Giôphrây đờ Perắc không chịu nổi nữa. Ông muốn bày tỏ với những người mà ông đã mất quyền kiểm soát một sự bực bội khi suốt ngày vang lên những tiếng cầu kinh chậm chạp, hòa hợp một cách đáng ngạc nhiên với nhịp điệu và vẻ trang trọng của biển. “Perốt có lý, mấy người Tin lành quá lạm dụng, nhưng cấm họ ư? Ta không thể…”Và cuối cùng thì ông phải tự thú nhận là chính mình cũng bị cuốn hút bởi những tiếng hát vọng tới từ một thế giới khác, đóng kín, khó thâm nhập, và cũng như mọi điều bí ẩn của tự nhiên tiếng hát ấy gợi một cái gì kỳ thú. Những tiếng hát ấy cũng đến với ông hiên lên trước mặt ông hình ảnh Angiêlic, người đàn bà đã từng là vợ ông mà bây giờ ông không còn cảm nhận ra nổi, bởi vì ông không sao hiểu được tình cảm, tư tưởng của nàng. Sự tiêm nhiễm môi trường Tin lành đã để lại dấu ấn quá rõ bất chấp nhân cách mạnh mẽ ngày nào của nàng, hay đó chỉ là một bộ mặt mới và một trò đóng kịch? Để che giấu cái gì vậy? Một người đàn bà đỏm dáng khêu gợi hay….tình tứ? Tình từ với lão Gabrien Bécnơ ấy ư? Câu hỏi luôn luôn trở lại và thật đáng ngạc nhiên là mỗi lần tức giận đến tối tăm mặt mũi là một lần ý nghĩ duy nhất ấy lại làm ông đau nhói. Lúc đó ông cố hết sức để lãnh đạm, bằng cách so sánh người đàn bà mình đã yêu với người đàn bà vừa tìm thấy.Có gì phải ngạc nhiên khi gặp lại một người đàn bà đã bỏ, đã không yêu từ nhiều năm rồi, và thấy người đó khác đi? Chỉ cần coi như đó là một trong những người tình cũ là xong.Vậy thì tại sao cứ băn khoăn và cứ thích đào sâu mãi vào tất cả những gì liên quan đến nàng?Khi những tiếng hát của người Tin lành cất lên trong bầu trời ban mai nhợt nhạt hay ánh hoàng hôn trong vắt và lạnh giá, ông phải tự kìm chế không chạy ngay lập tức ra hành lang trông xuống boong tàu để nhìn xem có nàng trong số những người ấy hay không?Lần này nữa, ông đeo mặt nạ vào với ý định đi ra nhưng rồi ông lại đổi ý.Hay ho gì mà tự hành hạ mình như thế? Vâng, ông nhận ra nàng. Và rồi sao nữa? Nàng sẽ vẫn ngồi hơi tách ra, đứa con gái trên đầu gối, giống hệt mọi người đàn bà khác với chiếc áo khoác ngắn màu đen và mũ chụp trắng nom như những bà góa. Nàng sẽ vẫn hơi cúi khuôn mặt nhìn nghiêng xuống với vẻ duyên dáng đặc biệt quý tộc. Và rồi thỉnh thoảng rất nhanh nàng sẽ quay đầu về phía hành lang phía lầu sau như nàng đang mong đợi- hoặc lo ngại nhìn thấy ông.Ông bước đến cạnh bàn và cầm lấy một trong những mẩu quặng chì có bạc.Đầu óc ông dãn ra dần dần trong lúc ông nhấc thử đánh giá trọng lương của mẩu quặng.Tim lại được nghề nghiệp, thế là đã nhiều lắm rồi. Lại những viễn cảnh những năm tháng, lại lao động trên một vùng đất chưa hề có vết chân người mà nhiệm vụ của ông là tìm ra tính chất, thăm dò trữ lượng khả năng và quyền sử dụng các của cải ấy với quy mô lớn.Trước phiên toà nhóm họp để xử tội ông, và chính tại đó, ông đã có thể thấy sự vô nghĩa, dốt nát, thèm khát, cuồng tín hèn nhát, đạo đức giả, hám danh. Giôphrây đờ Perắc trong khi nghe tuyên đọc bản án buộc mình phải chết trên giàn thiêu vì tội phù thủy,. trước hết bị choáng váng bởi cái kết luận lôgic của một tấm thảm kịch mà ông đã dần dần phát hiện ra.Ông đã đào sâu vào hết thảy các dữ kiện trong suốt những ngày dài đằng đẵng ở trong tù. Và nếu ông thèm muốn một cách dữ dội khả năng được sống, bất chấp thân mình nát gãy vì bị tra tấn, thật ra chẳng phải vì sợ chết, mà bởi vì sự nổi dậy của ý muốn được nhìn thấy sự kết thúc của thời đại mình trước khi có thể sử dụng năng lực của mình đang vì sai lầm đã đi lạc vào một con đường không lối thoát.Tiếng gào của ông trên thềm Nhà thờ Đức bà không để đòi hỏi sự khoan dung mà để đòi công lý. Ông không hướng tới một chúa trời mà mình vẫn thường phạm giới luật mà ông hướng tới một đấng tiên tri, toàn năng “ Người không có quyền bỏ tôi, bởi vì tôi không chống lại người…”Thế nhưng lúc đó ông tin chắc mình sắp chết.Quá đỗi kinh ngạc vì thấy mình còn sống ở một nơi nào đấy bên bờ sông Xen, cách xa những tiếng gào hú của đám dân đen, ông hiểu được là sự thần kỳ đóng một vai trò quan trọng như thế nào.Đó là một ván bài khó chơi, nhưng đã không lưu lại với ông một kỷ niệm xấu. Tự để mình bị cuốn đi trong nước sông lạnh giá, trong khi bọn lính chịu trách nhiệm canh gác ngáy ầm ầm, ông bơi về phía một chiếc thuyền giấu trong lau sậy, tháo thuyền ra, để nó chở mình trôi theo dòng. Ông có bị ngất đi ít lâu sau đó tỉnh lại, ông cởi bỏ áo tù thay bằng chiếc áo vải thô của người dân quê tìm thấy trên thuyền.Rồi ông bắt đầu lết về phía Pari theo dọc những con đường tuyết phủ, khốn khổ, đói khát vì không dám mò vào các trang trại, chỉ có thể đứng vững nổi nhờ một ý nghĩ duy nhất: “Ta sống và ta sẽ thóat nạn…”Cái chân thọt lúc đó của ông thật là kỳ quặc. Có đôi lần ông quay người mà không nhận ra rằng chân lúc đó đang xoay ngược và kéo lê như một chiếc bàn trượt. Bằng mấy đoạn cây kiếm được ở một hàng rào ông tự làm lấy một đôi nạng thô sơ. Mỗi lần nhấc chân lên để bước, là một lần đau không sao chịu nổi. Suốt chặng đường đầu tiên, ông phải cố hết sức ghìm nén để không rú lên như một kẻ bị ma ám. Lũ quạ đậu trên các cây táo trụi lá nhìn ông đi qua như nhìn một sinh vật quái gở què quặt sắp ngã quỵ. Rồi dần dần, cảm giác đau đớn bị tê đi và ông thậm chí có thể bước nhanh. Thức ăn của ông chỉ là mấy quả táo đã đóng băng nhặt trong hố, một mẩu củ cải bị chiếc xe đẩy đánh rơi. Mấy ông thầy tu mà ông ghé lại xin nương náu đều sẵn lòng từ thiện nhưng họ luôn luôn nuôi trong đầu ý nghĩ phải đưa kẻ tật nguyền đến trại hủi bên cạnh, thành ra ông phải bỏ đi. Đi tập tễnh trên đường như vậy ông rất sợ một vài người dân quê hiếm hoi bắt gặp, vì họ có thể nhận ra ông qua bộ quần áo rách tươm bết máu, và chiếc khăn mùi soa che mặt.Có một hôm hầu như không bước nổi nữa, ông mới thu hết can đảm để xem lại cái chân khốn nạn của mình. Đau đớn vô cùng, nhưng rồi ông vẫn cởi được lớp vải cứng quèo của chiếc ủng, để lộ ra một vết thương há hốc ở phía sau đầu gối. Nhìn kỹ vết thương ông thấy có 2 sợi trăng trắng nổi lên, vì bị cọ xát nhiều lần trong các cuộc tra tấn cả hai đều đã giập nát. Trong cơn tuyệt vọng ông dùng một con dao nhíp nhặt được trên đường cắt đi cả hai, thực ra đó là những sợi gân nhưng ông cứ nghĩ là thứ của thừa làm vướng víu. Chân ông bỗng trở nên tê dại. Hơn lúc nào hết, ông khó chịu vô cùng và không thể điều khiển nổi cái chân ấy nữa, nhưng cuối cùng lại đi được tốt hơn nữa.Cái tháp chuông của Pari đã xuất hiện trước mặt Giôphrây đờ Perắc đi vòng thành phố như kế hoạch đã định trước. Khi đến được ngôi nhà thờ nhỏ trong khu rừng Vanhxen lần đầu tiên ông nghĩ tới chiến thắng.Ngôi nhà thờ khiêm tốn nhờ giấu mình trong rừng mà thoát được con dấu niêm phong của nhà Vua, thuộc tất cả những tài sản đã một thời rực rỡ huy hoàng của vị bá tước vùng Tuludơ. Ông vừa đưa tay vuốt ve một viên đá vừa nghĩ: “Mày vẫn còn thuộc về ta, mày sẽ phục vụ ta.”.Cái nhà thờ nhỏ ấy quả thật được việc. Tất cả đều đã được bí mật chuẩn bị từ trước. Những tay thợ được trả tiền hậu hĩnh đã tạo nên cả một kỳ công: nhờ con đường hầm sâu dưới mặt đất, ông có thể đi lọt vào bên trong thành phố Pari, và theo một cái giếng leo lên đúng giữa dinh cơ đã bị tịch thu của mình là biệt thự Bôtrây. Trong ngôi nhà thờ riêng của gia đình có một cái hốc bí mật. Ông lấy ra được cả một gia tài gồm có vàng và đồ trang sức mà nhờ linh cảm ông đã kịp cất giấu vào đó. Ôm chặt chiếc tráp vào ngực, ông lại một lần nữa chứng kiến cái cảm giác của một con người đang trên đường thoát ra khỏi địa ngục. Với số của cải ấy, ông không còn là kẻ bị tước hết vũ khí nữa. Bằng một viên kim cương ông sẽ kiếm được một chiếc xe, hai mẩu vàng sẽ kiếm được một con ngựa…Bằng một túi tiền căng phồng những kẻ hôm qua còn từ chối ông, hôm nay có thể thu xếp cho ông một chỗ ngồi bên cạnh và ông có thể trốn thóat, rời bỏ vương quốc này.Nhưng cùng lúc ấy ông lại cảm thấy cái chết đang bíu chặt lấy mình. Chưa bao giờ ông thấy cái chết đến gần mình như lúc ông vừa quỵ xuống trên những viên đã lát, vừa nghe tiếng đập trái tim mình đang lịm dần.Biết rằng không thể lại bắt đầu thoát ra ngoài bằng cái giếng, ông cảm thấy mình mấy hết ý chí. Đi gọi ông lão giữ nhà Paxcalu để nhờ giúp đỡ ư? Nhưng ông lão đã trở nên lẩn thẩn, thấy ông xuất hiện qúa đường đột không khéo lại ngỡ là ma hiện hồn, ông lão sẽ bỏ chạy và có thể làm náo động mọi người chung quanh.Tìm đâu ra một cánh tay sẵn sàng cứu giúp bây giờ? Hình ảnh đó gợi lên một cánh tay gầy gò đã từng cứu giúp ông trên con đường khốn khổ khốn nạn, đó chính là ông thầy tu bé nhỏ của Hội truyền giáo mà người ta đã chọn để rửa tội cho ông trong những giây phút cuối cùng.Vẫn còn có những con người mà ta không thể mua được dù bằng ngọc hay vàng. Cái sự thật đó, vị đại công hầu Tuludơ vốn thích quan sát người đời, đã thấy và chấp nhận cùng với những kẻ vụ lợi chiếm số đông trong nhân loại. Vẫn còn có những con người được Chúa đặt vào đó ngọn lửa thánh thần. Ông thầy tu truyền giáo là một trong những con người như thế. Vì dù thế nào đi nữa, cũng còn cần phải có một nơi nương tựa cho những kẻ khốn cùng.Thu góp chút sức lực cuối cùng ông ra khỏi biệt thự Bôtrây bằng lối cửa vườn cam mà ông biết chỗ để chìa khóa, và chỉ ít lâu sau đã có thể gõ cửa tu viện của hội Truyền giáo ở gần nhà. Ông chuẩn bị sẵn một câu để nói với cha Ăng toan, một câu nửa đùa nửa thật vẫn được dùng ở chốn tu hành: “ Xin cha hãy giúp con, bởi vì Chúa không muốn con chết…mà con thì lại ở gần cái chết lắm rồi”. Nhưng không một câu nói nào có thể bật ra khỏi cổ họng đã rách nát của ông.Từ nhiều ngày rồi ông nhận thấy mình đã trở thành một người câm.Giôphrây đờ Perắc ngẩng đầu lên và cảm thấy dưới chân mình sự chuyển động của sàn tàu, một nụ cười chợt hiện ra trên môi ông “ cha Ăngtoan! Có thể là người bạn tốt nhất của ta. Một con người chắc chắn là tận tụy nhất, vô tư nhất!”.Ông bá tước đờ Perắc, lãnh chúa vùng Akiten, kẻ nắm giữ một trong những tài sản lớn nhất của vương quốc Pháp, giờ đây đành phó thác thân mình trong bàn tay gầy gò, yếu ớt thò ra ngoài chiếc áo thầy tu đã sờn rách. Vị linh mục không chỉ săn sóc, che dấu ông, mà còn nảy ra một ý nghĩ – có thể gọi là thiên tài- là thế chỗ, thế tên một người tù khổ sai trong đám tù bị xiềng xích được chở xuống Macxây mà ông có trách nhiệm phải đi cùng. Người tù ấy làm chỉ điểm cho cảnh sát đã bị các bạn tù hắn giết chết. Cha Ăngtoan trước đó ít lâu đã được cử làm linh mục tuyên úy cho đoàn tàu galê khốn khổ đã tiến hành việc thay thế đó. Giôphrây đờ Perắc được vứt vào ổ rơm của một chiếc xe, không hề vấp phải sự chống đối của đám bạn đồng hành tội nghiệp, cảm thấy sung sướng vì đã tìm ra được lối thoát dễ dàng đến như vậy. Những tên lính gác đần độn và thô bỉ không hỏi han gì về con mồi mà chúng có trách nhiệm áp giải. Trong khi đó cha Angtoan dấu kín trong bọc hành lý nhỏ của mình, cùng với các đồ xách tay dùng cho việc làm lễ, chiếc tráp đựng cả một gia tài của ông bá tước.-Con người tuyệt vời!Đến Macxây hai người tìm được Cuxi Ba, người nô lệ da đen lúc đó cũng đang bị tù khổ sai ở đoàn tàu galê. Cha tuyên úy còn tự mình dắt anh ta đến chỗ ông chủ đang nằm.Việc trốn chạy của hai người có phần dễ dàng vì Giôphrây đờ Perắc lúc đó gần như liệt nửa người phía dưới, được ủy ban tuyển dụng người cho đoàn tàu galê coi là “vô dụng” và nhờ đó, ông đã không bị lôi vào toán tù chèo thuyền ra biển đầu tiên.Cùng với người đày tớ ẩn náu trong một khu phố lớn dành cho người phương Đông, tuy được tự do nhưng vẫn bị đe dọa chừng nào họ còn ở trên đất Pháp một thời gian để tìm dịp đáp tàu.Chính vì vậy ông mới gửi một lá thư cho ngài Múpti Apđen Mecrát, nhà bác học Ả rập mà ông có quan hệ thư tín từ lâu để trao đổi những phát minh về hóa học. Đáp lại niềm hy vọng ấy nhà bác học theo đạo Hồi đã gửi thư cho ông từ thành phố Feđờ ( thủ đô cũ của Marốc) cấm thành nổi tiếng của vùng Magrép. Lá thư trả lời tỏ ra xứng đáng với sự cao quý của những đầu óc có học vấn mà đối với những người ấy thì ranh giới duy nhất được vạch ra giữa con người với con người là ranh giới ngăn cách giữa ngu đần và thông minh giữa dốt nát và hiểu biết.Giữa một đêm không trăng, anh chàng da đen khổng lồ Cuxi Ba cõng ông chủ tàn tật trên vai, vượt qua những tảng đá lởm chởm lần xuống một cái vũng nhỏ ở vùng Xanh- Trôpê. Những người Ả rập mặc áo choàng trắng đợi họ ở đấy, buồm đã căng sẵn. Trong vùng ấy vẫn thường có một số loại khách quen lui tới để tìm các cô gái đẹp xứ Prôvăngxơ có mái tóc nhạt màu và cặp mắt huyền.. Chuyến đi trót lọt: một kỷ nguyên mới đã mở ra đối với con người được kéo ra khỏi giàn lửa. Tình bạn thắm thiết với Apđen Mecrát, vết thương được chữa lành nhờ bàn tay khéo léo của con người ấy, những liên hệ của ông với Mulai Ismail sau khi đã gửi cho nhà Vua vàng khai thác được ở Xu đăng, nhận chức đại sứ của Mulai Ismail bên cạnh Đại quốc vương Thổ Nhĩ Kỳ, việc buôn bán bạc đã đưa ông trở thành một trong những tên tuổi lớn của cái tay tướng cướp Địa Trung Hải. Một loạt thí nghiệm lý thú, đầy hứng khởi, vô số kiến thứ được bổ sung từng ngày cho cái trí tuệ ham hiểu biết của ông. Chắc chắn là không, không hối tiếc một chút nào về tất cả những gì ông bỏ lại phía sau! Không thua thiệt, cũng không hề thất bại! Tất cả những gì phải chịu đựng, phải nhận lãnh đối với ông đều thú vị và đáng để mà sống, đáng để sống lại, đáng với cả tương lai chưa nhìn thấy ở phía trước. Con người có phẩm giá là con người ung dung tự tại trong gian nguy, cũng như trong thảm họa.Trái tim ông khá là bền chắc. Ít có điều gì làm cho trái tim người đàn ông không thể bình phục. Trái tim người đàn bà mỏng manh hơn, kể cả khi họ dũng cảm đương đầu với những va đập và sợ hãi. Cái chết của một tình yêu, hoặc giả một đứa con có thể làm u ám đi mãi mãi niềm vui sống của họ. Quả là loại sinh vật kỳ lạ, những người đàn bà vừa dễ bị tổn thương, vừa độc ác…Độc ác khi họ dối trá, độc ác cả khi họ thành thực. Giống như Angiêlic hôm qua khi nàng ném thẳng vào mặt ông: “ Tôi căm ghét ông!....Thà ông chết đi còn hơn…”