuộc chiến mà họ đã bắt đầu ở đầu thế kỷ khi bị những độ quâni Pháp đầu tiên đặt chân lên bờ biển của đất nước họ. Người Mỹ, đơn giản chỉ thay thế người Pháp trong ý đồ thực dân mới của họ, không có lý do gì can thiệp ở đất nước xa xôi này; họ không có quyền “tàn phá đất nước này trong mục đích cứu vớt nó”. Giữa bộ máy chiến tranh tinh vi của Mỹ và cuộc chiến du kích của người Việt, sự chọn lựa anh hùng của chúng tôi quá đơn giản. “Các nguyên lý mà chúng tôi tin tưởng, đó là mỗi dân tộc phải tự quyết định vận mệnh của mình, rằng các xã hội phải nhân bản và công bằng. Cuộc cách mạng Việt Nam cho thấy sự hứa hẹn ở tất cả những điều đó. Các cuộc cách mạng luôn là như thế vì nó hướng tới tương lại, một tương lai đầy hi vọng, chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn hiện tại gắn liền với khốn khổ và bất công. Đất nước Việt Nam là như thế: một bên là thực tế bày ra trước mắt từ một chế độ đàn áp được ủng hộ bởi sự can thiệp của Mỹ, còn bên kia là sự khắc khổ, một tinh thần cách mạng bất khuất, hứa hẹn hòa bình và cuộc sống tốt đẹp cho mọi người…” Thật lạ lùng, những suy nghĩ của Tiziano Ternazi lúc đó không khác lắm suy nghĩ của tôi dù anh là người Ý còn tôi là người Việt Nam. Thì ra giữa những người không bị những quyền lợi ích kỷ chi phối hoặc theo đuổi những mục đích chính trị tư riêng thì dễ dàng gặp nhau trong sự chọn lựa đứng về phía nào trong cuộc chiến tranh Việt Nam. … Hai mươi năm sau, khi Tiziano Terzani cho in lại quyển sách của mình, chắc chắn ông cũng thấy rằng cuộc cách mạng mà mình ủng hộ đã bắt đầu có thành quả tốt đẹp. Nước Việt Nam mà ông nhìn thấy năm 1976 khi trở lại Việt Nam – có nhiều điều làm ông thất vọng – nay đã đổi khác nhiều.