15 tháng Chín Tôi chưa lần nào viết tên ông bà chủ tôi. Tên ông bà thật buồn cười và rất hài hước: Lanlaire... Ông bà Lanlaire... các bạn ạ. Nghe nó thế nào ấy! Và làm người nghe nghĩ đến những chuyện buồn cười. Tên đã thế, họ lại còn buồn cười hơn. Họ của ông là Isidore, họ của bà là Euphrasie. Thật là ngộ nghĩnh. Chị bán tạp hoá thỉnh thoảng tôi đến mua lụa, đã cho tôi biết nhiều chuyện về gia đình này. Cứ như chị kể thì xem ra không đẹp lắm. Nhưng công bằng mà nói thì chị hàng tạp hoá này cũng là người ác khẩu và ba hoa. Chị là người cung cấp hàng cho ông bà mà còn nói vậy, giá không thì chị còn nói đến thế nào. Giọng lưỡi người tỉnh lẻ thật quá đáng! Bố của ông chủ trước đây là một nhà sản xuất vải da kiêm chủ ngân hàng ở Louviers. Ông ta gian lận vét sạch túi của nhiều người nên bị vào tù mười năm, và chết ở trong tù. Nhưng trước đấy ông đã để ra được bốn trăm năm mươi nghìn franc vẫn giữ kín. Số tiền ấy khi ông chết thuộc về ông con tức là ông chủ tôi bây giờ. Bố của bà chủ thì còn tệ hại hơn. Ông làm nghề mộ lính. Chị hàng tạp hoá kể rằng việc đi lính thời Napoléon III khác bây giờ. Không phải tất cả mọi người phải đi, gắp thăm trúng ai thì người ấy đi. Những ai không muốn đi thì bỏ tiền thuê người đi thay, thòi gian bẩy năm, nếu gặp lúc chiến tranh thì chết thay. Ai cần thuê người đi thay mình thì đến một nhà chuyên làm việc mộ lính, đưa một số tiền từ một nghìn đến hai nghìn franc tuỳ theo sự hy sinh nhiều hay ít vào thời điểm bấy giờ. Như vậy ở ngay nước Pháp lúc bấy giờ cũng có nghề buôn người da trắng giống như ở châu Phi buôn người da đen. Người ta thiết lập chợ bán thịt người như mở quầy bán thịt lợn... Điều đó cũng chẳng lấy gì làm lạ. Ngày nay chẳng đang còn sở mộ phu và nhà chứa cũng là cửa hàng bán thịt người đó sao? Theo chị hàng tạp hoá thì nghề tuyển người là một nghề rất béo bở nên bố bà chủ kiếm được nhiều. Ông ta rất khôn khéo, chạy chọt đút lót để nắm độc quyền việc mộ lính... Ông làm nghề gian giảo vậy lại khéo luồn lọt chẳng bị tù đày giam cầm gì cả, còn được trọng vọng nữa chứ. Ông còn được cử làm thị trưởng thị trấn Mesnil Roy, làm quyền Chánh án, làm giám đốc xí nghiệp, làm thủ quỹ hội từ thiện, được thưởng huân chương, và ngoài lâu đài Prieuré tậu không mất tiền còn để lại một triệu hai trăm nghìn franc. Bà chủ tôi được một nửa là sáu trăm nghìn, còn một nửa là phần người anh. Bố bà chủ chết đã mười năm rồi. Vậy là hai ông bà có hơn một triệu franc, không phải làm gì, cứ gửi tiết kiệm lấy lãi ăn tiêu củng chỉ hết độ một phần ba. Nhưng ông bà keo kiệt, bủn xỉn hết chỗ nói: bớt xén của người khác và bớt xén cả của chính mình, khấu đầu khấu đuôi các tiền ghi trên hoá đơn, chối phắt những họp đồng miệng, chỉ thừa nhận những hợp đồng bằng văn bản có chữ ký, lật lọng đối với những người cung câp nhỏ không có đủ tiền chịu án phí và những người thấp cổ bé họng... Không bao giờ quyên góp trừ quyên góp cho nhà thờ vì ông bà sùng đạo. Còn đối với người nghèo, có nằm chết ngay trước cửa nhà họ củng mặc, tha hồ cho van xin, cửa vẫn đóng chặt. Chị hàng tạp hoá còn nói giá họ có vét bị của ăn mày được họ cũng không từ, không ân hận, vẫn vui vẻ một cách dã man. Chúng ta chẳng giàu có gì - cũng vẫn lời chị bán hàng tạp hoá - nhưng có mua bánh chúng ta cũng mua bánh sữa. Điều đó là để giữ thể diện và vì lòng tự trọng. Còn ông bà ấy chỉ cho ăn bánh loại bột đen, bánh cho thợ thuyền. Chị bảo vậy có keo kiệt không chứ! Thật là xấu hổ. Giàu có mà vậy! Bà Paumier vợ người thợ gò đã kể lại có lần nghe linh mục trách bà chủ tôi keo kiệt, bà chủ tôi đã trả lời: Thưa cha, cho những người ấy ăn như thế là đủ lắm rồi. Người ta ca thán về bà chủ nhiều. Nhưng về ông chủ thì người ta không nói gì... Người ta không ghét ông... Ai cũng cho rằng nếu ông được phép thì ông sẵn sàng làm phúc, ông sẽ rộng rãi với mọi người. Khốn nỗi ông không có thể làm như thế. Trong nhà ông không có quyền gì cả. Ông không hơn gi những người ở, còn bị ngược đãi là khác, kém cả con mèo, con mèo còn được chiều... Dần dần để được yên thân, ông khước từ mọi quyền làm chủ gia đình, mọi giá trị của người đàn ông chuyển vào bà... Bà cai quản mọi việc, chuồng bò, chuồng ngựa, kho củi, vườn tược, và bà có ý kiến đối với mọi việc. Bà thấy cái gì cũng không vừa ý và luôn luôn cho rằng người ta ăn trộm của bà... Thật không tưởng tượng được. Không ai bắt nạt được bà, bà biết mọi mánh khoé. Bà tự tay trả tiền các hoá đơn, tự thu lợi nhuận, tự chi tiền chợ. Bà biết thủ đoạn như một kế toán già đời, có thể sừng sỏ như một mõ toà, tính toán như một kẻ cho vay nặng lãi. Thật ít ai ngờ. Bà là người giữ lõi, ít khi mở túi để chi, chỉ mở túi để thu vào... Bà không để cho ông tí tiền nào, ngoài một ít đủ để mua thuốc hút. Tội nghiệp cho ông! Sống trên tiền bạc mà ông trắng tay, hơn mọi người ở đâỵ. Vậy mà ông chẳng bao giờ làm khác. Ông nhất nhất tuân theo, không chống đối... Khi bà đi vắng, nếu có người đến đòi tiền hàng, hay người đến xin bố thí, hay người giúp việc xin tiền boa, những lúc ấy ông buồn cười lắm. Ông thọc tay vào túi tìm, rồí đỏ mặt lên xin lỗi. Ông nói, mặt thiểu não: Tôi không có tiền lẻ. Chỉ có giấy một nghìn franc. Anh có tiền lẻ khổng? Không hả? Vậy lúc khác quay lại nhé. Ông nói giấy nghìn francs! Ông nói vậy thôi, chứ một xu dính túi cũng không có. Đến giấy viết thư bà cất trong tủ khoá kỹ, ông cần củng phải hỏi xin. Mỗi lần bà chỉ đưa tờ một mà còn cằn nhằn: Sao ông dùng tốn giấy thế? Viết cho ai mà hết lắm vậy? Điều đáng trách ở ông là tính nhu nhược. Sao ông lại để cho một mụ nội trợ như thế điều khiển. Nhiều lúc bà quát ông cả xóm biết. Chẳng còn ra thể thống gì cả. Bà có bệnh, không thể có con, nên không muốn nghe nói về chuyện ấy. Ông kêu ca lắm... Nhân việc này, người ta phao tin: Một lần xưng tội, bà trình bày với linh mục trường hợp của bà và hỏi linh mục xem bà có thể làm giả với chồng bà được không... Con nói làm giả nghĩa là thế nào? Linh mục hỏi. Con không hiểu rõ lắm, thưa cha, bà lúng túng trả lời... Thủ dâm hay sao ấy mà... Thủ dâm à! Con không biết đó... là một tội chết người sao? - Chính vì vậy mà con muốn xin phép nhà thờ... Vậy hả!... Vậy hả!... Nhưng để xem nào.,, có luôn không?... Chồng con là một người khoẻ mạnh... Có lẽ phải hai lượt một tuần... Hai lượt một tuần?... Nhiều đấy... nhịều quá... Quá lạm đấy... Dù khoẻ thế nào cũng không cần đến một tuần hai lượt... Linh mục lưỡng lự một lúc. Cuối cùng ông nói: Thôi cũng được... ta cho phép... một tuần hai lượt... thủ... thủ... dâm. Với điều kiện một là: các con không được coi việc đó là một khoái lạc... Vâng, con xin hứa, thưa cha... - Hai là... con phải cúng mỗi năm một số tiền là hai trăm francs vào tiền dầu nến để lễ Đức mẹ đồng trinh. Hai trăm francs kia ạ! Bà giẫy nảy: Vậy thôi! Bà kêu lên rồi bỏ về, để mặc linh mục chưng hửng đi dạo một mình. Chị hàng tạp hoá kết thúc câu chuyện ở đấy... Nhưng tại sao ông chủ lại hiền lành đến thế, lại nhu nhược với một người đàn bà không những keo kiệt về tiền tài mà keo kiệt cả về lạc thú? Chị hứa sẽ có lúc nói rõ việc này cho tôi biết. ° ° Đây là một câu chụyện khác về ông bà chủ tôi: Ông chủ cũng có khi muốn là kẻ mạnh, thỉnh thoảng cũng muốn tìm tí thú vui, lại cũng có khi muôn bố thí cho người nghèo, gặp những lúc như thế ông phải có những mưu mẹo rất buồn cười, có khi phải làm chuyện lừa gạt thô bạo và cả chuyện vay mượn liều lĩnh. Nhưng rồi bà chủ phát hiện được, bà đã làm rày rà ông hàng tháng... Những lúc ấy ông ra cánh đồng đi lung tung, khoa chân múa tay như thể điên, rồi bẻ đất ném khắp mọi chỗ, rồi nói lảm nhảm một mình, tối về với vẻ buồn phiền, e lệ, run sợ, mặt cứ cúi gằm xuống đất. Tôi thấy rất buồn, rất lạ là tại sao chị hàng tạp hoá nói nhiều vè những chuyện xâu xa bỉ ổi của gia đình ông bà Lanlaire như vậy, rồi dư luận xôn xao từ người này đến người khác từ nhà này đến nhà khác, từ cửa hàng này đến cửa hàng khác, nhưng ở thành phố này người ta xa lánh ông bà thì ít mà ghen tị với ông bà thì nhiều. Mặc dầu sự giàu có của ông bà là tội lỗi, sự lắm của của ông bà là xấu xa, nhưng lại chính sự giàu có ấy, sự có của ấy đã đem lại cho ông bà sự trọng vọng, sự vênh vang. Gặp ông bà người ta cúi rạp chào, sốt sắng tiếp đón ông bà hơn là đối với những người khác. Người ta đề cao, gọi cái nhà nhơ nhớp hôi hám, bé bằng cái mũi bò của ông bà là "Toà lâu đài". Tôi chắc người nơi khác đến đây để sưu tầm những chuyện lạ của địa phương sẽ được nghe chị hàng tạp hoá trả lời: Vùng chúng tôi có một nhà thờ lộng lẫy, một giếng ăn khang trang và một thứ đặc biệt đẹp đó là gia đình ông bà Lanlaire, một nhà triệu phú, có một toà lâu đài to đẹp. Chúng tôi rất tự hào về những con người đáng yêu ấy... Lòng ngưỡng mộ đồng tiền, tuy là một tư tưởng thấp hèn, nhưng có không chỉ ở tầng lớp thị dân, mà ở cả mọi người chúng ta là những người nghèo hèn, những người kiết xác. Cả tôi đây nữa, vói vẻ bề ngoài ra phết đấy, trông lúc nào cũng như kênh kiệu, hậm hoẹ, tôi cũng không tránh khỏi được điều đó... Tôi là người đã từng bị bọn giàu sang đè nén, áp bức, gây cho tôi nhiều đau khổ, đắng cay, sỉ nhục, ấy vậy mà khi đứng trước một kẻ giàu có, tôi không thể không nhìn hắn ta như một nhân vật đặc biệt, một kỳ tài, trong lòng tôi trào lên một sự sùng bái đối với cái tên trọc phú ngu ngốc, bỉ ổi, vô nhân đạo, vô liêm sỉ ấy... Thê có dở không chứ! Tại sao lại thế? Rời khỏi cửa hàng tạp hoá bẩn thỉu ấy. Tôi cứ nghĩ mãi về cái người đàn bà đã kể cho tôi nghe chuyện về ông bà chủ tôi. Mưa lâm thâm. Da trời vẩn đục như tâm hồn của người đàn bà buôn chuyện ấy. Tôi trượt chân trên gạch lát nhầy nhụa của đường phố. Tôi buồn bực với chị hàng tạp hoá, buồn bực cả mảng trời của tỉnh lẻ, với cả con đường lầy lội đầy bùn mà đôi chân tôi và cả con tim tôi đang lóp ngóp, với cả nỗi buồn khó chữa của cái thành phố bé nhỏ này. Tôi không ngớt lẩm nhẩm một mình: Giờ thì ta đang sạch sẽ... Nhưng ta sẽ ngã.. Đây lại một chuyện nữa: Bà chủ tôi mặc quần áo một mình và chải lấy đầu tóc. Bà vào phòng trang điểm đóng kín cửa không cho tôi vào. Chẳng biết bà làm gì trong đó hàng tiếng đồng hồ... Chiều hôm ấy, tôi cứ gõ cửa. Sau đây là cuộc đối thoại giữa bà và tôi. - Tốc, tốc! - Ai đấy? Giọng bà chua loét, những muốn đấm cho một cái vào họng... - Tôi ạ, thưa bà... - Có việc gì? - Tôi vào dọn dẹp ạ... Dọn rồi... Đi đi... Bao giờ gọi hãy đến... Hoá ra tôi không phải là người hầu phòng ở đây... Vậy thì tôi là gì chứ?... Nhiệm vụ của tôi là gì chứ? Nếu không phải là mặc quần áo, cởi quần áo, chải đầu, chính những việc ấy làm tôi vui với nghề... Tôi cứ muốn mầy mò vào cái áo mặc đêm, cái khăn lau, cái dải mũ, mân mê cái mũ, cái khăn quàng, lau cho bà chủ khi tắm xong thoa phấn, xức nước hoa cho bà, chải tóc, rẽ ngôi, cài trâm cho bà... Bằng những công việc ấy, tôi đã biến bà chủ thành người bạn, người đồng loã, người nô lệ của tôi... bà sẽ trở thành người thân có gì củng thổ lộ hết từ những nỗi vất vả, đắng cay của cuộc đời, những nỗi thất vọng trên đường tình ái, những chuyện thầm kín trong gia đình, những ốm đau bệnh tật... Nếu khéo ra, còn moi được cả những bí mật mà chính bà không ngờ. Vừa có lợi, vừa thích thú. Tôi quan niệm nghề hầu phòng là như thế. Trong số những bà có tiếng là đúng mực là nghiêm túc, là đức hạnh, không hiếm những người khùng điên, sỗ sàng... Thật không ngờ... Cứ vào phòng trang điểm là các mặt nạ sẽ rơi ra, để lộ hết những kẽ hở, những vết nứt... Tôi biết có một bà như thế... Cứ sáng ra, trước khi mặc áo, cứ mỗi chiều bỏ áo ra rồi, bà trần truồng ngắm mình hàng giờ trong gương, ngó trước, nhìn sau... Rồi giương ngực ra đằng trước, quay về đằng sau, giơ bật cánh tay lên trời để cho hai vú chảy dài như hai cái chày... Rồi bà bảo tôi: Célestine, thử nhìn xem. Có còn rắn chắc không? Thật là buồn cười... Cơ thể của bà chủ điêu tàn lắm rồi!... Khi bỏ chiếc áo ra, cởi tấm xu chiêng và những chiếc vú giả, cơ thể của bà như muốn chảy dài thành một chất lỏng nhão nhoét... Bụng bà, mông bà, vú bà đã trống rỗng chỉ còn lại những nắm dăn deo bập bềnh và đầy mỡ... Mông đít như một nắm bọt biển tóp tọp và lỗ chỗ lồi lõm... Tuy vậy trong cái suy sụp của hình hài vẫn còn vương lại vẻ mỹ miều của người phụ nữ đã có thời xinh đẹp và suốt đời sống trong tình ái... Trong cái mù quáng của người phụ nữ đang già đi, bà không nhận ra sự suy tàn không cơ cứu chữa... Bà ra sức trau chuốt, làm đẹp để mời gọi Ái tình và Ái tình đã đến theo tiếng gọi lần chót... Một đôi lần, bà đi về đúng lúc sát bữa ăn, thở hổn hển, vẻ xâu hổ: Mau lên! Mau lên! Muộn rồi! Cởi quần áo cho ta! - bà vội giục tôi. Bà đi đâu về mà nét mặt phờ phạc, hai mắt quầng sâu, đi lảo đảo chỉ muốn ngã rồi đổ vật như một khôi lên chiếc đi văng trong phòng trang điểm. Quần áo trên người bà xốc xếch, bẩn thỉu, chiếc váy quấn vội, chiếc coóc xê mặc trái, bít tất tụt xuống mắt cá chân, nịt tuột. Mái tóc bà rối bù, còn oisnh bông ở gối rơi ra. Phấn trên má, trên miệng long ra từng mảng để lộ những nếp nhăn và những vết xước do hôn... Để đánh tan sự nghi ngờ của tôi, bà ca cẩm: Chả biết thế nào mà lúc ở nhà chị thợ may, ta bị ngất... họ phải cởi quần áo cho ta... Bây giờ vẫn còn thấy mệt... Tôi đã phải giả vờ tin lời bà phân trần và tỏ ra ái ngại. Một buổi sáng tôi đang cùng bà trong phòng thì nghe tiếng gõ cửa. Anh hầu phòng đi vắng nên tôi phải ra mở... Một gã trung tuổi bước vào, dáng điệu thiếu đàng hoàng, vẻ mặt tối tăm, lâng láo, nửa như thợ thuyền, nửa như lưu manh, thường gặp ở xóm Dourlans, chuyên sống nghề chém giết hay làm ma-cô... Trên khuôn mặt xanh nhợt của gã, có bộ ria đen. cổ thắt cavát đỏ. Hai vai nhô lên trong chiếc áo vét rộng thùng thình. Bước đi lạch bạch. Lọt vào khỏi cửa rồi, hắn ta đảo đôi mắt ngơ ngáo trước cảnh giàu có, nhìn khắp căn phòng, dừng lại trên các tấm gương, các bức vẽ, các tấm thảm căng tường... Rồi hắn chìa một bức thư cho tôi để đưa cho bà chủ và bảo tôi giọng lè nhè hông hách: Trả lại luôn đấy nhé! Hắn ta đến vì việc của chính hắn hay do người khác sai? Tôi tự hỏi và loại trừ giả thiết thứ hai. Những người đến vì việc của người khác không có thái độ và kiểu ăn nói hách dịch... Để tôi vào xem bà chủ có ở nhà không, - tôi trả lời một cách khôn khéo như thế và xoay bức thư trong tay. Hắn nói giọng gắt gỏng: Bà ấy có ở nhà đấy, tôi biết. Đừng nói linh tinh! Nhanh lên! Bà chủ cầm lây lá thư đọc... Mặt bà xám ngoét. Với vẻ lo sợ bà lẩm bẩm: Nó đến tận nhà mình?... Có lẽ nó ở phòng chờ à?... Sao nó lại biết địa chỉ của ta thế chứ? Nhưng bà bình tĩnh lại ngay, nói: Cũng chẳng sao... ta không quen biết nó... Một người túng thiếu đấy thôi mà... Mẹ nó sắp chết... Rồi bà mở ngắn kéo, tay run run, lấy ra một tờ một trăm francs và bảo tôi: Đưa luôn ra cho nó... Rõ tội nghiệp! Lạy Chúa! - Tôi nói lí nhí, hôm nay bà chủ rộng rãi với người nghèo quá! - Anh ta gặp vận may thật! Thôi đi đi, - bà quát tôi và đứng bật dậy... Khi tôi quay vào thì thấy bức thư bà chủ xé nhỏ vứt vào lò sưởi đã cháy gần hết... Tôi không biết rỏ thằng cha ấy là ai... Và cũng không bao giờ gạp lại hắn nữa... Nhưng tôi thấy rằng sáng hôm ấy, trước khi mặc áo bà không vào phòng trang điểm và không giơ vú hỏi tôi như mọi khi: cô xem nó có còn rắn chắc không? Suốt ngày hôm ấy bà thơ thẩn một mình, vẻ lo buồn, bực dọc, và sợ hãi. Từ hôm ấy hễ thấy bà về muộn. Tôi lại lo bà bị hại ở một cái quán nào đấy... Cũng có lần tôi nói với ông quản gia đã già và lỏm cỏm, nỗi lo sợ của tôi, ông cằn nhằn: Nhất định rồi củng có ngày!... Nhưng muốn thì sao bà ấy không bảo cánh đàn ông của nhà ta đây, lại đi nhờ bọn macô?.. Hay là nhờ luôn ông chăng? - Tôi nửa đùa nửa thật. Ông già cười ngặt nghẽo nói: Cũng được chứ sao, chỉ một cốc bia thôi. ° ° Bà chủ trước nữa của tôi chuyện lại khác... Chồng bà là một nhà bác học gì đấy, thành viên của một viện hàn lâm nào đó, tôi không được biết. Ông rất chểnh mảng đối với bà... không phải bà xấu, mà trái lại rất xinh, cũng không phải ông theo đuổi các bà khác, ông rất đứng đắn... ông cũng còn rất trẻ, nhưng ít nghĩ đến chuyện ấy... Có khi hàng tháng, hàng mấy tháng chẳng đến với bà... Bà thấy chán ngán. Đêm nào tôi củng phải chải chuốt cho bà thật diêm dúa... áo quần mỏng tang, nước hoa, ngào ngạt... Bà bảo tôi: Đêm nay chắc ông ấy đến, Célestine nhỉ... Cô có biết bây giờ ông ây đang làm gì không? Ông đương ở trong thư viện... Ông đương nghiên cứu... Bà thở dài: Lúc nào cũng ở thư viện, hả trời!... Nhưng bà lại nói: Thế nào đêm nay ông ấy cũng sẽ lại... Trang điểm cho bà xong, tôi thấy bà rất xinh, tôi cũng tự hào cho kỹ thuật làm đẹp của mình. Tôi ngắm bà và nói: Như thế này mà ông không đến thì thật là sai lầm! Chỉ nhìn bà thôi, ông đã thấy mê rồi. Im đi mày! Im đi, tao van! - Bà nói giọng run run. Nhưng ngày hôm sau lại thấy bà buồn, bà khóc, bà than thở. Célestine ơi! Đêm qua ông ấy vẫn không đến... Cả đêm ta đợi ông ấy, mà ông ấy không đến... Như vậy là chẳng bao giờ ông ấy đến nữa... Tôi cô gắng an ủi bà: Ông bận nghiên cứu nên mệt... Các nhà khoa học thường để đầu óc vào chuyện gì kia... không để ý đến chuyện ấy đâu... Bà thử dùng các hình ảnh với ông xem.. Có những bức ảnh mà người đàn ông lạnh nhạt nhất cũng không cưỡng lại được... Không... không... Không làm thế... Hay là những bữa ăn tối, bà chuẩn bị cho ông những món kích thích... Không.... Không... Bà lắc đầu nguầy nguậy... Ông ấy không yêu ta nữa.. Ta khổ quá!... Rồi bà rụt rè và không chút oán ghét, bà hỏi tôi, giọng khẩn khoản: Célestine, em nói thật với ta nhé... Có bao giờ ông ấn em vào góc nhà không?... Ông có ôm hôn em lần nào không? Có lần nào không? Nói thật đi, Célestine! Tôi kêu lên: Không bao giờ, thưa bà. Ông không bao giờ như thế đâu... Tôi lòng dạ nào lại làm cho bà buồn phiền... Em cứ nói thật đi, - bà nói như van nài tôi. - Em là một cô gái xinh đẹp.. Em có đôi mắt tình tứ lắm... Cơ thể em cũng hài hoà lắm.. Bà bắt tôi nắn chân bà, đùi bà, tay bà, ngực bà, hông bà. Bà so sánh từng bộ phận cơ thể bà với từng bộ phận cơ thể tôi. Rồi bà rên rỉ: Trời ơi! Tôi đã già đâu chứ!... Tôi cũng không xấu... Bụng tôi có sồ sề đâu nào... Da thịt tôi vẫn rắn chắc, mềm mại thế này kia mà... Tôi cũng tình tứ lắm chứ!... Rồi bà khóc nấc lên... nằm vật xuống đivăng, vùi đầu vào gối để che tiếng khóc. Rồi bà phụng phịu: Em không yêu ta, Célestine ạ. Em chẳng yêu ta tí nào... Ta khổ quá... Thấy bà khóc nức nở, tôi buột miệng nói: Vào địa vị bà, tôi đi cặp bồ bà ạ. Bà xinh lắm, có duyên lắm... Sao cứ ở vậy!... Bà hoảng sợ vì câu nói của tôi: Mày im đi! Im đi! - bà quát. Bạn bà đều thế cả kia mà! - Tôi nói tiếp. - Chả ai không có tình nhân... Em im đi! Đừng bao giờ nói với ta như thế! Tôi thấy bà cũng đa tình lắm. Với giọng bình tĩnh và trơ tráo tôi gợi lên một người trẻ tuổi rất phong nhã thường đến nhà và nói thêm: Người ấy tình tứ lắm bà ạ... Anh ta rất tế nhị với phụ nữ. Im đi! Đứng nói linh tinh! Thôi tuỳ bà... Tôi nói đây là vi lợi ích của bà... Rồi vẫn kiên trì theo đuổi giấc mơ của mình trong khi ông chủ viết những dãy số dài và vẽ những đường tròn bằng compa dưới ngọn đèn trong phòng thư viện, bà lẩm bẩm: Thế nào đêm nay ông ấy cũng sẽ đến! Ngày nào cũng vậy, trong bữa ăn sáng, câu chuyện thường xuyên giữa bà với tôi là chuyện ấy. Chung quanh họ hỏi tôi: Thế nào? Ông chủ có đến không? Vẫn không... Họ bàn bạc, họ pha trò, họ bông đùa, họ chế giễu, họ cười... Họ còn đánh cuộc nhau bao giờ ông đến... Rồi một ngày kia do một chuyện bất hòa, tôi đã từ giã bà trong điều kiện chẳng hay ho mấy. Tôi lại còn ném vào mặt bà những câu mỉa mai, bêu giếu, những chuyện kín đáo bà nói với tôi, những chuyện thèm khát yêu đương. Tôi còn bịa ra những chuyện sa đoạ mà thật ra bà không có. Ra khỏi nhà bà được mấy hôm tôi đã viết vào một tấm bưu ảnh những dòng sau đây định gửi cho bà: "Tôi báo để bà biết tôi sẽ gửi qua bưu điện những tặng phẩm bà đã trao cho tôi. Tôi nghèo thật nhưng tôi biết tự trọng. Tôi không giữ làm gì mớ giẻ rách hôi hám mà bà đã thải ra. Bà đừng tưởng tôi nghèo thì cho là tôi sẽ mang trên người những tấm váy chỉ đáng vứt ra hố rác. Tôi hân hạnh chào bà..." Nhưng tôi đã không gửi trả lại bà mà đem bán cho chị hàng quần áo cũ. Tôi thật vô ơn và nhẫn tâm. Tôi đã đối đãi tệ bạc với một bà chủ nhà nhân hậu đại lượng, quí mến và giúp đỡ tôi nhiều, một bà chủ rất tốt, tôi khó lòng gặp được một người thứ hai. Bây giờ đến với bà chủ mới, một người đàn bà quá đáng ở một xó tỉnh lẻ này, tôi còn có thể làm ăn gì, có hi vọng gì nữa... Mỗi lúc nghĩ đến những bà chủ cũ, tôi lại thấy tiếc, thấy buồn, những muốn đi khỏi nơi đây cho xong. Có lần đi lên cầu thang gác tôi gặp ông chủ. Hình như ông sắp đi săn. Ông nhìn tôi và hỏi: Thế nào, Célestine? Chị có quen được không? Tôi trả lời: Tôi chưa được biết, thưa ông. Và tôi liều hỏi: Thế còn ông chủ có quen được không? Ông cười. Ông pha trò. Y như trẻ con: Chị phải quen đi, Célestine ạ. Phải quen đi... Đang đà hăng hái, tôi trả lời: Tôi sẽ cố gắng, thưa ông, với sự giúp đỡ của ông. Ông đang định nói thêm gì với tôi. Đôi mắt ông rực sáng như hai hòn than hồng... Vừa lúc ấy bà chủ ở trên đầu cầu thang... Ông chủ chạy đằng ông chủ, tôi chạy đằng tôi... Thật tiếc... Tối hôm ấy, qua khe cửa phòng khách tôi thấy bà chủ nói với ông chủ, giọng thân mật: "Tôi không muốn ông suồng sã với người ở của tôi như thế..." Sao lại "người ở của tôi..." Người ở của bà há chẳng phải là người ở của ông sao?... Kể cũng lạ!