Dich thuật: Vũ Mạnh Hồng & Nguyễn Hiền Chi
Chương 11
CÁC VƯƠNG QUỐC THUỘC GIÁO HỘI

Bây giờ chỉ còn các vương quốc thuộc Giáo hội là chưa được bàn tới. Đối với hình thức quốc gia này, những khó khăn chỉ nảy sinh trước khi Giáo hội nắm quyền cai trị. Đối với những vương quốc này, việc chinh phục đòi hỏi phải có năng lực hoặc vận may nhưng để cai trị thì lại chẳng cần cả hai điều đó. Các vương quốc này tồn tại bằng những thể chế tôn giáo cổ xưa. Những thể chế này có sức mạnh siêu phàm đến mức có thể đảm bảo quyền lực cho các quân vương cho dù họ có hành xử thế nào đi nữa.
Những quân vương này có các vương quốc mà không phải bảo vệ, có các thần dân mà không phải cai quản. Cho dù không được bảo vệ, thì các vương quốc đó cũng chẳng bao giờ bị chiếm đoạt. Các thần dân không bị cai trị cũng chẳng bận tâm gì về việc phải xa lánh quân vương. Các vương quốc này là những thể chế duy nhất được an toàn và hạnh phúc. Vì các vương quốc này được bảo trợ bởi những trí tuệ siêu phàm mà người trần mắt thịt không thể sánh được, tôi không dám bàn thêm gì nữa. Chỉ có những kẻ tự phụ và liều lĩnh mới dám luận bàn các vương quốc được Chúa tôn vinh và bảo vệ.
Tuy nhiên, có thể ai đó sẽ hỏi tôi rằng tại sao Giáo hội lại có thể đạt được quyền lực lớn đến như vậy45.[45 Quyền lực ở đây không chỉ là thần quyền của Giáo hội mà còn thể hiện ở sự mở mang về lãnh thổ của các vương quốc thuộc Giáo hội.].Trước khi Giáo hoàng Alexander nắm quyền, tất cả những kẻ có thế lực ở Italia, không chỉ vua chúa mà ngay cả bọn lãnh chúa, quý tộc, dù là kẻ hèn yếu nhất cũng đều coi thường quyền lực của Giáo hội. Vậy mà giờ đây, Giáo hội lại có thể khiến vua nước Pháp phải run sợ, đuổi ông ta ra khỏi Italia và làm suy yếu người Venice. Mặc dù những sự kiện này đều đã được biết tới nhưng tôi cho rằng việc nhắc lại cũng không phải là vô ích.
Trước khi vua Charles nước Pháp xâm chiếm Italia, đất nước này nằm dưới quyền cai trị của Giáo hoàng, người Venice, vua Naples, công tước xứ Milan và người Florence. Những người trị vì này đều ý thức được hai vấn đề chính. Thứ nhất, không để quân đội ngoại bang xâm chiếm Italia. Thứ hai, ngăn cản nhau mở mang lãnh thổ. Hai thế lực mà các bên đều thấy cần phải đề phòng nhất là Giáo hoàng và người Venice. Để chế ngự người Venice, các bên còn lại cần lập một liên minh, cũng giống như trường hợp bảo vệ xứ Ferrara.
Để phong tỏa uy quyền của Giáo hoàng, các bên sử dụng bọn quý tộc thành Rome. Bọn này luôn chia làm hai phe, phe gia tộc Orsini và phe gia tộc Colonna và luôn có lý do để hục hặc với nhau. Ngay trước mặt Giáo hoàng, bọn chúng diễu võ dương oai để làm suy yếu vị thế của Giáo hoàng. Mặc dù trong lịch sử, cũng có những giáo hoàng dũng cảm như Giáo hoàng Sixtus46 [46 Giáo hoàng Sixtus: tên thật là Francesco della Rovere (1471-1484), có họ với Giuliano della Rovere (sau này là Giáo hoàng Julius II)] nhưng chẳng vận may hay sự khôn khéo nào giải phóng được họ khỏi những phiền toái đó. Nguyên nhân chính nằm ở thời gian trị vì ngắn ngủi. Trong 10 năm, thời gian trị vì trung bình của một giáo hoàng, khó mà tiêu diệt được toàn bộ một phe phái.
Chẳng hạn, nếu một vị giáo hoàng thành công trong việc tiêu diệt được một phe, chẳng hạn là gia tộc Colonna, thì một vị giáo hoàng mới là kẻ thù của gia tộc Orsini có thể sẽ kế vị và tạo điều kiện cho gia tộc Colonna phục hồi quyền lực nhưng ngay cả vị giáo hoàng này cũng chẳng có đủ thời gian mà diệt tận gốc gia tộc Orsini. Do vậy, trong một thời gian dài ở Italia, quyền lực của Giáo hoàng không được coi trọng.
Khi lên nắm quyền, Giáo hoàng Alexander VI lần đầu tiên chứng tỏ được sự thành công của một Giáo hoàng khi có tiền bạc và quân đội. Nhân cơ hội cuộc xâm lược của người Pháp và bằng sự trợ lực của công tước Valentino, Giáo hoàng Alexander VI đã giành được tất cả những thành công mà tôi đã bàn tới khi kể về các hành động của công tước. Mặc dù thâm tâm của Giáo hàng Alexander VI là đem lại quyền lực cho công tước chứ không phải cho Giáo hội nhưng ngài cũng đã làm cho Giáo hội mạnh lên.
Sau cái chết của ngài và của công tước, điều đó trở thành kết quả sau cùng của biết bao nỗ lực. Khi kế vị Giáo hoàng Alexander,Giáo hoàng Julius II47 [47 Giáo hoàng Julius II: Giuliano della Rovere trị vì với tước hiệu Julius II từ năm 1503 đến 1513] thấy rằng, Giáo hội đã có thế lực rất lớn. Giáo hội đã thâu tóm toàn bộ xứ Romagna trong khi bọn quý tộc thành Rome và các phe phái của chúng đã bị tiêu diệt bởi những đòn đánh chí mạng của Giáo hoàng Alexander. Giáo hoàng Julius cũng phát hiện ra một biện pháp để vơ vét của cải mà Giáo hoàng Alexander hay các vị tiền nhiệm khác chưa từng đụng đến.
Các hành động trước đây của Giáo hoàng Alexander không những được Giáo hoàng Julius tiếp tục mà thậm chí còn được đẩy mạnh hơn. Giáo hoàng Julius quyết tâm chiếm Bologna, đè bẹp người Venice và tống khứ người Pháp khỏi Italia, và ngài đã thành công trong tất cả những công cuộc đó. Ngài xứng đáng giành được nhiều lời ca ngợi hơn bởi ngài đã làm tất cả những điều đó vì quyền lực của Giáo hội chứ không vì quyền lợi của một cá nhân nào. Ngài đã chế ngự được hai phe gia tộc Orsini và gia tộc Colonna trong vòng cương tỏa và khiến cho bọn chúng không gia tăng được thế lực.
Mặc dù có một vài kẻ cầm đầu của hai phe phái này muốn thay đổi tình hình nhưng có hai trở ngại khiến chúng phải lùi bước. Thứ nhất, quyền lực của Giáo hội khiến chúng khiếp sợ. Thứ hai, cả hai gia tộc không có ai là Hồng y Giáo chủ.
Trở ngại thứ hai chính là nguyên nhân sâu xa của mọi xung đột giữa hai phe phái này. Hai phe này không bao giờ có thể hòa hoãn được với nhau chừng nào trong phe bọn chúng có các Hồng y Giáo chủ. Các Hồng y Giáo chủ này sẽ dung dưỡng phe phái của mình không chỉ ở thành Rome mà cả những vùng khác nữa, và bọn quý tộc sẽ buộc phải bảo vệ các vị Hồng y Giáo chủ của phe mình. Bởi vậy, từ tham vọng của các Hồng y Giáo chủ sẽ nảy sinh những mâu thuẫn và xung đột giữa các phe phái quý tộc. Khi lên ngôi, Đức Giáo hoàng Leo48 đã nhận thấy quyền lực thực sự của ngôi vị Giáo hoàng. Thiên hạ hy vọng rằng, nếu như những Giáo hoàng trước đây đã đem lại uy quyền cho Giáo hội nhờ vào vũ lực thì sự nhân từ và đức độ của ngài sẽ làm cho Giáo hội thêm hùng mạnh và được tôn kính.
[48 Đức Giáo hoàng Leo: Hồng y Giáo chủ Giovanni de Medici kế vị Giáo hoàng Julius II tháng 3 năm 1513 và trị vì cho tới năm 1521 với tước hiệu Leo X]