I. MẦU NHIỆM NHẬP THỂ LÀ GÌ? Mầu nhiệm nhập thể chủ yếu là ở điểm này: Con Thiên Chúa, Ngôi thứ Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa, đã làm người để trả lại cho loài người đời sống Thiên Chúa mà họ đã mất vì tội Adong, nhờ thế mà trở nên các em của Ngài. Theo lối nói của thần học, thì người ta sẽ nói rằng: Mầu nhiệm nhập thể chủ yếu là ở chỗ Một Ngôi (Ngôi Con Thiên Chúa ) đã có hai tính: tính Thiên Chúa là tính của Ngài từ đời đời theo tư cách Ngài là Ngôi hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa và tính loài người mà Ngài có nhờ Trinh nữ Maria khi Ngài sinh ra ở trần gian này. Việc Ngôi Hai mà có hai tính đó là một sự kiện độc nhất không có hai lần. Bởi đó, chúng ta không biết lấy gì mà so sánh để có thể đi sâu vào mầu nhiệm này, chúng ta đành buộc lòng phải tra cứu các tài liệu trung thực vốn làm nền tảng lịch sử cho chúng ta tin vào Đức Giêsu Kitô. II. CÁC TÀI LIỆU LỊCH SỬ Về Chúa Giêsu Kitô, chúng ta có những tài liệu đời và đạo: a) Tài liệu phần đời: Tacite, trong Niên giám của ông về vụ Neron đốt thành Roma, nói về Đức Kitô “Đấng đã bị Pontiô- Pilatô kết án, dưới đời Tibêriô (sách 15,44). Suétone, một sử gia La tinh khác, cũng nói về những người Kitô hữu và lãnh tụ của họ là Christus (Đời Claude 25,11). Pline le Jeune, đại sứ tại Tiểu Á Đông, trong thư ông viết cho hoàng đế Trajan, nói về đời sống của các tín hữu đầu tiên: “chúng đọc kinh với nhau, chúng ca tụng Đức Kitô như một Thiên Chúa” (Thư 10,96). Ba sử gia trên đây sống vào cuối thế kỷ thứ I và đầu thế kỷ thứ II sau Chúa Cứu Thế. b) Những tài liệu phần đạo. Thư các tông đồ, nhất là các thư thánh Phaolô viết vào năm 51 và 67. Công vụ tông đồ của Luca viết vào năm 62. Ba Phúc âm của Mathiêu, Marcô và Luca viết vào khoảng năm 50 đến 60. Phúc Âm thánh Gioan viết chừng năm 90. Tất cả các tài liệu viết trên đây khi nói về Chúa Giêsu Kitô đều kể Ngài vừa là người vừa là Con Thiên Chúa. Các tài liệu ấy đối với chúng ta có một giá trị đặc biệt bởi lẽ là do các nhân chứng phần đông đã tai nghe mắt thấy (Jn 19,35; Công vụ 10-41,2 Thư thánh Phêrô, 1 Jn 1,13). CHÚ Ý: VỀ VẤN ĐỀ VỀ CÁC BẢN PHÚC ÂM ĐƯỢC LƯU TRUYỀN LẠI Bản văn cổ nhất của Phúc âm mà chúng ta có đề lối 130 sau Chúa Cứu Thế, 50 papyrus, sao lại bản chính (thế kỷ thứ II). Chúng ta có 2.500 bản viết tay của Phúc âm bằng tiếng Hy lạp, 8.000 bản chép lại cuốn Vulgate bản dịch của thánh Jérôme thế kỷ thứ IV. Đừng quên các tác phẩm của Euripide cách nhau đến 1.600 năm chẳng hạn. Vậy không có bản sách nào thời cổ được lưu truyền lại trong những điều kiện hoàn toàn bằng các tài liệu Công giáo.
A. “VÀ NGÔI LỜI NHẬP THỂ” CHÚA GIÊSU LÀ CON THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI.I. CHÚA GIÊSU KITÔ LÀ NGƯỜI 1/ Khung cảnh lịch sử của đời sống nhân loại của Chúa Kitô. Những tài liệu đời và đạo đặt vị trí trong lịch sử đời sống nhân loại của Chúa Kitô như sau: Maria và Giuse tới Bêlem, một làng nhỏ xứ Juđêa, dịp hoàng đế Augustô ra lệnh kiểm tra dân số, chính ở đấy Chúa Kitô Giáng Sinh. Thánh Luca nói về Đức Kitô khi Ngài bắt đầu đời sống công khai của Ngài với những chi tiết lịch sử rõ hơn như sau: “Năm thứ 15 đời Tibère Cesar: Pontiô Philatô cai trị xứ Juđêa, Anna và Caipha làm thượng phẩm” (Lc 3,1). 2/ Khung cảnh địa lý của đời sống nhân loại của Chúa Kitô. Đời sống nhân loại của Chúa Kitô diễn ra tại Palestina, “đất đã hứa” thuở xưa mà Thiên Chúa đã chỉ cho dân Người đã chọn. Một miền có 200 km từ bắc đến nam và 150 km từ đông qua tây. Xứ Palestina gồm 5 tỉnh được sông Jordanô đi qua: Juđêa: Nơi đây Chúa Giêsu sinh tại Bêlem và Ngài bị bắt, bị xử án tại Jérusalem trên núi sọ. Samaria: Nơi đây Ngài có dịp gặp và đàm thoại với phụ nữ Samaria. Galilêa: Nơi Chúa sống ẩn dật và làm phép lạ đầu tiên biến nước hoá rượu, và cũng nơi đây Chúa biến hình trên núi Thabor. Pêrêa: Chúa qua giảng. Décapole: Nơi Chúa cứu một người khỏi quỉ ám. 3/ Tổ tiên của Chúa Kitô. Thánh Mathiêu viết cho đồng bào Do thái nên nhấn mạnh mối liên lạc của Chúa Giêsu với Abraham và David. Thánh Luca viết cho lương dân lên tới Adong là tổ tiên nhân loại. 4/ Gia đình của Chúa Kitô. Phúc âm thuật lại Chúa Giêsu Giáng Sinh, bề ngoài giống như các trẻ nhỏ khác: Maria, Mẹ Ngài, sinh Ngài trong một máng cỏ, tại Bêlem (Lc 2,6-7). Sau này, thánh Gioan ghi rằng các dân thành Nazareth, kể Chúa Giêsu là một người như các người khác, và họ tin rằng Chúa Giêsu là con ông Giuse và con bà Maria. Thánh Mathiêu và Marcô, Luca nói về bà con Chúa Giêsu: Jacôbê, José, Juđa, Simon và các bà con (Mt 12,40; Mc 6,3). 5/ Nghề nghiệp. Chúa Giêsu đã muốn làm một nghề, Ngài làm nghề thợ mộc, Ngài làm việc với Giuse trong cơ xưởng Nazareth (Mc 6,3). 6/ Thân xác Chúa Kitô. Sau Phục Sinh, Chúa Giêsu cho các tông đồ nhìn nhận thân xác của Ngài (Lc 24,39). Ngài đã sinh ra, đã lớn lên, đã làm việc, đã chịu đau khổ, và đã chết cũng như mọi người sinh ra, lớn lên, làm việc, đau khổ và chết. Ngài cũng cảm thấy trong thân xác những yếu hèn sẵn có của bản tính loài người. Ngài mệt nhọc khi đi đường (Jn 4, 6), Ngài nghỉ và ngủ (Mc 4, 38), Ngài đói khát (Mt 4, 2; Jn 4, 7). Ngài khóc (Lc 19, 41, 22, 44). Thánh Phaolô giải thích vì sao Ngài nhận lấy tất cả yếu hèn: “Bởi vì Ngài đến cứu giúp nòi giống Abraham, Ngài phải giống các anh em mình, Ngài đã muốn cảm thấy các yếu hèn của chúng ta trừ tội lỗi” (Do thái 2,16). Chúng ta thấy Ngài ăn uống với các tông đồ, với các bạn hữu, với các người biệt phái (Mt 26,20; Lc 10,38; 7,36; Jn 2,2). Tay Ngài làm việc gỗ (Mc 6,3), bẻ bánh (Mt 14,19), chữa các bệnh nhân (Mc 7,33), cầm tay con gái ông Jaire mà cho nó sống lại, bị đóng đanh trên thập giá (Jn 20,15). Mắt Ngài nhìn đám đông dân chúng (Mc 3,5), quan sát những kẻ cúng dâng tiền vào thùng nhà thờ (Mc 12,41), nhìn ông Zachê, người thanh niên giàu có, ngước lên trời để cầu xin (Mc 6,41), nhìn Phêrô sau khi Phêrô chối Ngài (Lc 22,61), từ trên thập giá nhìn Maria và Gioan (Jn 19,26). II. CHÚA GIÊSU KITÔ LÀ THIÊN CHÚA Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa, đấy là chân lý trung tâm của tín điều Công giáo mà tất cả Tân ước đều quả quyết. Chân lý ấy dựa trên nền tảng: a/ Bằng chứng bởi trời Hai lần, Chúa Giêsu chịu phép rửa và khi Ngài biến hình, tiếng Thiên Chúa Cha quả quyết Chúa Giêsu là Con thật của Ngươì “Này là Con yêu dấu của Ta” (Mt 3,17; 5). Sứ thần cũng nói Maria: “Trẻ sinh ra bởi Bà sẽ gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35). b/ Bằng chứng của các tông đồ và các môn đệ: Thánh Marcô bắt đầu Phúc âm của Ngài: “Bắt đầu Phúc Âm Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (1, 1). Thánh Gioan kết thúc Phúc âm của Ngài: “Các điều này được viết ra để cho anh em tin rằng Đức Giêsu Kitô là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa và để cho anh em tin và được sống” (Jn 20, 33). Thánh Phaolô cũng tin Đức Giêsu là Thiên Chúa, ngài giảng: “Đức Kitô là Con Thiên Chúa” (Công vụ 9, 20). “Khi thì giờ đã điểm Thiên Chúa đã sai Con Người đến, sinh ra bởi một người đàn bà, để làm cho chúng ta trở nên con nuôi của Chúa” (Gal 4, 4). N.B. Lời nói “Con Thiên Chúa” chứng tỏ bản tính Cha cũng như bản tính Con. Có bản văn còn quả quyết Đức Kitô là Thiên Chúa. Ngôi Lời ở gần Thiên Chúa và Ngôi lời là Thiên Chúa, và Ngôi lời nhập thể (Jn 1,114) “Chính Ngài là Thiên Chúa thật” (1 Jn 5, 20). c) Bằng chứng của loài người: Trên núi Sọ, viên đội trưởng thấy những sự xảy ra lúc Chúa Giêsu tắt thở liền kêu lên: “Thật Người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15, 39). Khi thấy Chúa Giêsu đi trên mặt nước, các môn đệ đều kêu lên: “Thật Thầy là Con Thiên Chúa (Mt 14,33). d/ Bằng chứng của Chúa Giêsu được xác thực hoá bởi các phép lạ và các lời tiên tri. Khi nói về Ba Ngôi Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã quả quyết rõ ràng Ngài là Thiên Chúa. Đáp lại lời tuyên xưng đức tin của Phêrô, và trả lời cho Caipha trước toà án, Chúa Giêsu cũng quả quyết như vậy. Ngoài ra, Phúc Âm ghi nhiều lời Chúa Giêsu ám chỉ thần tính của Ngài. 1) Chúa Giêsu tự cho mình có những quyền hành mà chỉ có Thiên Chúa mới được. Ngài tha tội (Mc 2, 10). Ngài quả quyết Ngài là chủ ngày sabba (Mc 2, 28), Ngài báo tin đến ngày tận thế Ngài sẽ phán xét loài người (Mt 25, 31). 2) Chúa đã tự gắn cho mình những sự hoàn hảo mà chỉ có Thiên Chúa có: “Ta là đàng, là sự thật, là sự sống” (Jn 14, 6). “Trước khi có Abraham thì đã có Ta!” (Jn 8, 58). “Ta là bánh bởi trời mà xuống: Ai ăn bánh này, sẽ được sống đời đời” (Jn 6, 51). 3) Chúa Giêsu quả quyết Ngài bằng Thiên Chúa Cha “Cha Ta và Ta là một” (Jn 10, 30). “Ai trông thấy Ta, là thấy Cha Ta” (Jn 14, 9).“Ai tin Con thì có sự sống đời đời” (Jn 3, 36). III. MỘT SỬ GIA LÚNG TÚNG Mặc dầu chúng ta đã thấy bao nhiêu bằng chứng rõ ràng như trên, thế mà trong sách “Cuộc đời Chúa Giêsu” của Renan, trang 252, tác giả bảo là “Không bao giờ Đức Giêsu Kitô cho mình là Thiên Chúa nhập thể. Phúc Âm cũng không nói gì đến”. Một sử gia vô tư nghĩ sao? IV. PHÉP LẠ CHÚA GIÊSU ĐÃ LÀM CHỨNG THỰC NHỮNG LỜI NGÀI ĐÃ QUẢ QUYẾT. Trong đời sống trần gian của Ngài, Chúa Giêsu đã làm nhiều phép lạ. Chỉ một lời Ngài nói, các bệnh tật được chữa lành, các người chết sống lại. Ngài có quyền lực lạ thường trên vạn vật: Ngài nhân bánh hoá nhiều, cho nước trở nên rượu, bão táp yên lặng và cuối cùng phép lạ lớn nhất ấy là tự Ngài đã sống lại. Những phép lạ Chúa Giêsu đã làm, chỉ có Thiên Chúa mới làm được, và như thế Ngài làm có ý chứng minh sự Ngài quả quyết là chân thật. Thiên Chúa không thể đồng loã với một sự bịp bợm dối trá (Jn 9, 31, 34). Vậy các phép lạ Chúa Kitô đã làm là một bằng chứng rõ ràng Ngài là Thiên Chúa (Jn 5,39; Mc 2,1-13). V. NHỮNG LỜI TIÊN TRI CHỨNG THỰC NHỮNG LỜI CHÚA GIÊSU ĐÃ QUẢ QUYẾT a) Chúa Giêsu đã làm trọn những lời tiên tri trong Cựu ước về Đấng Cứu thế sẽ đến cứu chuộc nhân loại. “Này một Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh con và sẽ đặt tên là Emmanuel (Thiên Chúa ở cùng chúng tôi)” (Is 7,14). “Và ngươi, hỡi Bêlem, bởi ngươi sẽ sinh ra Đấng cai trị Israel” (Miché 5,1). “Hỡi Jerusalem, đây, Vua ngươi đến cỡi trên con lừa…” (Zacharia 9,9). “Người ta đánh đập Ngài … Ngài bằng lòng chịu” (Is 53, v.v…). Tất cả những lời tiên tri trên đây viết ra kể từng trăm năm trước Chúa Giêsu, Chúa Giêsu đã thực hiện hoàn toàn. b) Chính Chúa Giêsu đã nói những lời tiên tri sau này được thực hiện từng chữ. Ngài nói tiên tri với các tông đồ biết trước Ngài sẽ chịu đau khổ, chịu chết và sẽ sống lại. “Đây chúng ta lên thành Jérusalem và tất cả những gì các tiên tri nói về Con Người sẽ được thực hiện: Ngài sẽ bị đánh đập, sẽ bị án tử hình… Nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại” (Lc 18,31-35). Ngài nói tiên tri đạo lý của Ngài sẽ được phổ biến khắp thế giới (Mt 24,14). Giáo hội của Ngài sẽ tồn tại mãi (Mt 18,20). Sau cùng Ngài nói tiên tri thành Jérusalem sẽ sụp đổ (Lc 19,43-44) và chúng ta thấy lời tiên tri ấy đã đúng, năm 70 quân đội La mã của Titus đã phá huỷ.
B. “VÀ NGÀI Ở GIỮA CHÚNG TA”- CHÚA GIÊSU DƯỚI MẮT CÁC NGUỜI ĐỒNG THỜI CỦA NGÀI.Phúc âm cho phép chúng ta quả quyết rằng 2 tính: tính Thiên Chúa và tính loài người được kết hợp với nhau trong Chúa Giêsu. Đồng thời Phúc âm cũng cho chúng ta thấy Chúa Giêsu sống, nói và hành động, vừa khôn ngoan, vừa có quyền thế, vừa có tình cảm yêu thương, lôi cuốn, thâm sâu, làm cho những người đồng thời của Ngài thán phục, trìu mến, yêu thương và với một mức độ chưa bao giờ có ai đạt tới. I. CHÚA GIÊSU KITÔ: MỘT QUYỀN LỰC MÀ MỌI SỰ PHẢI VÂNG PHỤC Quyền năng của Chúa Giêsu có ba điểm: bao quát dễ dàng, tuỳ lúc. Bao quát: Chúa Giêsu thật là Chúa mọi sự và mọi loài. Ngài có quyền trên vật chất mà Ngài biến đổi tuỳ ý (nước đổi ra rượu, bánh nhân hoá nhiều). Ngài chữa lành các bệnh tật (Jn 2,1-12…). Quyền năng của Ngài được thấy rõ nhất là trong thế giới vô hình: Ngài đuổi ma quỷ (Mc 5,13). Ngài tha thứ các tội lỗi (Lc 5,20). Dễ dàng: Ngài sử dụng quyền năng của Ngài một cách dễ dàng: Ngài nói một lời “Hãy im và ra khỏi người này" (đuổi quỷ Mc 1,25). “Ta muốn, ngươi hãy được lành” (Mc 1,4), Chúa chữa một người cùi: “Ta truyền cho ngươi: “Hãy chỗi dậy” (Mc 2,11). “Hỡi Lazarô, ra” (Jn 11.43). Tuỳ lúc: Chúa Giêsu sử dụng quyền lực của Ngài khi Ngài muốn và trước hết có ý đạt tới một kết quả thuộc phạm vi thiêng liêng. Ngài chữa lành bệnh tật hồn xác là có ý chứng tỏ cho biết Ngài thật là Đấng Thiên Chúa phái đến. Vì vậy Ngài đòi kẻ xin phép lạ phải có những điều kiện bên trong nhất là đức tin (Mt 8,13). Vì vậy mà Ngài từ chối không làm phép lạ lúc không có đủ điều kiện (Mt 12,38-39). II. CHÚA GIÊSU KITÔ: MỘT SỰ KHÔN NGOAN MÀ KHÔNG AI BẮT BẺ ĐƯỢC. Lời giảng dạy của Chúa Giêsu trong đời công khai của Ngài, đã làm Ngài phải đương đầu với hai hạng người, biệt phái và Sadducéo, tín đồ của hai giòng tôn giáo chi phối dân Do thái: trong những cuộc tranh luận, Chúa Giêsu đã tỏ ra Ngài sáng suốt, khôn ngoan khéo léo làm cho dân chúng phải thán phục. Đến cả những viên công an được phái đi bắt Ngài cũng đành buộc lòng phải thú nhận: “Chưa bao giờ có nguời nào ăn nói như người này” (Mt 7, 46). a) Khi thì Ngài trả lời những câu người ta hỏi Ngài vừa tránh khỏi những cạm bẫy người ta đặt bắt Ngài: về vấn đề bất khả ly dị trong cuộc hôn nhân (Mc 10, 2-10); về vấn đề phải trả thuế cho Cesar (Mt 22, 15); về vấn đề sống lại (Mt 22. 23-24). Thánh Mathiêu thêm: “Từ ngày ấy, không ai dám chất vấn Ngài nữa” (Mt 22, 46). b) Khi thì Ngài đoán trước những điều người ta chất vấn Ngài và Ngài giải đáp liền (Mt 12, 24). c) Khi thì chính Ngài chất vấn trước và các thính giả Ngài không biết trả lời. Như vụ Chúa chữa một bệnh nhân ngày nghỉ Sabbat (Lc 13, 14); vụ phép rửa của Gioan (Mt 91, 24); vụ nguồn gốc Ngài bởi Chúa mà ra (Mt 22, 41-46). Chúa Giêsu khôn ngoan tuyệt đối đến nỗi các địch thù Ngài không tìm ra lỗi để tố cáo Ngài (Mt 14, 55). III. CHÚA KITÔ: MỘT TRÁI TIM DỄ CẢM ĐỘNG YÊU THƯƠNG, LÂN TUẤT, VÀ THA THỨ. Người ta cảm thấy nơi Ngài rung động một trái tim nhân loại biết yêu đương, thương xót và tha thứ. a) Một trái tim yêu đương: Chúa Giêsu biết hưởng cái thú vị và chiều thẳm sâu của tình yêu nhân loại. Maria, Mẹ Ngài, chắc chắn được Ngài yêu mến nhất. Rồi đến Gioan tông đồ (Jn 13,33), Lazarô bạn Ngài, người thanh niên giàu (Mc 10,11). b) Một trái tim thương xót: Phúc âm nhấn mạnh biết bao lần Chúa Giêsu đầy tình thương đối với những thính giả và riêng những người đau khổ. “Ta thương đám đông này”… (Mt 15, 32), trông thấy đám tang của con bà goá thành Naim, Ngài cảm động thương xót (Lc 7,13). c) Một trái tim tha thứ: Sự tha thứ là bằng chứng của tình thương. Chúa Giêsu đã chẳng tuyên bố: “Hãy yêu những kẻ nghịch cùng chúng con, hãy làm ơn cho những kẻ ghét chúng con, cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ chúng con”. Chính Ngài đã làm gương, trên thánh giá, Ngài nói: “Lạy Cha xin tha thứ cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23, 34). IV. CHÚA GIÊSU KITÔ: MỘT SỨC MẠNH LÔI CUỐN CÁC LINH HỒN Phúc âm còn làm sáng tỏ cái sức quyến rũ lạ lùng của Chúa Giêsu trên các linh hồn, con người Ngài có một sức mạnh lôi cuốn, lời Ngài đơn sơ và sâu sắc. Chỉ ba tiếng của Ngài đủ làm cho linh hồn theo Ngài: “Hãy theo Ta”, Ngài đã lôi cuốn như thế Phêrô và Andrê (Mt 5, 19), Jacôbê và Gioan (Mt 4, 21), Philiphê (Jn 1, 43) và Mathiêu (9, 9). Họ bỏ tất cả để theo Ngài, Ngài ban cho họ cái gì? Và Ngài đòi hỏi họ chi, lúc Ngài kêu gọi họ đi theo Ngài như vậy? a) Ngài ban gì cho họ? Ngài nói thẳng với các tông đồ biết trước rằng Ngài sẽ chịu đau khổ, và chịu chết (Mt 16, 21; 17, 21; 20, 18; 26, 2). Còn các tông đồ của Ngài rồi sẽ bị bắt bớ, vì môn đệ không hơn thầy (Mt 10, 24; Mt 10, 17: Lc 6, 22, 21, 17). Cũng không phải Ngài sẽ cho họ danh vọng trần tục. Đối với Ngài, quyền bính trước hết là để phục vụ. Chính Ngài đến không phải để được hầu hạ nhưng mà để phục vụ (Mc 9, 35; 10, 43). Họ chỉ cần biết rằng, mai sau, họ sẽ được sống đời đời (Mc 10, 30). b) Ngài đòi hỏi gì nơi họ? Ngài không muốn các tông đồ Ngài theo Ngài nửa mùa hay một cách nông cạn. “Kẻ nào yêu cha mình, mẹ mình hơn Ta, không xứng đáng làm môn đệ Ta… Ai trong các ngươi không từ bỏ tất cả để theo Ta không thể làm môn đệ Ta” (Mt 10, 37-18). Như thế, chúng ta thấy các tông đồ Chúa đã theo Chúa trong những điều kiện nào. Thật con người Chúa Giêsu phải là một sức mạnh khác thường mới lôi cuốn và giữ gìn các tông đồ trong sự trung thành với một chương trình như vậy. V. CHÚA GIÊSU KITÔ: TIẾNG NÓI VỪA TẦM HIỂU MỌI NGƯỜI. Dân chúng nghe Chúa giảng dạy đều thán phục. Tại sao vậy? a) Trước hết, sự mới lạ của giáo huấn Chúa, là chỗ Ngài đặt đời sống con người trong phối cảnh thật của nó, phục hưng trong các linh hồn quan niệm chính thật về Thiên Chúa và đặt lại tình huynh đệ thật trong các mối liên hệ giữa loài người. b) Thứ đến, uy thế lúc Chúa nói cũng là một động lực lôi cuốn dân chúng, Người ta thán phục giáo lý Ngài dạy, vì lời Ngài dạy có uy quyền, chứ không phải như các luật sĩ (Mc 1, 22). c) Sau cùng tính cách đơn giản trong Lời Chúa giảng dạy. Ngài dùng các dụ ngôn, những tỷ dụ, nhữg ẩn ngữ liên quan đến đời sống hằng ngày. - Những dụ ngôn, ngày nay còn được ghi nhớ trong mọi người, sau 20 thế kỷ. Dụ ngôn “người gieo giống”, “người quản lý bất trung”, “tiệc cưới”, “người biệt phái và người thu thuế”, “người Samaria nhân lành”, “người con hoang đường” (Mt 13, 4-23; Lc 16, 1-18; 18, 9; 18, 9-15; 10.30, 15, 11-33). - Những tỷ dụ ai cũng hiểu được, mục đích là làm cho hiểu những chân lý cao siêu nhất. Nước Thiên Chúa so sánh với hạt cải nhỏ lớn lên thành cây; so sánh với những men người đàn bà trộn với bột làm dẫy bột (Mt 13,31-33). - Những ẩn ngữ, ám chỉ đời sống hằng ngày: “Người mục tử đi tìm chiên lạc” (Mt 18, 12) “đèn thắp đặt trên giá” (Lc 8, 16). Thật, giáo lý Chúa dạy cho hết mọi người. Bây giờ ta hiểu, có lần Chúa Giêsu đã có thể nói lên: “Lạy Cha, con chúc tụng Cha, vì Cha đã dấu ẩn những sự này với những người khôn ngoan, và đã tỏ ra cho những người hèn mọn” (Mt 11, 25). VI. CHÚA GIÊSU KITÔ: TIN LÀNH VỀ NƯỚC THIÊN CHÚA. Sứ điệp tôn giáo mà Chúa Giêsu đem đến cho loài người là gì? Chúng ta không thể trình bày với tất cả các chi tiết. Nhưng chúng ta tóm lược những điểm chính như sau. Giáo lý Chúa Giêsu mang lại cho nhân loại về: quan niệm chính thực về Thiên Chúa. quan nệm chính thực về loài người. quan niệm chính thực về những mối liên lạc giữa con người với Thiên Chúa. quan niệm chính thực về những mối giao hảo giữa loài người với nhau. a) Quan niệm chính thực về Thiên Chúa Ngược lại với quan niệm tà giáo của các thuyết thần nhân đồng hình chủ trương rằng Thiên Chúa cũng có hình dạng và tâm tình như con người hoặc với quan niệm trừu tượng của các nhà triết gia xưa, hay với quan niệm thực dụng của dân Do Thái, Chúa Giêsu quả quyết rằng Thiên Chúa vừa là đấng cao siêu trác tuyệt vừa là Cha. Chúa Giêsu, cũng như Cựu ước, mạc khải: Thiên Chúa là Đấng cao siêu, mọi sự phải vâng phục. “Thiên Chúa là thần linh” (Jn 4, 24). Nhưng sự mới lạ của sứ điệp của Ngài là “Tin mừng” tóm lại trong những chữ này: “Thiên Chúa là Cha và Người yêu thương chúng ta” (Mt 6, 9; Jn 26, 27). Thiên Chúa là Cha, Người săn sóc đến mọi thụ tạo của Người, đặc biệt loài người là con cái của Người (Mt 6,25-33). Người nhậm lời các con cái nguyện xin (Mt 6,6; Lc 9,13). Người tha thứ các tội lỗi con cái của Người (Mt 6,14). Người thưởng những cố gắng và hy sinh của con cái (Mt 6,14). Người không hẹp hòi, Người ban ơn lành cho tất cả mọi người không trừ ai (Mt 5,45). b) Quan niệm chính thực về loài người. Đối với Chúa Giêsu, điều làm cho loài người cao trọng, ấy là loài người mang một giá trị vô cùng: linh hồn của con người, được Chúa kêu gọi và hứa cho sống đời đời (Mt 16,26). Loài người, từ đời này, phải đeo đuổi những giá trị vĩnh viễn và đừng để cho của cải dễ hư chi phối (Mt 6,20; Lc 12,31). Loài người phải xây dựng đời sống mình trên hiến chương Nước Trời, trên các mối Phúc Thật, trong đó Chúa Giêsu vất bỏ những giá trị thường được người ta chấp nhận, Chúa Giêsu đề cao những giá trị linh hồn: tinh thần nghèo khó, tinh thần hy sinh, hiền lành, sự khát công chính, lòng từ bi, trong sạch, hoà bình can đảm trong thử thách (Mt 5, 3-11). c) Quan niệm chính thực về những giao thiệp của loài người với Thiên Chúa. “Tôn giáo” phải kết hợp con người với Thiên Chúa, trước hết phải là một tôn giáo tình yêu và tin cậy: người là một đứa con biết tỏ tình yêu mến cha mình, chứ không phải là một tôi tớ run sợ trước một người chủ khắt khe (Lc 15). Một tôn giáo bề trong, khởi điểm từ tâm hồn con người: Chúa Giêsu không ngừng đả kích sự giả dối của bọn biệt phái, quá trọng quá mức về những nghi lễ bề ngoài (n.4,23, Mt 23, 1-37). Một tôn giáo nhập thể không phải chỉ “hoạt động tôn giáo” trong một vài lúc trong đời, nhưng một thái độ của linh hồn biến đổi tất cả hoạt động của con người (Mt 5 và 6). d) Quan niệm chính thực về những giao thiệp giữa loài người với nhau. Người Do thái và các lương dân cũng nói đến tình huynh đệ nhân loại. Nhưng Chúa Giêsu đặt một ý nghĩa, một sự thâm sâu chưa từng biết: chúng ta phải yêu mến mọi người như anh em chúng ta bởi vì Thiên Chúa yêu thương họ, như Người yêu thương chúng ta, bởi vì tình yêu mà chúng ta yêu họ lan tràn tới Chúa. Chúng ta không cần phải xét đoán ai không xứng đáng được chúng ta yêu mến: chỉ có Chúa có quyền xét đoán (Mt 544; Lc 10,30). Vậy đức bác ái đối với kẻ khác là dấu hiệu phân biệt môn đệ chính thật của Chúa Giêsu (Jn 13, 15). Nó tóm kết tất cả các bổn phận đối với người khác: buộc phải làm hoà với kẻ khác trước khi dâng của lễ cho Thiên Chúa (Mt 5, 23), buộc phải yêu kẻ nghịch với chúng ta, làm ơn cho họ và cầu nguyện cho họ (Mt 5, 44). Phải giúp đỡ kẻ cần đến chúng ta giúp đỡ mặc dầu chúng ta không biết họ. Phải làm cho kẻ khác sự mà chúng ta muốn họ làm cho chúng ta (Mt 7, 12). Tại sao? Bởi vì “Tất cả những gì chúng ta làm cho một người nhỏ bé trong anh em Ta, ấy là chúng con làm cho chính Ta” (Mt 25, 40). VII. CHÚA GIÊSU KITÔ: MỘT SỰ THÁNH THIỆN VÔ SONG Các người đồng thời Chúa Giêsu đã nhận thấy nơi Ngài một người không có tội, không ai trách được điều gì (Jn 8,46). Hơn nữa họ nhận thấy nơi Ngài một gương mẫu vâng lời (Lc 2,51), khiêm nhường (Jn 13,4), nghèo khó (Lc 9,58), nhẫn nhục (bài Thương khó), ngay thẳng (Lc 20,21). Đọc Phúc âm ngày nay chúng ta cũng cần nhận thấy nơi Chúa Giêsu một sự thánh thiện vô song như vậy. Sự thánh thiện của Chúa Giêsu: trọn vẹn ngay từ đầu. thăng bằng nghĩa là kết hợp điều hoà các đức đối nhau: oai quyền và hiền hậu, quyền thế và nhân từ, cao trọng và đơn giản, anh dũng nghĩa là với một phẩm giá tuyệt cao, dũng cảm trong bất cứ thử thách nào. Mọi người đều cảm nhận rằng Chúa Giêsu là đấng thánh vượt lên trên hết. SỰ PHONG PHÚ KHÔN LƯỜNG CỦA CHÚA KITÔ Một ít điểm đặc sắc nêu trên không thể nói hết được sự phong phú khôn lường của Chúa Kitô (Ep 3, 8). Nhưng những điểm trên đặt trước mặt chúng ta Chúa Giêsu mà người đồng thời Ngài đã nhìn thấy. Phải nhận tất cả các điểm ấy đừng phân ly, nếu chúng ta sẽ cắt xén và làm méo mó bộ mặt Con Thiên Chúa làm người. KẾT LUẬN HẬU QUẢ CỦA MẦU NHIỆM NHẬP THỂ Hai Tính trong một Ngôi: đó là mầu nhiệm nhập thể. Thánh Gioan diễn tả chân lý ấy như sau: “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta” (Jn 1, 14). Và thánh Phaolô: “Đức Giêsu Kitô có bản tính Thiên Chúa, Ngài không giữ cho mình sự ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng Ngài tự hạ mình nhận lấy bản tính tôi tớ và trở nên giống mọi người khác” (Phil 2, 6-7). Hậu quả của hai bản tính trong một Ngôi Vị Con Thiên Chúa là tất cả những gì là nhân loại trong Đức Giêsu Kitô đều có thể quy về Con Thiên Chúa: chính Con Thiên Chúa đã ăn, ngủ, nói và đau khổ. Vì vậy chúng ta gọi Maria là Mẹ Thiên Chúa, chúng ta kính Trái Tim Chúa Giêsu, vì trái tim là biểu hiện của tình yêu. Đàng khác, chúng ta được chuẩn bị để hiểu dễ dàng hơn mầu nhiệm Cứu Chuộc: Nhờ bản tính nhân loại mà Chúa Kitô đã chịu chết trên cây thánh giá. Nhưng Đấng đã chịu chết ấy lại là Con Thiên Chúa, nên hậu quả của cái chết này là một hậu quả của Thiên Chúa: trả lại sự sống cho loài người; loài người có thể trở nên “con nuôi” của Thiên Chúa. KẾT LUẬN THỰC HÀNH NGƯỜI KITÔ VÀ CHÚA GIÊSU KITÔ Chính Chúa Kitô đã nói rõ địa vị Ngài phải chiếm trong đời sống các người Kitô, đồ đệ của Ngài, khi Ngài tuyên bố trước các tông đồ, ngày thứ Năm Tuần Thánh: “Ta là Đàng, là Chân lý và là Sự sống” (Jn 14, 6). Ta là Đàng: Nghĩa là đường phải theo từ đây để đi tới Chúa Cha. “Không có ai tới Chúa Cha mà không qua Ta” (Jn 14,6). Nhờ sự nhập thể của Ngài, Ngài trở nên Đấng trung gian, nghĩa là, giây nối Chúa Cha (mà Ngài là Chúa Con từ đời đời) và loài người (mà Ngài nhập thể đã trở nên người anh). Bởi đó, chúng ta có những mối liên lạc mới với Thiên Chúa: liên lạc con cái với Cha chúng ta trên trời, liên lạc yêu đương với Chúa Kitô người anh của chúng ta, liên lạc thân ái với Chúa Thánh Thần, ân huệ mà Chúa Cha ban cho chúng ta bởi Chúa Con. Từ đây Ơn Thánh từ Chúa Cha đến với chúng ta qua Chúa Con và tất cả kinh nguyện của chúng ta cũng phải qua Chúa Con mà lên tới Chúa Cha: “Nhờ Chúa Kitô, Chúa chúng tôi”. Ta là Chân lý: Chúa Kitô đến mạc khải cho chúng ta mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và tất cả các chân lý Thiên Chúa cần thiết để làm nền tảng cho đời sống của chúng ta. “Ta đến thế gian này để làm chứng cho chân lý, Kẻ nào thuộc về chân lý thì nghe lời Ta” (Jn 18, 37). “Ta là ánh sáng thế gian: Ai theo Ta không đi trong bóng tối nhưng sẽ có ánh sáng sự sống (Jn 8, 12). Đối với người Kitô, Phúc âm dẫn đường soi lối cho biết phải tư tưởng và phải sống thể nào. Từ đây, chúng ta chỉ có Một Thầy là Chúa Kitô (Mt 23, 10). Ta là Sự sống: “Ta đến, Chúa Giêsu nói, để ban sự sống, và ban dồi dào” (Jn 10, 10).Sự sống đây chính là sự sống Thiên Chúa của ơn thánh sủng. Nhờ cái chết của Ngài trên thập giá, Ngài đến để trả lại sự sống cho chúng ta. Ngài đến Phục hưng kế hoạch Thiên Chúa về con người mà tội Adong đã làm ngăn trở: Mầu nhiệm tình thương, mầu nhiệm sự sống, mà chúng ta gọi là mầu nhiệm Cứu Chuộc. Mầu nhiệm này sẽ được chiêm ngưỡng với cả các chi tiết trong các bài học sau đây, để chúng ta hiểu rõ hơn địa vị Chúa Kitô phải có trong đời sống con người và người Kitô hữu của chúng ta, đời sống được tóm kết trong câu bất hủ của thánh Phaolô: “Đối với tôi, Chúa Kitô là đời sống tôi” (Phil 1, 21).