Dịch giả: Lm DUY ÂN MAI
Chương II
ADONG VÀ EVA LÀM MẤT SỰ SỐNG: HẬU QUẢ CỦA TỘI ADONG CHO TOÀN NHÂN LOẠI

I. TÍN ĐIỀU VỀ TỘI TỔ TÔNG
 
Một trong những tín điều căn bản của đức tin Công giáo là tội Adong mang theo hậu quả thảm hại, chẳng những chính cho tổ tông chúng ta mà còn cho tất cả toàn nhân loại.
 
Thánh Phaolô quả quyết có tội tổ tông, nghĩa là cái “chết của linh hồn” vì tội Adong, thâm nhập mỗi một người chúng ta và cái chết ấy có nghĩa là chúng ta mất đời sống Thiên Chúa.
 
“Bởi một người, tội lỗi đã nhập vào thế gian nầy, bởi tội thì có sự chết, thành ra cái chết tràn lan đến mọi người vì hết thảy đều phạm tội”. Vì một người không vâng phục, muôn người hoá thành tội nhân” (Rom 5,12.19).
Vậy hậu quả tội Adong thâm nhập nòi giống nhân loại là một chân lý đức tin.
 
II. SỰ QUAN TRỌNG CỦA TỘI TỔ TÔNG
 
Chúng ta đứng trước một tín điều quan trọng, về mặt đạo lý cũng như về mặt thực tế.
 
a) Về phương diện đạo lý. Vì tội tổ tông giúp chúng ta hiểu tại sao Thiên Chúa nhập thể và chịu chết để cứu chuộc.
 
Chúa Giêsu, Ngôi Hai đã xuống thế và chết trên thánh giá, chính là để hồi phục chương trình của Thiên Chúa mà tội Adong đã làm sai lệch, và để trả lại cho nhân loại đời sống Chúa mà tội tổ tiên đã làm mất.
 
b) Về phương diện thực tế. Tội tổ tông đã làm chúng ta hiểu tại sao mỗi một người chúng ta, trong đời sống luân lý riêng, bị sự dữ lôi cuốn, mặc dầu chúng ta muốn sự lành. “Sự lành tôi muốn, tôi lại không làm, còn điều xấu tôi không muốn, tôi lại làm” (Rom 7,19).
 
Những người Manichéen ngày xưa cho rằng con người xấu từ bẩm sinh, những đồ đệ ngày nay của J. J. Rousseau lại cho nhân chi sơ tính bản thiện, con người sinh ra tốt, nó xấu là tại xã hội. Người Công giáo quả quyết rằng: con người Thiên Chúa dựng nên trong một tình trạng nguyên vẹn và thánh thiện, nhưng ngày nay là nạn nhân của điều ác quyến rũ. Đó là hậu quả của tội tổ tông.
 
Vì vậy mỗi người chúng ta cần phải chú ý thận trọng về chế ngự những xu hướng xấu. Vì vậy các nhà giáo dục cần phải luyện tập các trẻ em trong tự do chừng mực, biết cầm hãm những bản năng của chúng và dần dần chinh phục được nghệ thuật ăn ở đứng đắn.
 
III. TỘI TỔ TÔNG TRUYỀN ĐẠT CHO CON CHÁU
 
Người ta có thể tự hỏi: tại sao vì tội tổ tông, mỗi người chúng ta lại trở nên nạn nhân một tội mà riêng chúng ta không phạm? Như thế có phải là bất công vì toàn thể mọi người bị phạt chung sau bao từng thế kỷ về sau vì một tội riêng?
 
Chính thế, tội Adong không phải là tội riêng của một cá nhân, nhưng là một tội của một thủ lãnh chịu trách nhiệm cho toàn thể nhân loại.
 
Nếu Adong không phạm tội, Adong sẽ lưu truyền lại cho cả con cháu một bản tính nguyên vẹn. Bởi đã phạm tội, Adong truyền lại cho tất cả nòi giống nhân loại, một bản tính không còn được những ơn huệ siêu nhiên và trừ nhiên; trong cả hai trường hợp sự lưu truyền cũng là hợp lý.
 
Không ai có thể lưu truyền lại cho kẻ khác cái mà mình đã làm mất. Một người cha gia đình thất bại trong công việc làm ăn không thể lưu truyền lại cho con cái những tài sản mà ông không còn nữa, và các con cái sẽ không còn được hưởng gia tài của cha.
 
Cũng thế, Adong như một nhà triệu phú bị phá sản không có thể lưu truyền lại cho chúng ta đời sống Chúa mà ông đã làm mất vì tội mình, và ngày nay chúng ta sinh ra với một bản tính xa Chúa và mất tình nghĩa Chúa.
 
IV. TỘI TỔ TÔNG TRUYỀN LÀ GÌ?
 
Trước hết, phải hiểu danh từ “tội” ở đây có nghĩa khác. Thường thì tội là một hành động phi pháp, phạm với sự hiểu biết và ưng thuận.
 
Trong trường hợp tội tổ tông, chúng ta không làm một hành động phi pháp nào như thế lúc chúng ta sinh ra.
 
Vậy tội tổ tông không phải là một tội riêng chúng ta phạm. Các nhà thần học gọi tội tổ tông là tội thuộc “bản tính”, nghĩa là một tình trạng tự nhiên do một tội riêng lưu truyền.
 
Tình trạng trong đó chúng ta sinh ra không làm hư hỏng trực tiếp bản tính nhân loại của chúng ta. Bản tính con người của chúng ta vẫn còn hai khả năng: trí khôn và ý chí tự do. Nhưng:
a) Tội tổ tông làm cho chúng ta mất các ân huệ siêu nhiên Chúa ban cho Adong. Bởi vậy chúng ta sinh ra không còn được nghĩa cùng Chúa, mất ơn thánh sủng, không có quyền được lên trời mà ơn thánh là điều kiện cần thiết.
 
b) Tội tổ tông còn làm chúng ta mất những ân huệ trừ nhiên Chúa ban cho Adong. Bởi vậy chúng ta cũng như Adong sau phạm tội, phải chịu dốt nát, đau khổ và chết, rồi còn lệ thuộc nhục dục, nghĩa là bị điều xấu lôi cuốn.
 
Vậy tội tổ tông không tích cực làm hư hỏng bản tính nhân loại của chúng ta, nhưng nó làm mất những đặc ân, những ân huệ phụ thuộc và được ban nhưng không, điều đó làm tổn thương sự quân bình nhiên tự nhiên của chúng ta.
 
c) Sự sử dụng các năng lực tự nhiên của chúng ta trở nên khó khăn vì tình trạng suy nhược nầy. Mất các ân huệ siêu nhiên và trừ nhiên ảnh hưởng đến trí khôn và ý chí của chúng ta.
 
V. MỘT VÀI ĐIỂM NÊN BIẾT TRƯỚC
 
Những ân huệ trừ nhiên chỉ sẽ được trả lại cho chúng ta ngày tận thế. Trên trần gian, mỗi người chúng ta còn có một khuynh hướng về sự xấu của nhục dục và những hậu quả khác vì sự thiếu các ân huệ ấy.
 
Nhưng Thiên Chúa trong tình yêu thương của Người đã tìm được cách trả lại những ân huệ siêu nhiên cho nhân loại.
 
Không muốn bỏ rơi con người trong địa vị của “triệu phú bị phá sản” Chúa đã có một kế hoạch vĩ đại về con người. Con người đã được sáng tạo giống hình ảnh Thiên Chúa, sẽ được lại chức vị và quyền lợi của “người con của Thiên Chúa”.