Dịch giả: Lm DUY ÂN MAI
Chương IV
ĐỜI ĐỜI ĐƯỢC SỐNG: THIÊN ĐÀNG

I. THIÊN ĐÀNG LÀ ĐÍCH THẬT CỦA ĐỜI SỐNG CHÚNG TA TRÊN TRẦN GIAN
Không có chân lý nào được Chúa Giêsu quả quyết nhiều lần như chân lý này: Có một nơi hạnh phúc hoàn toàn để thưởng những người lành.
Phải chăng đó cũng là mục đích mầu nhiệm cứu chuộc: Trả lại cho chúng ta sự sống Adong đã làm mất, cho chúng ta lại được trở nên “Con nuôi Chúa”, chẳng những trên trần gian nhờ ơn thánh, mà còn trên Thiên Đàng nhờ sự được hưởng mặt Chúa đời đời.
Về Thiên Đàng, thì lẽ ra phải kể hết cả Phúc Âm. Nhưng chúng ta chỉ nêu một vài đoạn sau đây:
1) Trong bài giảng trên núi, Chúa Kitô đặt Thiên Đàng như đích thật của đời sống con người. “Ai có lòng khó khăn ấy là phúc thật vì sẽ được nước Đức Chúa Trời làm của mình vậy”.
“Ai có lòng trong sạch ấy là phúc thật vì sẽ được thấy Chúa. Chúng con hãy vui đi, vì phần thưởng chúng con sẽ lớn trên trời” (Mt 5, 3-12).
2) Cũng trên bài giảng trên núi: Ngài phán: “Hãy tích chứa của cải trên trời: nơi mối mọt dỉ sét không làm hư hại” (Mt 2, 19-20).
3) Trong dụ ngôn các nén bạc: Chúa Giêsu nói với người đầy tớ đã làm sinh lợi các nén bạc đã giao phó: “Tốt lắm, hãy vào hưởng sung sướng của chủ ngươi” (Mt 26-21).
4) Cùng các tông đồ, Chúa nói: “Thầy đi dọn chỗ cho các con. Thầy sẽ trở lại và đem các con sống gần Thầy để Thầy ở đâu, các Con cũng ở đấy” (Jn 14, 2-3).
5) Ngày phán xét chung, “Hãy vào nhận nước Thiên Đàng đã dọn sẵn cho các ngươi từ ngày sáng tạo vũ trụ” (Mt 25, 34).
Các tông đồ cũng đều nhấn mạnh rằng Thiên Đàng là đích thật của cuộc đời trần gian của chúng ta (II Cor 5, 1; Rom 8, 17-19; 1 Pet 1, 3-4; 1 Jn 3, 2).
II. QUAN NIỆM SAI LẦM VỀ THIÊN ĐÀNG
a) Quan niệm trẻ con về Thiên Đàng.
Đối với nhiều người Thiên Đàng trước hết là phần thưởng giống như phần thưởng cha mẹ hứa cho con cái để thúc đẩy chúng làm việc.
Giáo hội dạy rằng nếu Thiên Đàng là phần thưởng (Mt 5, 12) nhưng không với ý nghĩa thực dụng như người ta thường hiểu: Thiên Đàng trước hết là cứu cánh của con cái Chúa, mục đích Thiên Chúa đã chỉ định cho đời sống trần gian của chúng ta, đời sống ơn thánh nẩy nở thành đời sống vinh quang.
Khi người ta trách chúng ta làm việc lành vì vụ lợi, chúng ta hãy trả lời: đấy là mục đích độc nhất của đời sống trên trần gian của chúng ta, nếu chúng ta không vụ lợi, không tha thiết, chúng ta quên cái chính yếu của kế hoạch của Thiên Chúa, và làm cho đời chúng ta chẳng có nghĩa gì nữa.
b) Quan niệm vật chất về Thiên Đàng.
Có nhiều người khác lại cho rằng Thiên Đàng trước hết chấm dứt và giải phóng khỏi tất cả những lo âu, những thử thách của đời trần gian. Xin nhớ hạnh phúc vĩnh cửu là một hạnh phúc siêu nhiên để thoả mãn những nhu cầu của linh hồn chúng ta, nhờ trông thấy Chúa và hưởng mặt Chúa.
c) Quan niệm tình cảm về Thiên Đàng.
Vì đức tin Kitô quả quyết cho chúng ta rằng mai sau trong đời sống kia, chúng ta sẽ gặp lại những người thân yêu của chúng ta. Coi chừng! Đừng quan niệm Thiên Đàng như nơi gặp gỡ các tình nghĩa trần gian. Phải, Thiên Đàng là nhà “gia đình” nhưng trước hết là “nhà của Chúa”.
III. HẠNH PHÚC THIÊN ĐÀNG CHÍNH LÀ ĐƯỢC HƯỞNG MẶT CHÚA
Hiện nay, chúng ta không thể diễn tả hạnh phúc như thế nào được.
Muốn khỏi sai lầm, chúng ta nên dựa vào Kinh thánh. Các văn bản Kinh Thánh tỏ cho chúng ta hay rằng hạnh phúc Thiên Đàng chính yếu là chỗ chúng ta trông thấy và hưởng nhan thánh Chúa: chúng ta sẽ vào “nhà Thiên Chúa”, ở đó “chúng ta sẽ trông thấy Chúa”, “chúng ta sẽ thấy Người mặt đối mặt”. Chúa Kitô sẽ đưa chúng ta đến “gần Ngài”, chúng ta sẽ được vinh quang với Ngài. Trông thấy Chúa sẽ làm cho tất cả nguyện vọng của chúng ta sẽ được thoả mãn, Thánh Phaolô thêm: “mắt người chưa bao giờ thấy, tay chưa hề nghe, lòng chưa bao giờ nếm những sự Thiên Chúa dọn cho những kẻ Người yêu” (1 Cor 2.9).
IV. SỰ HƯỞNG THỤ THIÊN CHÚA SẼ CÂN XỨNG VỚI CÔNG TRẠNG MỖI NGƯỜI
Chúa Kitô đã phán: “Trong nhà Cha Ta, có nhiều chỗ lắm” (Jn 14, 2). “Ai huỷ bỏ một điều răn nhỏ mọn trong những giới lệnh này, lại dạy người ta làm như vậy, sẽ kể là hèn mọn nhất trên Thiên Đàng ; còn ai làm và dạy người ta làm như thế thì kể là kẻ lớn nhất trên trời” (Mt 5, 19) và Thánh Phaolô cũng ám chỉ mọi người không hạnh phúc như nhau; ngài so sánh: “mặt trời sáng khác; mặt trăng sáng khác, tinh tú sáng khác nhau. Việc kẻ chết sống lại cũng thế” (1 Cor 15, 41).
Công đồng Florence dựa trên văn bản này đã tuyên bố: “Các đấng thánh tuỳ theo công trạng khác nhau, sẽ thấy Chúa người này hoàn toàn hơn người khác”.
Đó là hợp lý và công bằng. Sẽ không có sự phân bì ghen ghét, vì mỗi người trên trời biết rõ Chúa công bằng và yêu thương.
V. THIÊN ĐÀNG LÀ NƯỚC TÌNH YÊU
Trên trần gian, 3 nhân đức cho chúng ta liên lạc với Chúa:
Đức tin làm cho chúng ta thấy Chúa
Đức cậy làm chúng ta cậy trông Chúa.
Đức mến làm cho chúng ta yêu mến Chúa trên hết mọi sự.
Trên trời, đức tin không còn cần thiết nữa, vì chúng ta sẽ trông thấy Chúa nhãn tiền.
Đức cậy cũng không còn đối tượng nữa, vì chúng ta được có Chúa đời đời.
Chỉ còn đức mến, sẽ tồn tại mãi: Thiên Đàng là nước tình yêu, các thánh chỉ còn yêu mến Chúa đời đời.
Vì vậy thánh Phaolô nói: “Hiện nay chúng ta có 3 điều: đức tin, đức cậy, đức mến, mà đức mến là điều hệ trọng hơn cả” (1 Cor 13, 13).