Bộ mặt thật của buổi sáng, u ám, lạnh lẽo, thù nghịch, làm tôi ngạc nhiên khi đột ngột thấy mình đang ở giữa một vùng núi non trùng điệp. Chân trời rút hẹp lại chỉ còn bằng bề rộng của đường sắt, sông Inn, xanh ngắt, hùng hổ với những thác nước dữ dội, những làn sóng bạc đầu của nó, chạy theo xe lửa. Xe lửa thì chạy hết tốc độ. Đôi lúc, trên một đỉnh núi ngạo nghễ, xuất hiện phế tích của một thành trì thời xưa. Trong toa tàu không khí ngột ngạt vì những hơi thở hôi hám. Người đàn bà có thai, lộ vẻ đói bụng, bà ta gặm một lát bánh rán và ốc không để rơi rớt một chút nhỏ xíu nào. Các khuôn mặt đều phị ra vì ngủ không yên giấc. Tôi nhìn hai bàn tay tôi, chúng quá dơ bẩn. Các ngón tay của tôi làm cho tôi đau đớn, đây là một nỗi đau đớn âm thầm, dai dẳng. Nguyên nhân là cái tầng hầm ẩm ướt nơi đó tôi đã sống trong thời gian Budapest bị bao vây, nước chảy dọc theo những bức tường dính đầy hoả tiêu. Tôi chưa bao giờ được đeo một chiếc nhẫn quý, để biết cái cảm giác khi tiếp xúc với nó như thế nào, nhưng nỗi đau đớn mà tôi có trong các khớp xương ngón tay, tôi ưa thích nó, nó thay thế chiếc nhẫn.Cuối cùng chúng tôi đã đến được Innsbruck. Mẹ tôi xuống xe với sự bối rối của một người đi tàu thuỷ bị đắm phải xuống xuồng cấp cứu bằng một cái thang dây. Khi ra khỏi nhà ga, toạ lạc ở trung tâm thành phố, tôi cảm thấy bị đè bẹp bởi những ngọn núi trơ trẽn bao quanh thành phố Innsbruck. Ở Hungari, phải đi một ngày trời mới thấy được dãy núi xanh ở xa xa. Người ta có thời giờ để làm quen với cái cảnh tượng ấy, nhưng ở đây núi non sừng sững trước mặt chúng tôi, lạnh lẽo và thờ ơ.Trời rất lạnh. Ánh mặt trời lóng lánh trên những đỉnh núi phủ tuyết. Đường xá nhộn nhịp và đầy du khách. Một đoàn thanh niên đi ngang qua gần chúng tôi, họ vác trên vai giày trượt tuyết. Một thanh nữ nhìn chúng tôi với vẻ thích thú, chiếc áo thun màu đỏ rực rỡ như hoa mồng gà. Với chiếc áo măng tô màu đen của tôi, tôi cảm thấy mình như một con quạ trong tuyết trắng tinh. Nhưng chẳng mấy chốc tuyết đã tan dưới chân chúng tôi. Từ lúc đó chúng tôi lội bì bõm trong những vũng nước màu xám nhơ bẩn gần một bên nhà ga, chúng tôi uống hối hả một ly cà phê, chúng tôi phải đến càng sớm càng tốt, văn phòng đăng ký và sắp đặt chỗ cho những người tị nạn. chúng tôi phải đến trại tị nạn Kufstein ngay chiều hôm nay.Tại văn phòng đăng ký, chúng tôi phải điền vào những bảng câu hỏi đã được lập sẵn đến mỏi cả tay. Văn phòng được sưởi rất ấm, tất cả các nhân viên đều có một giọng nói đều đều, đơn điệu như nhau, một bầu không khí buồn ngủ sau một đêm thức trắng. Ôi, khó khăn biết bao khi phải nhớ lại những việc người ta đã làm trong mười năm trước! năm 1938, tôi ở đâu? Ở trường học. Lúc đó tôi mấy tuổi? Chín tuổi và sáu tháng. Đảng phái nào? Hướng đạo viên. Những chuyến di chuyển chính kể từ năm ấy? Chỗ dành cho các câu trả lời thật hạn chế, phải dùng ngôn ngữ vắn tắt của điện tín mới đủ chỗ để trả lời.Vào khoảng bốn giờ chiều, một nhân viên của văn phòng cấp cho chúng tôi những thẻ căn cước mới. Ông ta để trước mặt chúng tôi một hộp mực để đóng dấu và chỉ vào ô trống dưới tấm ảnh, nói: Xin vui lòng in dấu ngón tay vào chỗ này…Đột ngột, tôi nổi giận và chỉ đưa ngón tay cái chạm nhẹ vào hộp mực. Người nhân viên thấy chúng tôi còn bỡ ngỡ cái cảnh làm tị nạn, ông ta giúp đỡ tôi bằng cách nắm lấy ngón tay tôi, bắt tôi phải lăn qua lăn lại ngón tay trên hộp mực. Đến lượt bố mẹ tôi cũng phải làm như vậy. Tôi ngắm nghía hình dấu ngón tay cái của tôi, có những đường cong song song hình thành ở giữa những đường vòng đồng tâm. Có phải dấu ngón tay của tôi không? Tấm thẻ căn cước mới này cũng chứng nhận rằng chúng tôi đã được khử trùng. Ra khỏi văn phòng ấy, tôi bị chóng mặt và mẹ tôi phải ngồi xuống trên cái ghế dài ở hành lang. Từ sáng sớm đến giờ chúng tôi chưa ăn gì cả. đã bốn giờ rưỡi chiều rồi. Chuyến tàu của chúng tôi khởi hành trong bốn mươi lăm phút nữa để đi Rufstein. Đã biết bao lần tôi nghe nói đến cái thành phố nhỏ ấy tại trường học! Đó là nơi các nhà vua Habsboutg[1] đã giam cầm các nhà ái quốc Hungari.Chúng tôi đi trở lại trên con đường dẫn tới nhà ga. Buổi sáng thời tiết thật tuyệt vời thích hợp cho những môn thể thao mùa đông và cho những áo thun màu đỏ tươi như người ta loan báo trong những giấy quảng cáo. Nhưng bây giờ những đám mây đen ùn ùn kéo tới che phủ bầu trời và một ngọn gió quái ác tạt tuyết vào mặt chúng tôi. Đúng là thời tiết của những người tị nạnMột chiếc xe lửa nhỏ không được sưởi đủ ấm chở chúng tôi đi Kufstein, chúng tôi đến đó lúc 7 giờ rưỡi tối trong một trận bão tuyết. Trước nhà ga, một nhân viên hoả xa chỉ đường cho chúng tôi tới trại và chúng tôi dấn bước đi trên con đường chỉ được chiếu sáng lờ mờ. Tôi bước đi cắn chặt hai hàm răng lại và thường hỉ mũi để mũi khỏi tê cóng! Chúng tôi lặng lẽ đi, không mở miệng ra nói tiếng nào. Tôi tìm trong ánh sáng yếu ớt của những ngọn đèn đường một tấm bảng chỉ đường, một mũi tên chỉ hướng đi đến trại.Và rồi đã đến lúc chúng tôi tới trước một cái bariere. Chúng tôi đã tới đích. Một người gác bariere ra khỏi bót gác, xét giấy tờ của chúng tôi với một cây đèn pin và nói với chúng tôi điều gì đó bằng tiếng Nga. Chúng tôi rất lấy làm khó chịu. Ở đây, cũng còn có cả người Nga nữa sao? Người gác chỉ cho chúng tôi một cái rạp bằng ván ở xa xa có ánh đèn sáng, giở thanh chắn lên, chúng tôi vượt qua ranh giới của trại tị nạn Kufstein. Trong cơn bão tuyết ấy chúng tôi chỉ có thể đoán biết có vô số rạp, có rất ít ánh đèn nơi cửa sổ. quần áo ướt mèm, chúng tôi đi vào trong văn phòng trại, nơi đó một nữ nhân viên tiếp đón chúng tôi. Chúng tôi đứng trước mặt bà ta, tóc bà ta đỏ hoe và bà đeo kính gọng kim loại. Cả ba người đều là người Hungari phải không? – bà ta hỏi. Phải. Tôi sẽ gọi ngay trưởng đoàn Hungari.Bà ta nói tiếng Đức với một giọng lơ lớ khó nghe rồi mời chúng tôi ngồi xuống. Tôi có thể ngồi, nhưng tôi không còn muốn sống nữa. Tôi muốn ngủ thiếp đi ở ngay đây, mê đi vĩnh viễn. Tôi không còn biết đói là gì nữa.Trưởng đoàn người Hungari vào, chào người nữ nhân viên rồi nói với chúng tôi: Các người đến trễ quá…Đã ăn uống gì chưa? Chưa. Tôi sẽ dẫn các người đến nhà ăn, để ít nhất các người cũng có món xúp ăn tạm tối nay…Chúng tôi đi theo ông ta. Nhà ăn ở đây cũng giống như nhà ăn tại trại tạm trú ở Vienne và người đàn bà mang xúp cho chúng tôi nói tiếng Nga…Mẹ tôi hỏi ông trưởng đoàn: Vì sao có nhiều người Nga ở đây thế, thưa ông?Ông bạn mới của chúng tôi nhún vai: Họ là người Ukraina. Phần nhiều họ thuộc quân đoàn Vlassov.Tôi không biết quân Vlassov là ai và tôi cũng không hỏi.Sau khi ăn món xúp nóng, chúng tôi đi ra trở lại trong cơn bão tuyết. Ông trưởng đoàn đi trước chúng tôi, tay cầm một đèn pin. Tôi cảm thấy nước chảy vào trong giày của tôi. Đế giày đã mỏng đi nhiều rồi khi chúng tôi còn ở Vienne. Chúng tôi đi dọc theo một dãy rạp bằng gỗ chỉ có ánh đèn yếu ớt. Đây, chúng ta đến nơi rồi – ông trưởng đoàn nói và bước vào một trong cái rạp.Chúng tôi ở trong một hành lang rộng tối mờ, hai bên có nhiều cửa đóng kín. Ở đây đâu đâu cũng hôi mùi hành và mùi nước tiểu. Ông trưởng đoàn cố mở cánh cửa thứ bảy bên tay mặt. Cái chìa khóa cứ xoay mãi trong ổ khóa. Phải mất mười phút chúng tôi mới vào được trong phòng và đó là một gian phòng lạnh lẽo, vỏn vẹn có ba cái giuờng, chỉ được chiếu sáng bởi một bóng đèn nhỏ treo trên trần. Cũng có một cái tủ, ở giữa phòng có một cái bàn và hai cái ghế.Ông trưởng đoàn nói: Ông bà gặp may. Những người ở phòng này trước ông bà mới ra đi được một tuần nay và có để l.ai cho ông bà một cái lò sưởi.Quả thật có một cái lò sưởi nằm trong một xó góc như một con thú bị bệnh.Ông trưởng đoàn lại nói thêm: Tôi quên tự giới thiệu. Tôi là Karpai. Đại tá Karpai…Mẹ tôi gật đầu mỉm cười, nhưng sau đó bà lại hỏi: Ông đại tá tin là chúng tôi có thể sống ở đây sao?Bố tôi còn đứng yên một chỗ, ông còn xách cái va li trên tay, tất cả ở đây đều dơ bẩn đến nỗi ông không dám để cái va li xuống.Ông đại tá có vẻ lạc quan: Thưa bà, khi người ta mới tới đây, luôn luôn người ta thấy khó sống nổi, nhưng ngày mai tôi sẽ giúp đỡ ông bà. Ông bà sẽ sắp xếp cuộc sống của ông bà…Các cửa hàng chỉ mở vào buổi sáng… Các cửa hàng? – bố tôi lặp lại, giọng mỉa mai – Nhưng chúng tôi không có tiền. Không sao – Karpai trả lời – Không sao, ở đây ông bà sẽ có tất cả những gì ông bà cần mà không phải trả tiền. bây giờ tôi xin chào ông bà. Ông bà đừng quên rằng cuối cùng ông bà không còn phải buồn phiền nữa, ông bà ở đây như nhà của ông bà…Có nước ở cuối hành lang gần các phòng vệ sinh đấy.Ông đại tá đi ra và chúng tôi ở lại.Mẹ tôi ngồi trên một cái nệm độn rơm đầy những vết dơ bẩn. Bà sờ với cái vẻ ghê tởm những cái chăn mền nặng mùi mồ hôi của những kẻ khác. Bố tôi quan sát trong phòng như thể ông đang tìm một vật bỏ quên. Vừa lúc ấy lần đầu tiên chúng tôi nghe được giọng nói thân mật và gần như là tâm phúc của một người đàn bà lạ. Một người đàn bà đang ngâm nga, nhưng bà ta ở đâu? Một cách vô thức, tôi nhìn xuống dưới các giường ngủ, bà ta không có ở dưới đó. Tôi mở cái tủ ra, trong đó chỉ có những cái mền màu xám. Bà khẽ hát một giai điệu trữ tình "Lili Marlene". Và bây giờ lại có một người đàn ông lên tiếng: Tao đã nói với mày không được liếm dao…Chúng tôi lấy làm lạ quá. Làm sao người ta có thể vừa ngâm nga vừa liếm một con dao?Người đàn ông nổi nóng: nếu mày tiếp tục liếm dao, tao sẽ tát tai mày…một tiếng nói thì thầm và bây giờ người đàn bà hát rõ hơn."Uber der Kaserne, in dem Grossen Tal; Steht eine Laterne…"Có tiếng của một cái tát tai. Một đứa con nít hét lên và người đàn bà tiếp tục hát."Wie einst, Lili Marlene…Wie Einst, Lili Marlene…"Một giọng nữ thứ hai nhập cuộc: Nếu anh còn tát tai Géza một lần nữa, anh sẽ biết tay tôi. Tôi sẽ tát tai nó nữa nếu nó không nghe lời tôi và mẹ nói sẽ ngồi yên không làm gì cả…Và người đàn bà hát không biết mệt kia lại tiếp tục hát."Wie einst, Lili Marlene…"Bà ta là láng giềng của chúng tôi ở trong phòng phía tay mặt. Còn nơi có một đứa con nít liếm dao, đó là những người láng giềng của chúng tôi ở trong phòng bên phía tay trái.Ôi! Còn lâu lắm trời mới sáng. Biết bao giờ mới tới bình minh!Tôi leo lên trên một cái ghế và móc một cái mền vào những cái đinh lớn đóng nơi khung cửa sổ. dưới cái giường của tôi, khám phá còn một ít than gói trong tờ báo cũ và một ít củi.Trong lúc mẹ tôi lăng xăng chung quanh mấy cái giường, tôi nhóm lửa. Nhưng hai phút sau, khói từ lò sưởi bốc lên nghi ngút. Thay vì được sưởi ấm, chúng tôi phải mở toang cửa sổ cửa lớn để cho thoáng gió. Trong lúc chúng tôi để gian phòng làm mồi cho ngọn gió dữ dội ập vào, chúng tôi run lập cập. Trong hành lang, cửa phòng phía tay trái bật mở và một thiếu phụ đi ra, tay xách một cái bô. Bà ta nhìn chúng tôi chằm chằm rồi biến mất trong dãy phòng vệ sinh. Vài phút sau, bà ta trở lại. hình như các người là người Hungari, phải không? – bà ta vừa hỏi chúng tôi vừa dấu cái bô ra sau lưng. Than ôi! Phải – bố tôi đáp.Tôi thấy bố tôi đã kiệt sức. Hãy đợi tôi một lát – bà ta nói rồi đi vào trong phòng, chỉ hai phút sau đã trở ra – Hãy vào trong phòng chúng tôi một chút.Bà ta mời chúng tôi và chúng tôi nhận lời một cách vui vẻ. Trong phòng ấm áp, một người đàn ông thái độ vui vẻ bắt tay chúng tôi. Một đứa trẻ lật đật leo lên giường. Một cách vô ý thức, tôi liếc mắt tìm con dao.Hai vợ chồng ân cần mời chúng tôi uống cà phê nóng và bỉêu lộ tấm lòng hào hiệp tự nhiên của người Hungari – ông chồng trước kia là thợ giày ở Budapest, hai vợ chồng đã đến đây một năm rồi, với đứa con ngủ say nhờ viên thuốc ngủ. Họ giải thích cho chúng tôi biết các lề lối của cuộc sống mới tại đây, họ hứa sẽ để lại cho chúng tôi tất cả những đồ đạc mà họ không thể mang đi được, ba ngày nữa họ sẽ lên đường đi định cư ở Venezuela.Chúng tôi trò chuyện rất lâu với họ. Đứa trẻ ngủ trong vòng tay của mẹ nó. Chúng tôi nói thì thầm như thể sợ có ai nghe được những gì chúng tôi nói. Người thợ giày giải thích với chúng tôi về đất nước Venezuela xa xăm. Bà vợ ông ta ngồi nghe, với vẻ tin chồng, đứa trẻ hồng hào ngủ say và từ đôi mối hé mở của nó chảy ra một dòng nước miếng. Khuya lắm rồi, chúng ta hãy về phòng thôi – mẹ tôi nói.Chúng tôi trở về gian phòng lạnh lẽo và nằm dài trên những chiếc giường được bọc lại bởi các áo măng tô của chúng tôi. Tôi run lập cập đến nỗi tôi phải trùm lên đầu một chiếc mền dơ bẩn…Chú thích:[1] Habsbourg: tên một dòng vua rất lớn ở Đức, trị vì cả ở các nước Aó, Hungari, Hà lan…